Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2021

Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm - Thơ ngôn chí

Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm - Thơ ngôn chí

Có thể nói, Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) là nhà thơ viết nhiều nhất trong năm thế kỷ đầu của nền văn học viết Việt Nam. Triệt để tuân theo nguyên tắc thẩm mỹ "thơ ngôn chí", sáng tác của ông thể hiện sự ưu thời mẫn thế, đạo lý mang đậm chất giáo huấn và lòng yêu cái nhàn qua những vần thơ độc đáo ít ai sánh nổi.
Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà thơ sáng tác nhiều. Chỉ tính riêng thơ chữ Hán ông đã có nghìn bài. Ðây là con số thực (có thể tác giả đã tính số tròn) vì chính ông đã ghi vào lời Tựa tập thơ am Bạch Vân của mình: "Tuy nhiên cái bệnh yêu thơ lâu ngày tích lại chưa chữa được khỏi vậy. Mỗi khi được thư thả lại dậy hứng mà ngâm vịnh, hoặc là ca tụng cảnh đẹp đẽ của sơn thủy, hoặc là tô vẽ nét thanh tú của hoa trúc, hoặc là tức cảnh mà ngụ ý, hoặc là tức sự mà tự thuật, thảy thảy đều ghi lại thành thơ nói về chí, được tất cả nghìn bài, biên tập thành sách, tự đặt tên là Tập thơ am Bạch Vân" (Bạch Vân am thi tập tự(1). Con số này còn được nhắc lại một lần nữa trong bài Trung tân quán ngụ hứng số 8: Thi tá oanh hoa thiên thủ hữu (Thơ mượn đề tài hoa và chim oanh có tới ngàn bài). Và nếu theo ý câu này thì con số một nghìn mới chỉ tính riêng phần thơ đề vịnh thiên nhiên. Riêng thơ Nôm không thấy Nguyễn Bỉnh Khiêm cho một thông tin cụ thể nào, nhưng nếu tập hợp các bản thì con số cũng lên tới khoảng 170 bài. Ngày nay, thơ chữ Hán Nguyễn Bỉnh Khiêm không còn đủ số bài như ông đã thông báo trong lời Tựa, nhưng nếu tổng cộng cả hai tập thơ Hán và Nôm thì số lượng thơ của ông còn lại cũng chừng 800 bài, trong đó có những bài đến 300 câu. Như vậy, về số lượng mà xét thì trong năm thế kỷ đầu của nền văn học viết Việt Nam, Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà quán quân. Tuy nhiên vấn đề không chỉ là số lượng. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có một phong cách thơ riêng không lẫn. Ai cũng biết một nguyên tắc thẩm mỹ quan trọng của thơ thời Trung đại là ngôn chí, nguyên tắc mà các nhà nghiên cứu hiện đại thường xem là làm hạn chế tính thẩm mỹ của thơ và ngay các nhà thơ cổ cũng không phải đều nhất nhất tuân theo. Thế nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tuân theo một cách "triệt để" và với một cảm hứng sáng tạo rất mạnh mẽ. Với ông, đề vịnh, tự sự, tự thuật cũng đều để ngôn chí, và phong cách riêng của ông cũng được xác định chính từ những vần thơ ngôn chí ấy.
1. Chí ở hành đạo, thơ ưu thời mẫn thế
Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà nho có tấm lòng ưu quốc ái dân vằng vặc. Và trong mối quan hệ giữa hai phạm trù ấy thì dân được coi trọng hơn. Ông đã không đồng nhất giữa vua và nước, có lẽ nhờ vậy ông hiểu được ước vọng của dân, thông cảm với nỗi đau khổ - vật chất và tinh thần - của dân, có phần nào đó ông đã vui cái vui và lo cái lo của dân, nhìn và nghe bằng cái nhìn, cái nghe của dân. Có lẽ đó là nguyên nhân chính để những vần thơ nói về chí hành đạo của Nguyễn Bỉnh Khiêm thấm đậm tinh thần ưu thời mẫn thế và đậm nét tính hiện thực.
Ðiều đó được thể hiện trước nhất ở thơ nói về chiến tranh. Chiến tranh phá hoại cuộc sống yên bình, đẩy dân chúng vào cảnh "núi xương sông máu" (Ngụ ý, bài 1), cảnh "bị treo ngược, đã lâu rơi vào tay bọn trộm cướp hung ác" (Tây hỗ quá Lục Yên châu hữu cảm, thứ Lễ Ðộ bá vận - Hộ giá đi miền Tây qua châu Lục Yên cảm khái, họa vần Lễ Ðộ bá). Chiến tranh đem đến cho người dân cảnh gia đình lìa tan, đói khổ, điêu đứng:
Dắt vợ, bế con đi.
Lưu ly vứt bỏ trẻ nhỏ.
Già ốm lăn xuống ngòi rãnh,
Chết đói nằm đầy cổng làng...
Sinh dân quá tiều tụy,
Dân khốn quẫn, trộm cướp nhiều khắp...
(Cảm hứng, 300 câu)
Người dân luôn luôn sống trong cảnh lo âu thảng thốt:
Dáo và mộc tua tủa bày ra trước mắt,
Nhân dân chạy trốn muốn tìm nơi an toàn.
Khốn đốn dìu dắt nhau, thở than không có đất,
Thương xót che chở cho, may ra chỉ có trời.
(Cảm hứng thi, bài 4)
Và Nguyễn Bỉnh Khiêm thật tinh tế khi ông nêu lên được trạng thái bất an, phải bấu víu cả tới những "lời đồn" để có được chút hy vọng ở tương lai trong tâm trạng ông và cũng là của mọi người trong thời loạn lạc:
Mấy hồi gối chiếc, hai hàng lệ,
Một mình nghe tiếng chầy nện vải trong đêm lạnh.
Nhờ có người làng an ủi cảnh tiều tụy,
Bảo rằng cuối năm sẽ bãi cuộc trường chinh.
(Sầu)
Nét hiện thực thứ hai trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm là ông đã nêu lên được sự đối lập trong cảnh sống giữa các nhà quyền quý và người dân. Các nhà quyền quý thì sống rất xa hoa, thức ăn là những thứ lạ của hiếm:
Bếp họ Thạch có dê béo,
Sữa người cho lợn uống.
Giọt nước tròn giỏ từ con cóc ngọc,
Gỏi chả từ cá chép, cá giếc vàng.
Liễn bưng vào canh chim sẻ vàng,
Mâm bồng dâng lên nem gà gô.
Tiền đáng giá vạn, không thèm nhúng đũa,
Chán ngấy vị ngon nồng của tám thứ quý.
(Cảm hứng, 300 câu)
Nhà ở, thức dùng thì sang trọng đến phí phạm:
"Sự tô điểm nhà cửa thì vẽ tranh chạm ngọc. Sự xa xỉ ở nơi bếp núc thì lấy sáp thay củi, bùi béo ngọt ngon. Say rượu nồng, no chất tươi, mặc áo nhẹ, cưỡi ngựa béo".
(Trung Tân quán bi ký)
Trong khi đó thì người dân lâm vào cảnh khốn cùng:
Chẳng khác chim bị mất tổ,
Giống hệt cá bị máu dồn xuống đuôi.
Lúc ấy như thế là cùng cực,
Sinh dân quá ư tiều tụy.
(Cảm hứng, 300 câu)
Người dân làm lụng vất vả nhưng vẫn đói khổ, thành quả lao động nhiều khi mất trắng:
Ðồng nội có mạ khô,
Kho đụn không thóc thừa.
Vất vả nghèo khổ, người nông phu than vãn,
Ðói và gầy, kêu khóc trên đồng ruộng.
(Tăng thử)
Trong những lúc cùng quẫn, người dân chỉ biết trông nhờ ở sự công minh che chở của trời phật thần thánh, nhưng bọn quyền quý lại dựa vào chính những chỗ linh thiêng ấy để đè nén dân lành và để vơ vét. Chúng là những con "chuột xù" bất nhân, cá lớn nuốt cá bé, "vụng trộm" với nhiều âm mưu độc hại. Bọn chúng - kẻ quyền quý và giàu có - đã không giữ được trọn vẹn tính thiện, đã bị vật dục che lấp "bẩm khí tự nhiên" nên "kiêu xa, biển lận, gian tà, thiên lệch, không gì không làm. ở triều đình thì tranh nhau cái danh, ở chợ búa thì giành nhau cái lợi. Khoe sang thì xe mát quán ấm, khoe giàu thì nhà múa, lầu hát..." (Trung Tân quán bi ký). Bọn chúng đã nguội lạnh cả lòng nhân ái, trở nên ích kỷ tàn nhẫn: "Thấy người đói ngã lăn xuống ngòi rãnh thì một đồng tiền không cho. Thấy người đi đường màn trời chiếu đất thì một bát gạo chẳng giúp. Chỉ có cái lợi là thấy rõ như điên như dại". (Trung Tân quán...).
Thi ca thời Trung đại chủ yếu dùng bút pháp tượng trưng, ước lệ. Nguyễn Bỉnh Khiêm chắc hẳn cũng rất tuân thủ nguyên tắc thẩm mỹ ấy của thời đại mình. Tuy nhiên do gắn bó với dân, có cuộc sống đời thường không xa cách thôn làng, không xa cách người dân nghèo cùng, nên nhiều tác phẩm của ông đã miêu tả được chân thực nhiều mặt của xã hội đương thời, một xã hội loạn lạc, đạo đức suy thoái, người dân khổ cực, khao khát thái bình, ổn định. Tính hiện thực của thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm có thể hiểu một cách tương đối như vậy.
2. Chí ở đạo đức, thơ đạo lý đậm chất giáo huấn
Nguyễn Bỉnh Khiêm lập chí ở hành đạo. Mục tiêu của ông là "phù nghiêng đỡ lệch" "đem lại càn khôn buổi thái hòa". Do vậy theo ông, bên cạnh một chế độ chính trị tốt đẹp còn phải là một xã hội thuần hậu giản phác mang sắc thái văn minh thời thái cổ - vua Nghiêu Thuấn, dân Nghiêu Thuấn. Vì lẽ đó, Nguyễn Bỉnh Khiêm bất bình với thói đời đen bạc, quan hệ giữa người với người bị cái lợi, bị đồng tiền chi phối trở nên tráo trở đến mức "bất cố liêm sỉ".
Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử,
Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi.
(Thơ Nôm, bài 71)
Trước đến tay không, nào thốt hỏi,
Sau vào gánh nặng lại vui cười.
Anh anh, chú chú mừng hơ hải,
Rượu rượu, chè chè thết tả tơi.
(Thơ Nôm, bài 74)
Ông đau xót vì đất nước gặp buổi gió mưa u ám:
Cương thường ngày một suy sụp, lỏng lẻo.
Lễ nghĩa than ôi ngang trái,
Mũ lọng theo đó đảo ngược.
Thờ vua, tôi chẳng ra tôi,
Thờ cha, con chẳng ra con.
Bắn vào bả vai là việc nỡ làm (2)
Chia một chén canh, nói chẳng hổ thẹn (3)
(Cảm hứng, 300 câu)
Thơ cảm thán về thời cuộc, về nhân tình thế thái, thời Nguyễn Bỉnh Khiêm chưa nhiều, nhưng đã thấy ở Nguyễn Trãi khi ông nói về "lòng người cực hiểm thay", khi ông trách nhẹ những người trẻ tuổi đắc thế coi thường người già - Biên xanh nỡ phụ cười đầu bạc - Ðầu bạc xưa rày có thuở xanh... Có điều ở Nguyễn Trãi bao giờ tác giả cũng bộc lộ thái độ, tâm trạng, còn Nguyễn Bỉnh Khiêm không thế. Dường như ông chủ ý không bộc lộ tình cảm cá nhân. Ông đứng trên tư cách một người quan sát, một triết nhân để "mổ xẻ" xã hội, phơi bày một cách lạnh lùng trước bàn dân thiên hạ những thói hư tật xấu, những điều trái với thuần phong mỹ tục, với đạo lý nhân hậu cổ truyền. Những thói tệ ấy nhiều khi đã mang tính phổ cập, phản ánh một mặt của quy luật tâm lý trong cuộc sống cộng đồng đời thường.
Thớt có tanh tao ruồi đậu đến,
Ang không mật mỡ kiến bò chi.
(Thơ Nôm, bài 53)
ở thế mới hay người bạc ác,
Giàu thì tìm đến, khó tìm lui.
(Thơ Nôm, bài 71)
Bản thân những vần thơ như thế tự nó đã có ý nghĩa cảnh tỉnh và thức tỉnh. Quả là nếu một người còn chút lương tri thì không thể không tự cảm thấy ngượng khi nhận ra bóng dáng mình trong cái nhân vật đang cuống quýt làm thân mong cầu lợi Anh anh chú chú mừng hơ hải...
Tuy nhiên phần quan trọng trong thơ đạo lý Nguyễn Bỉnh Khiêm là ở những bài thơ chỉ rõ quy luật biến dịch trong cuộc đời và những bài thơ khuyên răn. Theo Nguyễn Bỉnh Khiêm Thế nhất trị nhất loạn, Thời hữu khuất hữu thân, cho nên không có một sự thịnh mãn nào là vĩnh cửu và do vậy người ta nên giữ lấy đạo, giữ lấy sự chân chất, không nên "sinh sự", hãy yên phận:
Hễ kẻ trêu ngươi, kẻ phải lo,
Chẳng bằng vô sự ngáy pho pho.
Tay kia khéo nắm còn khi mở,
Miệng nọ hay cười có lúc ho.
Có thuở được thời, mèo đuổi chuột,
Ðến khi thất thế, kiến tha bò.
Ðược thua sau mới ăn năn lại,
Vô sự chăng hơn có sự ru.
(Thơ Nôm, bài 75)
Nguyễn Bỉnh Khiêm có khoảng ba chục bài thơ cả Hán và Nôm bàn về những điều chính yếu nhất trong cương thường, xoay quanh các mối quan hệ: vua tôi, cha con, chồng vợ, anh em, thầy trò, bè bạn, họ hàng và xóm giềng. Trong mảng thơ chữ Hán, Nguyễn Bỉnh Khiêm nói nhiều đến mối quan hệ vua tôi: Quân đạo, Thần tiết đó là bổn phận từng người, nhưng Quân thần thi, Quân thần lưỡng toàn thi thì đó là trách nhiệm của mỗi người đặt trong mối quan hệ cụ thể, đòi hỏi một sự ràng buộc chung; ngoài ra Quân đắc hiền tướng thi, Quốc trọng lão thần thi lại là lời chỉ dẫn của Nguyễn Bỉnh Khiêm cho vua chúa cách đối xử với nhân tài của đất nước. Trong thơ Nôm, mảng thơ khuyên răn của Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đề cập đến nhiều vấn đề. Không những ông nói về tam cương ngũ thường, ông còn khuyên răn mọi người cách sống nhân ái, lương thiện, trong gia đình và trong cả cộng đồng làng xóm... Chất giáo huấn đậm nét hơn trong thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm. Có thể điều đó là dụng ý của ông. Ông muốn giữ gìn thế đạo, muốn đưa dân chúng trở lại phong tục giản phác thời Nghiêu Thuấn thái hòa, thơ Nôm do vậy là một phương tiện nhiều thuận lợi và hiệu quả.
Chất đạo lý, giáo huấn trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm được các nhà nho đánh giá cao. Vũ Khâm Lân và Phan Huy Chú đều khen "Văn chương tiên sinh rất tự nhiên không cần điêu luyện, giản dị mà điêu luyện, thanh đạm mà nhiều ý vị, câu nào cũng có quan hệ đến sự dậy đời" (4).
3. Chí ở nhàn dật, thơ đậm sắc thái trữ tình
Trong lời Tựa Bạch Vân am thi tập, Nguyễn Bỉnh Khiêm viết: "lúc già chí thích ở nhàn dật". Ðiều này ông thể hiện khá tập trung trong cả hai tập thơ Nôm và Hán, khiến trước đây ấn tượng đậm nét về Nguyễn Bỉnh Khiêm là một "ông nhàn" và một nhà đạo lý. Tuy nhiên, nội dung quan niệm nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm dường như cách hiểu còn chưa nhất trí, và không hẳn là dễ tiếp cận. Song thơ nhàn của ông, nhất là thơ Nôm, lại có những nét độc đáo, những câu thơ hay ít ai sánh nổi. Nguyễn Bỉnh Khiêm tự nhận là "ông tiên giữa cõi đời", và cõi đời đó có thể nói chính là làng Trung Am quê hương ông. Nguyễn Bỉnh Khiêm quả thật đã sống "thích chí" giữa trăng nước, cỏ hoa, chim muông, làng xóm. Khó có thể tìm được trong kho tàng thơ Nôm nước nhà những câu thơ hay, giàu hình tượng mà độc đáo viết về sự hòa hợp, hài lòng một cách hồn nhiên vui vẻ giữa nhà thơ và thiên nhiên quê hương đến như những câu sau:
Nép mình qua trước chốn xôn xao,
Mấy sự bên tai, gió thổi phào.
Cửa trúc vỗ tay cười khúc khích,
Hiên mai vắt cẳng hát nghêu ngao.
(Thơ Nôm, bài 83)
Cày mây, cuốc nguyệt, gánh yên hà,
Nào của nào chăng phải của ta.
Ðêm đợi trăng cài bóng trúc,
Ngày chờ gió thổi tin hoa.
(Thơ Nôm, bài 17)
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
(Thơ Nôm, bài 73)
Có những tứ thơ tinh tế diễn tả cảm xúc vừa hư vừa thực của mối giao hòa giữa nhà thơ và thiên nhiên:
Hiểu lâm thái phố sương niêm lý,
Dạ phiếm ngư cơ nguyệt mãn thuyền.
(Ngụ hứng, bài 4)
(Vườn rau sáng dạo, sương vương dép,
Bến cá đêm về, trăng đầy thuyền)
Tứ thơ này còn gặp lại một vài lần trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Dường như Nguyễn Bỉnh Khiêm không "biếng nhác", ông hay dậy sớm ra vườn như một lão nông siêng năng và ông tìm được sự ấm áp, vẻ thơ mộng của thiên nhiên khiến cho cuộc sống nhàn dật nơi thôn dã đầy lạc thú:
Làng xóm ở phía tây nam quán,
Sông ngòi ở mạn tây bắc quán.
Giữa có nửa mẫu vườn,
Cạnh vườn có Vân am.
Bụi xe chẳng bén tới,
Trúc hoa tay tự trồng.
Gậy chống vương hương hoa,
Chén rơi đẫm sắc hoa.
Chim phun khói pha trà,
Cá nuốt mực rửa nghiên.
(Trung tân ngụ hứng)
Cũng như những "ông nhàn" khác, Nguyễn Bỉnh Khiêm nói đến rượu và thơ, nhưng dường như Cư sĩ am Bạch Vân không ham rượu, không say và không tìm quên trong say. Trong hơn 160 bài thơ Nôm, có 16 bài Nguyễn Bỉnh Khiêm nói đến rượu, nhưng chỉ có 13 lần rượu thực sự liên quan đến ông. Song ngay trong 13 lần ấy, ít nhất cũng đã có bốn lần ông không uống hoặc chưa uống:
Rượu đến cội cây ta sẽ uống
(Thơ Nôm, bài 73)
Nối chén, đêm âu bóng quế tan
(Thơ Nôm, bài 23)
Rượu chuốc han thầm ngõ Hạnh Hoa
(Thơ Nôm, bài 120)
Cơm một lưng, rượu một bầu
(Thơ Nôm, bài 122)
Có một lần ông nói đến cảm nhận của ông về vị rượu thì lại là một cảm giác không mấy thích thú:
Vếu váo câu thơ cũ rích,
Khề khà chén rượu hăng xì.
(Thơ Nôm, bài 84)
Tuy nhiên "ông nhàn" am Bạch Vân rất thích trà, yêu trăng, yêu hoa, ưa thích các món ăn măng, giá, cá, tôm, dưa muối thanh bạch, thả hồn quyến luyến với bến nước, thuyền câu, mây chiều, gió sớm... Những bài thơ về đề tài này một mặt nói lên tình yêu thiên nhiên trong sáng và khỏe khoắn của Nguyễn Bỉnh Khiêm, một mặt cũng khắc họa tâm hồn cao khiết, không ham danh lợi, vui cuộc sống thôn dã đạm bạc, mang phong thái triết nhân của ông. Nhiều bài đã đạt đến tính trữ tình trong sáng và sâu sắc. Nguyễn Trãi đã có những câu thơ có thể xem là loại hay nhất trong mười thế kỷ thơ chữ Hán:
- Bình sinh độc bão tiên ưu chí,
Tọa ủng hàn khâm dạ bất miên.
(Hải khẩu dạ bạc hữu cảm)
(Suốt đời mang cái chí lo trước thiên hạ,
Ngồi ôm chiếc chăn lạnh thâu đêm không ngủ).
- Dã kính hoang lương hành khách thiểu,
Cô chậu trấn nhật các sa miên.
(Trại đầu xuân độ)
(Ðường nội vắng teo ít người qua lại,
Chiếc thuyền lẻ loi gối lên bãi cát ngủ thâu ngày).
Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng có những câu thơ rất hay gợi liên tưởng đến những câu thơ đã dẫn trên đây của Nguyễn Trãi:
- Ưu thời thốn niệm bằng thùy tả,
Duy hữu hàn san bán dạ chung.
(Tân quán ngụ hứng)
(Nỗi lòng lo đời biết nói cùng ai,
Chỉ có tiếng chuông chùa trên núi vắng lúc nửa đêm san sẻ)
- Công danh bất hệ nhất hư chu,
Liêu hướng điền viên mịch thắng du.
Tài cúc đình tiền vô tục khách,
Cán y khê ngoại hữu thanh lưu.
(Ngụ hứng, bài 3)
(Công danh như con thuyền trống trải không neo buộc,
Hãy quay về ruộng vườn tìm cuộc chơi lý thú.
Trồng cúc ở trước sân, không có khách tục bén mảng,
Giặt áo ở ngoài khe, sẵn có dòng nước trong).
Và cũng như Nguyễn Trãi, dù đã vui với ruộng vườn, trong lòng Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn canh cánh nỗi lo dân lo nước, nỗi lo từng khiến ông bạc đầu:
Bần tiện trùng phùng thử loạn ly,
Khu khu ưu quốc mấn thành ti.
(Trung tâm quán ngụ hứng, bài 10)
(Nghèo hèn lại gặp thời loạn lạc này,
Khăng khăng một lòng lo nước, tóc bạc như tơ).
Thơ triết lý Nguyễn Bỉnh Khiêm sắc sảo, thơ giáo huấn của ông cũng sâu sắc và giàu ấn tượng. Về phương diện này Nguyễn Bỉnh Khiêm là một thi gia tài năng. Bên cạnh đó, ông còn một mảng thơ trữ tình, dù có thể không thuần nhất nhưng đã đạt đến giá trị thẩm mỹ cao. Ðiều này cũng là một nét tài hoa riêng làm phong phú bản sắc thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Nguyễn Bỉnh Khiêm làm thơ vào thời điểm thơ Việt Nam - Hán và Nôm - đã có một hành trình năm thế kỷ. Các hình thức thể loại có gốc gác từ Trung Hoa đã được tiếp thụ và vận dụng thành thạo. Thơ Nôm đã phát triển và có đỉnh cao Nguyễn Trãi; thể thơ "trường đoản" (5) xem ra cũng đã hình thành được một số quy tắc khả dĩ tạo được sự khu biệt với thể thơ luật của Trung Quốc(6). Nguyễn Bỉnh Khiêm sáng tác thơ trong điều kiện thực tiễn văn học như vậy cũng có thể xem là thuận lợi. Nhưng văn học cũng như mọi sự vật trong cuộc sống, khi đã đạt đến độ viên mãn thì bản thân nó lại nảy sinh yêu cầu cải tiến, đổi thay để có bước phát triển mới. Nguyễn Bỉnh Khiêm có thể chưa hẳn đã "tự giác" đi tìm những đổi thay cho nghệ thuật thơ nhưng để thực hiện được quan điểm, ý đồ nghệ thuật của mình, bút pháp thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm quả thực đã có những nét độc đáo riêng, tạo thành một phong cách Nguyễn Bỉnh Khiêm. Về vấn đề này xin được đề cập đến trong một dịp khác.
Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà thơ lớn của văn học Trung đại Việt Nam. Và điều này góp một phần quan trọng để tạo nên danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Chú thích:
(1) Viết bài này chúng tôi dựa vào các sách: Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ðinh Gia Khánh chủ biên, Hồ Như Sơn biên soạn phần thơ Nôm, Ðinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân biên soạn phần thơ Việt Hán; Nxb. Văn học, Hà Nội, 1983; Tổng tập văn học Việt Nam, Tập 6, Bùi Duy Tân chủ biên; Nxb. KHXH, Hà Nội, 1997; Bạch Vân am Trinh quốc công thi tập, văn bản do Trần Công Hiếu sưu tập, nguyên bản Hán văn; Thơ Nôm của Nguyễn Bỉnh Khiêm, bản thảo của Viện Văn học. Bản dịch bài Tựa của Ðinh Gia Khánh trong Tổng tập, Sđd.
(2) Tề Hoàn Công khi còn là công tử Tiểu Bạch bị Quản Trọng bắn vào bả vai. Sau Hoàn Công lên ngôi vẫn tin dùng Quản Trọng, Nguyễn Bỉnh Khiêm có ý chê là trái lễ.
(3) Hạng Vũ đánh nhau với Lưu Bang, bắt phụ thân Lưu Bang làm con tin, đòi Lưu Bang đầu hàng, dọa nếu Lưu Bang không hàng sẽ giết bố. Lưu Bang viết thư trả lời: "Cha ta cũng là cha ngươi, nếu ngươi mổ thịt đem nấu thì xin chia một chén canh".
(4) Câu này Vũ Khâm Lân viết trong Bạch Vân am cư sĩ Nguyễn Công Văn Ðạt phả ký trong sách Công dư tiệp ký Phan Huy Chú cũng lấy lại mấy ý này trong Nguyễn Bỉnh Khiêm, phần Nhân vật chí, Lịch triều hiến chương loại chí.
(5) "Trường đoản", chữ dùng của người sưu tập thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm, chỉ loại thơ tám câu bảy chữ xen các câu năm chữ hoặc sáu chữ.
(6) Thể thơ này còn được dùng trong thơ Nôm đến thế kỷ 18 với chúa Trịnh.
Trần Thị Băng Thanh
Theo http://vuhuu.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...