Nhật ký xuyên Việt
Cuối tháng 5, phần việc của tôi tại công trình ở Hải Dương đã
xong. Sẵn dịp công ty sắp rút bớt chiếc xe bán tải ở công trường về Sài gòn nên
tôi đề nghị sếp cho tôi lái xe vào luôn thể.
Trùng trình mãi, tận đầu tháng 6 mới có quyết định đi, với
yêu cầu ngày 14 phải có mặt tại Sài Gòn vì đó là ngày hết hạn kiểm định. Thế là
chiều ngày 8, tạm ứng tiền xong tôi rời công trường lái xe về nhà, chuẩn bị trở
lại trời Nam sau gần một năm làm việc ngoài Bắc.
Ngày thứ nhất.
Mở lịch vạn sự xem, thấy ngày 9 là ngày đẹp nên tôi quyết định
chọn làm ngày khởi hành thay cho ngày 10 dù biết là sẽ còn rất ít thời gian chuẩn
bị. Sáng soạn đồ xong, chiều vẫn tranh thủ đến ngồi chém gió với những người bạn
thân thiết ở quán cà phê cạnh cung thiếu nhi, cố hít thở không khí Hà nội thêm
chút nữa trước một chuyến đi xa lâu ngày.
Hơn 8 giờ tối tôi khởi hành. Trời lác đác mưa. Chiếc xe lầm
lũi tiến vào bóng đêm, xa dần ngôi nhà nhỏ chan hòa ánh đèn. Phía trước là cuộc
hành trình đơn độc dài hai ngàn cây số.
Đi đêm, lại thêm đi trong mưa nữa, thật là khó chịu. Kính hậu,
gương chiếu hậu đều nhòe nước, rất khó nhìn phía sau. Tiếng mưa rơi lộp bộp
trên nóc xe, tiếng cái gạt nước kêu sồn sột trên kính không hề xua đi nỗi nhớ
như lời một bài hát mà chỉ càng làm tâm trạng thêm não nề. Qua Phủ Lý thì nỗi
chán chường đã lên đến đỉnh điểm khi trước mặt hiện ra cả một đoàn xe dài chồm
lên hụp xuống, vòng trái lượn phải để tránh các hố sâu trên những đoạn đường
đang tiến hành nâng cấp, còn mặt đường hiện ra dưới ánh đèn pha thì trông không
khác gì mặt ruộng.
Đến Gián Khẩu, Ninh Bình thì đã gần 11 giờ đêm. Tôi bỏ ý định
nghỉ đêm ở Thanh Hóa, rẽ luôn vào một khách sạn gần ngã ba đi Nho quan khi nhìn
thấy tấm biển báo có lối rẽ lên đường HCM ở gần đó.
Ngày thứ hai.
Như thường lệ sau những đêm mưa dài, sáng hôm sau trời rất đẹp.
Trời nắng nhẹ, không chói chang. Ăn sáng, đổ dầu xong tôi bắt đầu nhằm hướng
Nho Quan thẳng tiến trong tâm trạng thư thái. Đường đẹp, không đông lắm. Thỉnh
thoảng bên đường xuất hiện vài bóng áo vàng đang ngắm trời mây trông rất yên
bình. Nhưng cảm giác dễ chịu này không kéo dài. Được hơn chục cây số, đường bắt
đầu trở nên xấu tệ và khi đi đến đoạn giáp ranh với tỉnh Hòa Bình thì con đường
đã trở thành một nỗi kinh hoàng tưởng như bất tận.
Khỏi nói về niềm vui sướng khi cuối cùng gần trưa tôi đã nhìn
thấy con đường HCM chạy cắt ngang trước mặt, và khoảnh khắc hạnh phúc vỡ òa khi
chiếc xe dính đầy bùn đất bò lên được mặt đường nhựa.
Cảm giác được lên Thiên đường đôi khi thật là bình dị.
Đường HCM khá vắng vẻ, song không đến nỗi quá heo hút như tôi
vẫn tưởng tượng. Qua khỏi rừng Cúc Phương, thỉnh thoảng đây đó hai bên đường vẫn
có những xóm nhỏ thưa thớt vài mái nhà. Đôi khi còn thấy cả những tấm biển chỉ
đường vào những khu trại giam nằm heo hút đâu đó sâu bên trong nữa. Qua Nghệ AnQuá trưa, tôi dừng xe ăn trưa tại một quán ăn nhỏ trên đất Hà
Tĩnh. Thức ăn tạm được, giá hợp lý. Quán nhỏ và vắng nếu so với những quán ăn
thường thấy trên đường quốc lộ, chứ so với một xóm nhỏ trên con đường vắng vẻ
chạy trên rừng thế này thì không tệ chút nào. Ngồi gà gật một lát trong tiếng
nói chuyện ầm ĩ của đám thực khách (chắc là quen biết với chủ quán), tôi lại
lên đường định để kéo lại thời gian đã mất ở Nho Quan khi sáng.Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh Từ Hà Tĩnh trở vào, đường bắt đầu trở nên quanh co, nhiều dốc
hơn. Lại thêm đang vào mùa gặt, bà con nông dân trưng dụng đường để phơi thóc,
phơi rơm nên không thể đi nhanh được nữa. Cũng lạ là ở vùng đồi núi này đâu có
thiếu đất mà bà con mình không làm sân phơi, hay vì ở dưới xuôi lên nên họ mất
hẳn thói quen làm sân phơi nông sản rồi thì phải? Tất cả cứ đổ ra đường. Chợt
nghĩ nhiều người cứ nói nước ta là nước nông nghiệp. Nông nghiệp đâu chả thấy,
chứ nông nghiệp cái kiểu cò con chắp vá thế này thì còn lâu mới được gọi là nước
nông nghiệp. Chẳng thể gọi được là nước nông nghiệp, còn xa mới được gọi là nước
công nghiệp, có lẽ quê ta sẽ vẫn mãi chỉ được gọi là một nước XHCN. Ngang qua Phong Nha.Trên bản đồ, gần đến Phong Nha, Quảng Bình thì đường
HCM chia làm hai nhánh, nhánh Tây Trường Sơn đi vòng sau Phong Nha lên Khe Sanh
và nhánh Đông Trường sơn đi ngang qua Phong Nha, đi gần sát qua Đồng Hới. Chiều
tối, tôi rời đường HCM về Đồng Hới, đúng theo dự tính từ trước. Loanh quanh một
hồi tìm khách sạn, may mắn thế nào tôi tìm được một khách sạn khá lớn, có vẻ là
của NN, nằm ngay ở đầu cầu Nhật Lệ. Thoáng mát, rộng rãi, viu đẹp, lại có sẵn
nhà ăn, chẳng thể đòi hỏi gì hơn. Cầu Nhật Lệ nhìn từ balcony của khách sạn Ăn tối xong, tôi cao hứng sang đường ngồi hóng mát trong cái
công viên nhỏ bên đầu cầu Nhật Lệ. Gió sông thổi mạnh muốn bạt cả hơi, nhiều
khi bàn ghế cũng bị gió thổi bay lỏng chỏng. Nhậu hết một chai C2, không chịu
được gió nên tôi quay lên phòng ngồi và tiện tay post luôn lên FB tấm ảnh chụp
cầu Nhật Lệ bằng Đtdd. Một lát sau chợt có một cuộc điện thoại gọi tới. Thì ra
Mục Đồng thấy tấm ảnh vừa post đã nhận ra tôi đang ở Đồng Hới nên hỏi thăm. Đã
khá muộn nên hai anh em hẹn nhau sáng hôm sau gặp để nhậu cà phê sáng.
Ngày thứ ba.Một góc Đồng Hới nhìn từ cửa sổ khách sạn Tôi rời khỏi khách sạn từ khá sớm. Chạy vòng vòng một hồi mới
tìm được một cây xăng có chỗ rửa xe, rồi lại đi vòng vòng tìm chỗ ăn sáng. Gần
9h sáng mới gặp Mục Đồng, hai anh em ngồi cà phê sáng chém gió. Tự nhiên nghĩ:
thế giới ảo nhiều khi có những cái hay không hề ảo. Hai anh em mỗi người ở một
nơi xa tít, chẳng mấy khi gặp nhau nhưng không hề cảm thấy xa lạ, nói chuyện vẫn
thân thiết và hợp nhau như đã quen thân từ lâu, kể cũng hay.
Ra khỏi Đồng Hới, tôi định xuôi theo QL1 đến Đông Hà rồi mới
đi lên đường 9, nhưng đi một đoạn với tốc độ rùa bò tôi bắt đầu sốt ruột. Nhìn
thấy biển báo có lối rẽ lên đường HCM, tôi rẽ luôn, thầm trách mình đúng là
thân con lừa: rẽ lên đường HCM từ Đồng Hới gần hơn nhiều, mà đỡ mất công bò một
đoạn dài trên QL1.
Dẫu sao tôi vẫn còn được an ủi đôi chút khi ngẫu nhiên con đường
tôi đang đi lại chạy ngang qua Kiến Giang, quê hương của Đại tướng Võ Nguyên
Giáp. Ấn tượng về Kiến Giang đọng lại trong tôi là về một vùng quê sông nước hiền
hòa, với những cánh đồng lúa mênh mông bát ngát đúng là thẳng cánh cò bay trải
dài trong nắng sớm, không có chút gì gợi nhớ về một Quảng Bình nắng lửa.Sông Kiến Giang, Lệ Thủy. Có một tấm biển ghi rằng nhánh sông
bên phải, cách khoảng 3, 4 km là quê nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Và trên
internét có người nói rằng gần đó là quê của cựu tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm.
Xe bắt đầu vào đường 9. Cảm giác lạ lùng khi đi qua những địa
danh nổi tiếng máu lửa của một thời chiến tranh trên con đường này dần dần tan
đi. Thời gian hầu như không còn lưu lại gì để cho những lữ khách vội vàng như
tôi có thể nhìn thấy từ trên đường những gì còn sót lại của những trận đánh Khe
Sanh, đường 9 - Nam Lào năm xưa…
Tôi dừng xe ăn trưa khá muộn trên một phố nhỏ trên đường 9. Cả
dãy phố chỉ có duy nhất một quán ăn nhưng khá ngon, lịch sự và phải chăng. Ăn
xong, đang trả tiền thì nghe bên ngoài vang lên một tiếng rầm và tiếng phanh
rít, tiếng động cơ ô tô rú ầm ầm. Bước ra ngoài xem thì thấy một chiếc xe bốn chỗ
biển xanh vẫn còn đang quay mòng mòng trên cái sân đất trước quán, bụi bay mù mịt.
Cách đó một quãng là một chiếc xe khách dúi đầu vào vệ đường. Người lái xe
khách nhảy xuống, bắt đầu vung tay chửi rủa sau cơn hoảng sợ, còn những người
đàn ông trong chiếc xe bốn chỗ cũng lục tục chui ra khỏi xe, thờ ơ đứng nhìn cuộc
đấu khẩu của hai tài xế. Tôi bỏ ý định ngồi nghỉ lại, ra xe đi luôn.
Từ thị trấn này hướng lên biên giới, đường 9 chạy giữa một
bên là sông (hình như là sông Thạch Hãn), một bên là núi. Nắng trưa hoe hoe,
gió ngàn thổi ào ào, những hàng cây hai bên đường ngả nghiêng rạp mình trong
gió. Xe chạy thêm một đoạn chừng chục cây thì tới cầu treo Dak’Rong, điểm đầu của
đường 14. Tôi đã từng nhiều lần qua lại thị trấn Chơn Thành, Bình Phước, là điểm
cuối của con đường 14 dài 1000km này, nhưng khi lái xe vào cầu treo, điểm đầu của
đường 14, tôi vẫn có cảm giác nao nao…Cầu Dak’Rong, điểm bắt đầu của đường 14 dài 1000km. Điểm cuối
của con đường 14 này là thị trấn Chơn Thành, Bình Phước, cũng là điểm nối QL 14
với QL 13.
Đường 14 đoạn đầu này rất hẹp và quanh co, chạy giữa một bên
là núi, một bên là dòng sông Dak’Rong (là đoạn thượng nguồn của sông Thạch Hãn)
đang mùa cạn trơ đáy. Cột cây số bên đường hiện lên khoảng cách tới những địa
danh vừa quen, vừa lạ: A Lưới, A Tép, A Sờ… Phía trước là A LướiXe qua thị trấn A Lưới khi mới hơn 3 giờ chiều. Từ giờ đến tối
chỉ còn khoảng 3 tiếng, không biết trong khoảng 100km tới có thị trấn nào
không. Ngẫm nghĩ trong khi cho xe chạy chậm chậm qua thị trấn (vì hạn chế tốc độ)
rồi tôi quyết định liều cứ đi, cùng lắm ghé vào cây xăng nào đó ngủ tạm.Một làng tái định cư. Nghĩa là quanh đây Đoạn đường vừa đi qua.Đoạn đường qua A Roàng là đoạn đường hùng vĩ và có lẽ là hiểm
trở nhất trên đường HCM. Sóng điện thoại chập chờn nên tôi không thể định vị được
vị trí của mình và các điểm dân cư khả dĩ có thể nghỉ lại, nhưng cảnh đẹp quá
nên tôi vẫn phải dừng xe liên tục để ngắm và chụp ảnh, mặc cho thời gian cứ
trôi, muốn tới đâu thì tới. Đường chiều.Đi một đoạn nữa, sang địa phận Quảng Nam thì trời bắt đầu tối.
Cột km bên đường báo còn đâu khoảng chừng hơn hai chục km nữa là tới Thạnh Mỹ,
một cái tên hứa hẹn là một thị trấn lớn chứ không phải chỉ là những cái tên với
vài nóc nhà như A Tép, A Sờ… gì đó. Trong ánh sáng nhập nhoạng cuối ngày còn
sót lại, tôi tranh thủ ngắm con đường vắt vẻo trên những dải núi chắn ngang bầu
trời, rồi sau đó trước mũi xe chỉ còn loang loáng khi thì vách núi, khi thì khoảng
không tối đen nối tiếp nhau hiện ra dưới ánh đèn pha trên đoạn đường núi gần
như chỉ toàn cua gấp liên tục.
Rồi cuối cùng thì lúc đi qua vài đoạn cua, trong bóng tối đen
kịt, nhìn xa xa phía bên dưới đã thấy thấp thoáng xuất hiện những vầng chấm đèn
của một thị trấn. Chạy khoảng sáu bảy cây số nữa, tôi vào tới thị trấn Thạnh Mỹ.
Thị trấn khá lớn. Quán nhậu thì nhiều và khá đông, nhưng quán ăn thì ít, có lẽ
vì lúc đó đã hơn 8 giờ tối, nên lòng vòng mãi tôi mới tìm được một quán ăn.
Ăn tối xong, tôi cho xe vào một nhà nghỉ khá lớn đã nhắm từ
trước, nhưng vào đến sân mới thấy bên trong đã đầy xe con. Lễ tân nói như có lỗi
rằng hôm nay huyện tổ chức họp hành hội nghị gì đó nên hết sạch phòng. Họp với
chả hành, điên cả ruột. Tôi thầm rủa rồi lại quay xe ra tìm chỗ nghỉ khác, và
cuối cùng đành phải bằng lòng với một nhà nghỉ tồi tàn, hôi hám ngay cạnh một
nhà đang có đám ma. Được cái là vì đang mệt mỏi nên tôi chìm vào giấc ngủ rất
nhanh, mặc kệ chăn đệm hôi mù cùng tiếng nhạc đám ma rền rĩ từ nhà bên vọng
sang.
Ngày thứ tư.
Thị trấn Thạnh Mỹ trong nắng sớm đẹp hơn là tôi đã hình dung
qua ánh đèn đêm qua. Nhưng chặng đường dài phía trước không cho tôi có nhiều thời
gian ngắm cảnh. Ăn sáng, đổ dầu xong tôi là vội vã lên đường.
Đoạn đường từ Quảng Nam sang Kon Tum cũng khá đẹp, nhưng đã giảm
bớt sự hấp dẫn với tôi bởi ấn tượng về sự hùng vĩ của đoạn đường qua Huế hôm
trước vẫn còn in đậm trong tâm trí.Một đoạn đèo Lò XoĐến đèo Lò Xo thì trời đang nắng bắt đầu chuyển sang âm u, lất
phất mưa và gió lạnh. Xe chạy qua Ngọc hồi, Tân cảnh trong mưa bay mịt mù và tiếng
gió cao nguyên gào rít bên ngoài cửa kính, chẳng còn nhìn ngắm được gì ở nơi vốn
được gọi là một con gà gáy ba nước cùng nghe tiếng này.
Tôi dừng lại ăn trưa ở một quán ăn vắng vẻ bên ngoài thị trấn
Đắc Tô. Trời vẫn mưa bay bay, gió lạnh thổi ù ù cộng với thức ăn nguội ngắt nên
tôi vội vã ăn cho xong rồi lên đường.
Gần đến thành phố Kon Tum thì trời bắt đầu chuyển sang nắng và
tôi đi qua đường phố Kon Tum, qua cầu Đăkbla trong nắng trưa chói chang.
Đoạn đường từ Kon Tum về Sài Gòn tôi đã từng đi qua vài lần, đường
xấu, vả chăng đã chán cảnh ôm vô lăng chạy một mình trên núi mãi nên qua khỏi
Kon Tum đến ngã ba Trà Huynh thì tôi rời QL.14, rẽ theo đường tắt đi Kon
Dơng để theo QL.19 xuống Quy Nhơn. Một lý do nữa khiến tôi muốn ghé
qua Quy Nhơn là vì muốn gặp một người bạn thân chưa hề gặp mặt là giáo sư Trần
Phan. Liên lạc với giáo sư Phan khi dừng lại nghỉ trên đỉnh đèo An Khê, rất may
là giáo sư vẫn đang ở thành phố. Bên đường đi Kon Dơng. Theo bản đồ thì Bên đường đi Kon DơngXuống đến Quy Nhơn thì trời đã sắp tối. Giáo sư Trần đã đến
đón ở chỗ hẹn. Trông giáo sư trẻ và hiền hơn rất nhiều so với hình dung của tôi
khi đọc những bài viết của giáo sư. Thời gian không có nhiều nên ngồi với giáo
sư trong một quán cà phê nằm ngay bên bờ biển được một lúc, nói được vài câu
chuyện là tôi lại phải lên đường.
Tôi dừng chân ăn tối ở một quán ăn lồng lộng gió biển nằm
trên đỉnh một con dốc ở Sông Cầu, trong quán có rất đông lái xe tải đường dài
ăn uống rồi lại ra xe chạy tiếp luôn. Vậy mà đến hơn 22h tôi mới về tới tp. Tuy
Hòa để nghỉ đêm.
Ngày thứ năm. Phía trước là đèo CảĐịnh về Sài Gòn trong ngày nên tôi dậy sớm, ăn sáng luôn trong
khách sạn rồi đi luôn. Vậy mà đến Nha Trang thì cũng đã gần trưa. Gọi cho bác
sĩ Sao Hồng mấy lần mới liên lạc được, cũng may là anh không bận việc gì. Thế
là hai anh em hẹn nhau ăn trưa và cà phê, nhẩn nha tận hưởng phong vị đặc biệt
của thành phố du lịch biển, như chưa từng có đằng sau hàng ngàn cây số đường rừng. Qua đèo Cả nhiều lần nhưng cảnh Bãi biển Đại LãnhChia tay bác sĩ Sao Hồng, tôi đi dọc con đường mới mở ven biển
dẫn đến sân bay Cam Ranh và khi nhập vào QL.1 thì trời cũng đã bắt đầu sang chiều.
Đoạn đường từ đây về Sài gòn tôi đi đã rất nhiều lần và có lẽ cũng quen thuộc với
rất nhiều người nên chẳng có gì nhiều để nói nữa.
Quãng nửa đêm tôi về đến Biên Hòa, sau khi chạy lòng vòng ở
thị xã Long Khánh rồi Trảng Bom mà tìm mãi không có một nhà nghỉ nào. Không thể
chạy tiếp được nữa vì quá mệt, tôi phải nghỉ lại gần ngã ba Trị an và sáng hôm
sau mới về đến Sài Gòn, kết thúc chuyến xuyên Việt lần đầu tiên.Lại ngồi vỉa hè của đường phố Sài Gòn.Tháng 2/2013
Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh
Cầu Nhật Lệ nhìn từ balcony của khách sạn
Một góc Đồng Hới nhìn từ cửa sổ khách sạn
Một làng tái định cư. Nghĩa là quanh đây
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét