Thứ Ba, 25 tháng 5, 2021

Về chủ nghĩa lãng mạn trong văn học

Về chủ nghĩa lãng mạn trong văn học

Chủ nghĩa lãng mạn là một khái niệm mang tính lịch sử. Từ rất lâu nó đã được sử dụng với tư cách là một trào lưu tư tưởng, thủ pháp biểu hiện và loại hình văn học.
Nhưng chủ nghĩa lãng mạn với tư cách là một trào lưu thì phải chờ tới cuối thế kỷ 18 đến những năm 30, 40 của thế kỷ 19, đầu tiên hình thành ở Đức, sau đó lan sang Anh, Pháp, Nga… nhanh chóng phát triển thành phong trào văn học rộng khắp châu Âu, tạo ra rất nhiều tác giả, tác phẩm có ảnh hưởng lớn. Chủ nghĩa lãng mạn trong lý luận văn học, Chủ nghĩa lãng mạn với tư cách là loại hình văn học chủ yếu chỉ chủ nghĩa lãng mạn ở thời kỳ này.
Thời kỳ hưng thịnh nhất của chủ nghĩa lãng mạn là vào trước sau cuộc đại cách mạng tư sản Pháp, tức là vào khoảng những năm 90 của thế kỷ 18 đến những năm 30 của thế kỷ 19. Sự phát triển rực rỡ của chủ nghĩa lãng mạn trong thời kỳ này hiển nhiên là do điều kiện chính trị xã hội lúc đó quyết định. Năm 1789 giai cấp tư sản Pháp lật đổ chính quyền phong kiến chuyên chế, lập nên sự thống trị của giai cấp tư sản, điều này làm dâng lên phong trào cách mạng dân chủ tư sản và phong trào giải phóng dân tộc ở khắp châu Âu. Đi liền với phong trào này là sự bấp bênh, hỗn loạn của hiện thực xã hội, lý tưởng của chủ nghĩa Khai sáng bị hủy diệt, sự thất vọng ăn sâu lan rộng trong xã hội. Cùng với nó, mong ước về một xã hội lý tưởng chân chính cũng trở thành tâm lý xã hội phổ biến, những điều này dẫn đến sự xuất hiện của chủ nghĩa lãng mạn. Ngoài ra, mặc dù lý luận chủ nghĩa xã hội không tưởng với đại biểu là Xanh Ximong và Owen tuy không phải là lý luận khoa học, hoàn thiện nhưng tư tưởng xã hội tiêu biểu của nó là mong ước không tưởng về một xã hội giải phóng chân chính, cũng trở thành cơ sở của chủ nghĩa lãng mạn.
Sự hình thành của chủ nghĩa lãng mạn có quan hệ mật thiết với tư tưởng triết học ở châu Âu đương thời. Triết học duy tâm cổ điển Đức bản thân nó chính là phong trào lãng mạn trong lĩnh vực triết học. Đại biểu của chủ nghĩa duy tâm chủ quan Kant, Johann Fichte đưa tâm hồn con người lên địa vị chủ đạo trong sáng tạo thế giới khách quan, nhấn mạnh thiên tài, tình cảm, tính năng động chủ quan; đại biểu của chủ nghĩa duy tâm khách quan Schelling, Hegel đề cao vị trí của tinh thần khách quan trong việc phái sinh thế giới vật chất, đưa con người đến đỉnh cao của sự phát triển tinh thần, cho rằng con người không chỉ cho mình mà còn vì mình, trên ý nghĩa cho mình, vì mình, nhân tài mới là tuyệt đối, tự do, vô hạn. Những điều này đề cao sự tôn nghiêm của con người, thức tỉnh dân tộc, thúc đẩy ước muốn, khao khát độc lập tự do, cung cấp cơ sở lý luận cho chủ nghĩa lãng mạn trong văn học.
Sự hình thành của chủ nghĩa lãng mạn cũng có cội nguồn từ kinh nghiệm lịch sử và đấu tranh trong bản thân văn học. Văn học cảm thương chủ nghĩa Anh thế kỷ 18, yêu cầu giải phóng cá tính, chủ trương tự do tình cảm, quay trở lại tự nhiên thuần phác của Rousseau, nhấn mạnh cá tính, sắc thái tình cảm mãnh liệt trong phong trào cách tân với đại biểu là Goethe, nghiên cứu về tính bi kịch, ngợi ca, vẻ đẹp đăng đối của Kant, Schiele; sự thưởng thức nghệ thuật bắt đầu bằng việc đặt nghệ thuật trong dòng phát triển lịch sử của Herder, Hegel… tất cả đã kích hoạt tư tưởng của con người, làm cho cảm nhận, lý giải của con người đối với nghệ thuật trở nên sâu sắc hơn, từ đó yêu cầu nghệ thuật biểu hiện tinh thần vĩ đại và tư tưởng tình cảm một cách sâu sắc… Tất cả những điều này đều có vai trò quan trọng đối với sự hình thành chủ nghĩa lãng mạn. Ngoài ra, chủ nghĩa cổ điển trước đó có khuynh hướng giáo điều lý tính khô cứng, tạo thành những giới luật hà khắc đối với tự do biểu hiện tư tưởng của nhà văn, dẫn đến sự phản đối mãnh mẽ của một số nhà văn, điều này cũng thúc đẩy sự ra đời của chủ nghĩa lãng mạn.
Đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa lãng mạn là tinh thần hướng về lý tưởng. Rất khác so với tinh thần chú trọng hiện thực, nhìn thẳng vào sự thật, trung thành với hiện thực của chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa lãng mạn luôn hướng về và truy tìm lý tưởng với tinh thần vượt lên trên hiện thực, dùng lý tưởng chủ quan thay thế hiện thực khách quan, dốc toàn lực để biểu hiện một viễn cảnh cuộc sống mà con người nên có. Schiller nói sáng tác của mình là “lấy lý tưởng đẹp đẽ để thay thế hiện thực thiếu thốn” (Schiller bình truyện. Nxb Nhà văn, 1955, tr55). George Sand nói sáng tác của mình là “cảm thấy tất yếu phải dựa theo hy vọng của tôi đối với nhân loại, dựa vào cái mà tôi tin là nhân loại nên có để viết về nó” (George Brandes: Nhà văn Pháp bình truyện. Nxb Phụ vụ văn hóa quốc tế, 1951, tr2). Nhà tiểu thuyết người Đức Jean Paul nói: “Nếu như nói thơ là lời dự đoán, thì thơ lãng mạn chủ nghĩa chính là dự cảm tương lai, vĩ đại hơn sự bao dung của thế gian con người. Hoa của chủ nghĩa lãng mạn đã từng trôi dạt quanh chúng ta, giống như trước khi một đại lục mới được tìm thấy, giống như một loại hạt mà tất cả chúng ta chưa từng nhìn thấy sớm được nước biển đưa từ châu Mỹ đến bờ biển Na Uy”( Jean Paul: Nhập môn mĩ học. Xem: Nhà văn cổ điển Âu Mỹ bàn về Chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lãng mạn. tập 2, Nxb KHXH Trung Quốc,1981, tr354). Chủ nghĩa lãng mạn không truy tìm chân thực cuộc sống, chân thực chi tiết, mà dốc toàn lực biểu hiện lý tưởng. Như Michael trong tác phẩm Nữ hoàng Mab đã miêu tả một thế giới tuyệt đẹp với sự hòa thuận, thân ái, bình đẳng…, điều mà tác giả muốn biểu hiện chính là một thế giới lý tưởng. Trên một ý nghĩa nào đó, chủ nghĩa lãng mạn phù hợp hơn với bản chất của văn học, thỏa mãn hơn nhu cầu tranh đấu tự do, hướng tới hạnh phúc, truy tìm lý tưởng của con người.
Vì hướng tới biểu hiện hiện thực xã hội lý tưởng nên hình tượng nhân vật của chủ nghĩa lãng mạn cũng là hình tượng nhân vật lý tưởng. Ví dụ như Quasimodo lương thiện, cao thượng dưới ngòi bút của V.Hugo; Jean Valjean vì lương tâm nhân tính mà bao lần không quản hiểm nguy cứu người, bao lần sáng tạo nên kỳ tích biến nguy thành an; Tôn Ngộ Không dưới ngòi bút của Ngô Thừa Ân có thể lên trời xuống biển, nhìn thấu ma quỷ, đối đầu với thần, truy đuổi yêu tinh, hô mưa gọi gió, làm theo ý mình, thượng đế long vương không biết phải làm như thế nào… tất cả đều là những hình tượng nhân vật lý tưởng. Van Tieghem nói về hình tượng nhân vật lý tưởng của chủ nghĩa lãng mạn như sau: “không nắm bắt tình huống nhiều hơn, đem so sánh loại hình tượng văn học này với hình tượng văn học xưa kia và đương thời trên vũ đài văn học là không chính xác…. Nhân vật của chủ nghĩa lãng mạn và những điều nó nói là một điển phạm nhưng không như nói là một điển hình; nó hướng tới thức dậy sự tán thành, hứng thú của độc giả chứ không phải là đưa ra đối tượng cần mô phỏng” (Lucien Levy-Bruhl: Lịch sử văn học Pháp thế kỷ 19. Nxb Nhân dân Thượng Hải, 1997, tr 26).
Cuộc sống lý tưởng mà chủ nghĩa lãng mạn hướng đến, truy tìm và nhân vật lý tưởng trong hiện thực cuộc sống đương thời là không tồn tại, nó đều xuất phát từ tâm hồn chủ quan của nhà văn. Bielinxki đã nói: “Trên ý nghĩa bản chất nhất, hẹp nhất, chủ nghĩa lãng mạn chính là thế giới nội tâm chủ quan của con người, là cuộc sống bí mật của tâm hồn anh ta. Trong trái tim và tâm lý con người tiềm ẩn ngọn nguồn bí mật của chủ nghĩa lãng mạn” (Bielinxki bàn về văn học. Nxb Văn nghệ mới 1958, tr153). Marilyn Butler - nhà lịch sử văn học người Anh nói: “nghệ thuật nhìn từ trường phái lãng mạn chủ nghĩa là một ngọn đèn, hình tượng mà nó phát sáng không phải có nguồn gốc từ thế giới mà có nguồn gốc từ nhà thơ. Nghệ thuật trở thành nghệ thuật của chủ quan phi khác quan, xuất phát từ cảm ứng trực giác chứ không phải là từ quy hoạch lý tính” (Marilyn Butler: Trường phái lãng mạn, kẻ phản nghịch và phái phản động. Nxb Nxb Giáo dục Liêu Ninh, 1958, tr153). Người mở đầu cho thơ ca trường phái hiện đại Pháp Baudelare nói: “Chủ nghĩa lãng mạn vừa không phải là đề tài tuyển chọn vừa không phải là chân thực chuẩn xác mà là phương thức cảm nhận”. “Họ tìm kiếm ở bên ngoài, nhưng thực chất chỉ có ở trong mới có thể tìm kiếm được” (Sharon 1846. xem Nhà văn cổ điển Âu Mỹ bàn về chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lãng mạn. tập 2, Nxb KHXH Trung Quốc, 1981, tr184). Vì thế, giống như Chu Quang Tiềm chỉ ra: “cái nổi bật nhất, đặc trưng bản chất nhất của chủ nghĩa lãng mạn là tính chủ quan” (Lịch sử mĩ học phương Tây. Quyển hạ, Nxb Văn học nhân dân, 1964, tr 727). Chủ nghĩa lãng mạn mang sắc thái chủ quan sâu sắc, tập trung vào lý tưởng của chủ thể, chú trọng truyền đạt cảm nhận chủ quan, biểu hiện tâm hồn chủ quan, thể hiện tình cảm chủ quan của cá nhân. Nhà viết lịch sử văn học người Pháp Ranson nói: “Chân lý phổ biến về trật tự lý tính và trí tuệ của tài năng suy lý, suy tư sâu sắc là hai thứ mà chủ nghĩa lãng mạn không quan tâm. Tâm lý học và khoa học, nghệ thuật suy sét, nghệ thuật suy lý, phương pháp chính xác, logic chặt chẽ đều không phải là cái mà chủ nghĩa lãng mạn quan tâm” (Ranson: Lịch sử văn học Pháp. Xem Nhà văn cổ điển Âu Mỹ bàn về chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lãng mạn. tập 2, Nxb KHXH Trung Quốc, 1981, tr.240). Bielinxki khi bàn về Cường đạo của Schiller đã chỉ ra Cường đạo giống như “tụng ca thô kệch về ngọn lửa dung nham phun ra từ tâm hồn đầy sinh lực của thanh niên” “trong câu nói này không phải là nhân vật mà là tác giả; trong toàn bộ tác phẩm không hề có sự chân thực của cuộc sống, nhưng lại có sự chân thực của cảm nhận, không có hiện thực, không có kịch nhưng lại có thơ vô tận, tình thế là không có thật, tình tiết là không tự nhiên, nhưng tình cảm là chân thực, tư tưởng là sâu sắc; tóm lại, vấn đề nằm ở: chúng ta tất yếu không coi Cường đạo của Schiller là kịch, là sự biểu hiện cuộc sống, mà là thơ trữ tình trường thiên mang hình thức kịch, là thơ trường thiên hừng hực, sục sôi” (Tuyển tập Bielinxki, tập 1, Nxb Dịch văn Thượng Hải, 1979, tr156-157). Vì nhấn mạnh tính chủ quan nên chủ nghĩa lãng mạn khi miêu tả đời sống nội tâm của nhân vật thường vượt lên trên sự phản ánh thế giới khách quan, sự dồi dào tình cảm trở thành hạt nhân, chủ thể của một tác phẩm, sự kiện, nhân vật và hành động nhân vật, ngôn ngữ và kết cấu tác phẩm… đều có thể tổ chức, sắp xếp vì sự biểu hiện tình cảm, tình điệu cảm thương, sầu muộn, kích động, vội vã thậm chí bao phủ toàn bộ câu chữ của tác phẩm.
Hết sức ca ngợi đại tự nhiên cũng là một đặc trưng của chủ nghĩa lãng mạn. Trong lịch sử phát triển, cảm tình của con người đối với tự nhiên là sản phẩm của thời kì văn minh, nó muộn hơn cảm tình đối với nghệ thuật. Văn học Hy Lạp phong phú và có giá trị, nghệ thuật Athens cũng hết sức huy hoàng, nhưng trong những tác phẩm của những dân tộc mà nghệ thuật kịch và điêu khắc đạt đến đỉnh cao thì cảm tình đối với tự nhiên cũng không thực sự phát triển, cho nên trong sử thi Homer cũng rất ít miêu tả tự nhiên, tự nhiên rất ít đi vào kịch Hy Lạp. “Trời đất tự nhiên này phải đợi đến chủ nghĩa lãng mạn thế kỷ 19 mới có được sự khai thác phong phú và chi tiết. Byron, William Wordsworth, Goethe là những người đầu tiên đưa biển lớn, sông dài, núi cao vào trong tác phẩm của mình” (Listowel: Bình thuật lịch sử mĩ học cận đại. Nxb Dịch văn Thượng Hải, 1980, tr186). Các nhà văn lãng mạn chủ nghĩa đề xuất khẩu hiệu “quay trở lại với tự nhiên”, dùng nó để thể hiện sự bi phẫn đối với việc hình thành văn hóa thành thị và văn hóa công nghiệp của xã hội tư bản chủ nghĩa và ước muốn trở về với tự nhiên thuần phác. Chủ nghĩa lãng mạn đề cao cảnh sắc tráng lệ của đại tự nhiên, lấy đại tự nhiên làm đối tượng biểu hiện chủ yếu, miêu tả và ca ngợi vẻ đẹp của đại tự nhiên, núi cao hùng vĩ, biển rộng mênh mông, phong cảnh điền viên thuần phác, yên tĩnh, tình điệu riêng biệt ở đất khách quê người, tất cả đều xuất hiện dưới ngòi bút của nhà văn lãng mạn chủ nghĩa, hơn nữa, vẻ đẹp tự nhiên này đều đối chiếu rõ rệt với sự độc ác của hiện thực. Trong Just. Harold của Byron tràn ngập phong cảnh tự nhiên mềm mại ở phía nam địa trung hải, cảnh sắc rực rỡ ở Tây Ban Nha, di tích lịch sử hùng vĩ ở Hy Lạp La Mã, tạo nên sự khác biệt một trời một vực với hoàn cảnh đầy tội ác của chủ nghĩa tư bản.
Tưởng tượng mãnh liệt, khoa trương đặc biệt là thủ pháp biểu hiện chủ yếu của chủ nghĩa lãng mạn. Để làm nổi bật lý tưởng và biểu hiện tình cảm chủ quan, chủ nghĩa lãng mạn cũng có nét đặc sắc trên thủ pháp biểu hiện nghệ thuật và hình thức nghệ thuật, nó vận dụng thủ pháp biểu hiện nghệ thuật khoa trương khác thường và trí tưởng tượng mãnh liệt, lấy tình tiết vượt lên hiện thực, sắc thái đậm đà, ngôn ngữ mỹ lệ, đem truyền thuyết lịch sử, cổ tích thần thoại, kỳ quan tự nhiên, phong cảnh ở nơi xa lạ…kết hợp lại, tổ chức nên một thế giới lý tưởng phi thường, nhân gian, tiên cảnh, thiên đường địa ngục, thần tiên ma quỷ, mưa gió sấm chớp, thảo mộc hoa lá muông thú côn trùng… đều có thể mặc sức để nhà văn lãng mạn điều khiển, bối cảnh có thể không ngừng thay đổi, không gian có thể thoải mái kéo dài. Trong Faust của Geothe, bối cảnh câu chuyện từ thư phòng chật hẹp đến thành quách sáng láng, lại đến cửa quan huy hoàng, tình tiết của nó cũng là thời gian nghiên cứu học vấn, thời gian giao kèo với quỷ, thời gian nói chuyện tình ái với cô nương thành thị, thời gian nhận được nhiều hủ bại của vương triều, thời gian đến bờ biển dự định cải tạo tự nhiên, cuối cùng là các thiên sứ cùng nâng đỡ linh hồn Faust bay lên không trung.
7/3/2019
Theo http://redsvn.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...