Thứ Hai, 3 tháng 11, 2014

Nghe ca khúc mùa xuân về

Nghe ca khúc mùa xuân về

Trong bầu khí xuân đang tràn ngập khắp nơi, thật thú vị khi được nghe lại những ca khúc kinh điển về mùa xuân và đặc biệt là được sống lại những thời khắc lịch sử, bối cảnh đã tạo nên ca khúc ấy. Hãy cùng khám phá  bộ sách “Cửa sổ âm nhạc – Những bài ca đi cùng năm tháng”, vừa được NXB Kim Đồng ấn hành để tìm hiểu những thông tin độc đáo đó nhé.
“Tết Tết Tết Tết đến rồi/ Tết Tết Tết Tết đến rồi / Tết Tết Tết Tết đến rồi/ Tết đến trong tim mọi người”. Mỗi dịp Tết đến xuân về, giai điệu quen thuộc rộn ràng “Tết Tết Tết Tết đến rồi” lại khiến mỗi con tim bồi hồi náo nức, nhiều người thậm chí còn không nhớ được cái tên chính xác của bài hát mà chỉ nhớ đó là bài “Tết Tết Tết Tết đến rồi”. Thực ra, đó là bài “Ngày Tết quê em” của nhạc sĩ Từ Huy – với những tiết tấu âm nhạc mang phong cách Pop-Rock được nhạc sĩ Từ Huy sử dụng hiệu quả để truyền tải nhịp sống hồn nhiên, hối hả của không khí Tết. Bài hát được khởi xuất từ một câu hỏi nhạc sĩ tự vấn mình: “Tại sao ta không viết một ca khúc nói thẳng vào cái ngày thiêng liêng nhất đó của dân tộc?”. Đó là một bài hát phản ánh ngợi ca không khí vui vẻ, phấn chấn trên khắp nẻo đường đất nước. Lấy âm hình Tết làm chủ đạo và từ đó cứ láy đi láy lại điệp khúc Tết. Chỉ một chữ “Tết” thôi nhưng cũng làm ta xao xuyến và từ đó kéo ta về với những sinh hoạt ngày Tết ở vùng quê với đàn em thơ khoe áo mới và một cuộc sống sung túc an vui.  Và điệp khúc “Tết Tết Tết Tết đến rồi” vẫn luôn được cất lên trong mỗi gia đình vào dịp Tết kể từ ngày ra đời đầu tiên năm 1994.
Một bài hát mà rất nhiều bạn trẻ yêu thích, đặc biệt trong không khí mùa xuân lất phất những làn mưa bụi xứ Bắc, đó là bài “Lắng nghe mùa xuân về” của nhạc sĩ Dương Thụ. Về bài hát Lắng nghe mùa xuân về, nhạc sĩ Dương Thụ bảo, anh viết xong rồi lại bỏ đấy vì lúc đó đưa ra không thích hợp. Đó là khoảng năm 1998, anh viết ngay tại đất Sài Gòn nhiều nắng và gió. Đóng cửa lại và vẫn thủy chung với allegretto (nhịp hơi nhanh) để tưởng tượng hơi xuân Hà Nội ùa vào lòng người: “Giọt mưa nào rơi thật êm trên phố phường/ Mùi hương nào thơm thật thơm trong gió thoảng/ Và em đợi anh đợi anh như đã hẹn/ Nghe trong mưa đêm mùa xuân lặng lẽ sang...”, “Kìa tiếng chim rộn hót xa vời/ Cánh hoa đào bỗng như cười/ Báo tin mùa xuân về... Lắng nghe mùa xuân về sáng tác đầu năm 1998 nhưng phải đến tận đầu năm 1999 mới được phổ biến. Nhưng ngay sau đó, Lắng nghe mùa xuân về cùng được ba "ngôi sao" trong làng ca nhạc đua nhau biểu diễn theo các phong cách khác nhau. Hồng Nhung biểu diễn chung với Bằng Kiều. Thanh Lam "độc diễn". Còn Mỹ Linh sóng đôi với Anh Quân. Và ngay lập tức Lắng nghe mùa xuân về đã chinh phục được khán thính giả và luôn có mặt trong các chương trình âm nhạc, album.

Lắng nghe mùa xuân về - Mỹ Linh

Giữa những ca khúc rộn ràng về mùa xuân, chúng ta hẳn cũng không quên những khúc ca đầy trữ tình, sâu lắng: “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về/Mùa bình thường mùa vui nay đã về/Mùa xuân mơ ước ấy đã đến đầu tiên”… Khi nghe lại giai điệu và những ca từ trong bài hát, mỗi chúng ta đều không khỏi bồi hồi, lắng lòng, dứt bỏ mọi ồn ào của cuộc sống xung quanh để đắm chìm với giai điệu và tưởng tượng ra một mùa xuân êm đếm “với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông”. Nhưng có lẽ không nhiều người biết rằng, bài hát “Mùa xuân đầu tiên” của nhạc sĩ Văn Cao đã ra đời trong không khí mùa xuân của những ngày đầu tiên đất nước liền một dải tự Nam chí Bắc. “Đó là những ngày đầu
xuân Bính Thìn (1976), giai điệu của một bản valse nhẹ nhàng đang tràn ngập trong tâm hồn ông. Hình ảnh mùa xuân trở về bình yên được báo hiệu bằng những cánh én dặt dìu. Những người con xa nhà nay đã trở về bên mẹ hiền yêu dấu, bình yên và thanh thản… Trong cái niềm hân hoan bất tận ấy, người nhạc sĩ đã đi qua bao thăng trầm của cuộc sống đang mơ ước mọt cuốc sống thanh bình yên vui.”
      Sau phút lắng lòng với ca khúc xuân đầy suy tư trăn trở của một con người từng trải, ta lại được tiếp tục phiêu diêu trong những điệu hát của liền anh liền chị trong ca khúc “Làng quan họ quê tôi” của nhạc sĩ – nhà thơ đa tài Nguyễn Trọng Tạo, đặc biệt là trong không khí của “Tháng Giêng mùa hát hội”. Nghe bài hát ấy, chắc hẳn mỗi người chúng ta đều nghĩ, Nguyễn Trọng Tạo sinh ra và lớn lên ở mảnh đất quan họ và thấm nhuần những giai điệu da diết say đắm lòng người ấy từ tấm bé. Nhưng thật ra, Nguyễn Trọng Tạo lại sinh ra ở xứ Nghệ. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo kể lại rằng, vào khoảng cuối năm 1978, ông có gặp nhà thơ Nguyễn Phan Hách, khi ấy nhà thơ Phan Hách vừa làm xong bài thơ “Làng quan họ quê tôi” nên vội lôi ra đọc cho bạn nghe. Nhà thơ Nguyễn Phan Hách đưa bài thơ cho bạn và bảo: “Ông phổ cho tôi nhé”. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo hơi e dè bởi có phải bài thơ nào cũng phổ được nhạc, nhưng vẫn nhận lời. Về làng Khương Hạ, nơi các nhà văn quân đội đang ở đó, trong một hôm đem áo ra giặt ven cái bờ giếng gạch sứt mẻ, ông lấy bài thơ ra đọc lại. Lúc ấy, từ cái loa làng phát ra những giai điệu quan họ mê hồn và ông bỗng thấy bài thơ đang trở thành bài hát trong đầu. Ông bỏ chậu quần áo ven giếng vào nhà lấy giấy bút ngồi phổ nhạc cho bài thơ, ông viết một mạch quên cả tiếng kẻng báo giờ cơm trưa. Nhờ có giai điệu quan họ cất lên vào đúng thời điểm ấy, chúng ta đã có một bài hát ngọt ngào về làng quan họ được bao thế hệ thính giả yêu thích.
    Và còn rất nhiều những thông tin thú vị về các nhạc sĩ, về bối cảnh ra đời của các bài hát “đi cùng năm tháng” khác bạn có thể tìm thấy trong bộ sách. Ngoài ra, bạn cũng sẽ tìm thấy rất nhiều bức ảnh tư liệu, chân dung, bút tích, bản thảo viết tay của các nhạc sĩ mà tác giả Nguyễn Thanh Bình đã dày công sưu tầm đưa vào trong sách.
 https://m.facebook.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ngôn từ thời "Hội nhập"

Ngôn từ thời "Hội nhập" Có một học sinh trung học đã viết trong bài làm môn sử “Nhà Trần lập một hát-trích với quân Nguyên Mông”. ...