Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2021

"Cứ phải là em" của Xuân Diệu

"Cứ phải là em" của Xuân Diệu

Cứ phải là em; chẳng phải ai
Là em, em nữa, chỉ em thôi
Sao người anh quý anh yêu thế
Mà chẳng cùng anh ở suốt đời?
Khác chi cây sống mà đem chặt
Chặt giữa ngang lưng sự sống còn,
Chặt giữa đang hoa, ngang giữa lá
Khác chi hoa nở phải vùi chôn!
Em có bao giờ tưởng tượng xem
Một mình anh sẽ sống không em,
Bơ vơ như đã muôn lần chết,
Ðã chết nhưng còn phải sống thêm!
Lời ước cùng nhau thuở sánh đôi
Anh còn vẹn vẻ giữ y lời
Rằng không ai thể thay em được
Em vắng, yêu em vẫn suốt đời
Duy có lòng em, vẫn hẹn hò
ẤY LÀ ÂN HUỆ CỦA EM CHO
Cho anh một đóa hoa tinh túy
Một đóa hoa lòng chẳng héo khô
Tôi nhớ có một nhà văn đã từng nói với tôi rằng: đứng trước một tác phẩm văn hóa không phải độc giả nào cũng cảm thấy thích (kể cả đối với những tác phẩm nổi tiếng của những tác giả có tên tuổi). Người ta chỉ thực sự cảm thấy thích khi trong lòng họ xuất hiện một sự hài hòa, một sự đồng cảm đối với tác phẩm ấy. Phải chăng điều đó là đúng đối với tôi bởi lần đầu tiên đọc bài thơ "Cứ phải là em" của Xuân Diệu tôi đã cảm thấy thích ngay?
Trong toàn bộ bài thơ, người đọc không hề thấy có một tình yêu ồn ào, gấp gáp như ở một số bài thơ khác của Xuân Diệu, mà trái lại tình yêu ở ĐÂY ĐƯỢC TỎ BÀY MỘT CÁCH NHẸ NHÀNG, SÂU LẮNG. ẤY vậy mà nó cũng không kém phần mãnh liệt! Ngay từ đầu, chàng trai trong bài đã nói lên tình cảm của mình một cách tự nhiên:
Cứ phải là em; chẳng phải ai
Là em, em nữa, chỉ em thôi
Sao người anh quý anh yêu thế
Mà chẳng cùng anh ở suốt đời?
Khổ thơ là một lời khẳng định chắc chắn đồng thời là một câu hỏi lớn cứ day dứt, cứ trăn trở mãi trong lòng chàng trai, được diễn tả bởi một giọng thơ đang ngắn gọn, dứt khoát bỗng nhiên trầm xuống một cách da diết.
Có thể nói, tình yêu ngoài những gì trần tục thì nó còn là một cái gì đó hết sức lý tưởng và thánh thiện. Vì thế khi yêu người ta luôn mơ tới người mình yêu, luôn muốn được sống gần bên người yêu và cùng nhau chia sẻ những vui buồn trong cuộc đời. Ðây cũng chính là cái khát vọng cao nhất, cái đích cao nhất của tình yêu; là cái tạo nên hạnh phúc tuyệt vời của những tình nhân chân chính. Và chàng trai của chúng ta cũng là một người như thế. Nhưng thật trớ trêu khi anh ta đang ngất ngư trên đỉnh cao của hạnh phúc cũng lại là lúc anh nhận ra rằng người yêu của mình đã rời xa. Tình yêu giống như một cái cây đang xanh tươi tốt lá bỗng bị đốn gục một cách phũ phàng:
Khác chi cây sống mà đem chặt
Chặt giữa ngang lưng sự sống còn,
Chặt giữa đang hoa, ngang giữa lá
Khác chi hoa nở phải vùi chôn!
Khi không còn người yêu ở bên, chàng trai cảm thấy cuộc đời này là cả một khoảng không gian rộng lớn, trong đó chứa đựng một trái tim yêu đang bơ vơ, lạc lõng. Ðối với chàng, giờ đây cuộc sống trở nên vô nghĩa lý. Chàng bộc bạch: nếu không có em, không có tình yêu của em thì cuộc sống của tôi chỉ là một cuộc sống về mặt thể xác, còn tâm hồn tôi đã ra đi cùng với em rồi. Em có nghĩ tới điều đó chăng?
Em có bao giờ tưởng tượng xem
Một mình anh sẽ sống không em,
Bơ vơ như đã muôn lần chết
Ðã chết nhưng còn phải sống thêm
Dẫu là một lời trách đấy nhưng nó lại chứa đựng ở đó một tình yêu nồng cháy, một sự khẳng định: không ai có thể thay thế được hình bóng của NGƯỜI YÊU TRONG LÒNG CHÀNG. Ở ĐÂY, NHÀ THƠ XUÂN DIỆU ĐÃ SỬ DỤNG RẤT CHUẨN cụm từ mà nhà văn Nam Cao thường nói đến "chết khi đang sống". Cái chết này là một cái chết về tinh thần - nó mòn mỏi, gặm nhấm dần cuộc sống của con người.
Thời gian quay ngược trở lại để một lần nữa chàng trai tâm sự:
Lời ước cùng nhau thuở sánh đôi
Anh còn vẹn vẻ giữ y lời...
Vẫn biết rằng hình bóng của em đã đi xa nhưng tình yêu của tôi đối với em sẽ là vĩnh cửu, nó sẽ mãi mãi trường tồn với thời gian "Em vắng, yêu em vẫn suốt đời".
Ðến đây, người đọc nhận thấy ở chàng trai một tình yêu vô cùng cao đẹp khi anh ta hiến dâng cả cuộc đời mình một cách trọn vẹn và tuyệt đối cho người yêu. Sự hy sinh đó là hoàn toàn tự nguyện. Và có lẽ điều đó không phải là vô nghĩa khi chàng nhận thấy vẫn còn có một sự giao cảm giữa tâm hồn mình với tâm hồn của người yêu: "Duy có lòng em vẫn hẹn hò". Ðối với chàng "đóa hoa hồng chẳng héo khô" là "một đóa hoa tinh túy" nhất mà người tình để lại cũng đủ đem lại cho chàng một niềm hạnh phúc vô bờ. Khổ thơ cuối bài là một niềm lạc quan được cất lên giữa những tiếng thơ buồn da diết và sâu lắng.
Có lẽ vì tình yêu chung thủy của chàng trai ấy và vì tất cả những gì đã nói ở trên mà tôi đã thích bài thơ này. Và tôi tin rằng không chỉ có tôi mà đã, đang và sẽ có nhiều người khác có cùng cảm nhận như tôi!.
Tạ Hường
Nguồn: Báo Phụ nữ Việt Nam 2001
Theo http://vuhuu.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...