Thứ Năm, 27 tháng 5, 2021

Có một "Miền xanh thẳm" trong trái tim Trần Hoài Dương

Có một "Miền xanh thẳm"
 trong trái tim Trần Hoài Dương

1. Nhà văn yêu cái Đẹp và cái Thiện được sinh ra từ miền Kinh Bắc
Không hiểu vì sao nhà thơ của “Miền xanh thẳm” lại chọn bút danh Trần Hoài Dương? Phải chăng ông luôn muốn gắn liền tên mình với sự hoài nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn (quê quán của Trần Hoài Dương là thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương), bởi tên khai sinh của ông là Trần Bắc Quỳ, sinh ngày 8 tháng 11 năm 1943 tại Thị Cầu, Bắc Ninh.
Trước 1975, Trần Hoài Dương đã từng làm cán bộ biên tập của Tạp chí Cộng sản, nhưng do đam mê sáng tác văn học nên đã xin chuyển sang công tác ở Ban Văn xuôi của báo Văn Nghệ.
Năm 1982, ông chuyển vào làm ở bộ phận miền Nam của báo Văn nghệ.
Năm 1992, ông xin ra khỏi biên chế, làm một nhà văn tự do * . Ông đã viết theo những điều Thiện và cái Đẹp mà ông luôn tâm niệm: “Tôi gắng chắt lọc từ cuộc sống ngổn ngang, bề bộn những gì tinh túy nhất, trong ngần nhất để viết cho các em. Tôi đến với văn học thiếu nhi như đến với một thứ Đạo. Viết là để đem lại lòng yêu thương và vẻ đẹp tuyệt vời của văn chương cho trẻ nhỏ. Tôi cũng hy vọng những trang viết của tôi không chỉ dành riêng cho trẻ em đọc mà còn cho tất cả những ai muốn tìm lại tuổi thơ đã mất của mình, những ai muốn có những giây phút sống yên bình trong thế giới trắng trong của cái Đẹp và cái Thiện”.
Có thể nói, ông là một trong số những nhà văn hiếm hoi của Việt Nam đã dành tâm huyết cả đời cho mảng văn học thiếu nhi. Ông mất ngày 6 tháng 5 năm 2011 tại thành phố Hồ Chí Minh).
2. “Miền xanh thẳm”, một thiên hồi ký quý báu của Trần Hoài Dương
Một bạn văn nói: Hãy đọc “Miền xanh thẳm”, đó là một tác phẩm đáng đọc và nên viết về những giá trị tâm hồn mà thiên hồi ký đã đem lại cho chúng ta”. Đọc một vài trang. Ô hay, sao văn nhẹ nhàng, trong trẻo, giản dị như văn của Thạch Lam. Và đọc thêm vài trang nữa về hành trình của cậu bé nhỏ tuổi phải sống xa nhà, mới nhận ra: đây là hồi ký tuổi thơ thật quý giá của tác giả những năm gian khó, trong bối cảnh đất nước ta: mới giành được hòa bình sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Nhân vật chính trong “Miền xanh thẳm” là cậu bé Thiện đang học cấp 2 (nguyên mẫu nhà văn Trần Hoài Dương sau này). Hoàn cảnh của gia đình hết sức quẫn bách, Bố, Cô và bảy đứa con của hai người luôn trong tình trạng thiếu ăn vì thất nghiệp… cậu bé Thiện đã phải sống xa nhà, khi mới mười hai, mười ba tuổi. Một cuộc sống tự lập để có thể tiếp tục theo học tại một ngôi trường ở thị xã Bắc Giang. Những trang viết về cảm nhận của một cậu bé, lần đầu tiên phải khi xa rời bố mẹ để đến một nơi xa lạ thật chân thực và đầy xúc động.
Ngay từ những trang văn đầu tiên, hồi ký đã kể lại rằng, cậu bé Thiện nhỏ bé đã có những cảm nhận đẹp và sâu sắc về quê hương, cảnh vật xung quanh mình khi trên tàu xa xứ. Những suy nghĩ trăn trở khi tiếp xúc với thầy, với anh Nhu, anh Hoàng, bạn Thiện, bạn Bảo… nghèo khó chung nhà… Những niềm vui sướng và thảnh thơi khi đến một nơi ở mới với những người rất đáng yêu. Mặc dù ngày ngày phải vừa học, vừa làm hết sức cơ cực, nhưng bù lại, cậu đã thực sự có những niềm vui sướng khi được sống trong một môi trường vô cùng trong sáng, thiêng liêng và cao quý của tình bạn và tình thầy trò thương nhau như máu thịt.
Với cách nhìn tinh tế từng góc nội tâm tuổi nhỏ, với những trang viết đôn hậu, yêu thương, dung dị và đằm thắm, Trần Hoài Dương đã tái hiện lại một thời gian khó nhưng lạc quan của người người, nhà nhà, biết chung tay lo cho tương lai, biết nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão thành hiện thực. Dẫu rằng, con đường đi đến tới chân trời ước mơ đầy gian truân và khổ ải. Và trên con đường đó có cậu bé Thiện (Trần Hoài Dương) cùng các bạn một thuở cơ cực, gieo neo... Nhóm học trò nghèo (Hoàng, Bảo, Nhu, Thiện) đã thực sự thương yêu, đùm bọc, chăm chút lẫn nhau như anh em một nhà êm ấm. Các em đã cùng nhau làm lụng để kiếm sống, để có tiền theo học tới cùng. Phụ hồ, phụ bếp, vận chuyển xi măng, gạch ngói, tre nứa… đủ mọi nghề, không từ nan. 
Văn là người. Những trang truyện ngắn của Trần Hoài Dương nhẹ nhàng, thanh tao… như tính cách của tác giả khi viết về thiếu nhi và cho thiếu nhi. Trong hồi ký “Miền xanh thẳm”, nhiều trang văn cũng nhẹ nhàng, tao nhã không kém, nhất là hồi ức về quê hương của tuổi thơ nhà văn. Ông viết: 
“... Quê tôi ở thị xã Hải Dương. Giờ nhớ lại chỉ thấy thấp thoáng những kỷ niệm rời rạc, không rõ nét, lúc hư, lúc thực, tất cả như ẩn hiện qua một lớp sương mù lúc đậm lúc nhạt. Nhưng đặc biệt có một hình ảnh rõ nhất mà tôi còn hình dung ra được là ngôi nhà của bố mẹ tôi. Đó là một ngôi biệt thự khá lớn. Phía trước có cổng sắt, có tường xây lửng, phía trên là hàng song sắt màu xanh lá cây, có giàn ăngtigôn bò lan quấn quýt với những chùm hoa li ti màu hồng phấn loáng thoáng đung đưa gợi một vẻ gì rất quý phái. Sau cổng là một khu vườn rộng... một gốc đào lâu năm to bằng bắp chân người lớn, thân xù xì mốc mác, nổi u nổi bướu, phía trên tỏa ra nhiều nhánh cành cong queo phơ phất vài chùm lá thưa thớt, trông có vẻ cằn cỗi khô xác đã hết nhựa sống, nhưng cứ gần đến Tết là cây đào thay đổi hoàn toàn. Như có một phép màu diệu kỳ, cây đào như hồi sinh trở lại sau suốt một năm mơ màng ngủ dưỡng sức. Vừa có hơi xuân, những nụ đào mập mạp tròn căng lập tức nhú ra từ những nách lá, lớn nhanh như thổi, rồi bung ra thành những bông hoa màu hồng phấn đầy kiêu sa làm sáng rực cả khu vườn...”
Hồi ký “Miền xanh thẳm”, ngoài những trang văn đẹp thanh nhã ấy, có rất nhiều trang miêu tả hiện thực sống động về đời sống lam lũ khó nhọc nhưng ấm áp tình bạn, tình người của các cậu học trò nghèo, khiến cho người đọc có khi cười tràn nhưng cũng có khi rát buốt, xước máu trái tim. Như cảnh các bạn ấy kéo chiếc xe bò chất đầy tranh gồi xuống con dốc từ bến sông Thương thơ mộng về nhà đã thuê mướn các bạn ấy: “Chiếc xe vẫn đang chồm chồm lao xuống dốc. Là gồi văng ra tứ tung. Anh Nhu vẫn cố bám càng, ghì chặt chúng xuống, cố hết sức để ghìm bớt tốc độ ghê gớm của xe. Người anh lúc như rà ma sát đất, lúc bị nâng bổng lên không, hai chân khua khoắng chới với. Những người bốc vác gần ấy và khách qua đường kêu la ầm ĩ. Ai cũng nghĩ anh Nhu cầm chắc cái chết trăm phần trăm. Cả tôi và thằng Bảo vừa chạy vừa khóc nức nở…” (trang 60).   
Tấm lòng nhân ái, vị tha, biết hy sinh vì người khác, vẫn cứ ngời ngời xanh thẳm trong từng giọt máu tim nhà văn. Và nó đã cất lời đẹp cho đời. Nhân vật anh Nhu đã sống đẹp trong lòng nhà văn Trần Hoài Dương có tâm hồn đẹp. Và tâm hồn đó đã trở thành hạt giống đẹp, tỏa lan trên những trang sách, để đâm chồi nảy lộc trong tâm hồn các bạn thiếu nhi nhiều thế hệ.
Và cứ thế, tuổi ấu thơ và thời niên thiếu của nhà văn và các bạn cùng trang lứa trong thời kỳ đất nước gian khó đã được Trần Hoài Dương làm nhiệm vụ neo giữ trong tấc lòng, để rồi bật ra thiên hồi ký đáng quý này.  Thiên hồi ký với những trang văn nhẹ nhàng, trong trẻo, sâu lắng giàu cảm xúc. Những trang văn tả cảnh Hà Nội, Bắc Giang đẹp như thơ. Những trang văn tứa máu, như khúc phim quay chậm những nhọc nhằn, khổ ải: “Trân vai tôi, tấm ván càng lúc càng nặng, cạnh ván siết vào cổ, vào xương quai buốt rát. Tôi vẫn cố ề ạch đi lên. Có một lúc tôi bất chợt nhìn xuống phía dưới, thấy lạnh người vì choáng ngợp. Xa hun hút. Loáng thoáng bóng người đi lại nhỏ xíu như một thế giới nào… chợt tấm ván trên vai tôi va vào chiếc cọc tre. Chỉ va nhẹ thôi, nhưng tấm ván dài cứ đung đưa mỗi lúc một mạnh, giống như quả lắc đồng hồ, chỉ cần một cú hích nhẹ, theo quán tính quả lắc cứ văng xa ra mãi. Người tôi chao đảo, chỉ một chút xíu nữa là tôi lộn cổ lao xuống. May mắn sao, tay trái tôi túm được một dóng tre thẳng đứng và có ai đó ôm lấy chặt tôi, nhấc tấm ván khỏi bên vai đã tê dại của tôi…” (trang 189)
Thật vậy, đọc những trang sách trong “Miền xanh thẳm” của Trần Hoài Dương, ta cứ nghe lòng nhẹ tênh bởi chất văn nhẹ trong quá thể. Như Thạch Lam của “Dưới bóng Hoàng Lan”. Và ta như được thưởng thức một tách trà sen gạn lọc tâm hồn.
(Trần Hoài Dương quả thực đã sống và viết một đời cho cái Đẹp và cái Thiện, để cuộc đời ông và cuộc đời mọi người luôn hướng về miền xanh thẳm.
Hãy đọc văn ông để luôn tâm niệm: biết sống xứng đáng với phận người, dù tuổi thơ và cả cuộc đời này vẫn còn lắm khô cằn, lặng lẽ… Đó chẳng phải là niềm hạnh phúc lớn lao của một đời văn và của chúng ta sao?)
3. Những nhận xét quý báu của bạn văn dành cho nhà văn:
Trong buổi ra mắt cuốn sách “Trần Hoài Dương - Con người - Tác phẩm” được Nhà xuất bản Hội Nhà văn tổ chức ngày 16-3-2016, các nhà văn bè bạn của Trần Hoài Dương đều có những phát biểu ca ngợi nhân cách đáng quý và tài văn chương của ông. Tựu trung là: “Văn phong Trần Hoài Dương xót xa, thương yêu, ít dữ dội, nhưng cứ thấm thía, nhẹ nhõm và mang một nỗi buồn rất lạ lùng”.
Nhà văn Tô Hoài, năm 1998 đã viết thư cho Trần Hoài Dương: “Không hiểu sao, đọc truyện chọn lọc của Trần Hoài Dương, tôi cứ hình dung một thoáng tháng giêng, tháng hai đơn sơ như thế. Không biết tôi đang là trẻ thơ, tôi không nhớ tôi là một ông lão, tôi không biết tuổi đương đọc những sáng tác không có tuổi. Mỗi sáng tác hay thường khiến cho người đọc đánh mất tuổi như vậy… Tôi nhận ra đấy là những khơi gợi vun đắp nên tấm lòng nhân hậu, tin yêu”. 
Nhà văn Hoàng Quốc Hải đã nói: “Ông (Trần Hoài Dương) sống thế nào, viết như thế. Ông đem cuộc đời vào tác phẩm. Nhân tính, thiên tính quyết định nhân cách của con người. Phải là người có bản lĩnh lắm mới giữ được con người trong sáng. Tôi tin ông là một người trời, và ông đã về trời.”
Nhà thơ Trần Quang Quý: “Có lẽ, văn hóa Kinh Bắc - Hà Nội - Sài Gòn đã tạo nên con người Trần Hoài Dương. Ông là một sự pha trộn những nền văn hóa lớn, tạo thành một tính cách Trần Hoài Dương lịch lãm và sang trọng”.
Nhà thơ Nguyễn Phan Hách: “Trần Hoài Dương lúc nào cũng nghiêm túc và sang trọng.”
Nhà văn Lê Phương Liên đã cho rằng: “Tất cả những sáng tác của Trần Hoài Dương đều hướng tới lối cảm thụ thẩm mỹ với vẻ đẹp trinh nguyên của tâm hồn trẻ thơ, sự kỳ diệu trong cách nhìn thế giới vừa thật vừa ảo, những rung cảm tinh tế trong từng cử chỉ, lời nói, ánh mắt nhìn hoa, nhìn lá…”.
Nhà văn Hoàng Cát thì thổ lộ: “Tôi đã đọc hầu hết các tác phẩm của nhà văn Trần Hoài Dương… Lần này, tôi lại đọc được cuốn hồi ký tự truyện của anh (do NXB Kim Đồng in năm 2000). Đối với tôi, đây là những trang tuyệt bút của Trần Hoài Dương… không có gì hoàn toàn là “vĩ đại”, là siêu phàm… Ngược lại, hết thảy ở đây điều bình dị đến cùng cực, bình dị như khí trời ta thở, bình dị như nước nguồn ta uống, như con cơm tẻ ta ăn hàng ngày. Nhưng là sự bình dị của những trang văn được thể hiện dưới ngòi bút tài năng của một tâm hồn và nhân cách đôn hậu tiên thiên”. ** 
Trần Hoài Dương quả thực đã sống và viết một đời cho cái Đẹp và cái Thiện, để cuộc đời ông và cuộc đời mọi người luôn hướng về miền xanh thẳm. Hãy đọc văn ông để luôn tâm niệm: biết sống xứng đáng với phận người, dù tuổi thơ và cả cuộc đời này vẫn còn lắm khô cằn, lặng lẽ…
Đó chẳng phải là niềm hạnh phúc lớn lao của một đời văn và của chúng ta sao?!.
 * Trần Hoài Dương đã để lại hơn hai mươi tập sách: 
1. Em bé và bông hồng (tập truyện ngắn, 1963)
2. Đến những nơi xa (tập truyện ngắn, 1968)
3. Cây lá đỏ (tập truyện ngắn, 1971)
4. Cuộc phiêu lưu của những con chữ (tập truyện ngắn, 1975)
5. Con đường nhỏ (tập truyện ngắn, 1976)
6. Hoa của biển (truyện dài, 1976)
7. Người tù vượt ngục và em nhỏ trên đảo (truyện dài, 1979)
8. Lá non (tập truyện ngắn, 1981)
9. Áng mây (tập truyện ngắn, 1981)
10. Bên ngoài mái trường (tiểu thuyết, 1983)
11. Những ngôi sao trong mưa (tập truyện ngắn, 1988)
12. Mầm đước (truyện dài, 1994)
13. Nhớ một mùa hoa thạch thảo (tập truyện ngắn, 1994)
14. Cô bé mảnh khảnh (truyện ngắn chọn lọc, 1996)
15. Nắng phương Nam (tập truyện ngắn, 1998)
16. Trần Hoài Dương - Truyện ngắn chọn lọc (1998)
17. Hoa cỏ thì thầm (1999)
18. Miền xanh thẳm (truyện dài, 2000)
19. Tuyển tập Trần Hoài Dương (2000)
20. Trần Hoài Dương - Truyện chọn lọc (2006)
21. Áo đỏ - Truyện ngắn
Ngoài ra ông còn viết nhiều kịch bản phim hoạt hình và kịch bản múa rối cho thiếu nhi, trong đó đã có 5 kịch bản được dựng thành phim.
- Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam với tác phẩm truyện ngắn Cuộc phiêu lưu của những con chữ.
- Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2001 với tác phẩm truyện dài Miền xanh thẳm (loại B, không có giải A).
 **  Tài liệu tham khảo:
1/ Trang wikipedia.
2/ Hoàng Cát, Miền xanh thẳm, NXB Kim Đồng.
22/4/2021
Nguyễn Thị Liên Tâm
Theo https://hvhnt.binhthuan.gov.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...