Từ sau hôm bà cụ đến cứu sống hai mẹ con, Hương đã cảm thấy
bà cụ thân thiết như mẹ đẻ mình. Giờ được trực tiếp nghe bà lý giải về cuộc đời,
về sự sống, cái chết... Hương muôn phần cảm phục, quý trọng bà lão. Chợt nhận
ra, trời đã trở gió, sợ đứng lâu trên gò cao, tuổi già không chịu được lạnh,
Nàng dìu bà theo lối cũ trở về. Vừa đến cửa, gặp một người đàn bà đi từ trong
trở ra. Hương nhận ra ngay đó là Dung, bạn học từ hồi phổ thông cấp ba, đã mười
mấy năm mất liên lạc. Hai người tay bắt mặt mừng, chuyện trò sôi nổi. Dung mời
Hương đến nhà mình chơi. Nghe tin bà Lành cúm, Dung mang cho bà mấy viên thuốc
cảm. Dung dặn dò bà cụ cách thức uống thuốc... Hương đưa bà cụ vào nhà, dặn nếu thấy cháu Tú, bà bảo cháu
cứ về trước rồi đi theo Dung... Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Hương đi học Trung
Cấp Kế Toán, vào Nam rồi về tỉnh H làm việc. Dung đi cao đẳng Sư
phạm. Bố là chủ tịch Huyện, Dung được bổ nhiệm ngay làm hiệu phó của trường
phổ thông cơ sở này. Nhà Dung ở ngay sát hàng rào khu gia đình của Trường. Từ
xa theo tay Dung chỉ, Hương nhìn thấy ngôi nhà, trông thật khang trang. Hai vợ
chồng Dung đều là giáo viên, dạy học ở xã nhà nên kinh tế xem ra khá giả. Nhà
xây 5 gian, mái bằng. Ðồ đạc giường tủ mới đóng, đánh véc ni sáng bóng. Trên mặt tủ ly cánh cong bằng gỗ dổi, đặt một chiếc Radio
nhãn hiệu Hồng Kỳ của Trung Quốc. Trong tủ xếp đầy bát đĩa, chén sứ Hải
Dương, Mấy chiếc vỏ chai rượu ngoại được bầy phô trương, làm cho người đứng
ngắm thật thích mắt. Gia cảnh của vợ chồng Dung, so với cuộc sống của cán bộ
công nhân thời đó, làm nhiều người mơ ước. Thấy Hương nhìn cơ ngơi của mình vẻ
ngơ ngác, khâm phục, Dung bảo: Do lợn, gà nó cho cả đấy! Hương càng khâm phục hơn, luôn mồm xuýt xoa... Dung lại dẫn Hương đi thăm cơ ngơi. Vốn học khoa Sinh -
Hóa, hai vợ chồng dậy cùng một trường, có nhiều thời gian rảnh rỗi, cộng với
tính năng động... Dung vận dụng tri thức vào trong chăn nuôi và làm kinh tế
phụ. Hàng năm Dung xuất bán 5 tấn lợn, vài tạ gà... Tiền thu được, Dung quay
vòng và xây dựng cơ ngơi. Dung dẫn Hương ra thăm mấy ổ lợn nái (lợn đẻ), trong đó có một ổ, sinh được 10 con. Con nào da cũng bóng nhẫy, hồng đỏ.
Hương nhìn đàn lợn suýt xoa ao ước. Vốn tốt bụng, quý bạn, Dung vào bắt một
con đưa cho Hương bảo: Tặng Hương một con, mang về nuôi để kỷ niệm ngày hai đứa
chúng mình gặp lại nhau. Hương tuy nghèo, nhưng không như người khác, thấy của là
híp mắt lại, thấy lợi là bất chấp. Hương cám ơn tấm lòng của Dung nhưng từ chối
không lấy. Biết bạn đang khó khăn, lại giữ ý, Dung nói thác: Thôi được, mình
cho Hương mua chịu, bao giờ ăn nên làm ra thì trả tiền giống cho mình. Ðể tỏ
ra sòng phẳng, cho bạn yên tâm, Dung nghiêm trang: Thời giá bây
giờ, con này 10 đồng. Khi nào bán thì trả vốn cho mình. Hương nắm tay bạn cảm
động, (nàng thừa biết con lợn cao giá hơn). Hương cám ơn Dung, vui vẻ ôm con
lợn về. Nhà ở chỉ là một túp lều, kê đủ chiếc phản cho hai mẹ con.
Giờ lại có thêm con lợn nên sinh hoạt của hai mẹ con càng chật chội hơn. Tuy
thế, Hương rất yêu quý con vật. Nhiều đêm gió bấc thổi rét cắt da, Hương ôm lợn
lên đặt ở cuối phản, dưới chân hai mẹ con, lấy bao tải đắp cho nó. Những đêm
mưa to gió lớn, nhà dột tứ tung, Hương lấy manh chiếu, tấm nilon vừa che cho
con, vừa che cho lợn. Khi trong lều sình lầy, Hương ngồi trên phản, một tay bế
con, một tay vỗ về lợn. Ðói! Hương nhịn ăn, nhường cháo cho con và cho lợn. Nàng
lo cho con như thế nào thì lo cho con vật như thế. Con lợn được chăm bẵm,
khôn như người. Ban ngày, nó nằm nép vào vách lều. Hễ thấy con gà, co chó lẻn
vào lều, nó hộc lên đứng phắt dậy kêu tướng dọa đối phương, những khách không
mời kia sợ chạy ngay. Cũng nhờ có nó mà một lần có con rắn hổ mang bành bò
vào lều, con lợn đã nhai sống nuốt tươi chú rắn kia (5). Mỗi lần đi ''vệ sinh'' nó ủn ỉn giẫy dụa, tuột khỏi tay chủ,
đi ra ngoài. Xong, lại trở vào khoan thai nằm xuống chỗ được chủ quy định.
Con lợn hay ăn chóng lớn. Không phụ lòng mong mỏi của bà chủ nghèo đói, nhưng
nhân từ, tốt bụng. Mới chỉ nuôi có sáu tháng, con lợn đã nặng hơn một tạ. Nhà
quá chật lại đang cần vốn, Hương gọi ông lái lợn ở làng bên sang bán. Hôm ông lái sang bắt lợn, Hương không nỡ xa nó. Nàng vẫn ngồi
vuốt ve con vật. Tội nghiệp cho nó, không biết rằng con người sắp mang nó giết
thịt, mõm vẫn hênh hếch nhìn chủ, phát ra những tiếng ụt ịt... ủn ỉn, vẫy
tai, vẫy đuôi. Nhìn nó nằm dưới chân, Hương lại không nỡ bán... Nghe tin con lợn của Hương nặng hơn một tạ, bác lái cho ba
người đi theo để khênh. Hương cứ dùng giằng không dứt. Bác lái lợn kiêm luôn
nghề đồ tể, chuyên nghề mua lợn về giết thịt bán cho bà con. Thấy Hương ngồi
nhìn con lợn nằm dưới chân, nước mắt đầm đìa. Bác ta hiểu ra nguyên nhân, đã
quen với những cảnh này... Bác đưa chiếc điếu cầy lên, rít mạnh, tiếng kêu của
nõ điếu xòng xọc nghe vui tai... Hút xong điếu thuốc, bác khoan khoái thả
khói lên trời, nhìn Hương chậm rãi: Tôi biết cô thương nó cho nên khóc?
Ðúng là không hiểu gì cả, để tôi kể cho cô nghe về lịch sử con lợn. Nghe bác
lái nói vậy, Hương ngẩng đầu nhìn bác ta chăm chú. Thấy cô chủ đã tỏ ra quan
tâm, bác lái kể: Con lợn ngày nay, xưa kia vốn cũng là một con người. Anh ta
có tội với đồng loại, hay làm điều ác... Tội của anh ta vang động đến thiên
đình. Thượng đế sai Thiên tướng xuống trừ khử, nhưng có dặn: ''Nó làm ác, tội
nó tày đình, không để cho nó chết dễ dàng, phải bắt nó làm kiếp gia súc để
người đời đánh đập hành hạ... để cho nó trả báo, chuộc lại lỗi lầm. Khi đã đủ
trả báo, nó phải chịu giết mổ mới được đi đầu thai chuyển kiếp''. Bây giờ nó sắp được tôi cho đi đầu thai kiếp mới, cho sướng
thân nó... sao cô còn ngăn trở không cho nó đi? Hương ngẫm nghĩ câu nói của bác ta, cảm thấy câu chuyện có
lý, vụt tỉnh. Nàng thấy lòng mình thanh thản, tuy vậy vẫn ôm đầu con lợn nói
tha thiết, như nói chuyện với người bạn: Thôi! Từ giã ngươi! Ði đầu thai
nhé! Làm kiếp khác cho đỡ khổ. Ðừng trách ta. Nhất định có ngày, khi ta gặp lại
ngươi, hy vọng sẽ khác bây giờ... nhất định ta sẽ trả ơn ngươi!... Bác lái lợn cười vang. Ðặt chiếc rọ xuống trước mõm, khẽ
láy tay vỗ vào mông núng nính thịt thúc dục - Nào, đi đầu thai!… con lợn như
hiểu ý, đứng dậy ụt ịt chui vào. Bốn người ở hai đầu, khênh con lơn ra cân. Họ
cười nói oang oang vì tin rằng thịt con này nhiều nạc...
Ðược một số tiền lớn, Hương mang trả tiền mua giống cho
Dung. Mua một lơn giống khác, sắm một vài thứ cần thiết như quần áo sách vở
cho con. Nàng không quên mua hai thang thuốc bổ, rượu ngâm, mang tới cho Mẹ đẻ
và bà Lành. Còn lại hơn một nửa tiền, có người mách, một gia đình cùng làng
đi kinh tế mới muốn bán nhà đất. Hương thấy hai mẹ con ở mãi trong túp lều
ngày ngày cứ phải nghe điều ong tiếng ve kia - Nàng thấy đây là dịp may, vội
đến xin mua lại mảnh đất, căn nhà của anh ta. Gọi là nhà tuy lớn hơn túp lếu
của Hương nhưng cũng hoang toàng... đất thì rộng. Ðược cái tường đắp đất dầy
chắc, mái lợp lá gồi, dù sao vẫn hơn túp lều che bằng rạ và những mảnh nilon
rách của mình.Rất may vì anh ta sắp lên đường vào Cà Mau đi kinh tế mới,
đã rao bán, nhưng ai cũng chê không mua. Khi Hương đến hỏi, chủ nhân mừng,
bán ngay. Giá cả, thủ tục và bàn giao nhà diễn ra nhanh chóng suông sẻ. Thế là
khoản tiền bán lợn vừa vặn hết, sau khi chừa năm đồng làm vốn. Khát vọng xây căn nhà cho con ngày đêm nung nấu trong lòng
Hương. Muốn xây được nhà trước hết phải có gạch, sau đó đến những vật liệu
khác. Vẫn chưa được làm xã viên nên không thể trông mong gì được sự giúp đỡ của
HTX. Trong hoàn cảnh thời kỳ cuối những năm bảy mươi, không được cầy cấy làm
ruộng, thì lấy gì mà sống, cho dù cuộc sống của người xã viên cũng thật khốn khó! Hương lại vẫn phải hành nghề ''mua đầu chợ, bán cuối chợ'' để nuôi mình
nuôi con, thực hiện ước mơ đang ngày đêm cháy bỏng trong lòng. Nàng quyết định: Tự đóng gạch, làm ngói cho căn nhà, các thứ khác tính dần. Quyết định là
làm ngay. Hàng ngày, Hương đi lên chợ Thị xã từ 5 giờ sáng, cất lại hàng của
người có vốn, đem bán lẻ. Ðến giữa trưa trở về, ăn vội miếng cơm rồi bắt tay
vào đóng gạch. Ðóng gạch là một nghề nặng nhọc vất vả và có nhiều công đoạn,
đòi hỏi phải có sức, có nhiều nhân lực tham gia. Ðó là nghề của những lực điền.
Ðằng này, con còn bé, sức khỏe kém, trơ trọi có một mình, lại bệnh tật...
Hương không ngần ngại, cứ làm thử... Nhưng làm được mây trăm viên, đem ra nhờ
nung thử. Hỏng hết. Hương không bỏ cuộc! Nàng nghĩ đến lò gạch của HTX... quyết
định tới ''Xem''. Cũng may, mấy ông thợ làm gạch chuyên nghiệp tốt bụng, đồng
ý cho Hương làm không công để học nghề. Cô Kế Toán Trưởng năm xưa có kiến thức lý thuyết, thông
minh, lại nung nấu thực hiện ước mơ của mình, của con nên chỉ mấy tuần sắn
tay áo phụ việc, Hương đã nắm được kỹ thuật từ khâu làm mộc đến lúc vào lò, đốt
và ra lò. Trở về, cô hăm hở đi mua sắm mấy thứ dụng cụ đích thực của thợ làm
gạch... lấy ngay đất trong vườn nhà nhào trộn, bắt tay vào việc. Ðóng gạch quan trọng ở hai khâu: Làm mộc và nung chín. Làm
tốt hai khâu này mới có gạch tốt, mới xây nhà được. Làm mộc rất vất vả. Phải
lấy đất, tưới nước cho nhão, nhào đi nhào lại nhiều lần cho cho nhuyễn... khi
vào khuôn phải phơi cho khô dần, khô đều. Khi nung gạch phải có kỹ thuật, mới
không cong vênh, cháy, non... Thế mà Hương gầy yếu, mảnh khảnh, chỉ có một
thân một mình, làm từ khâu đầu đến khâu cuối... Làm suốt từ trưa, đến tối mịt,
chỉ ngủ được vài ba tiếng lại phải trở dậy đi chợ, trưa về ăn vội miếng cơm lại
lao vào đóng gạch. Hai bàn tay nhào đất nhiều, lại bị bệnh Phong, nên rụng dần
từng đốt... nhiều hôm bị ngất xỉu ngay bên đống đất đang nhào dở. Tú Anh đi học
về bắt gặp phải dìu mẹ vào nhà. Hết mệt, lại lao vào làm... - Ốm no bò dậy, tỉnh... lại trở ra nhào đất đóng gạch mộc... Tay đau, thì lấy khuỷu tay, lấy chân, lấy mu bàn tay mà
nhào. Hương nhất định không chịu bỏ cuộc. Sau 6 tháng vật lộn với công việc,
hơn một vạn gạch mộc đã đóng xong. Hương ra lò gạch của HTX thuê bác thợ đốt
lò về xây một chiếc lò dã chiến tại vườn và nung. Gạch mộc làm tốt, thợ nung
giỏi, được trả tiền thuê đàng hoàng... hơn vạn gạch ra lò với tỷ lệ xấu không
đáng kể. Nhìn đống gạch đỏ au, xếp đều đặn vuông vức ở trước sân, Hương sung
sướng vô vàn. Một kế hoạch mới được phác ra: Nàng sẽ tiếp tục đi buôn để kiếm
tiền mua vôi, cát, xi măng, sắt thép và trả công xây dựng, kịp xây nhà cho
con, trước tết năm nay... ''Người tính không bằng trời tính'', ''Mưu sự tại Nhân,
thành sự tại Thiên''. Cổ nhân dậy chẳng sai!. Hơn sáu tháng vật lộn
với đám gạch. Sau một đêm kia, vào cuối mùa hè, ngủ đẫy giấc, sáng nay trở
dây, Hương thấy thân thể đau rã rời, không cất mình dậy được. Cơn sốt từ đâu
kéo tới... Căn bệnh phong quái ác trở lại hành hạ Hương. Bắt đầu là các ngón
tay còn lại tiếp tục lở loét, rồi dần thay nhau rụng. Cơ bắp tay chân teo dần,
khuôn mặt biến dạng méo mó không còn hình dạng của cô Hương duyên dáng thuở
xưa. Hương lại nằm liệt giường. Cơn bĩ cực lần này xem ra tàn khốc hơn mấy lần
trước... Bà mẹ đẻ phải dằn dỗi với cô con gái lớn mới ra chăm sóc,
thuốc thang, ăn uống cho Hương được vài bận... Hơn vạn gạch, ước mơ của người
mẹ khổ đau, cùng đôi lợn giống dần đội nón ra đi, đổi lấy những thứ khác duy
trì sự sống của hai mẹ con: Thuốc chữa bệnh và ngô khoai sắn... thế mà bệnh cứ
ngày một nặng... Nghe dân làng kháo nhau về tình trạng bệnh tật của Hương,
ông Chủ tịch Xã đến kiểm tra. Nhìn thấy Hương (mặt biến dang, hai bàn tay lở
loét, ngón tay rụng từng đốt, hôi thối...), ông chạy vội về văn phòng Ủy Ban
ra lệnh: - Phải đưa ngay ''mụ'' Hương đi trại Phong Hủi. Ðể đây, dân
làng lây bệnh hết. Lệnh được thi hành ngay. Lập tức bốn dân quân xách súng đến
nhà, đốc thúc Hương trở dậy theo họ - ''nếu không sẽ bị trói, thuê người
khênh đi'' - họ dọa. Hương đau ốm, ngồi còn chưa vững, nhưng nghe nói và thái
độ hung dữ của họ, Nàng cố bò đậy đi theo cho yên chuyện. Sợ Hương chạy trốn,
hai dân quân đi trước lấy một sợi giây thừng buộc vào hai khuỷu tay dong đi
như dong trâu, hai người khác đi sau áp tải. Dân làng túa ra xem, bàn tán.
Người xót thương, kẻ hả dạ yên tâm vì không sợ lây bệnh... Người đàn bà khốn
khổ, đau thể xác vì bệnh tật thì ít, cõi lòng tan nát, tái tê vì sự hắt hủi của
chòm xóm thì nhiều, chỉ còn biết cúi mặt loạng choạng lê bước trên đường làng
theo bốn dân quân ra bờ sông... Khi Tú Anh đi học về, thấy không có mẹ ở nhà, nó lồng lên
chạy sang hàng xóm hỏi thăm. Nghe mọi người kể, nó chạy vội ra bến đò, cùng
lúc mẹ nó đang được ‘’giong’’ xuống thuyền... Nó thét lên lao vào cứu mẹ.
Hành động của đứa bé hiếu thảo 10 tuổi khiến cho hai dân quân phải kiên quyết
ra tay ngăn chặn, bằng cách hai người hai bên nách thằng bé ghì chặt, đợi mẹ
nó xuống đò mới buông thằng bé ra. Khi chiếc đò dọc ra giữa sông, Tú Anh cứ
chạy dọc trên đê, vừa chạy vừa kêu khóc, cho đến khi con đò chuyền hướng, bờ
đê xa mép nước, nó mới dừng lại gục xuống bờ cỏ ven đê gào khóc thảm thiết... Ðến Trại Phong - Hủi có thể đi ô tô, hoặc đi đò. Sợ lái xe
không chở, Ông Chủ tịch ra lệnh cho hai dân quân thuê đò dọc, rồi từ bến đi bộ
vào. Sau gần nửa ngày, vừa đi thuyền, vừa đi bộ, người ta đưa được Hương đến
trại Phong. Ông Bác sĩ khám cho Hương tỉ mỉ, lát sau kết luận: Bị bệnh phong
giật, không lây. Trở về nhà tự điều trị! Ông ta kê một đơn thuốc và cho mấy
viên thuốc rồi hối hả đi ra. Hai dân quân nghe xong, vội tót lên xe khách đi
ngay, bỏ lại Hương một mình với sợi giây thừng lủng lẳng trên cánh tay... Mệt mỏi, bụng đói, mắt hoa, không có tiền trên người... Các
đầu khớp ngón tay đau nhức. Bệnh viện lại không chịu nhận điều trị... Buồn tủi,
đau đớn, ê chề... Không còn một chút hy vọng, Hương lặng lẽ lê bước về phía bờ
đê. Sông Hồng mênh mông cuồn cuộn chảy... Nước đỏ ngầu phù sa. Mấy hôm trước vừa có trận mưa trên nguồn nên nước sông chảy
xiết. Hương khó nhọc leo lên mặt đê, đi xuống, ra phía mép nước.
Trong đầu Nàng trống rỗng... Cuộc sống năng nề bế tắc, thôi thì buông xuôi
theo dòng nước cho xong, sống chỉ thêm tội. Chợt nàng nhớ tới con, đứa con
bé bỏng ''nếu mình chết đi nó sẽ côi cút...'', nhưng nghĩ đến chặng đường trước
mắt, ý thức được nếu tiếp tục sống chỉ làm cho con khổ thêm. Ðã đến mép nước,
Hương đứng thẳng người, ngẩng mặt nhìn trời, cất tiếng gọi: Con ơi! tha lỗi
cho mẹ. Dứt lời, nàng lao xuống sông… Dòng nước đang cuộn chảy, có một thân người nhẹ tênh rớt
xuống, dòng nước chỉ hơi gợn mặt rồi lại cuồn cuộn tiếp tục trôi. Do bản
năng, Hương cố ngoi lên, uống liền mấy ngụm nước. Sức khỏe đã yếu sẵn, lại đã
tự xác định... chết! Nàng buông xuôi... Thân hình Hương từ từ chìm xuống... Một chiếc thuyền nan đậu gần đấy - do quyết tâm tự tử nên
khi đứng trên bờ chuẩn bị gieo mình Hương không để ý - Con thuyền nan đang bồng
bềnh trên mặt sông. Trên thuyền, ở cửa khoang có một ông lão thuyền chài cởi
trần, đang ôm cần chiếc Ðáy (5a). Khi thấy người đàn bà xuất hiện trên bờ,
ông lão đã đoán được sự việc sẽ xẩy ra... chỉ kịp gạt chiếc cần Ðáy sang một
bên, lao xuống dòng nước trước khi người đàn bà trên bờ gieo mình. Khi Hương vừa nhảy xuống sông, thì cũng là lúc ông lão bơi
đến sát người Nàng. Thế mà cũng phải mất gần một phút, ông lão mới nắm được
cánh tay Hương kéo vào phía bờ. Vốn sống bằng nghề chài lưới trên sông nhiều
năm, ông lão nhanh chóng đưa được Hương lên bãi sông. Chỉ thoáng cái đã cấp cứu
cho Hương tỉnh lại. Nàng mở mắt nhìn. Trong màn sương trắng đục, chỉ thấy một
bộ mặt hiền từ, râu tóc bạc phơ đang nhìn Hương chăm chú… Thấy người đàn bà đã qua cơn nguy hiểm, ông lão hỏi,
giọng nghiêm khắc, trách cứ: - Tại sao con lại dại dột thế? Hương khó nhọc nhìn ông già không đáp. Ông lão dịu giọng:
Dù cực khổ đến đâu con cũng không được tự hủy hoại thân mình... Tự tử
là việc làm đáng trách, có tội với cha mẹ, con cái, trời phật. Ta xem số con
chưa hết đâu. Hãy cố ráng sống, rồi con sẽ giàu sang. Hương cố nhỏm dậy, nhưng quá mệt, Nàng không còn sức... chỉ
cất lời giọng nhát gừng: Ðời con khổ lắm... ông ơi. Con sống cũng bằng thừa.
Ông cứu con làm gì, để con chết... cho nhẹ nợ đời. Ðoạn nàng khóc nức nở. Ông
lão an ủi: Qua cơn bĩ cực tới tuần thái lai. Ta nhìn tướng con ta biết, con
nhân hậu, bác ái... có quý nhân phù trợ, sau này sẽ giàu sang... Cố ráng sống.
Ðây, ta chỉ còn ngần này, con cầm lấy trở về, ngày sau làm lên hãy nhớ đến
ta! Dứt lời, ông lão nhét vào tay Hương một đồng bạc - đồng tiền bằng nhôm nằng
nặng, lạnh toát (5b) Cái lạnh của đồng bạc đang nằm trong lòng bàn tay làm
Hương rùng mình... Nàng chợt tỉnh... Ông lão quay người đi ra mép nước, tháo dây neo, nhẩy xuống
sông, bơi về thuyền. Cho tới lúc đó, Nàng vẫn không nhìn rõ mặt người đã cứu
mình. Khi ông lão quay người, Hương chỉ nhìn thấy sau lưng, tấm lưng rộng, vạm
vỡ, khổ người to cao, mái tóc, chòm râu bạc phơ... Không hiểu sao - có lẽ do
nước ngấm vào mắt - nhìn cảnh vật nhòe đi, vì vậy Nàng thấy viền xung quanh
người ông lão như có một hào quang... Khi ông lão trèo lên thuyền, con thuyền nan đột ngột quay
ngang, hướng mũi chênh chếch với bờ, lao vun vút ra giữa dòng rồi trôi xuôi,
ngày một xa dần… Hương tỉnh hẳn, ngồi nhỏm dậy nhìn theo. Con thuyền chỉ còn
như một khúc gỗ bập bềnh nhô lên, hụp xuống, lát sau khuất hẳn bởi đỉnh những
ngọn sóng dồi. Hương gắng gượng đứng lên, lê bước ngược về phía bến đò. Vừa
đi nàng vừa suy nghĩ về khoảnh khắc vừa sẩy ra... Ðồng bạc bằng kim loại, nằm
trong túi áo, cứ đập vào đùi, phát ra những tiếng phập... phập... theo nhịp
bước chân đi của Nàng. Lời ông lão thuyền chài lại vang lên: ''hãy ráng sống...
qua cơn bĩ cực... sẽ giàu sang''... Nàng bừng tỉnh, thấy như khỏe hơn, đi nhanh xuống bến đò.
Trên bến, còn một chuyến đò dọc cuối cùng chưa nhổ neo. Người lái đò gọi,
Hương bước nhanh lên tấm ván nối bờ với sàn khoang. Người chủ đò nói giá vé 1
một đồng, Nàng móc túi đưa cho ông ta đồng bạc - mà ông lão cho - đoạn tiến về
phía đằng mũi, ngồi dựa lưng vào tấm gỗ chắn. Ðói, mệt Hương thiếp đi... Nàng
bỗng thấy mình bước vào ngôi nhà gạch mái bằng rộng lớn. Trong nhà có nhiều đồ
đạc bằng gỗ Dổi vàng rượm, thơm phức. Giọng phát thanh quen thuộc, quyến rũ của
cô phát thanh viên đài Tiếng nói Việt Nam từ chiếc Radio Hồng Kỳ để
trên mặt tủ phát ra nghe thật vui tai... Bỗng có tiếng lợn kêu. Hương đi đến
phía đó. Con lợn to hơn một tạ, mồm kêu ụt ịt vẫy đuôi cũng tiến lại phía
Nàng. Nhìn kỹ, hóa ra đó là con lợn nàng đã nuôi, đã bán... Nàng
cúi xuống, con lợn ủn ỉn như nói chuyện với nàng... Một tiếng động mạnh, Hương giật mình... mở choàng mắt, người
lái đò đang đứng trước mặt, bác ta đánh thức, báo cho biết đò đã cập bến.
Hương lên bờ hối hả về nhà. Ðêm đã khuya. Tú Anh vẫn ngồi bên mâm cơm đợi mẹ. Thấy mẹ về,
bé mừng rỡ, đỡ mẹ vào giường, lấy khăn mặt xấp nước lau mặt cho mẹ, xới cơm
đưa cho mẹ ăn. Tuy mới 10 tuổi đầu, là con trai, nhưng Tú Anh đã làm được nhiều
việc, thực sự như đứa trẻ thành niên. Nuốt được miếng cơm vào bụng, Hương dần tỉnh. Nàng nhìn con
xót xa, nghĩ đến hành động vừa rồi của mình, nàng thấy ân hận, thầm cám ơn
ông lão thuyền chài... tự nhủ sẽ không bao giờ tái phạm nữa. Nàng ''phải ráng
sống, nuôi con nên người'' - như lời Bà Cụ Lành nói - Nàng không nghĩ rằng
''sau này sẽ giàu sang, có quý nhân phù trợ...'' - như lời ông lão khi cứu
nàng đã bảo - nhưng nàng quyết tâm sống! Sống để nuôi con! Nàng sẽ vì
nó mà sống. Nó là niềm hy vọng, là tương lai của Nàng... Hôm sau, Hương gọi người đến bán hết số gạch còn lại (đã
bán đi gần một nửa từ sau hôm đổ bệnh để thuốc thang...). Nàng sai con ra gặp
cụ Lành, nhắn cụ vào cho nàng gặp. Tuy nhà mẹ đẻ gần, nhưng người chị quá quắt, Hương không muốn
mẹ bị chị ta la rầy. Nàng quyết định nhờ bà Lành. Bà cụ nghe tin, vội nghỉ
không đi ăn xin, vào ngay. Sau trận ốm cữ ấy (Hương đã ra thăm), bà cụ yếu đi
nhiều. Thấy Hương khô héo quắt queo, bà cụ càng thương, nhìn nàng khóc ròng.
Hương cảm động, đang nằm vội trở dậy, bà Lành tiến đến đờ nàng dựa vào tường.
Lát sau Hương nói: Con mời bà vào có chút việc muốn nhờ - dừng một chút đắn
đo, đoạn tiếp - Bệnh tật của con hiểm nghèo, tuy vậy còn nước còn tát. Con
còn một ít gạch đã bán hết lấy tiền thuốc thang. Nếu có mệnh hệ nào, nhờ Bà
chăm nom cháu Tú Anh hộ con. Chợt như nhớ ra điều gì, nàng vôi giải thích - Mẹ
con thì già, người chị tính nết như vậy... không thể giao cháu cho mẹ con được.
Bà dọn hẳn về đây mà ở, nhà vẫn còn đủ chỗ, dù sao vẫn hơn. Bà con rau cháo sớm
hôm có nhau. Ðây là số tiền bán gạch - Hương đưa cho bà gói tiền - Con giữ lại
một nửa để mua thuốc, còn một nửa gửi Bà, tuy chẳng được là bao, nhưng cũng đỡ
cho bà chút ít. Bà Lành đẩy gói tiền trở lại, dịu dàng bảo: Con hãy cầm lấy
thuốc thang đừng nghĩ quẩn. Nếu chẳng may trời bắt tội, Bà sẽ chăm sóc Tú
Anh. Mấy năm kiếm cơm thiên hạ bà cũng dành dụm được một ít, đủ lo liệu cho
hai bà cháu. Cần nhất bây giờ con phải chữa cho khỏi bệnh. - Con xin Bà - nàng ngắt lời bà cụ - Nếu bà không nhận, con
có ra đi cũng không thanh thản. Nếu khỏi thì số tiền kia thuốc thang cũng đủ,
còn bệnh nặng, không chữa được có ngần này, chứ hơn nữa cũng chẳng giải quyết
được gì. Con phó mặc cho số phận. Bà yên tâm, con không tự tử nữa đâu - Nàng
trấn an bà cụ đoạn tiếp - Ðiều cần nhất, Bà đừng cho cháu biết, thằng bé này
hiếu thảo lắm, nó chẳng chịu đâu. Hai bà con đang đùn đẩy nhau gói tiền, ở
ngoài có tiếng gọi: Mẹ cu Tú về chưa? Nghe tiếng Mẹ đẻ gọi, Hương ra hiệu... bà Lành cầm gói tiền
dấu vội vào túi. Bà mẹ già lụ khụ, khó nhọc bước vào. Thấy Hương đang nói
chuyện với bà Lành, mẹ Hương ngồi xuống cạnh giường, lấy chiếc khăn tay nhỏ,
mầu nâu - hình như bà cụ cắt ở chiếc áo nâu rách nào đó - lau đôi mắt kẻm nhẻm,
khó nhọc : Bà Lành đấy à? Thật quý hóa. Cháu nó ốm đau, tôi chẳng giúp được
gì, được bà đến chăm sóc, tôi cảm kích vô cùng. Nói đến đây bà cụ òa khóc. Bà
Lành nắm tay bà cụ an ủi: Có gì đâu cụ. Tôi còn khỏe, thấy mẹ nó bệnh tật, cụ
lại già yếu, tôi thay cụ thăm nom vài bữa thôi. Cùng cảnh ngộ với nhau, giúp
nhau là lẽ thường. Hương nhìn mẹ, nhìn bà Lành - đưa mắt lắc đầu ra hiệu cho
bà đừng nói hở ra chuyện gửi tiền - đoạn quay sang nói với mẹ: Con về hôm qua.
Mẹ đừng lo gì cả, Bà Lành giúp con nhiều... con đang uống thuốc. Mẹ về đi kẻo chi Hoa thấy mẹ sang đây lại rầy. - Thật tội nghiệp - bà cụ ngậm ngùi - Mỗi đứa mỗi tính... Mẹ
đã già yếu, đi ăn nhờ nó, không còn chút quyền hành gì. Thấy con ốm đau, rất
muốn chăm sóc con, mà không thể giúp gì được, tha thứ cho mẹ. Bà cụ nói đến
đây lại khóc. Hương nhìn mẹ oà khóc theo! Lát sau bà cụ lật đật móc từ
trong túi áo nâu bạc phếch, xơ xác, cũ mèm, lôi ra hai củ khoai lang to bàng
hai quả trứng gà con so, đưa cho Hương, nghẹn ngào : Mẹ lục mãi cũng chỉ còn
vài củ khoai mang cho cháu. Con mẹ Hoa đem bỏ tất cả gạo, khoai vào hòm khóa
lại rồi. Hương nhìn mẹ, nhìn bà Lành. Ðôi mắt Nàng thẫn thờ, xa vắng. Bà Lành đứng dậy, nhìn Hương gật đầu. Chào mẹ Hương, ra về. Mẹ nàng ngồi nhìn con gái thở dài rồi cũng chống gậy đi ra. Hàng ngày Tú Anh đi học về, xuống bếp nấu cơm cho mẹ. Thay
giặt quần áo, băng bó vết lở loét... mọi việc cũng chỉ do mình Tú Anh làm. Sức
khỏe của Hương suy sụp nhanh chóng. Không đi đứng được nữa, mọi sinh hoạt của
người mẹ đều do đứa con trai hơn 10 tuổi giúp đỡ. Hương chỉ còn da bọc xương.
Ho ra máu, nói đã ngọng, mắt vàng ệch, các ngón tay rụng dần... thật đúng là
''Tứ chứng nan y''. Tú Anh linh cảm thấy tính mạng mẹ sắp nguy, nó bỏ học, lục
tìm xem còn gì có thể đem cầm, bán. Nhưng tìm mãi chỉ còn mấy đồng, không đủ
mua thuốc kháng sinh. Tiền hết, gạo không, nó nghĩ tới hai ổ gà đang ấp bóng
(vì trứng gà đã ăn hết)... Không còn suy tính nữa - mặc dù nó rất quý hai ổ
gà dự định sẽ nuôi làm kế hoạch nhỏ theo chủ trương của nhà trường - Tú Anh vội
bắt hai con gà mái, cho vào rọ đeo lên vai, vực mẹ dậy dìu ra đường cái đưa
đi Bệnh viện Huyện. Một anh xích lô đang uể oải đạp xe trở về phố Huyện sau
khi vừa đổ khách xuống đầu làng. Tú Anh vẫy gọi, trình bầy hoàn cảnh... Anh
xích lô đồng ý chở hai mẹ con đến Bệnh viện mà tiền công là một con
gà. Ðến cổng Bệnh Viện Huyện. Tú Anh cứ lẳng lặng dìu mẹ vào.
Ông lão thường trực ở cổng đang nghe điện thoại, ngẩng lên, thấy hai mẹ con tập
tễnh đi vào, lão vội tắt máy chạy ra kiểm tra... vì luật lệ của BV muốn vào viện
phải xuất trình giấy giới thiệu của Trạm xá Xã. (Hương không có hộ khẩu ở
HTX, thì làm gì có giấy giới thiệu). Thấy người đàn bà gầy yếu, trông như một xác chết đang được
đưa bé độ mươi tuổi dìu vào. Ông thường trực ngăn cản, khi đến bên cạnh người
đàn bà kia, mùi hôi hám nồng nặc từ người bệnh bốc lên, ông ta nhăn mặt lùi lại,
quát: Hai mẹ con mày có giấy giới thiệu của Trạm xá xã không, đưa đây! - Con không có. Xin ông cứu mẹ con. Mẹ con sắp chết đến
nơi, xin ông làm phúc cho mẹ con vào! Tú Anh mếu máo... Con gà mái còn lại trong chiếc rọ, đeo ở trên vai đứa bé
kêu quang quác vì giọng của ông lão thường trực rất to. Vừa đúng lúc, người
Giám đốc Bệnh viện Huyện có việc đi ra ngoài. Tới cổng, thấy ồn ào, ông tiến
đến. Khi nhìn người bệnh đã lả dần bên cạnh đứa bé đang van nài, ông động
lòng trắc ẩn... Vốn là một bác sĩ thời Pháp, đi kháng chiến, nhưng thuộc
thành phần lớp trên nên thời đó ông không được đề bạt cao hơn. Trong khi bạn
bè cùng trang lứa có thành phần xuất thân nghèo khó, giờ trở thành những người
chức trọng quyền cao, còn ông phải về cái bệnh viện của một huyện nghèo làm Bệnh
viện Trưởng. Khi thấy hai mẹ con chú bé đang ''giằng co'' với ông lão
thường trực, Bệnh Viện Trưởng nhận ra ngay người bệnh nay thực sự ''thập tử,
nhất sinh'', theo quan sát của ông, cô ta chẳng sống được bao nhiêu nữa. Vả lại
''để mẹ con nó đứng đây van xin sẽ ảnh hưởng''... Ông quay sang bảo người gác
cổng: Bác gọi điện cho phòng cấp cứu ra đưa Bệnh nhân này vào ngay, giấy tờ
lo sau. Người gác thi hành lệnh. Hai nhân viên y tá và người bác sĩ trực với chiếc băng ca tới
nơi. Hương được đặt lên cáng khiêng vào. Tú Anh theo sau. Cái rọ và con gà vẫn
lúc lắc trên vai em. Tới cửa phòng cấp cứu. Tú Anh dừng lại, đặt chiếc rọ gà
xuống sàn, ngồi xuống theo chờ đợi... Lát sau, Ông Bệnh Viện Trưởng (BVT) đi
ra, vừa đi vừa lắc đầu. Tú Anh đứng dậy tiến đến trước mặt ông, quỳ xuống, đập
đầu lia lịa trên sàn bê tông, nói trong nước mắt: - Con van ông, con cắn cỏ lạy ông, xin ông cứu mẹ con. Nhà
con chẳng còn gì, chỉ còn con gà này, con xin biếu ông, mong ông làm phúc... Người BVT cúi xuống nâng Tú Anh dậy. Ông rất hiểu tâm trạng
của thân nhân người bệnh... nhất là mẹ của thằng bé, sự sống chỉ còn được
tính từng giờ. Nhưng ông không muốn làm hết hy vọng của đứa trẻ hiếu thảo,
ông quyết định đành nói dối để đứa bé an tâm: Cháu đứng dậy. Mẹ
cháu bệnh nặng, nhưng chúng ta sẽ ráng sức cứu chữa. Bây giờ cháu hãy về nhà
- cầm cả con gà về, ông ấn chiếc rọ vào tay Tú Anh - chờ kết quả. Vài hôm nữa
cháu lên đón mẹ về, kẻo ở đây không tiện, ban bảo vệ Bệnh Viện không cho. Thấy
BVT nói vậy, Tú Anh tin ngay, mắt sáng lên, mồm cám ơn rối rít: Cháu cám ơn
ông, đoạn nhanh nhẹn xách rọ gà đi ra. Nhìn thằng bé vui mừng, tung tẩy đi ra khỏi cổng, ông BVT đứng
tần ngần suy nghĩ. Ông tỏ ra ân hận vì nói dối đứa bé. Nhưng không nỡ gieo
vào lòng đứa trẻ nỗi tuyệt vọng. Ông tự an ủi: ''Vì bất đắc dĩ đành phải làm
vậy. Ðó là tia hy vọng nhỏ nhoi cuối cùng làm cho đứa bé lấy lại thăng bằng.
Ta nỡ lòng nào đang tay dập tắt niềm hy vọng tuy rất mỏng manh của nó?...''!. Chợt nhớ ra nhiệm vụ của mình, BVT vội quay gót, trở về phòng hội chẩn. Ở
đây đã có đông đủ Y, Bác sĩ. Thấy ông vào, Bác sĩ Trưởng khoa ngoại dứng dậy báo cáo.
Ông ta nói về căn bệnh nan y của Hương, trong một lúc xuất hiện cả bốn bệnh:
Phong, Mật, Thận, Gan mà bệnh nào cũng đang ở thời kỳ cấp tính... đoạn kết luận:
Người bệnh này không thể nào chữa được, cô ta chỉ sống không quá 3 ngày... - Nhưng có nghĩa là hiện cô ấy vẫn đang sống chứ gì? BVT hỏi
lại. - Thưa vâng! Ý tôi muốn nói là - Người Bác sỹ kia sợ BVT
hiểu lầm, định giải thích - BVT ngắt lời: Yêu cầu các Anh các Chị ráng sức -
BVT đưa mắt nhìn khắp lượt nhân viên của mình, dừng lại, cúi xuống nhìn bản
ghi tóm tắt bệnh án của Hương... trầm ngâm, tiếp: Còn nước còn tát... Ðó
là một con người... Dù sao đây cũng là một ca bệnh hiểm nghèo. Cần theo rõi
sát sao, tập trung chữa trị để lấy kinh nghiệm cho những ca khác! Cả phòng hội chẩn im lặng. BVT lại hỏi: Có ai còn ý kiến gì khác không? Tất cả lại im lặng. BVT giục: Nào, hãy vào việc! Mọi người rời phòng hội chẩn. Mọi người đều đồng ý với BVT,
nhưng không ai tin rằng người bệnh kia có thể qua khỏi. Thực hiện lệnh của BVT, nhân viên, Y, Bác sĩ ngày đêm túc
trực chữa trị, chăm sóc Hương. Ðiều kỳ lạ đã đến: Sau ba hôm, chẳng những
Hương không chết mà các bệnh lui dần... Ông BVT đến thăm, trở về lại họp hội
chẩn... Những y bác sĩ thay nhau báo cáo... BVT ra tiếp chỉ thị và tiến hành
phương pháp chữa trị ở giai đoạn hai, được tăng cường cả thuốc, trị liệu lẫn
tăng thể lực... Bệnh tình của Hương thuyên giảm. Sức khỏe đang dần hồi phục... Gần một tuần không thấy con tới thăm, Hương nóng ruột. Một buổi chiều thứ 7, Hương đã lê được từ trong
phòng ra ngoài sân hóng gió. Bỗng thấy Tú Anh từ ngoài cổng đi vào. Trên đầu
thằng bé chít chiếc khăn trắng. Hương ngạc nhiên trố mắt nhìn. Tú Anh thấy mẹ
đã khỏe, tự đi ra được bên ngoài sân nên vui mừng chạy lại. Hương nhìn con hốt
hoảng mếu máo: Con để tang ai thế này? Bà mất rồi ư? Hu... u... hu... Thấy mẹ hỏi, Tú Anh xịu mặt, lát sau mới cất lên lời: Mẹ
ơi! Bà mất rồi. Thoạt nghe, Hương tưởng mẹ đẻ mình đã mất, nàng hỏi dồn: Bà
mất hôm nào? Tại sao bác Hoa (chị gái) không lên báo cho mẹ biết? - Không phải bà nhà mình đâu, Bà Lành kia! - Ủa, mấy hôm trước bà lên thăm mẹ, Bà còn khỏe kia mà, sao
lại như vậy? - Bà bị cảm đột ngột từ hôm kia. Chiều hôm qua bà nhờ cô
Dung vào gọi con ra, Bà đưa cho con gói này - Tú đưa cho mẹ chiếc túi vải
hoa, trong đựng số tiền mà Hương đã đưa cho bà cụ hôm trước, đoạn em tiếp - Ðến
đêm bà mất. Sáng nay nhà trường lo chôn cất rồi. Con thương bà lắm, tìm một
vuông vải trắng tang bà. Bà được chôn ngay tại gốc tre trên gò ấy mẹ ạ... Thằng bé buồn rầu, xịu mặt. Nước mắt Hương xối tuôn. Nàng thật sự xúc động, như chính mẹ
đẻ mình mất. Hình ảnh, giọng nói của bà cụ lại hiện ra... vang lên... trong
khi đó, giọng Tú Anh vẫn đều đều: Chú Dân - tên con trai bà cụ - được báo từ
sáng sớm mà mãi khi đưa Bà ra huyệt mới đến. Cô Thái - Vợ Dân - và hai đứa trẻ
không đi đưa đám Bà. Hương thẫn thờ. Lòng thương cảm bà cụ dạt dào...
Nàng lại liên tưởng tới mình... Hương buột thốt lên: Chao ôi, kiếp người! Nàng lần mở túi. Trong đó ngoài số tiền đưa cho bà cụ hôm
trước, còn có thêm 50 đồng khác, số tiền bà dành dụm cả đời đi ăn xin. Trước
khi từ biệt thế giới này, bà còn kịp trao cho Tú Anh, đứa bé không có huyết
thống với bà, nhưng đã có lời gửi gắm của một con người cũng khốn khổ như
bà... Hương ôm chiếc túi vào lòng khóc nức nở. Tú Anh cũng ôm mẹ khóc theo. Trời hôm nay nắng ấm, cái nắng đầu mùa hạ, sau tiết xuân ẩm
thấp. Tất cả bệnh nhân, những người đi lại được đều ra ngoài sân
Bệnh viện sưởi nắng. Hương vừa qua một trận thập tử nhất sinh. Tuy đã khá nhiều,
nhưng vẫn chưa khỏe như trước, vẫn nằm trên giường. Người Bác sĩ trẻ - nghe
đâu mới tu nghiệp ở nước ngoài về... được BVT phân công đặc trách điều trị
cho Hương. Hôm nay là ngày khám định kỳ. Anh tiến đến đo nhiệt độ, huyết áp, bắt mạch... Anh theo
rõi tỉ mỉ những diễn biến bệnh tật của người phụ nữ này. Dường như đang tiến
hành một đề tài nghiên cứu đặc biệt... sau khi ghi chép những số liệu vào quyển
bệnh án, anh dở cuốn sổ tay, đứng ngay tại đầu giường của Hương chăm chú đọc...
chốc chốc lại ngẩng đầu, nhìn Hương suy nghĩ... Hai nữ y tá đẩy chiếc bàn có
gắn bánh xe, trên đựng thuốc, tiến vào. Hai cô thông báo cho bênh
nhân, chào Bác sĩ... Người Bác sĩ trẻ gấp sách, quay sang bảo: - Tôi muốn cho chị Hương đi tắm. Hôm nay trời nắng ấm, vả lại,
chị ấy đã có thể tắm được rồi. Các đồng chí có thể giúp tôi làm việc này? - Xin Bác sĩ yên tâm. Tôi sẽ tìm thêm người và làm ngay. Một cô y tá nói rồi quay ngay trở ra. Hương đang thiu thiu ngủ, nghe đến đây giật thót mình. Lúc
này Hương rất sợ tắm, cố bật ngồi dậy nhìn người Bác sĩ lúng túng, đoạn nói,
giọng như van lơn: Thưa BS. Ðừng... đừng! Tôi sợ tắm lắm... xin cho tôi khất... Người Bác sĩ nghe Hương nói chỉ mỉm cười. Vừa lúc đó ba y
tá đi vào. Không chú ý đến nỗi khiếp sợ của Bệnh Nhân, hai cô Y tá lực lưỡng ở
hai bên nách, dìu Hương. Cô khác cầm gói quần áo, khăn bông theo sau. Họ đưa
Hương đi ra nhà tắm ở gần giếng... Vẫn động tác bắt ép, một người mở cửa nhà
tắm dắt Hương vào. Hai người kia thay nhau múc nước từ dưới giếng lên, đổ vào
chiếc bể chứa, nửa lồi ra phía miệng giếng, nửa nằm ở bên trong nhà tắm. Khi
nước đã đổ đầy bể, một người nữa vào trong nhà tắm cùng người kia múc nước từ
bể xối lên người, lên đầu Hương... Nước giếng lạnh. Người còn đang yếu... Hương rùng mình sợ
hãi... Mỗi gáo nước dội lên mình là mỗi lần Hương giật thót, co rúm người vì
rét lạnh. Không kìm được rét Hương rên la... hai cô gái Y tá nghiêm khắc, lạnh
lùng - Ðức tính vốn có của những thầy thuốc trước các con bệnh - vẫn bình
tĩnh giữ hai bên sườn Hương, nàng không thể cựa quậy chỉ còn biết rên, khóc,
van xin... Mặc! họ cử xối nước, kỳ cọ... Cho tới khi Hương ngất xỉu, cũng là lúc họ đã tắm xong. Hai
người lấy khăn bông lau khô, mặc quần áo, dìu Hương về giường. Người Bác sĩ trực vẫn còn đứng đó. Anh ra lệnh tiêm cho Hương, liệt kê một số thuốc xoa
bóp, thuốc uống... sai cô y tá lấy thêm hai chiếc chăn bông, bọc Hương kín, cứ
4 giờ phải tiến hành dùng thuốc nước xoa bóp toàn thân cho bệnh nhân một lần,
liên tục cho tới khi nào tỉnh hẳn mới ngừng... Hương nằm ngủ li bì... Ngủ liền một mạch hơn một ngày đêm cho tới sáng hôm sau. Tỉnh
dậy, thấy bụng rất đói. Cô Y tá lấy cho Hương xuất cơm, Nàng ăn hết. Lấy xuất
nữa, Hương lại ăn hết. Ðó là bữa ăn của người bệnh sau khi hồi phục, người ta
thường gọi là - Ăn giả bữa! ... Người Bác sĩ trực đến nơi, xem mạch, đo huyết áp, nhiệt
kế... Anh ta đi ra, lát sau trở lại cùng BVT và những bác sĩ chuyên khoa. Mọi
người lần lượt đến kiểm tra Hương... BVT nhìn Nàng nói: Bệnh tật của chị đã
thuyên giảm, Chị cần yên tâm điều trị, nghe lời khuyên của Y Bác sĩ... tuần
sau có thể xuất viện. Chúc mừng chị! Hương thấy trong người mình đã chuyển biến. Không còn cảm
thấy mệt mỏi, tinh thần thấy mỗi lúc một tỉnh táo, sảng khoái. Cuộc ''Tắm Gội''
hôm trước, đối với Hương thật khủng khiếp. Nàng đã vật vã chết đi sống lại bởi
những chà sát... kỳ cọ... những gáo nước lạnh được người ta dội lên đầu, lên
người... Chính nhờ những Y tá ''Nghiêm khắc, lạnh lùng đến tàn nhẫn'', làm việc
''không nương tay''... Khiến Nàng đã phải chịu đựng sự đau đớn, sự dày vò
trong ép buộc !... Nhưng quả thật đó chính là liều thuốc thần diệu, hiệu nghiệm....
Cũng chính nhờ vậy, Nàng - con bệnh thập tử nhất sinh - đã từ cõi chết trở về!... Một tuần sau Hương xuất viện, tự mình đi ra xe xích lô trở
về nhà. Căn Bệnh ''Tứ chứng nan y'' đã lùi. Hương từ bến bờ của thế giới bên
kia, đã trở về với cuộc sống thực... Những ước mơ - tưởng như đã tàn lụi vì bệnh tật - ''có một
căn nhà khang trang, tươm tất cho con trai'' - lại trỗi dậy, cháy bỏng trong
lòng Nàng! Khỏi bệnh. Khỏe ra. Hương cùng con trai lại lao vào công việc. Có mấy chục bạc
do tiền bán gạch lần trước cùng với mấy chục do Bà cụ Lành cho, hai mẹ con lại
làm gạch. Hương quyết định không đi buôn nữa, đi mua vôi, sỉ than ở các lò
nung vôi, mượn xe bò, hai mẹ con tải về. Chuyển sang đóng gạch Pabanh. Làm gạch Pabanh có cái lợi là không phải dùng đất, công
nhào trộn ít hơn gạch chỉ, không phải đốt nung, hợp với thể lực của hai mẹ
con Hương. Do chăm chỉ, có lương tâm nghề nghiệp, cộng với kỹ thuật... mẻ gạch
nào mẹ con Hương đóng ra cũng được người ở trong xã, các xã lân cận mua hết.
Ðắt cứ như tôm tươi. Hương thực hiện kế hoạch quay vòng vốn một cách triệt để: Gạch đóng ra, bán, lấy tiền mua vôi xỉ, tiếp tục đóng đợt khác, lại bán...
cứ lần sau khối lượng gạch lại lớn hơn đợt trước... Hàng thiếu không có đủ
cung cấp theo đơn đặt của người tiêu dùng, Hương phải thuê người làm thêm, thậm
chí mua lại gạch của họ, sau khi đã phổ biến kỹ thuật và kiểm tra khắt khe...
Việc cung cấp gạch cho khách hàng kịp thời. Lãi thu được ngày một lớn. Cùng
song song với việc đóng gạch, hai mẹ con Hương bớt một phần số tiền lãi, mua
lợn, mua cám về chăn nuôi. Thật kỳ lạ, trong khi đàn lợn của trại chăn nuôi HTX còi cọc
ốm lay lắt, chết dần, tăng trọng độ dăm ba cân một tháng, còn đàn lợn của mẹ
con Hương cứ lớn như thổi... Mỗi tháng tăng trọng từ 10 đến 15 cân... Với hai
sản phẩm quan trọng này, hàng năm mẹ con Hương thu về hàng chục triệu đồng
lãi. Có tiền dư thừa, có vốn kinh doanh... Hai mẹ con người đàn bà ''Hủi''.
đã một thời rơi vào tình trạng khốn khổ bi thảm đến tận cùng kia, đã đi lên từ
hai bàn tay ''cùi'', cộng với cái đầu kiên cường đầy trí tuệ. Hương đã xây
nhà to cao cho mình và cho con. Mua sắm những đồ đạc đắt tiền, lịch sự, hiện
đại... Ngoài chuyện đóng gạch, Hương mua đất, đào ao, thả cá, nuôi
lươn và xây trại chăn nuôi lợn trên quy mô lớn. Ðàn lợn của hai mẹ con Hương
đã lên tới hàng trăm con. Hàng năm xuất cho khách mua hơn trăm tấn thịt... Hương đã trở thành người phụ nữ giàu nhất vùng... Hương sống nhân hậu, thảo hiền. Hàng năm đem một phần tiền lãi, cúng vào quỹ từ thiện để
giúp đỡ những người nghèo, những người bệnh tật, neo đơn, tặng những khoản tiền
lớn cho bệnh viện Phong - Hủi. Nàng không chấp nhặt để bụng những chuyện xưa
khi còn hàn vi. Những người đã gây cho Nàng nhiều đau khổ... chẳng những Nàng
không thù oán, mà còn coi họ như ''ân nhân''...Nàng thường bảo con: ''Vì họ
làm như vậy... nên mẹ con ta mới cố gắng vươn lên! Biết đâu họ do Trời, Phật
sai tới thúc đẩy, nhắc nhở, thử thách... mẹ con ta mới có cơ hội thành đạt...'' Nàng nghĩ tới tình xưa. Mặc dù bà mẹ chồng đã mất, người chồng cũ đã có bốn con,
nhưng cuộc sống của gia đình anh ta vẫn nghèo đói... Hương không quên trợ cấp
cho họ hàng
năm... Tú Anh vừa đi học vừa giúp mẹ. Cậu đã trưởng thành. Khi vào
đại học. Cậu đi học bằng xe Dream - 2, được mẹ cho phép chi dùng theo sở
thích. Nhưng, từ trong đói khổ đi lên, cậu luôn nhớ lời khuyên của Mẹ sống giản
dị, chăm học và học giỏi. Chị Hương năm xưa đã trở thành Bà Hương - người nổi tiếng về
mọi mặt... Mùng một, ngày rằm, Bà thường ra thăm mộ Cụ Lành, Bà lão ăn mày
năm xưa - giờ được chị đưa về chôn cạnh nấm mồ Bố, Mẹ đẻ của mình. Mộ xây to
như một chiếc lăng. Trên mộ của ba người trồng hoa. Quanh năm trên mộ, mùa
nào cũng có Hoa, mùng một ngày rằm, hương hoa ngào ngạt... Một ngày đầu xuân. Sau khi đi tảo mộ bố mẹ và cụ Lành, bà Hương đến thăm trại
Phong, tặng bệnh nhân quà cáp. Tặng Bệnh viện của trại món tiền lớn để thêm
vào mua sắm thuốc men. Xong việc, Bà chậm rãi một mình đi ra bờ đê, trở về
nơi bến đò năm xưa... Cảnh vật đã đổi thay... Mỏm đất khi xưa, nơi bà đã đứng gieo mình xuống lòng sông,
giờ đã không còn dấu vết. Có lẽ nó đã bị dòng sông ngoạm lở. Chỉ
còn vật có thể lấy làm điểm chuẩn để nhớ lại: Ở phía xa, trên mặt đê vẫn còn
chiếc điếm canh. Bà nhớ rõ nơi đó, trước khi đi xuống mỏm đất để gieo mình,
Bà đã đứng dựa lưng vào tường đầu hồi điếm canh cho đỡ mệt... rồi
mới từ đó đi tiếp xuống dưới chân đê. Chỗ Bà năm xưa định gieo mình, nằm cạnh, bên trái lối mòn,
tư điếm canh đi ra... Nhưng kỳ lạ thay, bây giờ, tại đây - lùi vào hàng chục
mét - cũng có một mô đất, giống hệt mô đất khi xưa Bà đã đứng!... Bà chậm chạp tiến đến... Bà khó nhọc leo lên mô đất... bồi hồi nhớ lại... Hình ảnh của quá khứ lại tái hiện: ''Ông lão thuyền chài to
lớn, râu tóc bạc phơ... xung quanh người ông lão tỏa ra vừng hào quang...
trong làn nước lạnh... Một đồng bạc bằng kim loại cứ đập vào đùi phát ra tiếng
phập... phập...'' Bên tai Bà văng vẳng tiếng nói của ông lão: ''Con hãy ráng
sống. Con có phúc lớn, có quý nhân phù trợ... Ta chỉ còn có ngần này, con cầm
lấy, ngày sau làm nên hãy nhớ đến ta!'' Bà quỳ xuống, vái lạy dòng sông, thốt lên những tiếng chậm
rãi, trầm trầm: Vâng, con vẫn nhớ! Ông ơi! nhờ ông mà con đã sống, đã biết
sống, đã thành đạt... Cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay, con cũng không thể nào
quên ông... Con cháu của con sẽ đời đời nhớ ơn ông! (Tên nhà viết kịch, Ðạo diễn, Quay phim, các diễn viên và
những nhà làm phim hiện ra, trôi dần... trên nền dòng sông Hồng đỏ phù sa, với
tiếng nhạc rộn ràng... cuối cùng là chữ HẾT PHIM) Phỏng theo bài Nàng OSIN Quê Tôi của Minh Diện - Tiền Phong
cuối tháng 3 năm 1996. GHI CHÚ: 1- Tên một nhân vật nữ, trong một phim truyền
hình nhiều tập của Nhật Bản, được Ðài Truyền Hình Việt Nam phát sóng nhiều buổi... 2- Loài giáp xác, giống con cua đồng, chỉ sống ở
vùng nước Lợ - cửa những con sông nước ngọt chảy ra biển. Con Cáy màu nâu -
đen, càng mầu đỏ, chân có lông. Dân nghèo của các tỉnh ven biền câu, bắt về
trôn muối (giã hoặc để cả con). mây tuần sau thu được nước mắm cáy. Nước mắm
này có nhiều chất đạm, vắt chanh, giã tỏi, chấm rau muống, rau lang luộc rất
ngon... 3- Ðộng vật cùng loài với ếch nhái... Da sần
xùi trông rất sợ. Khi động vào da nó, cóc tiết ra chất nước trắng như sữa, rất
độc. Ðặc biệt thịt cóc lại rất nhiều chất đạm. Dân nghèo thường bắt Cóc, lột
da, rửa sạch lấy thịt cho trẻ còi xương (chậm lớn) ăn, trẻ khỏi bệnh, chóng lớn... 3b. Một loại cây to, sống lâu, thường mọc ở khu vực đồng bằng
Bắc Bộ, hầu như nhà nào cũng có trồng. Quả nhỏ như đầu ngón tay, mầu đỏ tím,
khi chín trẻ con thường hái ăn, vị ngon ngót, hơi cay... Lá vối hái về phơi
khô (hoặc để tươi), nấu nước uống thay cho trà... 4- Ðất 5% được HTX cấp cho các xã viên, dựa
trên cơ sở tổng số đất canh tác mà mỗi hộ nông dân được phân chia. Vùng đồng
bằng châu thổ sông Hồng, đất canh tác rất ít. Các tỉnh Nam Ðịnh, Thái Bình,
Hưng Yên, Bắc Ninh... tính bình quân đầu người chỉ còn trên dưới một sào Bắc
Bộ (360 M.2). Có Huyện còn thấp hơn. 5% của một sào là 360x 0,05 = 18 mét
vuông. Số đất này Xã viên canh tác được sử dụng, không phải nộp thuế. 4b. Một loại tre đực, thân to, già rất cứng, đặc ruột, dân
đồng bằng Bắc Bộ thường chặt ngâm làm nhà rất tốt. 4c. Một loại cây leo, như sắn giây, dân miền
núi thường dùng để bó cây củi - như giây thừng. Rắn, trăn rất sợ loại giây gắm.
Những con Trăn rừng to lớn, sẵn sàng chống cự mọi loài - kể cả con Người - Thế
nhưng cầm nắm giây gắm vất vào người chúng... giây chạm da, rắn, trăn ngoan
ngoãn nằm nguyên, duỗi thẳng để cho người bắt 5b. Chi tiết này do chính bà H. kể lại trong
Nàng Osin quê tôi.... 5c. Cái Ðáy hình tam giác, gần giống chiếc vợt, nhưng to
hơn, dùng để đón hớt tôm tép hoặc những loại cá thường đi ăn trên mặt nước
(cá mương, ngạo...). 5d. Nọc rắn hổ mang bành rất độc, có thể giết
chết cả người... Thế nhưng đối với lợn lại không hề gì. Vạn vật tương khắc. Rắn
độc thường bị lơn nuốt sống ăn tươi, lợn chẳng sao... 20/2/2007 Lê Xuân Quang Theo https://www.vanchuongviet.org/ |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét