Thứ Tư, 1 tháng 12, 2021

Bóng tối thời con gái 2

Bóng tối thời con gái 2

7. a thu tới một cách vội vàng, lá chưa kịp vàng và cũng không để cho ai chuẩn bị kịp để chờ đón. Nhưng tình hình bỗng như đang có gì thay đổi. Tôi lười đọc báo nên không biết mấy về tin tức bên ngoài. Thỉnh thoảng anh Thân và vài người bạn của anh có nhắc tới chiến tranh, cách mạng. Nhưng tôi không để ý lắm. Những cảnh chiến tranh, người giết người, tôi đã coi trên màn bạc và tôi ghê tởm, nhưng tôi chỉ nghe thoáng qua mà không nhìn thấy. Người ta nói chuyện xa vời, nhưng sao anh chị thì đầy vẻ quan tâm về câu chuyện trên. Tôi vẫn mài miệt với những tấm bố, tuýp sơn. Bây giờ tôi vẽ đã vững so với trước nhiều. Tranh tôi kín gậm giường, sau kẹt tủ, sau kẽ vách. Thỉnh thoảng tôi lôi ra, xóa những bức không được đẹp để vẽ những bức mới. Tôi làm việc thật say sưa đến đỗi tôi cũng không ngờ nổi. Chị Hiền và anh Thân thỉnh thoảng phải nhắc nhở tôi đi chơi.
Anh Thân nói :
- Em suốt ngày gạo học ở trên gác. Học gạo tốt lắm, nhưng em phải nghĩ tới sức khỏe nữa chớ.
Tôi nghe lời, lâu lâu đi ra phố, nhưng thường tôi tới nhà Phương, cô bạn gái hiền lành của tôi. Đến để cùng ôn lại bài vở hoặc rủ nhau tìm một phim vui giải trí.
Và một vài lần tôi cũng gặp Toản ở ngoài đường. Sự gặp gỡ đó không làm tôi khó chịu nữa. Nhưng đôi khi nhìn thấy hai bàn tay của Toản, khuôn mặt của Toản, tôi bỗng băn khoăn khổ sở, tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại khổ sở vô lý như thế…
Tôi đã dạy tận tâm cho Hoài Chi và Phương Tần. Hai trẻ học rất tấn tới. Bởi thế, ông Hào có vẻ hài lòng lắm. Những phong thư đựng tiền (số tiền hiện đã tăng lên đến hai ngàn rưởi) và mảnh giấy cám ơn lịch sự vẫn đều đặn hàng tháng.
Thời gian sau này hình như ông Hào có chuyện gì buồn phiền, bận rộn nên thường đi vắng luôn. Hai trẻ xa cha càng quấn quít tôi hơn. Ngày chủ nhật, đôi khi tôi tới dẫn chúng đi bến tầu hoặc xem hát bóng, hay dạy thêm chúng học ở nhà. Hai trẻ tranh nhau giành tình thương mến nơi tôi. Bé Chi thường tỏ vẻ ganh tị ra mặt. Trẻ con làm việc gì cũng đáng yêu. Tôi cố gắng gạt bỏ thiên vị để yêu hai đứa đồng đều, nhưng sao tôi vẫn trìu mến riêng với bé Tần kinh khủng. Khuôn mặt của Tần chính là khuôn mặt trẻ thơ cô đơn của tôi. Tôi thường làm quan tòa hòa giải cho những cuộc cãi vã, phụng phịu giữa hai trẻ. Việc tôi dành thêm thì giờ để săn sóc hai bé Chi và Tần đến tai ông Hòa. Ông có vẻ bằng lòng hết sức. Sau đó, dường như ông cũng chú ý tới công việc dạy dỗ của tôi nhiều hơn, có khi ông tự lái xe đưa tôi và hai đứa bé đến tận rạp chiếu bóng nhưng thái độ của ông vẫn nghiêm trang làm tôi yên lòng. Tôi không thể nghi kỵ gì hết.
Một buổi sáng chủ nhật, thay vì đến đón Chi và Tần đi chơi vào bốn giờ chiều như thường lệ, tôi lại đến buổi sáng. Bà quản gia đi vắng, còn chị ở đang sửa soạn đi chợ. Tôi vào phòng khách không thấy hai trẻ đâu. Một lát, tôi bỗng nghe tiếng chúng xì xào ngoài cửa sổ. Chúng đang ngồi sau một bụi hoa to nhỏ. Tôi tiến lại phía cửa, định lên tiếng, thì nghe thấy tiếng bé Chi nhắc đến tên tôi. Tò mò, tôi không lên tiếng vội mà yên lặng chú ý nghe xem chúng nói gì. Thật ra nghe lỏm trẻ con nói chuyện là một điều tức cười, nhưng tôi muốn biết tình cảm của chúng đối với tôi ra sao.
Tôi nghe Tần nói:
- Ba bảo chúng mình phải quý trọng cô giáo. Ba sẽ nuôi cô giáo ở trong nhà dạy mình, không cho cô giáo về.
Tiếng của Chi:
- Chị nghe cô Thúy bảo là sao ba không cưới cô giáo. Ba nói cô giáo không hấp dẫn.
Cô Thúy còn nói… Tần cắt ngang :
- Tần ghét cô Thúy.
Chi nói thêm :
- Ba còn nói với cô Thúy là cô giáo như một bà cụ non, cô ấy đạo đức lắm.
Tần cãi :
- Tần quí cô giáo. Tần muốn ba lấy cô giáo kia.
- Nhưng ba bảo cô giáo không hấp dẫn mà. Cô giáo chỉ mặc có quần áo trắng thôi, Tần thấy trong phòng ngủ của ba không. Có lần Tần thấy…
Tần kêu lên :
- Thôi Tần không nghe đâu. Chuyện người lớn mà.
Yên lặng một chút rồi tiếng Chi lại vang lên:
- Nhưng Chi thấy rồi. Chi biết ba cũng không lấy cô Thúy.
- Ba sẽ lấy cô giáo. Để Tần nói với ba…
Tôi đứng lặng người đi một lúc lâu. Câu chuyện giữa hai đứa bé như những lằn roi quất vào mặt tôi. Cô giáo như một bà cụ non. Tôi không hấp dẫn. Phải rồi, tôi có gì để mà hấp dẫn đâu. Trong chiếc áo dài trắng mà tôi đang mặc đây, tôi rõ ràng là một con lọ lem, vụng về quê kệch. Tôi đứng choáng váng hồi lâu rồi lén bỏ ra về, buổi đó tôi đã không dẫn chúng đi chơi. Tối hôm ấy, tôi nhận được một lá thư tỏ tình của Hưng, một sinh viên từng theo đuổi tán tỉnh tôi từ lâu. Lá thư của Hưng thật tầm thường nhạt nhẽo nhưng tôi vẫn thức trắng đêm để trả lời. Tôi viết cho Hưng biết là tôi chưa định gì hết. Nhưng trong thâm tâm tôi, tôi mơ hồ thấy cũng có thể sẽ yêu Hưng. Điều đó chưa có gì chắc cả. Những buổi học sau đó tôi thật nghiêm khắc với Chi và Tần. Nhưng khi gặp ông Hòa tôi vẫn không giấu khỏi bối rối. Có điều lạ là tôi bỗng để ý thấy là ông Hòa tỏ vẻ săn sóc tôi hơn. Chủ nhật ông thường kiếm cớ ở nhà để đưa chúng tôi tới rạp chiếu bóng rồi đưa về. Không hiểu bởi đâu tôi đã mạnh dạn hơn khi nói chuyện với ông, chắc tôi đã bị một mặc cảm thật mơ hồ là tôi bị ông Hòa cho tôi là không hấp dẫn, xấu xí. Tôi bắt đầu nổi khùng, tôi không thể để ông ta coi tôi như thế được. Nhưng tôi cũng không thể ăn mặc cách nào khác để nổi bật hơn. Và vì ý nghĩ đó làm tôi hơi thẹn khi gặp ông Hòa, tôi đâm ra khó khăn với cả chính tôi. Nhưng tôi vẫn không thể nào làm ngược bản tính của tôi được, tôi lại càng dễ tính dần, cũng bởi ở ông Hòa, ông là người từng trải, đã biết gợi vào những ham muốn thầm kín của tuổi con gái tôi. Và lý do nữa là Phương Tần, sự ngây thơ của nó làm tôi ngộp trong tươi mát.
Nhưng càng ngày tôi bỗng cảm mến ông Hòa hơn, sự lạnh lùng của ông ban đầu như mất hẳn. Tôi nói tôi cảm mến ông với ý nghĩ rất thẳng thắn không có gì rắc rối hết. Bởi tôi vẫn gặp ông hàng ngày, nói chuyện và còn những việc xẩy tới nữa.
Hôm ấy là một tối chủ nhật, đáng lẽ không phải đến dạy cho bé Chi và Tần nhưng tuần đó vì bị cảm nhẹ, tôi đã bỏ mất một buổi dạy. Tôi nghĩ tối chủ nhật này rồi, nên tới dạy bù cho chúng. Giờ này chắc ông Hòa cũng không có nhà. Trời se lạnh dịu dàng, tôi chọn bộ áo quần đen và sửa soạn đi trong lúc anh chị Thân đang ngồi đùa với bé Măng Cụt ở phòng khách.
Thấy tôi mang chiếc áo dài đen, chị Hiền chợt kêu lên:
- Hạnh này!
Tôi đứng dừng lại nhìn chị, chị ngắm nghía tôi một lúc rồi nói:
- Anh Thân, anh thấy Hạnh đã nhớn phồng lên rồi không? Hạnh có giống em hồi đó không anh?
Anh Thân cười:
- Giống, nhưng trông hiền và ngoan hơn em nhiều. Chủ nhật mà Hạnh đi đâu đó.
Tôi nói dối hết sức vụng về :
- Dạ, em đi dự tiệc sinh nhật một cô bạn.
Chị Hiền kêu lên một tiếng ngạc nhiên hết sức, tôi chợt bối rối vì nhìn xuống bộ quần áo mình đang mặc. Đi dự tiệc sinh nhật mà ăn vận thế này chăng? Tôi nói dối vô ý hết sức.
- Em ăn mặc như vậy đi dự sinh nhật bạn sao?
Tôi cố gượng cười tự nhiên:
- Dạ, em đã đi ăn sinh nhật lần nào đâu mà biết, thôi em đi thay áo trắng nhé?
- Áo trắng, vậy những chiếc áo màu của em đâu?
- Trong tủ.
Giọng anh Thân :
- Cô Hạnh mải học mụ cả người rồi, phải không con?
Anh giơ cao bé Măng Cụt lên, thằng bé cười sằng sặc. Chị Hiền đứng dậy kéo tuốt tôi đi:
- Vào đây, chị nghĩ ra cái này hay lắm.
Tôi chưa kịp ngạc nhiên tôi chị đã buông tấm màn nơi cửa vào phòng trong xuống. Chị mở tủ lấy ra chiếc áo dài màu xanh dương óng ánh. Chiếc áo đẹp nhất của chị hồi mới cưới mà đã từ lâu chị không có dịp mặc nên cất kỹ trong tủ. Tôi đang còn ngần ngại thì chính tay chị Hiền đã thay áo cho tôi.
Chị vừa ngắm nghía vừa vuốt ve tôi với dáng điệu thích thú lẫn sửng sốt :
- Hạnh lớn và xinh lắm rồi, không ngờ cô đẹp quá đấy nhé.
Chị du tôi ngồi xuống trước bàn phấn, những son phấn xếp trong ngăn từ lâu được lôi ra, tôi ngồi yên để mặc cho chị trang điểm. Lần đầu tiên tôi đánh má hồng thoa son. Khuôn mặt tôi trong gương bỗng lạ hoắc. Tôi đã không còn là tôi nữa chăng ? Sao mắt tôi sáng thế, má tôi hồng thế ? Và khi tôi đứng trước tấm gương lớn, tôi suýt kêu lên. Trong chiếc áo dài của chị Hiền ôm sát người, tôi như một có gái kiêu sa đài các, cái eo thật thanh tú, cái ngực no tròn. Tôi thấy tôi nhớn như thổi và xấu hổ với những điều mình khám phá được.
Chị Hiền chải tóc cho tôi, mái tóc đen ôm dài xuống đôi vai thon nhỏ, da mặt tôi trắng mịn màng, tôi cắn hai môi vào nhau ngượng ngùng :
- Không được đâu chị.
- Cái gì mà không được ?
- Thôi em không thoa son đâu, người ta cười chết.
Tôi lấy miếng gòn chùi bớt son phấn, chị Hiền chỉ nhìn tôi mà tủm tỉm cười. Chị Hiền kéo tôi ra khỏi phòng :
- Anh Thân, nhìn xem.
Thân la lên một tiếng, bé Măng Cụt từ trên tay anh tuột xuống ôm lấy hai chân tôi :
- Cô Hạnh, cô Hạnh…
Tôi bế nó lên lòng, nó đưa tay bíu một nắm tóc của tôi ; anh Thân đứng dậy trong một dáng điệu hết sức khôi hài :
- Kính chào cô. Có phải quí danh cô là Hạnh.
Tôi đã làm cho gia đình anh chị tôi vui nhiều quá, tôi cố đùa lại để che lấp sự ngượng ngùng đang dồn đỏ đôi má :
- Thưa ông, tôi không phải là cô Hạnh nào mà ông biết ạ.
Cả nhà cười vang, bé Măng Cụt cũng cười. Chị Hiền ôm lấy vai tôi, anh Thân lại nói :
- Chúng tôi lại phải sắp sửa có thêm em trai rồi đó.
- Chỉ nói nhảm.
Chị Hiền nguýt anh Thân một cái, rồi quay sang tôi :
- Em đứng yên đó, đợi chị một lát đã nghe.
Chị lại khoát màn đi vào trong, lát sau trở ra, trên tay cầm xâu chuỗi huyền. Tôi cảm động :
- Chị lo cho em quá.
- Lo mà có lo được gì đâu em.
Chị Hiền đeo chuỗi huyền vào cổ tôi, anh Thân nói :
- Bây giờ cô Hạnh có thể làm nàng tiên xanh trong buổi tiệc…
Tôi hôn bé Măng cụt, xin phép anh chị rồi gọi tắc xi tới ngôi biệt thự ở đường Công lý. Ngồi trên xe, soi mặt trong tấm kính chiếu hậu, tôi bỗng thấy buồn nôn nao, tôi đã nói dối anh chị tôi, sự thật tôi chưa bao giờ dự một buổi tiệc nào của bạn bè. Những đứa bạn cùng lớp thỉnh thoảng ăn sinh nhật, mở tiệc tùng nhảy nhót, khi được mời tôi đã kiếm cớ từ chối ngay. Tôi cũng không phân tích được lòng mình có thích hay không thích, nhưng tôi biết chắc chắn là không thể sống như vậy được. Bây giờ tôi đang mặc áo đẹp, tôi đang diện thật bảnh để đi tới dạy hai đứa nhỏ, thật là buồn cười. Nếu nửa chừng ông Hòa về thấy tôi ăn vận như vậy rồi ông sẽ nghĩ sao ? Câu nói của mấy đứa nhỏ hôm nào bỗng dội trong đầu tôi : « Cô giáo trông không hấp dẫn ». Tôi bỗng khổ sở tới muốn khóc, nghèo có gì xấu hổ đâu, tại sao tôi lại nghĩ đến điều đó. Nhưng tại sao, mình lại không ăn mặc được. Lý do của tôi chỉ làm tôi yên tâm một lúc rồi đâu lại vào đấy, tôi có nghĩ tới chiếc áo và khuôn mặt tôi đang mang. Một cô Hạnh đã thay đổi rồi… tôi lo sợ cho những thầm kín vừa khám phá được. Rồi những lý do khác tiếp diễn trong tôi, nếu gặp ông Hòa, tôi sẽ nói dối là tôi vừa đi ăn sinh nhật một người bạn, nhớ còn thiếu hai đứa nhỏ một buổi dạy tôi vội tới ngay đây. Rồi tôi sẽ nói: «Tưởng chủ nhật không có ông ở nhà». Ông Hòa sẽ nói một câu nào đó, tôi sẽ nói lại: «Nếu cần yên tĩnh tôi sẽ dạy lũ trẻ vào buổi khác». Rồi sau đó… tôi nghĩ tiếp và miên man trong một cuộc đối thoại với mình, cho tới lúc đã bảo xe ngừng lại. Tôi nhìn xuống khoảng căn biệt thự, những dẫy xe đang nối đuôi nhau và cái cửa sắt chỉ khép hờ. Âm thanh đầu tiên mà tội nghe thấy là tiếng nhạc tiếng kèn, từ trong ngôi nhà đầy ánh sáng dội ra. Chuyện gì vậy ? Một tiệc vui hay một đám cưới ? Những dây hoa, những tràng cười, tiếng nhạc đã xoáy trong tai, tôi bỗng thấy mặt tôi chóa đi mội lát. Cái gì vậy? Chiếc xe tắc xi đã đậu sát vào lề, và cánh cửa đã mở…
- Cô giáo!
Cánh cửa sắt bị xô mạnh, Tần và Chi chạy ồ ra, chúng tranh nhau cầm hai bàn tay tôi, ríu rít:
- Cô giáo hôm nay mặc áo mới đẹp quá. Ba mời cô giáo tới dự tiệc phải không ? Cô giáo tới trễ vậy hả cô.
Ba mời cô giáo tới dự tiệc ? Tôi không biết trả lời với hai đứa nhỏ sao hết. Ông Hòa đãi tiệc ? Tiệc hỏi, tiệc cưới, hay dạ hội ? Tôi thấy thấp thoáng bên trong rất nhiều áo màu, tiếng cười của đàn bà dòn tan làm chân tôi ríu lại. Nhưng ánh đèn màu hắt ra thật thơ mộng xui tôi sự tò mò, tôi lưỡng lự không biết nên quay ra hay đứng lại đó.
Bé Tần và bé Chi lôi kéo tôi, vừa lôi vừa gọi :
- Ba ơi ba, ra đón cô giáo nè.
- Đừng, đừng gọi ba.
Tôi kêu lên hốt hoảng, nhưng hai đứa bé vui mừng cứ cười mãi và ríu rít mãi. Tôi hỏi :
- Có chuyện gì vậy ?
- Sinh nhật ba đó cô giáo.
Chi nhanh nhẩu :
- Hôm nay cô Thúy cắt bánh cho ba, cô Thúy mặc áo đỏ…
Tôi đứng dừng lại :
- Thôi để cô về, hôm khác cô tới dạy.
- Không hôm nay cô phải ở lại với chúng em. Ba bận đãi tiệc, chúng em buồn lắm, cô nhé, cô ở lại nhé. Mà ba mời cô giáo mà…
Tôi gỡ tay bé Tần ra :
- Không, ba không có mời cô giáo, cô định tới dạy bù hôm nghỉ vừa rồi. Các em vào trong chơi đi.
Tôi xoa má hai đứa trẻ rồi quay ra, bước chân tôi nặng chình chịch theo tiếng nhạc. Nhưng vừa lúc đó, tôi nghe tiếng giày bước tới, rồi giọng ông Hòa : « Cô giáo ».
Tôi quay lại, trước mặt tôi ông Hòa đang đứng, dáng điệu hết sức hào hoa. Đầu tóc chải mượt, bộ vét mầu xẫm nổi bật chiếc nơ đỏ trên cổ áo sơ mi trắng. Ông tươi cười nhìn tôi, mặt ông đỏ hồng dưới ánh điện :
- Sao cô giáo lại về ?
Tôi cúi đầu, tại sao ông Hòa lại hỏi tại sao tôi bỏ về ? Tôi tới đây do sự tình cờ hết sức, nhưng tôi không trả lời được câu hỏi của ông Hòa. Tại sao tôi lại về ? Nhưng lý do gì tôi lại bước chân vào ngôi nhà này, tôi có được ai mời đâu. Tự nhiên tôi cảm thấy mình giận hờn, sự giận hờn vô lý hết sức…
- Cô giáo vào với các em đi.
Tôi cố gắng thật tự nhiên để trả lời ông Hòa :
- Dạ, tôi chỉ định tới dạy bé Chi và Tần để bù lại hôm thứ sáu nghỉ, xin lỗi ông, hôm đó tôi bị cảm bất thình lình.
Ông Hòa nhìn chăm chăm vào mặt tôi :
- Tôi trông cô giáo như vừa đi đâu về.
Tôi càng bối rối hơn :
- Dạ, tôi vừa đi dự tiệc cưới cô bạn xong, thấy còn sớm, tôi định ghé qua đây để dạy bù cho hai em. Nhưng hôm nay nhà bận khách thôi để mai tôi tới vậy.
Nhưng đôi mắt ông Hòa vẫn chăm chăm nhìn tôi. Tôi đã thay đổi trước mắt ông Hòa. Vì chiếc áo mới, vì xâu chuỗi hột ? Tôi bỗng thấy mình hết sức mỉa mai, xâu chuỗi hột của chị tôi, cái áo mới mà là vật thật cũ của chị tôi nữa… Ông Hòa đang nhìn tôi và đang nghĩ gì về tôi ? Liệu ông có hiểu lầm về sự thay đổi của tôi không ? Tôi bỗng băn khoăn khổ sở hết sức. Đôi mắt đứng tuổi ấy đang nghĩ gì với tia nhìn vừa xót thương vừa diễu cợt đó ? Chiếc áo như bó chặt thân thể tôi hơn và chuỗi hạt rực rỡ hết sức trơ trẽn…
Tôi đứng chôn chân chịu trận, nhưng không lâu, giọng ông Hòa bỗng thật dịu dàng :
- Hôm nay là ngày sinh nhật của tôi. Tôi mời cô giáo vui lòng vào dự tiệc với tôi một lát nhé. Mong cô đừng từ chối.
Tôi ngây người ra, nửa thẹn thùng nửa kiêu hãnh, ông Hòa mời tôi thật, giọng ông không phải là nói để đùa, nói để khỏi mất lòng, tôi biết. Trong mắt tôi có sự nhận xét tinh tế riêng, dù có thể chỉ tinh tế trong một lúc nào đó. Nãy giờ tôi quên cả bé Chi và Tần đang đứng nhìn chăm vào khuôn mặt tôi chờ đợi, tôi nhìn thấy cả sự sáng rỡ trên khuôn mặt chúng nữa…
- Cô giáo, vào với chúng em đi.
Tôi ôm lấy bé Tần để khỏi thấy tay chân mình thừa thãi :
- Dạ thôi, cảm ơn ông, tôi không quen những buổi tiệc tùng…
- Cô nói dối rồi, cô chả đi dự tiệc cưới vừa rồi là gì, thôi, xin mời cô giáo.
- Dạ…
- Hay cô cho rằng tôi không xứng đáng mời cô…
- Không, không phải, nhưng tại tôi không kịp chuẩn bị trước.
- Trời, cô là người khách đẹp nhất, quí nhất của tôi hôm nay…
Chưa có ai nói với tôi một câu lịch sự như thế, câu nói của ông Hòa làm tôi cảm động vô cùng. Ông Hòa đã nhìn thấy tôi, đã chú ý tới tôi, tôi thấy mình hả dạ và buồn cười một mình. Không thể từ chối mãi, tôi đành dắt bé Chi và Tần theo chân ông Hòa bước vào. Nhưng tôi bắt ông hứa với tôi là chỉ để tôi ở bên trong, riêng với bé Chi và Tần. Hình như cả trăm con mắt đang đổ dồn vào tôi khi tôi bước vào phòng tiệc. Tôi không dám nhìn một phía nào hết, xung quanh tôi, những tảng ánh sáng đèn đầy màu sắc như chói rực trên tấm áo nhung xanh. Tôi cảm thấy tai tôi nóng rừ, mặt tôi nóng rừ.
Ông Hòa nói với khách :
- Xin giới thiệu với các bạn, đây là cô giáo của các con tôi…
Tôi cúi đầu chào qua một lượt, nhiều tiếng xì xào nổi lên, nghe cả tiếng diễu cợt nữa. Ông Hòa cáo lỗi cho tôi vào trong dạy lũ trẻ, tiếng xôn xao phản đối, nhưng cuối cùng tôi cũng dẫn được hai đứa bé đi vào trong.
Tôi nghe tiếng một người đàn bà nói :
- Cô giáo đẹp quá hả anh Hòa, có phải cô giáo của anh nữa đấy không, chị Thúy để vậy mà chịu à.
Một giọng khác, hơi cao và chanh chua :
- Hừ, vậy mà người ta cứ bảo là không hấp dẫn.
Tôi đoán câu nói đó là của Thúy và tự nhiên tôi cảm thấy buồn hết sức, tôi chỉ là một cô giáo nghèo, một đứa con gái đáng thương trước mắt giới trưởng giả. Nhưng thấy ông Hòa ân cần đưa tôi vào tận buồng ngủ, chỉ có nơi này là yên ổn cho chúng tôi lúc này, xa biệt với phòng khách. Tuy nhiên khi bước vào phòng, người tôi không khỏi run nhẹ.
- Cô giáo ở đây nhé.
Tôi gật đầu, ông Hòa nhìn tôi một thoáng rồi đi ra. Tôi bật ngọn đèn giữa phòng sáng choang và cố không nhìn những bức tranh khỏa thân treo trên tường, nhưng tôi không thể cố gắng mãi được, tranh đó đúng là của Renoir. Hai đứa bé cố nhiên đã quen với gian phòng này lắm rồi. Riêng tôi, dưới mắt một người thích hội họa, tôi chịu nhận ông Hòa có một đầu óc khá nghệ sĩ, những bức tranh màu sắc và cách xếp đặt là cả một sự hòa hợp quyến rũ. Quyến rũ, tôi đã nghĩ gì vậy ? Nhưng thú thật tôi không còn coi ông Hòa như trước nữa. Trước kia tôi chỉ nghĩ ông là một người giàu có, chơi bời và tâm hồn rất nông cạn, sống xô bồ. Ông Hòa không phải thế, nhưng tôi đã nghĩ làm gì mà quá xa vậy. Ông Hòa chỉ coi tôi là một cô giáo nghèo và nhìn tôi bằng vẻ thương hại của một người thừa thãi của, coi việc giúp đỡ, bố thí làm vui.
Tôi mở sách ra, nhưng bé Tần đã cầm lấy tay tôi :
- Cô giáo, hôm nay cô kể chuyện cho chúng em nghe đi cô đừng dạy học nữa.
Tôi ngạc nhiên :
- Sao bỗng nhiên Tần lại không thích học ?
- Dạ, nhưng hôm nay em thích cô giáo kể chuyện cho em nghe, hôm nay chủ nhật mà cô…
Đôi mắt Tần mơ màng, tôi nghĩ nó đang nghe tiếng nhạc ở ngoài phòng vọng vào với vẻ hết sức lơ đãng. Tôi chợt hiểu lý do tại sao Tần không muốn học hôm nay.
Tôi quay sang hỏi Chi :
- Còn Chi thì sao ?
Vẻ liến thoắng hằng ngày trên khuôn mặt của Chi cũng biến mất ; nó nói :
- Cô giáo, cô kể chuyện đời xưa đi, chuyện thật dài, thật nhiều bà tiên vào cô nhé.
Tôi gật đầu và cố moi trí nhớ tìm một chuyện cổ tích cho hợp với hai đứa nhỏ. Thủa nhỏ tôi có được ai kể chuyện cổ tích cho nghe bao giờ đâu, tôi cảm thương bé Tần và Chi hết sức, chúng nó cũng thế, sống trên sự giàu sang, ăn mặc, nhưng chúng không biết mẹ và cũng không trọn tình thương của cha. Tôi đưa tay ôm lấy hai đứa, lúc đó chúng tôi đang ở khuôn cửa sổ nhìn xuống khu vườn hoa. Tôi ngửi thấy mùi hương hoàng lan thơm ngát. Tôi chợt nghĩ tới những bông hoa hoàng lan trắng nõn đang tỏa hương giữa đêm, cũng như tôi cũng đang tỏa hương trong tuổi con gái tôi, nhưng tôi thiệt thòi và cô đơn hơn nhiều… Tôi bỗng nhớ tới một chuyện cổ tích mà tôi được đọc hồi học lớp nhất : « Nàng công chúa ngủ trong rừng », tôi kể cho chúng nghe. Chúng tôi ngồi trên ba chiếc ghế nhỏ kê sát nhau, nhìn ra khoảng vườn mênh mông lấp lánh. Tôi không nhớ thời gian kể chuyện cho hai đứa trẻ dài bao lâu, nhưng khi tôi ngừng lại thì bé Tần đã nằm gọn trong lòng tôi, tôi nhìn thấy giọt nước mắt đọng trên mi nó. Bất giác tôi cúi xuống hôn nhẹ trên đôi má mịn màng của bé, và lạ lùng, một giọt lệ từ mắt tôi cũng rơi xuống trên khuôn mặt trẻ thơ của bé Tần.
Vừa lúc, thật bất ngờ, ông Hòa đi vào giữa phòng, ông đứng nhìn sững cảnh tượng của chúng tôi, trên tay ông bưng một cái khay nhỏ. Thay vì sai người làm, ông đã tận tay mang vào cho chúng tôi một ly vang, hai cốc cam tươi và một đĩa bánh ngọt.
- Cô giáo, xin cô vui lòng dùng chiếc bánh ngọt, mừng tuổi già của tôi.
- Cô giáo…
Bé Tần vừa gọi vừa nhắm mắt lại, giọt lệ của tôi loang dần trên gò má non thơ của nó, lăn dài và dính vào những sợi tóc mai mềm mại…
Tôi ngẩng lên, đưa tay đón lấy khay bánh ngọt :
- Cám ơn ông.
- Còn sớm lắm, tôi mong cô giáo ở lại chơi với các em, một lát tàn tiệc, tôi xin đưa cô giáo về.
- Cảm ơn ông.
Ông Hòa mỉm cười chào tôi rất lễ độ rồi quay ra. Bé Tần vụt ngồi dậy ôm lấy cổ tôi, tay nó luồn vào tóc tôi, thỏ thẻ:
- Cô giáo, cô giáo thương tụi em không?
Bé Chi cũng cầm lấy tay tôi. Tôi gật đầu và chia bánh ngọt cho hai đứa trẻ ăn. Đồng hồ gõ mười tiếng, tôi giật mình, muộn quá rồi. Tôi muốn về nhưng nghĩ tới sự cô đơn của hai đứa nhỏ lòng tôi lại không nỡ. Tôi bế hai đứa trẻ đặt lên giường ngủ của ông Hòa rồi bắc ghế ngồi bên dỗ dành. Tôi tiếp tục kể chuyện cổ tích cho chúng nghe, giọng tôi như ngọt với hương hoàng lan từ ngoài vườn bay vào sực nức. Tôi nghe trong không gian như muôn ngàn vì sao đang cựa mình, bay xà xuống và đậu trên những nhánh hoàng lan và tiếng vỡ thầm kín của tuổi con gái tôi vừa tới giọng, người tôi nao nức những hương hoàng lan cùng với hai hơi thở ngọt ngào của mong ước, tôi quên tôi trong tuồng lớp cô giáo nghèo tôi nghiệp…
Đôi mắt của bé Chi và Tần đã khép yên ngủ, hai khuôn mặt trẻ thơ làm tôi bàng hoàng. Tôi tắt ngọn đèn giữa phòng, bấy giờ ánh sáng đổi màu xanh trên khuôn mặt trẻ thơ hết sức bình yên, êm ái. Tôi bỏ ra đứng ở cửa sổ, nhìn ra khoảng vườn tối mênh mông, mùi hương ngọt ngào nhưng tôi không thể nhận cây hoàng lan ở về phương hướng nào… Người tôi bỗng bồn chồn như say sóng… đêm không trăng nhưng đêm đầy sao, tiếng nhạc bên ngoài bây giờ thật dịu dàng, trầm bổng. Tôi nghe thấy những tiếng chân bước, người ta đang khiêu vũ ở ngoài đó. Lúc này ông Hòa đang ôm cô Thúy, hay một bà thật đẹp, đang biểu diễn một điệu vũ bay bướm, bởi những tràng cười, tràng vỗ tay mà đoán vậy… Tôi bưng ly rượu vang lên uống cạn một hơi, tôi chưa quen uống rượu bao giờ, dù một ly bia nhỏ cũng vậy. Hơi rượu ấm áp tan dần trong mạch máu tôi, đầu tôi bỗng bốc lên và choáng váng. Trong sự váng vất đó, tôi bỗng thấy những ấm ức như đang có dịp lưu thông mà không chịu bùng vỡ. Trên tường những bức hình khỏa thân như động đậy, uốn éo, như đang đi lại phía tôi, thổi những hơi lửa làm áo quần tôi bốc cháy… Tôi bỗng thấy rờn rợn, người tôi nổi gai ốc, tôi có cảm tưởng tôi còn ngồi đây, nghe thấy tiếng nhạc, bước chân, tôi sẽ nổi điên lên mất. Tôi đi lại phía giường, cúi hôn bé Tần rồi rón rén ra khỏi phòng. Bên ngoài khung cảnh buổi tiệc vẫn còn vui nhộn. Tôi đi về phía bếp, bà quản gia không thấy đâu, nhưng chị tớ gái thì đang nằm vắt ở chiếc ghế bố đặt nơi nhà ngang mà ngủ. Một vạt áo chị tốc lên lộ một phần bụng trắng hếu và phía trên cúc áo bị tuột, lộ một phần ngực, tôi rùng mình bước đi thật nhanh. Ra tới đường tôi mới thấy yên tâm, những chiếc xe hơi vẫn còn đậu nối đuôi nhau. Buổi tiệc vẫn còn vui, tiếng nhạc quyến rũ. Tôi đi bộ một đoạn rồi lên tắc xi. Căn phòng ngủ rộng với buổi tiệc của ông Hòa, hình ảnh cô tớ gái nằm ngủ hớ hênh vẫn còn ám ảnh tôi không dứt ra được.
Tôi về tới nhà đúng mười một giờ, chị Hiền mở cửa cho tôi, chị hỏi:
- Dự tiệc có vui không hở em ?
Tôi cố giữ bộ mặt thật bình thản và trả lời :
- Toàn tụi nhỏ chúng em thôi, không buồn mà cũng không vui lắm.
Chị Hiền hỏi tôi một vài câu về không khí buổi tiệc rồi mới tha cho tôi lên gác. Tôi thay quần áo rồi nằm vật xuống giường người như mệt mỏi lắm. Nhưng nằm trằn trọc rất khuya tôi cũng không ngủ được. Tôi bỗng nghe thấy tiếng trống lùng bùng rồi tiếng kèn tỉ tê thổi. Một đám ma ở gần đây, tiếng kèn trống như xoáy vào đầu làm tôi hết sức khó chịu và gây cho tôi sự hồi hộp vô cớ. Và lạ lùng hơn, trong sự hồi hộp, tôi bỗng có cảm giác ngần ngật sợ hãi, khó chịu. Tôi biết chắc tôi không sợ xác chết, nhưng tiếng kèn trống tỉ tê như ám lấy không khí, bóp chặt cả tiếng đập của tim tôi. Tôi mở rộng cảnh cửa sổ, nhìn xuống lối xóm. Đám tang ở ngõ hẻm bên kia, cách xa đường lộ. Nhưng tiếng kèn trống đêm khuya nổi bật lên hết sức bi thương, thỉnh thoảng lại nổi lên gây sự đợi chờ bất đắc dĩ.
Căn gác đối diện vẫn còn chong đèn sáng trưng. Tôi không dám tò mò nhìn vào căn gác đó mà nhìn lên trên trời, những vì sao nhỏ thật hiền lành, thật bình tĩnh, lấp lánh đong đưa. Thoảng đâu đây một mùi hương hoàng lan như còn vướng từ tư tưởng, vướng theo từ nơi khu vườn ông Hoà, thoảng trong tóc tôi, ngào ngạt…
Tôi tắt đèn và trằn trọc trong bóng tối.
Từ ngày đi dạy học cho hai đứa bé Chi và Tần, tôi đã bỏ quên Bằng trong một thời gian khá lâu, nhưng việc vẽ tranh tôi không hề trễ nải. Tôi vẫn chưa gặp Bằng lần nào, và anh Thân cũng quên khuấy mất lời hứa đầy vẻ diễu cợt dạo nọ.
Mùa đông đến ; trời Sài gòn bỗng nhiên thay đổi hẳn. Người ta nói khí hậu Sài gòn chưa bao giờ nên thơ như thế. Buổi sáng trời lạnh, có sương mù. Đêm thỉnh thoảng trăng rất trong. Khí hậu như làm người ta chú ý sự điểm trang hơn bởi thế, tôi đã nhìn thấy những kiểu áo đẹp, những màu len, những mái tóc. Và tôi cũng thấy tâm hồn tôi bỗng bình tĩnh lạ lùng, tôi như bình tĩnh đợi một sự thay đổi nào ghê gớm lắm, và bằng lòng tất cả, bởi tôi đang sống trong một mùa thật dịu dàng, tôi sống hoàn toàn cho tôi.
Tôi bắt đầu chăm chỉ học hành, đã có một thời gian say mê vẽ, tôi đã bê trễ sự học, bê trễ chứ không phải lười biếng đâu. Nhưng buổi học đổi sang chiều, tôi có thì giờ dậy muộn, ngồi thu mình trên căn gác viết nhật ký. Những trang nhật ký thật miên man, đôi lúc có những tên, những chữ ký hết sức vô nghĩa. Mùa này thích hợp cho tôi bao nhiêu thì lại buồn cho Phương, cháu của ông Hòa chừng đó. Cô nàng không thể đi bơi, không thể rủ bạn bè đi xa lộ, Thủ đức, và đời sống vì thế mà bớt tưng bừng. Phương thường kể cho tôi nghe với giọng rất chán nản về những buổi trời mưa, phải ngồi ở nhà và không biết làm gì, đành gây gổ với lũ em mất dạy cho đỡ buồn miệng. Còn Phương, người bạn gái hiền lành của tôi, mãi vô tư, mãi dịu hiền, tôi thấy nụ cười Phương như xa vắng hơn. Tôi nghĩ nó cũng đang có sự thay đổi, một tâm tình mới nào đó, chắc vậy.
Đối với anh Thân và chị Hiền, tôi không còn là trẻ con nữa, anh chị tôi đã dành cho tôi đời sống riêng tư hơn. Dĩ nhiên tôi sống riêng tư cho tôi nhiều, nhưng tôi vẫn thương yêu anh chị tôi, đời sống của anh chị tôi trầm lặng, đều đặn hết sức, thứ trầm lặng bình thường nhưng đầy hạnh phúc. Tuy vậy, tôi cũng không mấy chịu thứ đều đặn hạnh phúc mãi đó. Nhờ có số tiền dạy học, tôi tự lo lấy sách vở một phần cho anh chị tôi.
Anh chị Thân hình như cũng hiểu lờ mờ tôi làm ra tiền, và tin tôi, không hề thắc mắc về số tiền tôi kiếm được. Anh Thân tôi thật tế nhị, tôi thật thích anh ấy.
8
CHỊ Hiền tuy bận rộn suốt ngày đêm với chồng con, chị cũng cố thức khuya, hoặc bỏ những giấc ngủ trưa để đan cho tôi một chiếc áo len màu trắng. Những ngày trở đông dìu dịu, tôi mang một chiếc áo len chính tay chị Hiền đan, lòng cảm động muốn khóc. Tôi nghĩ chị đã thay được tay mẹ, săn sóc tôi. Tôi cũng nghĩ rất nhiều về những ngày thơ ấu mờ mịt của tôi, trong những ngày thơ ấu đó, chắc chị Hiền cũng đã đổ rất nhiều lệ, trong giấc ngủ, giờ chơi tội nghiệp của tôi nữa. Mùa đông cũng mang về cho tôi nhiều suy nghĩ miên man, tôi buồn vô cớ và cũng hay phiền muộn vô cớ, tới tuổi tôi, không hiểu những bạn bè tôi có nghĩ những điều như tôi nghĩ, có buồn những điều như tôi buồn ? Nhưng họ vẫn xa cách tôi quá. Tình cảm tôi bây giờ thật phiền toái, nhiều khi tôi chịu đựng hết muốn nổi, tôi hay giận dỗi vu vơ hay buồn nhẹ nhàng, khóc vô cớ, và ưa nhìn những màu sắc của trời đông lãng mạn.
Tôi cũng không hiểu vì sao nữa.
Trong thời gian này đã có một chuyện xảy ra, đó là một sự tỏ tình của Toản, người con trai đã có lần ôm đại tôi ở trong ngôi nhà chính tôi đang ở. Và sự xuất hiện đột ngột của Toản khiến tôi hoảng hốt kinh hãi, tột cùng. Hôm đó, vào chiều tan học. Tôi định theo một chuyến xe buýt trở về nhà để kịp ăn cơm sớm, sau đó còn soạn bài và đi dạy học. Nhưng trời thật đẹp, thật quyến rũ làm tôi phân vân, tiếc một đoạn đường đi bộ đầy lãng mạn. Gió đìu hiu phất nhẹ trên tóc tôi, trên da tôi một vuốt ve âu yếm làm tôi muốn thèm. Tôi nghĩ tới sự mơn trớn thủa bé thơ của tôi và lòng tôi đau nhói, mỗi lần nhớ tới mẹ, tôi không khỏi rùng mình vì thảm cảnh, tôi tê buốt đi trong sự tủi nhục mang suốt thời thơ dại đó. Một chiếc xe buýt qua, rồi một chiếc nữa, tôi vẫn còn đứng tần ngần bên cái bảng ghi chữ công quản chuyên chở. Mày đứng làm gì vậy Hạnh, sao chưa về. Leo lên tao đèo đi. Tôi nhìn chiếc yên sau xe vélo của một cô bạn mỉm cười lắc đầu. Chiếc xe phóng đi và tôi cũng lững thững trên đường bộ.
Sau lưng tôi, mội giọng nói thật lạ : « Hạnh ».
Nhưng tiếng gọi Hạnh lạ lùng đó như vừa dội lại từ một tiếng kêu nào ở dĩ vãng. Tôi không nhận ra nhưng tôi bàng hoàng hoảng hốt, tiếng gọi đó đã gợi cho tôi một hình ảnh gì ? Tôi quay lại và chợt thấy Toản. Toản tiến ngay tới và đi song song với tôi. Tại sao lại Toản, sự có mặt của Toản làm tôi sợ hãi tới kỳ cục. Tôi không thể nào nhớ lại, bàn tay đó, khuôn mặt đó, giọng nói đó. Đôi môi Toản vẫn dày, đôi mắt Toản vẫn đa tình nhưng ảnh hưởng mùa đông thu trong da, trong ánh mắt vàng xám, buồn bã…
- Hạnh đi học về.
- Vâng.
Tôi trả lời thật vắn tắt và cố giữ giọng thật lạnh nhạt. Toản vẫn đi đều bên tôi im lặng. Cứ im lặng thế mà đi bên nhau, lòng tôi khó chịu hết sức, hình ảnh Toản như một bóng tối lấn dần vùng sáng yên tĩnh trong hồn tôi, tâm tư tôi xáo trộn hết sức đột ngột.
Tôi đứng dừng lại, cau mày hỏi Toản :
- Anh theo tôi có chuyện gì ?
Đôi mắt Toản nhìn hẳn xuống, hẳn không nhìn tôi, và chắc hắn cũng không nhìn một thứ gì khác. Toản đang đóng trò hối hận, trò đa tình ?
- Hạnh, tôi muốn gặp Hạnh để xin lỗi chuyện cũ.
- Tôi quên rồi, xin đừng nhắc.
Tôi nói thế mà sự thật lòng tôi đâu có quên, từ ngày xảy ra vụ Toản ôm tôi hôn, và sau lần chứng kiến chị Hiền đẻ, tôi đã phải thắc mắc, đã suy nghĩ mãi. Tình yêu chỉ có vậy thôi sao ? Và đàn ông, và Toản chỉ nhìn đàn bà qua sự đó. Tôi bỗng ghê tởm không sao nói hết. Vậy thì những chuyện tình thơ mộng, lãng mạn đều do sự tưởng tượng ra hết cả sao ? Tôi khi tin, khi không, nhưng chính Toản đã đem lại cho tôi sự thất vọng, chính Toản đã gây cho tôi sự kinh tởm, sợ hãi về nam giới. Hay tại tôi bất thường, hay tại tôi đã nhìn mọi sự sai lạc.
- Hạnh có nghĩ là tôi yêu Hạnh không ?
Toản yêu tôi và tỏ tình bằng cách tôi đã được biết đó. Tình yêu như vậy, một người đàn ông tỏ tình như vậy đó ư ? Đâu có phải, nhưng Toản đã coi tôi là hạng người gì khi Toản tới, không, tôi lúc đó chỉ là một cô gái hết sức luộm thuộm, có thể nói là tức cười.
Tôi nhìn thẳng và trả lời :
- Tôi, không biết.
- Hạnh có biết là tôi vẫn đón Hạnh mỗi buổi chiều ở cổng trường mà không dám bước tới không ?
- Nhưng tại sao anh mất công chi vậy không biết. Có chán gì cô khác đẹp hơn tôi ở trường này.
Đôi môi dày của Toản kéo nhẹ một nụ cười :
- Hạnh nói vậy là Hạnh chưa đến nỗi ghét tôi lắm. Bây giờ tôi muốn chuộc lỗi, Hạnh cho tôi được chuộc lỗi với Hạnh, Hạnh nhé ?
Tôi im lặng. Toản nói tiếp :
- Tôi tin rằng Hạnh sẽ tha thứ cho tôi, Hạnh, tôi yêu Hạnh lắm, yêu Hạnh vô cùng. Tôi sẽ đến xin lỗi anh chị Thân, tôi sẽ tới xin cưới Hạnh.
Tôi sẽ tới xin cưới Hạnh. Câu nói của Toản làm tôi ngạc nhiên tới thảng thốt. Hắn yêu tôi và muốn cưới tôi ? Có thật không ? Hay hắn chỉ muốn thỏa mãn những thèm khát mà một lần hắn đã vuột.
- Hạnh, đừng giận tôi nữa, tha thứ cho tôi.
Tha thứ cho Toản, không, tôi không tha thứ cho ai được hết, cả tha thứ cho tôi nữa. Nhưng Toản đang muốn gì ? đang âm mưu gì ? Nhưng tôi không thể tự dối lòng là tôi không thích thú những lời lẽ tỏ tình, van nài của Toản. Tôi chưa nghe ai nói với tôi tha thiết như thế, chưa ai nhìn tôi bằng con mắt sôi nổi như thế. Những Hưng, những Thuyết, những Doãn, những lá thư tình ít lâu nay tôi nhận được cũng làm tôi xao xuyến ít nhiều, nghĩ tới nó ít nhiều. Nhưng Toản làm tôi vừa sợ hãi, vừa hãnh diện hơn, tôi kiêu hãnh có một người yêu tôi tới mức như Toản, dù trước kia tôi đã ghét hắn, ghê tởm hắn.
Nhưng xao xuyến đó rồi cũng tan biến rất nhanh, tôi không định gì hết và cũng không muốn định gì hết, tương lai trước mặt tôi còn xa tít mù tôi còn phải học, tôi còn phải vẽ. Và Toản, tôi dám tin những lời của Toản ư ? Đã một lần, tôi rùng mình, nếu lần đó tôi vụng về yếu đuối, bây giờ tôi sẽ ra sao ?
Bên tai tôi, tiếng Toản vẫn đều đều, tôi bối rối nhìn xuống đất và bất chợt bắt gặp bàn tay của Toản. Bàn tay dầy, thô bạo, những móng tay vàng nhựa thuốc lá xòa rộng ra một cách hết sức ngây ngô. Tôi bỗng đỏ rần mặt, bàn tay đó có lần ôm ghì lấy tôi, đã mò mẫn đã… không, không thể thương hại hắn, hai bàn tay của hắn kìa, nó đang xòa ra, xòa rộng ra và lát nữa sẽ bất chợt nắm lại, tàn bạo.
Tôi có ghét hắn không ? Có ghê tởm hắn không, nhưng kìa, hai bàn tay hắn, nét môi dầy của hắn, Tôi thấy đau buốt, cái bàng hoàng đau đớn tận cùng của một người cảm thấy số phận của mình đại bất hạnh. Tôi sinh ra làm một người nữ để làm gì, để học, để vẽ, để lấy chồng sinh con đẻ cái ? Không, tôi không chỉ muốn thế, tôi cũng không muốn nghe Toản nói nữa.
- Anh nói hết chưa ?
- Hạnh, không bao giờ tôi nói hết được với Hạnh, tôi quí mến Hạnh vô cùng.
- Cảm ơn anh, tôi đã được sự quí mến của anh dành cho tôi. Thú thật tôi cũng không còn thì giờ…
Tôi bỏ Toản đứng chơ vơ như một cây khô hết nhựa bám chặt vào đất. Tôi vẫy mội chiếc tắc-xi và bỏ ra về. Xe chạy môt đoạn, tôi bất chợt quay lại. Toản vẫn còn đứng ở đó, nhìn theo. Tôi bỗng thấy hối hận. Tôi đã tàn nhẫn quá phải không ?
Hạnh, mày vừa làm một chuyện gì vậy ? Mày không có quyền khinh người, nhất là người yêu quí mày. Có thật mày ghét Toản không, hay đó chỉ là một thứ kiêu ngạo vô tư cách, dại dột của con gái ? Mày vẫn còn nhột nhạt khi nhìn thấy bàn tay của Toản, nhìn đôi mắt si mê, và mày hồi hộp khi đi bên cạnh hắn. Có hay không ? Có hay không ? Mày đang hối hận và mày đang cô đơn nữa. Hạnh, Hạnh. Có phải tôi thích sự thô bạo của đàn ông không ? Có hay không ? Sao chưa trả lời, sao chưa hiểu thấu hở Hạnh ? Tôi cắn chặt đôi môi và ứa nước mắt. Tôi đã khóc, vì tôi hay vì Toản.
Nhưng sau đó tôi không gặp Toản lần nào nữa, tôi nghĩ là nếu gặp lại, tôi sẽ tỏ ra dịu dàng với hắn hơn. Vậy mà tôi cũng không gặp và tôi, cũng quên mất câu chuyện đó dần.
Tôi đã tới tuổi dậy thì hay quá tuổi dậy thì, tôi không biết.
Tôi vẫn sống lặng lẽ như thế bên cạnh anh chị và cháu nhỏ. Đứa cháu của tôi rất dễ thương, thằng Măng Cụt nghịch ngợm lắm, nó leo trèo, phá phách suốt ngày. Nhưng leo lên căn gác của tôi thì nó không ham, không phải vì đôi chân của nó ngắn đâu, mà chắc tại nó thấy căn gác của tôi không có thứ gì làm cho nó ham hết. Anh Thân tôi có thêm vài người bạn mới, họ đều lớn tuổi cả và tôi cũng ít khi phải nói chuyện với họ.
Tôi cũng có những thời kỳ say mê rất kỳ lạ, chính mùa đông xui tôi phải lo học, rồi chính mùa đông xui tôi phải bỏ bê học hành. Tôi lại vẽ, vẽ đêm vẽ ngày. Thời gian này tôi phải dạy bé Tần và Chi học bốn buổi một tuần, số tiền cũng tăng hơn. Do đó, bột màu, giấy, bố và sơn tôi mua sẵn đầy đủ.
Những sự bí mật trên căn gác nhỏ của tôi cuối cùng bị bại lộ trong trường hợp hết sức tức cười. Anh chị Thân tôi, một hôm bỗng nổi hứng bế con lên thăm căn gác nhỏ của tôi. Lâu lắm anh chị tôi mới lên đây, bởi mỗi tối chúng tôi đều gặp nhau, nói chuyện dưới nhà, trong bữa cơm hết sức thân ái. Đang lúc chúng tôi ngồi ôn lại những kỷ niệm vui buồn của mấy năm về trước thì bé Măng Cụt bò lê khắp phòng, một lát nó mất tích. Chúng tôi tìm mãi mới lôi chú nhỏ từ gậm giường ra, mặt nó bê bết sơn như một thằng hề lỏi tì. Đúng là hộp sơn tôi chưa pha xong, đặt dưới gậm giường.

Anh Thân kêu lên :
- Trời sơn ở đâu thế ?
Anh cúi xuống tìm, bé Măng Cụt vẫn cầm chặt thỏi sơn trong tay, miệng cười toe toét. Thế là tất cả sự bí mật của tôi bật mí. Khi coi xong những bức vẽ, anh Thân sửng sốt :
- Hạnh vẽ thật à.
Tôi cười để trả lời anh chị tôi. Chị Hiền thì chả biết tí gì về hội họa, nhưng cũng xem, cũng suýt soa. Chắc chị quá vui mừng vì thấy tôi biết vẽ, tôi cũng là một nữ họa sĩ. Chị gọi tôi như thế.
Từ hôm đó, trong những bữa cơm, anh Thân và chị Hiền không ngớt nhắc nhở những bức tranh của tôi. Thấy anh chị tôi vui mừng tôi sung sướng và cảm động hết sức. Anh Thân còn dự định lo cho tôi một buổi triển lãm nữa. Ban đầu tôi lo sợ và không chịu, nhưng anh chị tôi xúi mãi, tôi cũng xiêu lòng. Anh Thân nhắc tới Bằng. Phải nhờ Bằng lo hộ, chỉ có Bằng mới rành và thu xếp mau. Anh Thân nói thế và tức tốc đi gặp Bằng, mời Bằng tới nhà ăn cơm để gặp tôi, buổi cơm thân mật sẽ tổ chức vào tối chủ nhật tới. Lời hẹn của Bằng ngày chủ nhật làm tôi hồi hộp và chờ đợi. Tôi sẽ gặp Bằng, đây là lần thứ nhất, sao khiến tôi không bồn chồn, lo lắng và nao nức nổi. Chúng tôi đã bàn rất kỹ về buổi cơm ngày chủ nhật, và tôi bắt đầu chọn tranh để ra mắt Bằng…
9
BÉ Tần đã khoẻ lại và đã trở về nhà, sau hơn một tuần nằm ở Grall. Vết thương của nó thực ra không có gì đáng kể, nhưng lấy cớ là bé Tần cần nghỉ ngơi ít lâu, rồi mới có thể học hành lại, từ hơn một tuần nay, tôi đã không trở lại ngôi biệt thự của ông Hòa.
Sau buổi tối ngồi với ông Hòa trong sân bịnh viện, tôi đã cố tìm mọi cách để lánh mặt ông, để tránh phải nhắc lại, phải trả lời về câu chuyện ông đã nói. Có một vài lần tới bịnh viện thăm Tần, thấy có ông Hòa ở trong, tôi đã vội vàng lánh ra ngoài, chờ ông đi xong tôi mới trở vào gặp Tần.
Có lẽ chính ông Hòa cũng biết việc tôi cố tình lánh mặt ông nên ít ngày về sau, thấy tôi thường đến thăm Tần vào buổi chiều, ông Hòa đã tự ý lánh trước, không để cho tôi bận tâm. Sự tế nhị của ông Hòa làm tôi bằng lòng, cám ơn, nhưng cũng làm tôi suy nghĩ không ít. Thế là thế nào ? Câu chuyện ông tỏ tình với tôi trong sân bệnh viện hôm Tần bị đụng xe là thế nào ? Một chuyện thật hay chỉ là một sản phẩm của hoảng hốt thất thần. Tôi có thể yêu lại ông Hòa chăng ? thế còn Bằng ? Tôi nghĩ gì về Bằng ? Tất cả những câu hỏi ấy thường ám ảnh tôi nhưng hình như chính tôi lại cố ý không muốn trả lời dứt khoát một câu hỏi nào hết. Hình như tôi sợ sự dứt khoát ?
Nhưng mà tôi có sợ cũng không được. Vì chỉ sau một tuần lễ không tới ngôi biệt thự của ông Hòa, tôi đã nhận được một lá thư của ông Hòa gửi bằng bưu điện.
Lá thư viết vắn tắt :
- Cô giáo, cháu Tần đã mạnh. Cháu nhớ cô giáo lắm. Nếu không có việc gì bận, mời cô chiều nay tới dùng cơm với chúng tôi, hôm nay sinh nhật của cháu Tần. Mong cô không nỡ từ chối.
Mong cô không nỡ từ chối. Chữ nỡ từ chối của ông Hòa như một lời cố tình làm tôi băn khoăn. Đến hay không đến ; Không nỡ đến sao ? Bao nhiêu câu hỏi lại xoay trong đầu tôi. Thời gian này tôi bị dồn bởi nhiều câu hỏi quá. Và cho tới buổi tối thì tôi quyết định đi tới nhà ông Hoà. Tại sao tôi lại không đến nhà ông Hoà được nhỉ, tôi là cô giáo, tôi là cô giáo và chỉ nên là một cô giáo thôi. Tôi mang lại hình ảnh một cô giáo nghèo với bộ quần áo trắng cũ. Nhưng tôi lại khổ sở và thấy mình đã làm ngược lại tất cả những ý muốn thầm kín trong thâm tâm mình. Chị Hiền lại vừa mới may cho tôi chiếc áo mới và trước đó tôi đã mấy lần cầm lên định mặc vào rồi tôi lại bỏ ra.
Tôi thấy ông Hoà đang đi lại trước sân, dáng mong đợi. Tự nhiên tôi đâm ra hồi hộp như lần đầu tiên hò hẹn với tình nhân. Tôi tự mắng thầm, tự cười thầm mình và hồi hộp, lo sợ. Tôi cố kìm hãm sự lo sợ mãi mà không được đến nỗi tôi cũng phải bực tức với cả tôi. Tôi vuốt lại tóc, một tay thu vào vạt áo rồi tôi đi vào, dáng dấp của tôi là dáng dấp của một nữ sinh, tội nghiệp và đầy mặc cảm. Tôi giận mình không biết làm dáng một tí, nhiều lúc tôi muốn làm dáng thì chính cử chỉ ấy trở nên vụng về thô kệch vô cùng. Lũ bạn tôi, đứa nào cũng rất điệu, khi nói, mắt liếc hoặc ngập ngừng, cười e ấp, hay đi nhỏng nha nhỏng nhảnh. Mỗi lần nhìn thấy một đứa bạn như thế tôi lại nổi gai ốc đầy mình, đời sao lắm màn kịch thật buồn cười, và mọi người vẫn biết mà vẫn đâm đầu thích những thứ đó. Tôi là một cô gái bất thường tôi lạc loài và xa lạ đủ mọi thứ. Đáng lý ra tôi nên lên rừng rú mà ở.
Ý nghĩ đó làm tôi khựng chân lại. Ông Hòa đã nhìn thấy tôi, ông tiến tới mấy bước, rồi cũng dừng lại, trong giọng nói của ông, tôi không thể tưởng ra được sự vui mừng hay lạnh nhạt. Nhưng trong đôi mắt ông vừa chiếu tới tôi đã vội nhìn xuống, và tôi cũng nhìn xuống, nơi những hòn sỏi nằm bất động dưới chân.
- Cô giáo.
Hai chữ cô giáo của ông Hòa như đánh mạnh vào thái dương tôi khiến tôi lặng người đi một phút. Tôi đã trở về vị trí của một cô giáo nghèo, đi dạy học kiếm sống. Tôi chỉ là một người làm công, được thuê tới dạy dỗ trong gia đình một thương gia giầu có. Nhưng nếu ông Hòa gọi tôi bằng tên, bằng một tiếng nào khác đó chắc đã làm tôi hoảng hốt đến tê lịm, và tôi có thể giận, có thể mích lòng. Tiếng cô giáo của ông Hòa đã giúp tôi can đảm hơn. Phải rồi, Hạnh mày còn muốn gì nữa ? Tại sao mày lại giữ thái độ lừng khừng, hoặc bước tới, hoặc tháo lui, một trong hai đường, mày phải chọn. Hạnh, mày là một cô giáo, hãy đi vào trong, hãy tới bên hai đứa nhỏ, tự nhiên lên đi. Nhưng khi đi ngang qua phòng khách thì hình ảnh buổi tiệc như đánh thức dậy trong tôi những cảm giác cũ. Những tiếng cười, tiếng vỗ tay la hét như còn trốn ở trong bốn bức tường và chỉ chờ dịp nhào ra nhốn nháo. Nếu cô Thúy nào đó biết ông Hòa đã cầm tay tôi, đã nói với tôi những lời như thế, chắc cô sẽ cười tôi lắm. Đối với những người đàn bà như cô Thúy, tôi chỉ là một con nai tơ, một con bé hết sức quê mùa, kệch cỡm. Tôi không thể nào có mặt được trong thế giới thượng lưu của cô ta, của ông Hòa. Tôi đến chỉ như một trò đùa, tôi đi, chỉ như một vật trốn lỉnh, không cần thiết. Ông Hòa hình như đọc được những băn khoăn của tôi. Ông cũng mất cả tự nhiên. Tôi ngồi xuống một chiếc ghế bên chiếc bàn con đặt một bình hoa màu tím. Phía giữa phòng khách, nơi bộ sa-lông bóng bẩy, một bình hoa lớn hơn, đầy những cánh hồng nhung đỏ chói. Mỗi ngày đã có bao nhiêu hoa hồng tới đây và chỉ tới một lần rồi bị vứt bỏ. Tôi đang nghĩ vẩn vơ thì có tiếng reo hò của Chi và Tần. Hai đứa bé chạy ùa ra, mỗi đứa một bên vai tôi tíu tít hỏi chuyện. Trước mặt tôi ông Hòa ngồi nhìn và mỉm cười, nụ cười thật bình dị hầu như lần đầu tiên tôi thấy trên môi ông. Sự vồn vập của hai đứa trẻ làm tôi quên hết mọi phiền toái đang đầy ắp ở trong đầu. Tôi vui sướng thật tình theo sự trìu mến của hai đứa trẻ. Tôi vuốt tóc Chi, cầm tay Tần mà tưởng như tôi vừa gặp lại những người thân vừa đi xa về. Sự thân yêu làm tôi choáng váng. Mà thật như thế, ngoài anh chị tôi, các cháu, tôi còn ai để mến thương ngoài Chi và Tần. Tôi thấy Chi và Tần đều mang áo mới, đầu bé Tần thắt chiếc nơ đỏ, chiếc nơ đỏ làm tôi liên tưởng tới Thúy đã thắt cho Tần.
Thấy tôi nhìn vào chiếc nơ của Tần, Chi liến thoắng :
- Chiếc nơ đỏ của Tần ba đi chọn đó, cô giáo xem đẹp không ?
Tôi hỏi :
- Thế còn Chi thì được gì ?
- Dạ em có cái ruy băng màu hồng, nhưng em không thắt. Hôm nay sinh nhật của Tần mà cô.
Tần lắc lắc bàn tay tôi :
- Ba đãi đi ăn hiệu cô giáo à.
Tôi hỏi Tần, nhưng như để hỏi ông Hòa :
- Tại sao lại phải đi ăn hiệu ?
Ông Hòa trả lời :
- Hôm nay cô giáo không được ngạc nhiên gì hết nghe.
Rồi ông Hòa đứng lên. Ông đi tới nơi cửa sổ, vặn chốt rồi mở rộng. Phía khung cửa sổ này mở ra góc vườn có nhiều cây hoàng lan. Bây giờ cuối mùa hoa và hương thơm như đặc lại. Tôi ngây ngất mấy phút trước mùi hương vồn vã ấy.
Ông Hòa nói :
- Cô giáo nhìn ra vườn đi.
Tôi nhìn theo ngón tay ông chỉ, phía dưới bóng cây hoàng lan, cạnh mảnh đất dành trồng riêng những cây hồng, một bàn tiệc đã dọn sẵn. Và những bóng đèn xanh đỏ như những bông hoa từng dãy trên cành lá.
Tần liến thoắng :
- Cô giáo, Bàn tiệc ba bày đó, cả buổi chiều ba tự tay làm lấy một mình, đẹp ghê không cô ?
Quanh chiếc bàn phủ khăn hồng, tôi thấy chỉ có bốn chiếc ghế, và một trong bốn chiếc ghế đó có một chiếc bọc bằng nhung đỏ xẫm. Tôi đoán chắc ghế đó dành cho Tần. Trên bàn có một bình hoa, những bông hoa sắp xếp mỹ thuật, với mấy chiếc ly, khăn tay để sẵn.
Ông Hòa nói với tôi :
- Đáng lẽ ra tiệc sinh nhật phải ăn ở nhà. Nhưng tôi sợ cô giáo ăn không ngon nên mời cả nhà đi ăn hiệu. Ăn xong, chúng ta sẽ trở về, và trong khu vườn này, chúng ta sẽ ăn bánh, uống trà. Cô bằng lòng chứ ?
Tôi thấy tôi không còn là một kẻ xa lạ nữa khi đứng giữa hai đứa trẻ Chi và Tần. Tôi chớp mắt cảm động. Thú thật là tôi rất cảm động với khung cảnh đầm ấm này.
Tôi đáp khẽ :
- Ông muốn thế nào cũng được. Tôi ăn ở đâu cũng thế, chỉ mong các em được vui thôi.
- Đâu được, hôm nay cô giáo là thượng khách của gia đình tôi, có phải vậy không hai con ?
Câu nói của ông Hòa làm tôi chớp mắt mấy cái. Tôi là cô giáo hay tôi là khách ? Tần và Chi vẫn không rời tay tôi :
- Dạ, nhưng mình đi đâu đây ba ?
Ông Hòa đáp :
- Ở Diamond.
Tần reo lên và nói phải chỗ hôm trước ba đưa đi ăn cua rang muối không. Ông Hòa gật đầu. Còn tôi, tôi chả bao giờ nghe tới tên đó. Chi lại khoe với tôi ở đó có máy lạnh, có đông khách ngoại quốc ăn lắm. Rồi hai đứa tranh nhau nói về những ông khách ngoại quốc. Ông Hòa nhìn tôi và mỉm cười, tôi cũng cười, sự vô tư của hai trẻ làm cho không khí vui tươi đầm ấm lại. Tôi thấy không còn xa cách với gia đình này nữa và sự thân ái làm tôi cảm động muốn khóc.
Nửa giờ sau chúng tôi ra xe. Tôi ngồi phía trước với ông Hòa, Chi và Tần chiếm băng ghế sau.
Tôi nghe Chi nói :
- Cô giáo không mặc áo đẹp, hồi trước, cô giáo mặc áo đẹp quá.
Chi nói tiếp :
- Hôm đó cô giáo đeo chuỗi hột nữa, mà Chi thấy cô giáo hôm đó đẹp nhất, đẹp lắm đó Tần.
Tần hỏi tôi sao cô không đeo xâu hột thì Chi nói hớt :
- Cô giáo đẹp hơn cô Thúy, cô Thúy cũng không thích cô giáo mà.
Câu nói của Chi làm tôi buồn bã, tôi thấy ông Hòa liếc nhìn tôi thật nhanh rồi chăm chú lái xe.
Một bàn tay vít qua vai tôi. Bàn tay của Tần. Tôi cầm chặt tay Tần, tôi muốn hôn lên bàn tay của bé Tần quá. Chỉ có thế mà tôi nao nức mãi.
Chủ nhật của mọi người, mọi giới, cho nên, thật vất vả khi tìm cho ra một chỗ đậu xe. Ông Hòa quay các cửa kính, khóa xe lại cẩn thận rồi gọi một đứa trẻ :
- Mày coi xe nghe không ?
Thằng bé mặt mày hớn hở dạ to một tiếng rồi chạy tới đứng bên thành xe. Nó đứng thế để làm gì tôi cũng không hiểu nữa, nhưng ông Hòa thì mỉm cười hài lòng lắm. Tôi đi theo đà tay kéo của Tần và Chi. Tới trước một cửa hiệu nhấp nhánh đèn xanh đỏ, tôi chưa kịp nhìn xem tên bảng hiệu đã bị hai đứa trẻ kéo tọt vào bên trong.
- Để yên nào, các em.
Tôi cúi xuống bảo nhỏ với chúng. Hình như có nhiều người ngẩng đầu lên nhìn tôi, chân tôi hơi quýnh quáng. Tôi không quen không khí trong những hàng quán này, nó sang trọng quá, nó sạch sẽ quá, và mọi người đang ngồi xung quanh tôi đây, cũng xa cách, khác biệt với tôi quá. Khi tôi ngồi xuống một chiếc ghế, giữa Chi và Tần thì ông Hòa đã ngồi đối diện, tôi lơ đãng nhìn lên tường để tránh tia mắt ông nhìn. Hình như ông Hòa nhìn tôi chăm chú, và cả hai đứa nhỏ, tối nay, chúng như âm mưu để đùa tôi một điều gì, khi tôi nhìn chúng thì chúng lại đưa mắt nhìn nhau, rồi nhìn ông Hòa. Nhưng một lát thôi, sự hồn nhiên lại trở về với đôi trẻ, Chi và Tần liến thoắng nói luôn miệng, chúng nó làm cho tôi không thể nhịn cười được.
- Vé số. Cô mua dùm em một tấm đi.
Ông Hòa lựa hai tấm vé đưa cho tôi :
- Cô cất hộ tôi, biết đâu nhờ cái hên của cô mà chúng ta cùng trúng số.
Tôi rùng mình, chữ chúng ta của ông Hòa khác lạ quá, tôi không nghe ông dùng tiếng ấy bao giờ. Tôi cố gượng giữ sự bình tĩnh vừa cất hai tấm vé vào ví vừa nói :
- Tôi không tin tôi sẽ trúng số. Số phận tôi, chắc không bao giờ thay đổi gì hết.
Ông Hòa cười nhỏ :
- Không phải vậy đâu. Số Hạnh sẽ giàu.
Tôi nghĩ tới anh chị tôi, tới đời sống của chúng tôi quay quắt trong một con ngõ hẻm. Tôi buồn bã lắc đầu, rồi cũng gượng cười :
- Tôi cũng hy vọng vậy.
Ông Hòa đẩy tấm thực đơn sang phía tôi :
- Hạnh chọn món ăn đi.
Tôi nói là tôi không quen các món ăn sang trọng như ở đây, tôi gọi thì dở lắm. Tôi nói thật, ông Hòa cười, nụ cười không ngụ ý nhưng tôi vẫn thấy như mích lòng.
Tần hỏi :
- Cô giáo, sao cô giáo không vui ?
Tôi đưa tay xoa mái tóc mềm của Tần, Tần ngã ngay vào vai tôi, buộc tôi phải ôm lấy nó cho nó khỏi ngã.
Ông Hòa nhìn tôi đăm đăm :
- Cô Hạnh, cô thật đặc biệt, tôi chưa thấy ai đặc biệt như cô.
Tôi định nói tôi đặc biệt, tôi khác những cô gái khác vì tôi nghèo. Tôi ít nói được nhiều chuyện bởi tôi không biết gì để nói. Nhưng tôi ngồi yên lặng, ông Hòa nói tiếp :
- Thật ra vẻ lãnh đạm của cô thu hút mọi người.
Tôi giật mình. Có thể ông Hòa hiểu lầm tôi chăng ? Tôi cố làm ra vẻ lãnh đạm chăng ?
- Thưa ông, ông nghĩ hơi quá về tôi, sự thật, tôi không nhanh nhẹn như người khác. Ông và các em tốt với tôi quá.
- Tại sao cô nói thế. Cô xứng đáng là một ân nhân của gia đình tôi mà.
Câu nói của ông Hòa làm tôi buồn bã hơn. Bởi thế, đây là một sự trả ơn, khi trả ơn rồi là hết. Hình như ông Hòa hiểu một phần nào ý nghĩ của tôi.
Ông đưa tay lên, vạch vạch như phân trần :
- Tôi hiểu cô đang nghĩ không đẹp về tôi, nhưng một ngày kia cô sẽ hiểu ngược lại. Thôi bỏ qua những chuyện lẩm cẩm ấy đi. Hôm nay là sinh nhật bé Tần, chúng ta phải vui với bé chứ. Phải không cô giáo ?
- Dạ.
Tôi thật buồn cười, ở đây, tôi chỉ luôn luôn đóng vai trò cô giáo mà thôi. Hãy trở về vị trí của mình. Kìa cô giáo, học trò nhỏ của cô đang ở bên cô, lúc nào cô cũng phải canh chừng, phải vui chơi với chúng. Hãy sửa lại bộ mặt, hãy lấy lại nụ cười đi. Tôi quay sang Tần ; Tần thủ thỉ : Nhà hàng gì mà chậm như rùa bò. Nó nói xong đứng lên nhìn tứ tung, vẫy vẫy người bồi. Ông Hòa bảo con ngồi xuống, để ba lo cho. Vừa lúc đó món ăn đã được bày ra, ông Hòa gọi thêm một chai rượu vang ngâm lạnh.
Ông rót một ly đầy trước mặt tôi :
- Cô uống chút vang nhé. Thứ này nhẹ lắm.
Tôi ngần ngại :
- Dạ cám ơn ông. Tôi sợ không quen dùng rượu.
- Một tí chả sao đâu. Kìa, cô nhìn xem. Tần với Chi nó đang uống kìa.
Tần và Chi đang lau chau uống thi với nhau, ly vang của Tần vơi một nửa, nó nhăn mặt :
- Hơi đắng một chút thôi cô. Khà khà, ta say rồi Chi.
Tôi bật cười, ông Hòa cũng cười theo. Thật trẻ con làm người lớn quên hết phiền muộn. Thằng Măng Cụt cũng thế, trong những lần anh chị tôi có chuyện xích mích, cuối cùng bao giờ cũng do Măng Cụt đem lại sự hòa thuận.
Ông Hòa bảo Tần :
- Hôm nay sinh nhật con, con chỉ biết ăn thôi sao ? Con không cám ơn cô giáo à ?
Tần đứng dậy, nhanh nhẩu :
- Có, con có cảm ơn cô giáo.
Các bàn bên có nhiều đầu quay lại nhìn về phía chúng tôi. Tôi đỏ mặt xấu hổ, nhưng ông Hòa thì tỉnh như không, ông thản nhiên bảo với Tần :
- Con chỉ cám ơn thôi sao, con không chúc gì cô giáo à ?
Tần cúi đầu, một chút nó lại ngửng lên, mạnh dạn :
- Con muốn được gần cô giáo mãi. Cô giáo đừng bỏ chúng em nghe cô giáo.
Chi nói theo :
- Cô giáo không tới chúng em buồn lắm.
- Chúng con muốn gần cô giáo phải bắt cóc cô giáo mới được.
Tôi không dám nhìn vào mặt ông Hòa sau khi ông nói câu ấy.
Tôi cũng không ngờ được ông lại nói một câu táo bạo thế, tôi cũng không nghĩ rằng ông ta nói đùa. Nhưng ông ta nói vậy với ngụ ý gì và có thật tình tôi không muốn hiểu hay hiểu trái ngược hẳn không ?
- Có phải câu nói của tôi làm Hạnh không bằng lòng không ?
- Ông Hòa.
Tôi hốt hoảng kêu lên, rồi tôi không thốt được một lời nào nữa. Tôi vừa sợ vừa giận, ông Hòa như đã đoán hết được mọi ý nghĩ thầm kín của tôi rồi chăng ?
Ông Hòa nói tiếp :
- Cô giáo, hình như hôm nay cô giáo không được vui. Thôi bỏ qua mọi chuyện đi, chúng ta dùng bữa rồi còn trở về nhà.
Tôi chưng hửng. Tiếng cô giáo một lần nữa lại làm tôi như hụt bước. Ông chả vừa gọi tôi bằng tên Hạnh là gì ?
Tôi cố dìm mọi xao xuyến, buồn khổ lắng xuống và đáp nhỏ :
- Tôi ít quen những nơi như thế này.
- Nhất là tôi không khéo léo làm cô buồn nữa. Thật bậy. Nhưng thôi, chuyện gì rồi cũng sẽ tới. Cô đừng buồn tôi nhé.
- Dạ.
- Ê Bằng.
Một tiếng gọi Bằng vang lên phía sau lưng tôi. Tôi giật mình suýt chút nữa thì quay đầu lại sau, Bằng, cái tên nào vậy ? Có phải Bằng bạn của anh Thân tôi đây không ? Nhưng dù Bằng nào thì tôi cũng không nên hoảng hốt như thế. Hạnh ạ, mày thật lãng nhách. Chỉ có một cái tên thôi. Tại sao mày lại có thể hốt hoảng trước một cái tên không đâu ấy. Nhưng không thể là không đâu được, cái tên Bằng thường nhật đã trở thành một ám ảnh trong hồn tôi rồi, dù chưa gặp Bằng lần nào, nhưng qua những lần anh Thân tôi nói về Bằng, những hy vọng về phòng tranh Bằng sẽ đứng ra tổ chức, Bằng bỗng trở nên như một kẻ thân thuộc, dù sự thật tôi chưa có một ý nghĩ, một mơ ước nhỏ nào về cái tên Bằng vừa gần gũi vừa xa lạ đó. Bây giờ Bằng đang có mặt ở đây và họ đang nói gì với nhau vậy ? Có phải Bằng là nhân vật đang ngồi sau lưng tôi thật không ?
Tiếng Bằng trả lời :
- Hôm nay mày cũng lạc động vào đây cưa à, thằng Quỉ !
- Trời ! Tao vừa ở nhà em ra, mày sang đứt cho tao không ? Ba sín, đưa tiền trước đây lát nữa đi rửa mắt ở Tour d'Ivoire, nghe nói… Tao vừa gặp một em mới coi vẻ chanh cốm lắm.
- Trời ! lại một mô đen nữa hả ?
Tiếng cười : Mô đen mô đỏ gì, con nhỏ cỡ Lolita đó mà, loại này thiếu gì, bắt đâu được đó hà.
Bằng vừa nói gì vậy, mô đen, ờ, như vậy đúng rồi, đúng Bằng đang ở đằng sau lưng tôi chính là Bằng họa sĩ mà anh Thân tôi thường nói tới. Tôi choáng váng trước những câu cười đùa của hai người ở một bàn phía sau lưng tôi. Người mà anh Thân tôi giới thiệu với tôi để mở phòng tranh như thế này ư ? Anh Thân tôi có thể giao du được với loại người như thế ? Anh Thân tôi, tôi đang nghĩ gì về anh ấy thế ? Không được, tôi không có quyền nghĩ xấu cho anh ấy. Nhưng câu chuyện cúa người bạn và Bằng đang đến hồi bỉ ổi nhất và tiếng cười của họ như đốt da thịt tôi, làm tôi nóng bừng xấu hổ. Tôi bỗng đâm ra tức giận cùng độ, không biết tôi đang giận anh Thân tôi hay giận Bằng, nhưng giận Bằng thì vì cớ gì kia chứ ? Ông Hòa vẫn nói chuyện với tôi, vẫn tiếp món ăn đều đều cho tôi, tôi vẫn nghe, vẫn trả lời, nhưng sau đó tôi không nhớ là tôi đã nghe, đã trả lời những gì. Hình như ông Hòa cũng đang để ý tới sự bối rối của tôi, nhưng chắc ông Hòa không thể nào hiểu nổi tôi đang nghĩ gì, và chính tôi, tôi cũng còn không hiểu tôi đang nghĩ gì nữa.
- Hạnh, Hạnh ăn đi chứ. Món này Hạnh có thích không ?
Ông Hòa đã đổi cách xưng hô từ bao giờ thế ? Nhưng tôi không còn đủ sức để ngạc nhiên, để hiểu cảm giác vì sự thay đổi lối xưng hô đột ngột đó. Hạnh hãy uống nốt ly vang này đi, một chút thôi mà. Tôi cầm ly vang lên uống cạn một hơi. Cô giáo uống vang giỏi quá. Tần và Chi vỗ tay, tôi cười, đưa ly cho ông Hòa rót thêm vào đó. Tôi lại đưa ly lên, nhưng lúc ly vang vừa chạm vào môi, chất lạnh của nước đá làm tôi chợt tỉnh. Trời ơi, tôi định làm gì vậy ? Tôi định trả thù ai vậy ? Trả thù tôi, trả thù Bằng hay ông Hòa. Vô lý, vô lý, mày thật tồi tệ, thật vô duyên. Thôi tôi không hiểu tôi làm gì nữa, nhưng tôi cũng không thể tìm lãng quên với bất cứ thứ gì.
Tôi đặt ly bia xuống, giọng ông Hòa chăm sóc :
- Thôi Hạnh, Hạnh không chịu được thì đừng uống nữa. Kìa Hạnh.
Tôi cố nở một nụ cười để che mọi cuống quít đang muốn làm tôi bật khóc. Tôi nhắm mắt uống cạn ly bia, đây là ly bia thứ hai hay thứ ba rồi, người tôi như đang quay cuồng trong muôn âm thanh, trong muôn xao động, trong khói thuốc, tiếng cười, trong sự tôi chê bai, nguyền rủa tôi thậm tệ. Hạnh, Hạnh làm sao thế ? Tôi ngước mắt nhìn ông Hòa, lúc đó, ông nhìn tôi đăm đăm và tôi đọc trong mắt ông như có nghìn điều muốn nói với tôi. Không hiểu sao tôi bỗng ê ẩm cả người, và trong người tôi như đang có những mũi kim chích, những mũi kim thật nhẹ, chỉ chờn vờn đầu mũi làm cho thân thể tôi ray rứt, buồn khóc, buồn cười, khó chịu đựng nổi. Ông Hòa đang nói chuyện với tôi, hình như ông nói nhiều chuyện lắm. Và đằng sau lưng tôi tiếng cười nói vẫn ồn ào, tiếng cười của Bằng đầy dục vọng, xô đuổi quần quật tôi suốt buổi.
Bé Tần ôm lấy cánh tay tôi :
- Cô giáo, cô giáo khóc đấy à ?
Ông Hòa đứng dậy :
- Hạnh mệt rồi, thôi chúng ta về nhé.
Tôi đứng dậy đi theo hai đứa nhỏ, nhưng ông Hòa đã đưa tay đỡ lấy lưng tôi. Tôi nhìn thẳng phía trước, tôi sợ phải bắt gặp khuôn mặt của Bằng, khuôn mặt mà trước kia, tôi đã hình dung đã tưởng tượng… Có thể nào như thế được chăng ?
Không khí ở bên ngoài làm tôi tỉnh táo dần lại, tôi ngửa người ra nệm xe cho gió lùa vào cổ. Tôi bỗng dưng thấy khản cổ lạ lùng, ông Hòa ái ngại nhìn tôi :
- Xem Hạnh có vẻ mệt quá, liệu có sao không ?
Tôi gượng tươi tỉnh, trả lời :
- Không sao đâu ông. Tại tôi ít quen không khí những nơi ồn ào đó.
- Xin lỗi Hạnh. Đáng lẽ tôi không nên đưa Hạnh tới những nơi đó. Nhưng nơi như vậy không đáng được Hạnh đặt chân vào…
Tần lanh chanh chen vào :
- Nhưng con thích món cua rang muối ở tiệm đó nhất. Ngon nhất đó ba.
Câu nói của ông Hòa và sự hồn nhiên của Tần xóa dịu được một phần nào nỗi u uất đang dồn nghẹn trong tôi. Cho tới lúc này, những câu nói của người tên là Bằng ở trong hiệu vẫn còn đập vào tai tôi, còn giữ trong đầu tôi như những nhát búa tàn nhẫn. Tôi nghĩ tới anh Thân tôi và thấy hối hận, chắc chắn anh Thân tôi không bao giờ có thể chơi thân được với những người bạn như cái tên Bằng mà tôi đã gặp trong quán ăn. Có thể là một sự trùng tên, cũng có thể là một sự trùng nghề nữa… Nhưng dù đã bào chữa cho anh Thân tôi và cho Bằng, gợi hết tất cả lý do, tôi vẫn thấy buồn nản, khổ sở như chính tôi vừa chứng nhận sự phản bội.
- Có phải không cô giáo, cua rang muối ở đó ngon tuyệt.
- Ừ.
- Cô giáo mệt, con đừng hỏi nhiều chứ !
Tôi thấy cần phải trả lời ông Hòa về thái độ của mình lúc trong quán ăn, thật tôi là một người không hiểu biết một tí ti lịch sự.
- Chắc ông phiền tôi lắm. Hồi nãy trong quán ăn, tôi đã… Tôi chưa bao giờ uống một ngụm rượu nào, không hiểu sao…
- Không, tôi hiểu Hạnh đang có điều xúc động… Có lẽ tôi đã không phải với Hạnh…
Tôi biết trả lời sao, chính tôi muốn xin lỗi ông Hòa thì ông Hòa lại tưởng lầm, xin lỗi tôi trước.
Khi xe về tới nhà, vào sân, ông Hòa nói với tôi :
- Hạnh đừng buồn vì tôi nữa nhé. Chúng ta bỏ hết mọi chuyện để mừng sinh nhật bé Tần. Về nhà, ra vườn là đất riêng của mình, hết sợ ai nhìn ngó.
Tôi đi ở giữa Chi và Tần, ông Hòa đi sau tôi vài bước :
- Cô giáo ra vườn với chúng em nhé. Ba bảo cái ghế bọc vải hồng dành cho cô giáo, vì cô giáo là thượng khách của ba hôm nay…
Chi nói tiếp :
- Cả buổi chiều ba xoay trần ra để trang hoàng bàn tiệc đó. Ba vừa làm vừa hát. Ba hát hay lắm cô, lát nữa ba hát nghe ba…
Tần kêu lớn :
- Bài gì đó ba ? Bài gì mà con nghe ra-đi-ô hát hoài. Ba hát hay hơn mấy cái ông trong ra-đi-ô nhiều.
- Thôi dẹp chuyện đó đi, cô giáo vui rồi kìa. Bây giờ cha con mình mời cô giáo ra vườn.
Bà quản gia đứng đợi chúng tôi trước hiên nhà. Ông Hòa vui vẻ bảo :
- Vú sai chị Hai pha trà đi, và bật tất cả các ngọn điện ở ngoài vườn lên.
Nhưng rồi ông lại đổi ý ngay sau đó :
- Thôi khỏi phải bật hết, chỉ bật sáng dây điện ở cành cây nơi bàn tiệc là được rồi. Mình hà tiện điện một bữa.
Chúng tôi lần lượt ra vườn. Trên bàn đã chưng dọn ly tách, bánh và nến. Tần kéo tôi tới gần cái bánh sinh nhật của nó và đọc to :
- Cô giáo mừng sinh nhật bé Phương Tần của ba, năm thứ tám. Em tám tuổi có tám ngọn nến nè cô.
Ông Hòa kéo chiếc ghế bọc vải hồng, mời tôi :
- Hạnh ngồi xuống đi, hôm nay phải thật vui mới được, cấm cô giáo buồn.
Hạnh rồi cô giáo, cô giáo rồi trở lại Hạnh. Ông Hòa gọi tôi lung tung như thế. Tôi nhìn rõ sự thay đổi trong lối nói chuyện, lối nhìn của ông Hòa, nhưng tôi cũng không muốn nghĩ gì khác hơn là ông Hòa muốn cột tôi vào mấy đứa nhỏ, nhờ tôi giúp ông gần gũi tụi nhỏ, mà ông không thể dành cho chúng nhiều thì giờ được. Mặc dù cố biện bạch như thế, tôi vẫn lo sợ trước sự thân mật dần chặt đó, biết đâu ông Hòa chả thương yêu tôi. Nhưng thương yêu tôi thì có ích gì, khi bên cạnh ông có biết bao cô gái đẹp, mới, giàu có hơn tôi, sẵn sàng đón nhận.
- Hình như bé Tần muốn nói gì với cô giáo hả ? Sao con không mạnh dạn đứng lên ?
Bé Tần đứng lên, mắt nó nhìn tôi hơi ngẩn ngơ và giọng nó bỗng nghẹn ngào :
- Cô giáo, cô thắp nến cho con nhé.
Nhìn những giọt lệ chực rơi xuống trên mắt bé Tần, tôi bỗng rưng rưng theo. Tôi dễ cảm động lắm, sự cảm xúc như đã đầy vơi theo với hoàn cảnh của tôi rồi. Tôi mồ côi từ bé, tôi hiểu tâm trạng của Tần hơn. Tôi cũng đã từng sống qua những giây phút tuổi thơ cô đơn và hờn tủi. Bé Tần khác tôi là còn cha và gia đình giàu có, còn tôi sinh ra ở một gia đình nghèo hèn… Thuở nhỏ tôi vẫn có ác cảm với những đứa trẻ con nhà giàu, ngay bây giờ cũng vậy, trong lớp học tôi ít thích giao thiệp với những đứa con nhà giàu lắm, bởi tôi không đủ chuyện để nói với chúng, mà những chuyện về tôi thì chúng không biết và cho là buồn cười. Tôi thường nghĩ những đứa con nhà giàu khinh người lắm, thà mình khinh trước chúng đi. Tôi biết đó là một mặc cảm xấu, nhưng tôi không thể bỏ được mặc cảm đó được. Nhưng hoàn cảnh của bé Tần khác hẳn, bé Tần chả hơn gì tôi, mọi đau khổ tinh thần đều giống nhau hết.
Cùng lúc đó tôi ngửi thấy hương hoa hoàng lan nồng nặc, hương hoàng lan về đêm, nhất là hương cuối mùa, bao giờ cũng vồn vập, vội vã hơn, tôi bàng hoàng trong mùi hương hoàng lan huyền dịu. Hơn bao giờ hết, đời sống thực của tôi, những mơ ước của tôi chất chồng từ mười mấy năm nay, như một cuốn phim tuần tự chiếu trở ngược lại, đời sống của một đứa con gái tội nghiệp bơ vơ… Rồi tiếng cười của một người mang tên Bằng quay quắt trong đầu tôi, những ly bia, chút rượu vang bỗng bốc hơi và xô đuổi, chèn ép tinh thần tôi muốn lụi. Tôi gượng mãi, gượng mãi, hương hoàng lan hãy giúp tôi tỉnh táo, bầu trời mát mẻ hãy giúp tôi thở và cỏ cây hãy giúp tôi yên tĩnh đi chứ ? Tiếng bé Tần giục tôi thắp nến và cắt bánh. Tôi cố gắng thắp từng nén một, bàn tay tôi run run, lúng túng vụng về. Nhưng rồi tám ngọn nến cũng đỏ đều, bánh cũng đã được cắt ra. Dưới ánh sáng của tám ngọn nến lung linh, tôi bỗng hình dung ra những buổi tiệc sinh nhật trước của bé Tần và hình ảnh cô gái mang tên Thúy đẹp lộng lẫy. Tiếng cười đùa của họ còn như mắc trong hương đêm và cây lá. Tôi thật mâu thuẫn, tôi nghĩ ra một điều rồi một điều nữa lại đối chọi ngay lúc đó.
Ông Hòa nhìn tám ngọn nến, nhìn chiếc bánh rồi nhìn vào mắt tôi :
- Có lẽ đây mới là lần sinh nhật đúng nghĩa nhất của bé Tần, những lần trước, tôi đều mang ngày sinh nhật của cháu làm những buổi vui riêng cho người lớn.
- Sang năm mình ăn to hơn nghe ba ?
Tiếng bé Tần nói với ông Hòa. Ông Hòa bảo với bé Tần là hỏi cô giáo xem. Tần hỏi tôi, tôi không biết trả lời sao, bé Chi nói ê ê Tần mắc cỡ. Tôi nhìn đồng hồ và thấy đã quá khuya, người tôi cũng bắt đầu thấm rượu và thấm lạnh. Bầu trời như mang một màn sương ướt và những giọt nước như đang chực rơi. Tôi đón lấy ly nước trà nơi tay ông Hòa cố chậm rãi uống, nhưng hai tay tôi bỗng run bần bật. Màn sương đã tới gần tôi lắm, như muốn phủ kín lấy tôi, dìm tôi trong cơn mưa lớn. Tôi choáng váng như biết chắc là tôi không say, không thể say được. Tôi cầm cái ly không lên, cái ly xoay tròn và vụt rơi khỏi tay tôi trước sự lạ lùng nhìn ngó dửng dưng của tôi lúc đó. Tai tôi ù đi và mắt tôi như muốn nhắm kín lại. Hai bên thái dương tôi đau buốt, tôi nói với ông Hòa có lẽ là tôi thấm rượu. Nói xong tôi lảo đảo đứng lên và ngã vào tay ông Hòa. Lúc đó tôi còn lãng đãng ngửi thấy mùi hoa hoàng lan, tôi còn đủ sức nhìn ngắm, biết được tôi đang ở đâu, làm gì, nhưng tinh thần tôi như bị tê liệt, tôi hiểu, tôi nhìn thấy, nhưng tôi bất động…
Nửa giờ sau, cơn váng vất của tôi hạ dần. Tôi thấy tôi nằm trong phòng của ông Hòa. Nơi cửa sổ, mở ra khu vườn, ông Hòa, Chi và Tần đang ngồi chung trên một chiếc ghế bành lớn, và Tần đang chỉ ra ngoài trời nói líu la líu lo. Tôi nhắm mắt lại, đầu óc thấy nhức buốt, và trước mắt tôi, vẫn còn quay những vòng tròn nhỏ. Tôi cố nhớ lại, trước khi thiếp vào giấc ngủ, gần như một cơn mê, tôi đã nghe thấy tiếng ông Hòa gọi : « Hạnh, Hạnh », và hình như những bàn tay của bé Chi và Tần cầm chặt lấy tay tôi, tôi còn nhận kịp cảm giác dịu mềm của những bàn tay da non, ấm áp.
- Để con tới thăm cô giáo một chút. Ba ơi, lát cô giáo hết mệt mình ra vườn ăn tiếp bánh nghe ba ? Tiếng ông Hòa ừ nhỏ. Rồi tiếng chân chạy tới bên tôi. Tôi mở mắt, bé Tần đang cúi xuống sát mặt tôi, nó hơi giật mình.

Tôi cố gượng cười :
- Ba, cô giáo khoẻ rồi này.
Ông Hòa vội vã đi đến, ông nhìn tôi rồi lặng lẽ cười, nụ cười của ông đầy vẻ bao dung. Ông cầm ly nước để trên chiếc bàn nhỏ lên, nói :
- Cô giáo uống ly nước chanh cho đỡ khát nhé.
Tôi gượng ngồi đậy, đầu óc tôi bỗng tỉnh tảo hẳn. Bàn tay của ông Hòa chạm nhẹ vào tay tôi khi tôi đỡ ly nước chanh : « Hạnh ».
- Dạ.
Ông Hòa quay mặt đi, thở dài :
- Thôi Hạnh uống đi, rồi mình tiếp tục ra vườn với bọn nhỏ.
Tiếng thở dài nhẹ, nhỏ của ông Hòa cũng đủ làm tôi bàng hoàng. Nhưng tôi trấn tĩnh được ngay sau đó. Ông Hòa đi tới cửa sổ, nhìn mung lung ra ngoài một phút, rồi quay trở lại, tiếng giày của ông nhịp những tiếng đều như đang cố bước những bước thật đắn đo.
- Hạnh khoẻ rồi đấy chứ. Có lẽ tôi làm Hạnh mệt óc quá.
- Không có gì, tôi mới là người làm phiền mong ông tha lỗi cho.
- Hạnh không có lỗi gì hết, tôi cũng không có lỗi. Bằng lòng như vậy không ?
Thấy tôi lặng thinh, ông Hòa nói tiếp :
- Thôi để một mình tôi có lỗi nhé.
Ông nói xong, cúi xuống, sửa lại đôi giầy của tôi ngay ngắn rồi đứng lên :
- Hạnh nằm nghỉ một lát, để tôi ra vườn xem lại bàn tiệc, rồi mình cho bọn nhỏ tiếp tục.
Tôi gật đầu. Cánh cửa khép lại che luôn cả cánh vai rộng cùng mái tóc của ông Hòa. Bé Chi và Tần nhảy phóc lên giường, ôm chầm lấy tôi. Tôi duỗi thẳng chân, ôm mặt mỗi đứa hôn lên trán chúng. Mùi bánh còn thơm trên môi trẻ con, phảng phất hương hoàng lan ngoài vườn.
10
TÔI biết là tôi sẽ không bao giờ quên được cảnh tượng đêm hôm đó. Cảnh tượng tôi, ngồi giữa ba người, ông Hòa, bé Tần và Chi. Cơn choáng váng vì rượu đã qua, nhưng cũng ghi trong lòng tôi một vết ăn năn sâu đậm. Tôi cố lục soát lại trí nhớ, thử xem hôm đó tôi có làm một cử chỉ nào nhố nhăng không ? Hình như tôi có khóc, những giọt lệ đầy mặc cảm xáo trộn, lung tung không đầu đuôi gì hết.
Đã hơn một tuần lễ, tôi không tới nhà ông Hòa, mặc dù, tôi đã hứa với ông là trong ba hôm, tôi sẽ trả lời dứt khoát về việc ông hỏi tôi làm vợ. Nhiều lần, nhớ bé Tần và bé Chi quá, tôi mặc áo định tới tìm chúng, nhưng bao lần xe đi tới gần ngôi biệt thự rồi lại đi qua, để lại trong lòng tôi những dằn vặt khổ sở. Trong ba hôm, đáng lý ra, tôi có đủ thì giờ để suy nghĩ chín chắn về những lời đề nghị của ông Hòa. Hôm đầu tiên, cả một đêm tôi thức trắng để suy nghĩ, qua đêm thứ hai, thứ ba, tôi cũng không tìm ra được một câu giải đáp nào. Lòng tôi rối như tơ vò, sự dằn vặt làm tôi tê tái. Tuy nhiên, trước mặt anh chị tôi, tôi cố gắng không lộ ra một vẻ nào trong sự thay đổi tâm tính đột ngột đó. Ba ngày trôi qua, rồi một tuần lễ trôi qua, sự chịu đựng quen dần và lòng tôi thư thái hơn một chút.
Những buổi học càng về cuối năm càng tẻ và buồn. Trong lớp, luôn luôn có những cuộc họp nhỏ để bàn về những tổ chức tất niên. Ngày Tết còn gần một tháng nữa mới tới nơi, nhưng các bạn bè tôi cũng đã sẵn sàng áo mới hết. Tội nghiệp chị Hiền, chị cũng cố bớt chi tiêu, may cho tôi chiếc áo dài màu hoàng yến, chị nói nước da tôi trắng, mặc màu vàng nổi lắm, nhưng xấp vải đó nằm hoài trong tủ, mãi mới chịu đi may.
Cô gái trước căn gác của tôi đã dọn nhà đi, và thay vào đó, một đôi vợ chồng trẻ. Người chồng đi làm, người vợ ở nhà lấy cơm tháng. Ngồi bên này nhìn sang bên kia, tôi thường thấy bà vợ nằm dài ở giường, hoặc trang điểm tối ngày. Người đàn bà này ăn quà vặt như chớp, lại bị bịnh lười. Bà ta có một sợi dây thòng xuống đất, và mỗi khi có gánh hàng rong nào đi qua, bà lại thòng liền xuống, rồi mua quà, đặt vào cái vòng tròn nơi sợi dây, kéo tuốt lên. Người chồng đi làm về đúng giờ giấc và cuộc đời thật nhạt nhẽo vô vị của họ làm tôi phát sợ. Nếu tôi lập gia đình, tôi sẽ đẻ như chị Hiền, sẽ vô công rồi nghề như bà vợ trước căn gác, sẽ điên cuồng như mẹ tôi, và sẽ lao đầu vào những thảm kịch…
Ở lớp học, Phương, cô bạn hiền lành của tôi kéo tôi ra một góc, dúi cho tôi một bao thư nhỏ, báo tin đi lấy chồng. Tôi sửng sốt. Phương lúc nào cũng kín đáo, dịu hiền, Phương yêu, yêu trầm lặng, không ồn ào, không lãng mạn. Người hỏi Phương là một anh sĩ quan không quân. Tôi có bao giờ nghĩ rằng, bạn tôi có một người chồng là lính được. Họ đối với tôi, như những người xa lạ. Nhiều lần đi dạo phố gặp những thanh niên đóng bộ quân phục, tôi không nghĩ gì hết. Biết họ là người gìn giữ quê hương, nhưng họ ở đâu quá xa, tôi làm sao nhìn thấy nổi. Nghe tin Phương sắp lấy chồng, tôi mới thấy mình không còn nhỏ nữa. Hình như đầu mùa xuân tới, trong lớp tôi cũng có nhiều người bỏ ngang việc học để lập gia đình, và tôi ngạc nhiên hết sức, các bạn tôi đều có người yêu trong các binh chủng. Thì ra, tôi đã sống thu gọn trong một cái vỏ ốc, tôi chỉ biết có một căn gác của tôi, những bức tranh, bé Măng Cụt, căn biệt thự của ông Hòa với những cây hoàng lan thơm nức. Tôi có đi chơi một buổi chiều với Phương, hai đứa trốn học đi lang thang mãi, rồi vào một rạp ciné, rồi đi uống nước, sau đó trở về. Chúng tôi cũng không nói được với nhau nhiều chuyện hình như chúng tôi sợ nói nhiều với nhau quá sẽ mất bớt sự nghĩ về nhau đi. Sự im lặng đôi lúc cũng là những thái độ bộc lộ. Sự im lặng cũng là những lời nói thầm rất dài. Tôi có thể nói là tôi hiểu Phương nhiều nhất và cũng có thể nói là tôi chả hiểu một tí gì về Phương cả.
Hôm đem xấp vải đi may áo, tôi cùng đi với chị Hiền. Sau đó hai chị em đi mua sắm các thứ lặt vặt trong nhà. Tôi gặp Phương cũng đi mua sắm đồ cưới. Tôi giới thiệu Phương với chị Hiền.
Chị Hiền nói với Phương :
- Các bạn của Hạnh đều đi lấy chồng hết, còn Hạnh, nó nhất định ở góa, coi lì không Phương ?
Phương cười :
- Để chị em mình xem nó lì được bao lâu.
Tôi nhớ tới ông Hòa và mỉm cười một mình. Phương nói là nụ cười của tôi như đang chuyển tới một điều thay đổi nào đó. Nhưng tôi, tôi lấy làm ngạc nhiên là khi nghĩ tới ông Hòa, tôi chưa có một xúc động nhỏ nào, nhưng nghĩ tới bé Tần và Chi, lòng tôi lại nôn nao. Tôi nhớ chúng nó lắm. Thật ra, đôi lúc mình cứ cho là mình hiểu người này người nọ, điều đó láo toét. Ngay cả tôi, tôi không thể nào hiểu tôi, hoặc bắt gặp chính con người thật của tôi trong một lát. Tôi nghĩ điều gì tôi biết điều đó, nhưng những điều tôi biết đó, có thể đánh lừa tôi, đằng sau những ý nghĩ đó là một khoảng bí ẩn nào đó mà tôi không thể phân biệt được. Vậy thì tôi có cảm tình với ông Hòa hay không, chưa có điều gì làm tôi nhìn ra tôi rõ ràng cả.
Khi về nhà, chị Hiền cứ suýt soa khen Phương ngoan và trách tôi không chịu có bạn :
- Ít nhất em cũng phải có một người bạn thân chứ.
Tôi cầm tay chị Hiền :
- Em có chị.
- Chị, chị thì lớn tuổi, chị lại có con cái, lo bao nhiêu việc. Em thực tệ, cứ sống một mình với căn gác. Nhiều lúc chị nghĩ không biết em làm gì, nghĩ gì trên căn gác đó.
- Em ngồi một mình.
Chị Hiền sực nhớ điều gì, chị hỏi vội vã :
- Ủa lâu nay, chị không thấy em đi học thêm buổi tối. Em bỏ luôn à ?
Tôi nói với chị là tôi bận vẽ thêm tranh, với lại lớp tối đó đã mãn, tôi đợi ghi tên vào lớp mới. Khi tôi trả lời như thế, tôi nghĩ là tôi phải đến lại với bé Chi, bé Tần, và phải gặp ông Hòa. Hình như đó là một dây liên lạc thứ hai, ngoài sợi dây thân yêu buộc tôi với gia đình anh chị ruột.
Một tuần lễ trôi qua thật yên lặng, mặc dù trong lòng tôi có những phút xáo trộn ghê gớm. Tôi vẫn vẽ thêm được tranh, tôi thử vẽ qua một vài bức về bột phấn, những loại tranh này không cho phép tôi có những nét dữ dội, và nhờ thế, lòng tôi êm ả thêm chút ít. Tôi cố hình dung vẽ ra khuôn mặt của Phương, hình dung vẽ ra khuôn mặt của ông Hòa, cả Bằng và bé Tần nữa. Nhưng bỗng nhiên có cái gì xui tôi vẽ lệch lạc khác đi, dù vậy, sau khuôn mặt cố vẽ cho lệch lạc ấy, có một linh hồn thật ở đằng sau, và tôi nhìn ra rõ ràng từng người một.
Trong tuần lễ đó, tôi cũng không gặp Bằng, nhưng anh Thân tôi vẫn liên lạc với Bằng, và có những buổi đi học về, tôi nghe anh chị tôi bảo là Bằng vừa đến, và đã đi. Anh chị tôi tự động lấy tranh của tôi cho Bằng xem và theo lời anh Thân kể lại thì Bằng đã ngạc nhiên và thích thú ghê lắm.
Sự việc đó làm tôi hoang mang hơn, giá không có Bằng tôi sẽ suy nghĩ về ông Hòa dễ hơn. Nhưng Bằng đã tới trong đời tôi với những hình ảnh tưởng tượng đẹp quá, rồi cũng chính một tên Bằng nào đó, đã gieo cho tôi những nghi ngờ, những mâu thuẫn. Nhưng bằng cớ đâu Bằng này với Bằng kia là một. Những cảm tình của tôi dành cho Bằng vẫn nhẹ nhàng, và dù tôi muốn xô đuổi cảm tình đó cũng không được, tôi biết tôi vô lý, tôi vô lý đối với mọi người, với tôi nữa.
Mấy lần tôi định đem việc ông Hòa kể với anh chị tôi nghe để xem anh chị tôi có lời khuyên nào hợp lý không ? Nhưng khi ngồi vào bàn dùng bữa cơm chiều hay những buổi tối rỗi rảnh tôi lại gợi chuyện về Bằng. Tôi chỉ hỏi anh Thân quanh co về công việc hội họa của Bằng thôi. Tôi sợ anh chị tôi sẽ nghi ngờ. Lý do gì tôi lại muốn biết đời tư của Bằng. Bằng đối với tôi hoàn toàn xa lạ, ông Hòa còn gần gũi tôi hơn, tại sao tôi cứ nghĩ về Bằng ? Có lần anh Thân tôi nhắc lại buổi tôi sai hẹn với Bằng và mỉm cười :
- Cô thật là nhát, chắc sợ gặp hắn phải không ?
Tôi cười, cố đáp thật tỉnh :
- Còn lâu em mới sợ, anh coi, hôm đó em bận việc gấp thật.
- Chắc em có việc gấp, và việc đó cần giấu anh chị phải không ?
Tôi nói là không muốn có điều gì giấu anh chị hết.
Anh Thân đùa :
- Nếu có việc bắt buộc phải giấu cứ việc giấu. Nhưng cô nhớ là dưới ánh mặt trời, mọi việc đều hết bí mật. Tôi nói là tôi có đọc câu này ở đâu, nhưng chỉ mặt trời biết thôi thì đâu có đáng sợ, vì tự mặt trời, nó cũng bí mật lắm.
Anh Thân lại nói về Bằng. Anh bảo rằng Bằng nói chủ nhật này anh phải mang cô lại xem tranh của nó. Nó sẽ sửa soạn sẵn ở nhà để nghênh tiếp người đẹp. Tôi ầm ừ, lòng cũng muốn gặp Bằng và xem tranh Bằng vẽ. Hơn nữa, có lẽ gặp con người thật của Bằng rồi, không chừng tôi sẽ trả lời được ông Hòa dứt khoát hơn chăng.
Tôi nói :
- Được, chủ nhật.
11
NGÀY chủ nhật đã đến. Lòng nhớ nhung bé Tần mỗi ngày một trở nên quay quắt, tôi nhớ nụ cười của bé, đôi mắt long lanh của bé và cả tiếng nói của bé nữa. Rồi hương hoàng lan trong khu vườn bỗng trở nên vô cùng quyến rũ, tôi mong được ngửi lại, được chìm đắm trong mùi hương đó. Bởi vì mùi hương hoàng lan làm sao tôi có thể vẽ ra nó được trên giấy, mà những bông hoa vẽ thì vô tri giác lắm. Trời ơi, tôi thật là người con gái khổ sở nhất và yếu đuối nhất. Chỉ có trả lời một câu ngắn, chỉ có tìm hiểu xem lòng mình bắt mình trả lời ra sao, tôi cũng không làm nổi. Tôi lăn lộn một mình trên chiếc giường nhỏ. Nắng như đốt cháy bên trên mái tôn, bốc xuống trần nhà làm đơn sơ bằng những miếng cát tông cứng, hun nóng cả căn gác. Tôi muốn mê đi trong sự nóng bức của buổi trưa và trong cả sự rạo rực, hoang mang muốn làm tôi tan biến mất.
Chưa bao giờ có những ngày cuối năm trời nóng như thế này. Tôi cố gắng nhắm mắt ngủ một giấc lấy lại sức, vì buổi chiều nay, theo lời anh Thân, tôi sẽ gặp Bằng, sẽ nhìn rõ Bằng bằng xương bằng thịt để xem chàng là người thế nào, và để xem chính lòng tôi ra sao.
Nhưng tôi vừa chợp mắt được một chốc thì có tiếng chị Hiền gọi :
- Hạnh ơi, có khách này.
Tôi vùng dậy, chải đầu vội vàng rồi đi xuống nhà. Khách của tôi là một người đàn ông, một người lính trẻ thì đúng hơn. Sự có mặt của người lính trẻ làm tôi ngạc nhiên, tôi không quen biết người này bao giờ. Tôi nhớ xem thử có gặp hắn ở đâu không, nhưng tôi hoàn toàn không nhớ ra gì hết. Hắn là một người lạ tôi chưa hề gặp.
Như đoán ra sự ngạc nhiên của tôi, đang ngồi nơi ghế, hắn bỗng đứng dậy :
- Xin lỗi chị, chị là chị Hạnh.
- Vâng. Tôi là Hạnh. Xin mời ông ngồi.
Hắn không ngồi mà đưa mắt nhìn quanh phòng rồi hắn dừng lại một chút nơi bức ảnh hai chị em tôi chụp chung treo trên tường. Hắn như vừa đi xa về, quần áo còn dính đầy bụi. Hắn mặc một bộ quân phục vằn, đi đôi giày ống cao. Thắt lưng đeo con dao găm gọn gàng trong chiếc bao da cũ.
Hắn vẫn không ngồi xuống mà đưa tay chỉ dòng chữ đính trên túi áo bên phải :
- Tôi là Lê Hữu Thông, đại đội 303. Tiểu đoàn 42. Biệt-động quân.
Biệt động quân ? Ô hay, một anh biệt động quân thì dính dáng gì tới tôi. Tôi càng không hiểu gì thêm nữa. Tôi nói :
- Dạ, xin mời ông ngồi.
Người lính cười nói tiếp :
- Tôi vừa ở mặt trận về.
Mặt trận ? Mặt trận ở những đâu, tôi biết gì về mặt trận đã chứ ? Người lính này có đi lầm nhà không ? Tôi có trùng tên với một người nào đó không ?
Người lính lại nói thêm :
- Tôi ở chung một đại đội với anh Toản. Chuẩn úy Toản.
« Toản » Cái tên đó làm tôi ngơ ngác hơn. Tôi có quen với một ông Biệt-động quân nào tên Toản đâu.
Tôi giữ giọng hết sức lễ độ :
- Dạ, thưa ông, ông Toản nào ạ.
Đến lượt người lính ngơ ngác :
- Chị không biết ông Toản ?
- Dạ không.
Người lính giở chiếc mũ trên đầu xuống, cầm ở tay đung đưa :
- Ô hay ? Thưa chị, chị đúng là chị Hạnh đấy chứ.
- Thưa chính tôi đây.
- Vậy sao chị lại không biết Toản, Anh Toản có kể với tôi trước anh dạy học và…
- À…
Tôi kêu lên, ngần ngại. Toản dạy học ? Hay đúng là Toản bạn của anh Thân. Nhưng tại sao Toản lại là biệt động quân nhỉ ?
Tôi hỏi thêm :
- Dạ, ông Toản đã đi lính ?
Người lính tỏ vẻ yên tâm hơn :
- Vâng, anh Toản là chuẩn úy ở đại đội tôi. Chắc chị chưa biết tin anh Toản đi lính.
- À, ra thế. Xin mời anh ngồi.
Người lính ngồi xuống ghế, đặt chiếc mũ lên đùi. Tôi hỏi tiếp :
- Thưa ông, ông Toản đi lính, rồi sao nữa ạ ?
Người lính ngập ngừng :
- Anh Toản nhờ tôi tìm chị.
Toản tìm tôi làm gì nhỉ ? Toản đi biệt động quân rồi nhờ bạn tới tìm tôi ? Lại rắc rối gì xẩy ra nữa đây ? Một vụ hăm dọa, hay một nhờ vả năn nỉ ? Không, tôi không muốn dính líu gì với Toản nữa hết. Tôi đã trả lời Toản rồi mà.
- Thưa, ông Toản tìm tôi có việc gì ạ ?
Người lính nhìn tôi dò xét :
- Ông Toản không tìm chị được nữa. Ông ấy chỉ nhờ tôi thôi.
- Tại sao ông ấy không tới đây mà lại nhờ ông ?
- Hiện anh ấy bị thương. Anh ấy nhờ tôi tới tìm chị nói cho chị biết. Anh ấy nhờ tôi đã bốn hôm rồi, nhưng vừa về tới tôi lại phải dự một cuộc hành quân nhỏ ngoài thành phố, tới hôm nay mới báo tin cho chị được. Vừa về đến là tôi lái xe đến đây gặp chị ngay, chưa kịp vô bệnh viện thăm Toản.
Người lính tên Thông nhìn tôi, vẻ dò xét, chờ đợi. Và tôi, thú thực tin Toản bị thương, không hiểu vì sao bỗng làm tôi sững sờ. Có lẽ đã nhìn rõ vẻ sững sờ trên mặt tôi nên Thông dường như yên tâm hơn. Gã chậm rãi kể cho tôi nghe về Toản. Thông gần Toản từ ngày Toản nhập ngũ. Thông đã nghe Toản kể rất nhiều về tôi, về mối tình Toản dành cho tôi. Thông nói nhiều lắm, kể lại cả những lời tâm sự riêng của Toản.
Thông kết :
- Toản mong gặp chị lắm. Có thể đây là lần cuối. Toản bị thương nặng, có thể nguy hiểm. Hôm chở Toản tới bệnh viện, Toản còn tỉnh táo nhưng nửa giờ sau Toản mê man luôn. Toản nói là Toản đã làm một việc có lỗi với chị, nhưng tới khi chết, nếu không được gặp chị để xin lỗi một lần nữa, linh hồn Toản không yên được.
- Toản bị thương nặng lắm sao anh ?
Tôi hỏi lại và chưa kịp có một cảm giác nào hết thì người lính đã nói tiếp :
- Có lẽ Toản nguy mất.
Tiếng nguy mất của Thông làm tôi không khỏi xao xuyến… Tôi thấy tôi không đủ sức dửng dưng trước nỗi đau đớn của Toản nữa, Toản sắp chết đến nơi, Toản muốn gặp tôi một lần cuối. Nhưng gặp rồi có ích lợi gì không, hay thêm cho tôi những dằn vặt nữa ?
Tôi nói với Thông :
- Tôi hiểu rồi. Toản là bạn của anh Thân tôi.
- Vâng, Toản thường nhắc tới gia đình chị luôn.
Thông cầm bao thuốc lá thẩy thẩy trên tay rồi nhét vào túi:
- Chị đi thăm Toản chứ? Hiện anh ấy đang nằm ở bệnh viện Cộng Hòa, dãy C.
Rồi Thông móc ví lấy ra một cái ảnh nhỏ. Cái ảnh chụp hồi đám cưới anh chị Thân và có tôi nhỏ xíu ngồi bên cạnh chị Hiền. Không biết Toản tìm đâu ra bức ảnh này. Tấm ảnh đã ngả sang màu vàng và đằng sau chằng chịt những chữ ký của Toản. Tôi lặng người, cầm bức ảnh trong tay mà không biết phải làm gì nữa.
Thông nói :
- Anh Toản nhờ tôi trả bức ảnh này lại chị.
Tôi không thể nào nghĩ ra được điều gì lúc này nữa. Tôi nói với Thông :
- Anh ngồi đợi tôi một lát. Để tôi vào xin phép anh chị tôi xem đã.
Thông bỏ mũ trên bàn :
- Tôi có sẵn xe ở ngoài, để tôi xin đưa chị đi. Trong đó lung tung lắm, sợ chị tìm không ra nổi đâu.
- Vâng. Xin anh cho tôi mấy phút.
Tôi vào buồng trong. Chị Hiền đang dỗ bé Măng Cụt ngủ. Thấy tôi chị hỏi ngay:
- Ai đó Hạnh?
- Dạ một người lính em cũng không quen. Hắn xưng tên là Thông.
- Ủa, họ vào nhà mình có chuyện gì vậy ?
- Chuyện của Toản.
Bây giờ thì đến lượt chị Hiền phải ngạc nhiên, chị mở to mắt :
- Toản nào vậy.
- Thì Toản bạn anh trước đó, Toản mà…
Tôi ngập ngừng. Chị Hiền đặt bé Măng Cụt xuống :
- Toản dạy học ấy hả. Nhưng sao hắn lại gọi lính tráng đến nhà mình. Lại tính chuyện gì vậy.
Tôi vội nói với chị :
- Người lính ở ngoài là bạn của Toản. Hắn cũng đi lính rồi và vừa bị thương nặng. Chính hắn nhờ người lính tới đây tìm em.
Rồi tôi kể vắn tắt với chị Hiền những chuyện Thông vừa nói. Tôi cũng kể thêm cả với chị chuyện trước đây Toản vẫn rình mò theo tôi, và có lần đã ngăn tôi lại giữa đường để tả tình tả cảnh, và tôi đã tàn nhẫn từ chối.
- Hèn chi từ lâu nay không thấy tăm hơi gì của hắn.
Chị Hiền trầm ngâm một lát, rồi bỗng nhiên chị thở dài :
- Vậy là tại cô nó mới đi lính đó. Tội nghiệp.
Tôi băn khoăn :
- Bây giờ làm thế nào hở chị. Anh lính bạn của Toản đang chờ ở ngoài phòng. Hắn nói Toản có phần nguy hiểm.
- Em định vào thăm Toản phải không.
- Em chưa định gì hết nên mới phải nhờ chị. Hay là chị em mình đợi anh Thân về đã.
Bé Măng Cụt đã ngủ say. Chị Hiền trầm ngâm mấy giây nữa, rồi bảo tôi :
- Thôi, có lẽ không phải chờ anh. Em đưa chị ra gặp người bạn của Toản coi. Có lẽ vì em mà Toản nó vậy thật.
Chị Hiền tôi thật là người chu đáo. Chắc chị muốn chính chị quan sát người lính bạn của Toản xem hắn ra sao đã, rồi mới quyết định. Khi chúng tôi ra phòng khách, Thông vẫn ngồi im trên ghế, chiếc mũ nâu trên tay trái đưa đi đưa lại, mặt cúi xuống nhìn mấy viên gạch bông.
Thông có vẻ lạc lõng và mỏi mệt khi tôi giới thiệu hắn với chị Hiền, nhưng dường như chính vẻ mệt mỏi của Thông đã làm chị Hiền tin cậy hơn, nên vừa nghe Thông nói vài câu là chị đã quay sang bảo tôi :
- Thôi, em vào sửa soạn đi, kẻo anh Thông đợi lâu.
12
THÔNG đưa tôi đi bằng một chiếc xe jeep cũ, đầy bụi. Những buổi đi học, mỗi lần gặp một xe nhà binh, tôi vẫn thường khó chịu vì cách lái xe bạt mạng của họ, nhưng lần này, khi chính mình ngồi trên một chiếc xe jeep nhà binh, phóng như điên trong thành phố, thì tôi lại không còn một ngạc nhiên nào hết. Toản nguy lắm. Chắc anh ấy trông tin chị từng phút. Thông nói thế và lái xe về mạn Phú Nhuận, rồi ra thẳng ngoại ô.
Toản nguy lắm. Toản đang trông tôi từng phút. Thì ra vậy ư. Nhưng tôi làm gì mà quan trọng quá vậy. Nếu Toản muốn, đời này chán gì các cô đẹp đẽ hơn theo Toản, dễ dãi với Toản. Còn tôi. Tôi có đẹp đẽ gì cho cam. Tôi biết mình lắm, và đã từng thấy rõ mình chỉ là một đứa con gái khô khan, rụt rè kia mà. Dù sao tôi cũng không thể tin nổi vì tôi mà Toản đi lính, vì tôi mà Toản chết.
Xe chạy tít ra ngoại ô. Những mặt nhà, những sân cỏ mênh mông lùi lại bên cửa xe. Rồi tiếng Thông nói :
- Đến rồi đấy, chị ạ.
Xe dừng lại trước cổng bệnh viện. Một chiếc cổng vòng tròn mở vào một khu nhà rộng lớn. Một cây sắt sơn đỏ hạ xuống chặn đường. Bệnh viện Cộng Hòa đó. Tôi không ngờ được, Trước cửa bệnh viện, hàng chục người đàn bà, già có, trẻ có, đang tay xách nách mang ngồi đứng la liệt để chờ đợi. Thông dẫn tôi theo đoàn người viếng thăm ùa vào cổng bệnh viện. Qua khỏi cây sắt chắn cửa, tôi như người lạc vào một thế giới xa lạ, hoàn toàn không còn chút gì dính dáng đến đời sống mà tôi vẫn thường sống. Những dẫy nhà nằm nối tiếp nhau. Người viếng thăm, và người được thăm viếng sinh hoạt ầm ĩ, ồn ào khác hẳn không khí bệnh viện mà tôi vẫn tưởng tượng.
Thấy tôi ngơ ngác quá, Thông cứ chốc chốc lại phải lên tiếng:
- Đi phía này chị, đi phía này chị.
Thấy tôi im lặng ngơ ngác, Thông cười:
- Chắc chị chưa vào đây bao giờ. Đây là trại hè của bọn tôi đấy. Chị đừng ngạc nhiên nhé, trong này có nhiều cảnh ghê lắm. Đây chị. Ngả này chị. Dẫy A. Dẫy B. Đây, dẫy C đây rồi!
Thông đưa tôi rẽ theo một lối đi nhỏ dẫn đến một dẫy nhà thấp đang buồn bực dưới nắng. Tôi thấy trước hành lang dẫy nhà có nhiều thương bệnh binh đang đứng đợi. Đây có lẽ là những người đã khá. Họ ăn mặc giống nhau, ai nấy đều một bộ đồng phục bằng vải thô trắng của bệnh viện. Người nào cũng xanh xao, gầy yếu đến độ tôi không còn nhận ra tuổi trẻ nơi họ. Một người cụt chân đang vịn vai bạn. Một người bưng đầu bằng băng trắng dầy cộm. Một người khác, có vẻ khỏe hơn hết, đứng dựa lưng vào tường, một cánh tay áo rũ xuống. Chúng ta không nên chăm chú nhìn ngó người tàn tật. Bài học luân lý vỡ lòng đã dạy tôi điều ấy và tôi vẫn còn nhớ, nhưng sao tôi vẫn không thể không nhìn, không nghe. Chúng tôi đi qua dẫy hành lang. Một bà mẹ già cùng đi với chúng tôi vào bước lại phía chàng thanh niên cụt tay.
Tôi nghe thấy tiếng kêu :
- Má.
Tiếng bà mẹ già òa lên khóc. Rồi người con trai cằn nhằn :
- Cái gì mà khóc hoài vậy chớ.
Tiếng cằn nhằn có vẻ gay gắt, nhưng nói xong mấy tiếng cộc cằn ấy, khuôn mặt chàng thanh niên như dại đi và tôi tưởng như nhìn thấy rõ ở đuôi mắt anh có long lanh ngấn lệ.
Bà già nghe con gắt, quay mặt đi, giơ tay áo lên chùi nước mắt :
- Đã nói là con sắp về rồi mà. Nuôi chi mà nuôi hoài vậy chớ.
Bà mẹ già không nói thêm một câu nào nữa. Thông bảo tôi :
- Chị yên tâm. Đây chưa phải là khu rùng rợn đâu. Những người ấy đều sắp được về cả rồi đấy. Đó chỉ là những người bị thương nhẹ.
Chúng tôi tiếp tục đi về phía cuối dãy hành lang. Một người trai trẻ khác ngồi trên xe lăn, hai chân và cánh tay phải đều bị cụt ngắn, chỉ còn một cánh tay trái duy nhất đang lăn lăn trên cái tay lái tròn một cách vui thích.
Thông cười :
- Đó chị. Đời chúng tôi là thế. Thôi chị đừng bận tâm nữa. Mình sắp gặp lại Toản rồi đấy.
Tôi theo Thông vào một trong những gian phòng dài của dẫy nhà. Những chiếc giường sắt nhỏ kê sát nhau, chỉ cách vừa lối cho một người lách qua, không còn một giường nào bỏ trống. Những thân nhân vào phòng cũng đông lắm, tiếng cười, tiếng khóc, tiếng thăm hỏi, tiếng lách cách của chai lọ lẫn lộn thành một âm thanh thật kỳ dị. Một vài thương binh trên giường bệnh chưa có người đến thăm, nhìn chúng tôi, vẻ hời hợt.
- Giường số 7. Đây rồi. Số 7 đây chị.
Thông đưa tôi đến dừng ở một chiếc giường sắt cuối phòng. Trên giường, một người đang trùm chăn kín mít. Toản đó ư. Toản đang nghĩ gì dưới tấm chăn trùm kín kia, Toản có biết tôi đã đến đây rồi chăng. Toản đang chờ tôi nói gì với chàng nhỉ. Tôi đứng bên Thông, bên giường Toản, mà lặng người, không biết mình sẽ phải làm gì, nói gì. Dưới tấm mền trắng, dường như có một bàn tay đang đụng đậy. Bàn tay của Toản. Chính bàn tay ấy đã ám ảnh tôi bao lâu nay. Bình thường, cứ chợt nhớ đến bàn tay của Toản là tôi lại không khỏi rùng mình, lạ lùng, ghê sợ. Vậy mà lúc này, trông thấy bàn tay dưới lần vải, tôi bỗng không còn vẻ ghê sợ gì nữa, mà trái lại, còn bỗng nhận ra từ đó vẻ thân mật đặc biệt với đời sống tôi. Bao nhiêu ghét bỏ, ghê tởm của tôi với Toản đều đã tiêu tan hết. Có lẽ chị Hiền nói đúng. Chính vì tôi mà Toản ra nông nỗi này chăng. Tôi muốn cúi xuống. Muốn kêu tên Toản. Muốn nhẹ nhàng kéo tấm mền lên, muốn khóc, muốn nhiều nữa. Nhưng tôi không thể làm gì hết, vì chân tay tôi như cứng nhắc, bất động. Thông vẫn đứng yên lặng bên tôi. Mắt Thông nhìn không chớp. Đôi mắt Thông sửng sốt, ngơ ngác. Vẻ lạ lùng của Thông làm tôi bật được ra một tiếng kêu nhỏ gì đó, rồi tôi lùi lại. Thông tiếp tục nhìn chiếc giường nhỏ một lát, rồi bằng một vẻ thật chậm chạp, hắn đưa tay kéo nhẹ tấm mền phủ đầu ra. Toản đó ư. Một khuôn mặt quấn băng kín, mê man. Tôi cúi xuống, gọi khẽ :
- Anh Toản.
Nhưng Thông đã bỏ tấm mền xuống, ngăn tôi lại, rồi chậm chạp nói :
- Hỏng rồi chị ạ. Không phải Toản.
Từ phía sau lưng Thông, một người đang nằm ngóc đầu dậy, nhìn chúng tôi :
- Anh chị kiếm Toản à. Chuẩn úy Toản mất rồi, ông ấy mất từ bữa kia. Đám ma đã đưa đi hồi sáng.
Mắt tôi hoa lên. Gian phòng bỗng như tối xầm lại. Thế là Toản đã chết. Thôi rồi. Không bao giờ tôi còn có thể nói gì với Toản nữa. Không bao giờ tôi còn có thể nhìn lại thấy Toản nữa. Dù để mà thương yêu hay để mà thù ghét. Đời sống vô lý đến thế này ư ? Toản dạy học, Toản sàm sỡ. Toản biệt động quân. Rồi Toản về nằm đây và chết. Thế là hết.
Tiếng Thông vang lên trao đổi với người nằm cạnh giường Toản mấy câu, rồi thôi :
- Tội nghiệp, chuẩn úy Toản…
Người đàn ông nói gì đó với Thông nhưng tôi chỉ nghe được có thế. Tội nghiệp Toản. Đám ma đã cử hành. Thế là hết. Toản đã đi. Đã yên. Không bao giờ Toản quấy rầy tôi được nữa. Còn tôi, cũng chẳng bao giờ còn có thể được Toản quấy rầy nữa. Những chuyện xẩy ra về Toản và hình bóng chàng lãng đãng trong ký ức, lúc này, đối với tôi bỗng trở thành những kỷ niệm vừa buồn bã, vừa chua xót, quí báu.
- Thôi, phần anh ấy đã xong. Như vậy mà tốt. Số mệnh…
- Chắc chuẩn úy được đưa về nghĩa trang Hạnh thông Tây, phải không anh.
Người thương binh đã nằm xuống lại :
- Thì chả đó còn ở đâu nữa.
Từ phía cửa, một người đàn bà hốt hoảng đi vào, chị tiến tới chỗ tôi đang đứng, ngơ ngác một lát, rồi đột ngột giơ hai tay đẩy tôi sang một bên, rơi mình xuống giường ôm người đàn ông khóc nức nở.
Thông đỡ cho tôi khỏi loạng choạng và chúng tôi đi qua giường người bệnh vừa báo tin Toản mất. Chào. Rồi lặng lẽ trở ra. Phía bãi cỏ trống ở sân trước, các ngọn cỏ bỗng rạp mình, tiếng động cơ vang lên phần phật, rồi một chiếc trực thăng hạ xuống. Tiếng người kêu, tiếng xe hồng thập tự chạy. Những chiếc cáng nhỏ được khiêng ra và người ta đặt những thương binh từ trên trực thăng vào, mang đi. Công việc diễn ra thật thành thạo, dửng dưng, không một xúc động. Chúng tôi đã ra đến hành lang. Thông nói âm thầm:
- Đó chị xem. Mỗi ngày đều thế. Ngày nào cũng bị thương, cũng chết.
Ngày nào cũng bị thương, cũng chết. À, thì ra chiến tranh là thế. Lâu nay, quá mải mê với công việc riêng tư, tôi đã không nhìn thấy chiến tranh. Chiến tranh đã đến sát bên tôi từ bao giờ mà tôi không hề biết. Chúng tôi tiếp tục đi. Tiếp tục nhìn thấy những cánh tay cụt, những đôi mắt mù, những tàn phá, đổ vỡ. Một người lăn chiếc xe từ đầu tới cuối dãy hành lang. Một người đang lọc cọc tập đi với chiếc nạng, vừa đi vừa cười: «Đông quá há. Càng đông càng vui». Và anh ta cười lớn. Tiếng cười của người cụt chân làm tôi lạnh xương sống. Thì ra chết chóc, tàn tật ở đây đã trở thành quen quá đi rồi.
Trời đã xế chiều. Chúng tôi ra khỏi khu hành lang. Trên trời, mấy chiếc trực thăng khác vẫn lượn vòng có lẽ chờ đáp xuống. Thế là tôi đã không kịp nói gì với Toản. Nhưng nếu tôi kịp nói, liệu tôi sẽ nói được gì nhỉ. Chắc tôi cũng không đủ sức để nói gì đâu.
Chúng tôi lặng lẽ đi theo một con đường êm ả ra phía ngoài. Đi được một lát, bỗng có tiếng kèn trống từ xa vẳng lại. Thông chỉ tay về phía ấy, bảo tôi:
- Phía ấy là nhà xác đấy chị. Đám ma cử hành ở đấy và ra bằng cửa sau.
Thấy tôi không nói gì, Thông cũng trở lại vẻ lặng lẽ và chúng tôi cứ tiếp tục đi. Đi và tôi bỗng ngạc nhiên khi thấy mình đi bên cạnh Thông. Bên cạnh một anh biệt động quân có ghi danh trên ngực. Biệt động quân. Cái tên đó bỗng thân thuộc dần như cuộc chiến tranh đang dần quen trong tôi.
Tiếng kèn đám ma đâu đó, bỗng lùng bùng trong đầu tôi, theo nhịp những bước chân đi. Tôi đang ở đâu đây. Tôi đang đi ở đâu đây. Tôi phải làm gì đây. Tôi đang nghĩ gì và tôi sẽ làm gì. Chiều rồi. Tôi có yêu Toản không. Tôi có yêu ông Hòa không. Có yêu Bằng không. Tôi phải đi đâu bây giờ. Đi đến nhà Bằng, đi đến nhà ông Hòa, hay đi thăm mộ Toản, hay về nhà khóc với chị Hiền, với bé Măng Cụt. Không biết bao nhiêu câu hỏi kỳ cục cứ lùng bùng trong đầu tôi cùng với tiếng kèn trống, tiếng động cơ trực thăng và cả tiếng đạn nổ đâu đó.
Tôi phải đi đâu đây. Tôi vẫn đi. Đi từng bước rõ ràng. Nhưng không trả lời nổi. 
Năm 1968
Nhã Ca
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...