Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2021

Tiếng lòng người đi biển

Tiếng lòng người đi biển

Biển vẫn vậy, chẳng lúc nào thôi biếc xanh và thôi dập dờn sóng nước, so với những mảng màu, sắc xanh dương sao yên bình đến thế, mặt trời như lặn khuất chân mây, lại như vẫn vươn mình nơi con sóng biếc, đi dọc bờ cát dài bỗng thấy mình mỏng manh như vô tận, khắc lên mảng màu dịu êm của chiều tà là hình ảnh lầm lũi của những ngư dân bên con thuyền đỗ bến, chợt thấy bình yên lạ, như tiếng lòng của những hồn quê chân chất yêu thương, biển muôn đời như vòng tay mẹ bao dung khiến cho lòng người thêm tĩnh lặng.
Dân làng chài Châu Thuận đan lưới chuẩn bị ra khơi

Cái nghiệp trời phú
Dưới nắng chiều oi ả dọc bãi cát miền Trung, chúng tôi tìm về làng chài Châu Thuận, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, thấp thoáng xa xa là hình ảnh của những đứa trẻ nô đùa trên nền lưới như khắc sâu vào lòng xúc cảm với biển, những cụ già ngồi đan lưới, những ngư dân chuẩn bị lưới cụ cho chuyến hành trình sắp đến, tất cả như nhưng mảng màu đẹp mắt trên nền bức tranh đậm màu xanh cánh sóng. Ngoài kia, nơi những ngọn sóng đang vội vã xô bờ, lớp này xô lớp khác, những con tàu dập dờn sóng nước mênh mông, sắc đỏ sao vàng trên nền trời xanh thẳm tạo cho nơi đây một khung cảnh thanh bình, yên ả. 
Được biết, đối với dân chài ở đây, một năm họ chỉ ra khơi bám biển 6 tháng, còn lại 6 tháng họ dành thời gian cho việc tân trang, chuẩn bị ngư lưới cụ mùa sau, đây là khâu quan trọng nhất đảm bảo cho chuyến đi thuận buồm xuôi gió. Với ngư dân nơi đây, sóng gió biển khơi không ngăn được bước chân lòng người bám biển, bởi tự bao đời, biển đã là quê hương, là một phần máu thịt của cha anh, biển như vòng tay mẹ hiền ôm ấp những mưu sinh, gánh nặng đường đời hòa chung vị mặn chát biển khơi, khoang cá đầy vơi không khiến họ nản lòng thoái chí, tựa như nghiệp đời gắn bó mãi ngàn năm. Biển nuôi dưỡng ngư dân, khiến họ gắn bó, kế thừa truyền thống của cha anh, có người mới chập chững vào nghề, lại có người gắn bó gần hết đời mình với biển.
Chúng tôi gặp gỡ ông Ba Khì, nhìn vào ông có lẽ không ai nhận ra cái vẻ ngoài rắn chắc nhưng cũng già nua ấy đã bước sang tuổi lục tuần, có lẽ biển đã vắt kiệt vẻ ngoài của ông, khi nghe chúng tôi hỏi ông cho hay ông bắt đầu bám biển từ năm 14 tuổi với chiếc ghe thô sơ, tích góp nhờ biển, ông Ba Khì ở xã Bình Châu giờ đây đã sắm được chiếc thuyền mới, mang biển số Qng 90331Ts với mã lực 165 CV. Và dù đã ở tuổi 64 nhưng sóng gió biển cả vẫn không ngăn được bước chân ông Ba hướng ra khơi. Ông nói “Hồi cái ghe nhỏ làm miết, giờ đến máy móc lớn vẫn đánh bắt, truyền thống giờ giao cho con, phải làm biển để có ăn, mọi thứ có được đều nhờ và biển. Biển thì lắm lúc phong ba bão tố nhưng nếu mình sợ thì làm sao mình làm biển được. Biển là quê hương của chú, đáy lòng của chú, nguyện vọng ao ước của chú là bám biển. Mà bây giờ chú không còn làm được, chú vẫn ao ước đi với con cháu để có trường hợp gặp sóng gió mình còn được bình tĩnh hơn chúng nó nữa”. Biển tạo cho ông niềm tin chắc chắn, sự bình tĩnh những khi đối mặt với sóng gió muôn trùng, dù tuổi đã cao nhưng một niềm tin không bao giờ tắt đó là bám biển, không chỉ để mưu sinh mà còn là khát vọng cháy bỏng, là tình yêu đối với chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Một người khác cũng có hơn 40 năm gắn bó với biển cả, đó là ông Tiêu Minh Thuận, nếu như với ông Ba Khìn thì biển là tấc đất, là quê hương thì với ông Bảy Thuận, những mẻ cá lớn chính là động lực để ông duy trì, nối gót những mùa trăng ra khơi: Nhiều trận thắng lợi mình mới yêu nghề được. Yêu nghề hay không là nhiều cái mẻ lưới, mình ham đó nên mình yêu nghề, nên không thể bỏ biển được. Hình như 100 ngàn sức mạnh vô bản thân mình, rất thỏa mái, dù có thức 1 đêm mặc dầu hay mấy đêm mặc dầu chứ mà có 1, 2 mẻ lưới mà nó đậm đậm rồi là mình không cảm thấy mệt nữa.
Dù với lý do gì đi chăng nữa thì bám biển vẫn cứ là mục tiêu cuối cùng của họ, ở đâu có biển thì ở đó bám biển, đâu kể bây giờ, ông Thuận kể, “Ngày xa xưa ông bà chú kể lại lúc đó còn dùng thuyền buồm chứ không có thuyền máy mã lực lớn như bây giờ, vậy mà họ cũng rủ năm mười người thay nhau chèo chống ra tới Hoàng Sa mà bám biển, mà sinh sống, cái nghiệp biển gắn bó bao đời rồi, xưa bày nay bắt chước thôi, biển là môi sinh, mạch sống của ngư dân bao đời rồi”.
Biển như cái nghiệp trời phú cho họ, họ không thể xa rời dù nay tuổi đã cao, không còn sức trẻ như xưa nhưng họ vẫn mang trong mình dòng máu không xa rời với biển, không đi xa thì đánh lưới gần bờ, dù chỉ với chiếc thuyền thúng tròng trành hay cái  gì đi chăng nữa họ vẫn không bỏ biển được, tựa như là máu thịt khắc sâu rồi.
Trãi lòng với biển…
Khi nghe chúng tôi hỏi về tình hình biển Đông và những mưu đồ bất chính của Trung Quốc đối với chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, họ, những con người chân chất vị biển bỗng bùng lên xúc cảm khó chịu cùng phẫn nộ, với họ chủ quyền của mình ở đâu là nơi đời sống của mình ở đó, chẳng lẽ dân mình lại sợ Trung Quốc sao, vậy nên mình phải giữ, cương quyết giữ, giữ không phải chỉ cho mình mà còn là phần tài sản để lại cho các thế hệ sau, đời cha ông gắn bó với biển, đời nay sống trầm mình với biển thì đời con cháu ngày sau nếu không có gì đổi khác thì cũng nối nghiệp gia đình, nối nghiệp biển cả, làm sao bỏ được biển khi mà những ân huệ biển dành cho mình chẳng thể nào vơi, tựa như con sông cuộn mình mùa lũ. Với họ, hãy còn chất chứa một niềm mong muốn: “Ở đâu có dân Việt Nam thì Đảng, Nhà nước ta phải quán triệt rõ, ở đâu có biển, ở đó ngư dân phải bám biển, không thể để cho Trung Quốc lấn đất, lấn nhà mình được, họ đến gần gần là đã khó chịu rồi chứ đừng nói là xâm lược, phải đối phó cho họ thấy kẻo họ bảo mình hiền”. Có lẽ tình yêu biển đã khắc sâu vào máu thịt của họ đòi hỏi trong tim họ vẫn mãi sôi lên dòng nhiệt huyết bảo vệ từng nóc nhà, từng tất đất quê hương, những người con của biển mãi muốn mình còn đủ sức khỏe để neo đậu bến quê hương, che chở cho đời mình và cả thế hệ mai sau.
Rời đi làng chài Châu Thuận nhỏ bé, chúng tôi hòa vào xô bồ cuộc sống nhưng cái tình đọng lại trong chúng tôi là lòng yêu biển khôn nguôi của những con người mái tóc hoa râm nhưng vẫn mong được ngày ngày bám biển, hình ảnh những em thơ chơi đùa trên mẻ lưới chiều hạ về khoang cá đầy vơi như ám ảnh chúng tôi rằng một ngày không xa nữa, chúng, những đứa trẻ làng chài lại vươn mình trên cánh sóng ra khơi, bởi những ân huệ biển đã dành cho cha ông chúng và dành cho chúng ngày sau. Chợt nghe văng vẳng đâu đây khúc hát ân tình dành cho biển, những con tàu vẫn hướng mãi ra khơi, giữ cho mình màu xanh yêu yêu thương:
Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả
Những chàng trai ra đảo đã quên mình
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi…
6/7/2018
Nguồn: Làng mới
Theo http://hoinongdan.org.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...