Ngày xuân, phiếm luận về thơ dân gian
Một trong những cách thể hiện niềm hân hoan của người Việt là
Thơ Giới nho sĩ khai bút xướng họa với nhau, giới nông dân hẹn hò ở những hội
mùa, trao đổi tâm tình qua giọng hò, tiếng hát.
Tết Nguyên Đán, về phương diện lễ lạc thuần túy, có lẽ là
ngày lễ duy nhất còn sót lại trong niên lịch của người Việt Nam. Tuy nhiên, đối
với người dân đô thị, tết Nguyên đán nay đã trở thành một hình thức lễ nghi,
không liên quan gì đến đời sống thực tế, đại khái như người tây phương ăn tết
Dương Lịch này; trong những điều kiện sinh sống khắt khe, tết nhất lại là một
lo âu cho nhiều gia đình.
Xưa kia Tết Nguyên Đán- cũng như các tết khác - là một ngày
vui gắn liền với đời sống dân quê. Sau vụ mùa tháng mười, nợ nần trang trải
xong, trong nhà vẫn còn thừa vài ba cót thóc, nhân tiết trời ấm áp, người dân tạ
ơn ông bà và chia niềm vui với bà con, hàng xóm láng giềng, với cả ruộng vườn
cây cỏ. Thong thả lưng nửa tháng rồi lại đầu tắt mặt tối lo vụ chiêm tháng năm.
Một trong những cách thể hiện niềm hân hoan của người Việt là
Thơ Giới nho sĩ khai bút xướng họa với nhau, giới nông dân hẹn hò ở những hội
mùa, trao đổi tâm tình qua giọng hò, tiếng hát.
Ví dụ như lối hát quan họ ở Bắc Ninh là một loại tình ca mùa
xuân, mà các công trình biên khảo mới nhất đặt vào thời Lý (1); đó là một lối
hát đôi, một đôi nam trong bọn này hát đối đáp với đôi nữ của bọn kia, dĩ nhiên
là rất giàu thi vị trữ tình. Ngoài lối quan họ đặc biệt của hội mùa xuân, người
dân còn nhiều lối hát khác, tùy hoàn cảnh, tùy địa phương, như hát Ả Đào, Hát
Dặm, Hát Vị, Hát Đò Đưa, Hò mái nhi, Mái đẩy, tựu trung vẫn là những hình thức
thi ca, lắm khi đạt tới chỗ điêu luyện trong không khí hồn nhiên, mộc mạc.
Phải chăng thơ là nghệ thuật gắn liền với sinh hoạt và tâm
tình của dân tộc?
Chúng ta có nhiều lý do để nêu lên nghi vấn đó.
Trước hết dân Việt Nam không có phương tiện nghệ thuật nào
khác để diễn tả tâm tình của mình; hội họa, điêu khắc, kiến trúc đòi hỏi những
phương tiện mà người dân khó hội được, chưa kể những nghệ thuật đó có những hạn
chế kỹ thuật, và lệ thuộc nhiều vào một xã hội phong kiến khắt khe. Thơ trái lại,
là nghệ thuật của ngôn ngữ hàng ngày, kèm theo cung đàn, nhịp phách, nếu có
thêm chút trăng thanh gió mát, nghệ thuật của đất trời, thì trở thành một
phương tiện đơn giản nhưng phong phú để diễn tả vừa tình vừa ý, những ý tình
đôi khi vượt khỏi khuôn khổ đạo lý xã hội, và thành những áng phong tình theo
gió cuốn.
Bên cạnh lý do tiêu cực nói trên thơ dễ phát triển vì ngôn ngữ
Việt Nam vốn giàu nhạc điệu và hình ảnh, hai yếu tố cần và đủ để tạo chất thơ (Tôi mở ngay dấu ngoặc: trong một phiếm luận vui xuân, tôi không đi sâu vào chi
tiết. Thật ra ngôn ngữ là sáng tạo của con người, sở dĩ tiếng Việt giàu nhạc điệu
và hình ảnh là vì tâm hồn người Việt giàu nhạc điệu và hình ảnh, tức là tiềm ẩn
chất thơ, xin nói thêm để dẫn con trâu đặt lại trước cái cày). Vì yêu thơ nên
người Việt luôn dùng thơ để diễn đạt : sân khấu cũng bằng thơ (tuồng, chèo, cải
lương) tiểu thuyết cũng bằng thơ. Trong văn chương bác học - tôi vốn ghét danh từ
này - các thể thơ lớn của chúng ta dùng vần lưng (yêu vận) đều bắt nguồn từ văn
học dân gian, như lục bát và song thất. Về thi tính trong ngôn ngữ, nếu phân
tích kỹ, trong những câu nói thường nhật của chúng ta, cũng có lắm câu gần như
là thơ. Tiếng Việt chuyên dùng những hình tượng cụ thể từ sợi tóc đến móng chân,
và rất ít danh từ trừu tượng; những chữ tự do bình đẳng, cái đẹp, sự giận dỗi… đều
mới du nhập vào nước ta. Ngoài ra ngữ vựng, văn phạm tiếng Việt cũng hồn nhiên
phản chiếu trực giác nhiều hơn là biện luận. Thơ thì chung quy cũng vậy. Các
thi sĩ Pháp. muốn diễn đạt ý thơ đôi khi phải phá vỡ văn phạm; nhà thơ Việt
Nam khỏi cần: có gì đâu mà phá? (Ấy thế mà nhiều người vẫn muốn phá!).
Cơ cấu ngôn ngữ đó phản chiếu tâm hồn chúng ta. Chúng ta giàu
tình cảm và tưởng tượng ; và hằng ngày, hằng giờ, từ mấy ngàn năm nay, chúng ta
phải phấn đấu với một thiên nhiên và một lịch sử nghiệt ngã, nên cần có những
giải thoát. Bằng cách này hay cách khác, Thơ giải phóng tình cảm và tưởng tượng
dạt dào ra khỏi những thực tế chật hẹp và đôi khi tăm tối. Lý do thứ ba này có
lẽ quan trọng và sâu xa nhất. Nhưng tôi tránh nói nhiều trong một bài ngắn. Dù
sao cũng không nói trọn, thành ra chủ quan và lảm nhảm.
Lòng yêu thơ của dân ta thể hiện qua nhiều bằng chứng. Nội
cái số lượng vĩ đại của ca dao, toàn quốc cũng như địa phương, mà chúng ta sưu
tầm được ngày nay đã chứng minh điều đó; các tác giả vô danh dĩ nhiên là những
thi sĩ có tài, nhưng còn triệu triệu người dân quê khác đã học, đã nhớ, đã truyền
trong ca dao, họ không phải là thi sĩ ư?. Ngày nay ta sưu tập hàng ngàn
trang ca dao, dĩ nhiên là mỗi người dân chỉ nhớ dăm ba câu; nhưng thiếu chút
lòng với thơ là lại nhớ nổi dăm ba câu thơ sau bao nhiêu cơ cực ư?
Dân ta ngày xưa mê hát. Mê hát và mê nghe hát. Hát thì phải
có nhiều người nghe thì mới có cái thú của văn chương truyền khẩu; nghe kể
chuyện cổ tích bên bếp lửa hồng thú hơn là đọc sách cổ tích; nghe câu mái đẩy
cao vút trên sông Hương thú hơn là đọc câu thơ đó trong một tuyển tập ca dao;
vì vậy mà ở miền Nam, các đoàn cải lương diễn nhiều tuồng, mà chúng ta không có
một văn bản nào cả. Muốn thưởng thức ca dao, phải sống ít nhiều bối cảnh thiên
nhiên của ca dao, thì mới trọn. Thích nghe hát ngày xưa, cũng như thích đọc thơ
ngày nay, cần phải có tâm hồn thơ nào đó.
Dĩ nhiên là ca dao cũng có cái thực dụng của nó: hát để làm
việc hăng hái quên mệt, hay để giải trí trong các cuộc hội hè, hay lúc rảnh
rang; nhưng chẳng mấy lúc mà ca dao vượt khỏi những nhu cầu thực tiễn ấy để đạt
tới một nghệ thuật tự tại: người ta hát một câu không phải để giải lao, không
những để giải khuây, mà vì câu thơ đẹp. Ngày xưa các trai bạn giã gạo canh
khuya, cùng cất tiếng “hò giã gạo” cho đỡ mệt, cho tay chày nhịp nhàng, cho
quên bớt đêm dài, nhưng khi giã hết lúa, vẫn còn thích hát, bèn bỏ trấu vào cối
mà giã, để có thể tiếp tục hát. Cái rộn ràng khuya khoắt này mà không thú sao?
Vì cái không khí đó mà ta nói thi ca bình dân là sáng tác tập
thể. Chứ lúc đầu thì cũng phải có cá nhân sáng tác; điều kiện không phải là có
học vấn cao (hiểu theo kiểu trường quy) mà là sống xâu xa những rung cảm của
tập thể và nhất là sống trọn vẹn cái đẹp của ngôn ngữ; thi sĩ của đồng ruộng sống
thực, sống sâu, sống luôn trong thi hứng của họ, sống “nhập tâm” thế giới thi
ca, cho nên ca dao là cuộc sống, là một sinh lực bắt nguồn từ thực tại, nhưng
vươn tới một sinh hoạt đặc biệt, có những quy luật riêng. Về lối hát Giặm Nghệ
Tĩnh, Nguyễn Đổng Chi có kể lại rằng khoảng 1942-1943 ông có gặp những đoàn trưởng
hát Giặm“ phần nhiều không biết chữ nho, không thông quốc ngữ. Ấy thế mà trước
mặt ta, họ có thể sáng tác một bài hát dài trong năm mười phút. Nếu muốn tìm hiểu
bằng cách gì mà ứng khẩu được nhanh như thế mà ngay chính họ cũng
không biết rõ chỉ biết đấy là một thói quen được tạo ra bằng cách trải qua hằng
năm đi theo người để lặp chuyện, hát cho nhập tâm, khi nào trong trí đã nhớ được
nhiều chuyện, nếu lại sẵn có tài ăn nói biện bác một chút là có thể bẻ chuyện
được (2)”: nhà thơ vô danh kia, trong bóng tối của đồng ruộng và lịch sử, đã
tích lũy vốn thơ, vốn sống, vốn rung cảm, vốn suy tư, để trong một hoàn cảnh
nào đó, xuất thần làm nên những câu thơ tuyệt đẹp. Đẹp ở sự hòa hợp giữa lòng
mình với thôn xóm và bà con cô bác (có lẽ các “nhà thơ hôm nay” cũng nên suy
nghĩ về lối sống và sáng tác quê mùa kia).
Tác giả ca dao không nhất thiết phải là nông dân; có thể là
những nhà nho lỡ vận hay hiển đạt, hoặc những thi sĩ hữu danh, như Nguyễn Công
Trứ thường “hay hát và hay nghe hát” hay Nguyễn Du đã học hỏi nhiều về nghệ
thuật thơ qua lối hát phường vải của quê cha Nghệ Tĩnh và lối dân ca của quê mẹ
Bắc Ninh: “Thôn ca sơ học tang ma ngữ…”
Câu thơ, sau thời kỳ tích lũy và xuất phát từ tâm hồn cá
nhân, muốn thành ca dao, phải qua thêm một chu trình nữa: nó có được quần
chúng chấp nhận không, và bằng cách nào?
Trước hết, trong các buổi hát, hoặc hội hè, quần chúng nghe,
theo dõi và tán thưởng những câu hát hay, hay ở chỗ hợp tình hợp cảnh, tức là
câu hát có hồn nhiên chân thành hay không: đặc tính của thơ ca bình dân so với
thơ ca thành văn ở chỗ đó; nó phải cụ thể, thực tế, sắc bén. Trong số người
nghe, có những tay sành điệu, những bậc tài hoa, có thể tham dự thêm thắt, đóng
góp, như một lối “phê bình văn nghệ” tụ phát vậy.
Sau đó trên đường về, từ làng này qua xóm khác, người ta lại
bàn tán, lặp lại những câu mới và hay. Rồi phổ biến dần dần: “những cô gái
vùng Lim đêm đêm ngồi quay xa đánh suốt, thường học truyền khẩu những điệu hát
sẵn có của các mẹ, các chị hay bà con láng giềng đi hát lâu năm… Các cậu trai
thì học tập ôn luyện các điệu hát bằng cách “ngủ bọn” tức là rủ nhau đến nhà
một người trong bọn rồi hát với nhau đến khuya… Sau những ngày hội, việc ôn luyện
trở nên cấp thiết vì nhiều câu hát mới được xuất hiện. Mỗi người nhớ một mẩu,
chắp lại với nhau thành đủ một bài. Nếu có chỗ nào quên thì họ sáng tác thêm
vào cho đủ câu” (3)
Câu thơ, khi trở thành ca dao, có thể bị thay đổi ít nhiều. “Có chỗ nào quên…” tại sao? có thể vì người nghe kém trí nhớ, nhưng cũng
có thể vì câu thơ khúc mắc, rắc rối, không có tính cách đại chúng. Người ta biến
đổi, có thể vô tình có thể cố ý, cho câu ca dao thành hoàn chỉnh - toàn chỉnh
theo tiêu chuẩn của văn chương bình dân.
Đến giai đoạn thứ ba, câu ca dao đã toàn chỉnh rồi một khi
đem ra hát, người dân lại có thể biến chế một lần nữa hay nhiều lần nữa, cho hợp
tình, hợp cảnh khi đối đáp, tức là họ ném câu thơ vào cuộc sống, tạo cuộc sống
cho câu thơ. Vậy thì, câu thơ dân gian, muốn được truyền tụng, ngoài giá trị cố
định, còn phải có khả năng thích ứng với nhiều hoàn cảnh khác nhau. Trí nhớ của
nhân gian không bao giờ là “một ấn bản vĩnh viễn” như văn học thành văn thường
đòi hỏi. Ca dao, cũng như văn học dân gian, phải là sự sống không ngừng biến
chuyển, hòa điệu nhịp nhàng với mùa màng, tâm cảnh; mạch sống đó phải có khả
năng len lỏi vào mọi sinh hoạt cụ thể, và mọi tình tự của người dân. Để đạt tới
tương ứng kia, trong tâm hồn dân Việt lại phải có khả năng tiếp thu thơ, diễn đạt
bằng thơ. Tôi cố chứng minh người Việt mình yêu thơ là vì các bằng chứng đó, vì
các cố gắng tập thể và liên tục để sáng tác, bảo tồn và phổ biến thơ qua các địa
phương và thời đại.
Tâm hồn Việt Nam, trong phần óng ả nhất, dệt bằng thơ. Chút
tơ lòng nọ, ngày nay còn bền chặt chăng?
Xưa thì vậy, nay thì sao? Trong đời sống phát triển trên
khoa học và kỹ thuật, người Việt Nam hai miền Nam Bắc có còn yêu thơ như xưa nữa
không?
Không đủ dữ kiện đưa ra một cái nhìn nhất quán, tôi chỉ đưa
ra vài nhận xét cục bộ.
Tại miền Nam số lượng thơ đăng báo và xuất bản rất bề bộn, có
lẽ nhiều hơn miền Bắc nữa. Đa số là do tác giả hay bằng hữu bỏ tiền xuất bản,
và chỉ xuất bản một lần thôi, rồi ít khi nghe ai nói đến nữa.
Số lượng thi phẩm nhiều như vậy, còn số phận thì sao? Duyên
nợ thế nào với quần chúng? Thật khó trả lời nếu không phân tích rõ ràng cái “xã hội văn chương” (sociologie littéraire) của miền Nam, rất đặc biệt và phức
tạp. Nếu tiểu thuyết được đón nhận dễ dàng trong giới độc giả trẻ, thì trái lại
thơ như là một thế giới đóng kín, dành riêng cho một số độc giả nhất định.
Lý do là quần chúng không được huấn luyện về thẩm mỹ để thưởng
thức thơ Mới, các tác giả cũng làm thơ cho sướng chứ không để ý đến cảm quan
người đọc, không có phê bình, lý luận để làm môi giới giữa hai bên. (Ở nước nào
cũng vậy, thơ mới khó phổ biến nếu không có phê bình nâng đỡ, không như nhạc, kịch
hay tiểu thuyết). Thêm vào đó, thơ là thứ nghệ thuật dễ nhất và khó nhất, nhiều
bạn trẻ không thấy những quy luật tối thiểu của thơ, mới cũ gì cũng vậy, không
biết tích lũy vốn sống, vốn suy cảm, không để tâm rèn luyện kỹ thuật, không được
hướng dẫn kỹ lưỡng, cứ làm thơ, đăng báo và in bừa bãi, làm quần chúng đã lạc
hướng càng thêm dè dặt. Các cụ dạy là nghề bán dầu giữa chợ mà còn phải học lâu
năm huống chi là thơ ca? Tình cờ ta có thể làm được một câu thơ hay - thường là
câu đầu - nhưng một câu thơ hay làm sao làm nên được sự nghiệp?
Tuy nhiên, cũng nhờ phát triển bề bộn mà vườn thơ miền
Nam muôn hình muôn vẻ. Nếu có nhiều người làm thơ dĩ nhiên số người yêu
thơ còn phải nhiều hơn; vấn đề là nhu cầu sáng tác và nhu cầu tiêu thụ không
tương ứng với nhau. Thử hỏi các thi sĩ trẻ: các anh có thường đọc thơ… người
khác không? Nếu chính anh là thi sĩ mà vẫn ít đọc thơ (kẻ khác) ít thưởng thức
thơ (kẻ khác) thì bọn người trần mắt tục như chúng tôi làm sao đọc nổi? Anh
hãy bỏ tiền túi ra mua dăm ba tập thơ thời đại, đọc đi, rồi sẽ hiểu tại sao
chúng tôi ít mua nên ít đọc thơ anh. Đời mà bạn.
Thật sự trách nhiệm không phải ở thi nhân hay quần chúng, mà ở
chính sách giáo dục không biết khai triển mỹ cảm của tuổi trẻ. Nếu một học sinh
Pháp mười lăm mười bảy tuổi biết thưởng thức một bài thơ của René Char hay
Saint John Perse, là vì từ lúc lên năm lên bảy cậu ta đã học, đã thuộc không biết
bao nhiêu là thơ mới. Chỉ mới đây thôi, các giáo viên Pháp đã xôn xao vì chỉ thị
của bộ giáo dục yêu cầu giảm bớt giờ chính tả, văn phạm, tăng thêm giờ dạy thơ,
vì thơ khơi dậy cảm tính của trẻ con trước vẻ đẹp của ngôn ngữ.
Chúng ta đã có nhiều dữ kiện cho thấy người Việt là một dân tộc yêu thơ. Trong
những sinh hoạt xã hội khác nhau, những hoàn cảnh lịch sử khác nhau, lòng yêu
thơ đó có khi bàng bạc hay tiềm ẩn trong dân gian. Đó là một giá trị lớn mà
chúng ta phải bảo tồn và phát huy.
Giá trị thẩm mỹ quý giá đối với một xã hội chậm tiến, và trong trực giác của quần chúng, giá trị thẩm mỹ gắn liền với nhu cầu đạo lý,
cái đẹp vẫn thường là cái tốt, cái lành. Các xã hội tiền tiến về kỹ thuật vẫn
quý thơ vì thơ gạn lọc tình cảm, khai triển giác quan, dưỡng nuôi trực giác, những
yếu tố cần yếu cho sự phát triển xã hội và khoa học. Trong người Việt Nam, nhu
cầu thơ tiềm tàng và tha thiết; thỏa mãn nhu cầu đó, là đáp ứng lại một đòi hỏi
của thực tế, và nối liền với truyền thống dân tộc; không một nền văn minh nào
muốn vươn tới mà lại cắt đứt truyền thống, cắt đứt với lịch sử.
Chúng tôi là những vong nhân lưu lạc xứ người; cứ mỗi độ
xuân về là một xôn xao; năm nay hơn mọi năm vì lịch sử miền Nam đang muốn trở
mình.
Nói về thơ dân gian, tuy nói là phiếm, cũng diễn tả một tâm ước.
Một thiết tha cho quê hương.
Chú thích:
1. Văn Học Dân Gian, của Đinh Gia Khánh và Chu Xuân Diên Nxb.
Đại học và Trung Học Chuyên Nghiệp, 1972, tr 230
2. Hát Giặm Nghệ Tĩnh, tập 1, NXB Khoa Học, 1963, tr 116.
3. Dân ca quan họ Bắc Ninh, Nguyễn Văn Phú, NXB Văn Hóa, 1962.
19/2/2018
Nguồn: TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ AN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét