Những nốt nhạc dương cầm như đóa hoa vô thường chớm nở
Lê Giang Trần
Theo tài liệu sưu tầm, đàn piano du nhập vào Việt Nam khoảng 15 năm trước thế kỷ 20, do một nhạc sĩ người Pháp tên Camille Saint-Saens (sinh năm 1835 tại Paris, mất 1921 ở Alger) từng đến Sài Gòn năm 1892 và có thời gian nghỉ ngơi ở Côn Đảo. Cho đến thập niên 1930, khi nền Tân Nhạc Việt Nam thành hình, Piano mới được thưởng thức rộng rãi từ đó.
Về cấu trúc, đàn dương cầm có 88 phím nên bao trọn cả âm vực của giàn nhạc giao hưởng cũng như tất cả loại giàn nhạc. Âm thanh dương cầm có nhiều sắc thái phong phú, có thể vang dội như sấm rền hay nhỏ nhẹ thánh thót êm ái như nước chảy róc rách. Đàn piano vì thế cho người nghệ sĩ thoải mái chuyển tải mọi cung bậc cảm xúc thành âm nhạc, mỗi động tác gõ phím ở cường độ nhẹ nhàng nhất hay mạnh tay nhất đều được phát ra âm thanh rõ ràng, từ trầm ấm đến trong trẽo, một cách đầy mỹ cảm.
Việt Nam hiện nay đã có khá nhiều dương cầm thủ, pianist, nổi tiếng quốc tế đương thời như Đặng Thái Sơn chẳng hạn. Minh Phượng nghe nhắc đến Đặng Thái Sơn, đã cười dịu dàng, nhỏ nhẹ bảo rằng Thái Sơn có tiếng đàn mà Minh Phượng ái mộ từ khi còn trẻ. Lời thú nhận chân tình ngắn ngủi thôi, nhưng làm tôi ngầm cảm mến người nghệ sĩ dương cầm này có tâm hồn nghệ sĩ thực sự, quý trọng những người có nghiệp dĩ cùng với cô. Theo 2 bài viết giới thiệu của BP Hạ Đỗ và Hồ Văn Xuân Nhi đăng trên 2 số báo Sống gần đây nhất (số 169&170) của tháng 10, 2014, Minh Phượng học đàn Piano từ lúc 6 tuổi và cô đã tốt nghiệp ưu hạng ở trường Quốc Gia Âm Nhạc Huế với chuyên ngành nhạc cổ điển. Sau đó Minh Phượng có mở lớp dạy dương cầm và thỉnh thoảng tham gia trình diễn nhạc thính phòng ở Việt Nam.
Ngoài tài năng về đàn dương cầm, Minh Phượng còn có giọng ca ngọt ngào ấm áp, thích hợp với thể loại nhạc tiền chiến nói chung, và nhạc Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, Đức Huy v.v. như đĩa CD ca nhạc "Lặng Lẽ Tiếng Dương Cầm" của Minh Phượng đã phát hành trước đây, trình bày 10 nhạc phẩm chọn lọc qua tiếng hát của Minh Phượng với nền nhạc chính là tiếng dương cầm thì thào nhỏ nhẹ, kèm theo những vạt lụa violon và hơi thở ngào ngạt của tiếng kèn trumpet uốn lượn vờn quanh, hay nỉ non tí tách như mưa rớt giọt của tiếng guitar thùng.
Tiếng hát Minh Phượng rất riêng, không nhận thấy có ảnh hưởng hơi hướm của một tài danh nào, do đó nhanh chóng mời gọi thính giả chú tâm vào tiếng hát ấm áp có chút đục khàn duyên dáng truyền cảm, đủ cho tâm hồn người nghe bảng lảng chìm vào ý tưởng của lời hát du dương, giống như lặng lẽ bước theo sau lưng một cô gái mình ngầm yêu mà chỉ biết âm thầm im lặng bước theo chân người ấy. Tiếng hát ấy thong thả cũng giống như cô gái ấy cố tình bước đi khoan thai để cho người đi theo sau lưng mình sẽ ngấm vào tim tất cả hình dáng e ấp khêu gợi phảng phất hương thơm trong gió thoảng.
Minh Phượng hiện định cư tại California và đã có những dịp phô diễn tiếng đàn dương cầm của cô ở một vài thành phố lớn tại tiểu bang này. Ngày 02 tháng 11, 2014 sắp tới, Minh Phượng sẽ có một chương trình nhạc thính phòng để ra mắt CD của mình với chủ đề "Đóa Hoa Vô Thường", là tên một trường ca nổi tiếng của Trịnh Công Sơn. Khán thính giả sẽ được thưởng thức tài đàn dương cầm của Minh Phượng, còn được thưởng thức tiếng ca ngọt ngào truyền cảm của một tâm hồn cố đô Huế lãng mạn mà cô sẽ đặt hết tinh thần vào trường khúc "Đóa Hoa Vô Thường", là một sự so tài đầy tự tin của Minh Phượng, vì ai cũng biết trường khúc này đã từng được trình diễn bởi những ca sĩ nổi tiếng, hát nhạc Trịnh diễn đạt rất tới, như Khánh Ly, Hồng Nhung, Trịnh Vĩnh Trinh, Quang Tuấn, Trần Thái Hòa, Đức Tuấn, Diễm Liên, Cẩm Vân, Mỹ Linh v.v.
Minh Phượng là một cô gái Huế, nơi nổi tiếng người sinh ra trên thổ ngơi này có tâm hồn tình tứ lãng mạn; có lẽ chính thế, cô thổ lộ cô rất yêu thích nhạc Chopin, nhạc sĩ sáng tác nhạc ngắn cho dương cầm, còn có thêm tài đàn dương cầm xuất chúng. Trên diễn đàn mạng, có nhận định: "Chopin là nhạc sĩ rất khéo léo, dùng bàn đạp (pedal) của dương cầm để có được các cấp độ về sắc nhạc (color) và tiếng vang (sonority); cũng như có cách bấm phím mới (new fingerings), dùng hết khả năng của ngón cái hay ngón thứ 5 trên các phím đen, tận dụng cách trượt ngón từ phím đen xuống phím trắng hay dùng kỹ thuật bắt chéo tay, Chopin đã đàn các bản đàn rất khó biểu diễn trước kia thật dễ dàng; và do trí tưởng tượng sáng tạo, các luyện khúc của Chopin đã làm cho thể loại bài tập tầm thường này biến thành các nhạc phẩm mang chất lượng biểu diễn”.
Trong thời ông sống ở thế kỷ 19, dù ngắn ngủi (ông mất lúc 39 tuổi), dòng nhạc lãng mạn gợi cảm của ông đã góp phần đóng lại giai đoạn nhạc cổ điển (1730-1820) để mở ra trường phái lãng mạn (1815-1910). Giới âm nhạc cho rằng Giai đoạn Cổ điển và Giai đoạn Lãng mạn đã làm nên những thành tựu, những kỳ tích, những mẫu mực về âm nhạc của loài người. Và, Chopin được coi là người viết nhạc tình cảm lãng mạn bằng những giai điệu lộng lẫy nhất của nhân loại. (Chúng ta có thể thưởng thức bộ đĩa CD Chopin của Đặng Thái Sơn, vì nghệ sĩ Đặng Thái Sơn được giải Nhất cuộc thi âm nhạc piano Chopin năm 1980). "Chopin đã dùng kỹ thuật của đàn dương cầm để chuyển âm nhạc thành một nghệ thuật rất thơ mộng, một cách diễn tả trữ tình bằng âm thanh", là một nhận định khác được phát biểu.
Âm nhạc của Chopin, từ preludes (dạo khúc), nortunes (dạ khúc), mazurkas (vũ khúc dân gian Ba Lan), impromptus (khúc ứng tác)… đều có nội dung sâu sắc và đẹp đẽ. Điển hình như etude, luyện khúc, chủ yếu tập chạy ngón nên khô khan, giai điệu không hay vì chú trọng kỹ thuật. Nhưng tới Chopin thì khác, ông là người tiên phong viết etude mà giai điệu vẫn đẹp lạ thường. Vì thế đã có nhận xét nhạc của Chopin là âm nhạc của tình cảm và nội tâm, mà ở thế giới đó, mỗi nghệ sĩ khi tấu lên đều có thể tự do thể hiện theo thu nhận riêng của mình. Tuy nhiên nhà văn Pháp André Gide (giải thưởng văn chương Nobel 1947) trong bài viết những ghi chép về Chopin, ông không hài lòng với hầu hết những dương cầm thủ chơi nhạc Chopin, cho rằng họ không diễn đạt trọn vẹn tinh thần lãng mạn của Chopin mà có khi còn làm hỏng… Tôi rất thích thú với những phê bình của ông, một người có lẽ thưởng thức thật rành rẽ về nhạc cổ điển. Khá dài dòng để quay trở lại với tâm hồn của xứ Huế lãng mạn đa tình, có lẽ do đặc thù của tâm hồn xứ Huế như thế nên dễ cảm xúc trước dòng âm nhạc lãng mạn trữ tình của Chopin, mà, người nghệ sĩ dương cầm, cô gái Huế Minh Phượng, tự cảm thấy dòng nhạc tràn lan thơ mộng của Chopin đã chinh phục tâm hồn cô. Hãy hình dung giống như những đóa hoa xinh đẹp một cách lãng mạn rộ nở trong một khu vườn cũng toát ra đầy lãng mạn quyến rủ, càng làm cho sự hài hòa phối ngẫu đó thêm mượt mà lộng lẫy; Nói như thế để hình dung những ngón tay của người nghệ sĩ rung động những phím đàn như cuộc phối ngẫu yêu đương dâng tràn đam mê quấn quít nhịp nhàng nín thở hay oằn oại cuồng nhiệt hay dịu dàng mơ trớn vuốt ve, làm cho những phím đàn nếu tưởng tượng không có những ngón tay lướt trên đó sẽ giống như một con rắn đang uốn mình giao hoan hạnh phúc.
Trịnh Công Sơn sinh trưởng nơi thổ ngơi của cố đô, nhạc ông khi xuất hiện đã mông mênh lãng mạn trữ tình. Bản chất trữ tình ấy, dù đến khi ông đã qua khỏi độ tuổi trung niên, dòng nhạc ông đã nhẹ nhàng đầm thấm, bình tĩnh, sâu lắng, đến độ có người cho là mang hơi hướm thiền, nhưng trong đó, dù được xem đầy thiền tính chăng nữa, vẫn luôn chuyên chở một con đò lãng mạn trên dòng sông trăng xứ Huế. Giống như thơ của Tuệ Sĩ, ẩn nấp trong ngôn ngữ trong sáng của một vị chân tu lại có thứ ánh sáng mượt mà tình tứ của con trăng chiếu rọi mà không cần phải có ngôn ngữ diễn tả sự gợi tình. Trường ca "Đóa Hoa Vô Thường" của họ Trịnh được nhạc sĩ Phạm Duy phóng đoán: “một hai năm trước 1975, nhạc Trịnh Công Sơn đi vào Thiền, tôi phỏng đoán “Ðóa hoa vô thường” có lẽ đã được viết vào thời gian này”. Thế nhưng mãi thật lâu về sau, sự xuất hiện trở lại của trường khúc này mới thật sự nổi bật một cách sôi nổi. Đã có một bài viết công phu khá dài bàn về những "ngôn từ" của trường khúc 12 đoạn này. Minh Phượng chọn tựa trường ca “Ðóa Hoa Vô Thường” làm tựa đề cho CD sắp ra mắt của cô, chắc chắn cô sẽ trình diễn nhạc phẩm này với piano vì là nhạc phẩm chủ đề và dương cầm chuyên nghiệp. Ở đây, tôi muốn nói đến cảm nhận của tôi về sự đồng cảm lãng mạn với nhạc Trịnh của người nghệ sĩ dương cầm, cộng thêm yếu tố Minh Phượng đặc biệt đồng cảm với âm nhạc lãng mạn của Chopin từ khi cô học tấu những nhạc khúc cổ điển, giúp tôi mạnh dạn tin rằng người nghệ sĩ dương cầm thủ cũng như ca sĩ xứ Huế Minh Phượng sẽ thể hiện trọn vẹn một cuộc hôn phối những nốt nhạc tây phương với nội tâm e ấp tình cảm lãng mạn Việt.
Một bản nhạc ghi nốt, cũng như một quyển thơ chép lời, chúng có 3 giai đoạn: giai đoạn đầu là giai đoạn được sinh ra sống động trong lúc tác giả rung lên những nốt nhạc; ngay lúc thi sĩ phóng bút viết xuống tờ giấy những dòng thơ rồi ngâm nga lên. Sau khi chúng được in ấn thành tác phẩm, bấy giờ chúng phải chờ đợi một định mệnh khác, và trong lúc chờ đợi, chúng giống như quặng mỏ nằm im lìm hay mộ phần xanh cỏ không khác. Giai đoạn 3 là giai đoạn phục sinh, khi chúng lại một lần nữa được ai đó mang ra hát lên, ngâm lên. Và, người thể hiện việc này, bằng tâm hồn của họ, sẽ làm cho mức độ phục sinh hóa hiện của chúng huy hoàng hay sẽ hẩm hiu.
Chính vì thế, một nhạc sĩ, một nhà văn, một nhà thơ, trước tiên nếu không gởi trọn vẹn tâm hồn của mình vào nốt nhạc hay con chữ, thì cái gọi là tác phẩm ấy sẽ không bao giờ được gọi tác phẩm cả. Cũng giống như thế, người nghệ sĩ diễn đạt là người làm sống dậy những tác phẩm, bằng cách phà vào chúng một thứ sinh lực gọi là tình yêu, đam mê, tâm hồn, nhiệt huyết, tài năng diễn tả, để trao gởi những tác phẩm này đến người thưởng thức thưởng lãm. Chính công lao và tài ba ấy, được công chúng cảm tạ bằng cách xưng tụng cho họ một danh dự, một danh xưng là nghệ sĩ.
Rõ ràng, nhạc cụ nào cũng thế, cây đàn dương cầm chỉ sống động khi có người rung động những phím đàn của chúng. Và thật kỳ lạ, mỗi một nghệ sĩ đàn, hát cùng một bản nhạc nhưng đều được nghe khác nhau; và thật đặc biệt, có khi chỉ một nghệ sĩ thể hiện tác phẩm ấy, từ đó về sau không người nghệ sĩ nào muốn, hay đủ can đảm, đàn, hát lại, vì người nghệ sĩ kia đã diễn đạt quá tuyệt vời. Do thế, ngoài tài ba, tâm hồn của người nghệ sĩ thật quan trọng, chính từ đó thể hiện ra tiếng đàn hay giọng hát của mình, ngoài cái thiên phú bẩm sinh.
"Lặng Lẽ Tiếng Dương Cầm" là tựa một nhạc phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 mà có lẽ Minh Phượng muốn mượn dùng làm ẩn ngữ để nói rằng tiếng thánh thót của dương cầm giờ đây chỉ còn vương vấn trong đêm khuya…. Tôi không tin Minh Phượng có ý tạm chia tay với dương cầm để trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp. CD “Ðóa Hoa Vô Thường” sắp ra mắt vào ngày 02 tháng 11 tới đây cũng là một đĩa nhạc lời hát có nền hòa âm chính là piano giống như thế, nhưng ý nghĩa của nhạc phẩm chủ đề này có cái đẹp tươi sáng nằm trong nỗi buồn mông mênh, như ở đoạn 7 là 4 câu 6 và 8 chữ: Mùa đông cho em nỗi buồn Chiều em ra đứng hát kinh đầu sông Tàn đông con nước kéo lên Chút tình mới chớm đã viên thành
Và tôi muốn quay về đoạn 5:
Trong vườn mưa tạnh Tiếng nhạc hân hoan Trăng vàng khai hội Một đóa hoa quỳnh
Để thấy một cuộc khai hội bằng một đóa quỳnh trong trắng tinh khôi nở dưới ánh trăng vàng tình tứ. Đóa quỳnh mà họ Trịnh ngầm nói là rất phù du, vội nở vội tàn, nhấn mạnh tính chất "vô thường" của nhà Phật để chúng sinh đừng say đắm vào những thứ sẽ tàn tạ theo thời gian theo quy luật có sinh tất có diệt, mà ở phân đoạn 12 cuối cùng, thi sĩ Trịnh đã nêu rõ là:
Từ đó hoa là em Một sớm kia rất hồng Nở hết trong hoàng hôn Ðợi gió vô thường lên
đó là một ví von đẹp đẽ và dành chung cho sinh vật nơi địa đàng trái đất này, không riêng gì đóa quỳnh, con người rồi ra ai cũng như nhau, như 2 câu cuối của nhạc phẩm: Từ đó ta là đêm /Nở đóa hoa vô thường. Không vì thế mà ta sa vào tư tưởng yếm thế, chính phong cách sống mãnh liệt, dù là sống rất ngắn ngủi như đóa quỳnh hương vội nở chóng tàn, những giây phút sống nồng nhiệt với cuộc đời mới thật sự làm nên và nói lên đời sống. Biết đâu, giây phút mà chúng ta gọi là quá ngắn ngủi đối với đóa quỳnh hương, nhưng với chính đóa hoa thì là đã đủ rồi trăm năm? Đời sống của mỗi loài vật đều có một thời gian sống mà tạo hóa đã ấn định. Điều thú vị là ngoài con người thường hay ưu tư về cái chết, những sinh vật khác đều thản nhiên chấp nhận quy luật hóa sinh. Nếu ai biết học lấy bài học này, sẽ hạnh phúc và tri ân từng giây phút sống còn của mình.
Tôi muốn nói rằng hãy đến với Minh Phượng với tất cả những gì người nghệ sĩ này cung hiến cho đời, giọng ca hay tiếng đàn cũng đều là những đóa hoa vô thường cả, vấn đề là tâm hồn mình có biết trân trọng đóa hoa đã từng trong một giây phút ngắn ngủi nào đó nhưng đã cống hiến cho tâm hồn ta ngay lúc bấy giờ có một khoảnh khắc thật tuyệt diệu, yêu đời, yêu hoa, yêu hương thơm; và sự ngây ngất ấy bỗng làm cho nhìn lên ánh trăng vàng trông vầng trăng sao thật tình tứ thơ mộng, đêm thật tuyệt diệu, giấc ngủ sau đó là một giấc ngủ thật bình yên, hạnh phúc. Dòng nhạc dương cầm chảy róc rách và tiếng hát truyền cảm của một cô gái Huế bỗng mơ hồ lãng đãng giống như lời ru dịu dàng êm ái phảng phất mùi quỳnh hương nồng nàn thơm ngát…
vé máy bay eva giá rẻ
đặt vé máy bay đi mỹ ở đâu
korean air booking
đặt vé máy bay đi mỹ online
săn vé máy bay giá rẻ đi canada
Cuoc Doi La Nhung Chuyen Di
Ngẫu Hứng Du Lịch
Tri Thuc Du Lich