Thứ Tư, 1 tháng 12, 2021

Bóng tối thời con gái 1

Bóng tối thời con gái 1

1. Năm tôi mười bẩy thì chị Hiền lấy chồng. Chị Hiền lấy anh Thân, một giáo sư tư thục. Anh Thân người Bắc, hơi già so với tuổi chị Hiền, nhưng được cái dáng điệu nhanh nhẹn, trẻ trung.
Dĩ nhiên tôi cũng ở chung với anh chị, vì chúng tôi không còn bố mẹ. Anh Thân cũng là người mồ côi sớm giống như chị em chúng tôi. Anh di cư vào đây một mình, có một ít chú bác nhưng cũng ít liên lạc. Cuộc sống chung của chúng tôi vì thế cũng dễ chịu.
Hai chị em tôi vốn sống đùm bọc nhau từ nhỏ. Tôi không nhìn thấy mặt thầy mẹ tôi bao giờ nhưng theo chị Hiền thì tôi giống mẹ tôi lắm ; còn chị thì giống thầy tôi. Tôi cũng nghĩ như vậy vì hai chị em tôi đều không giống nhau cả về khuôn mặt cũng như tâm tính. Tuy nhiên không phải vì thế mà chúng tôi ít thương yêu nhau. Tôi thương và hết sức nghe lời chị Hiền. Mặc dầu tôi đã mười bẩy tuôi, nhưng đối với chị, tôi còn như một con bé lên mười, lên mười hay lên chín cũng vậy.
Chị Hiền có một tính dễ làm tôi khó chịu là không hay nói. Mỗi khi tôi có lỗi, chị chỉ lạnh lùng với tôi và cử chỉ lạnh nhạt đó làm tôi đau đớn còn hơn những vết roi quất. Nhưng từ năm tôi mười bảy và chị lập gia đình với anh Thân rồi thì chị dịu dàng với tôi hơn.
Anh Thân cũng rất vui tính. Có lẽ anh cũng rất thương mến tôi nhưng ít khi có dịp biểu lộ tình thương ấy vì tôi đã lớn… Ngày trước, khoảng hai năm trước đó, khi quen và yêu chị Hiền, anh vẫn thường dẫn tôi đi ăn kem, đi xi nê, hoặc tới thăm các bạn bè của anh, nhưng bây giờ thì không. Nhiều lúc, tôi cũng thấy là tôi đã mất luôn chị Hiền, vì chị là một người vợ tốt, thích chiều chuộng chồng và để hết tâm trí vào gia đình.
Ngôi nhà chúng tôi ở có hai phòng ở dưới và một căn gác nhỏ phía sau. Kiểu nhà thông thường ở Sàigòn, nhưng sang được một căn ở khu sạch sẽ, yên tĩnh như khu chúng tôi ở không phải là dễ. Tôi chiếm căn gác phía sau và sống một mình hầu như riêng biệt trên đó. Sự riêng biệt cũng nhiều khi làm tôi tủi thân, nhất là khi chị Hiền mang thai.
Khi nghe tin chị có thai, tôi thấy tình thương còn lại ở chị Hiền dành cho tôi như mất thêm đi một nửa. Có điều đặc biệt là từ đó anh Thân thường hay vắng nhà hơn trước. Nhưng chị Hiền không buồn. Chị nói với tôi là anh ấy cần phải làm việc nhiều hơn vì sắp làm cha. Gia đình, trong những ngày chị Hiền mang thai, có phần vui vẻ hơn. Anh Thân, chị Hiền đều có vẻ rạng rỡ và tôi chắc anh chị đều vui vẻ thật tình.
Anh Thân có nhiều bạn lắm. Thường thường chủ nhật họ hay kéo lại nhà ăn uống, hội họp, bởi chị Hiền làm thức ăn khéo léo nên các buổi hội họp rất vui. Với lại tính anh Thân vốn cởi mở, yêu thích bè bạn. Nhưng tôi thì không thích những ồn ào đó. Trong khi dưới nhà ăn uống vui vẻ, tôi rúc đầu trên căn gác đọc tiểu thuyết. Tôi cũng rất thích viết văn và ưa trở thành văn sĩ. Tôi tập viết đủ loại nhưng tôi không thành công về mặt này. Cuối cùng tôi xoay ra tập vẽ và muốn trở thành một họa sĩ. Thật bất ngờ, tôi có vẻ thành công hết sức về mặt này.
Anh Thân cũng như chị Hiền đều không đề ý tới những việc tôi làm. Lần đầu tiên trông thấy một bức tranh bột màu trên căn gác của tôi, anh ngạc nhiên, hỏi :
- Hạnh vác bức tranh này ở đâu về vậy?
Tôi nói dối :
- Một cô bạn gái cho em đấy.
- Một cô bạn ?
Anh Thân ngạc nhiên hỏi :
- Cô ấy là họa sĩ à ?
Tôi ngượng ngập nói :
- Dạ, nó cũng vẽ cho vui vậy thôi anh.
Nhưng anh Thân không để ý đến điều đó. Anh ngắm lại bức tranh thêm một lần nữa rồi bảo :
- Em có cô bạn thật tuyệt. Để anh phải nhờ em giới thiệu cô bạn này cho Bằng mới được. Hắn là họa sĩ suốt ngày chỉ biết sơn với cọ. Phải làm mối hắn cho cô bạn của em mới được.
Tôi đỏ mặt, anh Thân không chú ý. Nhưng từ đó cái tên Bằng bỗng ám ảnh tôi… Tôi thầm để ý xem trong đám bạn tới chơi có ai có thể là Bằng không, nhưng tôi không đoán nổi.
Các bạn anh Thân hầu hết đều là nhà giáo, nhưng tôi biết ngoài cái vẻ đạo mạo, bên trong họ là những cơn bão ngầm. Có lần, một buổi sáng chủ nhật, chị Hiền với anh Thân đi xi nê, chị ở đi chợ, chỉ có mình tôi ở nhà, đang ngồi nằm cắt móng tay và nghe một đĩa nhạc ngoại quốc thì có tiếng gõ cửa. Người đến thăm anh Thân là Toản. Tôi nói không có ai. Hắn vào nhà, đứng trân trân nhìn tôi, một lát mới chịu ngồi xuống ghế. Bất đắc dĩ tôi phải rót nước mời hắn và trong khi tôi vào phòng trong pha nước, hắn liền lò dò đi theo.
Pha chưa xong chén nước thì hơi thở nóng của hắn đã phà vào gáy tôi. Tôi nghe tiếng hắn gọi đằng sau : « Hạnh ! » Rồi hắn nói những gì mà tôi không nghe hết. Tình thế bất ngờ này đã làm tôi vừa bàng hoàng vừa run sợ. Hình như chính sự run sợ của tôi lúc ấy đã khuyến khích hắn. Hắn nhào đại. Ôm ghì lấy tôi và trong lúc tôi còn ngơ ngác chưa kịp đối phó, hắn đã đẩy tôi vào phòng anh chị Thân. Lúc đó tôi mới chợt tỉnh. Tôi càng cố vùng vẫy hắn càng siết chặt lấy tôi hơn. Hơi thở hắn phà vào mặt tôi, vào tai vào tóc tôi nóng bỏng, còn nồng nặc mùi rượu. Hai bàn tay mạnh mẽ của hắn ghì siết trên ngực tôi thô bạo.
Vùng vẫy thêm được mấy bước thì cả Toản lẫn tôi cùng ngã xuống giường. Chăn nệm trắng làm tôi rợn cả người. Cuối cùng, tôi cố góp sức còn lại vào hai bàn tay cào mạnh lên mặt hắn. Móng tay của tôi vốn thuộc loại cứng, lại vừa cắt. Hắn kêu lên một tiếng đau đớn vùng dậy, kịp lúc tôi nhoài người nắm được con dao nhỏ để trên mặt bàn ngủ. Tôi có cảm tưởng lúc đó nếu hắn còn nhào lại, tôi dám đâm hắn chết lắm và tôi sẽ trở thành sát nhân. Nhưng không, hắn đứng co người, nhìn tôi giây lát rồi lủi thủi bỏ đi. Trên mặt hắn, vết móng tay tôi còn hằn rõ rớm máu. Chắc lúc đó tôi hung dữ và xấu xí lắm.
Hắn đi rồi mà con dao vẫn còn dính chặt vào tay tôi và mắt tôi vẫn còn không chớp lại được. Mãi một lát sau, khi nghe tiếng xe vespa của hắn vù ra khỏi ngõ, tôi mới tỉnh lại thêm một lần nữa, ném dao, rồi vật xuống nằm khóc một mình quên cả gài cửa. Da thịt tôi còn tê rần sợ hãi…
Tôi ngượng, không dám kể lại chuyện đáng tiếc này với ai, nhưng cuối cùng câu chuyện cũng đến tai anh Thân. Thằng khốn nạn. Anh Thân kêu lên và lồng đi tìm Toản. Toản đã bị anh Thân cho một quả đấm trẹo quai hàm. Tôi lo lắng việc sẽ xẩy ra to, tai hại, nhưng rồi cũng êm ru, sự giao thiệp giữa Toản và anh chị tôi cắt đứt.
Anh Thân áy náy mãi về chuyện kể trên nhưng anh không dám tỏ ra cho tôi biết. Thật không ngờ, anh thấy Toản là đứa con có hiếu. Hắn chỉ có hai mẹ con. Vậy mà ai dè… Anh Thân bảo chị Hiền vậy và từ đó anh có vẻ dè dặt hơn trước.
Cũng vì chuyện Toản làm ẩu với tôi mà chị Hiền chú ý đến tôi hơn và bấy giờ mới coi tôi là lớn. Chị bắt đầu may cho tôi loạt áo dài mới. Lần này, chính chị dẫn tôi tới tiệm may, bắt thợ đo cho tôi cái eo sát hơn, vạt áo dài hơn. Chị cũng mua cho tôi những tấm áo lót giống như thứ của chị và thay những đôi guốc gỗ, những đôi dép nhật cho tôi bằng những đôi giầy kiểu mới. Tôi cám ơn chị hết sức, nhưng tôi không thể nói ra điều đó với chị. Tôi tự hứa, nếu có dịp tôi sẽ làm chị vui lòng hơn.
2
TÔI bắt đầu vẽ một bức tranh mới. Đề tài của tôi là khung cảnh từ nơi chiếc cửa sổ trên căn gác nhìn xuống. Ở đó là một khu xóm nhỏ. Những mái nhà sát nhau, những tấm áo phơi để cả đêm lẫn ngày, một vài ngôi nhà có lầu nhô lên cao. Trong số đó tôi chú ý tới một căn gác gỗ có bao lơn quay về phía phòng tôi. Căn gác này thường được che kín bằng một chiếc màn xanh. Thỉnh thoảng, ở đó, tôi trông thấy một người nữ vừa có vẻ đàn bà vừa có vẻ con gái. Tôi thường tò mò muốn biết nàng sống với ai, làm gì, nhưng tôi chỉ thấy được cánh tay trắng nuột, hay buông tấm màn xuống bưng bít.
Tôi định vẽ khung cảnh khu xóm này từ lâu nhưng thường gặp khó khăn vì tôi lấy croquis chưa được chính xác. Trong những bữa ăn, anh Thân thường nhắc đến việc học hành của tôi. Anh bảo nếu tôi thích âm nhạc, hội họa hay bất cứ một ngành nào khác, anh sẽ cố lo cho tôi học tới nơi tới chốn. Tôi muốn có cơ hội vào học trường Cao đẳng Mỹ thuật để trau dồi thêm về hội họa nhưng tôi không dám nói ra. Thật là bậy, có gì mà không dám. Tôi buồn cười thế đó. Chị Hiền thường bảo : « Nó thích cái gì thì chỉ có trời biết ». Anh Thân thì nhận xét lệch hơn. Thấy tôi tính tình lặng lẽ, anh liền đoán chắc rằng tôi thích làm cô giáo. Ừ thì cô giáo, cứ học lên đại học cái đã rồi đi dạy.
Có lần nhắc tới bức tranh trên phòng tôi, anh Thân nói rằng tôi thật bí mật, nhất định không nói cho anh biết cô bạn tác giả bức tranh là ai để anh giới thiệu cho Bằng : « cho nó đỡ cô độc ». Lại Bằng. Mỗi lần anh Thân nhắc đến Bằng là tôi khó chịu. Khó chịu rồi hồi hộp. Tôi muốn biết Bằng như thế nào, tâm hồn một họa sĩ thế nào, ngón tay một họa sĩ thế nào.
Cứ mỗi lần lấy croquis gặp nét khó, hoặc pha bột mầu gặp một màu lạc, tôi lại càng tha thiết muốn biết Bằng hơn. Nhưng cứ nghĩ đến lời nói của anh Thân tôi lại đỏ mặt. Tại sao anh ấy lại nói thế. Mà tôi cũng lẩm cẩm, anh ấy có biết tôi là tác giả bức tranh ấy đâu.
Tôi vẫn đi học đều đặn. Ở trường, tôi cũng có một số bạn gái nhưng tôi không thích ai. Tôi cũng không muốn mình khó khăn lập dị, nhưng thật tình tôi càng cố gắng hòa hợp với các bạn cùng lớp bao nhiêu, càng thấy xa cách họ thêm bấy nhiêu. Trong lớp, tôi cũng có một cô bạn có vẻ ham hội họa, tôi muốn lân la để tìm hiểu thêm nhưng rồi tôi cũng không hé răng hỏi cô ta về hội họa bao giờ. Cuối cùng, trong lớp, tôi chỉ có được mỗi cô bạn là Phương, ngồi cùng bàn. Phương có vẻ là con nhà giầu, nhưng tôi chưa từng ghé nhà Phương bao giờ. Phương đẹp, chăm học, hiền lành, có nhiều tính tốt, nhưng tôi cũng không lấy gì làm thân lắm.
Cũng vì tính tình rụt rè nên việc vẽ của tôi gặp nhiều trở ngại, phải tự mình mò mẫm lấy từng bước nhỏ một.
Bước đầu, tôi dùng những tập dessins vẽ làm mẫu. Dần dần tôi dùng chì than để lấy croquis các vật nhìn thấy, rồi dùng pastel để vẽ những khuôn mặt. Tiến hơn một nước nữa, tôi đã dùng bột mầu để thực hiện những bức tranh có bố cục hẳn hoi. Bức bột mầu tôi để trên gác mà anh Thân trông thấy là « tác phẩm » thứ ba của tôi. Đó là một tĩnh vật, một bình hoa với ba cái hoa bất tử. Có một cánh gẫy gập xuống miệng bình, trơ trụi, tất cả nổi trên một nền vàng ủ dột.
Chính vẻ ủ dột của mầu vàng này đã làm tôi yêu thích, nhưng tôi biết tôi không chỉ thích vẽ có thế. Tôi còn nhiều điều muốn vẽ, muốn biết và tôi sẽ thực hiện chúng bằng được.
Vẽ bột mầu được một thời gian thì tôi bắt đầu chán. Tôi phân vân nửa muốn đi vào vẻ dịu dàng mềm mại của lụa, nửa muốn có cái dữ dội mạnh mẽ của sơn dầu. Cuối cùng, tôi quyết định ngả về cái mạnh mẽ. Những vệt sơn dữ như những vết chém của Buffet, Matisse, Van Gogh… đã quyến rũ tôi. Tuy nhiên quyết định của tôi cũng chỉ được thực hiện một cách chậm chạp vì tôi vẫn tiếp tục giấu giếm anh chị Thân. Vả lại, sống với anh chị không lẽ tôi lại riêng tư quá.
Cuộc sống của chúng tôi được sắp đặt thật êm đềm đều đặn. Tuy phải dạy hơi nhiều giờ nhưng mỗi tuần anh Thân vẫn dành riêng trọn cả tối thứ bẩy cho gia đình. Mỗi thứ bẩy, thường thường cả nhà đi ăn quán một lần rồi đi xi-nê. Mỗi cuối tháng, bao giờ anh Thân và chị Hiền cũng dành cho tôi một món quà nhỏ và một ít tiền đủ tiêu vặt. Chị Hiền sớm chịu cảnh mồ côi nên hiểu sự thiệt thòi của em, chị đã hết sức săn sóc tôi như để thay thế cho bà mẹ mà chúng tôi không có. Thật tôi không thể nào than phiền nổi chị Hiền một câu nào hết. Cũng vì thế, tuy từ khi bắt đầu vẽ sơn dầu tôi trở thành quá túng quẫn – có một món tiền nhỏ thì đã phải dành để mua sơn mua cọ mất hơn hai phần ba – nhưng tôi vẫn không dám hé răng hỏi xin thêm tiền của chị.
Bụng chị Hiền càng lớn, đã sắp đến kỳ sinh, tôi phải thay thế chị, coi sóc những việc nhỏ trong gia đình. Trong thời gian chị Hiền mang thai, ở nhà ăn rất nhiều trái cây, nhất là mãng cầu và măng cụt. Anh Thân thường nói đùa là nếu đứa nhỏ sắp sinh là con gái, anh chị sẽ đặt tên nó là Mãng Cầu và nếu là con trai, sẽ đặt tên nó là Măng Cụt. Cả nhà đều nôn nao chờ đứa nhỏ ra đời. Riêng tôi, tuy không nói ra, nhưng tôi thường mong chị Hiền sinh con trai để được đặt tên là Măng Cụt. Tôi vốn thích sự hòa hợp giữa hai mầu đỏ gụ và trắng nõn của trái măng. Thằng Măng Cụt. Có một đứa cháu kháu khỉnh để kêu nó như thế thật dễ thương hết sức.
3
HÔM chị Hiền sinh thật là rùng rợn. Tôi chưa bao giờ dám tưởng tượng một cảnh tượng ghê rợn đến thế.
Lúc đó là khoảng tám giờ tối, anh Thân còn bận dạy lớp tối ở một trường mãi tận Phú thọ. Chị Hiền đang ngồi may nốt một cái áo mát cho đứa bé thì chị kêu lên. Tôi tưởng kim đâm vào tay chị.
Lúc đó đang ngồi ngoài phòng khách nghe đĩa alse No 15 của Brahms, tôi vội vàng tắt máy chạy lại :
- có chẩy máu không chị ? Kim đâm buốt phải biết.
Nhưng chị Hiền không trả lời tôi. Mặt chị nhăn lại và người chị gập xuống. Cái áo rơi trên đùi chị rồi rớt xuống đất. Và tôi bỗng hoảng hốt :
- Chị sao thế, chị. Cái gì vậy.
Chị Hiền đứng lên, gắng gượng vịn tay vào thành ghế. Chiếc ghế lảo đảo theo sức nặng hoảng hốt của chị. Tôi vội vàng đỡ lấy chị, tôi nghe chị nói, giọng sợ hãi :
- Chắc chị sắp sanh đây, Hạnh đưa chị đi đi.
Tuy đồ đạc đã sắp sẵn vào sắc, nhà hộ sinh đã lo đặt trước từ mấy hôm và anh Thân cũng đã trù việc tôi có thể sẽ phải thay anh để đưa chị Hiền đi, nhưng tôi vẫn cuống lên. Chị Hai ở với chúng tôi là người đã có con, kinh nghiệm hơn tôi nhiều.
Chị vừa giúp tôi đỡ chị Hiền, vừa cười :
- Chưa đâu, mới chuyển bụng, còn nhiều thì giờ mà. Ô, bà mới đau vậy mà can gì. Lát nữa đau đớn gấp trăm ngàn lần lận.
Tôi không hiểu chị Hiền có nghe thấy những lời chị Hai nói không nhưng tôi thấy rõ là chị đang cắn răng, tuy sợ hãi nhưng vẫn ráng sức, như sửa soạn để đi trên một con đường dài lắm. Làm thế nào để gọi anh Thân về đây. Điện thoại, ừ, điện thoại. Phải rồi. Đưa chị Hiền vào nhà hộ sinh xong, tôi gọi ngay điện thoại đến trường anh Thân dạy. Anh quýnh lên, nói không ra tiếng, chỉ bảo là anh sẽ về ngay rồi vội vã cúp máy.
Gọi điện thoại cho anh Thân xong, tôi trở vào phòng sinh. Chị Hiền đang đứng dựa người vào bức tường đá trắng, mặt chị xanh mét, đanh lại, những đường nhăn cuồn cuộn kéo tới. Chúng còn kéo tới nữa, hình như đây cũng vẫn chỉ mới là giai đoạn đầu. Tôi nhìn sững chị Hiền. Thì ra người đàn bà khi sinh phải xấu xí, khốn khổ đến mức kia hay sao.
Bà mụ đỡ cho chị Hiền sinh là một người đàn bà miền Nam, đứng tuổi, béo phệ và có vẻ hiền hậu vui tính. Bà ta đỡ chị Hiền lên bàn đẻ thăm thai. Một lát bà nói :
- Còn lâu. Ít nhất cũng phải hai ba tiếng đồng hồ nữa.
Bà quay sang tôi :
- Bây giờ để đỡ bà về phòng nằm nghỉ một lát lấy sức đã.
Bà gọi cô y tá bảo chích cho chị Hiền một mũi thuốc. Chích thuốc xong cô y tá phụ với tôi dìu chị Hiền về phòng. Đây là loại phòng hạng nhất, một tuần hai ngàn bẩy, anh Thân đã dành sẵn. Giường nệm, đi văng, nôi trẻ, bình hoa… Gian phòng có lẽ còn một vài thứ gì nữa đó nhưng tôi không nhìn hết.
Tuy bà mụ nói là « để bà nghỉ lấy sức » nhưng từ lúc về phòng, chị Hiền cũng như tôi không có lấy một phút để nghỉ ngơi. Căn phòng chỉ còn hai chị em. Tôi đứng dựa vào mạn giường nhìn chị Hiền lăn lộn. Hai tay chị bấu sâu xuống mặt nệm, cả người chị oằn oại rên xiết. Tôi cố níu chị xuống không cho chị vật vã nhưng sức tôi yếu hơn cơn đau của chị. Mồ hôi chị vã ra ướt hết cả trán. Lát lát cô y tá dòm vào phòng rồi lại bỏ đi. Chắc vẫn chưa tới lúc sinh, nhưng hoảng quá, tôi lại phải chạy ra gọi cô y tá.
Cô ta tới, xem xét qua chị Hiền rồi nói :
- Chưa đâu mà, tử cung mở mới có bằng đồng tiền.
Tôi không hiểu gì về lời cô y tá nhưng tiếng rên xiết của chị Hiền làm tôi không cầm lòng đậu.
- Mẹ ơi. Mẹ. Mẹ ơi.
Chị Hiền vẫn tiếp tục kêu rên, to rồi nhỏ, rồi nghẹn ngào, thất thanh. Nước mắt chị ràn rụa và khuôn mặt chị như méo hẳn đi. Mẹ ơi. Khuôn mặt cũng như tiếng kêu rên của chị Hiền như xô tôi vào một cơn sốt nhỏ. Tôi chưa từng nghe thấy một tiếng gọi nào thảm thiết đến thế. Chắc cả khi mẹ tôi mất, tiếng kêu của chị Hiền cũng chỉ thảm thiết đến thế là cùng.
Khuôn mặt đau đớn của chị Hiền lúc này làm tôi bỗng nhớ tới thầy tôi. Tôi chưa từng được trông thấy thầy tôi lần nào, nhưng qua lời kể lại của chị Hiền thì thầy tôi là một người tàn nhẫn, ích kỷ, mê đắm và hay nổi điên. Cơn điên ấy đã lây sang mẹ tôi và xô gia đình chúng tôi vào thảm cảnh.
Mẹ tôi là một người đàn bà Bắc kiểu mẫu. Nghĩa là cổ hủ và thâm trầm. Thâm trầm có phải là tính của tôi bây giờ không. Tôi giống mẹ tôi, chắc là vậy. Tôi vẫn theo dõi săn sóc cơn vật vã đau đớn của chị Hiền nhưng đồng thời vẫn không rời được những mảnh vụn chắp nối về cha mẹ tôi. Đó, khuôn mặt của chị Hiền lúc này đúng là khuôn mặt của thảm cảnh. Thầy tôi với những cơn điên của ông, chắc là cũng có khuôn mặt thế đó. Năm ba mươi bốn tuổi, thầy tôi mê một cô đào hát và tiêu hết cả gia tài đồ sộ của ông bà nội tôi vào mồm mép người đàn bà kia. Mẹ tôi thất vọng lắm, và tôi, chính tôi đã được sinh ra trong những cơn thất vọng ghê gớm ấy. Có lẽ vì thế mà sau này khi lớn lên tôi đâm ra thù ghét hạng đàn bà ca kỹ. Cha mẹ tôi, gia đình tôi, chị em tôi đã chẳng phải tan nát đày đọa vì họ là gì.
Tôi không biết rõ nổi tâm tính thầy tôi dữ dội đến mức nào. Còn chị Hiền, chị giống thầy tôi như tạc, nhưng sao tôi thấy lương tâm chị trong sáng quá. Thảng hoặc, chị có hơi thoáng đôi chút lạnh nhạt. Lạnh nhạt thôi, chớ đâu phải tàn nhẫn như thầy tôi.
Vậy thì khuôn mặt kia, khuôn mặt đang co rúm đau đớn kia giống thầy tôi trong trường hợp nào. Tôi nghe trong đầu tôi lập đi lập lại tiếng rên la của chị Hiền. Rồi tiếng rên la ấy nhỏ đi, biến thành tiếng huyên náo của một đám đông vô hình, rồi thi có tiếng xình xịch của một chuyến xe lửa chạy tới.
Từ trên chuyến xe lửa của dĩ vãng đang chạy trong đầu tôi, thầy mẹ tôi cùng ngồi trong một toa tầu. Một cuộc cãi vã nhỏ xẩy ra và chắc mẹ tôi đã nói một câu nào đó. Đây là lúc thầy mẹ tôi gặp lại nhau sau khi thầy tôi đã bị cô đào hát của ông ruồng bỏ. Tôi đoán là câu nói của mẹ tôi lúc này với ông ngắn thôi, thật ngắn nhưng kịch độc, đến nỗi vì câu nói ngắn đó, mà thầy tôi đã lao đầu ra khỏi toa xe, trong lúc xe lửa đang chạy.
Một tiếng rú thê thảm bỗng vang lên ngay bên cạnh tôi. Tiếng rú của thầy tôi khi lọt vào đường sắt ? Không. Chị Hiền. Chính là tiếng rú thảm thiết của chị Hiền. Chị vừa trườn người lên, vuột khỏi tay tôi, rơi xuống nền đá hoa và đang bò lăn bò lộn dưới đó như một con vật. Chuyến xe lửa thảm khốc đã đi qua hẳn trong đầu tôi. Chị Hiền đang run rẩy, nghiến răng, chau mày. Tôi cố gắng lắm mới vực được chị Hiền lên, để chị ngồi dựa lưng vào tường rồi đứng dậy bấm chuông gọi liên hồi. Cô y tá cùng bà mụ chạy vào vực chị Hiền sang phòng sinh…
Chị Hiền bây giờ như người đã chết rồi. Khi đưa được sang phòng sinh thì chị đã ngất đi, mắt nhắm kín, môi xám ngoét. Tôi bật khóc nức nở. Có lẽ chị Hiền khó qua khỏi, tay chân chị lạnh đần…
Bà mụ xúm lại thoa bóp và giật tóc mai, cô y tá vội vàng chích thuốc khỏe, tôi vừa khóc vừa lay gọi chị. Khoảng mười lăm phút sau thì cánh cửa phòng vụt mở, anh Thân nhoài người vào. Tôi kêu lên : « Anh Thân ». Anh Thân đã chạy tới đỡ ngay chị Hiền.
Lúc đó tôi bỗng thấy máu đỏ chảy ròng ròng xuống hai bàn chân tái xanh của chị. Một vệt máu bám ngay trên ống quần màu xám nhạt của anh Thân. Tôi bịt mắt, choáng váng. Máu, máu kìa. Cô y tá vực chị Hiền lên chiếc giường sắt… Hiền… Hiền, có anh đây. Anh Thân rối rít cầm tay chị Hiền lắc lắc… Khuôn mặt bà mụ cũng thấm mồ hôi, chiếc quần của chị Hiền được tháo bỏ. Máu chảy ròng suốt hai ống chân chị.
Cô y tá soạn những dụng cụ để sẵn trên một chiếc giá cạnh bà mụ… Chiếc bụng của chị Hiền bỗng cao gù, oằn oại… :
- Ráng lên em. Hiền.
Chị Hiền mở mắt nhìn anh Thân rồi bậm môi cố ráng hết sức để ẹ lên một tiếng lớn :
- Sắp được rồi, rán tí nữa…
Anh Thân cúi xuống người chị. Một tiếng rú thảm thiết vang lên. Không phải tiếng rú mà là tiếng thét của một người rẫy chết, tiếng thét xé ruột gan tôi, tiếng thét đau đớn và kinh hãi tột độ, như ráng hét lên để nhớ sự sống một lần trước khi chết.
Nhưng ngay sau tiếng thét chết chóc ấy, tiếng bà mụ rên lên : A, được rồi,con trai… Tôi bỗng bật khóc nức nở. Tôi không biết tôi khóc cho chị Hiền, cho tôi, hay cho ai. Nhưng lòng tôi lúc đó cả một biển xáo động, tôi vừa thù ghét, vừa xót xa, vừa kinh tởm cho cái số phận của đàn bà, của chị Hiền và của cả tôi nữa… Chiếc bụng của chị Hiền bây giờ như một quả bóng đã xì hết hơi, dăn dúm… Người ta không làm gì cho chị hết sao. Hay chị đã chết rồi, không thể như thế, máu của chị vẫn còn chảy kia mà, bàn tay của bà mụ đang đập đập trên chiếc bụng xì hết hơi của chị rồi một tiếng nấc, một tiếng kêu nữa, tuy yếu ớt, nhưng cũng không kém đau đớn, một đống bầy nhầy chảy xuống chiếc chậu sứ đặt sẵn phía lõm giường cuối lưng chị… Cái nhau lớn quá, thảo nào bà đau đớn…
Tôi nghe thấy tiếng rên rỉ nhỏ của chị Hiền, lúc đó tôi mới hoàn hồn, chị không chết… Cùng lúc đó tiếng khóc oe oe của đứa bé nổi lên, tiếng khóc dòn dã, mạnh dạn làm tôi giật mình, cả tôi lẫn anh Thân đều xô lại phía cô y tá, cô ta vừa lấy tay đập đôm đốp vào đít đứa bé, cho thằng bé khóc to hơn, vừa cười :
- Nó bị ngạt mấy giây, chú bé này thích được ăn đòn.
Tôi muốn đưa tay nựng đứa bé, nhưng nhìn đống thịt đỏ hỏn tôi thấy ghê cả người. Con người sinh ra bắt đầu như vậy ư ? Cả đống thịt còn bê bết máu và màng mỏng, nó đang bắt đầu biết sống đó, nó khóc… Tôi đưa tay ra rồi rụt về, cô y tá mỉm cười bảo bế nó sang phòng bên để tắm rửa. Anh Thân hết chạy sang xem con lại chạy về với vợ… Chị Hiền được băng bó, vận lại quần áo, chị mệt lả, nằm bệt xuống chiếc giường có chân đẩy về phòng, tôi và anh Thân đi theo, anh Thân bế chị đặt trên giường rồi lặng lẽ ngồi xuống bên chị, cầm bàn tay chị vuốt ve, nửa sung sướng, nửa thương xót… Cơn vật lộn với tử thần qua rồi, chị Hiền đang mệt lả và phục hồi dần sự sống. Tôi không hiểu lúc đó tôi đã nghĩ gì về cơn đau của chị Hiền, nhưng tôi thương xót chị hết sức… Tôi cũng là đàn bà, chao ơi, tôi rồi cũng sẽ như thế, nằm trần truồng rên la bò lết như con vật? Không, phải phục sự chịu đựng của chị Hiền, phải phục lòng hy sinh, can đảm của tất cả các bà mẹ. Các bà mẹ, cả mẹ nữa, mẹ cũng đã chịu đau đớn như thế để sinh ra con…
Mười lăm phút sau, cô y tá bế đứa nhỏ vào đặt trong chiếc nôi kê ở góc phòng. Thằng nhỏ được những ba ký rưỡi. Anh Thân vén màn nhìn mặt con, rồi quay sang phía vợ, anh gọi: «Hiền». Chị Hiền mở mắt, đôi mắt đã lạc hết tinh thần, nhưng đôi môi tái bầm vẫn cố gượng một nụ cười, nửa trút bỏ, nửa sung sướng. Tôi bỗng muốn khóc quá. Đó là hạnh phúc ư? Hạnh phúc? Còn tôi, hạnh phúc của tôi là gì?… Cơn bàng hoàng vẫn dày đặc trong tôi, anh Thân cúi xuống hôn lên trán chị Hiền, tôi quay người nhìn vào khoảng tường trắng, không có gì hết, trong một đêm thôi bao nhiêu sự thay đổi, lúc này tôi mới biết trời đang đêm và ngọn đèn néon bật sáng giữa căn phòng bỗng ấm cúng lạ thường… Không, tôi cần phải hòa hợp, gia đình anh Thân đây, hạnh phúc của chị Hiền không phải là hạnh phúc của tôi sao ?
- Con giống em không hở anh?
Chị Hiền hỏi thật nhỏ:
- Cho em nhìn con chút.
- Không, em còn mệt, lát nữa anh bế con sang cho. Con nó giống anh như đúc. Dĩ nhiên là giống anh như đúc rồi.
Tôi như bị ai bóp mạnh vào tim. Dĩ nhiên nó giống anh như đúc, như tôi giống mẹ tôi, như chị Hiền giống thầy tôi vậy… Thằng bé đang ngủ giấc đầu tiên vào đời thật tuyệt diệu, mắt nó nhắm kín, đôi môi hồng non, bây giờ với lúc mới sinh, trông nó khác xa quá.
4
TÔI đã kể về sự sinh đẻ của chị Hiền quá nhiều, nhưng chính trường hợp sinh đẻ của chị đã quyết định một phần đời sống tôi sau này.
Chị Hiền nằm ở nhà thương hơn một tuần lễ, những ngày đó tôi và anh Thân ít khi có mặt ở nhà, anh Thân ngoài giờ đi dạy thì vào luôn nhà hộ sinh quấn quít với vợ con, nhưng buổi tối anh lại về nhà ngủ. Phòng chỉ có cái đi văng nhỏ dành cho thân nhân sản phụ thì tôi đã ngủ ở đó. Trong thời gian thường trực ở lại với chị, tôi chứng kiến không biết bao nhiêu những trường hợp đau đẻ khác. Tôi nghe những tiếng la khóc vang từ phòng sinh lại, và mỗi lần như thế, tôi thường tưởng tượng rồi kinh hoàng nhắm chặt mắt lại, tôi không chịu đựng nổi, tôi nghĩ rằng có thể tôi cũng không chịu được tôi nếu tôi bị hoàn cảnh như thế…
Qua ngày thứ năm thì anh Thân đổi tôi về nhà ngủ còn anh thì ngủ lại với vợ con, dành chiếc đi văng. Tôi cũng đã sợ cái không khí ở đây lắm rồi nên bằng lòng, mỗi ngày tôi chỉ tới thăm chị Hiền vào lúc ban trưa. Buổi tối anh Thân cũng tạt về nhà một tí, nói chuyện với tôi dăm ba câu rồi đem những đồ cần thiết của chị vào nhà hộ sinh…
Tôi thật sung sướng khi được ngủ trên căn gác cũ, mấy ngày ở nhà hộ sinh tôi như bị nhốt trong một sự u ám đến nghẹn thở. Lúc này tôi thường mở rộng cánh cửa sổ trên căn gác, nhìn xuống khu hẻm dày đặc nhà với những khoảng sân phơi quần áo. Tôi bắt đầu nghĩ đến việc tiếp tục vẽ… Nhà vắng thật thích, tôi muốn suy nghĩ, muốn cô đơn, muốn làm gì tùy ý. Nhưng chính sự rỗi rãi này đã làm tôi thêm bận tâm với những chuyện mà bình thường tôi không dám nghĩ tới. Sơn đã cạn và tôi chưa có thể đi mua được. Nằm ở nhà chán quá, tôi mò tiểu thuyết ra đọc, nhà lại rất ít sách. Tôi xuống tủ sách anh Thân, lấy đại mấy cuốn, khi lên tới căn gác thì tôi mới giật mình : Đó là những cuốn nói về tình dục của tuổi dậy thì, với hai cuốn tiểu thuyết có nhan đề mà tôi mới đọc qua đã đỏ mặt. Nhưng rồi sự tò mò đã làm tôi đọc ngấu nghiến hết, và những điều đọc thấy đã làm tôi suy nghĩ vẩn vơ. Tôi hối hận và thầm trách tại sao lại không dưng đọc những điều nhảm nhí ấy… Nhưng càng cố quên chừng nào tôi lại càng nhớ tới nó chừng đó, và tâm hồn tôi bắt đầu có những ý tưởng kỳ lạ. Những đêm tối, tôi hay tưởng tượng và thấy bâng khuâng, thấy buồn buồn. Hình như tôi đang thiếu một cái gì, thật mơ hồ, nếu mạnh dạn tôi có thể nghĩ tới, nhưng tôi không dám nghĩ và nhất quyết lòng tôi không thế. Tôi đi tới một vài cô bạn chơi chỉ thấy chán thêm, cuối cùng tôi lại bó mình trên căn gác, tìm giấy vẽ những dessins bằng chì, bằng than nhì nhằng, chì và than tôi nhặt được của anh Thân trong một ngăn kéo cũ kỹ. Một lần khác, khi đi thăm chị Hiền về tôi đọc được một mảnh giấy của anh Bằng gửi cho anh Thân, nói tới chơi mà không gặp, trong mảnh giấy đó có nhắc tới cô bạn nhỏ họa sĩ mà anh Thân đã có lần kể chuyện với Bằng. Tôi bỗng nhiên hồi hộp lạ lùng. Bằng, cái tên đó có gì khiến tôi phải chú ý đến nó, tôi đã trông thấy Bằng bao giờ đâu ? Nhưng mặc dầu có bao nhiêu lý lẽ để bào chữa, tôi vẫn cứ bị ám ảnh bởi cái tên Bằng… Tôi đã thay đổi rồi chăng ? Chính phải, tôi đã thay đổi, kỳ trước mỗi khi nói chuyện với anh Thân tôi rất tự nhiên, dạo này tôi mất tự nhiên. Có một vài lần anh Thân lên căn gác của tôi nói chuyện, anh hỏi về chuyện học, về sở thích, và có lần anh còn đùa : « Anh sắp mất Hạnh rồi đó, Hạnh yêu ai chưa ? »
Câu nói của anh Thân như một tiếng sét giáng vào đầu tôi… Cuốn tiểu thuyết, vâng, trong tiểu thuyết chẳng có cảnh anh rể yêu em vợ là gì, và ghê tởm hơn nữa là cô em vợ cũng sa ngã, rồi chính cô đã phản bội người chị hết lòng thương mến gây dựng cho cô. Tôi bỗng đâm ra sợ mỗi lần gặp Thân và để tâm dò xét. Có thể là Thân sẽ… không, đừng nghĩ, đừng nghĩ như thế. Nhưng anh sẽ mất Hạnh. Hạnh đã yêu ai chưa ? Đã yêu ai chưa ? Câu nói đó không là một câu tỏ tình, một câu dò ý là gì ? Đừng nghĩ nhảm, hãy quên ý tưởng bẩn thỉu đen tối ấy đi… Nhưng những lần sau anh Thân cố tình ở lại với tôi lâu hơn, anh tỏ săn sóc tôi hơn, tôi càng hoảng hốt, và đời sống của tôi mất gần hết sự bình thường, gần anh Thân tôi không bình tĩnh nổi. Tôi cầu mong cho chị Hiền chóng trở về…
5
BÂY giờ căn nhà nhỏ của chúng tôi bận rộn và vui vẻ hơn bởi tiếng khóc oe oe suốt ngày của thằng Măng Cụt. Thoạt tiên, tôi tưởng tôi sẽ khó chịu vì cuộc sống bị chen kẽ, chia phối bởi đứa bé, nhưng thằng Măng Cụt thật kháu khỉnh dễ thương, tôi lại yêu nó quá thể. Tôi thường bế nó lên căn gác của tôi, đi đi lại lại rồi dỗ nó ngủ, thằng bé khi ngoan thì thật ngoan, khi quấy thì không ai chịu nổi, tôi thường tức cười khi nó đái, con trai hay đái vung, có lần đang bế nó, nó đái vung ướt cả mặt làm tôi quýnh hết sức. Có đứa nhỏ trong nhà, gia đình càng đầm ấm hạnh phúc hơn. Anh Thân vẫn chiều vợ cưng con, nhưng anh vắng nhà càng nhiều. Có một đứa con, nhu cầu vật chất càng tăng vọt, và anh phải cố gắng kiếm tiền hơn. Nhiều đêm thấy anh về vẻ mệt nhọc bơ phờ khuôn mặt, tôi thương anh hết sức, nhưng tôi vẫn không khỏi thắc mắc vì câu hỏi dạo nào của anh, có thể anh ấy kín đáo, ngấm ngầm. Tôi bắt đầu đề phòng.
Ngày một buổi, tôi vẫn đến lớp học đều đặn. Nhưng đầu óc tôi bị phân tán nhiều quá. Điều mà tôi băn khoăn, bứt rứt không yên là lo lắng không đủ điều kiện để vẽ. Mà tôi không thể nào xoay xở được thật. Số tiền mỗi tháng chị Hiền dành cho thì dùng hết vào việc sách vở xe cộ. Có bớt chút đỉnh để mua thì cũng không được bao nhiêu. Lâu không còn sơn để vẽ, tôi nhớ một cách lạ lùng.
Tôi ao ước có đủ sơn để vẽ lại khuôn mặt đau đẻ của chị Hiền vì khuôn mặt đó là thảm cảnh, khuôn mặt thực của đàn bà, khuôn mặt thực của người mẹ và cũng là khuôn mặt của thầy tôi trong trí óc tôi. Nhưng trái ngược hẳn với bản tính, tôi lại vẫn vẽ những cái quá hiền lành, trong lúc những sôi động trong tôi thì chỉ chực bùng ra, chực lồng lộn theo sơn cọ. Nhưng tôi phải kiếm ra tiền, tôi phải vẽ. Nhiều lúc ý định xin tiền chị Hiền làm tôi xấu hổ. Nhìn khuôn mặt chị mỗi ngày một già đi, mỗi nặng thêm nét lo âu tôi không đành tâm… Cuối cùng cái tên Bằng lại hiện ra, tôi cũng có ý muốn nhờ Bằng giúp đỡ, nhưng tôi cho đó là điên rồi… tôi khổ sở không ít… Bằng, không, tôi không nên nghĩ gì tới hết… Vậy mà tôi vẫn hay tưởng tượng về Bằng. Bằng như thế nào, cao hay gầy. Bằng, đối với tôi, là một người hết sức bí mật, tôi khó hình dung nổi.
Một lần tôi ngồi ở trên gác thì nghe tiếng anh Thân gọi Bằng. Hai người ngồi nói chuyện dưới căn gác của tôi. Tôi chỉ bước xuống vài bực thang, vờ soạn một cuốn sách hay thay tã cho bé Măng Cụt, tôi sẽ nhìn thấy Bằng. Nhưng cuối cùng tôi vẫn ngồi lỳ. Tôi nghe giọng Bằng hơi cao, có vẻ ngạo mạn, nhưng sau này tiếng nói của Bằng cũng bỏ quên trong tôi, tôi không nhớ ra được… Anh Thân nói nhiều về chuyện dạy học. Tôi nghĩ là Bằng đang ngồi nghe và đang cố giữ cái ngáp… Khi Bằng đi rồi, tôi mới tiếc và rủa mình kỳ cục một cách ngu xuẩn.
Một hôm, Phương, con bạn ngồi cạnh tôi hỏi :
- Hạnh ạ, mày có ưa làm cô giáo không ?
Tôi nói :
- Mày nói gì kỳ vậy, tao đang làm học trò mà.
Phương cười mũi :
- Ấy, tao hỏi mày có thích vừa làm học trò vừa làm cô giáo không ?
Tôi chỉ cho là Phương nói đùa :
- Mày có trò chơi gì lạ đó Phương ?
- Nói thật mà, tao đang tìm một cô giáo cho tụi nhỏ con ông chú tao.
Tôi bỗng hồi hộp, một thoáng vui mừng chợt sáng lên, tôi hỏi lại nó :
- Thật không ? Mà ông chú nào.
- Tao có đến bốn năm ông chú, cả chú thật và chú hờ. Nhưng ông chú mà tao định giới thiệu mày lại là chú thật của tao. Tao đã giới thiệu sơ sơ qua về mày. Đẹp này, con nhà lành này…
Tôi không lạ gì tính hay bông đùa của Phương, nó là một thứ đợt sống mới, rất ư là lãng mạn và dại dột. Thích gì thì làm hết mình, bất chấp hậu quả. Nó sinh trong một gia đình đông chị em, bố có vợ bé, tội nghiệp ; nó thiếu sự giáo dục. Bởi vậy tôi hay nghi ngờ về những lần nó khoe về liên hệ gia đình, về tình yêu. Nó yêu bất chấp, thích nhiều thư tình, nhiều kẻ tán. Tôi không ưa Phương, nhưng nó ngồi gần, về công việc học, chuyện trò, tôi vẫn bình thường giao thiệp.
Tôi cố cười để khỏi mất lòng nó, đáng lý như mọi lần, tôi cau mày và ngồi nhích ra, tôi ít thích sự biểu lộ quá trớn :
- Đừng đùa nữa Phương, tao tin mày nói thật, vậy mày kể qua sơ cho tao biết dạy như thế nào đi. Có mấy đứa nhỏ.
- Có hai đứa, tao cũng không nhớ tụi nó học lớp mấy nữa.
Tôi hỏi :
- Bao nhiêu ?
- Một ngàn rưởi, một tháng, nếu mày thì tao sẽ bảo ông trả thêm. Bởi vì mày đáng được chỉ ngồi không mà kiếm ra tiền.
Tôi không mích lòng vì câu nói của Phương, dù không thích. Tôi vẫn thường nhẫn nhịn như thế. Và tôi nhận lời. Phương cho biết là chỉ dạy buổi tối.
Tôi bắt đầu hy vọng vào công việc dạy tối. Mỗi tháng tôi có thêm ngàn rưởi, cộng với số tiền của anh chị Thân cho, tôi đủ sức mua sơn và cọ. Nhưng còn phải nói thế nào về việc đi dạy đêm với anh chị ? Tôi không muốn anh chị tôi biết là tôi đi dạy, có thể chị Hiền sẽ buồn lo cho tôi không đủ thì giờ học hành và phải tự kiếm tiền quá sớm. Với chị Hiền, bao giờ tôi cũng nhỏ. Cuối cùng tôi đành nói dối với chị Hiền là tôi phải đi học thêm Anh-văn vào buổi tối, chị Hiền rất vui vẻ bằng lòng. Tôi theo Phương, đi đến gặp ông chú của nó…
Nơi ông chú Phương ở làm tôi hơi chồn chân. Đó là một biệt thự đẹp ở đường Công-lý, có vườn rộng, vườn hoa, lối đi lát sỏi, lại có bảng coi chừng chó dữ. Tôi thường rất ghét cái bảng đề chó dữ đó. Chữ coi chừng chó dữ đối với những cô gái nghèo như tôi là một sự khinh rẻ. Nhưng rồi tôi cũng vào phòng khách để gặp ông chú của Phương. Tôi ngạc nhiên, trái với sự tưởng tượng của tôi, ông Hòa, chú của Phương chỉ khoảng trên ba mươi, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, Phương nói :
- Hôm nay cháu đem cô bạn tới giới thiệu với chú.
Tôi ngồi yên nghe hai chú cháu nói chuyện. Phương liến thoắng, còn ông Hòa thì thâm trầm. Tôi ngạc nhiên nhìn và thầm nhủ đó mà lại là hai chú cháu. Tôi chỉ trả lời khi ông Hòa hay Phương hỏi đến. Tôi được biết Hòa là một nhà thầu khoán rất tài tử, thích thì làm không thích thì thôi, bởi vì ông được thừa hưởng một gia tài quá lớn, hiện có rất nhiều cổ phần trong các công ty. Tôi lúng túng không biết xưng hô theo lối nào, Phương đã bảo cứ gọi bằng chú như nó, nhưng tôi gọi ông Hòa là ông, xưng tôi. Ông Hòa ở một mình trong chiếc vi-la rộng, một bà vú già, một chị ở lãng tai và một anh sốp phơ luôn luôn thắt cà-vạt. Phương khôi hài và giới thiệu rất kỹ về gã tài xế này, rồi nó cười ngất. Hai đứa trẻ mà tôi sẽ lãnh dạy đều là gái đứa lên mười con của một bà chị, đứa lên tám con của ông, tôi chỉ biết được thế, còn không hiểu ai là mẹ của đứa nhỏ.
Khi ở nhà ông Hòa ra về, tôi chia tay Phương. Phương hứa là sẽ không nói với một đứa bạn nào việc tôi đi dạy tư hết. Gần về tới nhà, tôi gặp Toản, chắc rất tình cờ hắn đi qua đường. Toản với tôi làm như không quen biết gì hết, hắn nhìn lôi lạnh tanh. Tôi rùng mình khi thấy hai bàn tay hắn bỏ trong túi quần. Hắn đã từng ôm tôi… Tôi đi qua khỏi hắn, tôi có cảm tưởng hắn sẽ quay nhìn tôi chầm chập và tôi ríu cả bước chân. Đêm đó tôi đã nói chuyện với chị Hiền hơi khuya. Chị Hiền mới sinh dậy, người có vẻ lẳng ra, trắng đẹp gái một con, tôi vẫn nghe nói thế. Tôi bất chợt để mắt khi nhìn thấy thân thể tôi cũng đang thời kỳ căng dần, dù tôi gầy cao, nhưng da thịt và cảm giác của tôi đang báo hiệu một sự thay đổi. Tôi buồn bực và hổ ngươi khi tự nhiên tôi hay nghĩ tới những chuyện âu yếm giữa anh Thân và chị Hiền.
Một đêm, nằm ngủ trên căn gác, tôi nghe thấy tiếng nói chuyện của anh chị tôi. Anh chị Thân bàn định về tương lai tôi.
Chị nói :
- Em phải gầy dựng cho nó, anh hiểu cho em, em chỉ có mình nó là thân thích.
Giọng anh Thân :
- Em không nói anh cũng hiểu, anh cũng quí mến Hạnh lắm, nhưng thế nào cũng có ngày mình mất Hạnh. Em thấy Hạnh lớn rồi đấy chứ.
Ngừng một lát anh tiếp :
- Có lần anh hỏi đùa Hạnh đã yêu ai chưa, con bé kỳ lắm, nó giận anh đến chết luôn, nhưng nó không nói. Hồi anh yêu em, em cũng mới mười bảy tuổi.
Tôi chợt hiểu câu nói của anh Thân, anh ít nói đùa, nên khi anh nói đùa tôi dễ hiểu lầm. Vậy mà từ trước đến nay tôi cứ thắc mắc hoài, thắc mắc và nghi ngờ anh Thân. Thật là bậy. Bây giờ tôi hiểu rồi, tôi hiểu lòng anh chị tôi và tôi sung sướng hết sức. Nhưng sau đó tiếng cười rúc rích của chị Hiền làm tôi rối loạn. Tôi cố kìm giữ hết sức, nhưng tôi không thể không nghe tiếng cười của anh chị tôi… và trong đêm tối, bàn tay của Toản đầy lông lá, hai bàn tay đã đặt lên ngực tôi bên ngoài làn vải mỏng. Tôi vừa kinh tởm vừa tê dại. Thế là nghĩa lý gì ? Tôi cắn mạnh môi, đập đầu vào gối… Tôi cố lái đầu óc tôi thoát những tưởng tượng thô bỉ. Tôi nghĩ đến những chương trình cho buổi học tối, nhưng tất cả đều mù quáng, mờ tịt trong tôi… Tôi ôm chặt chiếc gối dài, cố dìm cơn xao xuyến. Hình ảnh Bằng chợt thoáng nhanh trong tôi… Tôi không hình dung ra mặt mũi chàng được, nhưng tôi cố nhớ, nhớ rồi không để làm gì hết…
Cũng trên căn gác này, nhiều đêm tôi đã thức dậy để nghe tiếng rên khẽ của chị Hiền, tiếng vỗ về của anh Thân. Tôi trở dậy, lúc này là hai giờ khuya, đêm nay tôi muốn chìm trong vũng tối bên ngoài khung cửa sổ. Tôi vặn nhỏ ngọn đèn, tựa cửa sổ nhìn ra. Nhưng bên ngoài không tối như tôi tưởng. Căn gác của cô hàng xóm vẫn còn để đèn, ánh đèn màu tím buồn bã thơ mộng hắt ra tấm màn buông, chém những vệt dài trên vách ván, trên ban-công những nhà sát cạnh… Tôi bỗng thấy một người chạy ra hàng hiên, cô gái đó mặc chiếc áo ngủ mỏng tanh, cô giơ hai tay lên phía trước. Tôi giật mình, cô ta sẽ lao đầu xuống… Nhưng không, môt người đàn ông nữa từ bên trong chạy ra, giằng co và cười. Đoạn người đàn ông bế xốc người đàn bà vào cùng lăn xuống giường. Tấm màn kéo lại một nửa. Tôi ôm lấy mặt. Tôi chợt nhớ tới chị Hiền lúc nằm trần truồng trên bàn đẻ. Con người vậy đó, những sung sướng và đau khổ tiếp nối nhau. Tôi đóng cửa sổ, leo lên giường nằm, nhưng máu tôi như chạy dồn nhau, nóng hực. Tôi khó chịu hết sức, căn gác lúc này như thâu nhỏ và nhốt chặt tôi trong đó. Tôi cầu cứu tới khuôn mặt bé Măng Cụt, nụ cười của bé nở ra trong đêm tối cùng dòng lệ xót xa của tôi. Hai mắt của bé Măng Cụt đong đưa, tại sao bé lại giống anh Thân, như chị Hiền, sao lại giống thầy tôi. Nhưng tôi, tại sao chỉ giống mẹ tôi…
6
TÔI bắt đầu tới dạy cho hai đứa bé gái nơi ngôi biệt thự đường Công-lý. Đứa lớn tên là Chi, đứa nhỏ tên Tần. Hoài-Chi và Phương-Tần. Cả hai cô bé đều xinh. Bé Chi hơi quá quắt, trái lại bé Tần dịu dàng, trầm buồn, chắc bởi bé sớm mất bàn tay săn sóc của mẹ. Tôi chú ý bé Tần ngay từ buổi dạy đầu tiên. Tuy nhỏ hơn, nhưng, nó có vẻ thông minh và thẳng thắn hơn Chi, thân hình nó mảnh mai buồn thảm. Tôi nghĩ hồi nhỏ chắc tôi cũng gầy gò, tội nghiệp và cô đơn như bé Tần vậy. Có lẽ vì thế, tình cảm của tôi thiên về bé Tần hơn là Chi.
Dạy hai đứa trẻ cùng học một lớp thì cũng nhàn, nhưng tôi ít gặp ông Hào lắm. Hình như ông ta đi vắng suốt ngày đêm, công việc nhà giao hết cho một bà quản gia thân tín và ngưới tớ gái.
Lui tới dạy bé Tần và Chi được vài tuần thì tôi hiểu thêm một ít về đời sống ông Hào. Tần là đứa con gái duy nhất của ông, còn Chi chỉ là cháu, con của một bà chị gái gặp chuyện sóng gió sao đó nhờ ông nuôi giùm. Hèn gì hai đứa tính tình khác hẳn nhau.
Ông Hào hiện sống độc thân, nhưng lại có rất nhiều nhân tình. Đêm nào ít nhất cũng hai ba giờ sáng ông mới về đến nhà, và thỉnh thoảng vẫn đem theo những ả tình nhân về. Những điều trên tôi biết được là do sự bẻm mép của bé Chi, cộng thêm sự giải thích của Phương, con bạn đã giới thiệu tôi lại ông Hào. Bé Tần thì không bao giờ nói gì về cha nó, hình như nó còn không thích nhắc nhở tới là khác. Nhưng bé Chi thì ngược lại, tôi không muốn nghe nó cũng cứ nói, nó nói huyên thuyên, nhưng được cái chúng đều dễ dạy. Tôi quên chưa nói đến Phương cô bạn gái hiền lành. Trong lớp tôi có những hai Phương, và hai Phương này là mặt trời và mặt trăng đối chọi. Phương mà tôi giới thiệu đầu tiên là một nhân vật nổi, còn Phương chỉ cho tôi chỗ dạy ở nhà ông Hào là nhân vật chìm. Những lần tới đây dạy hai đứa nhỏ, thỉnh thoảng tôi vẫn gặp Phương, nhân vật chìm này, mà tôi tạm bắt chước bọn cùng lớp đặt thêm một chữ đàng trước cho dễ gọi : « Liz Đông-Phương ».
Nhà ông Hào rộng và có nhiều phòng lắm, tôi chỉ biết có một phòng khách vừa làm chỗ dạy học cho hai đứa nhỏ, nếu không do một sự tình cờ thì tôi không biết ngôi nhà bên trong như thế nào. Một buổi tối tới dạy và ra cho chúng mấy bài toán, Chi bảo nó quên cuốn tập trong phòng ba (nó bắt chước Tần gọi ông Hào bằng ba). Buổi chiều con bé lén vào phòng ông Hào nằm, mang theo cuốn tập. Nó thích được lăn tròn trên chiếc giường rộng, nệm êm để tưởng tượng nó đang đi trên tàu thủy hay ngồi trong máy bay vút lên trời cao vậy. Bất ngờ ông Hào về, nghe tiếng còi xe, nó hoảng sợ bỏ chạy ra và để quên cuốn vở lại. Tôi bảo nó vào tìm, Chi kêu sợ ma và nói ở trong đó tối lắm, ba treo những bức tranh hình các con ma. Tôi phì cười, dẫn cả bé Tần đi theo, bên trong có một hai phòng rộng, ngang qua phòng khách, phòng đọc sách rồi tới phòng ngủ. Tôi đứng với bé Tần ở cửa cho Chi vào lấy, Chi đẩy cánh cửa ra. Tách một tiếng. Tôi giật mình hoảng hốt. Chi vừa bật ngọn đèn xanh lớn trong phòng và cả gian phòng ngủ của ông Hào hiện ra đập vào mắt tôi. Dưới ánh sáng xanh dịu, căn phòng của ông Hào với giường nệm trắng toát, với hai chiếc gối đỏ chói đặt cạnh nhau. Và đặc biệt hơn với một bức họa khỏa thân hình như bức vẽ thiếu nữ tắm của Renoir trên tường, tạo cho căn phòng một vẻ quyến rũ dễ sợ, và làm chìm đi những bức họa sơn dầu theo lối lập thể rải rác ở cuối phòng.
Chính sự quyến rũ đó làm tôi hoảng sợ.
Tôi giục bé Chi ra mau, cuốn sách còn mở, nằm sát chân giường. Chi cúi xuống lượm lên rồi đi ra, tắt ngọn điện, tất cả chìm đi như một cảnh trên màn ảnh, nhưng nó đã ăn sâu vào đầu tôi, đến độ tôi hoảng hốt. Cả buôi tối hôm đó, tuy dạy cho bé Chi và Tần nhưng tâm hồn tôi để mãi tận đâu đâu. Gian phòng ngủ của ông Hào với không khí u uất của nó đã ám ảnh tôi, tôi có mặc cảm như vừa nhìn trộm một cảnh tội lỗi. Tôi tự hứa nhất định là sẽ không bao giờ còn trông thấy quang cảnh đó thêm một lần thứ hai nữa.
Có một hai lần tôi gặp ông Hào, nhưng ông rất nghiêm trang, vẻ nghiêm trang của ông ta đôi khi làm tôi chột dạ ; ông chào tôi với nét mặt nhìn thẳng, gọi tôi bằng cô giáo. Ông hỏi thăm về việc học hành của hai trẻ rồi thôi. Câu chuyện không ai đi tới đâu hết. Vẻ chững chạc của ông Hào đôi lúc làm tôi có mặc cảm hèn kém, nhưng cũng giúp tôi yên tâm. Cuối tháng tôi lãnh được một món tiền trong bao thư với một mảnh giấy mỏng viết lời cám ơn hết sức lịch sự. Món tiền không phải ngàn rưởi như tôi vẫn tưởng mà là hai ngàn đồng.
Cầm món tiền trong tay tôi có ý định mua cho bé Măng Cụt một món quà nhỏ, nhưng sợ anh chị Thân tôi nghi ngờ. Tôi mang hết món tiền kiếm được đi mua sơn cọ và ít vải bố. Tôi bắt đầu vẽ. Bước đầu hết sức khó khăn, pha sơn một cách vụng về và thường thường làm hỏng hết. Nhưng rồi tôi cũng pha được sơn, căng được bố lên khung thật thẳng. Tuy vậy, khi căng bố lên rồi và pha sẵn sơn, tôi lại không biết mình sẽ vẽ gì và bắt đầu như thế nào. Những thắc mắc đó làm tôi khổ sở. Tôi lại đi mua thêm sách, đi xem các phòng tranh. Và tôi đã hoàn thành được một bức sơn dầu đầu tiên tôi vẽ bé Măng Cụt. Bởi vẽ một khuôn mặt trẻ thơ, và vụng về khi pha sơn, tôi chỉ vẽ giống thằng bé chứ nhìn tổng quát bức tranh thì không ra gì hết. Bức thứ hai tôi cũng lại vẽ bé Măng Cụt nữa, nhưng lần này sự tưởng tượng về hài nhi khi còn ở nhà hộ sinh với Chị Hiền tôi đã hài lòng hơn. Bức tranh không còn là bé Măng Cụt nữa, mà là một cục thịt đỏ hỏn với nét mặt nhăn nhúm tội nghiệp của một sinh vật vào đời… Như vậy tôi không thể vẽ trái với những ý tưởng trong hồn tôi được, tôi phải thích, phải say mê mà phải thực hiện sự say mê đó. Nhưng lạ lùng khi tôi vẽ lên khung những nét thô bạo tôi lại xóa đi và lại thấy bàng hoàng như mình vừa làm một điều lầm lỗi. Tôi muốn được tự do vẽ, nhưng có ai cấm tôi vẽ đâu ? Tôi cần phải vẽ, phải phát lộ những nét hung bạo của đời sống mà tôi nhìn thấy, những dữ dội giấu trong một bản thể hiền lành… Tôi đâm ra khổ sở, nghi ngờ và giận cả tôi. Sự băn khoăn càng ngày càng đè nén, cứng đặc, không tôi phải thú thật với anh chị tôi để nhờ anh chị tôi giúp đỡ. Tại sao tôi có người thương yêu, tâm sự, tôi lại chối bỏ ?
Một lần nọ ngồi ăn cơm, tôi bỗng nhắc tới hội họa, nhưng tôi cũng không có can đảm nói cho tôi, mà nhắc nhở qua một cô bạn.
Anh Thân cười :
- Có phải cô bạn họa sĩ em đã nói không ? Cô giới thiệu với Bằng đi, thằng đó nhiều tài lắm.
Chị Hiền vội nguýt anh :
- Giới thiệu cho hắn bày người ta vẽ, hay rồi hắn vẽ…
- Em lại xuyên tạc rồi, tội lỗi…
Anh Thân nói rồi cười, chị Hiền cũng cười. Còn tôi thì ngơ ngác.
Anh Thân lại nói :
- Ngày trước anh cũng thích vẽ, nhưng thấy mình dở ẹt nên bỏ luôn.
Tôi chợt nhớ đến hộp chì và than đã nhặt được, thì ra anh Thân cũng đã qua một thời gian tập tành. Tôi hỏi :
- Chắc anh Bằng về đẹp lắm phải không anh ?
- Nó được huy chương vàng cách đây bốn năm. Tranh của nó anh thật tình không hiểu, thằng đó tâm trạng phức tạp lắm, nhưng nó pha màu thì anh chịu thật.
Chị Hiền chen vào :
- Bộ em định làm mai cho con bạn thật sao ?
Tôi mỉm cười cúi đầu không trả lời. Bữa cơm đó kéo dài đến gần một tiếng. Chị Hiền bỗng than vãn về vụ chị bị giựt hai ba cái hụi. Anh Thân lo lắng tài chính trong nhà sẽ thiếu hụt hơn. Còn tôi, tôi nói tôi sẽ rút bớt số tiền chi tiêu của anh chị cho hàng tháng, nhưng chị Hiền nói :
- Không được, với số tiền đó đã quá ít ỏi rồi. Không lo đủ cho em, chị khổ lắm.
Tôi nghĩ tới một bà cô giàu có ở ngay Sàigòn này, nhưng từ lâu chúng tôi không hề lui tới. Chị em tôi biết chắc sự lui tới của chúng tôi chỉ đem đến cho họ sự phiền lòng, bởi chúng tôi nghèo… và bà con xa gần đối với chị em tôi không còn liên hệ gì nữa hết… Tôi muốn giúp anh chị, muốn gánh một phần cực cho gia đình, đây không phải là một gia đình đẹp nhất hay sao ? Nhưng có nên nói ra hay không ? Nên hay không và cuối bữa ăn tôi vẫn không nói được. Rồi trong câu chuyện lan man sau đó, anh Thân bỗng nhắc tới Toản, tôi giật mình. Anh Thân hỏi lâu nay tôi có gặp Toản không. Tôi nói có trông thấy một lần nhưng hắn không dám nhìn.
Chị Hiền nói :
- Hạnh có tưởng ra được là Toản đã tìm anh Thân xin lỗi và đòi cưới em không ?
Thật ra câu nói của chị Hiền vui như một lời đùa, nhưng tôi hoang mang hết sức. Anh Thân nói tiếp :
- Hắn còn tới nhà, còn phá Hạnh, anh sẽ không để hắn yên.
Như vậy là phải. Tôi bỗng nhiên thấy lòng mình rộng rãi một cách vô cớ, tôi thoáng nghĩ tới khuôn mặt của Toản. Nhưng cũng lúc đó, tôi bỗng thấy mình bé bỏng và cần sự nương tựa. Tôi đã có chỗ để nương tựa rồi… Tôi nhìn anh chị tôi đầy vẻ biết ơn. Tôi bỗng lo sợ liền sau đó, còn bao nhiêu những cạm bẫy xung quanh tôi, liệu tôi có tránh nổi ?
Sau bữa ăn đó tôi bắt đầu viết nhật ký, tôi viết lan man, từ thầy tôi tới mẹ tôi, những người tôi chưa nhìn thấy mặt. Rồi chị Hiền, rồi anh Thân, còn chuyện tôi, tôi không thể nào viết nổi hết.
Dưới gậm giường của tôi càng ngày càng chồng cao những bức tranh đã vẽ rồi. Hình như có một vài vợ chồng chuột làm tổ ở trong đó, đêm đêm tôi nghe tiếng chúng kêu và tiếng lịch cà lịch kịch… Tiếng động đó ban đầu làm tôi sợ hãi và khó chịu, nhưng sau này, nó trở thành thân thuộc với tôi hết sức.
Năm 1968
Nhã Ca
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...