Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021

Nguyễn Bính: Lòng mẹ "Bao la như biển Thái Bình"

Nguyễn Bính: Lòng mẹ 
"Bao la như biển Thái Bình"! (1)

Đề tài Tình yêu, Chia ly và Người mẹ - được văn nghệ sĩ Việt Nam quan tâm khai thác triệt để rồi thể hiện thành công trong các tác phẩm: Văn - Thơ - Nhạc - Họa... Dòng chảy văn hóa này xuất hiện, phát triển từ đầu thế kỷ 20 - đặc biệt vào những năm ba mươi - và tiếp nối cho đến hôm nay.
Có thể kể tên một số tác giả - tác phẩm đặc trưng, điển hình thời Văn Thơ Tiền chiến: Thạch Lam (Nhà mẹ Lê, Cô hàng xén). Nguyên Hồng (Những ngày thơ ấu). Lưu Trọng Lư (Nắng mới). Nguyễn Bính (Lòng Mẹ)... Và còn rất nhiều tác giả khác, tạo hình tượng người Mẹ, khiến người đọc cảm nhận tình yêu bao la sâu sắc của Mẹ dành cho con. 
Viết về các tác giả có tác phẩm xuất sắc về đề tài Đồng quê mà không nói đến Nguyễn Bính, sẽ là một thiếu sót lớn. Ông được dư luận đương thời tôn vinh cùng Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, Bàng Bá Lân: Nhà thơ của đồng quê. Đa số sáng tác của ông viết về đề tài nông thôn. Ta có thể liệt kê, tuyển chọn được rất nhiều bài hay trong gần chục tập thơ của Nguyyễnn Bính: Lỡ bước sang ngang, Nước giếng thơi, Mười hai bến nước, Cô gái ở  lầu hoa...
Bài Lòng Mẹ - Nguyễn Bính viết, in lần đầu - năm 1936, lúc ông mới 18 tuổi (Nguyễn Bính sinh năm Bính Ngọ 1918).
Nguyễn Bính mồ côi mẹ rất sớm.
Các tài liệu kể lại: Cụ bà - mẹ nhà thơ - mất trong một tai nạn bi thương: Một buổi chiều, lúc chạng vạng tối, cụ ra cầu ao rửa chân tay, bị rắn độc cắn. Thời đó, kiến thức y tế của dân ta thấp kém, thuốc men ít - nhất là ở nông thôn. Đặc biệt không chữa trị hữu hiệu, nhanh - khi bệnh nhân bị trúng độc rắn. Vì vậy cụ bà đã không thể cứu được...
Nguyễn Bính lúc đó còn quá  bé, không biết mặt mẹ.
Có lẽ ấn tượng về người mẹ thân yêu quá sâu đậm, sau này, trong các thi phẩm của mình, Người mẹ được ông tô đậm trở thành dấu ấn không chỉ riêng cho ông, còn làm người yêu thơ xúc động, đồng cảm. Có một điều rất đáng chú ý: Ông không biết mặt mẹ, không được mẹ chăm ẵm từ bé nhưng khi thể hiện hình ảnh Người trong thơ, qua ngôn từ giản dị, thiết tha - đã vẫn gây cho người đọc cảm súc sâu đậm...
Lòng Mẹ viết theo thể Thất ngôn Tứ tuyệt, 5 khổ, 20 câu (một loại thơ phổ biến thời bấy giờ) - kể về đám cưới con gái của một người mẹ góa bụa. Chồng chết, bà còn rất trẻ, không đi bước nữa vì sợ cảnh con Anh con Tôi, con Chúng ta. Lo, sợ nếu người chồng mới không thương con mình khiến các con khổ... bà mẹ trẻ đành hi sinh tình cảm: Ở vậy nuôi con. 
Khi cô con gái lớn có thể giúp mẹ nhiều việc để mẹ đỡ vất vả, nhưng vì hạnh phúc của con, thương con, lại có người Mối lái, Mẹ nhất quyết bắt con đi lấy chồng dù còn lại một mình sẽ rất vất vả trong cuộc mưu sinh. Bài thơ - như một bức tranh, một câu chuyện bằng hình ảnh sinh động - diễn ra trong ngày cưới con gái…
Đọc Lòng Mẹ, ký ức của tôi trỗi dậy…
Hình ảnh của hơn nửa thế kỷ trước lại hiện ra trong trí tưởng: Lúc ấy chừng bẩy, tám tuổi. Một hôm ‘’hóng hớt’’ nghe mẹ nói chuyện với bố: Hơn tuần nữa con gái bác cả - tức chị Thắm, chị họ tôi - sẽ được gả cho con trai một gia đình khá giả ở làng bên. Lũ trẻ cùng tuổi - cả trai lẫn gái - sướng rên. Vì cùng trong họ, cùng chòm xóm, cùng một suy nghĩ trẻ con: Sẽ được diện áo đẹp, ăn cỗ cưới - nhất là món xôi gấc đỏ, với thịt lợn quay - quà sính lễ do nhà Trai mang tới. Rồi còn được xem đốt pháo, xem cảnh nhộn nhịp đón, đưa Dâu - nữa chứ!
Ngay buổi sáng - khi nhà trai chưa đến đón Dâu - tôi đã đòi mẹ cho mặc quần áo mới, đẹp, đi khoe với lũ bạn. Té ra đứa nào cũng như nhau: Đều có áo mới. Chúng tôi hồi hộp đứng ở cổng đón họ nhà trai. Chợt mẹ tôi từ bên nhà sang, (hai nhà chỉ ngăn cách nhau rặng Tường vi). Mẹ tôi đi vào phòng trang điểm cô dâu. Vốn tính tò mò, hiếu động, tôi lẳng lặng đi theo. Đến cửa buồng phải dừng lại, nép bên cánh cửa nghe, nhìn… vì ở bên trong có đông người.
Chị Thắm ngồi ở mép giường, sụt sùi khóc.
Bác tôi ngồi ở chiếc chõng đối diện, dịu dàng khuyên giải: Con hay nhỉ? Gái lớn thì phải lấy chồng. Con tưởng ở lại giúp mẹ thì mẹ vui à? Như vậy là bị ế chồng, càng làm mẹ buồn hơn. Thôi nín đi! Nín đi rồi mặc áo (một bác khác đưa chiếc áo cô dâu bằng thứ vải rất đẹp cho chị) - ra chào họ hàng kẻo nhà Trai đến đón dâu bây giờ. Nhanh lên! Nếu quá giờ lành không tốt!
Chị Thắm dường như linh cảm thấy sắp phai xa mẹ - khóc òa, to hơn…
Lũ bạn không được vào trong phòng, ‘’bu’’ xung quanh cửa sổ, chí chóe nhau như đàn ong ruồi… Chợt có đứa nói to: Ê… ê… cô Dâu khóc nhè!
Tôi nhìn ra bỗng thấy cả bọn chạy toán loạn, cứ như đàn chim sẻ đang ăn thóc, bị con mèo rình vồ… chim hốt hoảng bay biến. Thì ra chúng bị anh Bồng, con chú Mõ làng được gia chủ thuê làm nhiệm vụ canh chừng xung quanh nhà - đuổi!
Bác ngừng lại giây lát, đoạn lên giọng (vì trước đó bà nói nhỏ, nhưng chị tôi không nín): Đây! Áo đồng Lầm, đây quần Lĩnh tía (Tím nhạt), còn đây hoa tai, nhẫn vàng… tôi đã sắm cho ‘’Cô’’ (2) đủ, nào có thua kém ai mà cô phải tủi thân khóc lóc… 
Chị tôi dịu lại, chỉ còn tiếng nấc khẽ đã được ghìm giữ.
Giọng bác vẫn căng: Từ hồi bố cô mất, tôi phải cố gắng bươn chải, hết cầy cấy lại căm cụi nuôi tằm, trồng dâu, dệt vải, chăm bẵm cho cô và các em học hành, trông coi nhà cửa ruộng vườn. Ngừng chút ít, bác như nghĩ ra, tiếp - Lại còn nợ lần sau đám tang của bố cô. Suốt ngần ấy năm tôi đã tằn tiện, chắt bóp trả xong nợ. Bây giờ, mọi chuyện đã ổn, ơn trời tôi lại còn khỏe, đủ sức gánh vác ‘’cái giang sơn’’ này. Không khiến cô thương. Nếu thực sự thương tôi, tốt nhất chính là đi lấy chồng, yên phận làm dâu, xây tổ ấm của cô… 
Đột nhiên bác cao giọng: Thế mà cứ khóc lóc... Nếu cô còn thương cái thân tàn này thì lau nước mắt, đứng lên mặc áo, ra chào họ hàng. Đừng làm tôi mất mặt trước quan viên hai ho!
Nói đoạn bác quay sang phân bua: Đấy! Các chị xem, thế có mệt với nó không?…
Người Mẹ đã thuyết phục, lay động được cô con gái.
Chị tôi nín thít, làm theo lời bà, thực hiện những việc do các chị, các thím giúp đỡ: Hoàn thành việc trang điểm cô Dâu...
Nhà trai đến!
Tiếng của người nào đó ở ngoài sân vang lên.
Cả nhà ồn ào… đám trẻ reo hò, hùa theo, nhắc lại, cười nói ríu rít… Chị Thắm cùng hại chị phù Dâu theo nhà trai ra khỏi nhà.
Bước khỏi cửa, chi tôi bật khóc, tiếng khóc lúc này nghe thảm thiết: Tiếng khóc của đứa con 17 năm được mẹ ấp ủ, giờ phải rời mẹ, đến sống với những người xa lạ… Đây không phải là khóc cho có lệ để người đời khỏi chê là vô tâm, muốn ‘’lấy chồng’’ nhưng ngại phong tục truyền thống nên khóc giả vờ, che mắt thiên hạ. Không, chị tôi khóc thực sự. Khóc trước trang mới cuộc đời mình…
Sau hôm chị Thắm đi, tôi thấy bên nhà bác vắng vẻ quá, mặc dù hai thằng anh - em trai chị - vẫn cùng tôi đi học, chọi dế, bắt chim. Đêm đêm tiếng khung cửi dệt vải của nhà bác không thấy vang lên như mọi khi, trước lúc chị Thắm chưa đi lấy chồng. Điều đó lại làm cho những cô bé cậu bé hiếu động - nhơ nhớ… Tiếng dệt vải đã trở thành quen thuộc. Do nhiều năm liên tục, âm thanh hàng ngày diễn ra vào ban đêm, chẳng những đã đi vào cuộc sống của gia đình bác, mà còn tạo ra khung cảnh thanh bình của xóm giềng. Giờ im ắng, tôi thấy như thiếu một cái gì đó quen thuộc, thân thương…
Hôm nay đã ngày thứ 3, tiếng khung cửi dệt vải ban đêm vẫn không thấy vang trở lại. Thế nhưng hôm sau nữa, khung cửi nhà bác tôi mới hoạt động. Thậm chí, làm việc khuya hơn, kéo dài hơn - đến tận quá nửa đêm.
Hàng ngày Mẹ tôi thường dậy sớm đi chợ. Đến ngày chẵn chợ làng mở phiên, mẹ sang gọi bác đi cùng…
Chiều về, gia đình tôi quây quần bên mâm cơm, không khí ấm cúng, mẹ nói với bố vẻ ngậm ngùi: Tội nghiệp bác cả! Con Thắm đi rồi, bác ấy phải tiếp tục làm cả công việc của nó. Đêm đêm phải dệt vải tới tận khuya, lấy tiền trả nợ, vay chi phí cho đám cưới con. Đêm nào cũng làm tới khuya. Mệt mỏi. Cứ như thế này sao chịu được. Sáng nay bác lỡ cả buổi chợ… 
Đây là cảnh đám cưới của gia đình, dòng họ tôi. Nhưng sao mà giống đám cưới, bà mẹ, người con gái được thi sĩ Nguyễn Bính miêu tả trong bài thơ Lòng Mẹ!
Chị Thắm của tôi giống như chị Tâm - nhân vật chính trong truyện ngắn Cô Hàng Xén của Thạch Lam. Chị Tâm là hình ảnh của bác tôi, của bà mẹ trong bài thơ Lòng Mẹ, của những bà mẹ Việt Nam khác - thời con gái. Họ lại theo chu kỳ: Vài mươi năm sau khi cưới, lại cho con gái mình đi lấy chồng, mong cho con hạnh phúc dù con đi làm dâu nhà người, mẹ phải chịu khổ cực vất vả, gian nan… 
Tuy phong tục tập quán mỗi nơi mỗi khác, người Mẹ Việt Nam ở đồng bằng châu thô Sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, miền thượng du, hay ở bất cứ đâu trên mảnh đất Việt Nam thân yêu - cũng giống nhau ở đức tính chịu thương chịu khó, tần tảo sớm hôm vì con cái mình. Bất cứ ở nơi nào, lúc nào: Mẹ của chúng ta cũng chỉ vì con, lo cho con, thậm chí hi sinh cả cuộc đời vì hạnh phúc của các con!
Người Mẹ của thi sĩ Nguyễn Bính - là như thế này đây:
LÒNG MẸ
Gái lớn ai không phải lấy chồng
Can gì mà khóc, nín đi không
Nín đi mặc áo ra chào họ.
Rõ quý con tôi, Các chị trông!
Ương ương dở dở quá đi thôi!
Cô có còn thương đến chúng tôi
Thì đứng lên nào - Lau nước mắt
Mình cô làm khổ mấy mươi người.
Này áo đồng lầm (3), quần Lĩnh tía
Này gương này lược này hoa tai
Muốn (4) gì tôi sắm cho cô đủ
Nào đã thua ai đã kém ai?
Ruộng tôi cầy cấy, Dâu tôi hái
Nuôi dậy em cô tôi đảm đương
Nhà cửa tôi coi, tôi trả nợ
Tôi còn mạnh chán, khiến cô thương! (5)
Đưa con ra đến cửa buồng thôi
Mẹ phải xa con khổ mấy mươi
Con ạ! Đêm nay mình mẹ khóc
Đêm đêm mình mẹ lại đưa thoi. 
Nguyễn Bính - 1936
Chú thích: 
(1) Lời bài hát Lòng Mẹ của nhạc sĩ Y Vân
(2) Vùng Nam Định, khi con gái lớn, trưởng thành, các mẹ thường gọi con một cách thân thương là Cô. Các anh, cũng gọi các cô gái mới quen là Cô để chỉ rõ quan hệ: Coi như em gái. Họ cho rằng mới quen, xưng hô Anh, Em (…) là xuồng sã, thiếu lịch sự. Cách xưng hô của dân Nam Định hoàn toàn ngược với dân Hà Thành. Các cô gái Hà Nội (ngay đến bây giờ) không thích ai gọi họ là Cô, phải gọi là em, hoặc hơn tuổi, đối tượng phải gọi là Chị... Họ rất sợ người ta xưng hô, gọi là Cô vì sợ ‘’vận’’ vào câu: ‘’Cô quả, cô độc’’.
(3) Loại vải quý, đắt (Đồng Lầm, Lĩnh tía) - hơn 70 năm trước - nhà khấm khá mới có tiền sắm cho con gái - dùng để may quần áo lễ hội, cho các cô Dâu.
(4) Từ ‘’Muốn’’ có bản in - ‘’Cần’’.
(5) Câu thơ này có bản chép: ‘’Ai ngờ gái góa việc quân vương’’.

Lòng mẹ
Y Vân - Giao Linh
15/7/2007
Lê Xuân Quang
Theo https://www.vanchuongviet.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...