Lật qua các trang thơ, tôi tự hỏi không lẽ hai mươi năm
mà thơ Vĩnh Long được chọn lọc từng này ư?
Hỏi ra mới biết đây là phần góp nhặt rất nhỏ trong kho
tàng vô tận của những người làm thơ viết về Vĩnh Long. Bởi vì
kinh phí hạn hẹp nên Sở Văn hóa Thông tin và Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh
Long không thể đáp ứng lòng mong mỏi của tác giả cũng như những người yêu
thích thơ.
Đọc qua 89 bài thơ của 57 tác giả, tôi không thể trích ra
hết. Mỗi tác giả thể hiện niềm vui nỗi buồn qua nhiều cái nhìn tinh tế, sâu
sắc, có lúc trào phúng, có lúc lạnh lùng dửng dưng khô khốc.
Với giọng thơ trào phúng Việt Chung ghi lại “Đêm hát cúng
đình”:
Ông Hương Cả ngồi cầm chầu nhịp trống
Tiếng kèn la, tiếng trống gõ lung tung
Một triều đình đầy vàng son lộng lẫy
Đứng vây quanh kẻ nịnh với anh hùng.
Mới đọc qua tôi cứ ngờ ngợ làm gì có cái kèn la, chỉ có một
dụng cụ mang tên phèn la thường dùng vào những buổi dạo đầu, đánh lên để
báo hiệu trong xóm làng có người chết rất phổ biến ở miến Trung, nhưng khi
đọc hết câu thơ tôi mới thấu hiểu hết ý nghĩa của tiếng “kèn la” rất đơn điệu
ở hợp xướng trống “gõ lung tung” của đêm hát cúng đình mà người “hùng” cầm
chầu được vây quanh bởi bọn nịnh bợ, lũ sâu dân mọt nước.
Và Hồ tĩnh Tâm thường ngày vui nhộn, tiếng cười của anh vỡ
cả không gian, nhưng khi đối diện với chính mình thì tiếng cười nói ấy như
biến vào thinh không. Anh đứng trước “Cõi phàm” thì:
Cõi phàm liên nhu ta dâng
Uống cạn chén đời bật khóc
Nghìn năm dẫu chưa bạc tóc
Một lời đủ chạnh niềm riêng.
Rồi Nguyễn Bạch Dương khô khốc đến nỗi khi chọn cái tựa
cho bài thơ cũng trơ trọi một từ “Lời” với ba âm ngắn ngủn. Anh ví lòng
mình như một cái đáy giếng kiệt nước trơ ra những chiếc lá vàng, một giọt
mưa lạc lỏng rơi vào cũng làm ta ngỡ ngàng sững sốt. Anh cần có những giây
phút yên lặng, lời anh thống thiết van nài:
Giếng tôi khô kiệt nước rồi
Em đừng ném sỏi nghe lời lá vang
Chút mưa cũng chỉ ngỡ ngàn
Làm sao thấu được mạch khan một đời.
Còn Phạm Thị Quý trước trò chơi “Đu quay” rất bình thường
của bọn trẻ, bất chợt ở khoảnh khắc ngắn ngủi chị phát hiện trên cái vòng
quay chóng mặt ấy vị trí của người này mất đi thì người khác thay vào. Phải
chăng đó là quy luật muôn đời mà con người không thoát ra được:
Trẻ con đu quay rất đổi hồn nhiên
Đâu nghĩ mình đang đổi nhau vị trí
Chỉ có chúng ta trước trò chơi giản dị
Bỗng nhận ra mình trên chiếc đu quay.
Và trước mặt mình cuộc sống đang xoay
Với nhiều vòng tròn chóng mặt.
Lại có người ví mình như một sinh vật nhỏ bé để nói lên
quan niệm sống. Tầm Học qua bài “Con kiến vàng”:
Thân mình nhỏ nhít sánh chi voi
Phận kiến đâu ham miếng mặn mòi
Hay:
Lớn bé trẻ già chung một tổ
Nêu gương hòa nhẫn đáng vàng thoi.
Hoặc Phan Phúc Bình gắn đời mình vào dòng phấn trắng, bục
giảng. Từ chỗ đứng bình thường anh đã thốt lên:
Đường đời chên vênh, đường đến lớp gập ghềnh
Nơi bục giảng cò dễ đâu bằng phẳng
Nếu chẳng giữ để bước chân hụt hẫng
Thì mực tím học trò chỉ còn là nhớ thương.
Cuộc sống mỗi ngày có khó khăn, nhiều người hụt hơi chạy
theo cơm, áo, gạo, tiền còn anh vẫn dửng dưng:
Và mỗi ngày, trên bục giảng mỗi ngày
Ta vứt bỏ áo cơm ngoài cửa lớp
Như phấn trắng dẫu mòn đi thầm lặng
Chút bụi cuối cùng cũng cố giữ màu riêng!
Có lẽ đất Vĩnh Long đã giữ chân nhiều người từ xa đến. Có
người rất an tâm khi nhận nơi đây làm quê hương thứ hai của mình. Ta thử
tìm về Vĩnh Long vùng đất phù sa giữa hai nhánh sông Tiền, sông Hậu để nghe
Sao Vàng nói về quê mình qua bài “Thương quê nội nhớ về quê ngoại”:
Thương quê ngoại nhớ nhiều quê nội
Hạt phù sa thơm hoa trái bốn mùa
Dòng nước ngọt ôm cánh đồng màu mỡ
Mùa hè vui quanh bóng mát hàng dừa.
Sao Vàng khắc họa quê hương của mình bằng những hình ảnh
mộc mạc, bình dị như hạt phù sa, hàng dừa, hoa trái, đồng ruộng. Với Sao
Vàng ở nơi đâu cũng là cội rễ cả:
Một núm ruột hai quê thương nhớ
Lá rơi nào khỏi cội xa nguồn
Khi con ở xa chân trời góc biển
Tấm lòng nào không nặng nghĩa quê hương?
Dù quê nội hay quê ngoại, quê anh hay quê em, tôi có cái
cảm nhận hơi “hồ đồ” là những bài thơ trong tập “Văn, thơ, nhạc” hầu như những
người cầm bút cũng gởi gấm vào Vĩnh Long những tình cảm đậm đà sâu nặng. Từ
rặng bần, con đò, bến nước; từ con tôm, con cá, con đom đóm dân dã. Hữu
Nghĩa với “Cây bần”:
Nhớ con nước dỡ chà bần bên vịnh
Vui nôn nao tôm cá mấy khoang đầy
Nhớ làm sao nồi canh chua bần chín
Ven bải cồn bè bạn xúm lai rai.
Và:
Bần giản dị đến âm thần lặng lẽ
Cứ đêm đêm đom đóm rủ nhau về
Thắp cho bần lấp lánh ánh đèn khuya.
Người địa phương nặng tình với quê hương Vĩnh Long là điều
hiển nhiên, nhưng người từ xa đến càng quay quắt hơn đó mới là chuyện lạ.
Cái gì làm cho họ cồn cào ray rức? Ồ đây rồi! Tôi đã bắt gặp Dương Thanh
Thanh đến với quê hương thứ hai của mình qua bài “Con gái Huế làm dâu”:
Chưa quen cả con nước ròng, nước lớn
Chỉ biết cầu tre qua câu hát ví dầu
Mà làm sao em dám về làm dâu
Quê anh?
“Con gái Huế răng mà gan giữ rứa?”
Em chỉ cười nghe câu ghẹo thương yêu.
Đúng. Dương Thanh Thanh chỉ biết mỉm cười. Tôi chưa thấy
Thanh Thanh cười khi được ghẹo, nhưng tôi tin chắc trong nụ cười đó phản phất
cái lo. Lo không có mẹ bên cạnh dạy nấu canh chua Nam bộ, lo
không có mẹ nắm tay qua dắt cầu khỉ gập ghềnh. Nhưng bạn đừng phập phồng lo
sợ nữa. Vì chàng trai Nam bộ ấy sẵn sàng làm thay bạn mọi việc. Đọc
bài thơ chị, ta thấy chị đột ngột chuyển từ “Mẹ” theo tiếng gọi rất quen
thuộc phong tục người miến Trung, đặc biệt là người gốc Huế sang từ “Má” rất
phổ biến của người miền Nam:
Em quen tự bao giờ chẳng rõ
Tần tảo thân cò, em yêu Má nhiều hơn
Hóa ra Má của anh là Mẹ của em. Cũng là những bà mẹ thật
thà chất phác, cũng thân cò lặng lội bờ sông và chị cũng đồng ý ”suốt đời” ở
lại Vĩnh Long, vì:
Vì tình yêu... em đã: Về làm dâu
Quê anh.
Những dòng thơ trên là tấm lòng bộc bạch của người con
gái nhận Vĩnh Long làm quê hương thứ hai. Còn người con trai thì như thế
nào? Ta nghe Phan Tư Thúy tâm sự bằng những vần thơ trữ tình ngọt ngào man
mác:
Anh chứa tình yêu em trong nỗi nhớ dòng sông
Trong bóng màu xanh của màu cây và mắt biếc
Làm lòng anh cứ cồn cào luyến tiếc
Cớ sao mình chẳng ở bên kia sông?
Bên cạnh dòng sông còn thấp thoáng rặng bần và con đò lặng
lờ trôi theo dòng nước. Dường như nơi đây Nguyễn Mẫn Cán một lần “tiễn chị”:
Chị về, em lại tiễn đưa
Đò ngang một chuyến, giữa trưa ngập ngừng
Tay cầm, mắt chị rưng rưng
Lao xao con nước, rặng bần bên sông.
Vô tình hay cố ý, trên cùng một trang thơ Nguyễn Mẫn Cán
“Tiễn chị” vừa xong lại tiếp tục “Đưa người xa xứ”:
Mai em đi Cali
Buồn tênh người xa xứ
Ly bia đầy sóng sánh
Em cố uống thật say.
Mới đọc ba dòng thơ đầu tôi cứ ngỡ người uống bia là anh
chứ không phải em. “Buồn tênh người ở lại” chứ không phải người xa xứ. Nguyễn
Mẫn Cán dồn cái buồn cho người xa xứ. Em nâng ly cố uống thật say để ngày
mai hãy tỉnh. Cái tỉnh sau cơn say mới thấm thía:
Nỗi buồn dâng mắt biếc
Ngút ngát tình cố hương.
Em đi rồi biết ngày nào trở lại. Sau cuộc chia tay ấy còn
đọng lại dư âm, đợi chờ và nuối tiếc. Lắng nghe tâm sự của Ngọc Hải qua “Dư
âm”:
Biết bao giờ thèm về mái nhà không?
Hay ngơ ngác trên bước đường rong ruổi
Cánh chim xa trông chờ nhau đã mỏi
Biết bao giờ cho đến bao giờ?
Đợi chờ, hoài vọng và sự trống vắng vây quanh ta. Còn
đâu cái thời ta hào phóng đem cả trời biển ra tặng cho nhau và nhận về mình
vị đắng của nỗi buồn như “Không đề” của Thành Khởi:
Tôi có nỗi buồn làm tràn ly rượu
Rượu mềm môi - Chảy hết về tim
Tôi có niềm vui làm liền dấu chân chim
Nhưng - niềm vui ít đến
Tôi tặng em điều này
Và nhận về mình
Một chút đắng cay.
Trong tình yêu có cho mà không nhận, có người nhận mà
không cho. Ngọc Mai do dự với “Tự tình II”
Muốn cho anh nhưng ngại câu hò
Giếng sâu, giếng cạn…
Em không tiếc sợi dây dài
Mà chỉ tiếc đời nhau.
Họ cứ sợ sệt, thăm dò. Không ai dám ngỏ lời trước để lòng
bồn chồn quay quắt, nói xa, nói gần. Văn Lệ Trinh như hóa đá trước tình cảm
ấy qua bài “Đêm trăng”:
Canh cánh lòng quay quắt nhớ người xa
Trăng đắm say thả mộng xuống quê nhà
Trăng rất thật còn anh thì hư huyễn
Đêm mênh mông cỏ cây cùng hòa quyện
Trơ trọi một mình em hóa đá dưới trăng
Riêng Thái Hồng thì nói xa, nói gần:
Dân ca có tự tháng ngày
“người dưng khác họ…” dễ đày đọa nhau.
Rồi hai kẻ người dưng khác họ ấy ngoan ngoãn tự hành hạ
chính mình để chắt lọc ra nụ cười đầy nước mắt:
Như con chiên của Chúa
Ta cúi tạ ơn nhau
Xin giữ gìn tiếng khóc
Xin giữ gìn nụ cười.
Hoặc úp úp mở mở như Hồ Duy. Khi anh đã hiểu em rồi,
nhưng cứ chờ anh lên tiếng trước. Hồ Duy do dự hoài rồi chọn ngày đầu năm tỏ
tình để “lấy hên” nhưng mãi vẫn không thốt ra lời phải chờ đến năm sau và
nhiều năm sau nữa mà nói không thành lời tiếng yêu em:
“Dặn lòng rằng tết năm nay
Sang thăm em sẽ nắm tay tỏ tình”
“Thôi đành hẹn lại hôm sau
Gặp em viện lẽ có câu chuyện cần”
“Mồng ba lần nữa sang nhà
Thấy em nâng nhẹ cánh hoa mai vàng”
“Đêm nằm mùng bốn nhủ thầm
Trộn yêu em đến hết năm tỏ tình”
Khi sợi chỉ đời trói buộc những người yêu nhau thành vợ,
thành chồng. Anh đối đầu với cơm áo, gạo tiền. Em tay bế, tay bồng bếp núc lo
cơm nước chồng con. Bất chợt anh lặng nhìn con ngủ trong vòng tay em và tự
hỏi:
Con ngủ rồi em mới ngủ phải không
Anh lặng ngắm sợ làm em thức giấc
Em nhẹ cười. Tay nắm lấy tay con
Ừ ngủ đi, em cứ ngủ cho ngoan
Con ngoan lắm nương vào hơi mẹ
Bao toan tính của đời thường lặng lẽ
Cũng tan đi trong giấc ngủ yên bình
(Lặng nhìn em ngủ - Bằng Lăng)
Chiến tranh đã đi qua, chúng ta đang ở trong đất nước
thanh bình, nơi bọn trẻ dễ gần nhau, tình yêu dễ đâm chồi kết trái. Nhưng
Thúy vân vẫn không quên tìm về biên giới chia sẻ với những người lính đang
thức cùng gian tuân:
Nếu không đến cùng anh
Làm sao em biết được
Biên giới rừng mênh mông
Sương đêm thấm buốt lòng.
Từ biến giới, Thúy Vân buốt lòng cùng người lính trẻ, còn
hậu phương Ngọc Hiệp cũng chạnh lòng trước “Những bia mộ không tên”:
Tôi đến bên dãy đất mọc ven đường
Những nắm đất xếp hàng cùng đồng đội
Tôi lặng lẽ đọc tên từng bia mộ
Bỗng bàng hoàng vì bia mộ không tên
Chiến tranh qua rồi còn lại nỗi đau
Xã vùng sâu mọc lên bao nắm đất.
Chuỗi thời gian đất nước thay da đổi thịt. Người làm thơ
tiếp cận trước màu sắc của cuộc sống thanh bình. Vết thương chiến tranh còn
lành hẳn không khi ngồi trên bàn nhậu bất chợt Văn Quốc Thanh phát hiện người
lính trở về với thân hình không lành lặng:
Người lính già tôi gặp chiều nay
Dáng khập khễnh cứ nghiêng về phía trước
Dấu chấm phẩy viết ra sau mỗi bước
Đuổi theo ông đến cuối cuộc hành trình.
Rồi:
Ta chợt hiểu từ đôi chân ấy
Dấu chấm phẩy viết ra từ máu thịt của con người.
Những dòng viết trên đây là phút giây bất chợt của một
người yêu thích thơ, không mang tính phê bình nghiên cứu văn học nhiều. Bên
cạnh những câu thơ vừa trích còn nhiều truyện hay và dòng nhạc ấm áp tình
người. Hy vọng một ngày nào đó sẽ có nhiều bài viết nhận xét sâu sắc dành
cho Tuyển tập nói về văn, thơ, nhạc của vùng đất Vĩnh Long giàu đẹp.
Tuyển tập “Văn, thơ, nhạc Vĩnh Long 20 năm” còn rất nhiều
câu thơ, đoạn văn, dòng nhạc phản ánh muôn màu muôn vẻ về tình đất, tình
người. Hai mươi năm đâu phải là dài, nhưng với ngần ấy thời gian cũng đủ
cho chúng ta suy gẫm nhiều về cuộc sống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét