Thứ Tư, 1 tháng 12, 2021

Trên cao kia trời xanh mây trắng

Trên cao kia trời xanh mây trắng

Tượng Thần Si uy nghiêm cao vút, trong độ ngày đường quanh Mười Thôn không có cây cổ thụ, không công trình nào có chiều cao sánh bằng, nổi bật giữa trời xanh, mây trắng.
Rịa không biết bà đã đến dâng hương cho Thần Si vĩ đại từ khi nào, nhưng có lẽ ngay từ nhỏ, mẹ đã nhiều lần đưa bà đi cùng. Trong ký ức tuổi thơ, bà nhớ rất rõ lần đi cùng mẹ đến dâng hương cho Thần Si sau khi tiễn cha và anh Hai xuống tàu đăng lính theo tướng Nguyễn Cư Trinh đi trận. Hôm đó, một ngày nắng nóng thiêu đốt, người đi ra đường vào buổi trưa phải chặt lá cọ để che đầu; hôm đó, có một sự kiện kinh khủng trong làng: con chó Táp gần miếu Bà Am phát dại cắn chết chủ nó và ba người hàng xóm. Mẹ con bà đến được bến thuyền mồ hôi vã ra như tắm, da đỏ au như tôm luộc. Mẹ bà luôn tay phe phẩy cái quạt mo để xua đi những làn gió nóng được phả ra từ cái chảo rang của trời và đất.  Lần đầu tiên, bà nhìn thấy bến thuyền sông nước mênh mông và những con tàu lớn treo đầy cờ phướn. Cả một khúc sông dài chen kín tàu thuyền. Cha bà và anh Hai vận bộ đồ lính trông oai nghiêm,lạ hoắc, người cứ đơ ra như tượng, đứng trên boong vẫy tay từ biệt mẹ con bà… Khi các chiến thuyền đã đi xa, mẹ đưa bà về thẳng tượng Thần Si. Mẹ mua một vòng hoa lớn choàng lên ngón chân cái bức tượng rồi thì thầm cầu khấn rất lâu. Đấy cũng là lần đầu tiên bà chú ý nhìn ngắm tượng Thần Si khi đến gần. Toàn thân tượng bằng đá trắng, rực sáng lên trong nắng. Sau lưng tượng là cả một khu vườn lớn, chỉ trồng hoa, khoe sắc muôn màu. Rịa nhón chân định bắt một con bướm đậu trên cánh hoa gần bệ tượng thì bị mẹ giữ lại. Bà thầm thì với Rịa, thái độ đầy tôn kính: “Nơi linh thiêng con không được đùa nghịch!”; “Con đến đây chỉ để cầu xin”; “Cầu xin gì mẹ?”, “Cầu cho cha và anh Hai sớm trở về. Cầu xin cho tương lai con, cầu xin mọi điều con mong muốn!”
Ít lâu sau, một người đi lính cùng làng, ông Cọp trở về với một cánh tay bị chém dứt quá khuỷu cùng người ngũ trưởng chỉ huy mang theo tin buồn: cả cha và anh Hai tử trận ở vùng sông đâu đó cửa Nhà Bè… Người ngũ trưởng mang theo anh Ba, anh Bốn của bà cùng mấy thanh niên khác trong thôn xuống tàu. Người ta nói, tướng Nguyễn Cư Trinh cần rất nhiều trai tráng ưu tú đi đánh giặc ở vùng Tầm Bôn, Lôi Lạt… Mẹ lại đưa bà lên tượng Thần Si, lại mua một tràng hoa lớn, và cầu khấn. Mẹ cầu cho anh Ba, anh Bốn sớm thắng trận trở về.
Lần cuối bà đi cùng mẹ đến tượng Thần Si là khi anh trai thứ sáu vào lính… Ít lâu sau, bà lấy chồng về làng bên Trảng Lâu, cưới người con trai đã nhiều năm lẽo đẽo theo bà những lần đi đội nước. Chồng bà là một trong những thanh niên trên mười bảy hiếm hoi còn sót lại ở vùng Mười Thôn chưa ra trận vì chồng bà là thợ rèn lành nghề trong vùng đất này. Tất cả, lưỡi cày, cuốc, liềm, phảng… đều qua cái lò rèn nhỏ ở chân đồi của gia đình chồng bà.
Bà đã đội nước hàng ngày từ giếng Thơm theo con đường quen thuộc luôn đi qua dưới chân tượng Thần Si từ khi lên bảy, lên tám tuổi. Đúng vậy, hơn năm mươi năm trước, thiếu nữ Rịa xinh đẹp đội một lu nước cao ngất nghểu trên 20 lít, mà bước đi nhẹ băng băng không sánh một giọt ra ngoài… Thời đó, Rịa đâu đi có một mình mà cùng nhiều thiếu nữ khác trong thôn, họ đội nước, đùa vui, chuyện trò, bước đi uyển chuyển như múa.
Ngày lấy chồng, bà Rịa rời Cổ Vâu về bên Trảng Lâu. Hai thôn không cách xa nhau là mấy, vẫn dùng chung nước giếng Thơm - đó là nơi duy nhất trong vùng về mùa khô, khi tất cả sông, suối trơ đáy, ở đấy vẫn còn nước trong văn vắt, đáy giếng như một tấm gương. Nhà chồng bà ở bên Trảng Lâu có một thớt voi, mấy con trâu, nhiều công đất trồng cây ăn trái, trồng bắp, trồng dưa, luôn cần nước tưới vào mùa hạn. Từ khi lấy chồng về Trảng Lâu, Rịa không đi đội nước nữa. Việc lấy nước là của con Cham. Một chuyến đi của voi Cham mang được hơn chục lu nước Rịa đội trên đầu…
Khi Cham theo quân Tây Sơn đi đánh trận Rạch Gầm - Xoài Mút, thằng Bảy, thằng Tám, thằng Chín giúp bà chuyển nước bằng xe trâu. Rồi những con trâu cuối cùng không còn khi quân Đại Vương tràn qua, thằng Hai Thanh - cháu nội đích tôn của Rịa kéo nước giúp bà nội bằng chiếc xe trâu cũ… Giờ thằng Hai Thanh cũng đã phơi xác ở thành Quảng Nam trong trận chiến giữa quân Nhà Nguyễn với tướng Tây Sơn Bùi Thị Xuân, nghe nói chiến tượng của tướng quân Bùi Thị Xuân dùng vòi quật nó xuống đất rồi giày lên, không chỉ nó mà cả mấy ngàn quân nhà Nguyễn bị voi giày và quật xác la liệt dọc theo đường vào thành…
Tuổi sáu mươi, bà Rịa lại tự mình đi đội nước…
Nhiều năm gần đây, bà Rịa không thể đội nước được nữa, những đốt sống cổ cứng đơ, không còn đỡ nỗi mâm trái cây cúng Thần Si chỉ ba bốn ký chứ không nói đến lu nước trên mười lít. Dù bà có cắn răng chịu đau khi các đốt sống ép lên dây thần kinh thì cái đầu cũng không làm sao giữ được cái lu không bị rơi xuống, bà chỉ còn cách dùng chiếc xe trâu cũ cọc cạch mang nước từ giếng Thơm về nhà, cách mà khi xưa thằng cháu đích tôn Hai Cau vẫn kéo khi không mượn được trâu. Bà kéo thay trâu,cứ kiên nhẫn đi từng đoạn một…nghỉ… rồi kéo tiếp…
Nhớ khi xưa, khi đứa con thứ chín của Rịa vừa đầy tháng, thì một sáng mai Trảng Lâu tràn ngập binh lính mặc áo vải mang theo những lá cờ lớn màu vàng, người ta bảo đấy là nghĩa quân Tây Sơn đứng lên chống lại giặc Trương Phúc Loan, phò Hoàng Tôn Nguyễn Phúc Dương. Chồng bà đã mổ một con trâu khao nghĩa quân, rồi cùng con trai theo họ ra đi vì nghĩa lớn. “Nghĩa lớn” đấy là từ chồng bà nói rất nhiều lần trong những ngày ấy, khi quyết định từ biệt bà, khi quyết định chuyển cái lò rèn lại cho thằng Ba rồi cùng thằng Hai và rất nhiều đàn ông Trảng Lâu lên đường theo lãnh tụ nghĩa quân Nguyễn Nhạc. Ông trưởng thôn cứ một hai thưa tướng quân cho anh Út Nhuệ thợ rèn ở lại giúp bà con, nhưng quan quân Nguyễn Nhạc cả cười: trong nghĩa binh cũng cần nhiều thợ rèn: rèn giáo, mác, làm súng hoả công…
Ngày chồng và thằng Hai ra đi, Bà Rịa lại mặc bộ quần áo lễ đẹp nhất, hái những trái cây ngon nhất trong vườn, những trái cây chín vàng tự nhiên không bị dơi gặm, không có vết nước đái bọ xít… mang đến dâng trước tượng Thần Si: “Lạy Thần linh thiêng! Thần hãy bảo vệ chồng con và thằng Hai đi làm việc lớn, tránh được mũi tên, hòn đạn. Thần hãy sớm đưa họ trở về nhà…”.
Chồng và con trai bà ra đi chưa bao lâu, một buổi trưa rầm rầm xe ngựa quân tướng Hoàng Ngũ Phúc (nghe nói là thuộc hạ của chúa Trịnh) ào đến làng.Đám quan quân đó mặt mày hung tợn, lính tráng gầy trơ như ma đói, quần áo nhàu nhĩ như cả năm không tắm giặt. Hoàng Ngũ Phúc sau khi tra vấn những hộ đinh có chồng con đi theo bọn phản nghịch Nguyễn Nhạc thì bắt hết thanh niên trai tráng bổ sung vào các thập đội. Thằng Ba con bà trở thành lính kỵ binh, cô con dâu của bà (vợ thằng Hai) cũng bị quân Hoàng Ngũ Phúc bắt theo hầu dịch, chúng bảo rằng đang cần người nấu ăn cho binh sĩ… Thằng cháu Hai Cau khóc ngằn ngặt khi mẹ nó bị mấy tên lính lôi đi. Bà chạy theo giữ lại con dâu thì bị bọn lính đạp ngã văng xuống đường, đám xe ngựa ào ào cuốn qua, cát bụi bay mù mịt…
Thằng Ba từ khi bị quân Hoàng Ngũ Phúc bắt đi không có tin tức gì, nhưng con dâu bà thì mấy ngày sau bị vứt xác bên đường cách Trảng Lâu chỉ một ngày đi xe trâu. Chắc cô con dâu tội nghiệp của bà đã chết vì khi đám lính đói khát kia giày vò dã man qua mấy ngày đêm. Một người lái buôn trâu bò nhận ra con bà nên đã báo tin về.
Chôn cất con dâu xong, bà lại lựa những trái cây ngon nhất trong vườn, những trái cây không bị dơi gặm, không có vệt nước đái bọ xít lặng lẽ đi lên tượng Thần Si, khóc: “Thần ơi, sao ngài để con dâu con chết oan uổng như vậy? Sao có bọn người tàn ác như vậy! Thần ơi, hãy cứu giúp chúng con khỏi bọn ác!…”.
Sau cái chết của chị dâu, thằng Tư hận lắm, năm đó nó vừa lên 15 tuổi, da đen cháy như than, nghe lời ai đồn, ở núi Đá Vách có những nghĩa binh dũng cảm đang chiến đấu tiêu diệt bọn ác nhà Trịnh, Nguyễn. Những nghĩa binh đó kiên cường, dũng mãnh, thực sự kiên cường, dũng mãnh, không mềm yếu như đám nghĩa quân  đã gặp… Một đêm nó lấy của bà mấy nén bạc, lặng lẽ trốn đi…
Những năm sau đó, những đại quân cỡi voi, phi ngựa… cuốn bụi cát tung trời, mỗi khi kéo qua làng là cuốn theo một hai đứa con của bà, cuốn theo chút lương thực bà dành dụm còn lại… Bà không còn phân biệt, không còn nhớ được các con bà đã đi theo quan quân nào trong những năm đó, họ đến cờ xí rợp trời, trống dồn, chiêng thúc, loa kêu văng vẳng, đạo quân nào cũng nói chiến đấu cho việc nghĩa, tiêu diệt bọn ác, bọn cướp, bọn thổ phỉ bảo vệ nhân dân… 
Bà nhớ rất rõ lần thằng Sáu ra đi, vì lần đó nó mang luôn con Cham nhập vào đại quân của Ngài Nguyễn Huệ tiến đánh giặc Xiêm La, trừng trị “Nguyễn Ánh phản quốc, cõng rắn cắn gà nhà”. Bà nói với nó, cả nhà chỉ còn con Cham để chở nước, kéo gỗ, kiếm tiền nuôi các em. Thằng Sáu nài nỉ: “Đừng lo mẹ, con sẽ về sớm thôi, sẽ mang Cham với chiến công về, đạo quân chúng con sẽ làm cỏ bọn giặc Xiêm La”. Bà rất không muốn mất con Cham, đấy là tài sản lớn của gia đình, nhưng cả thằng Sáu cũng đã ra đi thì con Cham tiếc làm gì. Nó và con Cham đi đánh bọn giặc xâm lược, giữ nước sao có thể từ chối được. Hơn nữa, con Cham có thể bảo vệ thằng Sáu ở nơi trận mạc…
Thằng Bảy, thằng Tám con bà cũng bị cuốn theo cơn lốc cờ, phướn sau đó ít lâu, bà chỉ còn Thằng Chín ở lại nhà thay các anh chăm sóc bà và đứa cháu đích tôn Hai Cau. Thằng Chín có bệnh hen suyễn khi mới sinh ra, mười sáu, mười bảy nó vẫn còi cọc như một đứa bé mười ba mười bốn tuổi. Nhưng nó siêng năng, chịu khó, quen công việc nhà nông.Cái lò rèn, vườn tược, đám ruộng, nó với Hai Cau quán xuyến cả. Nó còn mang trâu đi cày thuê, chở thuê cho bà con trong thôn kiếm tiền đủ cho bà tiêu chợ và mua lễ cúng Thần Si hàng tháng. Nhưng rồi một hôm, bà từ tượng Thần Si trở về thấy trong thôn đầy lính áo đen, cờ xí rặt một màu đen, mặt mũi quan, lính cũng đen sì như chà nhọ nồi. Tất cả đàn ông, đàn bà trong thôn đều bị bắt quỳ trước đám ruộng đầu làng, bọn thanh niên từ mời lăm tuổi trở lên đều bị bắt vào lính. Họ đã phát cho chúng thứ quần áo lính đen sì ấy. Thằng Chín thùng thình trong bộ đồ lính, mắt đỏ hoe: “Mẹ ơi, quan lớn nói mình phải sung cho việc nước hai con trâu”.Cặp trâu của bà đã được đóng vào chính chiếc xe trâu của nhà bà và chở đi tất cả thóc, mì còn lại của nhà bà sau mùa thu hoạch… Một người đàn ông mặc áo giáp ngồi trên lưng ngựa đội cái nón không biết bao nhiêu tua xanh đỏ, liên tục quất roi bất kỳ ông bà già nào đang quỳ trên bãi mỏi quá gượng đứng lên, hay có lời tâu, xin việc gì đó: “Lũ kia, biết tội các người chưa? Các người cho chồng, con theo quân phản nghịch, bọn giặc cỏ Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ… Các người cho chồng con theo quân bán nước, phản trắc Nguyễn Ánh… Tội các người đáng chết! Đại vương của chúng ta mới là bậc minh quân, con cái các người theo chúng ta là theo ánh sáng, theo lẽ phải. Các người đừng than khóc, tiếc thương những của cải đã hiến cho việc nghĩa nữa…”. Hắn la hét rất lâu, cho đến khi bọn lính chất hết mọi thứ lấy được của dân làng lên xe, thì vội thúc ngựa phóng đi.
Bà Rịa cố tìm trong vườn những trái cây còn sót lại, mang dâng tượng Thần Si: “Thần ơi, cứu lấy chúng con, hãy cho chúng con ánh sáng, hãy chỉ đường cho chúng con. Mấy chục năm qua, quan quân cứ tràn tới, đưa chồng con chúng con ra trận, lấy hết của cải chúng con mang đi, rồi các quan quân đến sau lại trừng phạt chúng con vì tội cho chồng con theo bọn phản nghịch, bọn bán nước… Thần Si ơi, ai chính nghĩa, ai phản nghịch, ai bán nước…, phận đàn bà như con sao biết được! Chúng con biết làm gì đây? Thần hãy chỉ cho chúng con…!”
Chồng bà không trở về, con bà không đứa nào trở về, mọi tin tức mờ mịt, có chăng chỉ là những lời đồn đoán… Bà chưa bao giờ biết gì về chiến trận, nhưng vào tháng tư, ngay cái năm thằng Chín đi theo đội quân cờ xí màu đen, bà đã chứng kiến một trận chiến giữa quan quân Lê Văn Duyệt và Nguyễn Lữ. Đó là bà nghe vậy, bà nào có phân biệt được quân tướng của bên nào…
Chiều đó, một đám quan quân tràn qua làng, đám lính vặt sạch trái cây trong vườn, cả những trái cây còn xanh, lùng bắt gia súc. Ngay đêm, hai đội quân giao chiến trên đồi sim cách nhà bà mấy khoảng ruộng. Bà đóng cửa, giữ rịt thằng cháu Hai Cau trong nhà. Sáng mai, khi tất cả đã lặng im, không nghe tiếng ngựa hí, tiếng voi rống nữa, bà ra khỏi nhà đi về phía đồi sim. Trước mắt bà là bãi chiến trường nơi quan quân Lê Văn Duyệt - Nguyễn Lữ đụng độ đêm qua…
Mãi sau này, nhiều năm, bà vẫn không thể nói chính xác được tâm trạng của mình vào thời điểm đó trước sự ngổn ngang, hoang lạnh ghê sợ, khủng khiếp bày ra trước mắt. Xác người, ngựa, voi… la liệt. Khoảng sườn đồi cây cỏ bị vò nát, tơi tả, như đêm qua bị một trận lốc xoáy… Tưởng như cơn lốc ấy cuốn theo cả những thùng máu nhuộm luôn cây cỏ, nhuộm luôn cả những thân cây cổ thụ màu đỏ. Nhiều chỗ máu tươi vẫn còn phì ra từ vết đâm, chém sâu hoắm trên xác voi, ngựa, người bị giết vì gươm, giáo, câu liêm móc… Ruồi, nhặng và những con quạ đen đã kéo đến. Đập vào mắt bà là những xác lính mặc áo màu vàng, màu đen la liệt trên sườn đồi, chết trong các tư thế đứng, ngồi, quỳ, nằm… Hầu hết chúng còn trẻ, chỉ độ tuổi, thằng Tám, thằng Chín con bà, chỉ chừng 16, 17, 18  tuổi, có đứa chắc mới rời lưng trâu mặt mũi non choẹt, ướm chừng chỉ mới 14, 15 tuổi…Chúng bị chém ngang người, bị phạt đứt như một thân chuối, chúng bị lao đâm xuyên ngực, bị chém bổ đôi từ đầu…., nhiều xác chết đã bị voi giày nát bấy, như một đống thịt bầy nhầy. Có đứa nhỏ, đầu đội nón lá, chết vẫn đứng tựa vào thân cây với một mũi thương xuyên ngang người… Một con voi chưa chết, nằm đè lên mấy xác lính, quanh nó hơn chục xác lính khác chắc bị nó quật chết, thân nó bị hàng chục vết đâm, chém. Nó chỉ còn 3 chân, một chân bị chặt đứt lìa. Chắc nó đã đổ gục xuống vì cái chân bị chặt lìa. Máu cùng bọt khí vẫn cứ sôi ra từ một vết đâm trên ức. Đôi mắt nó, như mắt con Cham nhìn bà đau đớn, tuyệt vọng… Gần giữa đồi, Rịa bắt gặp một thằng bé khoảng 17 tuổi bị chém bung xổ hết ruột ra ngoài, một cây giáo gãy cán vẫn găm trên thân nó, ngay dưới ngực. Ruột nó đã thâm đen hôi thối bu đầy ruồi nhặng, nhưng kỳ lạ, thằng bé vẫn chưa tắt thở. Có lẽ ngọn giáo đâm hơi thấp, chưa chạm vào tim. Nó đau đớn, rên, gọi mẹ. Có lẽ nó rên la và gọi mẹ như vậy cả đêm qua. Tiếng kêu thều thào của nó làm Rịa sững lại: “Cô ơi, giúp con!”. Đôi mắt nó sáng rực nhìn dính vào Rịa. Một cái nhìn cầu xin, tuyệt vọng: “Con đau quá! Hãy làm ơn cho con được chết!”. Rồi như sợ Rịa bỏ đi, sợ Rịa không hiểu, nó cố lấy sức tàn gọi nữa: “Làm ơn! Hãy làm ơn. Con đau quá không thể chịu nỗi, giáo kia hãy đâm xuyên qua ngực con, hay lấy gươm chặt đứt cổ con…”. Quanh đó, cạnh con tuấn mã đã chết vung vãi giáo, gươm…, nhưng Rịa không đủ can đảm để đụng vào bất cứ thứ nào. Rịa bước tới, quỳ xuống ôm lấy đứa bé: “Không sao con, không sao con!”. Bà giữ chặt nó trong tay. Chân nó đã tê cứng và lạnh, ngực nó đã lạnh, nhưng đầu nó vẫn tỉnh táo. Rịa giữ chặt thằng bé rất lâu, cho đến khi nó tắt thở…Rịa ngồi yên ở đấy, không dám đi lên phía trên đồi sim nữa. Vuốt mắt cho thằng bé, ngồi im và bà khóc cho đến khi những người trong làng kéo vào đồi…
Tròn một ngày, đến tối mịt, bà Rịa cùng với dân làng mới an táng hết những người lính trên đồi vào một cái mả chung…Đêm đó, và nhiều đêm sau, bà Rịa không sao ngủ được, bà cứ trằn trọc mãi.Cứ nhắm mắt những hình ảnh chết chóc hiện ra, cứ mở mắt, bà lại nhớ đến thằng bé chết trận trên đồi sim, bà lại nhớ đến những đứa con, những thằng Hai, Ba, Bốn, Năm, Sáu… nhớ đến những năm tháng khó khăn, vất vả, bà nuôi dạy chúng. Bà nhớ bà chưa được ăn một bữa nào no từ khi thằng Hai lớn lên cho đến khi thằng Chín ra đi, bữa ăn nào bà cũng là người ăn sau cùng để chắc chắn còn đủ cơm cho các con…Bà chưa bao giờ được ngủ đẫy giấc từ khi sinh thằng Hai cho đến khi thằng Chín lên một tuổi…Bà nhớ thằng Hai bị còi. Theo lời ông thầy thuốc trong làng, bà đi khắp nơi bắt cóc về làm chà bông cho nó. Những con cóc da sần sùi thời con gái bà chưa bao giờ dám đến gần, nhìn thấy chúng đã kinh sợ, vậy mà, mấy năm liền bà lùng bắt chúng bằng được ở bất cứ đâu: trong bụi gai, dưới gầm bồ thóc, trong khu mả…, mỗi li tấc xương thịt thằng Hai không biết bao nhiêu công sức khó nhọc, kiên nhẫn của bà, không biết bao nhiêu con cóc bà xay thịt.  Thằng Tư sinh ra bị bệnh phổi, suốt ngày nó ho khan ra máu, nghe người ta mách, bà tìm đến ông thầy ở Thất Sơn lấy thuốc. Thất Sơn rất xa, bà phải ra đi từ sớm thì đến tối mới về đến được nhà. Nhưng ác thay, cái ông thầy ở Thất Sơn bắt bất cứ ai đến cắt thuốc phải giúp làm vườn nhà ông ta một buổi, vì vậy, lần nào cũng quá nửa đêm bà mới về đến nhà… Thằng Năm, Sáu, Bảy cũng vậy, không bệnh này thì bị chứng kia. Riêng thằng Chín, khi mang thai nó bà bị bệnh, thầy thuốc bảo phải bỏ nó mới cứu được mạng bà, nhưng bà đã quyết giữ nó thà mất mạng. Nó sinh thiếu tháng, bị suyễn nặng. Nuôi nó, bà thức suốt năm canh vào mùa hè nóng nực…
Ngày Rằm tháng ấy bà Rịa đi ra chợ lựa mua những quả cam ngon nhất, chín vàng, không có vết dơi cắn, không có vết nước đái của bọ xít rồi đi lên tượng Thần Si. Bà khóc, bà cầu khấn Thần Si trong nước mắt: “Thần ơi, đau đớn quá, khủng khiếp quá, bất công cho chúng con quá… Chúng con mang nặng đẻ đau, sinh đứa con nuôi nấng cả mười mấy năm mới thành người. Mười mấy năm nhịn ăn, nhịn mặc, chăm sóc con từng ly, từng tý, biết bao công sức, mồ hôi, nước mắt...Mười lăm, mười sáu, mười bảy tuổi…, cao to, khoẻ mạnh, tràn trề sức sống… Vậy mà quan quân đưa chúng ra trận, chỉ một nhát chém, chỉ một hòn đạn…, chúng chỉ còn một đống thịt thối rữa. Thần ơi, một ký thịt của con, một lạng xương của con là bao nhiêu nước mắt của những người mẹ chúng con!  Thần Si ơi, Thần hãy chấm dứt đi các cuộc chiến đầu rơi, máu chảy triền miên tàn khốc này!”. Những lần trước đây, khi chồng con ra đi, bà đều cầu xin Thần Si bảo vệ giữ cho chồng, con bà lành lặn trở về. Những lần sau, bà cầu xin Thần Si hãy cho con bà trở về: tàn tật cũng được, mất một chân, một tay, một mắt cũng được, nhưng lần này, sau khi đã chứng kiến cái chết khủng khiếp của thằng  lính tráng trên đồi, bà cầu xin rất lạ: “Thần ơi, nếu con con phải bỏ mạng ở trận tiền, hãy cho chúng chết thật nhanh, hãy cho chúng ra đi thật nhanh, hãy cho gươm chém đứt ngay cổ chúng, voi giày nát xác chúng, hay giáo đâm xuyên ngay tim chúng… Xin ngài, xin ngài hãy mở lòng ân. Cho những người đàn ông gia đình con được chết thật nhanh. Đừng bắt họ phải chết trong đau đớn!…”
Khi chồng đã đi trận, các con bà đều đã đi trận, cả con voi Cham và mấy con trâu cũng đã đi trận, bà chỉ còn người đàn ông duy nhất trong nhà là đứa cháu đích tôn Hai Cau. Khi thằng Chín ra đi, không còn voi, không còn trâu, nhưng nó đã biết sửa lại cái xe trâu cũ và kéo nước bằng sức trẻ của nó khi không mượn được xe trâu trong làng. Bà lo lắng từng ngày khi nó qua tuổi mười ba mười bốn, rồi sẽ có một ngày nó cũng bị cuốn theo đoàn quân voi rống, ngựa hí, cờ phướn rợp trời ngoài kia ra khỏi ngôi nhà, ra khỏi làng này…Nhìn nó phải cúi qua cái khung cửa thấp mỗi khi vào nhà lòng bà thắt lại. Bà mài cây phảng phát rừng sắc bén, mài đi, mài lại hàng ngày để sẵn đấy sau nhà. Một hôm, thằng Cau kêu ầm lên khi đang làm cỏ bắp, băng ruộng chạy về nhà. Nó bị rắn cắn vào chân, ngay gần gót. Bà lo lắng hỏi nó:
- Rắn màu xanh, vàng hay trắng?
- Xanh!
- Cháu thấy nó có sọc không?
Thằng Cau gật đầu.
- Rắn lục! Mùa khô rắn lục cực độc! Nếu nọc nó chạy lên tim cháu sẽ chết ngay, ta không thể nào cứu được.
Bà hoảng hốt xé ngay tay áo, buộc chặt vị trí bắp chân nó, nghiến răng lấy hết sức để kéo chặt nút buộc, bảo nó nằm ngay xuống cái chõng tre ngoài sân rồi nhanh tay buộc luôn người thằng bé bằng dây thừng vào chõng. Thiết chặt mấy vòng dây, để Hai Cau không còn cựa quậy tay chân được.
Bà rạch nhiều vết sâu chỗ vết cắn nặn máu, vừa nặn bà vừa kêu lên hốt hoảng:
- Không kịp nữa cháu ơi. Thịt quanh vết cắn bầm hết! Nọc độc đã ngấm cả vào xương, xương con đã đổi màu xanh…
Thằng Cau nằm trên chõng tre nhắm tịt mắt, rên rỉ vì đau đớn.Rất nhanh, kiên quyết, bà Rịa lấy hết sức già vung cao cái phảng phát cây đã được mài bén chặt phập đứt lìa chân nó ở ngay trên mắt cá. Nó thét lên đau đớn rồi ngất lịm. Bà đắp thuốc sát trùng, làm đông máu vết thương, băng kín chỗ chặt rồi đổ gục xuống.
Ngay buổi chiều, bà lựa những trái cây ngon nhất trong vườn, những trái cây không bị dơi gặm, không có vết nước đái bọ xít, chín đều…đi lên tượng Thần Si. Bà quỳ xuống, đập đầu vào bệ tượng nhiều lần đến toé máu: “Hãy tha tội cho con. Hôm nay con đã làm một việc ác độc, quá sức mình. Nhưng Thần ơi, con không còn có cách nào khác để giữ lại người đàn ông cuối cùng của gia đình con. Nó bị cụt một chân, trở thành người tàn tật, chẳng còn ai bắt ra trận nữa. Có khi lại là điều may mắn cho nó…”.
Song cuối cùng bà cũng không giữ được đứa cháu đích tôn Hai Cau ở lại nhà. Sau khi bị bà chặt cụt chân, nó rất buồn, nó hầu như luôn im lặng một mình ngoài đồng. Có hôm, nó vào làng, hình như ai đó cho nó biết cái con rắn màu xanh có sọc là rắn cườm không phải giống rắn lục, rất ít khi bắt gặp rắn lục ngoài ruộng ở Trảng Lâu. Con rắn cườm cắn không quá độc. Nó về hỏi bà mấy câu không có gì trách móc, nhưng cái nhìn nghi ngờ của nó làm tim bà nghẹt lại…
Rồi quan quân của Nguyễn Ánh qua làng. Khác với nhiều năm trước,cả một đội quân hùng hậu, tiền hô hậu ủng, cờ phướn, chiêng trống vang trời.
Hai Cau trở về trên lưng ngựa với một ông đội, nó hét ngay đầu ngõ:
“Bà nội ơi, đại quân nhận cháu rồi!”, “Cháu bị què chân làm sao ra trận được?”, “Không sao bà ơi, cháu sẽ làm quản tượng, cháu sẽ ngồi trên voi ra trận, què chân không sao! Bà có thể hỏi ông Đội đây!”. Ông Đội đi cùng xác nhận ngay điều đó,ông nhận cháu bà làm quản tượng vì cháu bà có năng  khiếu bẩm sinh sai khiến được con voi chiến ngay khi mới làm quen. Nó ở lại với bà một lát, lấy quần áo, rồi ra đi với ông Đội, nó nói hào hứng: “Đạo quân Nguyễn Ánh tiến đánh thành Quãng Ngãi bà ạ. Giặc cỏ Tây Sơn sắp bị tiêu diệt rồi!”. Bà như mê lụi đi trước tình huống bất ngờ, không biết phản ứng thế nào vào lúc đó, khi bà tĩnh trí lại, bà chạy vào thôn, quyết đi đòi cháu mình, đòi lại người đàn ông duy nhất của họ tộc… nhưng đạo quân đã lên đường…
Thằng Hai Cau - người đàn ông cuối cùng rời khỏi nhà, bà chỉ còn một mình trong ngôi nhà tranh dưới chân đồi. Nhiều năm tiếp đó, chiều nào bà cũng ngóng nhìn con đường mòn trước nhà, mong có một đám bụi nhỏ bay lên cùng tiếng ngựa hí, hay một người đàn ông đi bộ về phía nhà bà, hay một người đàn ông tàn tật bò,lăn trên đường về phía nhà bà…, nhưng không…tịnh không có người đàn ông nào, ngoại trừ ông trưởng thôn, người lính già thương tật, đôi khi ghé qua hỏi thăm sức khoẻ của bà và thông báo việc làng... Đêm đêm, bà không khi nào chốt cửa, cánh cửa luôn hé mở… Đêm đêm, nghe tiếng cánh cửa kêu kèn kẹt bà lại bừng tỉnh nhìn ra sân nhưng hoá ra đó chỉ là gió thổi lay cánh cửa…Sau khi nhà Nguyễn giết hết quan quân Tây Sơn, nhiều người trong thôn kể bà nghe câu chuyện khủng khiếp về nữ tướng Bùi Thị Xuân bị voi giày, bà đã đi khắp làng, đi qua các làng bên hỏi xem ai biết tung tích gì về chồng và các con bà. Nhưng chẳng ai biết gì vì hầu như những người ra đi cùng chồng, con bà chẳng còn ai trở về…Bà chỉ gặp những người phụ nữ hoàn cảnh giống bà, họ cũng đang chờ chồng, con trong vô vọng…
Đều đều, đầu tháng, bà vẫn chọn những trái cây ngon nhất, không bị dơi gặm, không có vết nước đái bọ xít…    mang lên cúng Thần Si. Trước đây, mỗi lần đến tượng Thần Si, bà đều mặc những bộ đồ đẹp nhất, mới nhất, còn bây giờ, bà cố gắng kiếm bộ quần áo còn lành lặn. Nhiều lần bà ở lại đó cả ngày làm công quả, dọn dẹp, trồng cây quanh khu vực tượng, lau chùi bệ tượng: “Hãy thương xót con, hãy cho những người đàn ông nhà con trở về, một người thôi cũng được, đui què cũng được…”.
Khi bà Rịa dừng xe lại trước tượng Thần Si đã vào đầu chiều, trời đang nắng dữ, không gian hầm hập vì ánh nắng thiêu đốt và gió thổi qua các cồn cát khô rang nhưng quanh tượng Thần Si vẫn rất nhiều người đến dâng hương.
Đã lâu rồi bà không dâng hương cho Thần Si. Vườn nhà bà không còn những trái cây ngon, bà cũng không còn tiền mua trái cây ngoài chợ, nhưng có lẽ không phải vì thiếu trái cây, hay vì bà không còn tiền…Hôm nay, bà thấy sức khỏe mình đã đuối đi rất nhiều, mỗi khi cố dồn sức để kéo chiếc xe lăn qua được cái dốc nhỏ, bà thở hồng hộc và đầu óc quay cuồng… Có lẽ đây là xe nước cuối cùng của bà. Đã đến lúc bà sẽ không còn kéo xe được nữa. Từ mấy năm nay, bà chỉ lấy nước giếng Thơm về để nấu thức ăn. Bà không còn đủ sức mang nước về tưới tắm cho cây cối trong vườn. Bà đã bỏ hoang cả mấy thửa ruộng ngày trước trồng bắp, khoai, mì… Những gì nhặt nhạnh trong vườn đã không đủ cho bà sống lay lắt qua ngày. Mỗi khi lấy nước, thấy mái tóc bạc trắng của mình dưới giếng Thơm bà lại giật mình. Bà đã già lắm rồi… Thời gian đã qua nhiều năm rồi… Chắc bà sẽ rời bỏ ngôi nhà ở Trảng Lâu, bà sẽ trở về bên quê ngoại, hay sẽ nối chân những người hành khất đi về chốn vô định, rồi bỏ thân một nơi nào đó…
Ngang qua tượng Thần Si bà đứng lại nhìn…
Bà không suy nghĩ gì lúc đó, tâm trạng bà hoàn toàn trống rỗng. Bà thấy mình tự dưng rời chiếc xe kéo nước, lững thững đi về phía tượng Thần Si. Khi chỉ còn chục bước chân đến bệ tượng bà dừng lại. Bà ngước mắt nhìn lên Thần Si trên cao, uy nghi, sừng sững, toàn thân ánh lên lấp lánh trong nắng. Bất ngờ, nỗi đau, uất hận từ đâu ập tới, bà vung hai tay và thét lên: “Tôi không còn tin ngài. Ngài chỉ là bức tượng đá vô hồn, vô dụng. Ngài hãy nhìn tôi đi!. Bảy mươi năm qua tôi luôn cầu xin ngài, tôi đã cầu xin ngài suốt cả đời tôi… Ngài đã mang gì lại cho tôi? Không!. Ngài đã mang lại gì cho mảnh đất này: Bình yên ư? Không!. No ấm?. Không! Nếu ngài thật sự thiêng, ngài đã không để chúng tôi cứ phải chém giết nhau…, Ngài đã không để chúng tôi bị cướp bóc, lừa dối, đói khổ mãi!… Người là kẻ vô hồn, người là kẻ vô hồn!...”
Bà đứng yên chờ trời đất tối sầm lại, chờ một tiếng sét khủng khiếp vang lên và khối lửa của sự căm giận chụp xuống thiêu cháy thân xác bà thành tro bụi như người ta vẫn thường nói về quyền lực khủng khiếp của Thần Si đối với những kẻ dám xúc phạm ngài song bà chỉ  thấy nóng vì nắng quái, trên đầu bỏng rát vì nắng. Bà ngước nhìn lên: bầu trời xanh, chỉ vởn vơ mấy làn mây trắng…
Người quản đền thét lên một tiếng, vơ vội ngay lấy cây gậy lim đen bóng, chạy về phía Bà Rịa. Những người khách viếng đền gần đấy cũng như chợt tỉnh, rùng rùng nhào tới với đất đá, gậy gộc trên tay…
Trước khi, hoàn toàn không còn biết gì, mở đôi mắt đã sưng vù, đang nhòe đi vì máu chảy trào ra từ vết đập đỉnh đầu tràn xuống, nhìn qua hàng chục khuôn mặt giận dữ, điên cuồng, lần cuối, bà vẫn thấy cao vời vợi trên kia: trời xanh, mây trắng…
An Phú, 19/6/2021
Đặng Chương Ngạn
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...