Đời phiêu lưu của Tuấn 2
Chương 4
Bốn năm trôi qua…
Tuấn được ông bà Thái Phong nuôi cho ăn học. Thỉnh thoảng, Tuấn
về thăm má và em, nhưng về tránh trút, vì sợ ông Tư Bá bắt gặp.
Tuấn và Minh cùng học chung một lớp. Ý ông bà Thái Phong muốn
cho cả hai học đến Đại học, nhưng Tuấn thấy mang ơn cha mẹ nuôi quá nhiều. Vả lại,
ý Tuấn không muốn chọn một nghề cần bằng cấp cao. Ước vọng của cậu là một mảnh
vườn trồng cây ăn quả và vài mẫu ruộng cấy lúa, để vui sống cạnh mẹ già, em dại,
thế là cậu mãn nguyện.
Vì thế, cậu giấu cha mẹ nuôi, nạp đơn xin dự kỳ thi Trung học
tráng niên và cậu đã được kết quả như ý. Mãi đến ngày ghi tên vào Đệ Tam, Tuấn
mới tỏ thật với cha mẹ nuôi để xin thôi học. Ông Thái Phong ngạc nhiên hỏi :
- Con mới 16 tuổi, còn học hành được, tại sao lại thôi ? Con
định làm gì ?
Tuấn nhỏ nhẹ :
- Thưa bác, từ lâu, con chỉ ước mong học đến Đệ Tứ. Cái chết
của ba con đã làm cho con tưởng là tuyệt vọng. Nhưng may Trời dun dủi cho con
được gặp hai bác thương giúp. Nay con học được như thế này, là con đã mãn nguyện
lắm rồi.
Trong tương lai, con không có tham vọng làm việc gì cần bằng
cấp cao, mà con chỉ thích làm ruộng, làm vườn. Vì thế, con xin bác cho con được
đi theo tàu bác điều khiển vài năm, trước là con được đi đây đi đó để học hỏi
thêm những điều tai nghe mắt thấy, sau là con có thể dành dụm được ít tiền cho
má con mua một miếng vườn, để mẹ con sống với nhau.
Ông Thái Phong nghe Tuấn giãi bày, ông cảm động nắm lấy tay
Tuấn:
- Bác thấy con có hiếu, bác mừng lắm! Nếu con không muốn học
nữa thì bác cho con đi với bác!
Thế là ít lâu sau, Tuấn trở thành một thủy thủ trẻ tuổi làm
việc dưới tàu Nam Hải.
Tàu Nam Hải trọng tải trung bình, nhưng được kể vào hạng tàu
lớn do người Việt Nam làm chủ. Tháng nào, tàu Nam Hải cũng chở hàng từ Sàigòn
đi Tân Gia Ba và lãnh hàng ở đó chở về Sàigòn. Và cứ sáu tháng, tàu lại đi một
chuyến qua Nhật và một chuyến sang Ấn Độ. Về mùa biển hay động mạnh, tàu được
kéo vào ụ để xem xét, sửa chữa và sơn quét lại.
Ngoài ông Thái Phong là Thuyền trưởng, còn có một phụ tá và một
số thuỷ thủ chừng 15 người.
Công việc của Tuấn cùng các bạn: chùi rửa tàu mỗi ngày, xem
sóc tất cả các phòng và kho hàng. Những ngày tàu bốc hàng và dở hàng, thì công
việc của thủy thủ vất vả khó nhọc hơn ngày thường.
Các bạn thủy thủ, ai cũng biết Tuấn là con nuôi ông Thuyền
trưởng, nhưng Tuấn không vì thế mà lên mặt với ai. Cậu coi mình như một thuỷ thủ
tập sự, tận tâm làm việc dưới quyền điều khiển của những bậc đàn anh. Bởi đó,
nhân viên trong tàu, ai cũng quý mến cậu. Trong số các bạn thuỷ thủ, Tuấn rất
thân với Dũng. Tàu cập bến một hải cảng nào, nếu được phép đi dạo phố, thế nào
Tuấn Dũng cũng đi cặp với nhau. Dũng đã làm việc dưới tàu Nam Hải lâu năm, đã
đi đây đi đó ; nhờ Dũng mà Tuấn học hỏi được thêm nhiều điều hữu ích. Ông Thái
Phong cũng muốn cho Dũng chỉ vẽ cho Tuấn trong bước đầu mới vào nghề, vì ông nhận
thấy Dũng là một thanh niên đứng đắn.
Đến kỳ tàu sắp sửa chở hàng xuất cảng sang Nhật, ông Thái
Phong đưa tin cho nhân viên biết. Tuấn mừng thầm, vì được dịp đi xem một nước
mà kỹ nghệ đã nổi tiếng nhất nhì miền Đông Nam Á.
Một tuần trước khi tàu nhổ neo, ông Thái Phong cho Tuấn về
thăm nhà. Bà Hai dặn dò con, cố gắng làm việc cho tử tế và ăn ở hòa nhã với mọi
người, Em Hiền bá cổ anh, nhõng nhẽo:
- Anh Hai đi Nhật, nhớ mua quà Nhật cho em, nghe anh!
Tuấn hôn lên hai má lúm đồng tiền của em, hứa hẹn:
- Ừ, anh sẽ mua cho má một cái “radô”, chạy bằng “bin” để má
nghe cải lương nè! Còn em, anh sẽ mua cho em một cái máy thu băng, để em thu
tiếng em hát, em cười vào trong máy, rồi mở ra nghe lại, y hệt tiếng em vậy!
Hiền tưởng anh nói đùa, xịu mặt xuống:
- Thôi, nghỉ chơi với anh Hai đi, em không tin đâu! Máy gì
mà lạ vậy?
Tuấn ôm lấy em, vỗ về:
- Tại em chưa thấy, nên em lấy làm lạ, chớ anh đã thấy rồi.
Nhiều kiểu lắm, có thứ nhỏ xíu hà, bằng cuốn tập thôi!
Bà Hai cũng chưa hề thấy loại máy lạ đó:
- Máy gì mà hay quá nhỉ? Mà có mắc tiền lắm không con?
Tuấn cười:
- Ở Sàigòn, người ta cũng có bán mà mắc. Còn như bên Nhật là
nơi họ chế tạo ra, chắc rẻ hơn nhiều.
Suốt mấy ngày bốc hàng lên tàu, Tuấn và các bạn làm việc
không ngừng tay. Những chiếc xe vận tải hạng nặng, nối đuôi nhau chở từng kiện
hàng to tướng, cặp sát vào hông tàu. Người điều khiển cần cẩu, móc hàng lên rồi
bỏ xuống kho. Một số người đứng trong kho, khiêng sắp các kiện hàng cho có thứ
tự. Họ phải cẩn thận, nhẹ nhàng, khi di chuyển những kiện hàng có chữ đỏ to tướng: “DỄ VỠ”.
Hàng chất vào kho tàu xong xuôi, các thuỷ thủ được nghỉ ngơi
một ngày. Sáng hôm khởi hành, nhân viên quan thuế lên tàu kiểm soát một lần
chót, đoạn cho lệnh nhổ neo.
Chiếc thang lên tàu được xếp gọn vào hông tàu và chiếc neo khổng
lồ vừa kéo lên, thì máy tàu chuyển động mạnh hơn. Tàu từ từ ra khỏi bến, để lại
đằng sau, những giòng nước xoáy trắng xoá. Từ bến Sàigòn ra đến cửa biển Vũng
tàu, chiếc Nam Hải do một hoa tiêu riêng cầm lái. Hoa tiêu này do hội Hoa Tiêu
chuyên môn lái tàu trên quãng sông Sàigòn- Vũng Tàu, vì họ biết rõ lòng sông.
Ra đến biển, họ giao tay lái cho hoa tiêu của tàu rồi trở lại Sàigòn bằng tàu
riêng của họ.
Lênh đênh hơn một tuần lễ trên mặt biển rộng mênh mông, Tuấn
tuy không bị say sóng, nhưng cậu cảm thấy buồn bã, vì suốt ngày chỉ quanh quẩn
trên tàu. Các thuỷ thủ khác, vui vẻ hơn, vì họ đã quen đi như thế nhiều lần.
Tàu cập bến Yokohama vào một buổi sáng. Hải cảng này lớn gấp
mấy lần hải cảng Sàigòn. Tàu thuỷ, cái lớn, cái nhỏ, đậu chi chít. Tuấn so sánh
chiếc Nam Hải với mấy chiếc tàu dầu đang đậu gần đó, thật chẳng khác gì con chó
với con voi!
Các thủ tục xong xuôi, tàu Nam Hải hạ neo và bỏ thang xuống bến.
Trong việc giao dịch với người ngoại quốc, dân Nhật dùng tiếng Anh, còn khi họ
tiếp xúc với nhau, họ dùng tiếng bản xứ. Tuấn để ý nghe hai người Nhật nói chuyện
với nhau: giọng họ nói cũng na ná như mấy ông Ba Tàu ở Chợ lớn nói chuyện với
nhau vậy.
Bước chân lên đất Nhật, điều Tuấn nhận thấy trước tiên là sạch
sẽ. Bến tàu, nhà cửa, đường sá đều sạch sẽ.
Chuyến đi Nhật lần này, ông Thái Phong theo đài khí tượng
tiên đoán, sợ có giông bão xẩy đến, nên đã quyết định rút ngắn thời gian ở đất
Nhật, để trở về Sàigòn sớm hơn dự định. Bởi đó, sau khi dở hàng xuống bến, ông
Thái Phong cho Dũng dẫn Tuấn đi xem thành phố Tokyo (Đông Kinh) một ngày, để trở
về cho kịp.
Sáng sớm, Dũng đưa Tuấn lên tàu điện. Dũng đổi một số tiền kền
Nhật, để mua vé. Cậu xem giá tiền xe đi Tokyo , rồi bỏ tiền vào “ghi sê” có ghi
chữ Tokyo , vài giây sau, một cái vé xe lòi ra cùng với số tiền lẻ thối lại.
Dũng bỏ tiền lần nữa, để mua một vé khác cho Tuấn.
Một lát sau, tàu đến, Dũng léo Tuấn bước vội lên tàu, vì chỉ
trong mấy phút là tàu sẽ tự động đóng cửa và chạy ngay. Khi tàu bắt đầu chạy,
Dũng cắt nghĩa cho Tuấn hiểu:
- Tàu điện ở đây cứ độ mươi phút là có một chuyến. Đường tàu
đi và về khác nhau, nên không bao giờ đụng nhau. Ghi sê bán vé tự động chớ
không có người. Mình muốn đi đâu, cứ theo giá tiền ghi trên bảng, mà nhét tiền
vào “ghi sê”, máy sẽ tự động đưa vé ra cho mình. Và nếu mình đưa dư tiền nó
cũng sẽ thối tiền lẻ lại. Điều cần nhất là mình phải dùng tiền Nhật bằng kền, mới
mua vé được. Bởi thế, chính phủ Nhật đúc tiền kền từ 1 đồng đến 100 đồng, trên
100 đồng mới in bằng giấy.
Tuấn gật gù khen:
- Kể ra kỹ nghệ họ tiến quá, nên cái gì họ cũng xài máy móc,
bớt được nhiều nhân công. Mà đồng tiền Nhật gọi tên là gì, anh nhỉ?
Dũng cầm một đồng tiền Nhật giơ lên:
- Gọi là đồng Yen. Đồng Yen của Nhật, nhờ mức xuất cảng trong
nước mạnh, nên có giá trị quốc tế, không phải như đồng bạc Việt Nam mình phải dựa
vào đồng Mỹ kim.
Bỗng có tiếng cô chiêu đãi viên nói, phát ra từ máy phóng
thanh gắn trong mỗi toa xe. Dũng nhìn ra hai bên đường, rồi chỉ tay bảo Tuấn:
- Thường tàu đi qua chỗ nào có di tích lịch sử, đền thờ hoặc
thắng cảnh gì, thì nhân viên trong tàu lại chỉ dẫn cho du khách hiểu. Vừa rồi
là họ lưu ý chúng ta xem về phía Tây Bắc, có ngọn núi Phú Sĩ, mà dân chúng Nhật
Bản tôn thờ, quý trọng. Ngọn núi này khá cao, xưa kia là một núi phun lửa,
nhưng đã tắt từ lâu. Trên đỉnh núi luôn luôn có tuyết bao phủ. Về mùa hè, có
người leo lên tận đỉnh núi, nhưng số đông, chỉ lên tới lưng chừng.
Tuấn vừa nghe Dũng kể, vừa phóng tầm mắt nhìn hai bên. Nhà cửa
san sát, cái cao, cái thấp. Các đường xe hơi chạy rộng rãi, có thể chạy mỗi chiều
3, 4 chiếc thong thả. Xe đến các ngã tư, không phải dừng, vì có cầu bắc ngang
trên cao, có đường dọc phía dưới, thật rất tiện lợi, đỡ mất thì giờ và bớt tai
nạn lưu thông. Bỗng Tuấn quay lại hỏi Dũng:
- Anh Dũng nè, hình như ở đây họ lái xe đi bên trái, chứ
không phải đi bên mặt như bên nước mình, phải không anh?
Dũng gật đầu:
- Phải! Ở Nhật, Hồngkông, bên Anh và một số nước khác, họ
lái xe đi phía tay trái. Vì thế, xe cộ ở các xứ đó, bánh lái thường nằm bên phải,
còn như bên mình, bánh lái để bên trái.
Xe chạy chừng nửa giờ, có lúc xe đi qua giữa phố xá, có lúc
chạy gần biển, phong cảnh thật đẹp mắt. Tuấn đang mơ màng thì Dũng lay gọi:
- Tuấn ơi, đến Tokyo rồi, xuống mau!
Tuấn vội đứng lên đi theo bạn. Thành phố Tokyo thât đẹp. Đường
sá rộng và sạch sẽ như được lau chùi cẩn thận! Phố xá, cái thấp, cái cao, có
nhiều dãy cao ngất, có lẽ đến 40, 50 tầng, Tuấn nhìn ngợp mắt!
Cả hai đi vào một lề phố. Người qua lại tấp nập. Đàn ông hầu
hết bận âu phục. Còn phụ nữ, có người bận đầm, có người bận Kimono. Trông bề
ngoài, người Nhật có vẻ nhanh nhẹn, đi lại vội vã, hình như họ ít thì giờ nhàn
rỗi.
Dũng quay lại bảo Tuấn:
- Muốn sang dãy phố bên kia, phải theo đường riêng, chứ không
băng ngang qua chỗ nào cũng được, như bên xứ mình đâu! Cậu xem kìa, giữa đường
xe chạy có thấy người đi bộ nào đâu !
Tuấn gật đầu :
- Kể ra họ tổ chức thật đàng hoàng, nhưng đáng phục nhất là
người dân biết tôn trọng trật tự công cộng mới được như thế này.
Dũng xem đồng hồ, bảo Tuấn:
- Gần 11 giờ rồi. Chúng ta không có thì giờ để đi xem nhiều
nơi đâu, Tuấn à! Bây giờ, chúng ta vào siêu thị gần đây xem. Trong siêu thị
này, anh muốn mua gì cũng có : từ cây kim, sợi chỉ cho đến chiếc xe hơi. Ở
Tokyo , hầu như dãy phố nào cũng có một siêu thị.
Đi qua một căn phố trống, phía trong có bậc thang đi xuống hầm,
Dũng chỉ tay bảo Tuấn:
- Đây là đường hầm đào sâu dưới đất cho tàu điện chạy khắp
thành phố. Cứ 5 phút có một chuyến. Ai muốn đi xa xa, di chuyển bằng tàu điện,
đỡ tốn hơn đi tắc xi.
Hai người đi đến một tòa nhà cao 14 tầng, Dũng vui vẻ bảo Tuấn:
- Siêu thị Phú Sĩ đây rồi, cậu muốn mua máy móc gì, vào đây
xem.
Vừa bước vào, Tuấn đã thấy hoa cả mắt, vì cảnh rộng lớn, sáng
sủa của ngôi nhà. Hàng hoá bày la liệt, nhưng rất ngăn nắp thứ tự, trông thật hấp
dẫn. Dũng đọc bảng chỉ dẫn rồi cắt nghĩa cho Tuấn:
- Đây là bảng ghi cho biết tầng nào bán những thứ gì:
Tầng dưới hết, bán thực phẩm. Tầng 1, bán đồ chơi trẻ con. Tầng
2, bán máy móc, Tivi, Radio, máy thu băng, quạt máy, tủ lạnh v.v… Tầng 3, bán dụng
cụ về điện. Tầng 4, bán…
Tuấn la lên:
- Thôi, thôi… biết chỗ bán radio là được rồi! Mình lên xem,
mua xong, nếu còn giờ thì đi coi mấy tầng kia, không thì thôi!
Dũng cười:
- Thì ít nữa cậu đi một vòng dưới này xem họ bán thực phẩm ra
sao đã!
Nhiều hàng tủ dài, có máy lạnh, chứa các thứ rau tươi, trái
cây. Các đồ hộp chất cao, loại nào theo loại ấy. Tuấn thấy các bà nội trợ đẩy
xe đi vòng quanh, lấy thứ này, thứ kia, chất vào xe. Cậu ngạc nhiên, quay sang
hỏi dũng:
- Sao không thấy người bán đâu cả? Họ không sợ mất à?
Dũng thản nhiên đáp:
- Cửa hàng rộng lớn như thế này, nhưng nhân viên rất ít. Người
mua tự do chọn lựa những hàng mình thích, chất lên xe, đẩy tới văn phòng gần cửa
ra. Ở đó, có nhân viên kiểm hàng và làm hoá đơn. Họ tính bằng máy điện tử, nên
rất nhanh. Trả tiền xong, có người đưa ra tận xe cho khách.
Siêu thị lại còn tổ chức đem hàng đến tận nhà cho khách nữa.
Các bà nội trợ, bận việc, chỉ gọi dây nói tới xin thứ này, thứ kia, trong chốc
lát, có xe đưa hàng đến.
Tuấn buột miệng khen:
- Tuyệt quá nhỉ! Tổ chức chu đáo như vậy, vừa tiện vừa lợi!
Dũng gật đầu:
- Còn việc anh hỏi: Sao họ không sợ bị mất? Đó là anh chưa
hiểu bản tính người Nhật. Người Nhật rất ghét tính trộm cắp. Có thể nói được rằng,
cả triệu dân Nhật, mới có một vài người có tính tham. Bởi đó, không ai lo nạn mất
cắp.
Tôi còn nhớ năm trước đây, ông chủ và tôi lên Tokyo có việc cần.
Chúng tôi thuê phòng ở khách sạn, rồi đi phố. Khi trở về khách sạn, ông chủ
quên cái cặp đựng nhiều giấy tờ quan hệ trong xe tắc xi. Đang lo lắng, chưa biết
trình báo thế nào, thì bỗng có tiếng gõ cửa, tôi chạy ra mở : Ba nhân viên Cảnh
sát bước vào hỏi tên ông chủ và giao trả cái cặp. Họ cắt nghĩa :
- Vừa rồi, một tài xế tắc xi, đến trình báo họ là có hai người
Việt Nam đi xe anh ta, bỏ quên lại cái cặp trong xe, nhưng anh ta không biết địa
chỉ của chủ nó. Nhân viên chúng tôi hội lại, mở cặp ra xem và thấy trong cặp có
địa chỉ ghi số phòng ở khách sạn này.
Ông chủ mừng quá, cám ơn rối rít và ngỏ ý xin đưa một số tiền
để thưởng công người tài xế tắc xi. Nhưng họ lễ phép từ chối:
- Đó là bổn phận của mọi công dân Nhật!
Nghe bạn nói xong, Tuấn cất mũ, cúi đầu một cách trịnh trọng:
- Thiệt tôi xin bái phục đức tính cao quý ấy của họ. Theo tôi
nghĩ, họ được như thế này là nhờ một truyền thống hào hùng từ ngàn xưa để lại
và nhất là từ thơ ấu, họ đã được giáo dục cho biết : đức tính thật thà là cao
quý và trộm cắp, gian tham, là một cái gì đáng ghê tởm. Nhờ đó, họ cầm hãm được
lòng tham của.
Dũng gật đầu, đồng ý:
- Anh nhận xét rất đúng! Chính nhờ gương tốt của tiền nhân họ
và nền giáo dục vững chắc đã đào tạo họ được đức tính cao quý đó!
Rồi Dũng vỗ vai Tuấn:
- Thôi, tụi mình lên tầng hai mua máy và đi ăn cơm trưa.
Xong, chúng ta sẽ đi xem vài công viên, để trở về Yokohama , kẻo ông chủ mong.
Cả hai đi thang máy lên tầng hai. Tuấn loá mắt vì đủ mọi thứ
máy. Nguyên chỗ chưng bày Radio mà cũng đã hàng ngàn kiểu khác nhau. Tuấn và
Dũng chọn một cái Radio nhỏ và một máy thu băng xinh xinh, vừa cầm, đưa đến quầy
trả tiền.
Trước khi gói, họ thử cho thấy là máy tốt và chỉ dẫn cách sử
dụng rất chu đáo. Đến khi trả tiền, vì họ biết hai anh là người ngoại quốc, nên
họ bảo:
- Nếu hai ông có giấy thông hành, đưa cho chúng tôi ghi vào
hoá đơn, chúng tôi sẽ bớt cho được hai chục phần trăm.
Dũng và Tuấn nghe vậy, khoái quá, lục túi lấy giấy thông hành
đưa cho họ. Tuấn vui vẻ bảo Dũng:
- Giá bán ở đây rẻ hơn Sàigòn nhiều, lại còn được bớt nữa, đỡ
quá chừng!
Mua xong, Dũng hỏi Tuấn còn muốn lên xem mấy tầng kia nữa
không? Tuấn lắc đầu:
- Xem cái gì cũng thích, mà không có tiền mua, buồn chết!
Thôi đi ăn cơm đã anh. Mọi sự hậu bàn!
Cả hai tươi cười trở xuống, đi tìm hàng cơm. Hàng cơm ở đây
cũng nhiều. Tùy hạng sang, nghèo, nhưng hàng nào cũng rất sạch sẽ, thứ tự. Đủ
các thứ món ăn Tây, Tàu, Nhật, tuỳ thích mỗi người. Dũng bảo Tuấn ăn thử cơm
Nhật cho biết mùi vị. Nhật cũng dùng đũa như ở Việt Nam nhưng món ăn có vẻ
khác. Các cô bồi bàn, y phục toàn trắng, tiếp đãi rất lịch sự, nhưng đứng đắn.
Cơm nước xong, Dũng đưa Tuấn tới một công viên nghỉ trưa.
Công viên này khá rộng. Phía mặt tiền, một hàng cây anh đào đang trổ hoa, trông
hết sức thơ mộng. Tiếp đến là bồn hoa chạy dài, trồng nhiều loại hoa quý, màu sắc
rực rỡ mà Tuấn chưa hề thấy. Ở giữa công viên là một hồ sen, có hàng chục vòi nước
phun liên lỉ, có nhiều loại cá vàng thật đẹp. 4 đường hình chữ thập rải sỏi trắng
đi vào hồ. Ngoài ra là một thảm cỏ lúc nào cũng xanh mướt.
Phía cuối công viên là những cây cao, cành lá sum sê, rợp
bóng mát. Dưới mỗi gốc cây, sắp rải rác nhiều ghế đá cho du khách nghỉ chân, ngắm
cảnh.
Lúc hai anh em đến nơi, thì đã có nhiều người đang nghỉ trưa ở
đó. Kẻ ngồi đọc báo, người nằm nghỉ, ai nấy đều im lặng. Dũng đưa Tuấn đi một
vòng, chọn một ghế đá xa xa, vừa nghỉ chân vừa trò chuyện:
- Công viên này dành cho người lớn. Công viên của trẻ con thì
có đủ thứ trò chơi: máy bay, xe lửa, tàu điện, xe hơi v.v… Nhưng phải công nhận
là trẻ con ở đây chơi đùa rất lễ độ, biết giữ gìn đồ chơi chung chớ không phá
phách như trẻ con xứ khác.
Tuấn ngồi xuống dựa lưng vào thành ghế, lấy mũ úp lên mặt, mơ
màng:
- Tôi mới xem tận mắt nước Nhật được vài giờ mà đã thấy nhiều
cái lạ lùng, huống chi là được xem cho hết, thì còn thấy biết bao nhiêu công cuộc,
chứng tỏ họ văn minh và kỹ nghệ họ tiến vượt bực.
Dũng gật đầu:
- Đúng thế, nếu Tuấn được đi xem các nhà máy sản xuất xe hơi,
máy móc truyền hình, truyền thanh, các xưởng đóng tàu thủy, máy bay v.v… lớn nhất
nhì thế giới, chắc Tuấn phải hoa mắt!
Về kỹ nghệ, xét ra họ không thua gì các nước Âu Mỹ, mà về
giáo dục, họ cũng có nhiều điểm tuyệt hảo. Trẻ con từ thành thị đến thôn quê đều
bắt buộc phải học hết Trung học.
Về nghề nghiệp: ai muốn làm gì, cũng phải có bằng cấp chuyên
môn, dù là những nghề rất tầm thường. Một người muốn đi xin việc làm, mà không
có bằng chuyên môn, không mong được thâu nhận.
Người Nhật sống với nhau rất hòa nhã, ít gây sự với nhau,
ngay trẻ con cũng thế. Có anh bạn kể cho tôi nghe: Anh ta đã ở gần hai năm giữa
khu lao động, mà chưa hề thấy trẻ con đánh lộn nhau.
Nước Nhật có nhiều phong cảnh tuyệt đẹp, nơi thì hùng vĩ, nơi
thì xinh xắn. Phong cảnh thơ mộng là nhờ có biển bao bọc tứ phía. Bờ biển thì
chỗ nào cũng có cây thông mọc trên bãi cát hay cạnh những tảng đá, thân cây uốn
khúc lả lướt trên mặt nước.
Phong cảnh nên thơ tạo cho đa số dân Nhật có óc thẩm mỹ. Họ rất
thích bông hoa, âm nhạc và thể thao. Lối sống họ thật thanh nhã. Nhà nào dù
nghèo, giàu, chật hay rộng, họ cũng sắp đặt đồ đạc trong nhà một cách rất mỹ
thuật. Trên bàn, lúc nào cũng có một bình hoa tươi, đẹp mắt.
Hai anh em mải mê trỏ chuyện. Khi ngẩng đầu lên, thì công
viên đã vắng hết người. Cả hai cũng đứng dậy. Dũng xem đồng hồ, bảo Tuấn:
- Gần 2 giờ chiều rồi, chúng mình đi về là vừa. Chuyến sau,
tôi sẽ xin phép ông chủ đưa anh đi xem các cơ sở kỹ nghệ, để anh thấy cái đà tiến
của họ.
Trên đường trở lại trạm tàu điện, Tuấn thấy một đoàn người ăn
mặc sặc sỡ, họ mang trước ngực và sau lưng một tấm bảng lớn. Họ vừa đi vừa đánh
trống, thổi kèn, vừa đọc nghê nga. Tuấn lấy làm lạ, quay lại hỏi:
- Họ làm gì thế anh Dũng? Xuống đường hả?
Dũng cười ngặt nghẽo:
- Chú mầy bị ám ảnh, hễ thấy đông người kéo nhau đi, là nghĩ
đến chuyện xuống đường. Không phải đâu, họ đi quảng cáo hàng mới đó!
Ở đây, hàng hoá sản xuất do nhiều công ty khác nhau. Hãng nào
muốn hàng mình bán chạy, phải quảng cáo thật hăng, đồng thời hàng phải tốt và rẻ.
Trên thương trường, họ cạnh tranh nhau từng ly… nhờ đó mà dân nghèo ai cũng sắm
sửa được đủ mọi tiện nghi theo thời đại mới!
Nhờ ông Thái Phong tiên liệu, Tàu Nam Hải vừa tới Cần Giờ,
thì bão thổi mạnh từ Phi Luật Tân qua vịnh Bắc Việt.
Tuấn về đến Sàigòn, vội vã xin phép ông Thái Phong cho đi
thăm má. Bà Hai được cái “radô” để nghe cải lương, bà mừng lắm. Còn bé Hiền, được
anh Hai tặng cho cái máy thu băng, thích thú hơn được vàng.
Thôi thì cô bé xách máy đi thu đủ thứ: thu tiếng chúng bạn
hát, reo cười v.v… cô còn thu cả tiếng bò rống, heo kêu, gà gáy! Có lần, cô bé
thấy má và anh Hai ngồi nói chuyện, cô lén thu vô băng, rồi mở ra cho má nghe,
khiến bà ôm bụng cười ngặt nghẽo.
Chương 5
Đi Nhật về được ít lâu, tàu Nam Hải lại được xem xét kỹ lưỡng,
để chở hàng sang Ấn Độ. Tuấn được tin ấy, cậu vui mừng khấp khởi.
Trước đây, Tuấn đọc báo Thế giới Tự do, thấy nói ở xứ Marát (Madras) bên Ấn Độ, người ta bắt rắn độc để lấy nọc của nó, bào chế thành một
thứ thuốc chữa trị những người bị rắn độc cắn.
Cái chết oan uổng của ba Tuấn làm cho Tuấn nuôi một ước mộng: Phải chi vùng Tuấn ở, mà có thuốc đó, chắc cứu được nhiều người thoát chết vì
tai hoạ rắn cắn. Ước mộng đó, Tuấn chưa hề nói ra cho ai biết, dù với má Tuấn.
Khi biết chắc chắn mình sẽ được đi theo tàu, Tuấn đêm ngày ôn
lại Anh ngữ, để có thể nói cho người ta hiểu được. Đồng thời, cậu cũng mua một
bản đồ Ấn Độ, để xem cho biết đường. Từ Bombay, là nơi tàu Nam Hải cập bến, đến
Marát khá xa. Bombay ở miền Tây Bắc Ấn Độ, còn xứ Marát lại nằm về phía Đông
Nam Ấn Độ.
Muốn biết cho thấu đáo, Tuấn làm quen với mấy chú Chà để hỏi.
Họ cho Tuấn biết:
- Từ Bombay đi Marát, gần một ngàn cây số, có xe lửa tốc hành
đi và về, mỗi ngày đêm có 6 chuyến. Cách 4 giờ có một chuyến khởi hành. Tính ra
phải mất hơn mười giờ đồng hồ mới tới nơi. Còn đi xe hơi thì nhanh hơn, nhưng mất
nhiều tiền.
Tuấn thử làm một bài tính: Nếu ông Thái Phong cho đi chơi trọn
ngày, chưa chắc mình đi về kịp. Huống chi có nhiều lần, ông chỉ cho xả hơi nửa
ngày thì biết làm sao?
Suốt mấy đêm, Tuấn không ngủ yên giấc vì bài tính không đáp số
đó. Có lần cậu định bụng :
- Hay là mình cứ nói sự thật ra, để xin phép bác?
Nhưng rồi cậu lại tự nhủ:
- Biết bác ấy có cho phép không, hay là bác lại cho là mình
mơ mộng như trẻ con thì hỏng việc hết!
Một ý nghĩ liều lĩnh hiện ra trong đầu óc Tuấn:
- Thôi, tới đâu hay đó! Dù thế nào, mình cũng đi Marát cho kỳ
được.
Bài toán đã có đáp số, không biết đúng hay sai, nhưng đã làm
cho Tuấn trở nên vui vẻ hăng hái.
Đường biển từ Sàigòn đi Ấn Độ xa gấp ba Sàigòn đi Nhật Bản,
nhưng Tuấn cảm thấy vui thích hơn.
Thành phố Bombay toạ lạc trên một hòn đảo dựa vào rặng núi
Western Ghâts sừng sững đàng xa. Chung quanh là làn nước xanh biếc của vịnh Oman
bao bọc. Bờ biển đầy cây dừa cao ngất, tập hợp thành một bức tường thành tuyệt
đẹp.
Đến Bombay, việc trước tiên của Tuấn là làm quen với mấy thủy
thủ Ấn Độ, để hỏi xem các giờ xe lửa tốc hành đi Marát và các giờ xe hơi. Họ
cho biết:
- Xe lửa tốc hành từ Bombay đi Marát, mỗi ngày và đêm có 6
chuyến: 8 giờ sáng, 12 giờ trưa, 16 giờ chiều, 20 giờ tối, 24 giờ đêm và 4 giờ
sáng. Ở Marát đi Bombay cũng khởi hành cùng giờ như vậy.
Còn xe hơi thì vô chừng, hành khách đầy xe thì họ chạy. Nếu
mình muốn nhanh, thì bao luôn cả chuyến.
Tuấn vừa lo dở hàng xuống, vừa suy tính:
- Thường khi bác Thái Phong cho thủy thủ nghỉ ngày mai, thì
bác báo cho biết tối hôm trước. Như vậy, mình sẽ đi xe lửa ban đêm, sáng ngày đến
Marát, mình sẽ ở lại Marát vài giờ. Độ 9 giờ sáng, mình bao xe hơi trở về
Bombay. Nếu bác ấy chỉ cho đi chơi nửa ngày, thì mình sẽ cố về sớm hơn!
Nghĩ đến việc trốn đi cả đêm mà không cho bác Thái Phong biết,
Tuấn thấy không ổn. Cậu phân vân không biết tính cách nào. Cuối cùng, cậu định
viết một lá thư dài, trình bày cho bác rõ, và để thư ấy lại trên bàn.
Hàng dở xuống xong, các thủy thủ được đi dạo phố một buổi chiều,
để hôm sau lại bốc hàng lên tàu.
Khác hẳn với dân Nhật, người xứ Ấn Độ phần nhiều mặc màu trắng,
có lẽ cho bớt nóng. Phụ nữ Ấn Độ còn choàng đầu và vấn quanh người bằng một tấm
vải dài, có cô chỉ còn thấy hai con mắt và một chấm đỏ giữa trán.
Nước Ấn Độ có vẻ nghèo nàn, không có gì đặc biệt. Khi bước
chân vào thành phố, Tuấn lấy làm lạ, vì có nhiều con bò đi nghênh ngang, có con
nằm nghỉ ngay giữa đường, xe cộ qua lại phải tránh chúng nó. Dũng cắt nghĩa cho
Tuấn:
- Tại vì dân Ấn Độ coi con bò là một con vật linh thiêng, nên
không dám chạm tới chúng. Tuấn biết, dân Ấn không ăn thịt bò đâu, nghe!
Rồi Dũng che miệng cười:
- Phân bò, họ cũng quý lắm. Họ cung kính hốt về, trét lên tường
cho khô để làm than đun bếp!
Tuấn cũng cười theo:
- Phong tục cũng lạ nhỉ?
Dũng khoát tay:
- Đi một quãng nữa, anh sẽ thấy đời sống dân chúng ở đây,
chia hẳn thành hai thái cực rõ rệt: giàu thì giàu sụ, nghèo thì nghèo xác,
nghèo xơ, chớ không xô bồ như ở nước ta.
Ấn Độ dân cư đông mà tài nguyên ít, nên nhiều người đói khổ.
Những năm mất mùa, số người chế đói có khi lên hàng vạn!
Ấn Độ là một nước có chế độ giai cấp duy nhất trên thế giới.
Chế độ này phát sinh bởi đạo Bà-la-môn tức là Ấn-độ-giáo bày đặt ra. Lúc đầu chỉ
có 4 giai cấp chính, nhưng về sau lại chia ra nhiều giai cấp phụ, tính ra có đến
3.000 giai cấp!
Tuấn cười:
- Giai cấp gì mà nhiều dữ vậy?
Dũng cũng cười, nói tiếp:
- Ấy, Tuấn để yên tôi kể cho mà nghe: Giai cấp nhiều thế đó,
vậy mà mỗi giai cấp lại có luật lệ phong tục riêng biệt. Người ở giai cấp này
không được kết hôn với giai cấp kia, không được ngồi ăn cùng bàn với giai cấp
kém hơn mình. Họ phải triệt để tuân theo luật lệ của giai cấp mình, không thì bị
trục xuất. Kẻ bị trục xuất khỏi giai cấp, sẽ sống bơ vơ, không ai dám cưu mang,
giúp đỡ!
Trong các giai cấp thì giai cấp cùng đinh thường bị khinh rẻ,
có khi còn bị coi kém hơn cả súc vật. Họ chỉ sống chui rúc, cực khổ ở những nơi
dành riêng cho họ. Họ không được may mặc những thứ vải của giai cấp trên, không
được vào các đền chùa!
Tuấn ngạc nhiên:
- Thế họ bằng lòng chịu số phận hẩm hiu như vậy mãi sao? Họ
không tranh đấu gì hết à?
Dũng lắc đầu:
- Giai cấp cùng đinh này đông lắm, có lẽ hơn 60 triệu, so với
tổng số dân Ấn là 450 triệu. Nhưng hạng cùng đinh này mặc cảm rằng: giai cấp họ
là ti tiện, đáng khinh, nên họ chỉ âm thầm chịu đựng không hề than trách!
Nhiều nhà lãnh tụ Ấn đã tìm cách phá tan thành kiến đối với
giai cấp cùng đinh, nhưng vẫn không mấy kết quả.
Chắc anh đọc sách, cũng biết ở Ấn Độ có ông Gandhi, mà dân Ấn
kính tôn như một vị đại thánh. Hồi sanh tiền, ông Gandhi đã từ bỏ giai cấp quý
phái để hoà mình với giai cấp cùng đinh. Ông gọi họ là con của Thượng Đế và hô
hào toàn dân Ấn xử đãi với giai cấp khốn khổ này như anh em, nhưng kết quả vẫn
còn mong manh lắm.
Muốn phá tan thành kiến đó, thiết tưởng phải cách mạng tư tưởng
tất cả dân Ấn mới mong kết quả!
Dũng kéo Tuấn vào quán nước bên vệ đường, mua nước uống, rồi
tiếp tục kể:
- Ấn Độ có nhiều tôn giáo. Dân họ lại cuồng tín, sẵn sàng hy
sinh tính mạng mình vì tôn giáo, vì thế thường có những cuộc nội chiến do các
tôn giáo gây ra.
Hai tôn giáo chính của Ấn Độ là Ấn-độ-giáo hay là đạo
Bà-la-môn, có độ 250 triệu tín đồ. Và Hồi-giáo có độ 50 triệu tín đồ.
Ngoài hai tôn giáo đó, còn có nhiều tôn giáo khác.
Đa số dân Ấn ở Decan theo đạo Parsi, một tôn giáo thờ đa thần: Thần Đất, thần Sông, thần Lửa, nên các tín đồ phải tránh làm uế tạp các vị Thần
này. Khi có người chết, họ không dám chôn xuống đất, vì sợ phạm đến Thổ thần. Họ
không dám quăng xác chết xuống sông, vì sợ Thủy thần, cũng không dám hoả thiêu,
vì sợ Hoả thần nổi giận.
Bởi thế, họ phải xây một cái tháp cao ở một nơi xa làng xóm.
Tang gia đưa thi hài người chết phơi trên tháp cho đàn chim kên kên và quạ đến
rỉa thịt.
Vì tháp này ở xa làng xóm, suốt ngày không có một tiếng người,
chỉ có tiếng kên kên và quạ, nên dân chúng gọi là Tháp Yên Lặng.
Theo lời người gác Tháp Yên Lặng, mỗi lần có một xác người chết
đem bỏ vào Tháp, thì chỉ trong vòng mấy phút là đàn chim đến rỉa hết thịt, còn
trơ lại bộ xương. Sau khi làm xong công việc, đàn chim lại bay lượn trên trời,
mắt nhìn về phía con đường từ làng đến tháp, hình như chúng nóng ruột chờ đợi một
đám tang khác!
Tuấn chắt lưỡi than:
- Tôn giáo gì mà có những điều luật kỳ lạ quá!
Hai người vào trung tâm thành phố. Phố xá khá đẹp, hai bên
san sát các cửa hàng bán tơ lụa. Dũng cắt nghĩa cho Tuấn rõ:
- Bombay chia ra nhiều khu. Khu này là khu thương mãi nằm dọc
thoe bờ biển. Nhưng đẹp nhất là khu Marine Drive và khu Malabar Hill. Khu
Marine Drive cũng nằm dọc theo bờ biển, phố xá xây thật đẹp và ăn khớp với nhau
theo một chương trình xây cất, nên coi như là một khối đồ sộ, hùng vĩ. Khu
Malabar Hill thì nằm trên một dãy đồi. Ban đêm ở ngoài biển nhìn vào, thấy đèn
điện như sao sa, thiệt đẹp. Khu này, có nhiều công viên xem không chán mắt. Dưới
chân đồi là một bãi cát rộng chạy dọc theo bờ biển. Chiều chiều người ta tấp nập
kéo nhau ra đây ngồi hóng mát.
Nhưng nếu muốn biết Ấn Độ thuần túy, phải đến xóm gần phố chợ.
Ở đây, nhà cửa chật hẹp, thấp lè tè, chỗ nào cũng có đền chùa. Ngoài đường, người
qua lại chen chúc như nêm cối và thuộc đủ mọi hạng người khác sắc tộc. Người
nào người nấy giữ nguyên bản sắc địa phương mình, từ y phục đến ngôn ngữ, phong
tục và tôn giáo…
Dũng che miệng ngáp:
- Nói chuyện về Ấn Độ thật không cùng. Thôi chúng ta vào xem
ngôi chùa gần đây một lát!
Dũng dẫn Tuấn vào viếng một ngôi chùa. Vừa vào khỏi cổng, cả
hai chợt thấy một ông già, một tay xách cái giỏ, một tay cầm ống sáo. Dũng khẽ bảo
Tuấn:
- Chúng ta đi theo ông già này mà xem sự lạ!
Tuấn chưa hiểu gì nhưng cũng rảo bước theo bạn. Ông già vào cạnh
một gốc cây bỏ giỏ xuống lấy sáo ra thổi. Một điệu nhạc buồn buồn vang lên. Độ
mươi người đang viếng cảnh chùa, nghe tiếng sáo cũng kéo đến xem. Ông già đột
nhiên thay điệu nhạc vui nhộn, tức thì cái giỏ động đậy và một con rắn màu
loang lổ, nhô đầu lên cao, lên cao dần. Đầu con rắn hình tam giác, hơi dẹp, hai
mắt có hai vòng tròn trắng, lắc lư theo điệu nhạc, lưỡi nó ngo ngoe, tiết ra một
tiếng huýt nho nhỏ. Mọi người đều lộ vẻ kinh hoàng, nín thở, vì con rắn này
chính là con hổ mang có tên là cobra, nọc độc nó thật khủng khiếp. Kẻ nào bị nó
cắn, chắc khó sống! Cả bọn lùi xa một bước, nhưng vẫn dán cặp mắt vào đầu rắn
đang lắc lư như khiêu vũ theo điệu nhạc. Ông già lại thổi điệu nhạc buồn buồn.
Con rắn từ từ thu mình cuộn tròn vào đáy giỏ. Bấy giờ, mọi người mới thở phào
ra, như trút được một gánh nặng. Họ bỏ tiền thưởng vào cái thau ông già để sẵn
trước mặt. Dũng kéo Tuấn đi chỗ khác:
- Ông già vừa rồi thuộc hạng tương tự như thầy phù thủy, người
Ấn gọi là Fakir. Đời sống mấy ông nầy kỳ lắm. Ông thì nuôi rắn hổ mang đi biểu
diễn như chúng ta thấy đó. Có ông ngồi yên một chỗ, một chân vắt lên vai, suốt
đêm ngày như thế. Ai cho gì thì ăn, không thì nhịn đói. Mà họ nhịn đói rất tài.
Có ông lại nằm, tháng này qua tháng khác, trên một tấm ván
đóng đầy đinh nhọn lởm chởm.
Tôi còn nghe kể một truyện kỳ lạ khác nữa: Có một lão Fakir
ngồi chống tay vào má, lâu ngày đến nỗi móng tay dài ra đâm thủng cả má, thế mà
ông ta không hề cựa quậy. Câu truyện chả biết thật hư thế nào, mà nghe có vẻ thần
thoại quá!
Tuấn trầm ngâm :
- Trước đây, tôi đọc sách nói về Ấn Độ là một xứ đầy huyền
bí, mà quả thật, Ấn Độ huyền bí đến dễ sợ!
Chương 6
Chiều hôm tàu Nam Hải chất xong hàng hoá, ông Thái Phong
tuyên bố cho thủy thủ nghỉ ngơi từ sáng mai cho đến 3 giờ chiều. Ai muốn đi
chơi đâu tùy thích, nhưng phải lo trở về cho kịp giờ. Vì lối 3 giờ 30, sau khi
quan thuế kiểm soát xong, tàu sẽ nhổ neo. Ông Thái Phong còn thêm một câu:
- Cậu nào mà về trễ là phải ở lại đây 6 tháng, đợi tàu sang
chuyến khác!
Cơm tối xong, Tuấn hồi hộp để lá thư trên bàn, rồi theo chúng
bạn đi xem thành phố lúc về đêm. Lên bờ, Tuấn lẩn sang lối khác đến nhà ga, lấy
vé lên xe tốc hành đi Marát.
Xe chạy khá nhanh, chỉ dừng lại những ga lớn. Cả ngày bốc
hàng vất vả, nên Tuấn ngủ say mê mệt. Đến Marát, trời vẫn còn tối mù, Tuấn vào
trong ga, kiếm một chỗ trống, nằm xuống ngủ tiếp.
Lúc cậu sực tỉnh dậy, thì trời đã sáng hẳn. Cậu kiếm nước rửa
mặt, rồi đi hỏi thăm địa điểm bào chế thuốc rắn. Tuấn hỏi 2, 3 người, nhưng họ
lắc đầu, tỏ ý không hiểu gì. Tuấn than thầm:
- Chết cha! Không có ai biết tiếng Anh, giờ làm sao đây?
Nhưng cậu lại tự nhủ:
- Có lẽ mấy bác nhà quê không biết tiếng Anh, chớ mấy người
sang sang, chắc họ biết. Ấn Độ trước kia là thuộc địa của nước Anh mà!
Nghĩ thế, cậu đi tìm mấy người bận âu phục hay ăn mặc có vẻ
sang, để hỏi thăm. Nhưng tiếng Anh của Tuấn cũng “bá trật, bá vuột” lắm, nên có
người không hiểu cậu định nói gì, có người chỉ hiểu vài chữ.
May sao, Tuấn gặp một ông, có lẽ đã đi đây đó nhiều, ông ta bảo
Tuấn nói thong thả từng chữ một, và ông đã hiểu ý Tuấn. Ông dắt tay Tuấn, dẫn đến
một con đường lớn, chỉ tay bảo:
- Đây là con đường đi vào sở đó. Cậu đi chừng vài cây số, sẽ
thấy một công viên lớn, bên phải là một dãy nhà cao, có hàng rào lưới bọc
ngoài, đó là nơi bào chế thuốc rắn mà cậu muốn biết!
Tuấn chắp tay cám ơn, rồi đi ngay. Đi một quãng xa, Tuấn thấy
nhiều tấm vải rằn ri, chăng phơi hai bên đường. Ở xa, trông như những tấm da rắn
khổng lồ.
Tuấn sực nhớ lại, trong báo Thế giới Tự do đã mô tả vùng này.
Trước kia, dân cư trong vùng vốn làm nghề dệt vải thường. Nhưng từ khi họ thấy
da rắn phơi ở Trung tâm bào chế thuốc, có nhiều mầu sắc lạ mắt, họ mới nghĩ ra
cách dệt vải theo mầu sắc ấy. Và từ đó, mức sản xuất loại vải này tăng lên rất
mạnh. Nhiều nước trên thế giới, mỗi năm đặt ở đây hàng triệu thước vải loại
này.
Khi Tuấn đến nơi, thì công viên đầy trẻ con đang chơi đùa, và
một số trẻ khác đứng ngoài hàng rào lưới nhìn vào Trung tâm, xem người ta làm
việc. Tuấn cũng lần đến đứng xem. Hàng rào che bằng lưới thép dày mắt, cao bằng
ba người đứng. Phía trong, là sân tráng ximăng khá rộng. Tuấn thấy nhiều người
đang làm việc. Vài người khiêng đến những giỏ dài bịt kín. Người khác bưng đến
những bình thủy tinh đặt trên bàn.
Tuấn nghĩ thầm:
- Có lẽ họ đang sửa soạn lấy nọc rắn.
Quả thật, một lát sau, ba người ở trong nhà đi ra, họ bận đồ
trắng như y tá, tay mang găng đen và một người cầm kìm nhỏ sáng loáng.
Hai người kéo cái giỏ lại gần, tháo dây cột miệng, rồi kéo ra
một con rắn. Họ nắm chắc ngang lưng và cổ, để người thứ ba một tay bóp miệng rắn
há ra, một tay cầm kìm thò vào bấm đứt cái răng chứa nọc độc. Hai người nắm con
rắn, chúc đầu nó xuống và một chất nước trắng như sữa, từ từ chảy vào bình thủy
tinh. Một lúc sau, màu trắng sữa đổi sang màu xam xám.
Con rắn, sau khi lấy hết nọc độc, họ bỏ vào một cái thùng lớn.
Không hiểu rắn ở đâu mà nhiều thế. Hết giỏ này, người ta khiêng đến giỏ khác.
Bình thủy tinh đã gần đầy nọc độc. Họ thay bình khác và cẩn thận đậy kín bình
kia, đưa vào nhà.
Từ hàng rào nhìn vào chỗ họ đang làm việc chỉ cách 3, 4 thước,
nên xem rất rõ. Tuấn say mê theo dõi cách thức họ làm, quên hẳn giờ khắc.
Tuấn thấy hai người khiêng ra một cái giỏ dài và nặng. Họ nói
xầm xì với mấy người đang lấy nọc độc. Lập tức, cả bốn người cùng ngồi xuống. Họ
cẩn thận tháo miệng giỏ và cùng thò tay vào lôi ra một con rắn dài độ 4, 5 thước.
Đầu nó to, trên đầu có cái mồng đỏ như mồng gà, coi rất dễ sợ. Con rắn khá lớn,
mỗi người phải giữ chặt một khúc bằng cả hai bàn tay. Họ hì hục nhấc bổng con rắn
lên đem lại gần bàn…
Hình như con rắn biết người ta sẽ làm hại nó, nó liền quẫy mạnh
một cái, vuột khỏi tay bốn người đang nắm giữ, phóng mình bay bổng về phía hàng
rào. Thân mình nó rơi xuống nằm vắt ngang trên hàng rào thép!
Qua mấy giây sững sờ, mấy nhân viên mới hò nhau chạy vòng ra
phía ngoài để chận bắt. Có người tưởng con rắn bị vướng trên hàng rào, vội đi
kiếm cây sào khều nó xuống. Nhưng chỉ một phút sau, con rắn đã cựa quậy tụt xuống
đường phía ngoài hàng rào, bò về phía công viên.
Từ lúc con rắn rơi xuống nằm vắt trên hàng rào, bọn trẻ sợ
hãi bỏ chạy về công viên. Đứa sau xô đẩy đứa trước, khóc la chí choé. Tuấn cũng
phóng chạy ngược về phía khác, thấy con rắn bò về phía công viên, cậu yên tâm
bước lần theo sau nó.
Bỗng vài người còn lại ở trong sân kêu thét lên, vì con rắn
phóng nhanh hơn, mà mấy nhân viên đi chận bắt chưa chạy ra tới nơi. Trước mặt
con rắn, ba đứa trẻ đang chạy. Đứa cuối cùng là một bé gái độ 7, 8 tuổi, chỉ
cách con rắn một quãng ngắn.
Nghe tiếng người kêu la, cô bé quày đầu lại, thấy con rắn sắp
bò tới nơi, sợ quá, cố bé khuỵu hai chân, ngã xỉu trên mặt đường!
Trong giây phút thập phần nguy hiểm, Tuấn phóng mình chạy
theo con rắn. Cậu chụp lấy đuôi nó, nhưng bị vuột. Cậu chụp lần thứ hai, nắm được
đuôi. Cậu giật một cái thật mạnh, rồi cứ thế, cậu lôi con rắn xềnh xệch trở
lui. Muốn cho chắc, cậu giật đuôi rắn thêm vài cái nữa rồi mới thả ra. Con rắn
bị giãn xương sống, không bò được nữa, nhưng đầu nó cất cao, phun nước phè phè,
trông rất dễ sợ!
Thấy Tuấn cứu được cô bé, người trong sân vỗ tay hoan hô ầm
ĩ. Và mấy nhân viên chạy ra chận con rắn cũng vừa tới. Họ chia nhau kẻ bồng em
bé đi cứu cấp, người bắt rắn bỏ vào bao. Đoạn họ chạy đến vây quanh Tuấn, kẻ nắm
tay, người vỗ vai, khen ngợi Tuấn rối rít. Tuấn ngơ ngác, không hiểu mô tê gì hết,
chỉ nghe họ nói :
- Ả ra… ả ra… ả ra…
Một lát sau, có hai ông bà quý phái cũng chạy đến. Mấy người
có mặt ở đó, tỏ vẻ cung kính hai ông bà lắm. Họ dãn ra để hai ông bà đứng giữa,
và một người chỉ Tuấn, nói gì với hai ông bà một thôi dài. Ông bà vừa nghe
xong, ôm chầm lấy Tuấn, nói rối rít. Và Tuấn cũng chỉ nghe mấy tiếng:
- Ả ra… ả ra… ả ra…
Thấy Tuấn ngơ ngác làm thinh, mọi người mới nhận ra cậu là một
thanh niên lạ mặt, không phải là người bản xứ vì cách ăn mặc, vì màu da.
Bấy giờ, Tuấn mới bập bẹ bằng tiếng Anh:
- Cháu tên là Tuấn, người Việt Nam ở Sàigòn, cháu theo tàu
buôn sang Bombay. Cháu nghe nói ở đây có bán thuốc trị rắn độc nên cháu đến
mua.
Mọi người tỏ vẻ cảm phục Tuấn. Ông quý phái cầm lấy tay Tuấn
dắt đi:
- Thôi, cháu về nhà ông một chút đã. Thuốc trị rắn, cháu muốn
bao nhiêu cũng có!
Nhà hai ông bà ở phía trái công viên, trong một khu vườn có
tường cao, biệt lập với các nhà chung quanh. Cửa cổng bằng sắt và có người gác.
Nhà kiến trúc theo lối cổ Ấn Độ. Trong nhà, trưng bày nhiều đồ quý giá. Tuấn
nghĩ thầm:
- Có lẽ ông bà này làm chức gì lớn lắm?
Quả thật, khi vào trong phòng khách, ông quý phái ôn tồn mời
Tuấn ngồi. Đoạn ông kể lai lịch cho Tuấn biết:
- Ông là Mô-ha-mét Ích-miên (Mohamed Ismael) tù trưởng cai quản
hạt Marát này. Ông bà được 8 đứa con, trừ Xuy-dan (Suzanne), còn nhỏ, ở nhà với
ông bà, bảy đứa lớn đều đi học xa. Cô bé Xuy-dan là con út, nên ông bà cưng lắm.
Ông đằng hắng rồi nói tiếp:
- Xuy-dan từ nhỏ đã bị yếu tim. Nếu hôm nay không có cháu cứu
kịp thời, chắc nó sẽ chết vì sợ hãi!
Ông nhìn Tuấn đầy vẻ biết ơn:
- Thật ông bà mang ơn cháu rất nhiều!
Ông nói đến đây thì bà Ích-miên bồng Xuy-dan về đến cửa. Cô
bé đã trở lại bình thường. Nó chạy a về phía ông. Ông giơ hai tay ôm choàng lấy
con, hôn lấy hôn để. Rồi ông chỉ Tuấn, bảo con:
- Xuy-dan, con lại cám ơn anh đây đi. Anh đã cứu cho con khỏi
rắn cắn đó!
Xuy-dan bước lại nắm lấy tay Tuấn, tỏ dấu biết ơn. Tuấn mỉm
cười ôm lấy em, vuốt mái tóc em.
Đồng hồ treo trên tường điểm giờ. Tuấn giật mình nhìn lên, hốt
hoảng kêu:
- Trời! Mười giờ rồi!
Cậu vội vàng đừng dậy, nói với ông bà:
- Xin ông bà bán thuốc rắn cho cháu ngay, vì cháu phải trở về
Bombay cho kịp trước giờ tàu nhổ neo đi Sàigòn!
Nghe vậy, ông Ích-miên cũng cuống lên. Ông bảo bà:
- Bà gọi tài xế lái xe đưa cậu Tuấn về Bombay, nhanh lên. Để
tôi đi lấy thuốc cho cậu.
Bà Ích-miên bước lại ghé vào tai ông, nói nhỏ… ông gật đầu
lia lịa. Bà vội vàng vào nhà trong. Chỉ một lát sau, có tiếng còi xe hơi trước
cửa. Ông Ích-miên cầm 5 lọ thuốc đưa cho Tuấn:
- Cháu bỏ vào cặp đi, để ông đưa cháu lên Bombay. Dọc đường,
ông sẽ chỉ cách dùng thuốc cho cháu.
Bà Ích-miên cũng xách một giỏ trái cây cho Tuấn bỏ vào xe. Thấy
cha đi, cô bé Xuy-dan đòi đi theo. Ông cười bảo bà:
- Thôi mình cùng lên xe với con. Chúng ta đi chơi Bombay một
hôm cũng chẳng sao!
Xe ra khỏi cổng, quẹo vào con đường lớn. Ông Ích-miên nói với
tài xế:
- Chúng tôi cần đến Bombay gấp, anh cho xe chạy nhanh được chừng
nào hay chừng ấy, nhưng nhớ cẩn thận nghe!
Người tài xế “dạ” một tiếng, rồi nhấn ga. Đường tốt, xe chạy
như bay. Tuấn có vẻ sốt ruột. Ông Ích-miên cũng nhận thấy thế, nên ôn tồn bảo cậu:
- Cháu hãy bình tĩnh, đừng quá hốt hoảng. Nếu đến kịp trước
khi tàu nhổ neo thì tốt. Bằng không, ông bà sẽ mua vé máy bay cho cháu về thẳng
Sàigòn, cháu đừng lo!
Tuấn nghe ông hứa chắc thế, cảm thấy yên tâm hơn. Trên quãng
đường gần ngàn cây số, Tuấn tỉ tê kể cho ông bà nghe hoàn cảnh gia đình cậu và
nguyên do thúc đẩy cậu tới đây.
Ông Ích-miên cảm động, vỗ vai Tuấn:
- Cháu thật là đứa con có chí lớn, trời đất sẽ không phụ tấm
lòng hiếu thảo của cháu đâu. Ông bà hy vọng cháu sẽ được như ý nguyện.
Xe đến hải cảng Bombay thì không còn thấy tàu Nam Hải đâu nữa.
Hỏi thăm những người làm việc ở đây, họ cho biết tàu Nam Hải đã nhổ neo rời bến
lúc 15 giờ 30. Ông Ích-miên quay lại an ủi Tuấn;
- Thôi, lỡ dịp rồi, cháu đừng buồn. Bây giờ chúng ta đi ăn
cơm, rồi cháu trở lại Marát chơi vài hôm đã. Sau đó, ông bà sẽ mua vé máy bay
cho cháu về Sàigòn cũng không muộn!.
Tuấn đành phải nghe lời.
Sài Gòn, hè 1971 Nhật Lệ Giang
Sài Gòn, hè 1971
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét