Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2021

Nguyễn Xuân Vinh với tập thơ "Về lại dòng sông"

Nguyễn Xuân Vinh với tập thơ
"Về lại dòng sông"

Nguyễn Xuân Vinh đến với thơ khá muộn, từ khi nghỉ hưu (năm 2009) anh mới có thời gian giành nhiều cho thơ. Đến với thơ chưa lâu, nhưng “Về lại dòng sông” là tập thơ thứ hai anh cho ra mắt bạn đọc. Từng là lính đã qua chiến tranh chống Mỹ cứu nước, rời quân ngũ về địa phương anh tham gia, đảm trách nhiều cương vị công tác khác nhau. Thời gian và vốn sống đã tích lũy được ấy có lẽ bây giờ mới có dịp để Nguyễn Xuân Vinh tung tẩy theo những xúc cảm của mình qua “Về Lại dòng sông”:
…”Ước gì về lại dòng Sông/ Cho ta ngụp lặn đục trong đôi bờ/ Ước gì còn mãi tuổi thơ/ Chăn trâu, đuổi bướm, đùa nô cánh diều…/ Bâng khuâng tiếc nuối bao điều/ Dẻo thơm cơm mới, nhớ chiều khói lam!” (Về lại dòng sông)
Thật xúc động khi đọc những câu thơ tưởng như tưng tửng mà ẩn chứa bao hàm ý sâu xa của Nguyễn Xuân Vinh viết về các cô gái TNXP không chồng với những hy sinh mất mát mà các chị đã phải gánh chịu.
“Lỡ thì thôi chẳng lấy chồng/ Em tôi ở vậy chăm vồng cải non/ Mong cho ai nấy vuông tròn/ Em tôi nguyện giữ sắt son trọn đời…/… Về nhà cùng bếp với nồi/ Một mình một bóng em tôi lặng thầm/ Nhớ xưa cái tuổi trăng rằm/ Em đi mở tuyến tháng năm chiến trường/ Bây giờ gối chiếc chăn đơn/ Nghe ngoài hiên cửa gió vờn thâu đêm…”/ (Em tôi)
Có thấu được tận cùng nỗi đau đơn chiếc thì Nguyễn Xuân Vinh mới viết được những câu thơ chan chứa tình người mà cũng không kém phần bi tráng, xót xa như thế.
Cảm hứng thơ của Nguyễn Xuân Vinh luôn được bật lên từ những chi tiết tưởng chừng rất nhỏ - Xem đài truyền hình Việt Nam đưa tin một em bé qua đời ở Hà Tĩnh cũng khiến anh xúc động:   
“Nghe đài, báo từ quê hương Hà Tĩnh/ Có em thơ bỗng chốc qua đời */ Có người bảo em đi vì đói/ Người lại bảo không! Chỉ nghèo thôi **…/…Tiếng đàn bầu vẫn thon thả đấy thôi/ Như gợi nhớ những lời xưa tiên tổ/ Không sợ giặc, chỉ sợ nghèo, sợ đói/ Nỗi đau này có đánh thức được lương tri?...”/ (Nỗi đau này đâu của riêng ai).
Hay khi thấy các tỉnh miền trung bị bão lũ hoành hành:
“Miền trung! Ơi miền trung!/ Mưa lũ đang ngập tràn/ Ta góp lại tấm chăn, manh áo/ Ta góp lại đồng tiền hạt gạo/ Cho vơi nỗi buồn khúc ruột Rồng - Tiên”…/ (Lũ miền trung nỗi đau nhân thế).
Phải là tình bạn bè thật keo sơn gắn bó thì Nguyễn Xuân Vinh mới viết được những vần thơ đầy nỗi niềm thương cảm khôn nguôi khi tưởng nhớ về người bạn đồng niên quá cố của mình:
“Chiều thu ngồi “đếm lá rơi”/ Có bao nhiêu lá về nơi cuối trời/ Chén nồng, uống mãi chẳng vơi/ Nâng lên đặt xuống lòng tôi - trĩu lòng/ Tiễn anh nước mắt lưng tròng/ Xót thương bạn hữu có cùng một niên*…/…Bây giờ ngồi ngẫm xa xăm/ Hữu tình xưa ấy tháng năm đâu rồi?/ Lẽ nào rượu chỉ mình tôi?/ Dốc chai nhờ đất cùng người khuất xa!”/ (Nhớ họa sĩ Đình Khánh)
Nguyễn Xuân Vinh không câu nệ trong chọn và thể hiện đề tài, chỉ giản đơn như tình nghĩa thày trò, tình cảm ông cháu, vợ chồng, cha con, anh em, bè bạn v.v... Tất cả đều có thể thành cảm hứng cho anh viết. Với vốn sống từng trải nghiệm, anh đã thành công trong những chủ đề như có phần vặt vãnh mà không hề dễ viết này. Điều đó thể hiện rất rõ qua các bài: “Tặng vợ”, “Ông và cháu”, “Nói với con”, “Nỗi niềm của cha”, “Với đích tôn”…
Một điều không thể không ghi nhận là 27 bài thơ lục bát có mặt trong tập đã góp phần tôn lên sự chững chạc trong “Về lại dòng sông” của Nguyễn Xuân Vinh. Những bài “Nhớ bu”, “Em tôi”, “Gửi lại kinh thư”, “Chuyện cùng con gái”, “Tặng Vợ” v.v... Người đọc đã cảm nhận được xúc cảm chân thành qua sự dung dị nhẹ nhàng trong những áng thơ lục bát tâm huyết của anh. 
Để có được tập thơ “Về lại dòng sông” với 68 bài như Nguyễn Xuân Vinh đã trình làng. Khoan bàn đến chất lượng của tập, hãy nhìn mốc thời gian sáng tác anh ghi ở cuối mỗi bài. (“Năm mươi năm ơn thày”  ngày 17-01-2009)… đến (“Hoa sữa tinh khôi” ngày 13-10-2016) - Mới thấy sức lao động miệt mài của anh trên cánh đồng chữ trong suốt tám năm thật đáng trân trọng biết bao. Nhưng có lẽ, vì muốn cho tập thơ có số bài cùng với tuổi 68 của mình, nên đã không tránh khỏi sự dàn trải, ảnh hưởng đến chất lượng toàn tập. Tôi có cảm nhận lục bát là thế mạnh của Nguyễn Xuân Vinh, nhưng tiếc là trong một số bài lẽ ra anh có thể viết hay hơn, nhưng sự dễ dãi trong ép vần đã làm giảm đi sự cảm nhận của bạn đọc.
Đọc thơ, thưởng thức thơ là tùy ở sự lựa chọn của mỗi người. Với những lời bộc bạch của Nguyễn Xuân Vinh ở đầu sách: “Tôi không phải là nhà văn, càng không phải nhà thơ. Những bài viết trong cuốn sách này chỉ là gom lại những câu, những từ để giãi bày tâm sự mà tôi đã trải nghiệm qua gần 70 năm cuộc đời. Xin… giới thiệu và góp vui cùng bạn đọc”. Chỉ thế thì “Về lại dòng sông” của Nguyễn Xuân Vinh đã vượt qua sự mong đợi của anh và ít nhiều đã chiếm được cảm tình trong lòng người đọc. Chúc anh có thêm nhiều bài thơ hay để khỏi phụ lòng yêu mến của độc giả!.                                                                    
22/6/2017
Nguyễn Ngọc Huấn 
Theo https://www.quangninh.gov.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...