Đền Thiên Y A Na ở
Phan Rí thành - Xưa và nay
Tượng nữ thần Thiên Y A Na tại
Thiên Y Cổ miếu Phan Rí Thành
Trên vùng đất Bình Thuận có những công trình kiến trúc
quân sự, đền miếu, chùa chiềng được xây dựng từ xưa, trải qua nắng mưa còn tồn
tại đến ngày nay như: Thành đất sông Lũy, chùa Tháp (Ngự Tứ Bửu Sơn Tự)… Trong số
các công trình đó, có đền Thiên Y A Na (hay Thiên Y cổ miếu) thuộc xã Phan Rí
Thành, huyện Bắc Bình. Đền tọa lạc trên khuôn viên đất khoảng 1.600 m2 bên
bờ sông Lũy, xung quanh ruộng lúa và thanh long xanh tốt.
Thiên Y cổ miếu qua thư tịch triều Nguyễn
Khảo cứu qua một vài bộ dư địa chí triều Nguyễn như:
Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (Hoàng Việt chí), Đại Nam nhất thống chí (Nhất
thống chí), Đồng Khánh địa dư chí (Đồng Khánh chí) nhận thấy có ghi chép đến Đền
Thiên Y A Na với các tên như Thiên Y từ, Thiên Y A Na Diễn Bà, Thiên Y Ngọc
Phi.
Năm 1806, Thượng thư Bộ Binh Lê Quang Định soạn xong
Hoàng Việt chí dâng lên vua Gia Long. Hoàng Việt chí, phần dinh Bình Thuận
chép, “… đến Quán Mía thôn Bình Thủy, hai bên đường dân cư thưa thớt, giữa đó có
ruộng cấy lúa, phía nam có quán nhỏ bán mía nên mới có tên như vậy. (Đi tiếp) 288
tầm (尋 - đơn vị đo chiều dài ngày
xưa, 1 tầm tạm quy đổi gần bằng 2 m), hai bên đường đều là ruộng cấy lúa, phía
nam cách 112 tầm có miếu thờ thần Thiên Y, có tượng bằng đất thếp vàng, sau tượng
có 4 viên đá nhỏ, một cái dài 1 thước 9 tấc, bề tròn 1 thước 8 tấc; một cái dài
1 thước 2 tấc, bề tròn 1 thước 9 tấc; một cái dài 6 tấc, bề tròn 1 thước 8 tấc;
một cái dài 5 tấc, bề tròn 1 thước 8 tấc. Theo lời truyền của người xưa thì 4
viên đá đó nguyên là 4 khúc gỗ hương, không biết từ đâu bay đến, người Thuận
Thành muốn lấy dùng mà không được, lâu ngày hóa thành đá. Vào năm Nhâm Thìn,
người trong làng thấy những viên đá đó trở nên linh dị nên mới lập miếu để thờ,
đến năm Giáp Dần (1794), chánh trấn Thuận Thành là Chưởng cơ Chấn Uy hầu
tâu xin và được chuẩn cấp 1 người từ, 2 người quét tước để lo việc hương hỏa ở
miếu này…” (1).
Thời vua Tự Đức, Quốc sử quán triều Nguyễn dày công
biên soạn nên bộ Nhất thống chí đồ sộ. Nhất thống chí, phần tỉnh Bình Thuận
chép, “Đền Thiên Y A Na Diễn Bà ở thôn Vĩnh An, huyện Hòa Đa, thờ Thiên Y A Na
Diễn Bà Chúa Ngọc; sau tượng thần có 5 hòn đá nhỏ, một hòn dài 1 thước 9 tấc,
tròn 1 thước 8 tấc; một hòn dài 1 thước 2 tấc, tròn 1 thước 9 tấc; một hòn dài
6 tấc, tròn 1 thước 8 tấc; một hòn dài 5 tấc, tròn 1 thước 8 tấc; một hòn
dài 6 tấc, tròn 1 thước 2 tấc. Tương truyền 5 hòn ấy là gỗ giáng hương, không
biết từ đâu bay đến, người Thổ từng muốn lấy mà không được, trải lâu năm thành
đá. Lại có một phiến đá xanh có hai chữ “Thiên Y”, người Thổ thấy linh dị bèn lập
đền thờ. Đầu đời Gia Long đặt một viên tự thừa” (2).
Thời vua Đồng Khánh, Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn
bộ Đồng Khánh chí. Đồng Khánh chí, phần tỉnh Bình Thuận chép, “Đền Thiên Y Ngọc
Phi: thôn Bình Thủy phụng thờ. Phàm khi ít mưa, dân bệnh tật đau ốm, cầu đảo rất
linh ứng. Trong đền có tượng thần, phía sau có 5 hòn đá nhỏ, tương truyền đó là
gỗ giáng hương không biết từ đâu bay đến, cả người Kinh, người Thổ thường muốn
lấy về mà không lấy được, trải lâu năm thành đá. Lại có một phiến đá xanh có 2
chữ “Thiên Y” rất linh dị” (3).
Qua ba đoạn sử liệu từ Hoàng Việt chí, Nhất thống chí
và Đồng Khánh chí, có thể đưa lại một số thông tin:
Về kích thước các khúc gỗ hóa thạch, theo Hoàng Việt
chí, trong đền ngoài tượng thờ bằng đất, còn có 4 viên đá hình trụ với độ dài
ngắn, to nhỏ khác nhau. Tạm quy đổi đơn vị đo chiều dài ngày xưa ra hiện nay (1
thước = 0,4 m, 1 tấc = 0,04 m), thì viên đá thứ nhất dài 0,76 m, bề tròn
(chu vi) 0,72 m; viên thứ hai dài 0,48 m, bề tròn 0,76 m; viên thứ ba dài 0,24
m, bề tròn 0,72 m; viên thứ tư dài 0,20 m, bề tròn 0,72 m.
Về thời gian xây dựng miếu, theo Hoàng Việt chí, vào
năm Nhâm Thìn lập miếu thờ, đến năm Giáp Dần (1794) xin chúa Nguyễn chuẩn cấp 1
người từ, 2 người quét tước để lo việc hương hỏa ở miếu này. Vậy năm Nhâm Thìn
được chép ở đây là năm nào (?). Dựa theo cách tính Can - Chi, có thể tìm được
ra năm Nhâm Thìn có chu kỳ gần nhất với năm Giáp Dần (1794) là năm Nhâm Thìn
(1772). Thời gian lập miếu có thể vào năm 1772, và sau khi xây dựng 22 năm, đến
năm 1794 thì chúa Nguyễn đồng ý cho quan chánh trấn Thuận Thành cắt cử người
quét dọn, trông coi miếu.
Tuy vậy, theo tư liệu điền dã thì đền thờ Thiên Y A Na
được người Cham tạo dựng khá sớm trước thế kỷ XVI (?), khi người Kinh chưa đến
định cư trên vùng đất này. Sau khi đến đây người Kinh tiếp thu, tôn tạo trên cơ
sở tín ngưỡng thờ nữ thần Pô Ina Nagar của người Cham nhằm đáp ứng nhu cầu sinh
hoạt tín ngưỡng trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng (4).
Nội dung trong Nhất thống chí thì chép lại từ Hoàng Việt
chí, đồng thời có lược bớt chi tiết. Điểm khác biệt là Nhất thống chí chép 5
viên đá, trong đó, 4 viên đá có chiều dài, chu vi giống như Hoàng Việt chí, còn
viên thứ năm thì dài 6 tấc, tròn 1 thước 2 tấc (dài 0,24 m, tròn 0,48
m). Thêm điểm khác nữa, Nhất thống chí chép đến đầu đời Gia Long (tức năm 1802)
mới đặt một viên tự thừa (cử người trông coi đền) chứ không phải năm 1794 như
Hoàng Việt chí đã chép.
Còn trong Đồng Khánh chí cũng chỉ chép theo Nhất thống
chí, giống nhau về 5 hòn đá. Đồng thời, thêm thắt vào màu sắc tâm linh “phàm
khi ít mưa, dân bệnh tật đau ốm, cầu đảo rất linh ứng”. Điểm khác của Đồng
Khánh chí là ngoài chữ viết miêu tả, còn có vẽ họa đồ Thiên Y từ. Nhờ vậy đã trở
thành điểm mốc giúp hậu thế định hình được trên thực địa các công trình kiến
trúc khác xoay quanh Thiên Y từ như Văn miếu Khải từ, Miếu Hội đồng, Tỉnh thành
Bình Thuận, Đàn Xã Tắc….
Cuối năm rong ruổi
Chúng tôi về thăm Thiên Y Cổ miếu vào một ngày đông
Canh Tý. Địa danh làng Bình Thủy xưa, hiện nay thuộc thôn Bình Liêm, xã Phan Rí
Thành, huyện Bắc Bình. Ngôi cổ miếu nằm bên phải đường Quốc lộ 1, theo hướng
Nam - Bắc, cách thị trấn Chợ Lầu vài cây số. Trên đường đi có bảng chỉ dẫn, rất
dễ cho người ta tìm đến chiêm ngưỡng.
Tiếp chuyện chúng tôi là ông Huỳnh Ngọc An, 63 tuổi,
người thôn Bình Liêm, là ông từ giữ đền từ năm 2010 đến nay. Theo ông từ giữ đền,
qua thời gian khắc nghiệt, Thiên Y cổ miếu đã được trùng tu, so với công trình
gốc thay đổi nhiều. Toàn bộ công trình Thiên Y cổ miếu gồm: cổng chính, bình
phong, cột cờ, thảo bạc, chính điện và gian thờ Tiền hiền. Nơi còn mang dáng dấp
của kiến trúc thuở xưa khi mới dựng miếu rõ nhất là cổng chính. Cổng chính
Thiên Y cổ miếu được dựng theo kiểu cổng chính một số đình làng trong vùng lúc
bấy giờ (Xuân Hội, Đông An). Cổng chính có lối đi rộng 3,5 m, hai bức tường hai
bên cổng và hai trụ vuông ngoài cùng khắc đôi câu đối khái quát về sự tích ngôi
cổ miếu linh thiêng này.
“Chí thặng bút truyền linh tam phụ già nam thần hóa tại/
Hán Chiêm nhơn ngưỡng đức thiên thu hưởng tượng miếu môn cao”.
(誌乘筆傳靈三附珈楠神化在/漢占人仰德千秋響像廟门高);
Tạm dịch: Văn chí ghi chép lan truyền (có) ba thần
hiển linh nương cậy (khúc gỗ) kỳ nam tại đây/ Người Hán, (người) Chiêm ngưỡng
mộ tôn kính đức hạnh dáng hình miếu mạo vang mãi ngàn thu.
Trên nóc cổng được lợp ngói âm dương, mái ngói vút
cong, hai bên trang trí cặp cá hóa long chầu quả châu ở giữa.
Sau khi dẫn khách thắp hương viếng bà, bên tách trà tỏa
hương thơm mời khách buổi sáng đông se lạnh, ông Huỳnh Ngọc An kể chúng tôi
nghe câu chuyện dân gian truyền miệng về nữ thần Thiên Y A Na.
“Xưa có một cô bé trạc tuổi thiếu niên, không rõ từ
đâu hiện ra đùa nghịch trên rẫy dưa của đôi vợ chồng ông lão Tiều phu già không
có con, ở núi Đại An. Vì bị mất dưa, nên nhiều lần ông bà lão rình bắt kẻ trộm,
một hôm chỉ thấy một cô bé đang đùa nghịch trên rẫy dưa và hai vợ chồng ông lão
Tiều phu bắt mang về làm con nuôi. Không có bạn chơi, buồn tình cô bé lấy đá xếp
tường vách để chơi, ông bà Tiều phu thấy vậy cho là điều gở liền la rầy. Lúc đó
đang có lụt lớn, thấy một cây gỗ trầm trôi qua cô bé liền biến mình vào cây gỗ
và trôi về phương Bắc… Tại đây, nàng gặp hoàng tử và kết duyên vợ chồng sinh ra
được hai người con, một trai, một gái và đặt tên là Quý và Tri. Sau vì nỗi nhớ
quê hương, nhớ ông bà lão Tiều phu, nàng lại biến mình và hai con vào khúc gỗ
trầm và cho trôi về đến quê nhà. Khi ấy ông bà lão Tiều phu đã qua đời, nàng
cho lập lại vườn dưa nơi chốn cũ, dạy dân trồng trọt, cách chữa bệnh, nuôi dạy
con. Một thời gian sau, bà cho tạc tượng mình trên núi đá rồi bay về cõi tiên.
Từ đó về sau bà linh hiển cưỡi voi trắng đi dạo trên đỉnh núi, có khi bà xuất
hiện như dải lụa bay giữa không trung, từ đó tiếng tăm của bà Chúa Trầm lan rộng
khắp nhân gian và được nhân dân thờ bà khắp nơi” (5).
Được phép của ông Huỳnh Ngọc An, chúng tôi vào điện thờ
chiêm ngưỡng những khúc thạch mộc được đặt trang trọng trong tủ kính chính giữa
gian thờ. Hiện tại, đền Thiên Y A Na đang lưu giữ 4 khúc thạch mộc hình trụ
(như Hoàng Việt chí chép). Do tâm linh, kiêng kỵ và cũng để bảo vệ bảo vật quý
hiếm, nên chúng tôi không được phép đo đạc thử để biết kích thước của các thạch
mộc này có giống như kích thước mà các sử quan triều Nguyễn đã ghi chép, được
quy đổi ra đơn vị đo hiện nay hay không. 04 khúc thạch mộc lên sắc màu thời
gian long lanh, xứng đáng bảo vật quý hiếm. Ngoài ra, đền còn lưu giữ tấm sắc
phong màu vàng in chìm hoa văn của vua Minh Mạng, sắc phong Hoằng huệ Phổ
tế cảm Diệu thông mạc Tướng trang huy Thượng đẳng Thần cho nữ thần Thiên Y
A Na, được lồng trong khung kính trang trọng.
Câu chuyện cứ trôi đi, cuốn theo chúng tôi đắm chìm
vào miền xưa cũ. Vào năm Tự Đức thứ hai mươi ba, Canh Ngọ (1870), quan Bố chánh
Bình Thuận Trần Điểu khắc trên hai bảng gỗ, quan Tri phủ Hòa Đa Trần Chấn bổ
chú lại câu chuyện về sự hình thành ngôi cổ miếu.
“Bình Thuận là đất được thần lựa chọn, tại vùng đất
này ở phía Đông tỉnh thành nơi các quan tỉnh cai trị và có chỗ dân ở. Nơi đây
có miếu rất linh, núi sông kỳ xảo, xinh đẹp lạ thường, cỏ cây xanh biếc hợp
thành khu rậm rạp, có thể đến đó bằng đường rải đá hoặc ghe thuyền. Vùng đất
cũng như miếu này đã linh thiêng từ lâu vậy. Tương truyền vị Thiên Y A Na Lương
Thần này cưỡi gió, vờn mây, diệu ảo khó mà thấy biết được.
Trong vùng đất rộng rãi được hưởng phước trời này, có chùa mới lập được khắc
hai chữ “Tối Tự” (Chùa cao trọng hơn cả), chùa nằm ở gần sông. Một hôm, trên
sông trôi đến một cây gỗ mùi thơm tỏa khắp vùng. Sư tăng không thể chuyển cây gỗ
ấy lên chùa được, phải để trôi vào khu vườn hoang gần bên. Ngay sau đó xảy ra
tai họa, chư tăng cho đó là điều bất thường đáng sợ. Nước lũ đến, cây gỗ lại
theo nước lũ trôi tấp vào gò đất tại thôn Bình Thủy. Sáng sớm ở thôn gần đó, có
Thần giáng lời rằng: Thần muốn trấn linh ở đó.
Huỳnh Dung là người trong thôn đến xem thấy cây gỗ cứng
và đen lạ thường, vả là thần vật lưu lại đất này và bèn cho dân lập đền thờ phụng.
Sau đó, người Thanh (Trung Quốc) thấy vật quý sinh lòng tham, bày lễ vật xin thần,
lấy trầm hương cắt thành ba đoạn, rồi lấy hai đoạn chở về Bắc. Đến giữa dòng,
sóng gió nổi lên giữ thuyền không đi được nữa, phải quay lại. Người Thanh truyền
kín với nhau, nếu hôm nay chưa lấy được trầm hương về Bắc thì đợi sóng lặng, biển
êm sẽ lấy trầm về nộp.
Đêm ấy, thấy Thần Nhơn báo mộng: Hôm nay người Thanh lấy
cắp trầm hương không đặng, ắt về sau sẽ tìm kế mà chiếm đoạt, phải hóa thành vật
khác thôi. Sáng hôm sau, xem lại thì trầm hương hoàn toàn hóa đá, lại có một tấm
đá xanh viết: Thiên Y là thần của dân phải lập miếu để thờ. Nhân có đá liền tạc
tượng thần chính giữa, hai bên tả - hữu có tượng Tôn Thần (con trai Bà), tượng
Nữ Thần (con gái Bà) và tượng Tiều Lão Phu Thê. Trên bệ đặt trầm hương hóa đá
mà thờ, lễ cúng không dứt và từ đó khí thần thường báo ứng ngày càng rõ ràng. Nếu
người có bệnh nặng cần đến Thần xin đá ấy mà trị bệnh thì hết ngay, chưa thấy
không linh ứng bao giờ. Bản triều từng tặng danh hiệu: Hoằng huệ Phổ tế cảm Diệu
thông mạc Tướng trang huy Thượng đẳng Thần. Sẵn có ngôi tháp xưa viết bản ghi
này vào đó. Tự Đức năm Canh Ngọ, ngày đầu thu. Quan Hồng Lô Tự Khanh Lãnh Bố
Chánh tỉnh Bình Thuận Trần Điểu ghi chép và quan Tri phủ Hòa Đa Trần Tấn bổ chú
thêm” (6).
Theo ông Huỳnh Ngọc An, do ông Huỳnh Dung là người khởi
xướng lập đền thờ phụng, nên bao đời truyền lại đến nay nhất định phải chọn người
dòng họ Huỳnh, mà không phải dòng họ khác trong làng, làm chức việc thủ từ
Thiên Y cổ miếu. Đến ông Huỳnh Ngọc An làm thủ từ hầu bà thì đã trải qua biết
bao đời dòng họ Huỳnh. Hàng ngày, ông quét dọn khuôn viên cổ miếu, đến 10 giờ
trưa thì làm cơm chay dâng bà.
Hàng năm, tại Thiên Y cổ miếu diễn ra dịp lễ cúng lớn,
ngày Thanh minh cúng tiền hiền, hậu hiền và ngày 15 - 16 tháng 10 Âm lịch là lễ
chính Vía Bà. Dịp lễ Vía Bà thu hút đông đảo người dân trong vùng về đây khấn
vái, cầu xin sức khỏe, làm ăn, may mắn trong cuộc sống. Ông Huỳnh Ngọc An còn
cho biết, cuối năm 2020, Thiên Y cổ miếu sẽ được nhận bằng Di tích cấp tỉnh.
Tin vui đó theo chúng tôi suốt chặng đường về, cùng với lời hứa sẽ trở lại vào
dịp lễ Vía Bà, để hòa vào dòng người dự lễ, chia sẻ niềm vui cùng ông từ giữ đền
hiếu khách đáng mến.
Chú thích:
(1) Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất thống dư địa
chí, Nxb Thuận Hóa 2005, tr.281;
(2) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống
chí, Nxb Thuận Hóa 2006, tr.173-174;
(3) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đồng Khánh
địa dư chí, Nxb Thế giới, Hà Nội 2013, tr.1674;
(4) Tư liệu điền dã của tác giả;
(5) (6) Nội dung lưu giữ tại đền Thiên Y A Na, thôn Bình Liêm, xã Phan Rí
Thành, huyện Bắc Bình.
26/1/2021
Hà Ngân
Theo https://hvhnt.binhthuan.gov.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét