Thứ Năm, 2 tháng 12, 2021

Đời phiêu lưu của Tuấn 3

Đời phiêu lưu của Tuấn 3

Chương 7
Về Marát, ông Ích-miên cho người nhà đưa Tuấn đi xem các danh lam thắng cảnh và các nhà máy dệt vải. Tuấn cũng đến thăm Trung tâm bào chế thuốc rắn.
Vì nhân viên trong Trung tâm đã chứng kiến tính can đảm nhanh nhẹn của Tuấn nên mọi người đều tỏ lòng quý mến Tuấn. Ông Giám đốc Trung tâm dẫn cậu đi xem và giải thích tường tận công việc trong Trung tâm. Bây giờ Tuấn mới biết thêm: Những con rắn sau khi bị rút hết chất độc đều bị lột da. Da nó, người ta đem phơi rồi thuộc kỹ, để phân phối cho các nhà sản xuất giày, dép, ví, cho phụ nữ. Loại da rắn nhỏ, làm dây đeo đồng hồ. Thịt rắn thì đóng hộp bán ra thị trường cho các người khoái thịt rắn.
Tuấn hỏi ông Giám đốc các thứ thuốc trị nọc rắn. Ông cho biết:
- Ở đây, chúng tôi bào chế hai loại thuốc bán ra thị trường: Một loại thuốc uống sau khi bị rắn độc cắn. Thuốc này công hiệu một trăm phần trăm. Trừ trường hợp nọc rắn quá độc mà chúng tôi chưa hề thấy. Loại thuốc thứ hai là thuốc xoa, để rắn ngửi thấy mùi thì không dám lại gần. Loại thuốc xoa là thuốc phòng ngừa. Khi ai đi đâu mà sợ chỗ đó có rắn độc, xoa thuốc này vào là chắc ăn!
Chúng tôi cũng còn chế tạo một thứ thuốc xoa, dành riêng cho nhân viên làm việc trong Trung Tâm, nhất là những nhân viên đi bắt rắn. Xoa thuốc này vào, rắn sẽ không cắn, lại ngoan ngoãn nằm yên cho người ta bắt bỏ vào giỏ.
Tuấn thắc mắc:
- Thưa ông, sao Trung tâm không chế tạo thuốc phòng ngừa?
- Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ lưỡng loại thuốc này. Nhưng xét ra: họa hoằn lắm, ta mới bị rắn cắn một lần, mà uống thuốc phòng ngừa, thì lâu lâu phải uống lại. Thuốc có lợi giúp phòng ngừa nếu lỡ bị rắn cắn, nhưng lại có hại cho cơ thể, nếu uống nhiều lần. Vì thế, chúng tôi chỉ bào chế loại thuốc uống sau khi bị rắn độc cắn, ít có hại hơn!
Tuấn vui vẻ:
- Thưa ông, cháu hiểu rõ: Vì thuốc trị nọc rắn cũng là một thứ thuốc độc, nếu uống nhiều sẽ có hại cho dạ dày!
Ông Giám đốc gật đầu, mỉm cười:
- Đúng thế!
Tự nhiên, Tuấn nảy ra ý định xin ở lại làm nghề đi bắt rắn và học cách bào chế thuốc trị rắn. Cậu hỏi dò ông Giám đốc:
- Thưa ông, hôm kia cháu từ Bombay đến đây, định mua thuốc trị rắn đem về Sàigòn. Không ngờ vì chuyện con rắn sổ lồng mà cháu trở về trễ, tàu nhổ neo đi rồi.
Bây giờ, cháu phải ở lại đây 6 tháng, đợi tàu qua chuyến khác. Trong lúc chờ đợi, cháu muốn xin ông cho cháu làm nghề bắt rắn và học cách bào chế thuốc trị rắn, có được không?
Ông Giám đốc tỏ vẻ hoan hỉ:
- Được lắm! Được lắm chứ! Nói thiệt với cậu, hôm kia chúng tôi được mục kích tính can đảm của cậu, chúng tôi cảm phục lắm! Nếu cậu muốn, chúng tôi sẵn lòng chỉ vẽ cho cậu cách thức bào chế thuốc. Sau này cậu về Sàigòn, mà không tìm mua được nguyên liệu bào chế, thì cứ biên thư cho chúng tôi, chúng tôi sẽ gởi biếu cậu.
Còn việc đi bắt rắn, thì cứ như lệ thường ở đây: Trung tâm sẽ cung cấp cho cậu đầy đủ dụng cụ. Cậu bắt được bao nhiêu rắn, thì Trung tâm sẽ trả tiền cho cậu tuỳ theo loại rắn. Rắn càng độc thì tiền thưởng càng nhiều.
Ở đây có nhiều sông, lạch, cây cối âm u rậm rạp, rắn độc vô số. Nhưng ít người dám làm nghề bắt rắn, mặc dầu được nhiều tiền hơn các nghề khác, vì họ nhát gan lắm. Mới trông thấy con rắn màu loang lổ, họ đã chết khiếp rồi, nói chi đến chuyện giơ tay bắt nó! Chúng tôi thấy cậu can đảm lắm, chắc chắn cậu sẽ thành công!
Tuấn nghe nói thế, trong lòng càng thêm thích thú, háo hức:
- Thưa ông, để cháu về hỏi lại ý ông Ích-miên, rồi cháu sẽ trả lời dứt khoát!
Tối hôm ấy, nhân lúc Tuấn thuật chuyện đi thăm Trung tâm bào chế thuốc cho ông bà Ích-miên nghe, Tuấn ngỏ ý xin ở lại làm nghề bắt rắn và học bào chế thuốc, trong thời gian chờ đợi tàu Nam Hải sang chuyến khác.
Ông Ích-miên gật đầu tán thành:
- Cháu tính như vậy cũng là một điều hay. Ở vùng cháu có nhiều rắn độc, nếu cháu biết cách bào chế thuốc trị, chắc sẽ cứu mạng sống được cho nhiều người!
Cô bé Xuy-dan reo lên:
- Anh ở lại đây dạy tiếng Việt Nam cho em, để sau em lớn lên, em sẽ sang thăm anh và nói tiếng Việt Nam với anh!
Bà Ích-miên cũng tỏ vẻ vui mừng, bà bảo Tuấn:
- Ban ngày cháu đi làm, nhưng chiều thì cháu về đây ăn, ngủ. Ông bà sẽ dọn cho cháu một căn phòng riêng, cháu đi vắng thì nhớ khoá cửa lại.
Tuấn viết thư về nhờ Minh đưa tin cho má và em yên tâm. Và cậu cũng viết một lá thư riêng cho bác Thái Phong, tuy biết rằng còn vài ba tuần nữa ông mới về đến Sàigòn.
Ít hôm sau, Tuấn chính thức làm việc cho Trung Tâm. Mấy tuần đầu, cậu làm chung với một người khác để cho quen việc và biết các nơi có nhiều rắn độc. Lần thứ nhất giơ tay nắm một con rắn độc màu loang lổ, Tuấn rùng mình khiếp sợ, nhưng thấy con rắn trở nên hiền lành vì hơi thuốc, cậu yên tâm. Và mỗi ngày cậu càng bạo dạn thêm.
Nhờ sự khuyến khích của ông Giám đốc và anh em trong sở, Tuấn hăng hái say mê vào công việc. Sau vài tuần, cậu xin đi làm riêng.
Buổi sáng điểm tâm xong, Tuấn thay áo xống, mang găng tay, xịt thuốc lên khắp người và mang theo thuốc phòng ngừa, đoạn vác giỏ ra bờ sông. Mỗi nhân viên có sẵn một thuyền độc mộc, muốn đi đâu tuỳ ý.
Tuấn ngồi vào thuyền rồi nhắm hướng đi. Chỗ sông sâu thì dùng chèo để chống. Có chỗ cạn quá, phải lội xuống đẩy thuyền đi.
Lúc đầu chưa biết nhiều chỗ, Tuấn chỉ loanh quanh những nơi đã đi. Thường không phải gặp rắn nào cũng bắt, Tuấn phải lựa con nào có vẻ lạ, độc, mới bắt.
Về sau quen dần, Tuấn chèo thuyền đến những nơi xa hơn, rồi vác giỏ lên bộ, đi sâu vào trong rừng. Nhiều chỗ có vô số rắn quấn vào cành cây, thả đầu xuống tòng teng, lưỡi nó le vào le ra, miệng há đỏ lòm!
Từ đó, mỗi ngày Tuấn xách về một giỏ đầy rắn rất độc và rất lạ! Mọi người đều thán phục. Tuy vậy, Tuấn không ích kỷ, cậu chỉ chỗ cho các bạn cùng sở biết, để họ đến bắt.
Tính ra Tuấn ở lại Ấn Độ được gần hai tháng. Một hôm cậu nhận được một lúc hai lá thư, một của em Hiền và một của bác Thái Phong. Em Hiền đưa tin má và em ở nhà bằng an và trông anh chóng trở về. Trong thư, Hiền còn nhõng nhẽo viết:
- Chừng nào anh hai về, anh nhớ bắt về cho em một con rắn thật đẹp để em nuôi chơi, nghe anh!
Thư ông Thái Phong khá dài. Ông cho Tuấn biết: Lúc tàu sắp nhổ neo mà không thấy Tuấn đâu, ông lo lắng hết sức. Mãi đến khi Dũng tìm được lá thư Tuấn để lại trên bàn, ông mới yên tâm. Ông bảo ông không phiền trách gì Tuấn, nhưng ông cho là Tuấn quá liều lĩnh.
Ông dặn dò Tuấn, cố gắng ăn ở lịch sự, lễ phép, để làm vừa lòng mọi người. Nhờ đó mà học hỏi được nhiều điều hữu ích, hầu sau này có thể giúp cho đồng bào bớt được tai họa.
Ông cũng hứa, chừng nào tàu Nam Hải soạn sửa đi Bombay, ông sẽ đưa tin cho biết trước. Cuối cùng thư, ông thêm:
- Bác gái và em Minh gởi lời thăm con và mong con chóng về.
Hai lá thư ấy chẳng khác gì hai thang thuốc bổ tâm hồn và thể xác Tuấn. Cậu thấy yêu đời hơn lúc nào hết.
Chương 8
Ban ngày, Tuấn đi làm, tối về ăn cơm chung với ông bà Ích-miên và bé Xuy-dan. Cơm nước xong, có lúc Tuấn ngồi nói chuyện về Việt Nam cho ông bà nghe, có lúc Tuấn dạy bé Xuy-dan học tiếng Việt. Cái tên “Tuấn” khó đọc, nên Tuấn chỉ dạy cho bé gọi Tuấn là “Anh Hai”. Vậy mà có lần Xuy-dan không nhớ phải đọc chữ nào trước, chữ nào sau, nên chiều đến, khi thấy Tuấn đi làm về, nó chạy ra reo lên:
- Hai anh ơi! Hai anh ơi!
Tuấn hiểu ra, ôm bụng cười ngặt nghẽo.
Tuấn được ông bà Ích-miên thương yêu như con, thì bọn gia nhân phân bì, ghen ghét. Chúng nó xầm xì với nhau:
- Cái thằng ngoại quốc đó, nhờ có công cứu cô Xuy-dan mà được ông bà cưng dữ!
Trong số các gia nhân, có hai đứa cay cú với Tuấn ra mặt. Tuấn hiểu người ta ghen ghét mình, mà không biết xử trí cách nào. Đã có lần, Tuấn định xin ông bà Ích-miên cho sang ăn ở bên Trung Tâm , nhưng cậu lại sợ phật ý ông bà. Vả lại, cậu thấy chỉ còn vài tháng nữa là cậu đã rời khỏi Ấn Độ rồi.
Phân bì với Tuấn, hai gia nhân kia đâm ra thù hận ông bà Ích-miên. Nhân một đêm mưa to, gió lớn, sấm sét ầm ầm, hai tên này đục một mảng tường dày, chui vào kho cất đồ châu bảo của ông bà, lấy trộm chiếc hộp đựng đầy hột xoàn và hai vòng ngọc lưu ly, rồi đem nhau trốn biệt tích.
Rạng ngày, ông bà nghe báo động, vội mở cửa sắt vào xem. Thấy mất chiếc hộp quý giá nhất, ông bà đau xót vô cùng. Nhất là bà Ích-miên, bà khóc nức nở, vì mất chiếc hộp là mất gần hết cả cơ nghiệp của gia đình! Hôm ấy, Tuấn không đi làm, ở nhà giúp sửa chữa lại chỗ bị đục phá.
Từ đó, trong nhà ông Ích-miên buồn bã không khác gì nhà có tang chế. Tuấn cũng buồn, cậu hiểu rõ nguyên do việc ông bà Ích-miên mất của, một phần tại ông bà đã quá ưu đãi cậu.
Ông bà Ích-miên đã sai nhiều người đi dò xét khắp nơi, đồng thời cũng thông tư cho các hiệu kim hoàn trong đất Ấn, đừng dại mua những thứ ông vừa mất trộm, kẻo bị liên lụy. Nhưng vụ trộm xảy ra đã hơn 10 ngày rồi, mà việc tìm kiếm hai tên gian hùng vẫn chưa có kết quả gì.
Một sáng chủ nhật, Tuấn chán nản, không biết làm gì cho hết ngày nghỉ. Tự nhiên, cậu nảy ra ý định chèo xuồng đi chơi thật xa, xem con sông tới đâu. Cậu thay áo, đem theo thuốc trị rắn. Đi qua hàng cơm, cậu mua một ít thức ăn trưa, đoạn xuống bờ sông.
Nước sông trong vắt, hai bên bờ lau sậy mọc xanh rì. Tuấn thấy vui vui, bơi xuồng ngược lên mãi. Mặt trời đã đứng bóng, mà cậu vẫn chưa ngừng tay chèo, vì cậu thấy hai bên bờ không có gì để vào xem. Chèo gắng thêm một quãng xa, Tuấn thấy con sông chẻ ra làm hai lạch. Cậu cho xuồng rẽ vào lạch phía trái. Được một khúc, lạch bắt đầu cạn dần, Tuấn định quày trở lui, nhưng bỗng cậu để ý : giữa lạch nước trong veo, có một đường lõm dài, như dấu một chiếc xuồng bị đẩy vì mắc cạn. Cậu lội xuống lạch đi vào bờ, nhìn về phía trên xa. Quả thật, có một chiếc xuồng người nào đã kéo lên để nằm nghiêng cạnh bờ lạch. Tuấn buột miệng kêu lên:
- Lạ quá! Chiếc xuồng của ai bỏ đây nhỉ?
Cậu lấy thuốc rắn xoa khắp mặt mũi, chân tay, vì cậu ngửi thấy mùi tanh tanh rắn rết. Đoạn cậu bước lần tới. Xem xét chiếc xuồng và cây chèo, cậu lẩm bẩm:
- Đúng là chiếc xuồng của Trung Tâm bị mất!
Bỗng cậu giật mình vì tiếng chí choé bầy rắn cắn nhau. Cậu nhìn về phía trái, kinh ngạc:
- Trời! Hai đống rắn! Hình như chúng đang tranh nhau ăn cái gì.
Tuấn cúi xuống bốc một nắm đất, ném mạnh vào đống rắn. Nghe động, bầy rắn cất cao đầu, chạy tán loạn. Tuấn lần tới, thì ra bầy rắn đang tranh nhau rỉa thịt hai cái xác người. Chúng nó đã ăn gần hết thịt, còn trơ lại bộ xương và cái đầu lâu trắng hếu!
Hai cái xác nằm cách nhau vài bước. Bên cạnh hai xác chết, có hai con dao găm. Và cách đó một quãng ngắn, Tuấn thấy một cái hộp đóng kín. Tuấn cúi xuống lượm cái hộp. Cậu nhấc lên thấy cái hộp nhỏ mà khá nặng. Cậu ngồi xuống, mở nắp hộp ra, cậu reo lên:
- Trời ơi! Cái hộp châu ngọc của ông bà Ích-miên!
Tuấn sung sướng vì bất ưng cậu tìm lại được chiếc hộp quý, cậu hò hét, nhảy múa tưng bừng! Cậu đoán hai xác chết này chính là hai tên gia nhân lưu manh đã phá tường lấy trộm chiếc hộp ngọc. Nhưng cậu không hiểu vì sao cả hai đều chết? Bị rắn độc cắn chăng? Không có lẽ, vì bọn này làm việc cho ông bà Ích-miên, chắc đứa nào cũng có sẵn thuốc trị chứ? Sao cạnh đứa nào cũng có một con dao găm? Chúng nó thanh toán nhau chăng? Nghĩ mãi không tìm được nguyên do, Tuấn bực mình:
- Thây kệ! Việc của mình là không biết có nên đem cái hộp về ngay cho ông bà, hay là để lại đây, chạy về mời ông bà lên?
Tuấn phân vân hết sức, vì nếu đem về, sợ ông bà nghi là chính Tuấn đã lấy cắp, nhưng không đem thoát đi đâu được, buộc lòng phải đem trả lui. Nếu để lại, lỡ ra có ai tình cờ đến đây thì mất toi còn gì? Cuối cùng, Tuấn nghĩ ra một giải pháp hay nhất là đem đào lỗ chôn giấu chiếc hộp đi, rồi chạy về kêu ông bà lên xem tự sự.
Nghĩ thế, Tuấn thi hành liền, đoạn vội vàng chèo xuồng trở về. Vui mừng vì tìm được của lại cho ông bà Ích-miên, Tuấn chèo xuồng đi như bay. Ba giờ sau, cậu đã phóng về tới nhà. Cậu hớt hãi nói nhỏ cho ông bà hay tự sự.
Ông bà Ích-miên sung sướng đến chảy nước mắt, ôm choàng lấy Tuấn, cám ơn rối rít. Đoạn ông thay áo, xỏ giày, ra đi với Tuấn. Bà cũng đòi đi theo. Ông ôn tồn can bà:
- Mình đang ốm, đi làm gì? Vả lại thuyền độc mộc, đâu có thể chở được nhiều người! Mình ở nhà, nhớ tuyệt đối giữ kín tin này, kẻo sinh lôi thôi về sau!
Xem xét địa thế và hai xác chết một lúc, ông Ích-miên bảo Tuấn:
- Đây là giáp giới địa hạt Marát với vùng lân cận. Tụi nó định đi ngã này, trốn sang vùng khác, vì đây là rừng cấm không ai lai vãng. Nhưng vì hai đứa cùng tham lam: thằng nọ muốn giết thằng kia, để độc hưởng cái hộp ngọc. Ai dè, một thằng chết, một thằng bị thương nặng, không lết đi được, rồi cũng bị rắn cắn chết. Cứ xem hai thế nằm của hai xác chết, cũng đoán được phần nào!
Nhìn hai bộ xương trắng hếu, ông Ích-miên thở dài:
- Thế là hai đứa cùng chết! Quả thật là “Thiên bất dung gian”!
Tuấn đào chiếc hộp lên đưa lại cho ông. Ông cầm lấy mở ra xem xét một lúc rồi bảo Tuấn:
- Còn y nguyên, cháu ạ! Thật ông bà mang ơn cháu rất nhiều. Nếu không có cháu mạo hiểm kiếm tìm, chắc không bao giờ ông bà lại được nhìn thấy cái hộp quý báu này!
Hai người về đến nhà thì trời đã khuya. Bà Ích-miên thấy của cải vẫn nguyên, bà mừng hết sức. Bà bàn với chồng:
- Của mình kể như mất rồi, đây chính là của cháu Tuấn cho mình lại. Tôi nghĩ chúng ta phải chia cho cháu một nửa cái hộp này!
Tuấn nghe vậy, kêu lên:
- Ông bà đừng làm thế, cháu không nhận đâu! Cháu nghĩ rằng: Đây là Trời thử thách ông bà một thời gian, rồi Trời lại dun dủi cho cháu tìm được lại để an ủi ông bà, chứ không phải hoàn toàn do công cháu cả đâu!
Ông Ích-miên ngẫm nghĩ một lúc rồi bảo Tuấn:
- Thôi, cháu đã nói vậy, thì ông bà không ép. Nhưng ông bà sẽ liệu cách để đền ơn cháu. Dầu sao, cháu cũng đã đem niềm an ủi lại cho gia đình ông bà!
Điều Tuấn mong ước là tìm được chiếc hộp lại cho ông bà Ích-miên khỏi đau khổ. Nay “Châu đã về Hợp phố”, Tuấn lấy làm mãn nguyện hết lòng, không mong ước gì hơn nữa!
Nhân tìm được chiếc hộp quý mà Tuấn lại khám phá thêm được một vùng mà các bạn cậu chưa ai đặt chân tới. Cậu bắt được nhiều loại rắn lạ mà Trung Tâm chưa hề thấy.
Một buổi chiều đi làm về, Tuấn nhận được thư ông Thái Phong. Tuấn vội bóc ra đọc ngấu nghiến:
Thăm con mến,
Khi con được thư này thì bác đang lênh đênh trên đường sang Bombay. Bác đi trước ngày dự định, vì có sẵn hàng, với lại má con và bác gái nhớ con dữ lắm, nhất là con bé Hiền, hễ nó lên thăm bác, là nó níu áo bác, bắt đền “anh Hai” cho nó, khiến bác cầm lòng không đậu, phải liệu đi sớm đem con về!
Ngày nào tàu Nam Hải sẽ cập bến Bombay, bác không dự liệu trước được. Bởi thế, con cứ ở lại Marát đợi bác. Đến Bombay , thu xếp xong công việc, bác sẽ xuống Marát thăm ông bà Ích-miên, để cám ơn ông bà đã cho con tá túc mấy tháng nay. Bác sẽ đánh dây thép cho con ra đón bác ở nhà ga.
Bác mong sẽ chóng gặp con vui mạnh.
Bác.
Thư vỏn vẹn có mấy hàng, mà Tuấn đọc đi đọc lại không chán. Thấy mọi người tỏ lòng thương, Tuấn sung sướng vô cùng. Tuấn báo tin cho ông bà Ích-miên biết. Ông Ích-miên suy nghĩ một lúc rồi bảo Tuấn:
- Đối với cha nuôi cháu, thật ra cháu không nên giấu chuyện gì mới phải. Nhưng ông xét kỹ thấy rằng, việc cháu tìm lại được hộp châu ngọc cho ông bà, cháu không nên nói ra cho một người nào khác biết nữa, sợ sinh lôi thôi cho ông bà về sau. Mong cháu hiểu!
Tuấn vội vàng thưa:
- Vâng, cháu hiểu! Xin ông bà cứ yên tâm về chuyện đó, cháu hứa sẽ giữ thật kín!
Từ hôm được thư bác Thái Phong, Tuấn còn đi làm thêm vài tuần nữa, mới xin nghỉ việc. Trung Tâm tính sổ và trả cho Tuấn một số tiền khá lớn và biếu Tuấn một lô thuốc trị rắn, kể cả thuốc xoa dành riêng cho nhân viên. Thấy ông Giám đốc Trung Tâm xử đãi với mình quá tử tế, Tuấn cảm kích hết sức. Tuấn cũng chỉ cho các bạn, những nơi cậu đã thám hiểm được, để họ kiếm được nhiều tiền thưởng.
Tuấn được dây thép vào buổi sáng, thì buổi chiều ông Thái Phong tới. Ông Ích-miên thân hành lái xe đưa Tuấn lên đón ông Thái Phong ở sân ga. Hai ông vui vẻ siết chặt tay nhau, như đôi bạn chí thân. Ông Ích-miên nói với ông Thái Phong:
- Ông có một đứa con nuôi can đảm và thật thà hiếm có. Cháu đã làm vinh dự cho ông và cho nước Việt Nam!
Nghe lời khen tặng đó, ông Thái Phong hiểu là trong thời gian vừa qua, Tuấn đã biết cách ăn ở đẹp lòng mọi người, nên ông rất mừng.
Hai hôm ở lại Marát, ông Ích-miên quý trọng ông Thái Phong như một thượng khách. Ông thân hành dẫn ông Thái Phong đi thăm các cơ sở trong vùng. Ông cũng tặng ông Thái Phong mấy món đồ kỷ niệm quý giá. Ông cũng cho Tuấn một tượng đồng đen để về biếu cho ông Tư Bá. Tượng này rất quý vì hai con mắt tượng có gắn hai hột dạ châu. Ban đêm, hai con mắt tượng sáng như hai ngọn đèn điện nhỏ.
Sáng hôm ông Thái Phong và Tuấn trở về Bombay, ông bà Ích-miên và cô bé Xuy-dan cùng đi tiễn. Đến Bombay, ông Ích-miên đem số tiền Trung Tâm trả cho Tuấn, gởi Ngân hàng xin chuyển về Việt Nam. Ông cũng bỏ thêm vào đó một số tiền tương đương, nhưng giấu không cho Tuấn hay biết.
Sau khi khoản đãi hai cha con ông Thái Phong một bữa cơm trưa thật sang trọng, ông bà Ích-miên tiễn hai cha con ông xuống bến tàu. Trước khi chia tay, bà Ích-miên nước mắt ràn rụa, bà hôn Tuấn và trao cho Tuấn một giỏ trái cây và dặn nhỏ :
- Bà không biết lấy gì để trả ơn cháu cho cân xứng. Bà biếu cháu một mớ trái cây để cháu ăn dọc đường. Nhưng cháu để ý: dưới đáy giỏ có một cái bánh, trong ruột bánh bà đã bỏ một ít đồ cho cháu. Cháu nhớ cất kỹ, về đến Việt Nam rồi hãy xem. Bà cầu chúc cháu chóng đạt được những điều cháu mơ ước!
Bấy giờ Tuấn mới hiểu ra, vì sao bà cứ kè kè xách theo giỏ trái cây. Cậu biết không thể từ chối được, đành cầm lấy, miệng mếu máo:
- Cháu cám ơn ông bà vô cùng. Ông bà đã thương cháu không khác gì con ruột, đời đời cháu sẽ không bao giờ quên ông bà!
Xuy-dan cũng ôm lấy Tuấn khóc nức nở. Cô bé tháo hai vòng ngọc huyền đeo nơi tay, bỏ vào túi áo Tuấn và dặn:
- Anh Hai ơi! Em gởi biếu chị Hiền hai chiếc vòng này. Khi nào anh Hai theo tàu sang chuyến khác, anh nhớ xuống thăm em, nghe anh!
Tuấn ứa nước mắt, hôn Xuy-dan và an ủi:
- Em yên trí, khi anh sang chuyến khác, thế nào anh cũng xuống Marát thăm ông bà và em. Em nhớ lo học cho giỏi, mai sau em lớn lên, anh sẽ mời ông bà và em sang thăm anh.
Tuấn đứng lên, bắt tay từ giã ông Ích-miên. Trong cái siết tay thật chặt và cái nhìn âu yếm, bỗng nhiên hai người cùng cảm thấy rào rạt mối tình cha con bịn rịn lúc chia tay! Hai người cùng ôm choàng lấy nhau, nghẹn ngào không nói nên lời…
Ông Thái Phong và Tuấn đứng nhìn theo xe ông bà Ích-miên cho tới khi xe khuất vào đám bụi mù.
Tối hôm ấy, Tuấn thuật chuyện bắt rắn cho các bạn thủy thủ nghe. Ai nấy theo dõi say mê. Có người yếu vía sợ quá rú lên, khi nghe Tuấn tả hình dạng con rắn độc ! Cuối cùng, Tuấn hẹn trước khi rời Ấn Độ, sẽ lấy tiền bắt rắn, đãi anh em một bữa càry gà no nê! Mọi người vỗ tay hoan hô ầm ĩ!
Đoạn Kết
Về đến Sàigòn, Tuấn kín đáo mở chiếc bánh ra xem : bà Ích-miên đã nhét vào ruột bánh một gói hột xoàn. Tuấn đếm được 20 cặp lớn nhỏ. Bấy giờ Tuấn mới hiểu lời nói úp mở của bà trước khi từ giã:
- Bà cầu chúc cháu chóng đạt được những điều cháu mơ ước!
Tuấn cảm động hết sức vì cử chỉ ưu ái rất chu đáo của ông bà. Tuấn chọn riêng ra một cặp để biếu bác gái Thái Phong. Cậu định bụng sẽ nói với bác:
- Gặp dịp may, cháu mua được giá rẻ ở Marát để biếu bác!
Thu xếp xong công việc, Tuấn xin phép hai bác cho về thăm má. Ông Thái Phong cho xe nhà đưa Tuấn về, nhưng Tuấn tỏ vẻ ngần ngại nên ông bảo:
- Nếu con sợ bà con lối xóm dị nghị, thì con cứ đi xe về đến chợ, rồi cho xe trở lui, con đi bộ vô nhà. Như vậy cũng tiện.
Tuấn vui vẻ làm theo ý cha nuôi. Trên đường về, Tuấn thấy hồi hộp, vui vui. Kể từ khi bỏ nhà ra đi lần thứ nhất đến nay, trên quãng đường này, cậu đã đi về nhiều lần. Nhưng lần này, sau năm tháng xa cách, Tuấn thấy cảnh vật như lạ hẳn!
Đến chợ, cậu cám ơn bác tài, rồi xuống xe đi bộ về nhà. Hôm nay, Tuấn vẫn như độ nào, ăn mặc bình thường, tay xách cặp nhỏ. Cậu vừa bước chân vào nhà, thì em Hiền đã reo lên:
- Anh Hai về! Anh Hai về!
Rồi cô bé a lại ôm chặt lấy anh, Tuấn bỏ cặp xuống ghế, vuốt tóc em:
- Má đâu em?
- Má đi chợ, chắc sắp về rồi! Má nhớ anh, khóc hoài à!
Tuấn cười:
- Chớ em Hiền không nhớ anh à?
Hiền xịu mặt nhõng nhẽo:
- Em cũng nhớ anh như má vậy, chớ bộ!
Nói rồi, Hiền chạy vào trong kéo ra một cô gái cùng trạc tuổi với Hiền. Cô này ngồi ở phía trong mà hồi nãy Tuấn không để ý. Hiền chỉ cô gái, nói với anh:
- Đây là cô bạn cùng lớp với em, đố anh biết ai?
Tuấn thấy cô bé quen quen, cố nhớ mà không nhớ ra:
- Ai đó em?
Hiền đập vào cánh tay anh, cười:
- Anh không nhớ ra ai à? Chị Thu Dung đó!
- A, em Thu Dung! Chao ôi! Bây giờ em lớn quá, anh nhận không ra!
Thu Dung trách nhẹ:
- Mới mấy năm mà anh đã quên em rồi! Anh ít khi về nên em không gặp, chớ tuần nào em cũng xuống đây hết á!
Tuấn tươi cười giải thích:
- Tên Thu Dung thì anh không bao giờ quên đâu! Có điều là anh không còn nhớ nét mặt. Hồi đó, em là bé Thu Dung 10 tuổi, nay thì 15, 16 tuổi, thành cô nữ sinh Thu Dung xinh đẹp, làm sao anh nhận ra được?
Thu Dung mắc cỡ, hai má ửng hồng:
- Anh cứ ngạo em hoài à!
Tuấn nheo mắt:
- Anh nói thiệt mà, Thu Dung! À quên, hai bác có khoẻ không em?
Rồi Tuấn cười:
- Mà bác trai còn giận anh nữa không, Thu Dung?
Thu Dung thấy Tuấn nhắc đến chuyện cũ, cô xịu mặt xấu hổ :
- Lúc đầu, ba em lầm, nhưng sau nghe má em cho biết đầu đuôi câu chuyện, ba em hối hận và cảm phục anh hết lòng. Ba em tức tốc lên Sàigòn để xin lỗi anh, mà anh đi vắng không gặp. Hình như ba em có viết thư gởi lại cho anh mà?
Tuấn định nói đùa chơi mà thấy Thu Dung tưởng thật, vội vàng ngắt lời:
- Anh nói đùa cho vui vậy thôi, Thu Dung à! Thật ra, anh đã nhận được thư bác và anh cũng viết thư lại cho bác từ lâu rồi! Chuyến này, thế nào anh cũng sẽ lên nhà thăm hai bác. Anh có một món quà Ấn Độ tặng bác, chắc bác sẽ thích lắm!
Tuấn hỏi thêm:
- Thế em Vinh nay học lớp mấy, em học ở trường Quận hay ở Sàigòn?
Thu Dung tươi nét mặt:
- Em Vinh nay học Đệ Lục ở trường Quận. Khi tụi em học hết lớp nhất, thì có xe đò chạy thường xuyên lên trường Quận, nên khỏi phải đi học xa.
Bỗng Tuấn sực nhớ ra, cậu vội lôi trong túi áo ra hai chiếc vòng đeo tay:
- Nói chuyện mãi, anh quên món quà tặng hai em. Đây là hai chiếc vòng bằng ngọc huyền rất quý của Ấn Độ, anh sẽ kể lai lịch của nó cho hai em nghe sau. Nào em Hiền đưa tay đây anh mang thử có vừa không!
Hiền nhanh nhẹn giơ bàn tay mặt ra, Tuấn xỏ chiếc vòng vào cổ tay em. Tay Hiền gầy mang vào hơi lỏng lẻo. Đến lượt Thu Dung rụt rè đưa bàn tay cho Tuấn. Tay Thu Dung mập hơn, mang chiếc vòng vừa khéo.
Anh em đang hàn huyên, bỗng nghe tiếng gọi ngoài sân:
- Con về rồi đó a Tuấn?
Tuấn nghe tiếng má, vội chạy ra:
- Má! Má!
Bà Hai bỏ rổ đồ ăn xuống đất, ôm choàng lấy con, nghẹn ngào nức nở:
- Con! Con trai của má! Từ ngày con ở lại bên đó đến nay, má đêm ngày không ăn ngủ được, chỉ nhớ con!
Tuấn dìu má vào nhà. Hiền và Thu Dung chạy ra bưng rổ đồ ăn xuống bếp. Bà Hai vuốt tóc con:
- Mới có 5, 6 tháng mà má thấy con thay đổi quá hà! Con đen và lớn hơn nhiều!
Tuấn cười:
- Ở Ấn Độ gần đường xích đạo mà không đen sao được, má? Má à, chuyến này con không đi đâu xa nữa, con ở nhà với má luôn!
Bà hai mở tròn đôi mắt nhìn con, ngạc nhiên:
- Con định về ở với má luôn thiệt à?
Tuấn nghiêm trang:
- Vâng, má cũng biết ước vọng của con là được ở cạnh má suốt đời, trong miếng vườn trồng cây ăn quả và vài mẫu ruộng cấy lúa. Hơn một năm nay, nhờ Trời thương, con dành dụm được số tiền có lẽ đủ mua vườn, ruộng như má con mình ao ước!
Bà Hai cảm động, sung sướng ôm choàng lấy con, nước mắt bà trào ra ướt cả áo Tuấn.
Tuấn khoe với má:
- Má à, thời gian con ở Ấn Độ, con đã học được cách bào chế thuốc trị rắn độc cắn. Con sẽ cho bà con lối xóm biết, nếu có ai bị rắn độc cắn, con sẽ biếu thuốc để cứu họ.
Nghe nói đến thuốc trị rắn độc cắn, bà Hai nhìn lên ảnh chồng rồi òa khóc:
- Con ôi! Phải chi con kiếm được thuốc nầy sớm, thì ba con đâu có chết!
Tuấn vuốt ve bàn tay khô khẳng của má an ủi:
- Má đừng buồn nữa! Trời bắt ba con số kiếp ngắn ngủi, nhưng Trời thương cho ba con phù hộ cho má, cho các con, mới được như ngày nay! Con nghĩ phần riêng con được gặp nhiều may mắn, chính là nhờ ba con phù hộ. Má không nghĩ như vậy sao?
Bà Hai lặng thinh một lúc, rồi lau nước mắt, bảo con:
- Con nói đúng, má cũng nghĩ như vậy, con à!.
Sài Gòn, hè 1971
Nhật Lệ Giang
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...