Nguyên xưa, dòng sông này có nhiều tên gọi, trong Ô
Châu Cận Lục, Dương Văn An chép là sông Linh Giang. Theo dòng sử liệu, dòng
sông này còn có các tên khác như sông Lô Dung, sông Dinh, sông Kim Trà và sau
này mới được đổi thành Hương Giang như ngày nay.
Từ thượng nguồn đến hạ nguồn, sông Hương dài khoảng 100 km. Bắt đầu từ hai
nguồn lớn, Tả Trạch và Hữu Trạch hợp với nhau tại ngã ba Bằng Lãng, từ đây với
độ dài khoảng 30 km, sông Hương trở nên dịu dàng chảy vào lòng Huế rồi ầm ào
ra biển Thuận An. Mang theo những phù sa của thiên nhiên, sông Hương quanh co
chảy về biển khơi, tạo nên những làng mạc trù phú hình thành và phát triển từ
bao đời nay.
Đoạn sông từ Kim Long đến Vĩ Dạ là điểm nhấn quan trọng và điển hình nhất của
vẻ đẹp sông Hương, nhẹ nhàng thanh thoát như một tấm lụa của thiên nhiên. Từ
những năm đầu tiên của thế kỷ XIX, khi xây dựng Kinh Thành Huế, các nhà kiến
trúc đã chọn sông Hương làm yếu tố minh đường, là một yếu tố không thể
thiếu trong quan niệm về thuật phong thủy lúc bấy giờ. Hai bên trước Kinh
Thành là Cồn Hến và Cồn Dã Viên được xem là tả Thanh Long và hữu
Bạch Hổ, tạo nên cái thế vững chãi về tâm linh cho cả cụm kiến trúc Kinh
Thành Huế.
Sông dài như kiếm dựng trời xanh
Sông Hương không chỉ là môi sinh lý tưởng của con người, nó còn là một biểu
tượng thẩm mỹ của người dân xứ Huế. Sông đã chở trên mình những vỉa phù sa
văn hóa, để nối từ thế hệ này sang thế hệ khác từng lớp quặng, cô lắng trong
nhiều loại hình nghệ thuật, mà thơ ca là một điển hình.
Nhắc đến sông Hương, người ta nghĩ ngay đến con sông của thi, ca, nhạc, họa.
Dòng sông này đã chở biết bao hứng khởi từ những tâm hồn lãng mạn.
Sông Hương với Tiên Điền Nguyễn Du, trong một dịp thu đến (1) thì: Hương
Giang nhất phiến nguyệt/ Kim cổ hứa đa sầu: Một tấm trăng Hương Giang/
Xưa nay gieo nhiều nỗi buồn.
Những câu thơ tả cảnh rất tinh tế với những phát hiện mà đến bây giờ vẫn còn
rất mới về dòng Hương. Nỗi sầu trong câu thơ không là một nỗi sầu cô quạnh,
đơn độc, mà đó là cái sầu bi mang tính mỹ học, cái sầu trong cô tĩnh luôn làm
trăn trở thi ca. Nhà thơ đau đáu một niềm nhân thế, đau đáu về thời vận, đau
đáu về những mâu thuẫn giữa hiện thực và lý tưởng.
Sông Hương với Chu Thần Cao Bá Quát, trong một Buổi sớm qua sông
Hương (2) thì: Vạn chướng như bôn nhiễu lục điền/ Trường giang như
kiếm lập thanh thiên: Muôn dãy non xanh ngát cánh đồng/ Sông dài như kiếm dựng
trời xanh.
Thi sĩ thể hiện hạo khí của kẻ sĩ qua hình ảnh ví von sông dài như kiếm dựng
trời xanh, đã làm nên một tượng đài ngôn ngữ muôn đời của dòng Hương. Sông
thì như lưỡi kiếm, gió thì như chiếc gối, để thi nhân mơ mòng về nhân thế.
Thi nhân Nương trận Nam Phong gối giấc nồng (3) như trước ông mấy thế
kỷ, một danh sĩ Việt Nam là Trần Quang Khải từng Đè ngang ngọn gió đọc
thơ chơi.
Đó là những hình ảnh đẹp và giàu tâm trạng.
Không gian nghệ thuật của Nguyễn Du và Cao Bá Quát được xác lập trên cơ sở của
điểm nhìn, điểm ngắm của chủ thể sáng tạo (so với khách thể thẩm mỹ).
Căn cứ vào nội dung của toàn bài, điểm nhìn, điểm ngắm của Nguyễn Du là “ở
trên bờ”, ở đây, nhãn tự trong bài thơ Thu chí của Nguyễn
Du là: phiến: mảnh, tấm, nó gợi lên một vật thể chiếm một diện
tích theo chiều rộng trong không gian, phiếm chỉ sự dàn trải, mênh
mông: Hương Giang nhất phiến nguyệt: một tấm trăng Hương Giang. Câu thơ
thể hiện rõ nét quá trình xác lập tứ thơ: phiến nguyệt - tâm hồn - tỏ chí. Đó
cũng là một quá trình vận động của tư duy, của sáng tạo, và tứ thơ ở đây
là một ý chí vằng vặc (như trăng ở sông Hương).
Cũng căn cứ vào nội dung của toàn bài, điểm nhìn, điểm ngắm của Cao Bá
Quát là “ở giữa dòng” (trên thuyền), ở đây, nhãn tự trong câu thơ, bài
thơ Hiểu quá Hương Giang của Cao Bá Quát là: trường:
dài, xa, nó gợi lên một vật thể chiếm một diện tích theo chiều
dài trong không gian, phiếm chỉ sự sâu thẳm, tít tắp: Trường giang
như kiếm lập thanh thiên: sông dài như kiếm dựng trời xanh. Câu thơ cũng
thể hiện rõ nét quá trình xác lập tứ thơ: trường giang - tâm hồn - tỏ chí. Đó
cũng là một quá trình vận động của tư duy, của sáng tạo, và tứ thơ ở đây
là một ý chí thăm thẳm (như dòng sông Hương) (4).
Với sông Hương, Cao Bá Quát còn có chùm thơ 10 bài tạp vịnh về Hương
Giang (5). Qua những bài thơ này, chúng ta có thể cùng ông du lãm với sông
Hương đến các địa danh như Kim Long, Hoàng Thành, Gia Hội, Bao Vinh. Du lãm để
suy gẫm về nhân tình thế thái, để ngẫm nghĩ chuyện đời. Ví như: Nhất đới
duyên giang giáp đệ hùng/ Ngũ quân khai phủ chiếu tây đông/ Vinh khô tứ
thập dư niên sự/ Chỉ kiến hà hoa tự cựu hồng: Ven sông lầu gác trập
trùng/ Đồn quân, dinh tướng tây đông mấy tòa/ Thịnh suy bốn chục năm qua/
Riêng sen vẫn giữ màu hoa đỏ hồng.
Dòng Hương còn là nơi các công trình kiến trúc truyền thống, những di tích cố
đô Huế soi bóng và tự kiểm chứng lại mình. Con sông đã xe duyên nối các công
trình với nhau thành một thể. Từ thượng nguồn sông Hương là một yếu tố cảnh
quan gắn với các lăng tẩm xứ Huế như lăng Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị,
theo dòng chảy về khơi lại tiếp tục gắn với một phức hệ kiến trúc như điện
Hòn Chén, Văn Miếu, Võ Miếu, chùa Thiên Mụ... Phóng tầm mắt từ Kỳ Đài, sông
Hương lại có một vẻ đẹp mới với một hệ thống công trình bao bọc điểm xuyết: từ
Phu Văn Lâu đến Nghinh Lương Đình, từ cầu Trường Tiền đến thảm cây xanh dọc
đôi bờ, xa hơn nữa là đỉnh Ngự Bình đã tạo nên một chỉnh thể hài hòa không có
cơ hội để cắt xén. Do vậy, sông Hương cùng với núi Ngự, cầu Trường Tiền đã trở
thành những biểu tượng tình cảm của Huế.
Trên điện Thái Hòa cũng xuất hiện 5 bài thơ ngũ ngôn tuyệt cú viết về sông
Hương của các vị vua triều Nguyễn với tính chất vịnh cảnh để tỏ chí là một
trong những đặc trưng của dòng văn học trung đại. Điển hình
như:
- Giang hà thông chúng thủy/ Bình chướng liệt quần sơn: Hương Giang mạch
nước nối dòng/ Ngự Bình tiếp tiếp tầng không chan hòa.
- Trản lãnh lăng hư thú/ Hương giang triệt để thanh: Núi Trản điệp
cả màu châu/ Sông Hương in bóng đáy sâu trong lành.
- Hương thủy đà Ngân đới/ Bình sơn kháng ỷ lưu: Sông Hương tiếp dải ngân
hà/ Ngự Bình giăng mắc nắng qua lụa mềm v.v...
Trong tác phẩm Thần Kinh nhị thập cảnh (7) viết về 20 danh thắng của
cố đô xưa, bài thơ Hương Giang hiểu phiếm (8) của vua Thiệu Trị
không chỉ là một bài vịnh cảnh thuần túy. Nhà vua mượn việc tả cảnh để bày tỏ
cái chí của mình, qua sông Hương vào buổi sớm, đã thấy trời đông hửng ánh
dương. Đó là ánh dương của một triều đại, một bình minh lịch sử mà nhà vua là
người đứng đầu của triều đại đó. Bài thơ được khắc trên bia đá đặt bên cạnh
Phu Văn Lâu, ngày nay vẫn còn chứng tích: Nhất phái uyên nguyên hộ đế
thành/ Thanh lưu sấn tảo nhạ lương sinh (…) Kỷ hồi hà hiết thương
lang khúc/ Song khuyết phương thăng thụy nhật minh: Ôm lấy Kinh đô nước uốn
dòng/ Thả thuyền ban sớm nhẹ thong dong (…) Bao lâu nào rõ dòng chưa dứt/ Đã
thấy trời đông hửng ánh dương.
Nhà thơ Thiệu Trị quan sát thiên nhiên, quan sát sông Hương bằng một trực cảm
tinh tế, nắm bắt kịp thời những chi tiết, những hình ảnh mà đôi khi chỉ ngưng
tụ trong một khoảnh khắc: Thiên tửu vị can nhu ngạn thụ/ Sơn hoa do luyến
kết vân anh: Cây cối vấn vương sương vẫn đẫm/ Cỏ hoa quyến luyến mây còn
ngưng. Chỉ qua những hình ảnh mang tính gợi tả, nhưng vẫn khắc họa rất thành
công những nét “sở thuộc” của sông Hương bằng bút pháp tinh tế và tình cảm
chan chứa của nhà thơ.
Dòng sông Hương còn là một chứng nhân lịch sử, nó chở trên mình những chuyện
vui buồn của thời gian. Trong lịch sử, dòng sông đã chở và chứng kiến biết
bao câu chuyện nổi trôi đầy thân phận. Thảo Am Nguyễn Khoa Vy viết: Núi
Ngự không cây cu ngủ đất/ Sông Hương vắng khách đĩ kêu trời. Nhà thơ Tố Hữu
viết: Trên dòng Hương Giang/ Em buông mái chèo… rồi Tình ơi gian dối
là tình/ Thuyền em rách nát còn lành được không (Cô gái sông Hương). Đó
là những cái nhìn nhân văn đầy cảm thông trước những phận gái giang hồ một
thuở nào.
Ngay từ thời quân chủ, thân phận ấy cũng được bày ra trong những cảm thông xa
xót của Uy viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ. Nguyễn Công Trứ, dù sử dụng bút
pháp hoạt kê, trào phúng nhưng bài thơ không vì vậy mà kém phần nhân văn. Thử
xem: Trên sông một chiếc thuyền lan (9)/ Một cô gái Huế một quan đại thần/ Ban
ngày quan lớn như thần/ Ban đêm quan lại tần mần như ma/ Ban ngày quan lớn
như cha/ Ban đêm quan lại rầy rà như con. (10)
Sông Hương như thể chiếc gương góa chồng
Cảm hứng về dòng sông Hương vẫn còn chảy mãi đến tận nhiều đời tiếp nối. Theo
những chuyến đò dọc, đò ngang, sông Hương cũng đã làm nên những điệu dân ca
còn lưu truyền mãi. Hò mái nhì, mái đẩy cùng một số làn điệu khác là những điển
hình cho điệu hò sinh thành trên sông nước. Và rất nhiều khúc ca, bản nhạc,
tác phẩm mỹ thuật hình thành trên cảm hứng về dòng sông này.
Nhạc sĩ, họa sĩ, thi sĩ Văn Cao đã từng du lãm với mùa thu sông Hương bằng Một
đêm đàn lạnh trên sông Huế, để khi xa rồi, thi nhân cứ day dứt mãi và cuối
cùng phải buột lên rằng: Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh.
Em cạn lời thôi anh dứt nhạc
Biệt ly đôi phách ngó đàn tranh
Một đêm đàn lạnh trên sông Huế
Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh
Sông Hương với những khoảnh khắc của thời gian, với những quãng ngắt của
không gian, luôn có thể tác động lên những tâm hồn lãng mạn. Ai từng sống với
dòng sông này, luôn có thể bất chợt phát hiện ra rằng, sông Hương mỗi ngày
thêm mỗi mới. Sau chiều nay, còn buổi chiều khác nữa/ Có thể mây cao, có
thể nắng vàng trong bài thơ Chiều Hương Giang của Nguyễn Khoa
Điềm là những khoảnh khắc về thời gian và quãng ngắt về không gian nghệ thuật
làm nền cảm hứng của thi sĩ. Khoảnh khắc nhưng chiều nay vô tình trong nắng
muộn/ Mắt tôi nhìn trong suốt nước Hương Giang là những phát hiện rất mới
của thi sĩ.
Sông Hương vốn được biết bao ngôn từ dùng để ví von nhằm khắc họa hết tất cả
những cái duyên ngầm và thi vị của nó, như đó là Điệu slow tình cảm; đó
là người tài tử đánh đàn lúc đêm khuya, như đó là tấm lụa mềm vắt ngang
thành phố với những lời ru vỗ du dương dành cho nó.
Với nhà thơ Thu Bồn, thì sông Hương là một hiện thực tâm hồn, nhà thơ viết: Con
sông dùng dằng con sông không chảy/ Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu. Phát
hiện mới mẻ này đã làm bàng hoàng cả một diễn trình mỹ từ dành cho
sông Hương. Đây là một phát hiện tinh tế, và tinh tế hơn khi thi sĩ đã nhận
thức rất rõ rằng: sông Hương đã góp phần làm nên văn hóa Huế, Huế rất
sâu là Huế của những tầng vỉa văn hóa truyền thống. Nhà thơ tạm biệt Huế,
tạm biệt dòng Hương để ngẩn ngơ, lưu luyến đến nỗi đã hóa đá phía bên
kia của ngọn Hải Vân hùng vĩ. Em trong bài thơ cũng chính là dòng Hương
cùng tác giả tình tự.
Tạm biệt Huế với chiếc hôn thầm lặng
Anh trở về hóa đá phía bên kia.
(Tạm biệt)
Mỗi một nhà thơ đều có một cách bày tỏ xúc cảm trước dòng Hương Giang trữ
tình. Nhà thơ Huy Tập đã giả định rằng, nếu như chẳng có sông Hương,
thì không biết: gửi tình cho Huế, gửi thương nơi nào? Và cuối cùng
là Nếu như chẳng có dòng Hương/ Câu thơ xứ Huế giữa đường đánh rơi. Nhà
thơ xem dòng sông này là duyên cớ của những tứ thơ về Huế và do vậy sông
Hương đã trở thành nỗi đam mê của thi nhân, trở thành duyên cớ gửi trao tình
cảm.
Nguyễn Xuân Sanh lại có một định ngữ khác: Ai đến bên, lòng ta khẽ bảo/
Con đò: con mắt của sông Hương. Đến Huế, đến với sông Hương, thi sĩ nhận
ra rằng, những con đò là hình ảnh gắn kết dòng sông này để làm nên tứ
thơ: con đò - con mắt. Đó cũng là một định ngữ chính xác về không gian của
sông Hương. Lại giả định rằng, nếu trên dòng sông này thiếu vắng những con đò
thì ra sao nhỉ?
Ôi con đò con mắt yêu thương
Nhìn chúng ta say đắm lạ thường
Ai đến bên, lòng ta khẽ bảo:
Con đò: con mắt của sông Hương!
Riêng với sông Hương, Trương Nam Hương lại có một định ngữ khác về dòng
sông này: Hương Giang như thể chiếc gương góa chồng. Bài thơ thể hiện nỗi
niềm thế sự được trình bày, hóa giải với sông Hương bằng một cái tôi trữ
tình, cái tôi đối thoại với dòng sông.
Bao nhiêu hưng phế, thịnh suy không ai lường hết được, đó là quy luật. Nhà
thơ hoài niệm về quá khứ, liên hệ với hiện tại để thức nhận rằng:
Khói sương dâu bể toan cầm
Lại e vương nỗi thăng trầm ngón tay
Chẳng hòa tan được rủi may
Huế cho không cả ly đầy… bóng vua.
(Riêng với sông Hương)
Khó có thể kể hết tất cả những hình ảnh đẹp đã trở thành định ngữ về
dòng sông Hương trong lịch sử thi ca.
Bởi lẽ, mỗi một nhà thơ, khi đến với dòng sông này đều bị mê hoặc với sự huyền
ảo của không gian tương tác giữa toàn bộ khách thể thẩm mỹ và chủ thể nhận thức.
Đó là chiếc cầu nối đồng hiện của hai chiều hiện thực và tâm hồn.
Bởi lẽ, sông Hương tự bao đời như đã là di sản của tâm linh, của hiện thực đời
sống Huế.
Êm đềm theo thời gian, sông Hương đã cuộn lên một dòng chảy văn hóa đầy sức sống. Chú thích: (1) Dịch từ nhan đề một bài thơ của Nguyễn Du (Thu chí)
(2) Dịch từ nhan đề một bài thơ của Cao Bá Quát (Hiểu quá Hương Giang)
(3) Nguyên văn: Phả ái nam phong giác chẩm biên.
(4) Cũng có quan điểm cho rằng, nhãn tự của bài thơ này là (kiếm), nhưng
bản chất của tứ thơ được xác lập ngay từ đầu là trường giang (sông
dài), cái “sự dài” đã trở thành đường dẫn để bắt đầu, cái “sự dài” tác động
trực tiếp để có hình ảnh gián tiếp mang tính so sánh, định dạng là kiếm.
Do vậy, chữ trường phải hiểu là nhãn tự, có tính quyết định, chi phối,
nó làm ám ảnh thi nhân và làm nảy sinh tứ thơ.
(5) Hương Giang tạp vịnh.
(6) Nguyên văn: Giải đảo đông phong, phú nhất thi: Đè ngược ngọn
gió đông mà ngâm một bài thơ.
(7) Thần Kinh nhị thập cảnh: Hai mươi cảnh đất Thần Kinh.
(8) Hương Giang hiểu phiếm: Buổi sớm du thuyền trên sông Hương
(9) Thuyền lan: có bản chép là thuyền nan.
(10) Như con: có bản chép là hơn con. Bài này không có đầu đề, phần chữ
Nôm do chúng tôi lập vì không có bản gốc.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét