Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021

Xuân Diệu: "Vua" thơ tình - "Chúa" thơ yêu và hai thi phẩm đặc biệt

Xuân Diệu: "Vua" thơ tình - "Chúa"
thơ yêu và hai thi phẩm đặc biệt...

Nói về Thơ Tình - Từ  thời Tiền chiến (1930 - 1945) cho đến tận hôm nay, dư luận độc giả cho rằng không nhà thơ Việt Nam nào có thể vượt qua Thi sĩ Xuân Diệu. Có người đã mệnh danh Xuân Diệu là ’’vua’’ Thơ tình, ’’Chúa’’ Thơ Yêu. Thơ của ông dành tất cả cho tình yêu đôi lứa. Lần giở các trang tác phẩm của Xuân Diệu rồi làm một bản thống kê những bài thơ tình trong hơn 50 năm ông cầm bút - từ đầu thập niên 30 đến cuối thập niên 80 của thế kỷ 20 - người đọc chọn được rất nhiều bài thơ tình xuất sắc, có thể nói không ngoa: Đó là những thi phẩm ‘’Hay nhất thế kỷ’’.
Trong cuốn Thi Nhân Việt Nam (TNVN) xuất bản năm 1942, nhà biên khảo Hoài Thanh đã tuyển  chọn của Xuân Diệu tới 15 bài thơ, mà ông cho là hay (tới thời điểm đó) - Số thơ tuyển nhiều nhất so với tất cả 45 nhà thơ có mặt trong TNVN. Người đọc cũng đồng tình với đánh giá của Hoài Thanh về Thơ Tình Xuân Diệu. Nổi bật nhất là các bài: Chiều, Huyền diệu, Tương Tư Chiều, Lời Kỹ Nữ...
Ngay từ khi xuất hiện trên Thi đàn, và lúc trở thành một trong Bát Tú (của Tự Lực Văn Đoàn) - người yêu thơ Xuân Diệu cứ vương vấn câu hỏi: Đây là nhà thơ ’’Nam tử’’, mà sao ’’tạng thơ’’ lại giống nhà thơ Nữ - đến thế? Các bài thơ, ngôn ngữ xử dụng, tâm trạng của tác giả diễn đạt trong các câu thơ, tình cảm lai láng, tràn đầy yêu thương - rất giống phong cách của Nữ Thi Sĩ. Thế rồi... khoảng giữa thập niên 1930, đọc bài Tình Trai của tác giả, ta thoáng ngỡ ngàng... chợt bừng tỉnh, lờ mờ nhận ra khi Xuân Diệu ca ngợi mối tình của hai người con trai ’’yêu nhau’’- hai thi sĩ người Pháp: Rimbaud, Varleine - điều ngược lại quan niệm của dư luận xã hội thời đó?
Tình Trai là một đoạn lý giải, bào chữa cho một tình yêu ’’ngang trái’’. Cách đây hơn hai phần ba thế kỷ - người Việt chưa có quan niệm đầy đủ về Đồng tính luyến ái (Chuyển giới tính). Thấy hai người đồng giới bên nhau, yêu nhau, người đời xem họ như những ’’quái nhân’’. Bởi vậy, người đồng tính luôn luôn mặc cảm, thấy bất an, giấu diếm tình cảm của mình. Một trạng thái tâm sinh lý rất bình thường của con người mà phải đè nén, kìm giữ sẽ vô cùng đau khổ. 
Tình Trai là lời tâm tình - đồng tình - của tác giả với cuộc tình đồng giới. Đó là lời khẳng định dứt khoát trước dư luận - Quyền được sống, được yêu của mọi người cho dù là Đồng tính:
Hai chàng nam tử - Thi sĩ - yêu nhau. Yêu nhau khi bị tiếng sét ái tình ‘’xẹt’’ nổ. Họ say nhau như say làm thơ, bất chấp dư luận. Họ sánh vai nhau bước hiên ngang trên đường đời. Hai người nương tựa, dắt tay nhau vượt qua bảo tố, gió sương. Họ thấy lòng được sưởi ấm, tươi đẹp, ngát hương. Không cần suy tính thiệt hơn, so sánh trước sau, gạt bỏ mọi vấn vương, bất chấp hiểm nguy: Họ nguyện cùng nhau đi đến tận cùng của cuộc đời:
TÌNH TRAI
Tôi nhớ Rimbaud với Varlaine
Hai chàng thi sĩ choáng hơi men
Say thơ xa lạ, mê tình bạn
Khinh rẻ khuôn mòn, bỏ lối quen
Những bước song song xéo dặm trường
Đôi hồn tươi đậm ngát hoa hương
Họ đi, tay yếu trong tay mạnh
Nghe hát ân tình giữa gió sương
Kể chi truyện trước với người sau
Quên ngó môi son với áo mầu
Thây kệ thiên đường và địa ngục
Không hề mặc cả, họ yêu nhau!
(Thơ thơ in lần thứ hai 193…)
Thời gian trôi đi…
Chuyện hai chàng trai yêu nhau dần phai...
Người yêu thơ tình cũng thưa nhạt vì thời cuộc chuyển vận dữ dội, áp lực đến cuộc sống với nhiều thúc ép… Tác giả Tình Trai chắc cũng cố đè nén… đè nén… rồi đi Kháng chiến. Cuộc Kháng chiến chống Pháp đã gắn Xuân Diệu cùng các Văn Nghệ Sĩ sống chung với nhau trong rừng - Xuân Diệu cảm hứng gọi nơi ở của mình và các bạn là là ’’U tì Quốc’’ - Nước (vùng đất) Tối Tăm. Có thể lúc này sự chuyển giới tính của ông đã đến độ hoàn chỉnh. Không thể kìm giữ, ông đã bộc lộ bằng những bột phát tình cảm, tình yêu với nhiều bạn đồng giới - đặc biệt với Tô Hoài…
Tác giả Dế Mèn Phiêu Lưu Ký lừng danh - đã kể lại cái đêm ’’Huyền Diệu, quái quỷ’’ kia ở 4 trang sách (240 - 243) trong Cát Bụi Chân Ai (CBCA). Ông ‘’dũng cảm’’ tả lại tỉ mỉ cuộc làm tình trong đêm của ông và Xuân Diệu… Đây là đoạn ‘’dữ dội’’ - nhưng rất chân thực - làm người đọc ‘’nghẹt thở… rợn người’’: 
‘’… chẳng còn biết đương ở đâu, mình là ai, ta là ai, hai cơ thể con người quằn quại, quấn quýt, cánh tay, cặp đùi thừng chão trói nhau lại, thít lại, giăng ra. Niềm hoan lạc trong tôi vỡ ra, lên cơn dữ dội, dằn ngửa cái xác thịt kia, tôi rời ra thống khoái im lặng… Giữa lúc ấy hai bàn tay mềm như lụa… bò vào mắt, vuốt xuống vú, xuống rốn, xuống bẹn… Cơn sướng cờn lên cho đến lúc ngã cả ra, rúc vào nhau… tôi lử lả rên ư… ử như con điếm  mê tơi không nhớ nổi người thứ mấy, thứ mấy nữa…
… Mọi công việc cơ quan lặng lẽ, nhưng cứ tối đến thì nháo lên, nhào lên  một cách âm thầm. Các chàng trai trẻ chạy trốn, dạt vào ngủ lang trong xóm…
… Cuộc kiểm điểm Xuân Diệu kéo dài hai tối... Xuân Diệu chỉ ngồi khóc. Chẳng biết Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng và mấy thằng nữa… có ai ngủ với Xuân Diệu không? Tất nhiên không ai nói ra. Tôi cũng câm như hến…’’.
Sau đó Xuân Diệu bị đem ra kiểm thảo, bị lên án ‘’Tư tưởng Tiểu tư sản’’ …
‘’… Xuân Diệu nức nở, nói: Đấy là Tình Trai của tôi… tình trai… rồi nghẹn lời, nước mắt ứa ra… ít lâu sau, trong một buổi họp chấp hành, Xuân Diệu bi đưa ra khỏi Ban Thường Vụ… (Hội Văn hóa Cứu quốc)’’ (1).   
Sau lần kiểm điểm đó, Xuân Diệu ép mình lại, đau khổ chịu đựng…
Kháng chiến chống Pháp kết thúc, Văn Nghệ Sĩ từ ‘’U tì quốc’’  kéo nhau về Hà Nội. Câu chuyện kia được các bạn và nhất là Tô Hoài giữ kín nên Xuân Diệu mới có cuộc tình đơm hoa kết trái với Đạo diễn Bạch Diệp. Tất nhiên sau đó bà Đạo diễn phải chia tay Thi sĩ họ Ngô… Gần đây trên báo chí, bà Bạch Diệp công bố những trang tư liệu về cuộc hôn nhân của bà, về sự tan vỡ hôn nhân với nhà thơ… Nhiều người chứng kiến, kể lại: Khi Xuân Diệu mất, bà đến viếng ông một vòng hoa Trắng…
Đồng tính - Chuyển giới tính - ‘’lại Cái’’ là cách gọi khác của dân gian. Họ đâu phải là tôi lỗi, họ đâu muốn! Đồng Tính là một trạng thái tâm sinh lý do tố chất của bố mẹ tạo ra cho con cái… người không may bị hứng chịu, phải lãnh nhận, chào thua sự an bài số mệnh! Nhưng tri thức của thời đại mới chỉ đến thế… quan niệm của con người đương thời như vậy - đành cam chịu! 
Cũng phải nhiều năm sau khi Tô Hoài hoàn thành CBCA, nhất là khi Xuân Diệu đã về cõi vĩnh hằng, không khí văn trường Việt Nam đã cởi mở hơn - CBCA mới được xuất bản, quảng bá và độc giả yêu Dế mèn Phiêu Lưu Ký, yêu thơ tình Xuân Diệu mới được đọc các trang bút kí sinh động của Tô Hoài, qua đó biết đến Xuân Diệu một cách đầy đủ hơn...
Đó là về sau này.  
Ta cùng nhau trở lại thời điểm 1965 - lúc bài thơ EM ĐI ra đời.
Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ (tháng 2/1965), cuộc chiến tranh bằng không quân của Hoa kỳ với miền Bắc được đẩy tới tới điểm đỉnh. Toàn miền Bắc rùng rùng chuyển động, vào cuộc chiến bằng tổng động viên lần thứ nhất. Hàng trăm nghìn thanh niên ra trận... Cuộc chia tay của nhà thơ với chàng trai Hoàng Cát diễn ra trên sân Ga Hàng cỏ khiến Thi sĩ xúc động mãnh liệt. Sau những ngày ‘’tình trai’’ bị nén lại… bây giờ - dù tóc đã điểm sương (2), đã có danh vị, thứ hạng trên thì đàn miến Bắc, (3) Xuân Diệu mạnh dạn bứt ra trước đè nén của quá khứ, từ buổi tiễn đưa trở về: EM ĐI - ra đời.
Bài thơ như giải tỏa của nỗi lòng đã từ lâu bị ức chế, giờ bột phát trước khung cảnh chia ly, tiễn biệt. Thời đó, dù giữ kín trong lòng, người đi tiễn thân nhân ra trận, đa số đều nghĩ cuộc ra đi của những chàng trai tràn đầy sức thanh xuân, có thể không có ngày về, như câu nói của người xưa, ai nấy đều tâm đắc: Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi? (Xưa nay ra trận mấy ai về). 
Viết xong EM ĐI, tác giả vẫn không công bố. Có lẽ những ấn tượng nặng nề năm xưa (…) vẫn chế ngự ông. Phải 24 năm sau - Tết Kỷ Tỵ năm 1989, khi tác giả EM ĐI đã vào cõi vĩnh hằng - Báo Nhân dân mới đăng tải bài thơ, lục được từ  trong di cảo của Xuân Diệu.
Nếu Tình Trai chỉ là lý giải về tình yêu Đồng Tính, thì EM ĐI là lời tha thiết yêu thương… yêu thương nồng nàn của ‘’một phụ nữ’’ - có thể xem như lời của người Chị tiễn em lên đường vào chiến trường. (Phải chăng, Hoàng Cát - Xuân Diệu đề tựa trong EM ĐI - chính là anh thương binh Hoàng Cát, nhà Văn, với cái án văn chương Cây Táo Ông Lành - không có văn bản phán quyết)?
Nếu ta thay, hoán đổi hai đại từ nhân xưng ‘’ANH’’ - ‘’EM" trong EM ĐI - cho nhau. Nếu trí tưởng tượng của người đọc bay bổng hơn… sẽ nhận ra nhà thơ như người phụ nữ - đang nói với người chồng, người yêu -  khi chia tay. 
Từ những thập niên 50, 60,70 của thế kỳ 20 - hiện tượng Đồng tính luyến ái ở miền Bắc rất ít thấy. Hoặc có, nhưng người bị bệnh cố giấu diếm, ráng chịu một mình. Tôi nhớ rõ, ở Hà Nội chỉ nổi lên hai người, dân Bắc gọi là ‘’Đồng cô’’. Một người trẻ tuổi, đang học đại học bỗng chuyển giới tính. ‘’Cô’’ (Anh) - con một ông chủ giàu có, có cửa hàng to lớn nằm trên một đại lộ sầm uất ở trung tâm thủ đô. Người kia là chủ một quán ăn… Điều thú vị khiến nhiều người tới cửa hàng ăn của ông chủ này thưởng thức bát phở Mọc ngon có tiếng - thì ít, mà xem mặt ’’Đồng cô - ông chủ‘’ - thì nhiều. Xem, gặp mặt xong, ai cũng cảm thấy lạ vì ‘’Đồng Cô’’ vẫn có vợ, có con. Nhưng tính cách, nói năng khi bán hàng, quan hệ giao tiếp với xung quanh, thì… ‘’ông’’ hoàn toàn giống một ‘’Bà’’ bán phở thực thụ…
Dư luận rộng rãi của xã hội và những người yêu quý Xuân Diệu không biết gì về việc chuyển giới tính của ông - ngoại trừ số ít trong giời nhà văn, nhà thơ. TÌNH TRAI được nhắc lại, EM ĐI, Cát Bụi Chân Ai được công bố… có thể coi đó là tư liệu quan trọng, là lời khẳng định… liên quan đến cuộc đời đầy bi kịch cá nhân của thi sĩ tài danh bị Đồng tính luyến ái.
Qua bài thơ EM ĐI, tin rằng lúc đó tình cảm của thi sĩ thật rạt rào, vượt lên trên tất cả để viết được những dòng yêu thương đằm thắm, làm người đọc xúc động, ray rứt.
EM ĐI dài 24 câu, 6 khổ, thể thất ngôn tứ tuyệt:
EM ĐI 
Tặng Hoàng Cát
Em đi, để tấm lòng son mãi...
Như ánh đèn chong, như ngôi sao
Em đi, một tấm lòng lưu lại
Anh nhớ thương em, lệ muốn trào.
Ôi Cát! Hôm vừa tiễn ở ga
Chưa chi ta đã phải chia xa!
Nụ cười em nở, tay em vẫy,
Ôi mặt em thương như đoa hoa!
Em hỡi! đường kia vướng những gì
Mà anh mang nặng bước em đi!
Em ơi! anh thấy như anh đứng
Ôm mãi chân em chẳng chịu lìa.
Nhưng bóng em đi khuất khuất rồi,
Đứt lìa khúc ruột của anh thôi
Tình ta như mối dây muôn dặm
Buộc mãi đôi chân dẫu cách rời.
Em hẹn sau đây sẽ trở về
Sống cùng anh lại, những say mê...
Áo chăn em gửi cho anh giữ,
Xin gửi cùng em cả hẹn thề!
Một tấm lòng em sâu biết bao
Để anh thương mãi, biết làm sao
Em đi xa cách, em ơi Cát!
Em chớ buồn, nghe! Anh nhớ, Yêu!
Đêm 11/7/1965 - 23 giờ 30
(Báo Nhân Dân số Tết Kỷ Tỵ 1989)
Xuân Diệu từ biệt chúng ta đã gần 20 năm
Cho tới khi nhắm mắt xuôi tay, nhà thơ tài danh của dòng Thơ Tình, Việt Nam - vẫn chỉ để lại hình ảnh đẹp, rực rỡ trong con mắt người yêu thơ. Ai biết đâu, đời ông lại nhiều bi kịch cá nhân đến thế? Thiết nghĩ, người yêu thơ Xuân Diệu cần  biết rõ về ông hơn những gì đã bị thời gian xóa nhòa… bị che đậy trong đau khổ, ức chế…
Chúng ta đọc tác phẩm ông viết, những trang tư liệu chân thực về ông, càng thêm thương tiếc cho một đời Thơ tài hoa, khi tạo hóa không cho được hưởng quyền sống như mọi người bình thường khác khiến Thi sĩ phải âm thầm chịu đựng, kìm giữ, che đậy suốt cuộc đời.
Bài viết này là bó hương thắp, cúng ‘’Vua thơ Tình, Chúa thơ Yêu’’. Liệu ở nơi chín suối, nhà thơ có sẽ ngậm cười, vì ngày hôm nay độc giả yêu quý ông, biết rõ hơn về ông - không? Họ hiểu hoàn cảnh bi thảm của một con người tài năng, bị bệnh tật, lại càng  thương, nhớ Thi sĩ hơn!    
Nguyễn Du - Nhà thơ lớn của dân tộc, đã giãi bày nỗi lòng, lo lắng lúc sắp trở về cõi hư không - bằng hai câu thơ, làm người đọc Việt Nam xúc động: 
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Tạm dịch:
Ba trăm năm nữa còn ai nhớ,
Đời có còn ai khóc Tố Như?

Người yêu Văn Thơ Việt Nam - các thế hệ đời đời nối tiếp - Đã, Đang và Sẽ vẫn yêu thích Truyện Kiều, vẫn nhớ tác giả Tố Như. Hơn 70 năm qua, người yêu thơ tình Việt Nam cũng đã đọc, say mê Thơ Xuân Diệu. Tin rằng trong tương lai sẽ có nhiều người đọc, nghiên cứu và…  ‘’khấp’’ Xuân Diệu, như đã từng ‘’khấp’’ Đại Thi hào dân tộc: Nguyễn Du - Tố Như!.
(Viết nhân kỷ niệm 43 năm (5.8.1964 - 5.8.2007) - ngày đầu tiên nổ ra cuộc chiến tranh của không lực Hoa Kỳ với miền Bắc, ném những quả bom đầu tiên, An vơ ret là Phi công Mỹ đầu tiên - rơi xuống Bãi Cháy, cửa Dứa, Hồng Gai, Quảng Ninh).
Chú thích: 
(1) Những dòng của đoạn văn này, lấy trong Cát Bụi Chân Ai  của Tô Hoài , trang 240 - 243 - NXB Hội Nhà Văn năm 2000.
(2) Xuân Diệu sinh năm 1917. Hoàng cát sinh năm 1942.
(3) Trong tập sách 101 chuyện vui các nhà văn hiện đại - NXB Văn Hóa Thông tin - của nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, Xuân Diệu tự xếp vị trí cho mình đứng thứ hai trong làng thơ Miền Bắc - Việt Nam. Câu chuyện vui của Nguyễn Bùi Vợi như sau:
(… Một lần tôi hỏi Xuân Diệu: Thưa anh, nếu chọn 5 nhà thơ hiện đại tiêu biểu thì anh chọn những ai? Xuân Diệu nói ngay không một chút ngập ngừng: Thứ nhất: Tố Hữu, thứ nhì: Tớ! Thứ ba: Huy Cận! Thứ tư: Chế Lan Viên! Thứ năm: Phần - nào - Tế Hanh.
- Còn nếu tính từ người thứ sáu đến người thứ mười?
Xuân Diệu đưa hai tay lên trời: 14 toa đen… 14 toa đen!.
(Toa đen là Toa xe lửa dùng để chở hàng hóa, thường bẩn thỉu, nhếch nhác…).
5/8/2007
Lê Xuân Quang
Theo https://www.vanchuongviet.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...