Chiếc áo cưới màu hồng 1
Chương I
Quang cảnh làng Tân Phú đìu hiu vắng vẻ với dân số độ vài chục
người, kể cả người lớn trẻ con. Ban ngày phần nhiều đàn ông đàn bà đi vô rừng
chặt củi, hoặc làm ruộng rẫy trong các hốc núi. Lũ trẻ nít ở nhà với vai con
chó ốm dơ xương nằm dưới bóng một cây mít hay một cây đu đủ, cằn cỗi khó khăn.
Lâu lâu, một đoàn xe bọc sắt của Nhà binh Pháp chĩa súng hai
bên, chay rầm rộ lên đèo, giữa một vùng bụi mịt mù trong nắng gắt. Tiếng chó sủa
hồi lâu vang dậy một khu rừng, rồi đâu đấy lại chìm trong im lặng.
Một buổi chiều, mặt trời gầu lặn, những người đi làm trong
núi đã lần lượt về nhà, lòm khòm, uể oải. Người ta mỉm cười thấy một cặp trai
gái còn ngồi trên tảng đá lớn, nơi đỉnh núi. Cậu con trai đội chiếc mũ nỹ cũ
mèm, áo sơ mi vải xanh vá nhiều tấm, quần, chưn mang đôi dép cao su làm bằng võ
xe hơi. Cô gái bới tóc, đội nón lá rách, mặc áo bà ba trắng, chấp vá nơi vai,
đi chưn không, Bên cạnh cậu, một bó tre lò-o chặt trong núi đem về. Bên chưn
thiếu nữ, một gánh lá lợp nhà. Hai người vừa ở trong núi ra, ngồi kề nhau trên
tảng đá cao, coi chiều âu yếm lắm. Trong làng Tân Phú ai cũng biết đó là Tình
và Phượng, một đôi tình nhơn sắp cưới.
Trần văn Tình, 20 tuổi, là con trai một người phu đồn điền,
trước đã theo cha làm phụ thợ mộc trong một sở Cao-su ở Trảng-Bôm. Từ hồi chiến tranh, gia đình cậu tản cư về ở Tân Phú, nhà ông ngoại. Hiền lành, ít nói, bộ mặt
dễ thương, cốt cách một cậu học trò hơn là một thanh niên lao động. Nhưng một
câu học trò đã lớn, đứng đắn, đàng hoàng, lanh lợi. Vả lại cậu đã thi đỗ bằng
tiểu học, hồi 11 tuổi, học được một năm lớp đệ nhứt rồi phải nghĩ học theo cha
lo kế sanh nhai.
Mỹ Phượng, tên đã đẹp mà người lại càng đẹp, là con gái thứ một
chú Cai Lục lộ đã về hưu. Trước cô đi học trường Đà Lạt, đỗ bằng Tiểu học. Từ
khi người chị đi lấy chồng thợ hồ, Mỹ Phượng thôi học, về nhà giúp mẹ. Bắt đầu
truyện này, Mỹ Phượng đã 19 tuổi. Dáng điệu thướt tha, nhan sắc hồng hào tự
nhiên, Mỹ Phượng đẹp hơn các cô gái ở thành thị nhiều. Đẹp nhất là đôi mắt ngà
của Phượng, với tròng con ngươi xanh lợt như một chấm màu trời. Phượng được mọi
người trong làng thương mến vì tính nết đoan trang, thùy mị. Mẹ cô đã già yếu,
một mình cô đảm đương gần hết mọi việc trong gia đình.
Trước kia, Tình đã quen biết Phượng, nhưng hai người thật đã
thương nhau từ ngày Tình tản cư về đây. Thương nhau vì tính tình hạp nhau, hoàn
cảnh giống nhau. Thương nhau vì Tình có nhiều cử chỉ thành thật, nhiều lời nói
đoan trang, vì Phượng biết thờ mẹ kính cha, một người con gái có hiếu thảo, đủ
dung công ngôn hạnh. Đôi bạn trẻ nghèo nàn chất phác kia đâu có biết tự do lãng
mạn là gì, ái tình mơ mộng là gì, nhưng tình thương yêu quê mùa mộc mạc của họ
không phải là không tha thiết đấm say. Và cũng không phái là không cảm động.
Chiều hôm ấy, hai người từ rừng sâu ra về. Phượng đi trước,
gánh một gánh lá mồng tơi, Tình đi kế sau, vác một bó tre lò-o, dài và nặng. Đến
đỉnh núi ngó xuống xóm nhà Tân phú, Tình thấy Phượng đi cà nhót, liền hỏi:
- Em đau chưn hay sao em?
Mỹ Phượng dịu dàng đáp:
- Dạ, em vừa đạp trúng gai.
Tình bảo Phượng nghỉ một lát, để cậu lể gai cho. Cậu vứt bó
tre lò-o xuống đất, và đỡ gánh lá cho Phượng:
- Em ngồi lên tảng đá đưa chưn tôi coi gai đâm chỗ nào.
Phượng bẽn lẽn làm theo lời Tình, ngồi trên tảng đá, chỉ chỗ
đau dưới bàn chưn, Tình ngồi dưới đất, khẽ nâng bàn chưn mủm mỉm nõn nà của Phượng.
Cậu thấm nước miếng lên đầu ngón tay, chùi sạch chỗ da bị gai đâm, lấy chéo áo
lau khô, rồi mở chiếc ghim băng nơi túi áo của cậu,để khều gai. Phượng hơi mắc
cỡ, nhưng sung sướng cảm động, ngó Tình ngồi bên chưn cô, âu yếm nắm bàn
chưn cô, lể mủi gai xương rồng. Cậu khều nhè nhẹ, vừa khẽ hỏi Phượng:
- Đau không em?
Phượng thỏ thẻ đáp:
- Dạ không đau, anh à.
Tình nắm được đầu gai rút ra, đưa Phượng xem. Phượng mỉm cười:
- Cám ơn anh.
Tình đứng dậy ngồi lên tảng đá, sát cạnh Phượng. Mặt trời đã
biến sau áng mây hồng. Chung quanh rừng núi bao la, trùng trùng điệp điệp. Mấy
túp nhà lá lụp xụp, đìu hiu, có vẻ hoang vu dưới ánh chiều tàn. Đôi trai
gái rừng xanh lặng lẽ ngồi nhìn con đường Sài gòn – Đà lạt quanh co như một giải
lụa dài vô tận. Không một bóng người, Một làn gió thổi mạnh, cuồn cuộn bụi mờ,
hiu hắt tan dần trong tịch mịch.
Tình buồn bã, mân mê cánh áo trắng của Phượng:
- Em ơi, ngày cưới của hai đứa mình còn xa quá, phải không
em?
Phượng khẽ đáp:
- Còn hai tháng nữa, anh à. Nhưng em cũng thấy lâu như hai
năm vậy.
- Tại gia đình chúng ta quá tin theo dị đoan, nhứt định phải đợi đến ngày 28 tháng 5 mới cho làm lễ cưới.
- Chúng mình ráng chờ vậy, chớ biết sao?
- Thời buổi loạn ly. Chắc sum hợp được lâu không, hay ly biệt
ngày nào? Chúng mình lại ở giữa nơi chiến địa. Mấy ông thường qua lại, sợ có
ngày hai bên chạm trán nhau ở đây, khu rừng yên tỉnh sẽ hóa ra bải chiến trường,
rồi biết đâu em với tôi sẽ thất lạc mỗi người mỗi ngã?.. Hoặc sẽ bỏ thân trong
máu lửa hãi hùng? Tôi cứ sợ ngày đêm, em ạ.
Phượng cũng tỏ vẻ băn khoăn lo lắng. Tình nói tiếp:
- Tôi đã bàn với cha tôi, để cho hai đứa mình thành hôn sớm
ngày nào hay ngày ấy. Rồi chúng mình đem nhau đi Đà lạt, hoặc Biên hòa, kiếm việc
làm tạm, để nuôi dưỡng cha mẹ già, cho qua ngay qua tháng. Nhưng cha tôi cứ biểu
ở Tân Phú một thời gian nữa coi, chừng nào thiệt yên ổn cha mới cho đi.
- Cha mẹ em cũng tính như vậy. Nhưng em không dám cãi. Mọi việc,
em đều chờ anh quyết định.
- Dù sao, còn hai tháng nữa, đến 28 tháng 5 làm lễ cưới xong,
tôi cũng đem em đi Đà Iạt đặng kiếm sở mần. Tôi nghe người ta nói ở trên ấy có
nhiều xưởng đã mở cửa làm việc lại, đang cần nhiều thợ. Tôi muốn xin vô làm thợ
máy. Còn em thì ra chợ buôn bán. Một vài tháng, chúng mình kiếm được nhà ở đàng
hoàng, sẽ rước cha mẹ tôi và cha mẹ em lên ở chung với chúng mình, để chúng
mình nuôi dưỡng. Tôi tính như vậy đó, em có đồng ý không?
- Dạ tùy anh. Anh sắp đặt sao, em cũng nghe theo. Anh đi đâu,
em cũng theo anh.
- Hai bữa nay, bà già ho nặng. Sáng sớm mai tôi phải vô Biên
hòa mua thuốc cho bà. Chiều tối, tôi về.
- Anh đi bộ vô Biên hòa, rồi chiều lại đi bộ về, sao kịp?
- Nếu không kịp, thì tối mai tôi ở lại nhà Dì Năm.Sáng mốt
tôi về vậy. Sẵn chuyến đi này, tôi mua luôn ít thước hàng may áo dài cho em, để
đến ngày cưới em mặc. Em ưa hàng màu gì?
- Anh đừng mua nữa, Em đã có áo hàng màu xanh rồi.
- Áo em mặc hôm Tết đó, phải không?
- Dạ.
- Áo ấy đã cũ, em mặc thấy cụt ngẳng, và chật ních Tôi muốn
may tặng em chiếc áo cưới mới màu hồng. Em thích màu hồng không?
- Anh thương em, cho em áo gì em cũng mặc
- Áo cưới màu hồng chắc coi đẹp lắm, em nhĩ?
- Dạ, anh thấy đẹp, em cũng thấy đẹp vậy.
Tình nắm bàn tay Phượng, nõn nà, năm ngón tay búp măng. Cậu
âu yếm ngó Phượng:
- Em Mỹ Phượng à, tôi thương em quá. Em đã xinh đẹp mà lại hiền
lành nữa.
- Anh thương em, anh khen em chở em đâu có đẹp gì?
Phượng lại hỏi:
- Chừng nào anh đi Biên hòa?
- Gà gáy dầu, anh dậy đi liền đẽ kịp trưa đến tỉnh.
- Thôi, chúng mình về để anh nghỉ sớm, sáng anh đi sớm.
Mặt trời đã lặn từ lâu. Tình đặt gánh lá mồng tơi lên vai Phượng.
Cậu tự xốc bó tre lò-o lên vai cậu rồi đôi trai gái lam lủ mộc mạc của rừng
xanh cùng nhau xuống núi
Gà vừa gáy sáng. Phượng thức dậy, lật đật mở cửa bếp ra
sân sau, súc miệng, rửa mặt, rồi đi vòng sân trước, ra đường cái lớn. Sương mù
bao phủ cả núi rừng, dày đặc, không trông thấy gì. Phượng lạnh run, đút hai tay
vào túi áo, bước lẹ theo lề đường đến trước cổng nhà Tình, cách hai trăm thước.
Ngó vô nhà thấy ánh đèn và nghe tiếng Tình sửa soạn, tiếng ông già cậu căn dặn:
- Thời buổi giặc giã, con đi tỉnh lo mua đồ về mau, đừng đi
chơi lang thang lỡ bị bố ráp, nghe con?
Tiếng Tình đáp:
- Dạ, chiều nay con về.
Phượng đứng Iấp ló ngoài đường, chờ Tình. Tình vừa ra, tay xách
một gói nhỏ. Trông thấy bóng Phượng, Tình lật đật đến gần:
- Em! Trời lạnh quá, em dậy sớm làm gì?
- Em tiễn anh đi.
Tình nắm tay Phượng. Hai người lặng lẽ nhìn nhau rất âu yếm.
Tình khẽ bảo:
- Em về kẻo lạnh.
- Em định nói với anh đừng đi Biên hòa bữa nay. Hôm khác anh
đi có được không?
- Sao vậy, em?
- Đêm nay em cứ thấy bồn chồn trong dạ, Em lo sợ có chuyện gì
không hay sẽ xảy ra cho anh...
- Anh phải đi mua thuốc ho cho mẹ. Và mua chiếc áo cưới màu hồng
cho em.
Phượng rưng rưng nước mắt. Tình ôm Phượng vào lòng, hôn hai
má ửng hồng của vị hôn thê tuyệt đẹp, rồi khẽ bảo:
- Em đừng lo buồn, nghe em. Chiều nay anh về.
Tình nắm chặt hai tay Phượng một lần chót, để từ giã.
Mỹ Phượng ngó theo người yêu biến trong sương mù. Sương mù
dày đặc phảng phất một màu trắng lợt như tấm vải tang mênh mông bao phủ cả núi
rừng...
Chiều tối hôm ấy, Phượng hồi hộp đợi chờ. Từ lúc mặt trời lặn,
đến hết canh một, qua canh hai. Phượng ngóng trông, chưa thấy bóng Tình về. Cả
đêm cho đến gà gáy sáng, Phượng thao thức, trằn trọc trên giường tre, hình ảnh
của Tình chập chờn lúc mê lúc tỉnh.
Ba hôm sau, Tình vẫn chưa về. Hai bên cha mẹ đều nóng lòng lo
sợ. Phượng không ăn. không ngũ. Cô xin phép cha mẹ cô đi Biên hòa để hỏi tin tức.
Cô sửa soạn đi thì Tấn, người con trai của bà Dì ở tỉnh, vừa lên theo một chuyến
xe hàng buổi tối. Tấn trao Phượng năm hộp thuốc ho. một xấp hàng màu hồng, và
thuật chuyện:
- Đêm hôm kia, anh Tình đi chơi phố với em. Hai anh em đứng
trước cửa rạp hát giữa đám đông người đang nghe âm nhạc cải cách, bỗng có hai
trái lựu đạn nổ trong tiệm cà phê kế cận. Ba người lính Tây chết. Bốn người
lính Ma rốc bị thương nặng. Đám đông người trước cửa rạp hát và khách hàng
trong tiệm xô nhau chạy tán loạn. Ngay lúc ấy, một tốp lính Pháp và ‘‘thân
binh’’ bao vây các nẻo đường, bố ráp dân chúng. Hơn một trăm người bị bắt,
trong số có anh Tình. Thật là xui cho anh, vì em vừa nghe lựu đan nổ là em lanh
chưn chạy liền, kéo anh chạy theo em, không dè trong lúc mọi người xô nhau chạy,
không biết anh lính quýnh cách nào bị té rồi bị kẹt lại sau, bị lính bắt. Về
nhà em không thấy anh, đợi mãi suốt đêm không thấy anh về. Sáng hôm sau, em dò
hỏi biết ảnh bị giam trong trại lính Ma rốc với đám người bị bắt, nhưng không
làm sao hỏi thăm ảnh được. Đợi hai ngày không thấy ảnh ra, má em mới biểu em
đen tin gấp cho Dì Dượng và chị Ba biết. Ông già của Phượng hỏi:
- Bữa nó xuống BiênHòa, mấy giờ thì tới nơi? Rồi sao chiều
nó không về?
- Dạ, thưa Dượng, ảnh xuống đến nhà con thì vào khoảng 2 giờ
chiều. Ảnh kêu đau chưn vì đi đường xa. Ảnh nghĩ ngơi một lúc rồi bốn giờ rủ
con đi ra phố mua thuốc ho và lựa hàng đẹp mua một áo dài. Ảnh nhất định mua
hàng màu hồng để may áo cưới cho chị Ba. Sáu giờ ảnh với con về nhà, cơm xong
con rủ ảnh đi chơi... sẵn đi ngang qua rạp hát, tụi con đứng lại nghe Âm nhạc
được một lát thì Iựu đạn nổ...
Phượng cầm trong tay gói hàng màu hồng, bần thần, đau đớn. Cô
biết nói sao bây giờ?
Tấn an ủi:
- Thôi chị đừng buồn, chị Ba à. Anh vô tội, chắc thế nào cũng
được tha.
- Tôi buồn khổ cho tôi thì ít, nhưng lo sợ cho anh Tình nhiều
hơn. Không biết chừng nào anh được tha?
- Thế nào người ta cũng tra xét ra ai là người ném lựu đạn.
Anh Tình không có ném thì họ tha ra, chớ giam ảnh làm gì? Em chắc ít ngày nữa ảnh
về.
- 28 tháng 5 sắp tới đây là ngày cưới của chúng tôi. Còn hai
tháng nữa không biết ảnh sẽ về kịp hay không?
Mỹ Phượng ôm ấp gói hàng màu hồng vào ngực, nằm khóc sướt mướt
thâu đêm.
Chương II
Chiếc ce Traction 15 c.v từ Sài gòn lên đến đây hồi 3 giờ chiều,
bị chết máy. Người chủ xe lui cui sửa chữa mãi, nó vẫn chưa chạy được. Gần tối,
sẵn có hai người dân làng từ trong núi đi ra, chủ xe nhờ họ đẫy hộ xe xuống dốc
để lấy trớn. Nhưng đến nửa dốc, xe vẫn không rồ máy, chủ nó đành phải ngừng trước
một lúp nhà lá bên lề đường.
Chủ nhà, một người đàn ông mộc mạc, đã già, hé cửa ra xem.
Khách lạ xuống xe bước vào chào hỏi.
- Xe tôi lỡ bị hỏng máy. Ông làm ơn cho tôi nghỉ nhờ đây đêm
nay, có được không, thưa ông?
Chủ nhà, chính là chú Cai lục lộ, trông thấy khách có vẻ người
sang trọng, lễ phép đáp:
- Dạ cũng được.
Chủ hỏi tiếp:
- Ông đi Đà lạt?
- Dạ phải. Tôi ở Sài gòn ra đi từ hồi 7 giờ sáng đáng lẽ chiều
nay tới Đà lạt rồi. Không dè xe bết quá. Từ Sàigòn đến Biên hòa êm xui không
sao. Từ Biên hòa lên đây bị hỏng máy ba lần. Tôi cố sửa chữa đặng lên tạm đến
Blao, có người bà con. Nhưng tới đây nó lại chết máy nữa! Thôi đành chịu vậy!
Sáng mai tôi phải đón xe đò lên Đà lạt, mướn tài xế quen xuống đây sửa xe đem về
Sài gòn... Thành ra phải nhờ ông cho trọ tạm đêm nay.
- Dạ, rủi ro xe bị panh, thì mời ông ở đây nghỉ. Đường cái
bây giờ thiệt xấu, xe cộ đi mau hư lốp lắm.
- Chiếc xe của tôi đã cũ. Ông cử xem cải bảng C.G.839 kia thì
biết! Nhưng ở Sàigòn chạy vẫn tốt. Mấy lần trước tôi đi Đà lạt cùng không hề
gì. Lần nầy sao xui xẻo quá...
Chủ xe lấy hành lý đem vào nhà, một gói bánh mì lạp xưởng và
hai chai bia. Ông bầy các thức ăn lên bàn, mời chủ nhà dùng bữa tối với ông cho
vui. Ông Cai Lục lộ đã ăn cơm xong với gia quyến, nhưng ông nể lời ngồi uống một
ly rượu bia với khách, ông hỏi:
- Ông thường đi Đà lạt sao?
- Trước kia vài tháng tôi đi một lần. Vì tôi có nhà ở trên ấy.
Từ hồi chiến tranh thỉnh thoảng tôi mới lên thăm nhà.
- Xin lỗi ông, ông làm việc ở Sàigòn?
- Tôi làm giáo sư. Những ngày lễ, tôi lên Đà lạt nghỉ, bệt thự
của tôi trên ấy, tôi giao cho vợ chồng một đứa cháu coi ngó và săn sóc vườn tược.
Vừa rồi tôi được thư thằng cháu gửi về, nói vợ chồng nó đau ốm luôn không chịu
được khí hậu lạnh và xin về Sàigòn dưỡng bịnh. Vì vậy tôi phải lên coi, sắp đặt
kiếm người thay thế. Ông có quen ai, giới thiệu giùm tôi? Biệt thự của tôi ở đường
Prenn, có vườn rộng trồng rau và các giống cây có trái. Tôi giao vườn cho người
ta làm. Tôi giúp vốn cho để mua phân, rồi người ta thu lấy huê lợi làm kế sinh
nhai. Hoa quả ở vườn, tôi cũng cho bán lấy tiền, chớ tôi không lấy. Ngoài ra, mỗi
tháng tôi trả thêm một số lương 500$. Tôi có một căn nhà để riêng cho gác dan,
bằng gỗ, lợp tôn, rộng rãi, mát mẻ, đủ ở được một gia đình năm, sáu người. Tôi
giao toàn quyền trồng tỉa trong vườn tôi, miễn coi ngó giùm nhà cửa của tôi chu
đáo là được. Dạo này đồng bào tản cư bắt đầu trở về khá đông, nhiều kẻ gian phi
thừa cơ cướp bóc các nhà còn bỏ hoang, Cho nên tôi cần có một người quản gia
đáng tin cậy để giữ nhà.
- Thưa ông, còn gia đình ông, ở Sàigòn?
- Tôi không có gia đình, ở Sàigòn tôi cũng ở một mình tôi.
Thấy ông khách không có gia đình, chú cai Lục lộ ngạc nhiên,
tò mò hỏi:
- Thưa ông, vậy chứ bà nhà ở đâu?
- Vợ tôi chết đã bốn năm nay. Tôi lấy vợ hồi 21 tuổi. 25 tuổi
thì nhà tôi mất. Chúng tôi không có con. Còn ông? Ông ở đây làm khá không? Có
ruộng đất gì không?
- Dạ thưa ông, tôi cũng mới về ở đây bốn năm năm nay thôi.
Trước tôi làm cai Lục lộ ở Biên Hòa. Sau mua được miếng đất rừng nầy định về lập
nghiệp, sẵn có người bà con nhường lại cho một thủa ruộng trong núi. Nhưng mấy
năm nay mất mùa luôn, không đủ nuôi sống gia đình ông à. Chúng tôi phải đi cưa
gỗ thuê trong rừng cho các nhà buôn gỗ ở Biên hòa. Ngoài ra, hoa lợi ở đây chẳng
có gì. Từ hồi loạn lạc đến nay, công việc làm ăn lại càng khó khăn nguy hiểm
hơn. Núi rừng không yên ổn như trước...
Do câu chuyện ngẫu nhiên nầy, ông Giáo thoáng nghĩ rằng hoàn
cảnh chú cai như thế thì chú có thể làm quản gia cho biệt thự của ông ở Đà lạt
được. Nhưng ông không hỏi vội vì chưa hiểu rõ người ta như thế nào. Mặc dầu vậy,
ông Giáo mới biết sơ chú Cai mà ông cũng đã thấy chú là người thật thà, chất
phác, có thể tin cậy được. Bà Cai thì quê mùa, khúm núm bưng bình trà lên để
trên bàn mời khách rất lễ phép, rồi xuống bếp liền.
Đêm ấy, vợ chồng chú Cai có nhã ý quét dọn chiếc giường gỗ độc
nhất trong nhà trải chiếc chiếu bông, mời ông khách nghỉ. Gia đình chú nằm võng
và giường tre dưới chái bếp cách nhà trên một căn buồng con đựng gạo, muối, và
treo áo quần. Một bức màn cũ đã rách nát ngăn cách nhà trên.
Sáng thật sớm, trời còn đặc sương mù, ông Giáo đã thức dậy
khoác áo ấm ra sân lui cui sửa xe nữa. Ông vặn mấy khu ốc, tháo bình xăng ra,
thổi ba bốn hơi. Ông lắp trở vào, bơm xăng lên, rồi vô xe ngồi, kéo démarreur,
đạp ga, không nổ. Bình tĩnh, ông lấy ma ni ven quây thật mạnh hàng chục lần,
máy vẫn không rồ. Ông rút ma ni ven bỏ xuống đất, lại khom lưng vào đầu máy, mở
hết bốn bu gi ra, thay vào bốn cái mới. Ông lại đút ma ni ven vào quây, máy
cũng cứ không rồ. Hai bàn tay ông dính đầy dầu nhớt. Ông ngó đồng hồ đeo
tay, đã 7 giờ. Mặt trời vừa lú lên như một hoa phượng đỏ tươi mới nở. Sương đã
tan. Một làn nắng dịu tỏa ánh vàng a-1m áp trên núi rừng, cây cỏ.
Chú Cai mời ông Giáo vô nhà dùng cà phê. Ông Giáo cất ma ni
ven trong xe và lượm hết các khí cụ dùng sửa chữa bỏ vào hộp sắt, cất vào
cốp xe. Xong, ông đi vòng ra sau bếp để rửa tay. Ông chợt thấy thoáng bóng một
thiếu nữ xách ấm nước sôi từ bếp vội bước lên nhà trên. Ông không để ý và
không nhìn kỹ. Rửa tay xong, ông lại thấy thiếu nữ từ trên nhà trở xuống bếp với
ấm nước. Lần nầy ông giáo bị xúc động lạ thường. Ông vừa trông thấy hình
dung một cô gái nghèo, chưn không mang guốc, đầu tóc biếng cài, nhưng khuôn mặt
trái xoan tuyệt đẹp. Trông cô ngây thơ, hiền lành quá. Ông khẽ nghiêng đầu, lễ
phép:
- Chào cô.
Cô gái bẽn lẽn:
- Dạ, chào ông.
Tiếng nói của cô trong suốt như pha lê. Cặp mắt của cô rung động
dịu dàng như một mành tơ liễu.
Nhưng cô lánh mặt, ngồi xuống bếp chụm thêm củi.
Ông giáo cảm thấy trong giây phút tâm hồn ông hoàn toàn bị
xao xuyến.
Ông 29 tuổi. Từ khi bà giáo thất lộc đến nay đã bốn năm, ông
nhất định ở vậy, chưa muốn cưới vợ khác. Ông quen biết bao nhiêu thiếu nữ xinh
đẹp và tình tứ, ở Sàigòn, Đà lạt, nhưng ông thuộc vào hạng đàn ông khó tính,
giao thiệp nhiều với phụ nữ nhưng rất dè dặt trong vấn đề tình ái. Người vợ đầu
tiên của ông là một cô nữ sinh do ông cụ thân sinh của ông buộc ông phải cưới
chạy tang hai ngày trước khi ông Cụ mất. Cưới về được một năm bà giáo đau nặng
rồi qua đời, không có con để ông góa bụa mới 25 tuổi.
Ông giáo nói thật với bạn bè rằng ông chưa gặp được một người
đàn bà nào vừa ý ông. Chưa một người nào, dù đẹp thế mấy đi nữa, cảm hóa được
ông. Ông thường nói: ‘‘Sao tôi thấy cô nào cũng như cô nào. Như một bóng trắng
bay thoáng qua trước mắt tôi. Như một làn gió nhẹ. Thổi phớt qua tâm hồn tôi.
Chưa có một tiếng sét đánh mạnh vào tim tôi!’’ Một bà triệu phú quen biết ông ở
Sàigòn cô có con gái 19 tuổi học với ông. Một hôm, bà hỏi giỡn ông:
- Sao ông giáo không chịu lấy vợ?
Ông giáo sư Triết học tủm tỉm cười, đáp:
- Bởi vì, thưa Bà, tôi đã gặp nhiều người đàn bà quá mà y như
tôi chưa được gặp một người đàn bà nào!
- Ông khó tính như thế vậy?
- Nhưng tôi tin rằng trên đường đời của tôi không sớm thì muộn
cũng sẽ hiện ra một vị Nữ thần.Vị Nữ thần ấy sẽ là vợ tôi, chắc chắn.
- Chà! Vị Nữ thần của ông chắc là đẹp lộng lẫy đó hả! Chắc
nàng còn ở trong một động tiên nào đó, đầy vàng ngọc châu báuphải hôn, ông
giáo? Ông giáo sư văn chương và triết học, hèn chi mơ mộng quá xá!
Suốt trong thời gian 4 năm ở góa, ông giáo sư văn chương và
triết học ngồi điềm nhiên trên nguyên tắc ‘‘kénvợ’’. Cánh cửa của cõi tim ông
khép kín, không có một bóng hồng nào thướt tha lọt vào được.
Ông giáo kén vợ là phải. Vì ở địa vị của ông, sang trọng và
giàu có, ông muốn cưới vợ nào lại không được, cưới lúc nào lại không được, cần
chi phải hấp tấp vội vàng? Đã bị góa vợ một lần rồi, lần nầy ông thận trọng, nhất
định không để cho tình cảm bồng bột nhứt thời quyến rủ được ông.
Bỗng dưng sáng sớm hôm nay, vừa thấy thoáng bóng một thiếu nữ
nghèo nàn trong một chái bếp ở rừng hoang núi thẳm, ông giáo sư triết học đã cảm
thấy trong giây phút tiêu tan hết cả những ý nghĩ cứng rắn của ông. Cô gái quê
mùa kia có điện lực gì thu hút được tâm hồn ông đột ngột và mãnh liệt như thế?
Trên con đường đi Đà lạt, cao chót vót như đường về nơi Tiên cảnh, vị Nữ thần của
Ái tình đã hiện ra trước mắt ông dưới mái nhà lụp xụp kia chăng?
Ngồi uống cà phê với chú Cai lục lộ, ông giáo trầm ngâm một
lúc thật lâu. Rồi ông khẽ hỏi chú, với vẻ mặt hơi thẹn thùng, ngượng nghịu:
- Người thiếu nữ vừa xách ấm nước lên đó là ai, ông chủ nhỉ?
- Dạ, con gái của tôi.
- Cô ấy mấy tuổi, thưa ông?
- Dạ cháu năm nay 19 tuổi.
- Tên cô là gì?
- Dạ tên cháu là Mỹ Phượng.
Ông giáo làm thinh, uống cạn tách cà phê không còn một chút cặn.
Một lúc lâu, thật lâu, ông mới hỏi sang chuyện khác:
- Mấy giờ có xe đò qua đây, ông chủ?
- Dạ, thưa ông, xe đò thì dạo này không có. Chỉ có xe
hàng, nhưng họ chạy không chừng đổi gì hết. Hai ba ngày mới có một chuyến, có
khi họ chạy đêm.
- Bất cứ lúc nào, hễ có xe là tôi xin đi quá giang lên Đà lạt
được chớ?
- Dạ, được. Lượt xuống cũng vậy, phải đi quá giang xe chở
rau.
Chú Cai uống một hụm trà, rồi lễ phép hỏi tiếp:
- Thưa ông, khi hôm ông nói ông muốn kiếm một người gác dan để
coi nhà cho ông ở Đà lạt, có phải không à?
- Phải. Nếu ông Cai quen biết ai, chỉ giùm tôi. Tôi rất cảm
ơn. Hồi trước chiến tranh tôi có người quản gia giỏi lắm. Tôi rất tin cậy. Vì
vườn của tôi khá rộng, anh ta trồng rau đến mùa bán được bạc ngàn. Tôi cho hết,
không lấy đồng nào. Anh la lại nuôi gà, vịt, heo, hoa lợi cũng không ít. Tôi
còn giúp cho vợ anh buôn bán ngoài chợ. Kế đến thời kỳ tản cư, anh ta chay xuống
đến Phan Rang rồi biệt tin luôn cho đến nay. Có mấy người cùng chạy giặc với
anh một lượt, vừa rồi đã trở về Đà lạt, cho tôi biết rằng anh gác dan của
tôi đã chết ở Nha trang lúc Pháp đổ bộ. Tôi rất tiếc Anh đi tản cư mà không kịp
thì giờ cho tôi hay, nên biệt thự của tôi bỏ hoang gần một năm trời, không ai
coi ngó tới. Nhưng cũng may, khi tôi có dịp lên Đà lạt, thấy cửa ngỏ còn khóa y
nguyên, đồ đạc trong nhà không mất mát gì. Tôi lên ở sáu tháng trong lúc Đà lạt
hãy còn vắng lắm. Đồng bào phần đông đi tản cư chưa về. Sau tôi nhận được giấy
gọi về Sàigòn dạy học, tôi mới cho hai vợ chồng đứa cháu tôi lên ở coi nhà.
Nhưng bây giờ chúng nó lại nhứt định xin về. Khí hậu Đà lạt lạnh quá chúng nó
không chịu nổi. Vì vậy mà tôi phải vội vàng trở lên để kiếm người thay thế cho
nó. Ở Đà lạt hiện giờ tôi cũng có quen nhiều người làm vườn chuyên môn, có lẽ
tôi có thể nhờ cậy họ được. Nhưng nếu ông Cai muốn lên ở coi nhà giùm tôi và
làm quản gia cho tôi, thì được lắm. Tôi rất cám ơn. Sẵn dịp tôi đi Đà lạt chuyến
nầy, mời ông cùng đi với tôi để xem rõ tình thế.
- Dạ. Không nói giấu gì ông giáo, khi hôm tôi có bàn với vợ
tôi, vợ tôi cũng muốn sẵn cơ hội nầy, để tôi đi Đà lạt xem có thể làm công việc
cai quản nhà cửa vườn tược của ông giáo được không.
- Thế thì tiện lắm, vậy ông Cai sửa sọan đi. Có xe là chúng
ta đi ngay.
- Dạ.
Cả buổi sáng hôm ấy cho mãi đến trưa chiều, chẳng có chiếc xe
nào. Ông giáo muốn đi dạo chơi trong rừng,lại sợ lỡ có xe đến thình lình.
Không biết làm gì hơn là mở đầu máy xe của ông ra, lui cui sửa
chữa nữa... sửa mãi mà xe cứ không rồ. Ông cũng không còn thấy bóng người thiếu
nữ đẹp lạ lùng kia nữa. Trưa, chú Cai lục lộ đãi ông giáo một bữa cơm gà, chỉ
có thím Cai dọn cơm lên. Lúc pha trà, cũng thím Cai xách ấm nước sôi lên... Ông
giáo điềm tỉnh như không để ý đến sự vắng bóng đột nhiên của thiếu nữ.
Nhưng ông bồn chồn trong dạ, cơm nước xong ông đứng dậy, vừa
lúc một làn gió thổi phất phơ ở bức màn rách, ông chợt thấy bóng cô Mỹ Phượng
đang ngồi chụm lửa nơi xó bếp.
Làn gió như dậy men, thổi vào lòng ông, nửa say nửa tỉnh...
Chiều gần 4 giờ, mới có một chiếc xe cam nhông, hiệu
‘‘Long-Vân’’ chở hàng hóa từ Sàigòn lên. Ông giáo và chú Cai vội vàng chạy ra
đường đón xe. Xe từ từ ngừng, chủ xe hỏi:
- Gì đó các ông?
- Ông cho chúng tôi đi nhờ xe lên Đà lạt được không?
- Xin lỗi, xe đầy ẹc hàng hóa, không có chỗ.
- Ông làm phước cho chúng tôi quá giang vì có việc gấp phải
đi Đà lạt. Ông nhét cho chúng tôi chỗ nào cũng được. Chúng tôi trả tiền lộ phí bao
nhiêu cũng được mà!
- Ba trăm đồng một người, nhưng quý ông chịu phiền nằm tạm dưới
mui xe.
- Được!
Chủ xe gọi anh ét ngồi phía sau:
- Sáu ơi, mầy coi còn chỗ nào chỉ cho mấy ổng ngồi đỡ lên Đà
lạt, mầy!
Anh ét cằn nhằn biếu hai ông nằm trên bao bố trải trên mấy
thùng đựng nước mắm. Hai ông bằng lòng, leo lên. Xe chạy. Hai người nằm bẹp sát
dưới mui xe, thò hai cái đầu ra bị nước mắm dưới thùng tạt lên mặt. Bà Cai đứng
trước cửa ngó lên, cười giòn dã. Ông giáo lại thấy lấp ló sau lưng bà, gương mặt
trái xoan, rực rỡ của cô Mỹ Phượng.Xe lên đèo, nặng nề, rầm rộ. Ông Giáo sư triết học thọc tay
vào túi quần moi ra chiếc khăn lau mấy giọt nước mắm văng đầy lên trên mặt và
trên tóc ông. Ông khẽ hỏi chú Cai:
- Cô Phượng đã có chồng chưa, thưa ông?
Chú Cai đang thoa dầu nhị thiên đường vào hai lỗ mũi. Mùi dầu
nồng lên khó chịu. Chú vừa hít ha, vừa trả lời cụt ngủn:
- Dạ..., chưa.
Từ đó lên đến Đà lạt, ông Giáo lặng thinh, không nói thêm một
lời. Nhưng ông hút hết một gói thuốc bao xanh vừa mới mở.
Chương III
CÔ Phượng thật không ngờ vì chiếc xe hơi hỏng máy của một người
khách lạ qua đường một buổi chiều hè, mà đời sống của gia đình cô và của cô bắt
đầu thay đổi hẳn.
Cô chứng kiến những ngày tháng trôi qua, rực rỡ ánh hồng
tươi đẹp mà cũng chứa đầy huyền bí mịt mờ.
Cha mẹ cô và cô đã dọn lên ở Đà lạt, làm quản gia coi nhà cho
ông Giáo. Công việc kể ra cũng hơi vất vả, nhưng sinh hoạt có phần dễ chịu, đầy
đủ hơn trước nhiều, ông Giáo trợ cấp một số tiền hàng tháng. Ngoài ra, bao
nhiêu hoa lợi trong vườn, rau, trái, bông hoa, gà, vịt, đã tạo cho gia đình ông
Cai một sản nghiệp nho nhỏ nhưng dồi dào phong phú hơn xưa. Ngày hai buổi, cô
Phượng giúp cha tưới rau, đổ phân, làm công việc ngoài vườn, và còn lo cơm nước,
vá may, dọn dẹp nhà cửa. Tuy bận rộn suốt ngày, nhưng Phượng thấy công việc
ngày một phát triển, nên cô ham thích lắm. Cô còn có thì giờ thêu, đan, và đọc
sách, bỏ lại những ngày túng thiếu thuở xưa mà cô không sao thỏa mãn được lòng
ham muốn mở mang khả năng và trí óc của cô, một thiếu nữ tài hoa chỉ phải
cái tội sanh trưởng trong gia đình nghèo khó.
Lên ở Đà lạt, chú Cai đã bán sở ruộng núi và nhà cửa ở Tân
phú. Cô Phượng cũng không thích trở về khu rừng hẻo lánh từ ngày nhà binh Pháp
mở cuộc bố ráp khủng khiếp và đốt cháy nhà cửa trong làng. Cô không sao quên đuợc
đêm hãi hùng mà cha cô và cô xuýt bị bắt đi. Đêm ấy, một chiếc xe hàng từ
Sàigòn lên có ngưng lại nửa tiếng đồng hồ để bỏ xuống nơi căn nhà ở đầu làng một
bao muối và hai bao gạo. Chắc là có người mách với nhà binh Pháp sao đó nên hai
ngày sau một đoàn xe thiết giáp đến nơi bao vây cả làng Tân phú. Lính xét từng
nhà, lục soát từng người, và đánh đập tàn nhẫn những đồng bào lương thiện. Cha
cô Phượng và cô cũng bị tra tấn gần một tiếng đồng hồ, may được thả ra với mấy
người khác. Nhưng bảy người bị bắt giải về Biên hòa, bị tình nghi là tiếp tế
cho Bưng biền. Ba căn nhà bị đốt.
Tai nạn bất ngờ nầy đã xui khiến chú Cai Lục lộ và gia đình
nhứt định từ giã đất Tân phú. Trước khi ra đi, Cô Phượng có khẩn khoản với mấy
người hàng xóm còn ở lại, nếu khi nào cậu Tình được tìm về, nhờ nói giùm với cậu
lên ngay Đà lạt, tìm cô tại nhà ông Giáo sư ở đường Prenn. Cô tin chắc chắn rằng
thế nào Tình cũng sẽ trở về, và cô mơ tưởng sẽ cùng người yêu gặp nhau và làm lễ
cưới ở Đà lạt, tại Biệt thự của ông Giáo.
Bỏ Tân Phú lên ở Đà Lạt, gia đình chú Cai được thỏa mãn với
hoàn cảnh mới. Ông Giáo đối đãi tử tế vô cùng họ không ngờ dịp may đã bỗng
dưng đưa đến cho họ một đời sống đầy đủ, mà trước kia họ không bao giờ nghĩ đến.
Cô Phượng không thể dững dưng với cuộc thay đổi khả quan, nhiều
hy vọng ấy. Cô cũng không thể mãi mãi thờ ơ trước cảm tình nồng nàn chân thật của
ông Giáo đối cô. Cử chỉ rất lịch sự đàng hoàng của ông trong nhiều trường hợp,
những lời thân mật và đúng đắn ông nói với cô, đã gieo trong lòng cô một cảm mến
âm thầm sâu sắc.
Ông Giáo ở Sàigòn thỉnh thoảng mới về Đà lạt. Mỗi lần
ông về, thường có nhiều cơ hội tự nhiên hai người gặp nhau, trao đổi với nhau
những câu chuyện về quốc gia xã hội, nhơn tình thế cố, và hai người đã hiểu
nhau nhiều, rất tâm đầu ý hợp. Những cuộc giao thiệp hiếm hoi và tao nhã ấy đã
để cho Phượng những ý nghĩ tốt đẹp về tư cách và tính tình của ông Giáo. Gần
ông, cô được học hỏi thêm nhiều, rất mở mang cho trí óc ham hiểu biết của cô.
Tuy nhiên, đã hai lần ông Giáo thành thật ngỏ ý muốn kết bạn
trăm năm với cô, hai lần cô đều từ chối, ông Giáo hơi ngạc nhiên. Cô không nói
vì lý do gì. Cô không hề cho ông Giáo biết là cô đang chờ đợi người yêu đã cùng
cô gắn bó lời thề giữa núi rừng Tân phú. Cô nhận xét ông Giáo là ân nhân của cô
và của gia đình cô, là người có tư cách cao thượng, tính tình phong nhã, lại
nhơn đức, hiền từ, phước hậu. Cô cũng thấy ông Giáo rất thuơng cô, ân cần săn
sóc đến cô, và muốn dắt dần cô lên một địa vị cao sang. Ông Giáo lại là một người
rất bình dâu, khiêm tốn: cô Phượng ghét những kẻ trưởng giả phách lối bao nhiêu
thì cô khâm phục và quý mến ông Giáo bấy nhiêu.
Nhưng, hai lần cô từ chối tình yêu của ông Giáo và lời câu
hôn tha thiết của ông, là vì cô Phượng quyết giữ mối chung tình với người
yêu mộc mạc của Rừng Xanh. Cô buồn bã nhớ thương người tình nhân nghèo khổ đã
nói với cô trên đỉnh nủi, lúc chiều tà: ‘‘Tôi muốn tặng em chiếc áo
cưới màu hồng’’... Xinh đẹp xiết bao, chiếc áo cưới màu hồng của Tình tặng
cho! Phượng đã đem xấp hàng ra tự cắt lấy, tự may lấy, và đã mặc thử;
thật là vừa vặn, hồng hào, rực rỡ! Chiếc áo cưới sít sao ôm chặt lấy
tấm thân thướt tha duyên dáng của cô, cô vuốt ve nó, mơn trớn nó, đê mê, sung
sướng, như tình yêu của chàng ôm chặt lấy tim cô!
Phượng cất chiếc áo cưới trong rương, chờ ngày Tình về cưới
Phượng.
Đã có lần mẹ cô hỏi thật ý cô đối với ông Giáo như thế nào.
Cô đáp:
- Ông giáo rất tử tế với con. Con biết ổng thương con nhiều lắm,
và thật tình ông không có ý lợi dụng hoàn cảnh của nhà mình. Hai lần ông thành
thật ngỏ lời muốn kết hôn với con, hai lần con từ chối, thì con thấy ổng rất buồn.
Có lẽ ổng âm thầm đau khổ lắm. Thấy một người có địa vị sang trọng như ông mà
quyến luyến đến thân con một cách tha thiết quá như vậy, con thật tình cảm động.
Nhưng con không sao quên được lời thề nguyện gắn bó với vị hôn phu của con, Con
đã trao duyên gởi phận cho anh Tình, cha mẹ đã nhận trầu cau của ảnh, thì con
không thể nào bội ước được. Tuy chúng con chưa làm lễ cưới, chiếc áo màu hồng của
ảnh cho tuy con chưa mặc, nhưng chừng nào áo ấy rách mà anh chưa về thì họa may
con mới lấy người chồng khác.
Bà Cai buồn bã hỏi cô con gái:
- Chiếc áo hồng không bao giờ con mặc, thì làm sao nó rách được?
- Dạ, thưa Mẹ, nó còn nguyên vẹn mãi, thì tình yêu của con với
anh Tình cũng còn nguyên vẹn mãi.
Than ôi! Phượng quá yêu Tình nên Phượng nói thế thôi, chứ từ
ngày Tình đi Biên hòa bị bắt, đã hai năm qua, Phượng đêm ngày ngóng trông mà biệt
tăm biệt tích. Hai năm, đã hai lần, đến ngày 28 tháng 5 là ngày hai bên cha mẹ
đã định làm lễ cưới cho đôi bạn trẻ, Tình vẫn chưa về. Hai năm, hai lần, ngày ấy
Phượng đóng kín cửa buồng, nằm khóc một mình, bỏ ăn bỏ ngủ. Phượng buồn tủi vì
ngày này đáng lẽ là ngày tưng bừng đẹp đẽ nhất trong đời cô, mà lại hóa ra một
ngày u ám ảm đạm nhất! 28 tháng 5! Bao nhiêu huyền mơ diễm lệ chỉ
là mộng ảo phù hư chăng? Bao nhiêu hy vọng thắm tươi chưa chi đã tàu tạ như lá
úa rồi chăng?
Phượng mở rương lấy ra chiếc áo cưới, ôm ấp vào lòng, gục xuống
giường thổn thức:
- Anh Tình ơi! Anh Tình của em! Chiếc áo cưới màu hồng
này, đến bao giờ em mới được mặc, hỡi anh?...
Nặng lòng thương nhớ người yêu xa vắng, cô Phượng bỏ ăn, ngày
đêm hao mòn thân thể. Cô ốm nặng, Cha mẹ cô hết sức lo lắng, không biết thuốc
thang gì cho cô uống khỏi. Gia đình chỉ có ba người, cha mẹ cô già yếu, một
mình cô là gái đảm đương mọi việc. Nay cô đau, nằm liệt giường liệt chiếu, lấy
ai săn sóc cho cô mau mạnh? Lấy ai đi chợ, bán rau? Lấy ai làm lụng việc nhà?
Cô cũng tự biết hoàn cảnh nhà cô như thế, nhưng làm sao được? Phượng
cố gắng gượng làm việc chút ít, đỡ đần cha mẹ. Nhưng vừa bớt cô đã ra giếng giặt
đồ, liền bị đau lại lần nầy thật nặng.
Nhàn dịp ngày lễ, ông Giáo ở Sàigòn về Đà lạt thăm
nhà. Thấy cô Phượng thân hình ốm yếu và bịnh tình thêm trầm trọng, ông liền mời
Bác sĩ đến thăm bịnh cho cô. Đà lạt lúc bấy giờ chỉ có vài bác sĩ, thiếu các dụng
cụ, các ông đều khuyên cha mẹ cô Phượng đưa cô Phượng xuống bịnh viện lớn ở Sàigòn
để chiếu điện, sợ cô bị bịnh đau tim nặng. Vợ chồng chú Cai khóc lóc với ông
Giáo:
- Trăm sự xin nhờ ông chủ. Bác sĩ ở đây đã nói như vậy, nếu
ông chủ làm phước đưa cháu đi nhà thương Sàigòn thì ơn cao nghĩa nặng vợ chồng
chúng tôi không dám quên. Chỉ sợ làm phiền ông chủ nhiều quá.
- Không phiền gì đâu. Ông bà cứ yên lòng.
Sáng sớm hôm sau, vợ chồng ông Cai đỡ cô Phượng vào
chiếc xe hơi của ông Giáo để đi Sàigòn. Cô Phượng bằng Iòng đi, vì cô tin cậy ông
Giáo là người đàng hoàng đứng đắn. Cô muốn đi, vì cô nghe Bác sĩ nói tại nhà
thương lớn ở Sàigòn người ta sẽ chữa cho cô khỏi bịnh, nhờ có đủ máy chiếu điện,
đủ thuốc men, và bác sĩ giỏi, Cô sợ nếu cô chết, ở Đàlạt thì còn ai nuôi dưỡng
cha mẹ già? Thà cô liều nghe lời bác sĩ, đi Sàigòn chữa bịnh may khỏi
được, đó là phước đức cho gia đình cô. Ngó chiếc va-li quần áo của cô đã để
trong xe, cô khóc lóc từ giã mẹ cha. Bà Cai bịn rịn bảo con:
- Mẹ cầu nguyện Phật Trời phù hộ cho con mau khỏi bịnh.
Cô Phượng vô ngồi ghế sau. Ông Giáo để một chiếc gối:
- Cô nằm xuống cho đỡ mệt.
Bình thường cô Phượng hồng hào béo tốt, nay mới đau nặng mười
lăm ngày cô đã gầy ốm rất nhiều, da mặt nhợt nhạt, đôi mắt sâu hỏm, tay chưn bủn
rủn. Cô nằm chèo queo trên ghế xe, không cử động, gần như một xác chết.
Xuống Sàigòn ba giờ chiều, ông Giáo lái xe đưa cô thẳng vào bịnh
viện lớn.
Hằng ngày ông vào thăm cô, mỗi buổi trưa và buổi tối, đem vào
các thứ trái cây mời cô ăn để mau lấy lại sức, theo lời dặn của Bác sĩ. Cô Phượng
cảm phục tư cách của ông Giáo mỗi lần vào thăm, ông hỏi han về bịnh tình, săn
sóc cô rất chu đáo, lo cho cô từng ly từng tí, nhưng không bao giờ tán tĩnh lợi
dụng cô. Không bao giờ ông nói một lời chọc ghẹo, lẳng lơ hay sổ sàng. Ông đối
xử tự nhiên, rất nhã nhặn, không hề quá thân mật, không thố lộ một tình ý nào cả.
Thái độ vui vẻ. Âu yếm, nhưng rất dè dặt của ông Giáo cũng phải khiến Phượng
ngạc nhiên và cảm động. Suốt một tháng cô nằm nhà thương, hoàn toàn nhờ ông,
nuôi nấng, săn sóc thuốc men, rất là tận tụy, khổ sở, tốn biết bao nhiêu thì giờ
và tiền của, cô không nghe ông Giáo than phiền hay kể ơn lần nào. Nhiều đêm cô
sốt nặng, ông ở trong phòng cô cho đến sáng mới về đi dạy học. Mỗi lần cô chợt
tĩnh dậy đều thấy ông nằm trên chiếc giường con ở góc phòng, xem sách. Thấy thế,
cô tội nghiệp cho ông, thương ông quá, nhưng không dám nói ra. Chỉ có một lần,
lần ấy cô nóng lạnh, nằm ngủ phải đắp mền, nửa đêm cô ngủ mê đạp tung chăn ra.
Ông Giáo khẽ héo mền đắp lại cho cô khỏi lạnh. Cô sực tĩnh dậy, thấy ông lui
cui đắp kín hai bàn chưn cô, cô cảm động quá, khẽ bảo:
- Thưa ông, ông chưa đi nghĩ?
Ông cười rất tự nhiên:
- Tôi sắp đi nghỉ đây... Cô bớt lạnh chưa?
- Thưa ông, đã bớt.
Ông mặc sơ mi, quần tây, mang giày tây, cứ để như thế ông lên
nằm trên chiếc giường con của ông nơi góc phòng. Phượng kéo mền trùm kín mặt
rưng rưng nước mắt. khóc thầm vì cảm thương ông Giáo quá.
Nằm nhà thương một tháng, Phượng đã hết bịnh, ông mời cô về
nhà ông ở đường Testard,
Nghỉ hai hôm chờ đến ngày ông được rãnh đưa cô về Đà lạt.
Trong hai hôm, ông Giáo để cô nằm một phòng riêng, trang hoàng lịch sự. Ông tiếp
đãi cô như một người bạn quý. Ông tránh tất cả những cử chỉ quá thân mật, sợ cô
Phượng hiểu lầm rằng ông quyến rủ cô, hoặc lợi dụng hoàn cảnh của cô.
Thấy Phượng không đeo một món nữ trang nào, mặc những áo quần
sơ sài, giản dị, ông muốn mua tặng cô một chiếc nhẫn, hay một vài xấp hàng,
nhưng ông lại sợ Phượng hiểu lầm rằng ông muốn lấy tiền bạc và châu báu để mua
chuộc Tình yêu của cô. Ông biết trọng danh dự nhất là đối với một thiếu nữ có sắc
đẹp mê hồn, có tính nết dịu dàng hiền hậu mà ông đã yêu say sưa đắm đuối từ hai
năm nay, một tình yêu thất vọng! Ông âm thầm đau đớn, buồn bã, nhưng đối với
Phượng ông không cho biết tâm sự xót xa não nuột của ông.
Phượng cũng thừa biết rằng vì ông yêu quí cô nhiều lắm, thành
thật, không có chút giả dối nào, nên ông mới tận tụy với cô như thế, nhưng cô
cũng hiểu không phải ông muốn lợi dụng cơ hội để chiếm đoạt trái tim cô đâu. Một
tháng nằm nhà thương và mấy ngày ở chung trong nhà riêng của ông ở Sàigòn đã
cho Phượng hiểu rõ hơn ai hết, tư cách cao thượng và lòng thương thiết tha thầm
kín của ông. Lúc cô đã Iành mạnh, ông có mua biếu cô mười hộp thuốc bổ và năm
quyển sách Việt ngữ toàn những sách bổ ích về văn hóa, mà cô đọc dễ hiểu. Hôm
ra về, ông sắp đặt đầy đủ, lo lắng cho cô chu tất. Đó là hôm chúa nhựt, ông chỉ
nghỉ được một ngày lái xe đưa Phượng về Đà lạt, rồi sáng sớm hôm sau ông lại phải
trở xuống Sàigòn.
Thấy con gái bình phục trở về, vợ chồng ông Cai vui mừng khôn
xiết. Hai ông bà già lăng xăng đón cô gái cưng với bao nhiêu nỗi niềm, âu yếm.
Chiều tối ông Giáo lái xe ra tiệm ăn cơm theo lệ quen mỗi khi ông lên Đà lạt.
Muốn tỏ lòng biết ơn ông Giáo, vợ chồng ông Cai đã sắp đặt chờ tám giờ ông ở tiệm
về. Ông vừa khép cửa vào nhà một lúc thì có tiếng gõ cửa. Ông Giáo ra mở, rất
ngạc nhiên thấy ông Cai khăn đen áo dài như ngày Tết, bà Cai cũng áo dài. Hai vợ
chồng khúm núm bước vào, bưng một khay gỗ cũ kỹ, trong có một chai rượu trắng
Ông Cai lễ phép nói:
- Thưa ông Giáo, cháu Phượng đã sống được trở về đây với vợ
chồng chúng tôi, công ơn của ông Giáo vô biên, chúng tôi nghèo nàn không biết lấy
chi đền đáp được. Vợ chồng chúng tôi chỉ xin dâng ông một chai rượu trắng tôi nấu
ở nhà, gọi là chút lòng tri ân hèn mọn của chúng tôi, xin ông Giáo nhận cho.
Ông Giáo không nói được một lời. Ông thấy lòng ông nôn nao
thương xót vì cử chỉ mộc mạc quá cảm động của hai vợ chồng già. Ông vui vẻ nhận
lấy chai rượu:
- Tôi xin thành thật cám ơn ông bà. Đây là món quà quý nhất
trong đời tôi. Tôi không biết uống rượu, nhưng tôi sẽ đem về Sàigòn từ nay mỗi
khi nhớ đến ông bà, tôi sẽ uống một ly...
Ngay lúc đó, ở gian nhà gác dan, trong căn phòng lặng lẽ của
cô, Phượng nằm khóc một mình. Ngổn ngang trăm mối bên lòng, Phượng khóc vì cô
không biết duyên phận của cô rồi đây sẽ ra thế nào? Cô khóc vì cô mong nhớ cậu
Tình mỗi ngày một biệt tin, biết bao giờ tái ngộ? Biết bao giờ Tình về
để cùng cô lập gia thất, sống cuộc đời nghèo nàn nhưng ân ái êm đềm như đôi
tình nhân đã hứa hẹn cùng nhau? Xa cách Tình trong hai năm, Phượng cảm thấy
thân thế của mình là con chim lạc đàn, phiêu dạt giữa gió sương. Tiếng khóc của
cô là tiếng kêu bi đát não nùng của con tim lạnh lẽo đìu hiu trong đêm vắng!
Gia đình cô bây giờ không đến nỗi thiếu hụt khổ sở như trước, cha mẹ cô được đời
sống đầy đủ phong lưu hơn nhiều, riêng cô cũng thảnh thơi sung sướng hơn lúc ở
nơi xó rừng quạnh quẽ. Mặc dù vậy, đời cô đã vui tươi vì có Tình, tâm hồn cô đã
phấn khởi vì cảm thông với Tình, lòng cô đã hồi hộp đê mê vì yêu Tình. Cô đã
yêu, hồi mười tám tuổi, người con trai đứng đắn, hiền lành, can đảm. Tình yêu
say mê đắm đuối ấy như ánh nắng êm dịu của mùa xuân đã in sắc màu rực rỡ
trên tuổi thơ tươi thắm của cô. Hình ảnh đau khổ của Tình Ià hình ảnh của cuộc
đời Phượng. Hình ảnh ấy làm sao xóa mờ được? Hai năm xa cách, Phượng đã khóc
bao nhiều nước mắt! Trằn trọc thổn thức bao nhiều đêm trường! Hai năm xa
cách, đời sống của Phượng đã thay đổi nhiều, mà lòng Phượng vẫn chưa hề thay đổi.
Nhưng Phượng càng khóc nhiều khi nghĩ đến tình yêu rộng lớn mênh mông của ông
Giáo. Tuy ông có địa vị sang trọng, chủ cái biệt thự lộng lẫy mà cô chỉ là con
gái nghèo hèn của người gác dan, nhưng ông Giáo yêu cô rất nồng nàn chân thật,
một tình yêu tha thiết vô cùng. Hai năm, ông không được cô hứa hẹn một lời nào,
nhưng ông vẫn một lòng quý mến cô, kiên nhẫn, trung thành, không bao giờ hờn giận,
không bao giờ chán nản. Ông đối đãi với cha mẹ cô rất là bình đẳng, coi cô như
một người bạn thân chớ không phải như kẻ tôi tớ, không phân chia giai cấp,
không phân biệt giàu nghèo, lúc nào cũng dịu dàng, vui vẻ, nhã nhặn. Công
ơn của ông đối với gia đình cô thật không bờ bến. Nhưng không bao giờ ông lấy
đó làm điều hãnh diện, không ỷ thế cậy quyền bắt buộc cha mẹ cô hay cô, một điều
gì. Ông Giáo quả là người cao thượng, đáng kính phục, quý mến vô cùng. Đời tư
của ông cũng rất trong sạch. Mặc dầu góa vợ và giàu sang, ông
vẫn sống thanh bạch, không hề trụy lạc, không thích rượu chè, không chơi
bời lêu lổng như hạng trưởng giả vô đạo đức, vô tư cách mà cô Phượng đã thấy
nhan nhản ở thời buổi nầy. Ông Giáo hoàn toàn là một nhà trí thức gương mẫu.
Cử chỉ của ông đối với cô lúc nào cũng để trong trí óc cô một
niềm cảm mến thành thật sâu xa. Thật ra, nếu Phượng chưa hứa hôn với Tình, chưa
gắn bó cùng Tình bởi một lời thề son sắt, thì Phượng không có lý do gì từ chối
tình yêu của ông Giáo. Cô thấy rõ rằng ông thương yêu cô không phải như một người
giàu sang thương kẻ nghèo hèn, vì sắc đẹp hay vì dục tình đê tiện. Sự thật, Phượng
cũng biết ông Giáo mê sắc đẹp của cô lắm, sắc đẹp hồn nhiêu đã vô tình làm cho
lòng ông xao xuyến rạo rực ngay buổi sáng đầu tiên ông đã thoáng thấy bóng cô.
Nhưng hai năm tiếp xúc thường với cô ông lại cảm mến cả tính nết hiền lành thùy
mị của cô nữa. Ông đã thấy cô không màu mè giả dối như phần đông các cô gái
khác, ông nhận xét nơi Phượng những đức tính quý báu của một người thiếu nữ có
tài ba, một người vợ dịu dàng, thanh nhã, một người nội trợ đảm đương chu đáo.
Hơn nữa, tuy cô là con gái một chú Cai Lục lộ, vào bực nghèo hèn trong xã hội,
nhưng cô vẫn có học chút ít, và ham đọc sách, ưa trau dồi về văn bóa, chớ không
như nhiều cô gái nhà nghèo chỉ lo làm có tiền để sắm sửa xa hoa, theo đòi vật
chất. Phượng nằm để tay Iên trán nhớ lại những lần cô đã ngẫu nhiên trực tiếp với
ông Giáo sư.
Một hôm, nhân lễ Hai Bà Trưng, ông Giáo từ Sàigòn về nghỉ ở
Đàlạt hai ngày. Sáng hôm ấy cô Phượng gánh một gánh phân nặng ra vườn rau Cô vừa
bước lên tấm ván mỏng bắt ngang qua mương thì ván sụp, cô té xuống nước, với cả
gánh phân nhào đổ hết. Ông Giáo đang ngồi bắt sâu và bón phân cho mấy giồng hoa
trước sân biệt thự. Nghe tiếng sụp té và thấy cô Phượng loay hoay dưới mương,
ông hốt hoảng, chạy xuống. Đến nơi, Phượng đã lóp ngóp ngồi dậy, áo quần đầy
bùn, chưa leo được lên bờ. Cô bị trẹo nơi chân, đau điếng, ngồi nhăn nhó. Gánh
phân thì nằm nghiêng dưới nước. Thấy ông Giáo chạy ra, Phượng mắc cỡ quá,
luýnh quýnh dưới bùn lầy. Ông nhảy qua bên kia mương, đưa hai tay ra muốn đỡ
cô. Phượng vừa đau vừa thẹn, cảm ơn ông nhưng cô tự sức leo lên, không dám nắm
tay ông. Cô vừa bám lấy một bụi cỏ thì cỏ tróc rễ, cô lại té xuống khá mạnh. Nước
và bùn bắn lên cả áo quần ông Giáo. Ông không quan tâm, đứng cúi xuống mương,
đưa tay ra cho Phượng:
- Cô để tôi đỡ cô lên.
Thấy bộ đồ pyjama của ông Giáo đã bị lấm bùn nhiều vết, vì lỗi
tại cô, Phượng ái ngại, và không dám phụ lòng ông, liền đưa tay ra cho ông đỡ cô lên bờ. Ông bảo:
- Cô vào nhà tắm rửa và thay đồ. Chốc tôi sẽ đem thuốc nóng để
cô bóp chỗ xương chưn bị trẹo, Tôi phải kéo gánh phân lên kẻo nước trôi hết.
Phượng chạy vào nhà, nhưng một ống chân bị thương, chắc bị miểng
chai đâm, chảy máu nhiều nơi, cô phải bước chậm chậm.
Ông Giáo xăn ống quần pyjama lên tận đầu gối, và vén tay áo
lên đến cùi chỏ, nhảy xuống mương đem gánh phân lên. Một nửa thùng phân đã bị
nước cuốn trôi.
Ông trở vào kho, tìm một tấm ván khác chắc hơn, vác trên vai
đem ra đặt trên mương, thay cây cầu vốn mục đã bị sụp làm cô Phượng té. Muốn
cho chắc, ông còn lấy bốn cái nọc đóng kèm hai bên đầu cầu.
Trong buồng tắm, Phượng dòm ra nơi khe cửa, thấy ông Giáo lom
khom vác ván ra mương, và làm các công việc kia. Cô tủm tỉm cười, phục ông Giáo
làm việc lao động không kém một anh nông dân.
Xong hết, ông vào nhà, tay chưn quần áo lấm đầy cả bùn. Tắm rửa,
thay đồ rồi, ông cầm chai dầu nóng xuống nhà gác dan. Phượng ái ngại không dám
để ông xoa bóp. Ông đưa chai dầu cho cô, và chạy trở lên nhà lấy thuốc tím, thuốc
xức, bông gòn và băng keo đem xuống. Ông hỏi Phượng:
- Cộ đã bóp Salicylate chưa?
- Dạ, thưa ông, rồi.
- Cô đã thấy bớt đau chưa?
- Dạ còn trặc quá.
- Cô phải bóp thật mạnh mới được, nếu không, không ăn thua
gì. Cô trặc chỗ nào?
Phượng chỉ nơi gần mắt cá. Ông bảo.
- Cô ngồi xuống ghế. Để tôi sửa lại cho cô.
Thấy Phượng mắc cỡ, ông cười:
- Cô đừng ngại. Cô cứ tưởng tượng như tôi là một bác sĩ chữa
bịnh cho cô vậy thôi. Có thế cô mới hết trặc chân!
Phượng bẽn lẽn ngồi trên ghế. Ông Giáo lấy bông gòn thấm dầu
nóng, ngồi bên chân cô, nắm lấy nhẹ nhàng bàn chân cô, và đánh dầu nóng lên nơi
trặc xương, nhiều lần cho thấm dầu. Ông vừa xoa dầu vừa bóp gân một lúc lâu. Cô
Phượng hết trặc. Xong, ông rửa với thuốc tím mấy vết thương bị miểng chai cắt
còn rỉ máu. Ông xức pommade, đặt bông gòn lên, rồi dán băng keo.
Người nhà đều đi vắng từ sáng sớm. Cha cô đi ra phố đòi tiền
rau bán chịu cho chủ xe cam nhông. Mẹ cô đi chợ bán hoa. Nhưng ông không lợi
dung cợ hội vắng vẻ một mình ông với Phượng,
Sân sóc cho Phượng xong, ông đứng dậy bảo cô:
- Cô vào nằm nghỉ để dưỡng bàn chân đau.
- Dạ cảm ơn ông. Tôi làm phiền ông quá.
Ông Giáo cười đùa:
- Tôi cũng làm phiền cô quá! Xin lỗi cô nhé!
Ông ân cần hỏi tiếp:
- Cô đã đọc hết quyển ‘‘Văn học Việt Nam hồi thế kỷ 17’’
chưa?
- Dạ thưa ông, tôi đang đọc, gần hết.
- Thôi, chào cô nhé! Chúc cô nghĩ khỏe, và mau lành
chưn.
Một lúc sau, Phượng thấy ông Giáo tiếp tục bón phân và bắt
sâu cho mấy khóm hoa ở trước sân.
Một lần khác, chính là hôm Tất niên. Ông Giáo ở Sàigòn về Đà
lạt nghỉ Tết. Ông về từ hôm hai mươi lăm, đem nhiều quà Tết biếu vợ chồng ông
Cai và cô Phượng. Cảm lòng rất tốt của ông Giáo, hai vợ chồng ông Cai và cô Phượng
đồng ý mời ông Giáo dùng bữa cơm Tất niên chiều ba mươi Tết. Ông Giáo vui vẻ nhận
lời. Bảy giờ tối, cúng ông bà xong, cô Phượng và bà Cai dọn cơm trên bàn, ông
Cai khăn đen áo dài lên biệt thự mời ông Giáo. Mọi khi ông Giáo ở Sàigòn về, giờ
ấy ông đi ăn cơm tiệm. Tối nay ông ở nhà, một mình nằm ghế xích đu, xem sách.
Nhà ông cũng trang hoàng Tết nhất như ai,
nhưng trên bàn thờ ông Cụ bà Cụ, ông Giáo chỉ chưng một bình
bông vạn thọ, thắp đèn sáng, đốt một thẻ hương và một lư trầm, khói bay thơm phức.
Lúc sáu giờ ông có rót hai chén trà đặt trên bàn thờ, và áo quần nghiêm chỉnh,
ông đứng trước vong linh song thân cúi đầu mặc niệm. Xong mười lăm phút sau,
ông đốt một phong pháo, theo đúng sở thích của ông Cụ hồi bình sanh. Tối nay,
có nhiều bạn thân mời ông dự tiệc tất niên với gia đình họ: ông Bác sĩ, một ông
Giáo sư trường Lycée, một ông Tham Lục lộ và một ông Phán Tòa. Nhưng ông đã xin
lỗi tất cả viện lẽ là đã nhận lời mời của một người bà con.
Vợ chồng chú Cai gác dan và cô Phượng cảm ơn ông Giáo đã
thương đến gia đình kẻ nghèo hèn tôi tớ mà dự bữa cơm xoàng của họ trong buổi tất
niên. Bữa cơm rất thân mật vui vẻ, nhờ tính bình dân tự nhiên của ông Giáo, và
cảm tình kính mến của gia đình chú Cai đối với chủ. Cô Phượng bẽn lẽn nhận ly rượu
ngọt do lay ông Giáo rót mời cô sau khi ông mời vợ chồng ông Cai hai ly. Ông
Giáo nâng ly, cười:
- Sáng mai mới là Năm mới. Nhưng sẵn dịp chúng ta vui đêm
giao thừa nầy, tôi xin phép cô Mỹ Phượng chúc trước cô sang năm thành lập gia
thất để ông Cai bà Cai được thấy cảnh gia đình nẩy nở thêm chồi thêm lộc!
Cô Phượng thẹn đỏ mặt, chưa biết trả lời cách nào. Ông Cai có
lời tiếp:
- Dạ thưa ông Giáo, đó cũng là điều ước mong của vợ chồng
chúng tôi đấy ạ.
Cô Phượng đánh bạo đứng dậy nâng ly, mỉm cười ngỏ ông giáo:
- Tôi xin cảm ơn ông Giáo có mỹ ý chúc tôi. Tôi cũng xin phép
ông Giáo cho tôi được hân hạnh kính chúc ông sang năm thăng quan tiến chức và
cưới một cô giáo đẹp như tiên, để chúng tôi được thấy bóng hồng thấp thoáng bên
cạnh ông, ở biệt thự đẹp đẽ này!
Mọi người đều cười rồ lên. Lần này ông Giáo có hơi thẹn, nâng
ly rượu ngọt uống một hơ, cùng một lượt với cô Phượng.
Mười ngày sau, trước khi trở xuống Sàigòn dạy học, ông Giáo
ngồi rủ rỉ nói chuyện với vợ chồng ông Cai gác dan:
- Tôi không giấu với ông bà rằng tôi thương cô Phượng lắm. Nếu
ông bà và cô Phượng không thấy có điều gì trở ngại thì tôi ước mong được thành
gia thất với cô. Tôi muốn có lời thành thật với ông bà, để ông bà dọ hỏi ý kiến
cô, xem cô nghĩ sao. Sáng mai tôi đi Sàigòn. Khi nào được tin ông bà cho biết,
nếu ông bà và cô Phượng nhận lời, thì tôi sẽ về Đà lạt sắp đặt lễ cưới tại đây.
Nếu không, ông bà cũng đừng ngại. Công việc ở trong nhà nầy sẽ không có gì thay
đổi. Ông bà cũng đừng ép buộc cô Phượng một câu nào, nên để cô hoàn toàn quyết
định theo ý riêng của cô.
Ông Giáo về Sàigòn, hồi hộp mong mỏi cuộc hôn nhân với Phượng
sẽ thành. Hơn nửa tháng sau, ông nhận được thư:
Đàlạt, ngày 22/3/1948
Kính thưa ông Giáo,
Chúng tôi rất cảm kích tấm lòng nhơn từ độ lượng của ông
không biết lấy gì đền đáp được ơn sâu nghĩa rộng của ông đã giúp gia đình chúng
tôi được hãnh diện như ngày nay. Có điều vợ chồng chúng tôi rất đau đớn là việc
cháu Phượng. Cháu nó rất cảm tình thương cao quý của ông, nhưng cháu tự xét
thân cháu nghèo hèn không làm sao đền đáp được tấm lòng quảng đại vô song của
ông đối với cháu. Một lẽ cháu tự nhận không đủ tư cách xứng đáng đi làm kẻ hầu
hạ bên ông. Một lẽ nữa, cháu còn muốn ở vậy để nuôi dưỡng cha mẹ già, chưa nghĩ
đến việc xuất giá vội. Chúng tôi đã hết lời khuyên giải cháu Phượng, vì cháu
năm nay đã hai mươi hai tuổi rồi. Riêng phần chúng tôi thì quả tình chúng tôi
thiệt lấy làm vinh dự được ông Giáo thương mến, và chúng tôi không thấy có chi
trở ngại cả. Chỉ sợ rồi đây chúng tôi tuổi tác già nua, thấy con gái lớn mà
chưa thành bề gia thất thì lấy chi an ủi được nỗi đau buồn của cha mẹ!
Thưa ông Giáo, hai vợ chồng chúng tôi hết lời phải trái cho
cháu Phượng nghe, nhưng nó vẫn khăng khăng một lòng, xin ông Giáo Iượng tình
tha thứ cho cháu. Cháu xin phép ông Giáo cho cháu một thời gian một năm nữa để
cháu suy nghĩ rồi sẽ xin trả lời ông Giáo.
Dù sao cháu Phượng cũng rất cảm kích lòng thương quảng đại của
ông. Cháu nhận thấy ông là bậc ân nhân duy nhất của gia đình chúng tôi. Cháu có
nói thật với chúng tôi rằng đời cháu chỉ còn ý nghĩa khi nào cháu đền đáp được
một phần nào tấm lòng thương cao quý vô lượng vô biên của ông đối với cháu và
gia đình chúng tôi.
Xin ông Giáo tin nơi lòng tận tụy trung thành của vợ chồng
chúng tôi, và xin ông lượng tình cho cháu Phượng.
Chúng tôi, vợ chồng và cháu Phượng, đều một lòng quý trọng
ông và kính chúc ông sức khỏe dồi dào.
Thư bất tận ngôn,
NGUYỄN VĂN TẬP
ký.
Ông Giáo đọc xong bức thư, buồn bã nhưng quyết nhẫn nại chờ đợi
một năm nữa. Bức thư ông trả lời ông Cai gác dan, khiến cho cô Phượng ngẫm nghĩ
cảm động vô cùng:
Sài-gòn, ngày 31-3-1948
Thân gởi ông Cai,
Tôi đã tiếp được thư ông, và xin thành thật cảm ơn ông bà những
lời tâm phúc của ông bà đã tỏ cùng tôi. Tôi kính trọng tất cả những ý nghĩ của
cô Phượng, và xin chờ quyết định của cô sang năm sau. Nếu chừng ấy cô Phượng
vui lòng nhận lời cần khẩn tha thiết, và thành thật của tôi, thì đó là cô đem hạnh
phúc vào cuộc đời của tôi vậy.
Còn nếu vì một duyên do gì tôi không được may mắn kết nghĩa
trăm năm với cô, thì xin cô Phượng và ông bà cũng đừng ái ngại. Lòng thương mến
của tôi đối với quý quyến sẽ không vì sự từ chối của cô Phượng mà giảm bớt một
phần nào. Tôi sẽ luôn luôn là người bạn thành thật của quý gia đình.
Xin ông bà và cô Phượng tin nơi lòng quý mến trường cửu của
tôi, và thân chúc ông bà cùng cô Phượng được vạn sự như ý.
TRẦN TẤT BẢO
Sau bức thư nầy bốn tháng, đến ngày 28 tháng 5 là ngày hai
bên cha mẹ của Phượng và Tình đã định làm lễ thành hôn cho đôi trẻ trước đây
hai năm. Là ngày Phượng đau đớn chờ mong Tình về, nhưng biệt vô âm
tín. Vì quá thương nhớ Tình nên Phượng buồn rầu rồi đau, bịnh đau tim trầm trọng,
đã được ông Giáo đưa cô xuống nhà thương lớn Sàigòn chữa bịnh.
Đêm nay cô đã bình phục trở về. Trong lúc cha mẹ cô bưng chai
rượu trắng lên tạ ơn ông Giáo, ở nhà một mình, nằm trong gian buồng lặng
lẽ, Phượng nghĩ ngợi lan man về duyên phận của cô mỗi khi thương nhớ Tình, và cảm
kích lòng tốt vô song của ông Giáo. Thương nhớ Tình, Phượng khóc sướt mướt, phần
thì lo sợ cho tính mạng của vị hôn phu, cho sức khỏe của anh có thể bị đánh đập
tra khảo mà mang bịnh tật. Phần thì buồn rầu không biết bao giờ Tình về, bao
giờ cùng anh được sum hợp một gia đình nghèo nàn nhưng ân yếm nhau đến mãn chiều
xế bóng? Tuy hai năm qua. Phượng không nhận được một bức thư nào của Tình, hoặc
một lời nhắn nhủ, hoặc một tin tức xa gần, nhưng Phượng vẫn còn yêu Tình, vẫn
thương nhớ anh ngày đêm, lụy sầu chan chứa.
Vì thương nhớ Tình, người yêu mộc mạc của Rừng xanh núi thẳm,
người vị hôn phu xấu số đã gặp tai ách hai tháng trước ngày thành hôn, vì cảm mến
hoàn cảnh đau đớn của người tù không tin tức kia mà Phượng quyết giữ lòng chung
thủy với anh. Vì thương nhớ anh, mà Phượng đã từ chối lời cầu khẩn đính hôn của
ông Giáo. Sau trận đau trầm trọng mà đời cô chỉ còn mong manh như sợi chỉ, sau
khi đã trải qua cơn bão táp sầu thảm của tương tư, đêm nay bình phục trở về
nhà, Phượng cảm thấy lòng cô thêm tê tái thê lương Thật cô không ngờ ông giáo đối
vơi cô có một lòng mến yêu cao thượng và nồng nàn như thế! Thành thật.
Sau khi suy xét lại tất cả những cử chỉ đàng hoàng âu yếm
của ông Giáo, Phượng rất cảm thương người đàn ông tao nhã ấy. Cô không biết làm
sao đền đáp lại một phần nhỏ tấm lòng ưu ái tha thiết của ông?
Tiếc thay, đời cô và thân phận của cô đã hứa cho Tình!
Cho người tù xa cách đã hai năm, sống chết ở nơi nào, cô không biết được!
Phượng phân vân, đau khổ, sùi sụt khóc thâu đêm.
Chương IVCon nghĩ sao, chứ mẹ thấy ông Giáo quyết lòng chờ đợi con, mẹ
áy náy lắm con à. Nói thiệt với con, mẹ ít thấy người đàn ông nào tử tế như ông
Giáo. Chỉ một việc ông đối đãi với con rất là chu đáo, tận tụy, mà vẫn giữ gìn
lịch sự trong lúc con đau nặng được ông đưa con đi nhà thương Sàigòn cả một
tháng trời, cũng đủ là một ơn nghĩa lớn lao rồi vậy.
- Thưa mẹ, con hiểu lắm chớ. Một người trí thức tài cao
học rộng, Iại giàu sang như ông Giáo, và ở độc thân, mà không chơi bời trụy lạc
giữa một xã hội mà phần đông đều là thối nát, thì thật là một người đáng kính
phục. Người đàn ông như thế, cô con gái nào mà chả yêu?Ông có thể lấy người tài
hoa hơn con, đẹp hơn con, xứng dáng hơn con. Nhưng ông vẫn quyết một lòng chung
thủy thương con, đó đã là một hân hạnh cho con biết bao nhiêu rồi!
- Như vậy, sao con còn để ông chờ đợi làm gì? Mẹ sợ ông Giáo
nghĩ rằng con là phận gái nghèo hèn mà thấy ông thương yêu, lại muốn làm cao.
- Con tin một người như ông Giáo không bao giờ hiểu lầm con
như thế. Không phải con bắt ông chờ đợi một năm. Con chỉ xin ông để cho con suy
tính kỹ càng đã.
- Con suy tính gì nữa?
- Con đã nói với cha mẹ rằng con quyết chờ đợi anh Tình.
- Hơn hai năm, nó có tin tức gì cho con đâu? Con đã đợi nó
hơn hai năm, như thế con đã hết lòng với nó rồi. Con còn cứ ở vậy chờ đợi mãi
được sao?
- Con muốn chờ thêm một năm nữa. Con mới có hai mươi hai tuổi,
chưa muộn gì.
- Nhưng cha mẹ mỗi năm mỗi già, mỗi ngày mỗi yếu, con à. Cha
con cũng như mẹ, đều mong sao con quyết định việc duyên nợ của con sớm chừng
nào càng hay chừng nấy. Cha mẹ thấy con để ông Giáo chờ đợi con hoài như vậy, sợ
ông buồn.
- Dạ, thưa mẹ, con cũng biết ông buồn.Nhưng con tin rằng ông
hiểu lòng con mà lượng tình tha
thứ cho con. Nhờ Phật Trời che chở, may ra mai mốt anh Tình
được tha về và con thành hôn với ảnh, thì chúng con cũng sẽ làm cách nào để đền
đáp trong muôn một cái ơn nghĩa lớn lao và lòng thương vô Iượng của ông Giáo.
- Mẹ hỏi thiệt con, lòng con có thiệt thương ông Giáo không?
- Con thương ổng nhiều lắm. Con không bao giờ giấu diếm cha mẹ
điều đó. Nhứt là từ khi ở Sàigòn về, con càng hiểu rõ ông, càng yêu ông nhiều
hơn. Con yêu và con kính phục nữa.
- Nếu con về làm bạn với ổng chắc chắn đời con sẽ sung sướng.
- Con cũng biết như vậy. Con mà thành gia thất với ổng thì
con sẽ được hạnh phúc đầy đủ. Cha mẹ cũng an vui tuổi già.
- Thí dụ thằng Tình về đây và con lấy nó, mẹ chắc con không
được hạnh phúc đầy đủ bằng.
- Điều ấy đã dĩ nhiên rồi. Con đâu có so sánh anh Tình với
ông Giáo. Nhưng anh Tình là người đầu tiên mà con đã trao duyên gởi phận. Lẽ
nào trong lúc anh rủi ro gặp phải tai bay vạ gió, con lại phản bội lời thề hay
sao?
- Nhưng ngày nay phận lỡ duyên ôi, con đâu cố tình bội ước?
Cha con và mẹ đều nghĩ rằng trời xui khiến cho con được gặp ông Giáo, có lẽ là
duyên tiền định đó con à.
- Mẹ nói đúng, con không dám cãi. Nhưng con quyết chí đợi anh
Tình một năm nữa... Để sau lương tâm của con khỏi có điều gì ân hận.
Một năm! Biết bao là biến cố đã xẩy ra cho Phượng trong một
năm, vui có, buồn cũng có! Một hôm, Phượng xin phép cha mẹ cho cô về thăm các
người quen ở làng Tân phú. Đường Đà lạt Sàigòn lúc bấy giờ đã có xe chạy nhiều
và thường xuyên, theo đoàn xe hộ tống của nhà binh Pháp mỗi tuần hai lần. Phượng
đi xe đò lúc sáng sớm, định về Tân phú hỏi dò tin tức. Nhưng 11 giờ xe đi ngang
qua Tân phú, Phượng kinh ngạc không dám xuống xe. Cô thấy tất cả mấy nếp nhà ở
đó đều bị đốt cháy từ lâu, không còn một mái nào. Cả làng Tân phú chỉ còn những
nền nhà trơ trụi, đầy những đống tro, than, và gỗ cháy đen thui nằm ngổn ngang
ven đường quốc lộ. Không biết hỏi ai, Phượng nói chuyện với một bà già ngồi cạnh:
- Cụ à, không rõ tại sao nhà cửa ở đấy bị cháy hết thế nầy,
và cháy từ bao giờ, hả cụ?
- Tôi cũng không được rõ, cô ơi! Hồi trước Tết tôi có đi qua
đây, thấy nhà cửa hãy còn, chuyến sau tôi đi Sài gòn, đã thấy cháy rụi. Hỏi bác
tài xế, bác ấy bảo là bị nhà binh Pháp đốt sau trận phục kích ở Là ngà hồi
tháng ba.
Phượng đau đớn, làm thinh, đi xe thẳng xuống Biên hòa. Cô đến
nhà bà Dì. Bà Dì đã chết. Cô hỏi cậu Tấn, con trai của bà, về tin tức cậu Tình.
Tấn bảo:
- Em nghe nói có một đoàn tù binh bị đưa ra làm dân công
ngoài Trung, không biết ở miệt nào. Em đoán chắc là anh Tình cũng bị giải đi
trong đoàn ấy. Còn ở Biên hòa đây thì lâu lắm, từ một năm nay em không thấy
bóng anh Tình.
Tin tức của ba má cậu Tình, Tấn cũng không biết. Ở Biên hòa,
Phượng thất vọng, buồn rầu, khóc sướt mướt ngày đêm. Đến hôm có đoàn xe hộ tống,
cô trở về Đà Lạt.
Người cô như thẩn thờ, chán nản. Lúc xe đi ngang qua chỗ làng
Tân phú cũ, cô rưng rưng nước mắt nhìn các đám tro hoang vắng đìu hiu như đi
ngang qua một nghĩa địa. Cô cảm thấy nơi đây đã chôn vùi tất cả những kỷ niệm đẹp
đẽ của ngày tàn. Cuộc đời niên thiếu của cô đến đây là chết hẳn. Tình yêu
ngây thơ diễm lệ nhất của cô, là tình yêu đầu tiên thơ mộng của tuổi vàng, đã nẩy
nở nơi đây, vun bén nơi đây, bây giờ chỉ còn lại một đống than tro tan tác
trong gió rừng! Phượng ngờ đâu buổi sáng sớm Tình từ giã Phượng để đi Biên hòa,
bóng Tình biến trong sương mù đã biến luôn trong tháng ngày vô định! Phút phân
ly Phượng nhìn theo bóng chàng, ngờ đâu lại là phút vĩnh biệt, than ôi!
Tuy nhiên, Phượng vẫn còn nuôi hy vọng. Cô tự an ủi: ‘‘Biết
đâu một ngày gần đây, Tình sẽ trở về?
Với hy vọng ấy, cô lại vui vẻ, nhẫn nại, lo làm công việc cho
qua ngày đoạn tháng.
Hôm lễ Nôen, ông Giáo ở Sàigòn về. Theo thường Iệ, mỗi khi có
ngày lễ ông Giáo về Đà lạt nghỉ ngơi năm ba ngày, hoặc một tuần, ông đều có đem
chút ít quà về biếu vợ chồng ông Cai giữ nhà, và cô Phượng.
Nô-en và đầu năm dương lịch, ông được nghỉ mười ngày. Một buổi
sáng trời nắng ấm, cô Phượng ngồi ngoài sân lột đậu một mình, ông Giáo thích việc
trồng tỉa, xách một bình tưới hứng nước máy ở góc tường, đi tưới mấy rổ hoa ông
mới trồng, ông mặc đồ pyjama, chân đi guốc, đầu không đội nón, tóc không chải
phất phơ dưới nắng vàng. Tưới nước xong ông đi quanh trong vườn hái mấy cành
hoa cúc Nhựt bổn đủ màu kết thành một bó hoa rất đẹp. Ông đến đưa Phượng:
- Tôi tặng cô đây, cô Phượng à.
Phượng mỉm cười đỏ ửng đôi má. Chính cô cũng là một đóa hoa
tươi tuyệt đẹp. Cô đưa hai tay nhận bó hoa:
- Dạ, xin cám ơn ông.
- Hoa cúc nầy quý lắm, vì ở xứ ta ít có.
- Dạ.
- Cô đem cấm vào bình ngay, kẻo nó héo
- Thưa ông, sao ông không để cắm trong phòng khách?
- Phòng khách đã có nhiều hoa. Lúc sáng sớm, ba cô có cho tôi
mấy cành lê dơn trắng đẹp quá.
Phượng cầm bó hoa cúc Nhựt bổn, đứng dậy:
- Xin phép ông, tôi đi cắm hoa vào bình.
- Vâng.Tôi cũng xin phép cô trong lúc vắng cô, cô cho
tôi ngồi lột đậu giúp cô nhé!
- Dạ, không dám.
- Thưa ông đi nghỉ kẻo mệt. Ông đã tưới hoa từ sớm đến giờ.
- Không sao, tôi rất thích công việc làm vườn. Cô tính xem: ở
Sàigòn cả ngày nầy qua ngày nọ, tháng nầy qua tháng kia, tôi cứ dạy mấy anh học
trò của tôi những câu triết lý khô khan, và những bài luận văn chương tràng
giang đại hải. Lâu lâu mới được dịp nghỉ về Đà lat. Tôi thấy không có thú nào
hơn là thú về ẩn dật nơi điền viên tĩnh mịch, sống giữa màu sắc phấn hương hoa…
Tôi yêu cảnh đẹp thiên nhiên, trong sạch, thanh tao. Tôi yêu tiếng thông reo, lời
suối hát …
Phượng tủm tỉm cười, ông Giáo sực thấy mình dạng mơ mộng... Sự
thật, ông bỡ ngỡ muốn nói với Phượng một câu chuyện khác mà ngượng ngùng
khó nói ra lời. Ngồi trước mặt Phượng ông vẫn thấy bối rối mặc dầu hai người
đã quen nhau gần ba năm, như người nhà rồi, chứ đâu phải xa lạ gì nữa! Lần này
cũng không phải lần đầu tiên ông ngồi một mình với Phượng. Và câu chuyện ông muốn
nói với cô hôm nay cũng đâu phải là câu chuyện đầu tiên!
Hai người ngồi đối diện. Ở giữa là một đống trái đậu màu da
nhung xanh dịu và một thùng đậu đã lột rồi.
Ông Giáo và Phượng đều cúi đầu lặng lẻ lột đậu, hình như
không có gì bận rộn trong ý nghĩ của họ. Nhưng một lát, Phượng nghe ông Giáo khẽ
gọi:
- Cô Phượng à.
Phượng khẽ đáp:
- Dạ.
- Câu chuyện tôi đã nói với ba má cô trong bức thư đầu năm,
có làm phiền cô không?
- Dạ thưa ông, có phiền gì đâu ạ.
- Cô Phượng à, tôi quý mến cô lắm. Cô xem, tôi năm nay ba
mươi hai tuổi, mà từ ngày người vợ trước của tôi mệnh chung đến nay đã bảy năm
tôi không cưới vợ khác, chỉ vì một duyên cớ là tôi muốn chọn bạn trăm năm hoàn
toàn hợp với lý tưởng của tôi. Sự ngẫu nhiên mà tôi tin rằng do trời định trước
đã cho tôi được thoảng thấy bóng có một buổi sáng sớm ở một khu rừng. Ngay từ
giây phút huyền bí ấy tôi đã cảm thấy như gặp được người trong lý trưởng. Ba
năm qua, mỗi lần được dịp tiếp xúc với cô, tôi càng hiểu rõ tư cách của cô càng
quý mến cô nhiều. Cho nên tôi đã thành thật ngỏ ý với cô ba lần. Tuy cô từ chối
nhưng tôi vẫn hy vọng. Hôm nay, sẵn ngày lễ tôi về đây, tôi mong được biết ý kiến
của cô một lần nữa, trước khi tôi trở xuống Sàigòn.
Phượng suy nghĩ một lát, rồi hỏi:
- Thưa ông, hôm nào ông đi Sàigòn?
- Sáng mốt. Tôi nghỉ lễ được mười ngày. Tôi về Đàlạt đã tám
ngày rồi.
Ông Giáo và cô Phượng đều cúi mặt xuống lột đậu, không ai dám
ngó ai. Khi cả hai đều làm thinh, một im lặng đầy rạo rực trong lòng của mỗi
người, như thông cảm cùng nhau dịu dàng êm ái. Phượng mặc quần vải đen, áo bà
ba trắng mới ủi, một làn tóc đen mướt chảy óng ánh xuống lưng. Đôi má trái
soan, ửng một màu hồng tự nhiên và đôi môi đỏ tươi không phớt qua một làn son
phấn. Dưới ánh nắng vàng ấm dịu phảng phất hương hoa, Phượng ngồi trên một góc
chiếu, hai bàn tay mủm mỉm nõn nà ung dung lột đậu. Ông Giáo cũng ngồi trên góc
chiếu làm công việc như Phượng.
Một lát im lặng, ông nói tiếp:
- Cô Phượng ạ, nếu cô có điều chi thắc mắc, xin cô cứ nói thật
cho tôi rõ. Đã biết tôi gần ba năm nay, chắc cô cũng đã thấy tính tôi rất thích
sự thành thật. Tôi xin nói một lần nữa để cô rõ ràng cô hoàn toàn tự do định đoạt
một vấn đề quan hệ trực tiếp đến duyên phận của cô. Tôi không muốn có một sự ép
buộc nào dù là một ép buộc về tinh thần. Nếu có xét thấy có một vài trở ngại gì
trong việc cầu hôn của tôi, tôi xin sẵn sàng rút lời và không muốn để phiền cô
một tý nào nữa. Tôi sẽ không giận cô, không oán trách cô. Trái lại, tôi vẫn
luôn luôn là người bạn quý mến cô và giúp đỡ cô trong tất cả các cơ hội.
- Dạ thưa ông, tôi hiểu ông nhiều lắm, và tôi rất cảm động được
ông tỏ tình thương chân thật và cao quý như thế. Tôi tự xét thân phận hèn mọn của
tôi không biết làm sao xứng đáng với tấm lòng tha thiết quảng đại của ông...
Tôi tự thẹn cho tôi nhiều lắm... Tôi thấy đời tôi khổ lắm ông ạ...
Phượng bỗng nghẹn lời, nói không được nữa. Hai ngấn Iệ rưng
rưng trên mắt, Phượng chỉ lẩm bẩm được mấy tiếng: ‘‘Xin lỗi ông...’’ rồi cô đứng
dậy vụt chạy vào nhà. Phượng khép cửa buồng, gục đầu xuống giường khóc nức nở.
Lần nào ông Giáo đi Sàigòn, khi ông lên xe vợ chồng ông Cai
và cô Phượng cũng thân mật ra chờ trước sân để tiễn ông. Nhưng lần này ông Giáo
vui vẻ bắt tay ông Cai, chào bà Cai, mà không thấy cô Phượng. Ông khẽ hỏi:
- Cô Phượng có nhà chứ ông Cai?
- Dạ, thưa ông, cháu ở trong nhà … Cháu bị chóng mặt, không
ra chào ông được…
- Tôi vào thăm cô một chút được không?
- Dạ, mời ông vào nhà.
Ông Giáo đi thẳng xuống nhà gác dan, vào gõ cửa buồng cô Phượng.
Cánh cửa mở, Phượng bẽn lẽn, không còn vẻ tự nhiên như trước. Ông Giáo đứng
ngoài thềm cửa âu yếm hỏi:
- Cô mệt sao, cô Phượng?
- Dạ không có sao. Thưa ông, sáng nay ông đi Sàigòn?
- Vâng.
Ông Giáo lấy trong túi áo ra mộT phong thư đã viết sẵn để
trao cho Phượng:
- Đây là mấy lời tạm biệt cô. Tết tôi lại về.
Phượng nhận thư. Ông Giáo khẽ nghiêng đầu chào và ông vừa ra
khỏi cửa. Phượng đã ngồi xuống giường mở thư ra coi.
Đà. lạt 2-1-1949.
Cô Phượng thân mến,
Tôi hồi hộp mong đợi câu trả lời của cô. Hôm nào cô muốn cho
tôi rõ ý định dứt khoát của cô, xin cô vui lòng viết thư theo địa chỉ kèm đây.
Tôi cầu nguyện Phật Trời phù hộ cho cô luôn luôn vui vẻ khỏe
mạnh.
Thành thật quý mến cô
TRẦN TẤT BẢO
Ông Giáo có dụng ý kèm theo một phong bì có dán tem và để sẵn
địa chỉ của ông ở Sàigòn.
Xem xong thư, Phượng nằm ngửa lên giường, cầm thư để trên ngực,
nhắm mắt suy nghĩ một hồi lâu. Lần này có lẽ cô đã quyết định.
Nhưng Phượng chưa vội viết thư trả lời ông Giáo. Một buổi
sáng gần giữa tháng chạp, Phượng soạn đồ đạt trong rương, các quần áo đẹp của
cô và của mẹ cô ít có dịp mặc tới, xếp cất trong rương từ lâu. Gần Tết, sẵn trời
nắng tốt cô lấy ra phơi hết một lượt. Khi giũ chiếc áo cưới màu hồng của Tình ra
để giăng trên giây, Phượng giựt mình, gọi mẹ:
- Mẹ ơi!. Mẹ!
Bà Cai ở trong bếp đủng đỉnh đi ra:
- Cái gì đó con?
Phượng đang mân mê chiếc áo cưới màu hồng, rưng rưng nước mắt:
- Mẹ ơi! gián hay chuột gì cắn nát hết cái áo của con đây nè!
Mẹ ra coi!
Bà Cai ra chỗ giây phơi đồ. Bà cầm áo coi kỹ:
- Đây là gián nhấm... Thôi, chết rồi! Nát cả cái áo!... Vạt
trước, vạt sau, trên lưng, trên vai, trên tay, nó cắn rách loang lỗ thế nầy mặc
làm sao đặng nữa?
Mấy áo khác xếp gần đấy cũng bị gián nhắm nhưng ít hơn. Riêng
chiếc áo cưới màu hồng đã thành ra vô dụng. Bà Cai chậm rãi nói:
- Mẹ còn nhớ năm ngoái con nói với mẹ: ‘‘Chừng nào chiếc áo
cưới màu hồng này rách mà anh Tình chưa về thì họa may con mới lấy người chồng
khác.’’ Mẹ hỏi lại con: ‘‘chiếc áo hồng không bao giờ con mặc thì làm sao
nó rách được?’’ Con trả lời: ‘‘Thưa mẹ, nó còn nguyên vẹn mãi thì tình yêu của
con với anh Tình cũng còn nguyên vẹn mãi.’’ Hồi đó, nghe con nói như vậy, mẹ
cũng tưởng rằng không bao giờ chiếc áo cưới màu hồng của con rách được. Ai có
ngờ đâu hôm nay...!
Phượng không trả lời. Cô buồn bã đau đớn bỏ vào buồng nằm.
Ba hôm sau, có viết thư gởi ông Giáo:
Đà lạt, ngày 16 tháng chạp.
Kính thưa ông Giáo,
Xin ông tha thứ cho tôi đã chậm trả lời. Sau khi suy xét cặn
kẽ về hoàn cảnh của tôi, tôi thấy tôi không còn can đảm từ chối một lần nữa
tình yêu mến thành thật rất cao quý của ông. Tôi hân hạnh và vui vẻ nhận lời cầu
hôn của ông.
Về lễ thành hôn, Tết nầy ông về Đà lạt chúng ta sẽ lo liệu.
Thân ái chào ông và chúc ông khỏe mạnh.
MỸ PHƯỢNG
Ông Giáo mừng rỡ được thư Phượng gần đúng kỳ nghỉ Tết. Hai
mươi tháng Chạp ông về Đà lạt.
Với sự đồng ý hoàn toàn của cha mẹ cô Phượng, ông Giáo và cô ấn
định hôn lễ cử hành giản dị trong gia đình ngay buổi sáng Mồng một Tết. Nhân dịp
này nhà ông Cai được trang hoàng lịch sự. Chung quanh Phượng, mấy cô em họ và bạn
của cô, yêu kiều thướt tha, nô đùa cười giỡn rộn rịp trong nhà. Mỹ Phượng đẹp lộng
lẫy. Cô vẫn không phấn sáp, nhưng khuôn mặt trái xoan đều đặn, đôi má ửng hồng,
đôi môi thắm tươi, hai bên búp tai lóng lánh đôi hoa hột xoàn rực rỡ. Một tia
vui mừng chiếu ngời trong cặp mắt ngà diễm lệ, huyền mơ. Hôm nay Phượng bới
tóc, một mái tóc dịu dàng làm nổi bật gương mặt thần tiên của cô. Cô mặc chiếc
áo nhung màu xanh da trời, mang đôi giày nhung xanh. Một cô em họ nhí nhảnh trầm
trồ khen ngợi:
- Ồ! Chị đẹp quá, chị Phượng à!
Phượng cười tự nhiên:
- Hôm nay là ngày Tết, ai mà chả đẹp hả em!
Một cô bạn nhỏ, mười sáu tuổi, tên là Lê thị Hiền, tiếp lời:
- Hôm nay là ngày Tết chung của mọi người mà lại là ngày Tết
riêng của chị!
Phượng dịu dàng kề tai nói nhỏ cô Hiền:
- Chị mong rằng trong ba bốn năm nữa, ngày Tết chung của mọi
người sẽ là ngày Tết riêng của em!
Tất cả mấy cô quanh quẩn đấy đều cười rồ lên và vui vẻ liệng
hoa giấy cho nhau, đầy đầu đầy mình.
Đúng mười giờ. ông Giáo Trần Tất Bảo đi với vợ chồng
ông Bác sĩ và vợ chồng ông Đốc học, là hai đôi bạn thân nhất của ông, từ biệt
thự qua một sân rộng đầy hoa nở, đến nhà ông Cai. Ông Giáo mặc quốc phục, khăn
đen, áo sa ten đen. Gần đến nhà, ông Cai đốt một phong pháo đón mừng ông Giáo
và quý khách.
Mười lăm phút sau, cô Mỹ Phượng dạn dĩ và tự nhiên, từ trong
phòng bước ra, cúi đầu chào mọi người, rồi cùng ông Giáo đến đứng hai bên bàn
thờ. Ông Cai thắp đèn hương, đốt lư trầm, đứng nghiêm trang khấn vái ông bà để
báo tin lễ thành hôn cho con gái. Ông lạy ba lạy. Đến lượt Mỹ Phượng và
ông Giáo cùng làm lễ một lúc. Lễ xong, tự tay ông Giáo lấy một hộp vuông vức mới
tinh đã để sẵn trên một bàn con kê trước bàn thờ. Ông mở hộp ra, lấy một chiếc
nhẫn cưới đeo vào ngón tay áp của tân giai nhân. Mỹ Phượng cũng tự tay lấy
trong hộp một chiếc nhẫn cưới đeo vào ngón tay của ông Giáo. Cặp vợ chồng mới
âu yếm nhìn nhau, mỉm cười, cô Hiền thấy cử chỉ tình tứ đẹp đẽ quá, cô vỗ tay
cười, khiến cho tất cả chủ khách hai bên đều vỗ tay lên một loạt, xen với tiếng
vui cười nô nức.
Ông Giáo và cô Phượng đến trước mặt ông Cai bà Cai và cúi đầu
vái ba vái, theo lễ giáo Việt nam, để tạ ơn cha mẹ. Nhưng cha mẹ cô Phượng cũng
Iịch sự nghiêng đầu đáp lễ lại ông Giáo, vị ân nhân của gia đình.
Lễ cưới xong, ông Cai ra sân đốt một tràng pháo. Mấy cô em họ
và bạn của Phượng vui vẻ dọn bánh mứt lên bàn đãi quan khách, cô bạn nhỏ Lê thị
Hiền tủm tỉm cười bưng ra mời riêng ông Giáo một dĩa bánh cưới xinh xắn, trên mặt
bánh có in hình một con chim phượng hoàng rất mỹ thuật. Mọi người đổ xô lại
coi, khen ngợi cô Hiền, và buộc đôi tân lang và tân giai nhân phải ăn hết mỗi
người một nửa, Hoa giấy đủ màu bay ra tứ tung, hòa lẫn với hoa cười tươi thắm,
trong lúc tiếng pháo mừng xuân nổ vang dậy cả núi rừng Đàlạt...
Vừa đúng mười hai giờ. Ông Giáo và Mỹ Phượng tiễn vợ chồng
ông Bác sĩ và vợ chồng ông Đốc học ra đến xe của họ đậu trước sân. Ông Giáo niềm
nở bắt tay cảm ơn các bạn lúc họ lên xe. Mỹ Phượng nhã nhặn khẽ cúi đầu chào.
Năm giờ chiều tại biệt thự, ông Giáo và Mỹ Phượng mở một tiệc trà thân mật
khoán đãi các bạn bè thân thuộc của đôi bên. Giấy mời và thiệp cưới mới gửi hôm
hai mươi lăm tháng chạp, nhưng quan khách ở ĐàIat và nhứt là ở Sàigòn lên rất
đông, chật ních trong nhà và đây cả ngoài sân rộng.Mỹ Phượng vừa tuyệt đẹp, vừa nhu mì khiêm tốn, lại niềm nở bặt
thiệp, gây được cảm tình nồng hậu của tất cả mọi người.
Chín giờ đêm Mồng một Tết. Quan khách đã lần lượt ra về. Ông
Giáo đóng cửa, đưa vợ lên phòng riêng ở trên lầu.
Đứng cạnh bình hoa Iê dơn hồng như đôi má của Phượng, trước
chiếc giường trải nệm trắng tinh, ông Giáo đặt hai bàn tay lên hai vai Mỹ Phượng,
âu yếm nhìn nàng:
- Em!
Phượng nhoẻn một nụ cười đầy tình tứ yêu đương:
- Anh!
Ông Giáo khẽ ôm Phượng vào lòng, má kề má…
Một hồi lâu, ông Giáo đê mê nhìn cô vợ trẻ:
- Mình ạ, mọi khi mình đẹp hơn tất cả các người đàn bà
trên trái đất, hôm nay mình đẹp hơn tất cả trời đất, cả Vũ trụ!
Phượng sung sướng, mỉm cười, âu yếm tựa đầu vào vai chồng:
- Em đâu cô đẹp như mình khen. Nhưng nếu em đẹp, cũng là đẹp
của riêng mình thôi.
Nguyễn Vỹ
Nguyễn Vỹ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét