Thứ Hai, 3 tháng 11, 2014

Trịnh Công Sơn và những cảm tác đầu đời

Trịnh Công Sơn và những 

cảm tác đầu đời


Một trong những khía cạnh đặc sắc của nhạc Trịnh Công Sơn được nhiều người thừa nhận là lời ca: lời ca như thơ, khác thường, độc đáo, sâu đậm... Nhiều chữ, nhiều đoạn, nhiều câu như khoác lên mình những hình ảnh, những bông hoa, những mảnh pha lê... với yến sáng, tinh thể cùng nhau đậu xuống sóng nhạc làm bằng khí huyết, xúc cảm của một thanh niên có năng khiếu riêng biệt, có sức cảm thụ nhạy bén trầm sâu, sống giữa một khung cảnh thiên nhiên đầy thơ mộng, hoài cảm và một hoàn cảnh xã hội có nhiều cơ duyên đáp ứng lòng người.  
Từ sau khi anh ra đi (1-4-2001), trở về với cát bụi, đã có rất nhiều bài viết, ấn bản nói về anh, tiếc thương anh. Và dưới đây là một chút hoài niệm của giáo sư Bửu Ý, một trong những người bạn Huế thân thiết của anh 
Tính quyết định trong những sáng tác đầu tay.
- Thời gian 1957-1960 là những năm chứng kiến sự ra đời những ca khúc đầu tiên của Trịnh Công Sơn. Và những ca khúc này, dẫu là đầu tiên, có tính quyết định đối với sự nghiệp của nhạc sĩ. Quyết định trong nét nhạc, trong văn phong, cũng như chỗ đứng của nhạc sĩ trong nghệ thuật âm nhạc và trong lòng người thưởng thức.
Riêng năm 1957 ghi dấu nhiều sự kiện và biến cố đặc biệt về tình hình xã hội và trong đời sống của Trịnh Công Sơn. Đó là năm thành lập Đại học (ĐH) Huế. Thành phố ĐH nghiễm nhiên mang một sắc thái mới, một nhiệm vụ mới. Trên đường phố lác đác có những sinh viên đầu tiên mang cà vạt hoặc đi trên những chiếc xe gắn máy hãy còn rất hiếm. Một số cơ sở vật chất được tạo dựng. Lớp giáo sư đầu tiên của ĐH là những người được đào tạo ở nước ngoài trở về, hăng say với sứ mệnh “du nhập những khoa học và tư tưởng hiện đại của thế giới”. Lần đầu tiên một giáo sư ĐH quan tâm đến một ca sĩ đã làm nên một hiện tượng trong làng ca nhạc và lan ra xã hội: Ông Nguyễn Văn Trung viết một tiểu luận nhan đề là Ảo ảnh Thanh Thúy gây chú ý ở các ĐH. Thanh Thúy là một ca sĩ rời Huế vào Sài Gòn lập nghiệp. Đó là một giọng ca trầm buồn, xuất hiện tại phòng trà ca nhạc Văn Cảnh ở Sài Gòn. Giọng ca “liêu trai” như tâm sự với người nghe trong cái vắng lặng của đêm khuya về những cảnh đời bất hạnh, trong đó hình như có bóng dáng của chính ca sĩ. 

Những chiêm nghiệm bắt nguồn từ sự giao thoa văn hóa Đông - Tây.
- Năm 1957 cũng là năm đăng quang cho chủ nghĩa hiện sinh của Tây phương: Albert Camus, một tác giả hiện sinh hàng đầu, được trao giải thưởng Nobel Văn chương. Không phải chỉ có hiện sinh mà thôi. Thuở ấy có ba luồng tư tưởng từ Tây phương giao thoa tại miền Nam làm cho thanh niên bận tâm: đó là phân tâm học, siêu thực và hiện sinh.
Phân tâm học đặt nặng vấn đề bản năng của con người, phân tích, giải thích các ứng xử, hành động bị dẫn dắt do những tầng sâu của ý thức là tiềm thức và vô thức. Mộng mị cũng là một đầu mối quan trọng để giải thích các bí ẩn.
Thơ siêu thực đã từng thổi đến một luồng gió khác lạ, mới mẻ, làm mở rộng thế giới thi ca. Lẫn lộn vào nhau những thực và hư, người và vật. Những hình tượng bay bổng: ngựa, đôi cánh... Mặt trời trở thành một bầu đỏ ối hay một vòng xoay tròn. Những hình ảnh mà ta bắt gặp trong mơ hay trong dự ước hơn là có thật. Hai nhà thơ tiên phong về siêu thực của Huế lúc bấy giờ là Võ Ngọc Trác, “thi sĩ Vỹ Dạ” - tác giả tập Thượng Thẩm và Ngô Kha với tập thơ Hoa cô độc do họa sĩ Rừng (Nguyễn Tuấn Khanh) trình bày và cả ba người này đều là bạn thân của Trịnh Công Sơn. Siêu thực cũng đi vào hội họa và lớp họa sĩ đầu tiên của ĐH Huế có những người hâm mộ các danh họa quốc tế như: Braque, Picasso, Chagall... và cũng là bạn thân của Trịnh Công Sơn. Đó là Đinh Cường, Rừng, Trịnh Cung.
Phong trào hiện sinh phát triển mạnh. Nó đặt ra những khái niệm như lưu đày và quê nhà, thực chất hay huyền thoại, nhà văn dấn thân, thái độ buồn nôn hay phản kháng, thỏa hiệp hay vong thân, các khái niệm phi lý, tự do, trách nhiệm... hay những vấn nạn như: tôi là ai, cuộc đời đáng sống hay không đáng sống...
Khởi đầu bằng thể thao và kết thúc bằng âm nhạc.
- Năm 1957, Trịnh Công Sơn 18 tuổi, tuổi sung mãn, yêu đời. Không những vậy mà thôi, người nhạc sĩ này khởi đầu rất yêu chuộng thể thao, đặc biệt là các môn: tạ, chạy đua, judo, và anh đã từng giật giải về chạy đua. Không may cho anh, anh bị tai nạn thể thao.
Nằm bệnh. Học hành trắc trở. Trịnh Công Sơn còn có một số bạn khác: Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tường Phong, Nhương Sao, Bửu Ý. Nhóm bạn ấn hành một tạp chí lấy tên là Quan Điểm với chí hướng cao nhưng mệnh yểu. Anh em có ước vọng quy tụ nhau thành một nhóm bạn văn nghệ, phần nào đó như những nhóm Tự Lực Văn Đoàn, Xuân Thu Nhã Tập, Đồng Vọng... trước đây, hay nhóm Sáng Tạo ở Sài Gòn. Anh em sinh hoạt với nhau không phải để đàn đúm mà là làm giàu cho nhau bằng cá tính, năng lực và sở trường của từng người.
Thời gian dưỡng bệnh, tạm xa trường học, Trịnh Công Sơn bắt đầu viết bài hát. Anh bắt đầu có những chuyến đi vào Sài Gòn, bắt đầu làm quen với giới ca nhạc và không khí các phòng trà.

Năm sau, 1958, Trịnh Công Sơn vào Sài Gòn học ở Trường Jean - Jacques Rousseau (Chasseloup - Laubat cũ). Ca khúc Ướt mi chào đời, được Nhà Xuất bản An Phú ấn hành, do Hà Thanh và Thanh Thúy trình bày. Bài hát này cũng như bài hát ra đời năm sau là Thương một người là những bài viết về bóng đêm ôm ấp giọng hát “liêu trai” giữa thành phố Sài Gòn. Ban đêm là không gian của kiếp người lầm lũi, là thời gian của đèn màu và chén đắng.
Giã từ nơi huyên náo năm 1959 để về lại với Huế êm đềm, với những đoàn học sinh áo trắng Đồng Khánh lóc cóc guốc mộc, với những hàng cây long não, những chiếc cầu, Trịnh Công Sơn sửa soạn rước vào tâm khảm một hình bóng thiếu nữ suốt đời không phai: đó là hình bóng của Diễm xưa, năm 1960, và ca khúc này cũng trở thành bất tử.
Bửu Ý
* Khởi đầu : Những sáng tác đầu tay mang tên Sương đêm, Chơi vơi... là những bài hát được "thử lửa" qua giọng hát nổi tiếng nhất ở Huế lúc bấy giờ là Hà Thanh nhưng chưa ấn hành, nay đã thất lạc.

Ướt Mi - Thanh Thúy 

Ướt Mi - Khánh Ly

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà văn Cao Duy Thảo và câu chuyện thời gian

Nhà văn Cao Duy Thảo và câu chuyện thời gian Với câu chuyện thời gian, tôi và nhiều người khác thường nghĩ ngay tới nhà văn Pháp vĩ đại Ma...