Thứ Sáu, 7 tháng 11, 2014

Nhạc Sĩ Đặng Thế Phong với thu ca tam khúc

Nhạc Sĩ Đặng Thế Phong với thu ca tam khúc

Trong thời sơ kỳ của dòng nhạc Tiền Chiến Việt Nam vào khoảng thập niên 1940, những nhà sáng tác tân nhạc tiên phong có công đưa Việt nhạc tiếp cận cùng những âm điệu Tây phương, đã thể hiện lối trình bày âm thanh bằng sự rung động nơi chân cảm qua nhịp điệu vừa trầm lắng vừa bay bổng cùng những lời ca trữ tình, sầu mộng nghe như chơi vơi giữa khung cảnh đầy màu sắc của một thời thanh bình tuy có phần ngắn ngủi trong dòng sử cận đại Việt Nam, nhưng chất chứa nhiều nỗi tình tự quê hương và những cuộc tình lãng mạn.
Một trong những nhạc sĩ tiên phong tiêu biểu kể trên chính là Đặng Thế Phong.
Đặng Thế Phong sinh năm 1918 tại Nam Định, miền Bắc Việt Nam. Thân phụ ông làm nghề thông phán ở Sở Trước Bạ thành phố Nam Định tên là Đặng Hiển Thế. Khi đang học năm thứ 2 của bậc Thành Chung (deuxième anné primaire supérieure) tại trường Saint Thomas D’ Aquin thì bố ông qua đời để lại gia đình lâm cảnh túng thiếu nên ông phải nghỉ học và lên Hà Nội làm việc. Trong thời gian này, Đặng Thế Phong vừa làm nghề vẽ vừa theo học với tính cách dự thính tại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương cho đến năm 21 tuổi. Ông đã bước vào lứa tuổi thanh xuân với những chuổi ngày phiêu bạt, dẫn đến con đường đầy gian lao với kiếp phong trần lận đận túng thiếu như là một định mệnh luôn khắc khe và thử thách đối với người nghệ sĩ tài hoa. 
Có lẻ âm nhạc đã đến với Đặng Thế Phong như là mối duyên nợ từ xa xưa, luôn tiềm tàng và quanh quẩn bám theo cuộc đời nghèo túng của ông được thể hiện qua tài năng chớm nở đa dạng khi ông tự tìm hiểu nghệ thuật âm thanh và có khả năng sử dụng được khá nhiều nhạc cụ, vì trong thời đại của Đặng Thế Phong dòng tân nhạc Việt hãy còn phôi thai nên sự phổ biến và truyền bá lý thuyết âm nhạc tân thời cùng sự thực hành qua nhạc cụ còn rất hiếm hoi và còn bị xem như là một lối tiêu khiển xa xỉ, vô bổ.
Sáng tác đầu tiên của Đặng Thế Phong là ca khúc “Đêm Thu” ra đời vào năm 1940, được biên soạn theo nhịp điệu valse và ở phần phiên khúc được thể hiện bằng chủ âm thứ với âm hưởng trầm buồn, day dứt như dìu người nghe nhẹ bước cùng tác giả đi vào một khu vườn khuya đầy tinh tú trăng sao để cảm nhận được sự thanh tịnh của tâm hồn rồi lắng đọng theo dòng suy tư cùng vạn vật vũ trụ trong không gian của mùa Thu êm ả, dịu dàng, với những làn gió lay động như nâng niu nắn nót từng hạt sương kết đọng trên cành làm cây trĩu nặng chẳng khác gì những nỗi vương vấn, sầu thương từ lâu ôm ấp nhớ nhung người trong mộng, bằng những lời thơ rất gọn gàng trọn ý:
“Vườn khuya trăng chiếu
Hoa đứng im như mắt buồn
Lòng ta xao xuyến
Lắng nghe lời hoa
Cánh hoa vươn buồn trong gió
Ánh hương yêu nhẹ nhàng say gió lay
Cành sương nặng trĩu
Ru bóng đêm trong ánh vàng…”

Tuyệt diệu hơn, Đêm Thu còn được nối kết bằng đoạn chuyển động của phần điệp khúc mang chủ âm trưởng như là một hình thức biến tấu khúc diễn tả sự biến đổi tâm trạng nghe thật sinh động và sâu sắc hơn khi ánh trăng đã cùng ta trải rộng cõi lòng trước cảnh vật thiên nhiên:
“Qua lá cành
Ánh trănh lan dịu dàng
Đêm lắng buồn
Tiếng Thu như thì thầm
Trong hàng cây trầm mơ…”

Đêm Thu - Mai Hương
Đêm Thu - Lê Dung 
Vào khoảng đầu năm 1941, vì sinh kế Đặng Thế Phong từ bỏ Hà Thành đi vào Sài Gòn rồi tiếp tục dong ruổi bước chân sang Nam Vang và phải trải qua những ngày tháng khó khăn nghèo túng. Tuy ở Nam Vang ông có mở một lớp dạy nhạc nhưng cũng không thành công cho lắm nên vào mùa Thu cùng năm ông lại cất bước trở về Hà Nội. Và có lẽ nhìn thấy được kiếp đời bôn ba của mình cứ lững lờ trôi dạt khắp nẻo phương trời không khác gì một con thuyền phiêu lưu không bến bờ, nên trong thời gian lưu trú ở Nam Vang nhạc khúc “Con Thuyền Không Bến” đã được Đặng Thế Phong hoàn tất như là một thông điệp gửi gấm cho hậu thế những suy nhận của ông về một kiếp người trầm luân, vô định.
Qua nhạc khúc “Con Thuyền Không Bến”, Đặng Thế Phong lại càng chứng tỏ một cách hùng hồn về tài năng sáng tác của ông ở lĩnh vực Tình Ca Lãng Mạn vốn là đặc tính và đối tượng tác khúc của dòng nhạc Tiền Chiến. Hòa với nhịp điệu nhẹ lơi của đoạn intro được trải đều trên các khuôn nhạc ở thể trình bày tự do, ý tưởng gói ghém trong 4 câu thơ nhập khúc đã nhanh chóng nêu bật lên hình ảnh của chủ đề bài hát thật tài tình khi nó diễn tả trọn vẹn sự kết hợp giữa cảnh vật và nỗi lòng thi nhân qua những suy tư nhiều phần đậm nét cảm khái hơn là cảm thán như một số nhận định từ trước nay về bài hát này:
“Đêm nay thu sang cùng heo may
Đêm nay sương lam mờ chân mây
Thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng
Như nhớ thương ai chùng tơ lòng...”
Và cũng chỉ cần 4 câu thơ này đã cho thấy một kỹ thuật dụng ngữ sắc sảo của Đặng Thế Phong như khẻ vung vài đường cọ tinh tế để tạo thành một bức tranh miêu tả tổng hợp gồm những làn sương màu lam phản chiếu trong ánh dạ quang làm mờ mịt chân mây khi màn đêm chậm rãi buông xuống theo nhịp chuyển hóa của thời không để đưa ta đi vào khung cảnh của mùa Thu bên dòng sông lững lờ một con thuyền trôi miên man, nhất là thuật ngữ “chùng tơ lòng” đã trở thành một hình dung từ giải mã chính xác những ẩn số trừu tượng của nổi xúc cảm nghe thật phiêu diêu, ngây ngất.

Con Thuyền Không Bến - Khánh Ly
Con Thuyền Không Bến - Ngọc Hạ 
Từ cách dụng ngữ đến hồn thơ ý nhạc, “Con Thuyền Không Bến” đã đạt đến trình độ cảm tác một cách xuất thần và tràn đầy chân tình của người nghệ sĩ phong sương Đặng Thế Phong, nên tác phẩm này được đã được liệt vào hàng ca khúc bất hủ trong nhạc tàng Việt Nam.
Sau những ngày tháng gian truân lưu lạc đó đây với cảnh đời cơ cực túng quẩn, Đặng Thế Phong đã nhuốm bệnh lao và khoảng đầu năm 1942 ông đã rũ dứt nợ trần ra đi vĩnh viễn tại phố Hàng Đồng, Nam Định, hưởng dương đúng 24 tuổi là quảng đời tuy ngắn ngũi nhưng lắm phong ba trôi nổi.
Và trước khi lâm chung, ở những ngày cuối cuộc đời mình Đặng Thế Phong lại viết thêm một nhạc khúc có tên là “Vạn Cổ Sầu” nhưng sau đó dựa theo ý kiến của một số bạn hữu, ông đã đổi thành tựa đề “Giọt Mưa Thu” trong ý nghĩa giảm bớt tư tưởng bi ai, sầu khổ.
“Giọt Mưa Thu” là tác phẩm cuối đời của Đặng Thế Phong nên đã chất chứa toàn bộ những nổi trăn trở, xót xa, u ẩn và rất bi thương vốn đã đè nặng trên đôi vai của ông trong những chuỗi ngày thanh xuân phải lăn lộn với cuộc sống. Riêng về âm điệu, “Giọt Mưa Thu” cũng là một sự kết tinh linh động giữa âm giai của Tây phương và âm điệu Việt Nhạc qua phần chuyển âm nơi điệp khúc và 1 số đoạn nhạc trong phiên khúc như càng làm toát ra thêm đại ý trăn trối nhắn nhủ của bài hát qua những nét nhạc mang tâm trạng chia ly, từ biệt trong khung cảnh mưa Thu rơi thánh thót nhưng lòng buồn thảm, gió thoảng mơ hồ lại xa vắng lê thê vì người nghệ sĩ tự biết mình sắp sửa phải chia tay cùng mùa Thu trong đời:
“Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi
Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi
Nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu
Ai khóc ai than hờ !
Vài con chim non chiêm chiếp kêu trên cành
Như nhủ trời xanh
Gió ngừng đi
Mưa buồn chi
Cho cỏi lòng lâm ly.....”

Lồng trong âm điệu trầm buồn của dòng nhạc, những lời ca ai oán của Đặng Thế Phong trước phút sinh ly tử biệt như càng tỉ tê hơn theo tiếng mưa rơi và càng não nề như gió thoảng xa xôi khiến ta càng nhìn thấu cái lẽ vô thường của kiếp nhân sinh.
Qua bối cảnh đặc biệt này, ca khúc “Giọt Mưa Thu” đã diễn đạt đầy đủ sự thương cảm của Đặng Thế Phong và cũng trở thành 1 tác phẩm hàng đầu trong danh sách bất hủ của dòng nhạc Tiến Chiến Việt Nam.
Ngoài ra cũng có 1 số tài liệu cho rằng Đặng Thế Phong còn sáng tác một số bài hát như: “Sáng Rừng”, “Sáng Trăng”, “Sầm Sơn”, nhưng vẫn không được phổ biến cho lắm. Và tuy những tài liệu ghi chép về cuộc đời tài hoa của Đặng Thế Phong cũng ít ỏi như những ngày tháng ông còn tại dương thế nhưng trong lòng của thính giả yêu nhạc chỉ cần “Thu Ca Tam Khúc” nói trên của ông đã đủ nói lên sự nghiệp cống hiến quý báu cho nền tân nhạc Việt Nam trong thời kỳ phôi thai và còn ảnh hưởng đến ngày nay.

Giọt mưa thu - Khánh Ly
Giọt mưa thu - Ánh Tuyết 
Trải qua hơn 6 thập niên tuế nguyệt, một thời gian tương đối dài nhưng vẫn không thể làm phai nhạt được những nốt nhạc trầm tư về “Thu Ca” của Đặng Thế Phong trong tâm hồn mọi người và ngược lại còn thôi thúc thêm lòng cảm phục, mến mộ, tiếc thương cho một thiên tài âm nhạc phải mang kiếp phong trần đoản mệnh.
Hồng Vân 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Từ một trang văn Trang Thế Hy

Từ một trang văn Trang Thế Hy “Tiếng sấm Đồng Khởi” Bến Tre (1960) âm vang dai dẳng dồn dập nhiều năm khiến chế độ cộng hòa đương thời còn...