Thứ Hai, 3 tháng 11, 2014

Người từ trăm năm về phai tóc nhuộm

Người từ trăm năm về phai tóc nhuộm

Huyền Chiêu
Ra giêng, trời thật đẹp. Hôm rằm, một trận mưa rào đổ xuống tầm tã. Sau cơn mưa, nắng trong và ấm, đồng ruộng xanh hơn và gió đượm hương xuân thơm ngát.
Các con trai em đã lần lượt chào mẹ để về nơi chúng làm việc. Chồng em, theo lời rủ rê của một anh học trò cũ, đang chu du một nơi nào đó ở tận miền đồng bằng sông Cửu Long.
Ở nhà một mình rảnh rỗi, em đọc lại mấy quyển sách cũ và em cũng vừa mới xem xong đĩa hình chương trình nhạc của Phạm Duy diễn ở Sài Gòn.
Theo lời anh thì Phạm Duy đã không còn uy tín ở Hải ngoại. Ông bị mang danh là” Ông già hư hỏng”. Tiểu sử của ông có quá nhiều vết mờ không cách nào tẩy xóa được
Tội nghiệp cho các thiên tài ! Có lẽ kiếp người quá ngắn đối với họ và họ muốn cháy cho đến giọt nến cuối cùng. Dù sao em vẫn không thấy ghét ông ấy. Biết làm sao được khi tuổi trẻ của em đã  được tưới mát, lên xanh nhờ dòng suối âm thanh vô cùng trong trẻo  của Phạm Duy.
Vẫn nhớ thuở anh em mình còn nhỏ, anh đã dùng carton cắt thành một cây đàn với dây đàn làm bằng dây thun. Rồi chúng ta đã vui mừng biết bao khi ba mang về một cái máy hát đĩa cùng vài cái đĩa hát 33 tua. Em nhớ hoài cảnh anh  ôm cây đàn bằng giấy vừa nhảy vừa hát như một nhạc công chuyên nghiệp trong khi ban The Beatles từ đĩa inh ỏi với” Love Me Do” hay” I want to hold your hand". 
Rồi đến lúc anh kiếm được một cây đàn guitar thật dù nó hơi cũ .Và ngày ấy em  đã thán phục ngồi nghe anh gẩy từng nốt bài ”Ngày trở về” của Phạm Duy. Từ đó chúng ta lớn lên trong không gian ngập tràn nhạc Phạm Duy.
“Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời”
Chỉ có mười nốt nhạc rải trên một cung bậc giản dị nhưng lần nào nghe đến em đều có cảm giác trái tim mình đang chan chứa  tình “yêu nước”. Bây giờ đã già, đã lớn, hai chữ “yêu nước” nghe  như là một sáo ngữ nhưng thuở ấy em đã “yêu nước” một cách thiết tha. Sao không yêu nước được khi Phạm Duy bảo rằng  yêu nước là yêu “tiếng nước tôi”,là yêu lời “mẹ hiền ru những câu xa vời”. Chẳng phải đối với trẻ em, tiếng ru của mẹ là thứ  làm rung động trái tim chân thành nhất?
Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn là ba nhạc sĩ tài năng được nói tới nhiều nhất ở nước mình. Em cũng nghĩ thế, nhưng Văn Cao khép kín quá. Buồn Tàn Thu của ông cổ kính như lời thơ trong Chinh Phụ Ngâm, Sông Lô của ông thật tuyệt, nhưng nó phảng phất một nửa là sông Danube, một nửa là một dòng sông nào đó trong thơ Đường, nơi người ta đến đó tiễn biệt nhau rồi ngâm ”Quân hướng Tiêu Tương, Ngã hướng Tần”. Phạm Duy thì xông thẳng vào cuộc sống ”Nhớ, Nhớ thuở nào anh đi làm công, em thì gánh rong. Đôi ta cùng gặp nhau dưới cầu, bóng mát dưới cầu...” Nghe câu hát ấy em liên tưởng ngay đến Cầu Kiệu, Cầu Bông quen thuộc cũng như em vẫn muốn khóc mỗi lần nghe câu hát ”Làng tôi, không xa kinh kỳ sáng chói. Có những cánh đồng cát dài, có mái tranh nghèo tả tơi...”Xóm Rượu của mình không xa phố xá mà sao nghèo giống cái quê ấy quá!
Rồi anh em  mình lớn lên với chiến tranh, chết chóc. Thuở ấy  ai quên được câu hát
"Người từ trăm năm
Về ngang trường Luật
Ta hỏng tú tài
Ta hụt tình yêu
Thi hỏng mất rồi
Ta đợi ngày đi
Đau lòng ta muốn khóc” (*)
Hình như  bài hát  dựa theo lời một bài thơ của một nhà thơ trẻ nhưng em vẫn tin rằng Phạm Duy đã thổi hồn cho bài thơ ấy bay cao hơn.
Nhưng bài hát mà em thấy lạ và thích nhất là bài ”Tuổi Biết Buồn”
Có hàng trăm bài hát hay chuyên chở nỗi buồn của một chàng trai mới biết yêu nhưng rất ít bài hát dành cho một cô gái. Tâm trạng của ”Nàng” rất khác với ”Chàng”. Thật khiên cưởng và dễ dãi khi chỉ cần đổi chữ ”anh” thành chữ ”em” cho một tình khúc. Trong ”Tuổi Biết Buồn”, em thật sự kinh ngạc tự hỏi làm sao một người đàn ông lại có thể len lỏi vào tận cỏi hồn kín đáo của một thiếu nữ để viết được những câu hát:
“Buồn đã tới rồi một buổi tối không trăng
Tình len lén vào cửa mở lớn tim nàng
Ôi những phút say sưa, những phút dịu dàng
Yêu người mà sao lòng còn mãi băn khoăn” (*)
chữ” băn khoăn” ở đây quá là dễ thương.
Khi một cô gái bắt đầu yêu cũng là lúc cô bắt đầu đánh mất những ngày tháng vô tư rồi.
"Buồn đã tới rồi từ thuở biết thương yêu
Tình sẽ lớn dần và buồn sẽ thêm nhiều...”
Và em cứ thổn thức rưng rưng nước mắt khi nghe câu hát :
"Buồn đã biến rồi khi chợt đến cơn vui
Bàn chân ấu thời dũng mãnh bước trên đời”
Tại sao là ”dũng mãnh” để dành cho một người con gái. Chẳng phải khi bước vào con đường tình cô đã hoàn toàn không còn ai để nương tựa. Cha, mẹ, anh chị, bạn thân... cũng không ai giúp đỡ được gì ngoại trừ sự mách bảo của trái tim non tơ. Cô đã phải tự quyết định có nên lao tới một nơi mà cô cho rằng đó là bến bờ hạnh phúc hay không. Cô như người làm xiếc dũng mãnh bước trên sợi dây chăng ngang thác Niagara để một là cập được bến bờ vinh quang, hai là tan xác dưới vực sâu.
Trịnh Công Sơn rất nhân hậu với người nữ. Ông biết rất rõ ông trân trọng và yêu người nữ đến như thế nào, nhưng ông hoàn toàn mù tịt những gì xảy ra trong lòng một người con gái khi yêu. Chính Phạm Duy mới là người đọc được trái tim đau đớn đến dường nào, yếu đuối đến dường nào mà cũng dũng mãnh đến dường nào của ..em.
Cảm ơn Phạm Duy và thương quá những cô gái bắt đầu biết yêu.
Cuộc đời của Phạm Duy không bình yên. Hình như ông không chịu nổi sự ràng buộc và ông thà bị” chửi” còn hơn là sống mà không được làm theo ý mình. Vì vậy ông đã nhiều phen đi tìm tự do cho riêng mình. Đó là nói cho nhẹ nhàng, thực ra ông đã nhiều phen bị rượt chạy.
"Ta chạy vòng vòng
Ta chạy mòn chân
Nào có hay đời cạn
Nào có hay cạn đời” (*)
Rồi sau mấy mươi năm
“Ta chạy tàn đời
Ta chạy mòn hơi
Quì té trên đường rồi
Sợi tóc vương chân người.."(*)
Ông lại trở về.
Và sự trở về của ông cũng thật ghê gớm
"Người từ trăm năm
Về như dao nhọn
Dao vết  ngọt đâm
Ta chết trầm ngâm
dòng máu chưa kịp tràn” (*)
Trong CD, hàng ngàn người Việt đang ngồi chật kín khán phòng để được nghe nhạc Phạm Duy với giá vé không rẻ chút nào.  Dù chàng trai trẻ Đức Tuấn hát ”Nương Chiều” không sánh được với Anh Ngọc, Duy Trác. Dù Thu Minh” Cô Bắc Kỳ nho nhỏ” không đẳng cấp bằng Lệ Thu trong ”Thuyền Viễn Xứ”, người đi xem vẫn thấy hạnh phúc vô cùng. Trong niềm vui vì được nghe những giai điệu bay bổng có pha nỗi niềm của những con tim, trong một phút được tung cánh bay về một cõi tự do dù chỉ là trong tâm thức.
Thời gian luôn là thử thách công bình nhất. Sau mấy mươi năm dù “Dư Âm”bị chính tác giả ngoảnh mặt làm ngơ, nó vẫn sống mãi trong trái tim những người “hẹn nhau từ muôn kiếp trước”
Tấm lòng của người đời vừa khe khắt vừa  độ lượng và  chung thuỷ biết bao. Cho nên, đối với em từ bỏ Pham Duy sao mà quá khó.
Dù sao Phạm Duy cũng đã tuyên bố
"Tôi còn yêu
Tôi cứ yêu
Cho dù tôi đã chết rồi
Cho dù ai oán ghét tôi
Cho dù ai xa lánh tôi” (*)
Phải mấy trăm năm mới có một Nguyễn Du. Không dễ thời nào cũng có được một Phạm Duy, một Trịnh Công Sơn. "Ngoài những giây phút xuất thần, họ cũng có quyền sống cuộc đời bình thường, lắm lúc u mê, sai lầm giống như anh và em.
“Chiều rơi trên đường vắng
Có ta rơi giửa chiều
hồn ta như vạt nắng
theo làn gió đìu hiu”(*)
Mỗi khi nghe lại bài “Đường Chiều Lá Rụng” em lại thấy  Phạm Duy  thật đẹp. Có lẽ ông không biết  mình giá trị đến dường nào. Nếu biết, ông đã không đển nỗi “hư hỏng” như anh nói.
Mong một ngày anh trở về với ngôi nhà thời thơ ấu của anh em mình, nơi có “vườn rau trước hè cười đón người về” 
(*) lời ca của Phạm Duy và thơ của Nguyễn Tất Nhiên.
 http://www.vanchuongviet.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Từ một trang văn Trang Thế Hy

Từ một trang văn Trang Thế Hy “Tiếng sấm Đồng Khởi” Bến Tre (1960) âm vang dai dẳng dồn dập nhiều năm khiến chế độ cộng hòa đương thời còn...