Tháng 5 năm 2007, Nhà xuất bản giáo dục và Trung tâm văn
hóa Doanh Nhân cho ra đời tuyển tập 100 bài thơ hay nhất thế kỷ 20. Một tháng
sau (6.2007), Nxb Hội nhà văn cũng cho ấn hành Tuyển tập thơ chọn lọc thế kỷ
20. Cả hai tuyển tập đều chọn bài thơ Đường về Quê Mẹ - một trong ba thi phẩm
xuất sắc của nhà thơ Đoàn Văn Cừ (hai bài kia là Đêm hè, Chợ tết). Đoàn Văn Cừ được dư luận người đọc đương thời mệnh danh là
một trong bốn ’’Thư ký thời đại đã lưu giữ hồn quê Việt Nam’’ trong thơ ca của
mình. (Ba người kia là Anh Thơ, Bàng Bá Lân, Nguyễn Bính). Đường Về Quê Mẹ viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt, 6 khổ, 24
câu, vẽ lại hình ảnh người phụ nữ nông thôn Việt Nam khi xưa, muốn cho con cái
không quên cội nguồn, người mẹ trẻ dắt các con về thăm quê ngoại. Bài thơ chỉ miêu tả khung cảnh đồng quê trên đường đi mà
không bình luận. Tác giả ’’chộp’’ lấy khoảng thời gian, không gian, khung cảnh
cánh đồng, làng quê… đẩy cảm xúc nghệ thuật lên cao rồi ghi lại. Chỉ
tới bốn câu kết, nhà thơ mới gián tiếp bày tỏ tâm tư thông qua nhận xét của dân
làng: Dẫn là thân phận ’’nữ nhi ngoại tộc’’, người phụ nữ thảo hiền vẫn không
quên quê cha đất tổ… Theo nguyên tắc của thể thơ Đường, tác giả vào đề bằng hồi ức
của đứa con vẫn giữ lại trong trí tưởng hình ảnh lúc bé theo mẹ về thăm quê
ngoại: U tôi ngày ấy mỗi mùa xuân Dặm liễu mây bay sắc trắng ngần Lại dẫn chúng tôi về nhận họ Bên miền quê ngoại của hai thân. U - là cách gọi mẹ của dân mấy huyện xung quanh thành
Nam. (gọi cha, bố là Thầy). Nguyễn Bính người huyện Vụ Bản cũng
xưng hô với mẹ như thế. Ông đưa vào bài thơ Chân Quê: ’’Thầy U mình với chúng
mình chân quê’’ (1). Thế nhưng dân ở hai huyện Giao Thủy, Hải Hậu - cũng là đất
Nam Định - thì vẫn xưng hô: Bố - Mẹ. Hai thân (hay song thân) - là cách gọi bố mẹ của những người
có học thể hiện sự kính trọng, văn hoa. Nhà thơ dùng cụm từ:: ’’dặm liễu -
mây bay - (sắc) trắng ngần’’ - vừa như tả cảnh trí (mây trắng bay…) nhưng
cũng thể hiện cách điệu sắc đẹp ngoại hình của mẹ: Tinh tế, thướt tha, uyển
chuyển... Tôi nhớ đi qua những rặng (cây) Đề Những dòng sông trắng lượn ven đê Cồn xanh, bãi tía kề liên tiếp Người xới cà, ngô - rộn bốn bề. Quê cụ Đoàn làng Đô Quan, xã Nam Lợi, huyện Nam Trực - nằm
cách chân đê sông Hồng không xa. Tại sao lại có ’’Những dòng sông trắng lượn ven đê’’? Dọc con đê, phía ngoài là sông Hồng - sông lớn nhất ở miền
Bắc, ven đê phía trong lại có những sông con lượn quanh. Nguyên do: Để chống
lại những cơn lũ gây vỡ đê khi nước sông dâng cao mỗi mùa lũ tới, dân cư hai
bên bờ tả ngạn (Nam Định) - hữu ngạn (Thái Bình), đào đất trên cánh đồng, đem
bồi đắp đê ngăn nước. Đê sông Hồng là con đê to nhất miền Bắc, bởi vậy đất
đào nhiều, tạo thành những con sông chạy dọc theo đê. Khoảng cách giữa đê
chính và sông đào tuy không xa nhưng khoảnh đất này khá lớn lại khó có thể trồng
lúa vì khi xưa không có bơm điện nên ở đây úng lụt. Không để lãng phí đất, dân quê phải tôn lên cao (vượt), tạo
thành những cồn đất. Còn bãi - thường nằm dưới chân đê cạnh mép nước sông.
Trên bãi, dân cư trồng hoa màu như ngô, khoai, rau cải, cà pháo, cà tím,
đâu... các cây trồng đã tạo cảnh sắc ’’Cồn xanh (mầu lá rau cải…) bãi tía
(tím nhạt) - cà tím, khoai tía…) kề liên tiếp’’... Dọc bờ sông đào được trồng những hàng cây Đề, tạo thành rặng
cây. Cây Đề cùng họ rễ buông với cây Đa. Trên bờ, Đề buông rễ xuống mặt nước...
đây đó từng đoạn vài trăm mét lại có một lều cất vó hoặc những con thuyền nan
có những cụ già buông cần câu cá, làm phong cảnh sông nước, đồng quê thật
bình yên, tĩnh lặng, nên thơ... Thúng cắp bên hông, nón đội đầu Khuyên vàng, yếm thắm, áo the nâu Trông U chẳng khác thời con gái Mắt sáng môi hồng mà đỏ au. Người phụ nữ thời xưa thường dùng (cái) thúng - đan bằng
tre, vành cạp mây - đựng đồ vật để buôn bán hay di chuyển, mang đi. Thi sĩ
Nguyễn Vỹ đã viết trong Gửi Trương Tửu: ’’Còn tôi bưng thúng theo đàn bà/ ra
chợ bán văn ngày tháng qua’’ (3). Lần về này, mẹ mang thúng đựng
quà tặng Thầy, U và người thân. Vì trọng lượng thúng nhẹ - dăm ba cân, đi gần
- mẹ cắp bên hông chứ không đội. Người mẹ mà nhà thơ miêu tả - dắt theo mấy đứa con (... dẫn
chúng tôi...), chắc thời con gái mẹ đẹp lắm. Bây giờ dù đã có đàn con, nhưng
nhìn trang phục: Yếm thắm, khuyên vàng, áo the nâu và ’’má (vẫn) đỏ au’’, cậu
bé có cảm nhận mẹ mình vẫn như thời con gái! Dưới cái nhìn của câu, người mẹ
thân yêu thật đẹp. Đó cũng là hình ảnh của những người mẹ trẻ đương thời, vì
khi nhà thơ viết ĐVQM đã ở tuổi 29 (1913 - 1942). Kí ức về mẹ của tác giả chỉ
còn rất ít, vì khi theo mẹ về quê ngoại, nhà thơ mới 5 tuổi... Tà áo nâu in giữa cánh đồng Gió chiều cuốn bốc bụi sau lưng Bóng U như bóng người thôn nữ Cúi nón mang đi cặp má hồng Về làng, mẹ con phải vượt qua cánh đồng. Tấm áo the nâu của
mẹ mỏng tăn. Gió chiều thổi mạnh, cuốn bốc bụi sau lưng. Mẹ khép mình, như tránh
những làn bụi hắt vào thân thể. Cúi đầu, kéo nón che cả khuôn mặt để tránh bụi
bay vào mắt. ’’Cúi nón’’ - khiến che cả má hồng của mẹ. Trông mẹ như e ấp… cậu
bé cảm thấy mẹ mình như bao cô gái quê ở tuồi cập kê - khép nép, dịu dàng… Chiều mát, đường xa nắng nhạt vàng Đoàn người về ấp gánh khoai lang Trời xanh, cò trắng bay từng lớp Xóm chợ lều phơi xác lá bàng. Làng Đô Quan, phía nam là vùng đất trũng chỉ trồng được
lúa. Phía bắc giáp với các làng Thôn Nội, Liên Tỉnh… là vùng đất cao, pha
cát, thích hợp trồng hoa màu nên dân cư không trồng lúa... Khoai lang của vùng đất pha cát - rất đặc biệt: Củ to bằng
bắp chân người lớn, nặng từ 300 đến 1 kilô. Có nhiều củ nặng đến vài ba ký lô. Khi luộc, bột khoai bở, nuốt phát nghẹn. Có loại khoai nghệ, luộc chín,
bóc vỏ, ruột khoai vàng như nghệ, đường tứa ra ngọt như tẩm mật nên dân Nam Định
gọi là khoai nghê - khoai mật. Thời gian mẹ về quê vào buổi chiều nên gặp nhiều nông dân bới
khoai gánh về thôn ấp. Chiều quê hương thật đẹp: Bầu trời xanh cao thăm thẳm,
từng đàn cò trắng bay về tổ, in trên nền xanh làm nổi hẳn những cánh cò trắng
phau. Qua chiếc chợ ở đầu làng (người mua kẻ bán đã về hết), những chiếc lều
quán xiêu vẹo ngập xác lá (cây) Bàng, thứ cây thường được trồng ở những nơi
dân cư tụ tập (chợ, trường học, đình làng…) để lấy bóng râm, che cho người đứng
dưới mát mẻ, giảm oi nồng trong mùa hè nóng nực. Qua khỏi chợ, mẹ con tiến vào làng: Tới đầu làng gặp những người quen Ai cũng khen U nết thảo hiền Dẫu phải theo chồng thân phận gái Đường về quê mẹ vẫn không quên. Người mẹ trẻ gặp bà con chòm xóm. Ai cũng vui mừng hồ hởi
vì biết nàng dù đã đi lấy chồng nơi xa nhưng vấn về thăm quê hương, tổ tiên,
ông bà, cha mẹ. Thơi xa xưa, dân ta đã tổng kết: ’’Con gái là con người
ta’’. Con gái gả chồng coi như ’’bát nước đổ đi’’. Trên thực tế: Người con
gái lấy chồng phải đổi họ, phải gánh vác ’’giang sơn’’ nhà chồng. Gánh nặng
cuộc đời đè nặng trên vai gầy của người đàn bà tần tảo, nghèo khiến họ không
còn khả năng giúp đỡ bố mẹ đẻ… Bố mẹ đẻ cũng cưới con dâu cho em (anh) trai cô gái đã đi ở
riêng. Người con dâu kia cũng lặp lại theo chu kỳ mà con gái ông bà đã đi.
Đây chính là quy luật cuộc đời, là cái ’’nợ đồng lần’’ mà tất cả mọi gia đình
trong cộng đồng tộc Việt đều chia sẻ. Theo nhiều tư liệu: Đoàn văn Cừ sinh năm 1913, mồ côi mẹ từ
lúc 5 tuổi. Cũng giống Nguyễn Bính, dù mất mẹ lúc còn nằm trong nôi, cũng viết
về mẹ rất hay (bài Lòng Mẹ). Người Mẹ trong thi ca của cả hai nhà thơ đất Nam
Định đều được người đọc Việt Nam tán thưởng đến xúc động. Tuy nhiên, tôi góp ý về nhận định của Trần Ngọc Thụ Trong một
bài viết, có đoạn: ’’… Nói nhiều đến từ "thật" là vì gần đây một nhà
thơ khi bình thơ Đoàn Văn Cừ có nói: Đường về quê mẹ là bài thơ nhiều màu sắc,
đủ 12 màu như bài Chợ tết, và Đoàn Văn Cừ lấy hình ảnh của những thiếu nữ
nông thôn đương thời để viết về mẹ mình ngày xưa, tạo nên hình ảnh người phụ
nữ nông thôn tiêu biểu thời xưa. Nói như thế thật không thấu lý đạt tình’’ (Mẹ trong thơ Nguyễn Bính và Mẹ trong thơ Đoàn Văn Cừ - Trần
Ngọc Thụ (*) Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến nhận xét của nhà thơ mà tác
giả TNT không tán thành. Cụ Đoàn Văn Cừ viết ĐVQM trên nền sự thật, cảnh thật
mà tác giả nhìn thấy trên đường về quê ngoại (làng Cổ Giả). Tuy cảnh phải nói
là rất "THẬT", nhưng đã được điển hình hóa của nhiều cảnh thật xung quanh,
chứ không phải cái thật cụ thể trên đường từ Đô Quan (quê nội) đến
Cổ Giả (quê ngoại). Đoạn đường này nằm ở phía tây, không có ’’Những dòng
sông trắng lượn ven đê’’, càng không có ’’cồn xanh bãi tía kề liên
tiếp’’ - để nhà thơ dựng lên khung cảnh bài thơ ĐVQM. Bởi vì, khi tác giả mới 5 tuổi, cụ bà - mẹ nhà thơ - đã mất.
Một đứa trẻ 5 tuổi không có nhận xét về mẹ… như các câu thơ của bài thơ. Sự
thực, bài thơ được tái tạo vào năm 1942 - lúc Đoàn Văn Cừ 29 tuổi. Tác giả kết
hợp từ quan sát ’’thì’’ hiện tại, với hồi ức của quá khứ mới viết ra ĐVQM. Bài thơ là sự khái quát được kết tinh hoàn toàn do trí sáng
tạo. Nói cụ thể hơn: Cái ’’thật’’ trong thơ chỉ là ’’Bột’’ đề ngòi bút tài
năng gột nên ’’Hồ’’ - Đường về quê Mẹ!.
Cũng giống như Nguyễn Bính viết bài Lòng Mẹ. Hình ảnh người
mẹ trong bài thơ hoàn toàn do tác giả tưởng tượng ra trên nền của các hình ảnh
diễn ra xung quanh, do người thân, do dân cư trong vùng kể lại hoặc do chính
Nguyễn Bính chứng kiến sau này. Bà mẹ trong bài thơ Lòng Mẹ có cô con gái đi
lấy chồng… trong khi NB mất mẹ từ khi hãy còn ẵm ngửa.Có rất nhiều thí dụ về sự sáng tạo của nhà Thơ. Nhân vật -
Thật - Giả gắn quyền - tạo ra nhân vật sống động, trường hợp này là ’’Giả’’,
nhưng trường hợp khác lại hoàn toàn ’’THẬT’’… Dù Giả đấy, nhưng là
hình ảnh của nhiều người được tác giả chắt lọc xây dựng lên. Người nữ du kích
trong Núi Đôi của Vũ Cao, được sáng tạo từ những anh hùng liệt sĩ
khác… Ngược lại, nhân vật ’’nàng’’ trong Màu Tím Hoa Sim của Hữu
Loan - lại là bản sao thật của người vợ trẻ của nhà thơ… Một chi tiết khác: Tôi là người làng Xối Tây (Xã Nam Long),
làng tôi và làng Đô Quan của cụ Đoàn (Xã Nam Lợi) - chỉ cách nhau một cánh đồng
(4). Quê ngoại của cụ là làng Cổ Giả (…) – nằm ở phía tây, phía trong hai xã
kia, gần đường tỉnh lộ số 55. Cổ Giả nằm cách xa đê sông Hồng nên không có
’’những dòng sông… lượn ven đê’’, không có ’’cồn xanh, bãi tía’’. Nhưng từ
làng Đô Quan đi ra phía đê sông Hồng, nghĩa là ngược hướng với Cổ Giả (quê
ngoại) , thì cảnh trí này toàn là… thật - như câu thơ đã viết. Cũng như vậy - Bài Chợ Tết nổi tiếng cũng của Đoàn Văn Cừ -
không phải cảnh chợ tết ở quê hương nhà tho. Vì huyện Nam Trực không có núi đồi
đề miêu tả ’’Trên con đường viền trắng mép đồi xanh’’. Điều này cũng đã được
cụ Đoàn nói rõ trong một bài phỏng vấn của phóng viên Văn Nghệ - ND. (khi đó cụ
Đoàn đã yếu lắm, phải trò truyện bằng bút đàm): ’’… Hỏi: Ông đã lấy những hình ảnh phiên chợ tết quê mình
để viết bài thơ Chợ Tết phải không? Trả lời: Phải vậy cũng không phải vậy… Từ năm tám tuổi tôi
đã thích theo mẹ đi chợ. Có những chợ ở cạnh sông, lại có những chợ ở bên
núi. Chợ ở giữa trời đất. Những cái chợ đấy có cả ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Việt
Trì... chứ đâu chỉ có ở quê mình. Cái chợ này là hồn vía của người Việt Minh ở
miền bắc. Mấy năm trước bên làng Lao có một đoàn người sang gặp tôi bảo rằng
đó chính là phiên chợ của làng họ. Họ xin phép tôi cho khắc đá bài thơ…’’ (*) Nói tóm lại: Các bài thơ hay nhất của Đoàn Văn Cừ đều là
thơ miêu tả khung cảnh đồng quê Việt Nam. Trước hết được tác giả sáng tạo trên nền của cái ’’Thật’’. Có điều vốn sống của nhà thơ quá dồi dào,
tài năng, công với sự quan sát kỹ càng, tỉ mỉ, sâu sắc, nắm bắt được cái thần
- bản chất của người và vật, sử dụng ngôn từ tinh tế, dân dã… đã tạo ra tác
phẩm thành công mỹ mãn. Hầu như toàn bộ sáng tác thơ của Cụ Đoàn trong hai tập thơ
Thôn Ca (I, II) - đều được thể hiện theo phong cách tả cảnh. Dù là tả cảnh
’’sao chép… chụp ảnh’’, nhưng… người đọc nhìn cảnh - sinh tình, cảm thụ được
hết vẻ đẹp của thôn quê Việt Nam. Vả lại, dưới ngoài bút tài hoa, hiểu biết đồng
quê, ’’Người thư ký thời đại’’ Đoàn Văn Cừ đã mang đến cho người đọc cảm xúc
rạt rào, nhận thức sâu sắc, đẩy khoái cảm thẩm mỹ lên cao… Điều quan trọng hơn: Từ chủ đề rõ ràng, cấu trúc chặt chẽ,
câu, ý thơ trong sáng khiến hiệu quả truyền cảm của tác phẩm thêm mãnh liệt.
Hai câu kết của Đường Về Quê Mẹ có thể đã vượt ra ngoài dụng ý của tác giả.
Người đọc phải suy tư, đi đến đồng cảm… Tận trong cõi sâu tâm hồn nhận ra -
bài thơ đã chuyển ý, vượt ra khỏi khuôn mẫu, bay bổng, kích thích trí tưởng:
Đó là lời nhắn nhủ, là thông điệp của tác giả chuyển đến mọi người đọc: Dù đã đi theo người… Dù đã về làm dâu nhà người… Đừng bao giờ quên Đường Về Quê Mẹ!.
Chú thích:
(1) Nhà thơ Nguyễn Bính cũng có bài thơ Chân Quê, cùng chủ
đề về quê hương như Đường Về Quê Mẹ:… Hôm qua em đi tỉnh về Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều... Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh… Em ơi! giữ lấy Chân quê! Theo nhiều người đương thòi với tác giả: Nguyễn Bính viết
bài này nhằm phê phán một số nhà thơ ’’mất gốc’’, ’’cóp nhặt’’ phong cách thơ nước ngoài (Pháp, Nhật…) - làm mất
vẻ đẹp truyền thống của thơ Việt… (2) Cùng năm huyện phía nam (bên kia cầu đò Quan - sông
Đào) với tỉnh Thái Bình - tạo nên vựa lúa của đồng bằng châu thổ sông Hồng. Sáu huyện phía nam: Nam Trực, Trực Ninh, Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thủy, Nghĩa
Hưng - đều chuyên canh trồng lúa nước. Chỉ có vài xã giáp ranh với làng Đô
quan (thuộc huyện Nam Trực) là trồng mầu - cây công nghiệp. (3) Cái thúng là một vật đan bằng tre, rất thông dụng ở
nông thôn Việt Nam. Các bà, các chị bỏ đồ vật, (thóc, gạo…) vào trong. Nếu di chuyển
gần thì bưng, bê. Xa hơn - vài cây số - cắp nách- Xa dăm cây số -
đội. Xa mươi cây số thì bỏ vào quang, gánh… (4) Thời kháng chiến chống Pháp, các thôn: Ngọc Tỉnh,
Duyên Hưng, Nam Hưng, Bằng Hưng, Xối tây, Xối Trì, Hạ Lao, Đô Quan - đều thuộc
xã Nam Long. Sau năm 1954 xã chia đôi thành Nam Long và Nam Lợi… (*) Hai trích đoạn này lấy trong trang tác giả Đoàn Văn Cừ
- của Google 9/4/2009 Lê Xuân Quang Theo https://www.vanchuongviet.org/ |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét