Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2021

Suy ngẫm về tập thơ "Bến xưa" của tác giả Trần Quang Thanh

Suy ngẫm về tập thơ "Bến xưa"
của tác giả Trần Quang Thanh

Tôi rất vinh dự được chính tác giả tặng tập thơ “Bến xưa” nhân ngày đầu xuân Giáp Ngọ 2014. Đọc thơ anh, tôi thấy mỗi bài thơ là một trải nghiệm của cuộc sống, là một tâm trạng của tác giả. Thơ đậm chất dung dị, mộc mạc mà chan chứa tình, dễ đi vào lòng người, hồn thơ trong sáng, rung động không lên gân, lên cốt, hoa hòe, hoa sói, điệu đà mà rất chân chất thôn quê. Từ mùi hương thoang thoảng ngoài cửa sổ, những giọt sương ban mai long lanh trên ngọn cỏ, cây rau, tiếng lá vàng rơi ngoài vườn đều tạo thành âm thanh nhẹ nhàng, man mác mặc dù ngoài kia bao ồn ã, bon chen với cuộc sống đang gấp gáp, hối hả từng ngày:
“… Bàng thay áo đỏ mùa xuân gọi
Anh chờ em hoài vẹt bến sông?
Các giác quan của anh đều được kết tinh trong mỗi vẫn thơ, tứ thơ và bài thơ mô tả tình yêu lứa đôi, quê hương đất nước, con người. Thơ anh mang nội dung và nghệ thuật có tính sáng tạo, thực tiễn cao.
Bên cạnh những giá trị về nghệ thuật thì “Bến xưa” cũng mang tính giá trị về nhân văn sâu sắc. Đúng như nhà văn Hữu Tuân có viết: “Trần Quang Thanh là con người của tư duy, hành động”. Thơ anh hàm chứa một tình cảm sâu nặng, tình người; có lẽ anh được sinh ra trong một gia đình nề nếp, gia phong được thừa hưởng từ ý thức của người cha là một nhà giáo và người mẹ là người nông dân chất phác, tần tảo, thảo hiền.
Mẹ dạy chúng con:
“… Sống trên đời biết có đức, có nhân
Ăn quả ngọt phải nhớ người vun xới
Ai giúp mình phải nhớ ơn mãi mãi
Giữ gìn thanh danh nếp sống gia phong…”
(Mẹ)
Đó chính là hành trang để tác giả bước vào đời, lập thân, lập nghiệp và trải qua bao thử thách, giông gió, bão táp để đến cái đích vinh quang mà anh đã xác lập, định hướng. Và những điều nhân nghĩa ấy đã thấm đậm vào anh để nhả ra những câu thơ dạy con đẹp đến nao lòng và mang tính triết lý sâu sắc:
“… Con hãy đối mặt với muôn trùng bão táp
Và mủi lòng khi chiếc lá rơi
Lấy chữ “Tâm” chữ “Nhẫn” soi đường đời
Lấy bản lĩnh làm thước đo công việc”…
Đó là những điều dạy con không theo khuôn phép khô khan, máy móc mà dạy con bằng thực tế trải nghiệm với một bản lĩnh, nghị lực phi thường mà tác giả đã trải qua và đã tổng kết bằng máu thịt để răn, dạy con trong đường đời giông tố.
Tác giả viết những bài thơ về đồng đội, về chiến trường xưa đều mang dấu ấn của người lính đã trải qua trận mạc, từng nghe thấy hơi thở của máu và nhận ra vị mặn của nụ cười như nhà thơ Trần Nhuận Minh đã viết trong lời tựa của tập thơ. Đó là những bài thơ không đơn thuần là hồi ức về cuộc chiến tranh, những kỷ niệm về một thời máu lửa mà vần thơ ấy mang chất thép, tạo nên bản hùng ca, ca ngợi vẻ đẹp, tình đồng chí, đồng đội và tinh thần, trách nhiệm của người thanh niên thời điểm lịch sử ấy trước vận mệnh của dân tộc, của Tổ quốc trước lâm nguy.
Hôm nay rời quân ngũ về với đời thường, thơ anh lại buông neo vào những miền quê yên ả, có cây đa, bến nước, sân đình đã từng là cái bến xưa của lòng mình. Những vần thơ ca ngợi người thầy, người bạn mẫu mực, thủy chung như bài thơ: “Thầy ơi”, “Chiều hè ly biệt”, “Mùa thu trong mắt em”… Tất cả là lời tri ân của tác giả muốn gửi gắm, hội tụ vào một tư tưởng hướng thiện, hướng tới giá trị về cái đẹp của chân, thiện, mỹ của tính người. Đó chính là lẽ sống, là đạo lý, là nhân văn của một con người từng trải. Đọc thơ “Bến xưa” của tác giả Trần Quang Thanh là đọc được cái bên trong của tình bằng hữu, tình đồng đội, tình yêu thương cha, mẹ, cháu, con, tình yêu quê hương đất nước, con người. Thơ anh được lan tỏa đến bạn đọc hôm nay và cả mai sau, mặc dù có nhiều thang bậc giá trị thay đổi trong đời sống hàng ngày.
22/6/2017
Nguyễn Hồng Quang
Theo https://www.quangninh.gov.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...