Thứ Tư, 26 tháng 5, 2021

Vài đặc điểm của văn học Việt Nam 1945-1975 qua ba tác phẩm tiêu biểu

Vài đặc điểm của văn học Việt Nam
1945-1975 qua ba tác phẩm tiêu biểu

Một thời kỳ văn học vừa có sự đa dạng về thể tài, phong cách, vừa mới mẻ bởi ít nhiều đã mang những đặc tính của của đời sống thế sự thời bình miền Bắc vào cuộc kháng chiến chung của toàn dân tộc.
Minh chứng cụ thể cho điều đó là những điểm nhấn tinh tế ở chính một vài tác phẩm lâu nay vẫn được coi là tiêu biểu cho giai đoạn này với Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu, Hơi ấm ổ rơm của Nguyễn Duy.
1. Vợ chồng A Phủ - điểm nhìn bên trong hay cuộc tra vấn nội tâm hồn nhiên
Vợ chồng A Phủ là một trong những tác phẩm văn xuôi có chỗ đứng vững vàng nhất sau những thay đổi về cảm quan văn học và cách thức đánh giá. Trong tác phẩm mang nhiều màu sắc phong tục này, khi tác giả đặt điểm nhìn trần thuật “nhập” vào đôi mắt Mị, đôi mắt ấy bỗng dưng có hồn vía sáng lạng của nhà văn, lại vừa giữ được sự thành thật hồn nhiên:
“Lúc ấy đã khuya. Trong nhà ngủ yên. Mị trở dậy thổi lửa, ngọn lửa bập bùng sáng lên. Mị trông sang thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở. Dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen. Thấy tình cảnh thế, Mị chợt nhớ đêm năm trước, A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng thế kia. Nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được. Trời ơi nó bắt trói đứng người ta đến chết. Nó bắt mình chết cũng thôi. Nó đã bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước ở cái nhà này. Chúng nó thật độc ác. Chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Ta là thân đàn bà, nó đã bắt về trình ma rồi, chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi… Người kia việc gì mà phải chết. A Phủ… Mị phảng phất nghĩ như vậy.”
Đọc lại dòng nội tâm của người phụ nữ H’Mông mang kiếp trâu ngựa trong chế độ cũ chợt nhận ra nhiều điểm tưởng như bình thường lại hàm chứa những chiều kích khác thường. Cô vừa sống với ý nghĩ cam chịu (Ta là thân đàn bà, nó đã bắt về trình ma rồi, chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi) nhưng lại cũng lại “phảng phấp” một sự phủ định quy luật ấy đến với A Phủ như là một sự phản kháng: “Người kia việc gì mà phải chết”. Cái nhìn đó thực tình không chỉ là cách mà Tô Hoài tạo ra để các nhân vật của mình để giải quyết “đỉnh điểm” của tình huống mang kịch tính. Thực chất, đó là cái nhìn mang tính chất tự vấn, như một cuộc tra vấn bản thân mình. Bất bình trước một con người đang chết dần trước mặt, cũng có nghĩa là khi “hồn” đã thoát ra khỏi phần “xác” bên ngoài để tự phán quyết về bản thân mình. Câu nói của Mị là sự bất bình với chính bản thân mình trong suốt những tháng ngày qua, một sự lên án những gì mình đã cam chịu. Đối chứng điều ấy với câu nói của Hồn Trương Ba, ta nhận ra một sự tương đồng và tiếp biến đến lạ: Vì để chứng minh ông tồn tại mà tôi cứ phải tiếp tục sống cuộc sống không phải là tôi ư? Không, ông phải tồn tại lấy chứ! (Hồn Trương Ba, da hàng thịt- Lưu Quang Vũ).
2. Mảnh trăng cuối rừng - Những khúc mắc nội tâm
Hiển nhiên, một tác phẩm tiêu biểu nhất cho khuynh hướng sáng tác của giai đoạn cũng sẽ bộc lộ đầy đủ những hạn chế tất yếu của khuynh hướng sáng tác ấy trong một hoàn cảnh rất cụ thể. Nhận xét của nhà phê bình N.I.Niculin: “Niềm tin vào tính bất khả chiến thắng của cái đẹp tinh thần, cái thiện đã được khúc xạ ở chỗ, anh đã tắm rửa sạch sẽ các nhân vật của mình, họ giống như được bao bọc trong một bầu không khí vô trùng…” đã đóng đinh cho một loại truyện vốn đã đóng khung về cách trần thuật. Nhưng, Mảnh trăng cuối rừng đâu phải chỉ có thế. Với ý thức sâu sắc về sở trưởng của truyện ngắn, tác giả đã tạo ra chiều sâu của tình huống truyện bằng nhiều lớp nghĩa khác nhau. Từ một tình tiết rất thực trong hoàn cảnh gấp gáp và thiếu thốn trong chiến tranh nên Nguyệt và Lãm không biết mặt nhau để cả hai đành phải trưng diện cái diện mạo tâm hồn thành thật nhất. Dẫu khi cả hai nhân vật đã thực sự khâm phục và cảm mến nhau thì lại nảy sinh một hoàn cảnh éo le hơn: Người đang bên cạnh mình đâu phải cô Nguyệt, đâu phải là anh Lãm mà mình gửi trọn tình yêu. Nhưng cũng không phải vì thế mà Nguyệt không dám che chở bom đạn cho Lãm (Tôi vừa kịp nhận ra mình đang đứng giữa một cái khe chỉ vừa một người, hai bên là hai gốc cây to. Nguyệt đang nấp ở mé ngoài); và Lãm cũng đã dành cho cô gái dám xả thân vì một tình cảm thật sự, bất chấp bóng hình cô gái xa xôi mờ nhạt mang tên Nguyệt kia (Thú thực, lúc ấy trong lòng tôi dấy lên một tình yêu Nguyệt gần như mê muội lẫn cảm phục).
Nhưng, điều đáng nói nhất, ngay từ khi còn đang mải mê “tắm rửa sạch sẽ các nhân vật của mình”, Nguyễn Minh Châu đã không quên hé lộ góc tối trong con người Lãm: Anh không dám tự phá bỏ lớp vỏ khô cứng lạnh lùng của mình để hỏi cho ra nhẽ người bạn đồng hành trên tuyến đường. Tất cả mới chỉ dừng lại ở:
“À, quên, tôi chưa kịp hỏi tên cô đấy nhé.
– Em là… Nguyệt!
– …À thế…!
Tôi vờ như không, vội đưa mắt ngắm cô gái một lần nữa thật kỹ lưỡng”.
Và tiếp sau đó là: “Lòng tôi rối như tơ vò. Chẳng lẽ lại đi hỏi thăm cô ta có biết chị Tính hay không? Chỉ cần hỏi thế, mọi sự sẽ vỡ ngay, nhưng tôi vẫn không muốn hoặc không dám hỏi. Tôi không muốn đi sâu vào câu chuyện riêng giữa chuyến công tác”. Những hiểm nguy của bom đạn trong tác phẩm này dường như chỉ đứng hàng thứ hai về độ gay cấn, về khả năng tạo ra sự hồi hộp, lối cuốn người đọc. Đứng hàng thứ nhất là sự gay cấn ở những lần cả hai suýt lộ diện như thế. Phải chăng, con người luôn thực hiện đúng kỷ luật thời chiến khi anh tự thú: Thú thật, trong đời lái xe của tôi, chưa bao giờ tôi mời một cô gái lên ngồi trong buồng lái, khi đứng trước ngưỡng cửa của cuộc gặp gỡ vẫn đề cao cái thể diện, tự trọng cứng nhắc kia để rồi sau đó để lại cho người đọc sự luyến tiếc. Để rồi, sự cứng nhắc, có phần trịch thượng mà nhút nhát đó sẽ bị phá vỡ, tự rạn nứt khi chúng ta gặp lại những: nhiếp ảnh gia Phùng (Chiếc thuyền ngoài xa), gặp lại Nhĩ (Bến quê), hay ông họa sĩ thành danh trong Bức tranh… Họ cứ có cái lý rất riêng để trốn tránh cái bổn phận phải chân thật để rồi phải sớm muộn phải trả giá. Có lẽ, Nguyễn Minh Châu không có nhiều nhân vật trở đi trở lại trong cái nhìn liên văn bản. Ấy vậy mà ta vẫn tìm ra những đặc tính chung với những mối liên hệ vừa tương đồng vừa tăng cấp như thế.
Văn học chống Mỹ chứa đựng sự đa dạng về nhiều phương diện. Hoàn cảnh lịch sử, nhiệm vụ, trách nhiệm với thời đại đã giúp các nhà văn đi đúng “đường ray” của sáng tạo. Tuy nhiên, những mầm mống của một “thế nhân đa sự” trong mười năm sau giải phóng ở miền Bắc và đặc biệt là cá tính sáng tạo đã giúp các nhà văn có những bước đột phá. Có thể là với một ý thức mạnh mẽ, có thể là những chi lưu vô tình được phát lộ khi tập trung khai thác những cảm hứng chủ lưu. Chỉ biết rằng, không thể và không nên đóng khung những định kiến về văn học giai đoạn này bằng những tổng kết, đúc kết một chiều như thế mãi mãi.
3. Hơi ấm ổ rơm - hơi hướng của giọng thơ thảo dân
Bài thơ có cái nhan đề mộc mạc, dễ hiểu và dễ nắm bắt ngay từ nhan đề đến nội dung. Nhưng đằng sau những câu thơ giàu chất tự sự như: Tôi gõ cửa ngôi nhà tranh nhỏ bé ven đồng chiêm/ Bà mẹ đón tôi trong gió đêm/ - Nhà mẹ hẹp nhưng còn mê chỗ ngủ/ Mẹ chỉ phàn nàn chiếu chăn chả đủ/ Rồi mẹ ôm rơm lót ổ tôi nằm, là một cái kết khá lạ: Hạt gạo nuôi hết thảy chúng ta no/ Riêng cái ấm nồng nàn như lửa/ Cái mộc mạc lên hương của lúa/ Đâu dễ chia cho tất cả mọi người. Nguyễn Duy viết như thế, theo phản xạ tiếp nhận kiểu truyền thống, người đọc sẽ nghĩ ngay đến sự tri ân hạt lúa, củ khoai, người nông dân, bà mẹ hậu phương, tình quân dân… Nhưng đọc lại, có thể thấy có sự phân tách giữa cái chung (tất thảy) với cái riêng (riêng cái ấm nồng nàn như lửa); giữa cái vật chất dễ nhận ra với phần tinh thần mà không phải ai cũng nhận thức được. Phần rơm rạ tưởng như rơm rác ấy lại ẩn chứa cái hồn lúa, tình người. Hơi ấm ấy chính là thứ “lửa” âm thầm sưởi ấm, là cái tình sâu sắc và bền bỉ.
Văn chương của mỗi thời đại có những đặc thù riêng mang tính lịch sử. Đặc thù ấy có thể là chân lý, là hướng đi đúng đắn với một thời đại nào đó. Nhưng đôi khi, các nhà văn có văn tài, có cảm quan nghệ thuật tinh tế sẽ tự nhận ra những hướng đi mới bắt đầu từ những gì đã quá quen thuộc. Văn học kháng chiến không phải là một ngoại lệ. Điều ấy góp phần minh chứng rằng: Sự đổi mới nào cũng có nền móng vững chắc và biện chứng mới có giá trị với lịch sử văn học.
6/4/2019
Nguồn: VĂN HỌC QUÊ NHÀ
Theo http://redsvn.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...