Thứ Năm, 2 tháng 12, 2021

Đi về phía mặt trời 1

Đi về phía mặt trời 1

LỜI GIỚI THIỆU
Mặt trời phía trước. Ánh sáng như nguồn sống cho số phận người đàn bà khi rơi vào ngã rẽ không mong đợi. Con đường hạnh phúc đôi lúc cay nghiệt với người này lại ưu ái cho kẻ khác. Đi Về Phía Mặt Trời – tuyển tập truyện ngắn của nhà văn Lê Yên, giới thiệu đến người đọc một góc khuất cay đắng phận người, trong thế giới nội tâm đa chiều nhiều nhân vật… Từ đấy cho thấy tư tưởng sống giữa con người với con người, vật chất không hẳn là tiêu chí cuối cùng cần hướng đến…
Sắc cạnh trong thể hiện tính cách và nội tâm nhân vật, lối tự sự mạch lạc, lôi cuốn, tác giả Lê Yên cho thấy tình yêu văn học vốn dĩ không có ranh giới trong việc chinh phục bạn đọc. Khởi nghiệp muộn, nhưng ánh sắc chiều vàng càng làm người đọc trân trọng hơn sự trải nghiệm có một không hai của một cây bút thiên về phân tích, mổ xẻ nội tâm với góc nhìn hiện thực.
Xuất hiện trên cộng đồng mạng trong thời gian ngắn, Lê Yên sớm chứng minh tố chất một tác giả giỏi khi truyện của cô xuất hiện rất nhiều trên các website văn học thuộc nhiều diễn đàn. Sự gần gũi, chân thực, biểu hiện xuyên suốt trong tuyển tập gây nên độ hút cao khiến độc giả đôi lần rơi lệ cho một cuộc tình, cảm thán về số phận bị lạc lối trong hạnh phúc, rồi bế tắc trong cách giải quyết vấn đề. Mặc dù vậy, nhà văn Lê Yên không bỏ cuộc! Cô vẫn khơi gợi niềm tin, sức phản kháng, để kéo nhân vật trở về với tư duy lạc quan…
Trong Nợ Ân Tình người đọc được chiêm nghiệm tâm trạng nhân vật với những hồi ức đáu đáu nỗi buồn từ kiếp mưu sinh. Một người phụ nữ hy sinh tất cả cho chồng và con. Rồi những ấm ức tủi hờn cũng không lấn át được cái tâm hiện hữu, dàn trải suốt câu chuyện…
Hoa Ly Trắng thơ mộng, nói về chuyện tình tuyệt vọng vì căn bệnh không mong cứu chữa. Thế nhưng với tình yêu trong sáng, nhân vật nữ vẫn thắp lên niềm tin về tương lai, cho dù biết rằng đó chỉ là ảo tưởng nhất thời. Sự nhất thời mang niềm tin ấm áp, và biết đâu… điều huyền diệu sẽ xảy ra. Bất cứ rơi vào hoàn ảnh nào, con người cũng cần ước mơ để tăng thêm sức mạnh, để có năng lượng đi hết con đường…
Nỗi đau lúc con người bị cuốn theo đời sống vật chất, rồi đánh mất chính mình, được khắc họa trong Mệnh Giá với sự trầm lặng, chứa đựng xót xa, khi hạnh phúc lắp ghép không đúng chỗ… Thế là bi kịch đưa đến. Giọt nước mắt nào chảy ngược dành cho người đọc khi thưởng thức câu chuyện!...
Một Dốc Tình khắc khoải trong nghịch cảnh tình yêu. Như số phận đưa đẩy người đàn ông rơi vào thế phải lựa chọn trong đau khổ giữa Đúng và Sai… Giữa trái tim và gia đình… Mọi cái làm nên cao trào, đưa đến bài học mà mỗi người chiêm nghiệm bằng sự khác biệt không giống nhau. Kết thúc mở, luôn để người đọc lựa chọn cách giải quyết cho riêng mình…
Bản lĩnh nhà văn Lê Yên được minh chứng qua cách khai thác cuộc đấu tranh nội tâm trong từng nhân vật, cho dù câu chuyện xảy ra bởi bối cảnh phức tạp. Dù ngoại cảnh luôn chống đối. Mưu sinh gặp khó khăn. Nhưng căn bản, nếu con người dùng cái tâm để cảm nhận thì nơi nào cũng có sự chia sẻ… Tình đồng loại thật cao quý!...
Những con người với tấm lòng nhân hậu, từ hành trình yêu thương trong Dạ Quỳnh khiến bạn đọc vừa xốn lòng, vừa khâm phục… Khi con người biết gạt bỏ sự ích kỷ đến với nhau bằng vòng tay nhân ái. Trao tặng những ngọn lửa ấm áp cho các cụ già, bà lão, các em nhỏ lang thang bụi đời sống trong những ngôi nhà tình thương… Từ đấy, phá vỡ cuộc sống khép kín của lối tư duy bảo thủ, chỉ biết quan tâm đến bản thân mà quên mất diễn biến xung quanh cộng đồng…
Hãy Cho Đi, để thấy phía sau sự trao tặng còn đó là hạnh phúc của những con người dám hy sinh “cái tôi” tìm đến tình nhân loại. Những việc làm tự nguyện, xuất phát từ các tấm lòng, cũng vất vả mưu sinh, lại biết chia sẻ cho nhau tạo mối liên kết yêu thương…
Khoảnh khắc cảm thụ có khi ẩn, có khi vỡ òa, được tác giả Lê Yên khéo léo dẫn dắt một cách tự nhiên. Không cầu kỳ trong lối dàn dựng, nhưng tiếp cận cực tốt với cảm xúc người thưởng thức, khiến từng câu chuyện như được tạo ra từ máu và nước mắt… Cuối cùng còn đó là tính nhân bản bao trùm lên toàn bộ tập truyện.
Phải nói, tính chân thật đã làm nên bản sắc trong bút pháp của nhà văn Lê Yên. Cô cho thấy, trò chơi sắp xếp con chữ vốn Thành tất sẽ Cảm, và đường dây gắn kết cảm xúc, chinh phục người đọc, chẳng thoát khỏi tính Chân Thật từ các sự kiện...
Có duyên biết nhà văn Lê Yên từ lúc khởi nghiệp sáng tác, điều tâm đắc trong tôi vẫn là cái Tâm thể hiện, mà cô luôn biết cách làm nổi bật trong từng tác phẩm. Điều này thật đáng quý và đáng trân trọng…
Đi Về Phía Mặt Trời là tìm về cuội nguồn ánh sáng. Nơi con người luôn luôn hướng đến, và không loại trừ tác giả Lê Yên cũng từng bước tiến về nguồn sáng rực rỡ để chứng minh cho bản thân…
Tôi tin vào điều ấy! Khi mặt trời vẫn chói rạng.
Bến Tre, 28.6.2019
MacDung
Đi Về Phía Mặt Trời
Chị cứ loay hoay với cái kệ sách, cả buổi rồi vẫn chưa xong. Trời tháng ba oi bức, trong căn phòng hầm hập hơi nóng. Có những cuốn sách giấy đã vàng theo năm tháng, vẫn ở trên kệ sách của chị. Vừa dọn, vừa đọc nên mất nhiều thời gian, thói quen từ lúc còn nhỏ, đã cầm cuốn sách lên là như bị cuốn vào nó. Chị chợt mỉm cười, khi có tiếng là con mọt sách từ nhỏ.
Chuyển qua nhà mới đã hai tháng, nhà chị vẫn bề bộn vì những đồ vật mà không nỡ chia tay! Người ta nói: “Cái cũ đi thì cái mới đến’’ vậy mà vẫn lưu luyến những món đồ đi với chị qua cuộc sống. Sách không còn là vật vô tri, nó như một tình cảm gắn bó, khiến chị se lòng khi có ý muốn bỏ.
Xóm nhỏ mới dọn về, không ồn ào, phức tạp, sự thân thiện cho chị cảm giác gần gũi. Thằng nhóc ở nhà có nhiều bạn để chơi, chiều đi học về rủ nhau đá banh, đá cầu, tối về ôm cổ mẹ thủ thỉ: “Mẹ ở đây lâu lâu nhé! Con mới quen nhiều bạn chơi vui lắm!” Chị xoa đầu con: “Ừ, con ngoan, chơi không đánh nhau à nghen”.
Con phố nằm trong hẻm cụt chừng hơn chục mái nhà, có cổng chung, rất an ninh, ở giữa thành phố mà nghe bình yên lạ. Chị vừa làm việc vừa hát nho nhỏ “Tôi nay ở trọ trần gian…” Chị đã trọ cuộc đời này đủ lâu, để nếm trải những mặn ngọt đắng cay. Thời gian đã cho chị nhiều thứ và cũng lấy đi rất nhiều. Ký ức chị chập chờn, từng lớp như sương mù trên đỉnh núi, lúc dày đặc, lúc mỏng manh, tan như khói, rồi rơi vào khoảng không, trống rỗng. Thỉnh thoảng chị ngồi lặng đi, chợt nhớ về một khoảng thời gian xa xôi nào đó thuộc tuổi thanh xuân.
Tình yêu vô hạn, ở trọ trong trái tim hữu hạn, trở nên lạnh lẽo khi cảm xúc mòn đi với thời gian.
Căn nhà trọ cho chị cảm giác tạm bợ. Có đêm con trai chở mẹ, chầm chậm qua những con đường… Chị lặng yên nhìn khu phố, ánh sáng vàng khẽ lọt qua màn cửa ấm áp. Chị thèm khát, xót xa, tự hỏi: “Đâu là nơi chốn của mình”! Cơ hội chị đã qua rồi.  Tất cả mọi chuyện đến với chị như cái gã nghèo kiết xác, đến ở trọ, rồi ra đi lúc nửa đêm.
Thành phố như một dòng chảy xiết, nếu chậm chân sẽ bị nhấn chìm. Biết bao người đêm nay đang lang thang ngoài kia…
Chị đứng lên, thở phào, rồi cũng xong cái kệ sách. Mệt mỏi chị ngã người nằm nghỉ trên cái võng đặt ở góc nhà, đong đưa tìm chút gió mát. Chị quyết tâm hôm nay phải dọn cho xong nhà.
Gió hiu hiu ru chị vào giấc ngủ. Chị mơ thấy mình băng qua một cánh đồng khô, đi về phía mặt trời, hai chân rát bỏng với những vết xước tươm máu trên từng đoạn đường đã qua. Chị nhìn thấy nắng mai trong suốt, đang cười đùa với gió trên cánh đồng xanh tươi tốt phía trước. Chị bươn tới, bỏ lại tất cả ký ức đau khổ, phiền muộn đã nhốt linh hồn lạnh căm, có sợi tóc xanh mệt mỏi úa đi trên vầng trán lấm tấm mồ hôi. Mắt chị sáng lên khi nhìn thấy mầm xanh nhú ra từ những kẽ nứt trên cánh đồng khô phía dưới chân, khi mặt trời đi qua chiếu những tia nắng ấm áp. Cứ thế chị đi tới với ước mơ chạm ngõ bình yên, tâm thái nhẹ tênh, với nụ cười rạng rỡ…
Ừ, nắng ơi! Gió ơi! Đưa ta về nơi ấy, có ngày không phiền lo, nơi những tia hy vọng cười rúc rích… Ta gom chút nắng để đêm về làm đèn ngủ! Ta sợ đêm tối mông lung, sợ lạc lối trong giấc mơ và chút gió khẽ lay tỉnh dậy đúng lúc bóng đêm lùi dần, để còn kịp bắt đầu một ngày mới đi về phía trước…
Có tiếng gõ cửa. Chị giật mình bật ngồi dậy, nhìn ra bên ngoài, thấy bóng cô Hai chủ nhà. Bước ra mở cửa chị lên tiếng:
- Cô Hai vô nhà uống nước.
- Được rồi chị.
Rót nước mời khách xong chị hỏi:
- Cô Hai kiếm chị có gì không?
Tiếng cô Hai ấp úng rồi cũng bật ra được điều mình muốn nói:
- Em tính bán căn nhà này chị à!
Cô Hai còn đó, nói nhiều về chuyện của mình, những âm thanh dồn dập, như  cơn sóng lớn làm chị bất ngờ, chao đão, té xuống, mặc cho sóng phủ qua đầu để rồi sặc sụa với mặn chát. “Chuyển nhà”. Hai từ này như định mệnh cuộc đời chị, mọc rễ trong tiềm thức, ám ảnh, sợ hãi. Bước qua những gập ghềnh, chị đẩy cho con lớn lên… Chị như con thuyền nan chất đầy, một mình lênh đênh giữa dòng. Đôi khi có người đàn ông ngang qua, muốn cùng chị chung đường, nhưng sao trong tâm lặng lẽ như đêm ba mươi. Những gì chị đã trải qua vẫn còn ám ảnh, như cơn dư chấn trận động đất làm sụp đổ niềm tin...
Cô Hai đứng lên chào ra về, chị ừ hử cho xong. Những lúc như thế này, chị buông xuôi hai tay và thốt lên: “Ôi! Có đôi khi, thèm như gió đi hoang…” Ca từ cửa miệng mỗi khi chị đứng lại… Những đứa con là lực đẩy, không cho phép chị dừng lại và thế là phải tiếp tục con đường của mình.
Người vô ra coi nhà, con trai nhỏ mơ hồ hiểu vấn đề, mặt buồn hiu hỏi mẹ:
- Phải dọn nhà ha mẹ?
Nhìn con chị xót xa. Ở trọ nơi nào cũng là trọ, nhưng để gặp được nơi chốn yên ổn thì không dễ…
Một bắt đầu mới, phải đi tìm, lại gói gém hành trang, đâu là nơi chị đưa các con tới!?
Bỏ lại sau lưng một địa chỉ trong cuộc đời, mỗi một bước tiến về phía trước, hành trang phải nhẹ hơn, có những thứ phải đánh đổi, mất mát, thời gian vẫn vô tình qua đi không thèm ngoảnh lại nhìn, dù chị đã vội rất nhiều.
Chị khép hờ đôi mắt nhìn về bên trong sâu thẳm để thấy nắng ấm đâu đó cho mình… Thấy cánh đồng xanh với gió mát… thênh thang đi về phía mặt trời, nơi cho chị hy vọng về một ngày mới bình yên… 
SG - 4/4/2018
Mệnh Giá
Ráng chiều đã nhuộm tím chân trời. Không khí đã dịu đi, gió thong dong thật dễ chịu. Cô đặt con  ngồi lên chiếc xích đu dưới gốc cây mận đong đưa nhè nhẹ. Đứa bé cười vui với đôi mắt sáng bình yên bên cạnh mẹ. Cách đó không xa, trước hiên nhà, chú út đang lật ngửa chiếc nón đếm những đồng tiền kiếm được sau một ngày vất vả. Thỉnh thoảng lại phá lên cười… Cô nghĩ, trong thế giới của chú niềm vui và nỗi buồn có giống thế giới cô không?
Chú út là em chồng. Gia đình chỉ có ba anh em, chồng cô là anh hai, đến cô em gái và chú út. Cô về làm dâu nhà chồng không bao lâu thì bố mất vì bệnh nan y, còn mẹ và hai em. Thời gian sau cô Ba lấy chồng trên phố. Nhà chỉ còn chú út, mẹ và vợ chồng cô. Nghe mẹ kể lại. Hồi nhỏ chú rất khỏe mạnh. Vì một tai nạn xe hơi, chú đã thoát chết nhưng từ đó trở nên ngờ nghệch hơn so với trẻ cùng tuổi. Chú không còn đi học, cũng may vẫn biết đọc và viết chữ. Cái tật cà lăm cũng từ lúc xảy ra tai nạn đó! Chú trở nên ít nói, được cái hay cười. Mọi người trong xóm ai cũng thương cái nết hiền lành của chú. Chú học được nghề hớt tóc của bố. Chỗ là một quán nhỏ trước nhà hớt cho người già và trẻ nhỏ trong xóm. Là chị dâu nhưng tuổi của cô cũng chỉ ngang tuổi chú út.
Có tiếng xe về đầu ngỏ, chú Út lật đật chạy ra mở cổng rào. Tiếng mẹ chồng cô nghe lanh lảnh:
- Làm gì mà mở điện từ trong ra ngoài, mấy người không trả tiền nên không biết xót! 
Ngày nào cũng qua chập choạng tối, chồng cô chở mẹ về đến nhà. Mẹ có một gian hàng bán tạp hóa ở chợ. Chỉ là trá hình. Công việc chính của mẹ là cho vay nặng lãi và chơi huê hụi với các tiểu thương trong chợ. Chồng chạy việc cho mẹ. Mẹ bảo cô: “Con cô còn nhỏ, ở nhà vừa chăm con vừa lo việc nhà”.
Tối về cô phải làm sổ cho mẹ. Mẹ cẩn thận không để chồng vừa đi thu tiền vừa làm sổ…
Những chữ số làm con nợ biến dạng… Họ từ con người cơ khổ rơi xuống bần cùng méo mó. Có người phải bán cả nhà tổ để trang trải nợ nần. Những đồng tiền vấy máu, những con số như bạch tuột nhiều chân quấn lấy con nợ xiết chặt. Tay cô run lên từ con số của mẹ. Những tờ giấy vô tri vô giác với nhiều mệnh giá khác nhau được lòng tham nuôi sống. Chúng như con ma rỗng, linh hồn không đáy. Con người khiến nó nên tội.
Gia đình chị tư xóm trên, chồng cờ bạc nợ nần… Chị với gian hàng làm ăn nhỏ nuôi con đi học, vừa trả nợ cho chồng. Chiều nào chị vừa dọn hàng ra, mẹ cho người đến chờ, chị bán được đồng nào là lấy trước. Chị kể có khi bán đến hết hàng, trong túi chị chỉ còn được ít tiền để mua đồ ăn cho con. Cuối cùng không chịu nổi, chị đã cho con nghỉ học bỏ xứ đi.
Cô rùng mình khi nhìn những đồng tiền của mẹ. Đêm ngủ cô mơ thấy nó bò lổm ngổm khắp nhà, chúng rống lên cười ma quái đuổi theo cô. Giật mình cô thét lên bật ngồi dậy, mồ hôi vã ra ướt đẫm. Tiền, dù với mệnh giá bao nhiêu chúng cũng chỉ là những tờ giấy. Nó chỉ có giá trị khi con người cho phép. Tại sao ta để nó biến thành những ông chủ tối tăm… Tiền chỉ là những tờ giấy… là tờ giấy mà thôi! Cô quay qua ôm lấy con mình. Cô sợ hơi hám đồng tiền bám vào thiên thần nhỏ của mình.
Nhìn chồng nằm bên cạnh, cô cảm giác như ai đó xa lạ… Xa lạ như trước khi cô bước lên kiệu hoa về nhà chồng. Cái tâm của anh ở đâu không còn nhìn thấy. Cô chỉ thấy một công cụ lòng tham và đồng tiền. Một lối sống bản năng thui chột… Cuộc hôn nhân của cô do mai mối. Người ta muốn tìm một cô dâu gia giáo có học, bù vào cái người ta không có. Vì muốn lấy chồng gần nhà để thăm nom ba mẹ nên cô đồng ý. Càng ngày cô cảm giác mình đang lạc vào nơi không thuộc về mình.
Thỉnh thoảng mẹ đưa tiền cho cô như là trả lương việc làm sổ mỗi ngày. Cô trả lời mẹ: “Dạ mẹ. Con chưa cần dùng. Khi nào có việc gì con xin mẹ.” Mẹ liếc một cái rõ dài: “Tiền mà chê. Nghèo bày đặt thanh cao.”
Chiều nay. Như mọi ngày, sau khi xong công việc nhà cơm nước chuẩn bị sẵn. Cô lại đong đưa con trên chiếc xích đu quen thuộc. Chú Út về tới, lại gần mẹ con cô, trên tay cầm một bó hoa dại, lắp bắp nói:
- Tặng… tặng… chị Hai nè.
Mỗi bông một màu, thật đẹp.
- Chú hái ở đâu vậy?
- Ở…ở… bên kia… đường.
- Đẹp lắm! cám ơn chú Út.
Cô thấy chiều đẹp hơn với bó hoa dại.
Chú Út cũng cười thật vui… Có lẽ niềm vui lan tỏa giữa hai con người lạc trong một nơi được gọi là gia đình.
Chú Út lật ngửa cái nón đội đầu. Móc hết túi quần, túi áo. Những đồng tiền kiếm được chú chưa kịp xếp ngay ngắn. Cô nhìn chú Út vuốt từng tờ giấy bạc với nhiều mệnh giá một cách trân trọng. Cô nghĩ thầm: “Những tờ giấy bạc này chắc hạnh phúc lắm. Vì nó được kiếm bằng công sức lao động của chú Út. Sạch sẽ, nhẹ nhàng. Chúng ngoan hiền nằm trong chiếc hộp đựng tiền, khe khẽ hát và lim dim ngủ.” Đồng tiền luân chuyển từ tay người nay qua người khác. Và dưới mỗi chủ nhân, nó lại có một khuôn mặt khác… Cô lại suy nghĩ: “Mệnh giá đồng tiền có mua được giá trị con người không? Có đấy! Nó mua được nhiều thứ trên đời. Nó mua được giá trị ảo như một chiếc áo khoác lên người. Khi lột trần sự giả dối ấy, đối diện bản ngã chính mình. Giá trị thật lộ nguyên hình.”
Đồng tiền có hai mặt. Hãy nghĩ đến sự tốt đẹp của nó. Có tiền để lo cho cha, mẹ, xây dựng gia đình, nuôi dạy con cái theo ý mình. Làm từ thiện, san sẻ cho những nơi nghèo khó v.v… Ngược lại, có tiền trở nên thay lòng đổi dạ, ăn chơi, sa đọa. Có tiền lại muốn được nhiều hơn nữa nên làm ăn phi pháp, bất nghĩa, vô lương v.v… Khi ta đến thế gian với hai bàn tay trắng và khi đi cũng thế. Tiền là cái ta kiếm được trong thế giới tạm bợ này. Được mất trong chớp mắt. Nó không có cảm xúc, không biết đau nỗi đau con người. Tên tội phạm chính là lòng tham núp ở trong tâm và những ai yếu đuối sẽ bị nó lấn chiếm và điều khiển… Cô thở dài, cảm thấy thương cho những nạn nhân của đồng tiền. Cho dù họ là ông chủ hay con nợ… Họ vẫn là kẻ bị thao túng đứng sau đồng tiền ở mặt này hay mặt khác…
Chú Út lại mang về một bó lá Bưởi.
- Cho… chị Hai… gội đầu…
- Cám ơn chú Út nghe.
- Có… có… chi…
Chú lại cười hồn nhiên…
 Người thanh niên đã gần ba mươi tuổi, nếu ai gặp lần đầu không biết chú có bệnh. Da ngăm đen, với vẻ trầm tư khiến chú trông lớn hơn tuổi. Trong xóm nhà nào cần gì chú cũng giúp. Một thân thể lực điền, quanh năm chẳng bịnh đau. Trái ngược với ông anh ra dáng thị thành. Tối ngày ăn nhậu, ra oai với mọi người.
Sáng chú Út dậy ra quán hớt tóc, ngang qua mẹ con cô đang ngồi phơi nắng trước hiên nhà. Trên tay cầm cuốn sách. Cô buột miệng hỏi:
- Chú Út đọc sách gì đó?
- Sách … sách… chị hai… cho mượn.
Chú quay bìa cuốn sách cho cô xem. “Hiểu về trái tim -  tác giả Minh Niệm.” Cô thấy chú thích đọc sách, nên đưa cho chú đọc. Mong chú Út ngày một tỉnh ra.
Nhà chỉ còn lại mẹ con cô. Đêm qua cu cậu nóng mọc răng, cả đêm quấy khóc. Dỗ cho con ngủ trên tấm phản gỗ láng bóng, mát rượi. Cô thiếp đi hồi nào không hay. Giật mình bật dậy cảm giác ai đó đang nhìn mình. Chú Út đứng gần đó nhìn mẹ con cô. Đôi mắt… ánh nhìn khiến cô bối rối… Chú vội quay đi. Cô lên tiếng:
- Chú Út về lâu chưa?
- Mới… mới… về.
- Chị… Hai ngủ… không đóng cửa…
Cô bị ám ảnh bởi đôi mắt chú Út. Ánh nhìn ấm áp, lo lắng… Cô không dám nghĩ thêm nữa. Cô mong là cảm giác đánh lừa. Ánh mắt đó, cô chưa từng bắt gặp ở chồng mình. Chồng cô chỉ có một cái nhìn đục lờ của bản năng thui chột... 
Ngôi nhà ba gian rộng, vắng đến độ cô nghe được tiếng bước chân mình. Ngồi nhìn con ngủ ngoan, đôi môi xinh còn mơ ngậm vú mẹ, cô thương lạ! Có con rồi cô hiểu thế nào là núm ruột… Thấy thương ba mẹ nhiều hơn. Đồng tiền không thể hiểu được thế nào là máu chảy ruột mềm, thế nào là cốt nhục tình thâm…
Chợt có tiếng gọi lớn ngoài cổng:
- Cô Hai ơi! Cô Hai!
Cô bước vội ra xem chuyện gì. Chị Ba nhà dưới lộ, ào vô như cơn lốc. Nói trong tiếng khóc:
- Cô Hai làm ơn cứu con chị. Chị mang ơn cô nhiều lắm.
- Có chuyện gì chị nói em mới biết.
- Thằng út nhà chị bị tim bẫm sinh. Hôm rồi bác sĩ cho đi viện tim. Nhà không tiền nên chị lần lữa mãi. Sáng giờ cháu nó lên cơn mệt dữ lắm. Cô hai có thể cho chị mượn một ít tiền không? Chị sẽ thu xếp trả lại sau. Chị đội ơn cô hai nhiều lắm.
 Cô chưa biết tính sao vì quá bất ngờ. Chị Ba nhấp nhỏm khóc:
- Gấp dữ lắm cô ơi!
- Chị chờ em chút.
Nói rồi cô chạy vội vô nhà. Đây là lần đầu tiên cô tự ý mở tủ mẹ. Ngày thường mẹ vẫn hay nói. “Tiền mẹ để trong tủ, mua gì gấp cứ lấy.” Số tiền mẹ để hờ ở nhà cũng không nhiều, cô đếm vội vàng được ba triệu. Không suy nghĩ, cô cầm hết số tiền đưa cho chị Ba.
- Đây chị. Chỉ có ba triệu. Chị cho cháu đi lẹ rồi tính tiếp.
Chị Ba cám ơn rối rít rồi chạy ào đi với đôi chân trần. Có lẽ lúc này trong tâm người mẹ, mạng sống con là tất cả, không có khái niệm bản thân như thế nào.
Cô đến bên chiếc nôi con trai bình yên say ngủ. Một cảm giác đau thắt lồng ngực. Giờ hoàn hồn rồi cô bắt đầu lo. Một mơ hồ sợ. “Nói sao với mẹ đây”. Gần đây cô nghe xa, nghe gần từ mẹ, chuyện chồng với nhỏ Kiều con ông Hai tiệm vàng ngoài chợ.
Trời đã xuống chiều. Chú Út lại ngồi trước hàng ba đếm tiền. Cô ôm chặt con trong lòng đi lui đi tới. Không có tâm trạng đong đưa trên chiếc xích đu như mọi ngày. Tiếng xe máy ngừng trước cổng làm tim cô thót lại. Cô nhìn ra con ngõ. Hôm nay không phải chỉ có mẹ mà còn vợ chồng cô Ba trên phố về chơi. Cô ba lấy chồng đủ lâu nhưng chưa có con. Nghe đâu dượng ấy không sanh được. Mỗi lần về thăm nhà, cả hai vợ chồng nhìn con trai cô mà thèm lắm. Cô Ba sà tới bên đứa bé nựng nịu. Thằng bé toét miệng cười khoe mấy cái răng sữa mới mọc, thật đáng yêu.
Bữa cơm qua trong vui vẻ. Nhà có khách nên mẹ không hỏi chuyện. Vợ chồng cô Ba nói với mẹ chuyện xin con nuôi. Mẹ liếc nhìn cô với cái nhìn khó hiểu… Cô chợt rùng mình.
 Cơm nước xong vợ chồng cô Ba đi nghỉ. Cô chưa biết mở lời với mẹ như thế nào. Tiếng mẹ cao giọng:
- Vợ thằng Hai đâu?
- Dạ. Mẹ gọi con!
- Chiều nay con Ba cuối lộ vô nhà mình có chuyện gì vậy?
Cô biết không gì qua mắt được mẹ. Cô thuật lại cho mẹ nghe tất cả. Mẹ không kịp nghe hết câu chuyện đã nổi giận với vẻ mặt thật đáng sợ:
- Ai cho cô cái quyền đó. Tự ý lấy tiền của tôi cho người ta mượn. Quá lắm rồi.
  Mẹ hét lên và thế là mâm ly trên bàn bị lôi xuống đất. Tiếng động làm cả nhà chạy đến. Chồng cô lên tiếng:
- Chuyện gì vậy mẹ?
- Mày hỏi con vợ mày đó.
Chồng quay qua nhìn cô. Không đợi chồng hỏi cô đã nói luôn một hơi cho cả nhà cùng nghe. Tiếng mẹ chồng cô tru tréo.
- Phải. Chỉ có nó biết thương người, còn tôi ác đức.
  Một cái tát tai nảy lửa. Cái tát tai đầu tiên của chồng. Cái tát tai vô lý khiến cô không biết mình sai chỗ nào. Tiếng ồn ào khiến con cô sợ hãi khóc thét lên. Cô Ba giật đứa nhỏ trên tay cô. Chú Út đứng chắn ngang trước mặt cô…
Tiếng chồng cô:
- Cô coi lại cô đi. Hãy biết thủ phận mình. Còn hỗn với mẹ sẽ biết tay tôi.
Quay qua chú Út, chồng cô gằn giọng:
- Còn mày. Tao dạy vợ, mắc gì mày xía vô. Đồ khùng.
Cô nhìn chú Út. Trong cô có một thứ vỡ nát mà biết không thể hàn gắn được. Đôi mắt chú Út khép lại như nén xuống, hai tay nắm chặt run lên. Cô sợ… Tới trước mặt mẹ nói:
- Con xin lỗi mẹ vì đã tự ý quyết định. Con sẽ không làm như vậy nữa.
Nói xong cô lại ẵm con vô phòng. Tiếng mẹ còn vói theo:
- Khôn hồn mà ăn ở. Tao cưới vợ khác cho thằng Hai đừng trách. Không phải chỉ mình cô biết sanh con.
Mấy ngày sau đó… Cô lặng lẽ. Trong cô ngổn ngang những suy nghĩ trái ngược. Có điều ngày một rõ trong cô là “Phải rời đi”. Cô không muốn con mình sống trong môi trường này. Cô cũng không thể chôn đời mình trong địa ngục  đồng tiền. Như thế không công bằng với bản thân… Khi đã bình tâm. Cô không còn giận nữa. Cô thấy mẹ và chồng cô thật đáng thương. Người ta không tách tội ra khỏi phạm nhân. Khi cái ác xuất hiện, người ta thường lên án tội nhân, ghét bỏ họ và quên mất tội ác thật sự phía sau… Làm sao tìm ra mầm sự ác và tách nó khỏi con người. Đấu tranh với nó. Chống lại nó. Trong lòng con người, mầm mống đầu tiên là sự ích kỷ, đố kỵ… rồi ghét nhau. Từ sự nhỏ nhen này con người muốn trèo lên, đạp đổ giá trị đạo đức, bất chấp cái đúng. Thế là cây ác ra trái tham lam, ra cành vô cảm, sẵn sàng làm tổn thương người khác. Một khi cái ác làm chủ đồng tiền, thì hậu quả thật khôn lường…
Trời quê thật yên bình. Ráng chiều từng sắc thẫm màu đan nhau, ửng lên một vầng sáng thật đẹp trước khi chìm vào đêm. Cô đong đưa con trên chiếc xích đu dưới gốc cây mận, trên là những chùm hoa nấp vào tán lá. Còn bao chiều đong đưa trên xích đu? Cô luyến tiếc chiều quê… Cô nhớ chùm hoa dại của chú Út. Hương hoa bưởi vẫn ở lại trong ký ức... Cô đi rồi, một mình chú Út thật tội nghiệp. Cô đã làm bạn với chú trong khoảng thời gian đủ cho chú giữ lại một nụ cười. Cô xót xa…
Chú Út lầm lũi trở về. Từ hôm xảy ra chuyện chú trở nên lầm lì, xa vắng. Cô gợi chuyện:
- Chú Út có gì vui không?
Quay nhìn cô một giây. Chú lên tiếng:
- Chị… Hai có… có vui… không?
Cô cười nhẹ… Những câu hỏi không có câu trả lời. Cô lại lên tiếng:
- Tôi có làm gì cho chú buồn không?
Chú Út nhìn vào bóng chiều xa xăm… Cô thấy nỗi buồn ngập trong ánh nhìn đó. Cô không muốn xoáy vào tâm bão… Người đàn ông đó cô đơn trong tòa tháp của mình. Bản thân cô thì sao? Nào có khác gì… Sự tương quan giữa con người với nhau qua một cầu nối. Đó là sự thấu hiểu, có thấu hiểu thì mới sẻ chia và gần nhau hơn.
Cô dậy sớm. Chuẩn bị việc nhà đâu đó. Chồng cô chở mẹ ra chợ. Cô chỉ chờ có vậy. Gom vội quần áo và những vật dụng cần thiết cho vào chiếc túi. Kéo học bàn chỉ có ít tiền, cô tần ngần tự nhủ: “Chỉ cần ra khỏi đây rồi tính tiếp.”
Cô định bụng bước qua nhà ngang chào chú Út nhưng thật bất ngờ khi thấy chú đã đứng sẵn như chờ cô. Một tay cô ẵm con, một tay với túi xách. Cô chưa biết phản ứng chú Út thế nào nên đứng như trời trồng. Chú Út lên tiếng:
- Chị… Hai định… định … đi đâu?
Một chút tần ngần cô trả lời:
- Chưa biết. Nhưng tôi không thể ở lại.
- Chị… chờ chút…
Nói rồi chú đi vội qua nhà ngang, rồi quay lại với chiếc hộp đựng tiền trên tay. Chú mở ra, lấy hết tiền đưa đến trước mặt. Đặt nắm tiền vào tay cô:
- Chị… giữ lấy…
Cô chưa kịp phản ứng thì đôi tay rắn rỏi ôm lấy mẹ con cô. Một cái ôm từ biệt cho đến sau này cô khó quên được nhịp đập gấp gáp trong ngực trái người đàn ông luôn nén cảm xúc của mình. Giọt nước mắt nóng hổi lăn trên khuôn mặt rám nắng rơi xuống mặt cô. Cô lặng người… quay mặt đi để kìm nén sự òa vỡ cảm xúc… “Không hôm nay thì cũng một ngày khác cô sẽ rời đi. Vì nơi đây không phải thế giới của cô”. Tiếng chú Út trầm hẳn xuống:
- Chị Hai… đi…đi.
Cô quay nhìn chú Út nói khẽ:
- Cám ơn chú.
Mọi lời nói lúc này chẳng còn ý nghĩa gì… Cô lặng lẽ giữ lại… Lặng lẽ đi… Cô đã khóc thật nhiều, những giọt nước mắt tủi hờn, thua cuộc. Cô có nhà mà không được về… Sức mạnh đồng tiền đã bật tung cô ra giữa dòng chỉ vì chống lại nó. Cô không là môn đồ sự ác. Cô muốn được hít thở không khí trong lành. Một bầu khí không có tính sát lạnh và mưu mô của đồng tiền. Cô ngửi thấy hương thơm sự lương thiện, cho dù với mệnh giá bao nhiêu đồng tiền cũng không mua được.
Đoạn đường trước mắt nhiều gian khổ! Nếu như bây giờ cô không chọn lại thì đến tuổi đi học con cô sao biết câu: “Tiên học lễ. Hậu học văn.” Như ngày đầu làm quen với con chữ cha đã dạy cho cô. Nếu không xây dựng một nền tảng đạo đức qua giáo dục mà trước tiên là gia đình thì loài người sẽ về đâu? Con người sẽ là ông chủ tốt. Đồng tiền và danh vọng chỉ là những tên đầy tớ trung thành làm những việc hữu ích, cho người, cho đời…
Hít một hơi thật sâu, cô nhìn lên và suy nghĩ: “Mặt trời trên cao rất công bằng với mọi người, chỉ trừ khi ta thỏa hiệp với bóng tối thì trong ta không còn mặt trời…”
Những bước chân dài hơn… đang tiến lên phía trước…!
Saigon - 1/5/19
Giấc Mơ
Chị mới vừa đi chợ về tới đầu ngõ, nghe tiếng nói chuyện hình như nhà có khách. Thì ra anh hàng xóm sang chơi. Nhìn hai ông nói chuyện gì ra điều hăng say, thậm chí chị lên tiếng chào cũng không nghe.
Không biết hai người đàn ông đang tỉnh hay mơ, chị tò mò lắm. Bưng rổ rau ra ngồi gần ngạch cửa, vừa lặt, vừa lóng tai nghe chuyện đàn ông. Thì ra lại là chuyện “thường ngày ở huyện’’… hết ông A rồi đến ông B…
Chị là đàn bà, thân ở xó bếp nhưng hằng ngày đi chợ cũng nghe được lỏm bỏm chuyện này chuyện kia. Có một dạo biển miền Trung cá chết, dân miền Trung không đi biển được, thật tội nghiệp, cuộc sống của họ sẽ ra sao? Xót xa cho biển, cho hàng tấn cá chết phơi bụng, đồng nghĩa với sự khốn khó của dân. Ai biết số cá chết đó đi về đâu? Ngộ độc thực phẩm là vấn nạn ai cũng lo sợ.
Chuyện xả lũ làm thiệt hại mùa màng, nhà cửa dân, nhìn những hình ảnh thời sự trên ti vi, thật đau lòng. Người nông dân bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, vào mùa vụ họ phải dậy khi mặt trời chưa thức giấc và trở về nhà khi ánh sáng đã hòa vào đêm tối. Tất cả mọi chi tiêu trong nhà đều trong chờ vào mùa thu hoạch, vậy mà sự chờ đợi đó cuốn theo dòng nước, cuốn luôn mái nhà che mưa, che nắng. Thật tội nghiệp.
Hình ảnh trẻ em đi học ngang qua chiếc cầu tre lắt lẻo, không có được cây cầu chắc chắn bắc qua sông mùa nước nổi. Hình ảnh các em đến trường trong bộ đồng phục đầy sình thấm ướt, lạnh run, tai nạn luôn chực chờ, làm sao yên lòng đây!
Đàn bà thì không trăn trở sao?
Ngày bức bối suy nghĩ. Đêm nằm mơ: chị thấy mình là một nữ tướng, một mình một ngựa với bảo kiếm xông pha, thù trong giặc ngoài nghiêm trị.
- Đem chúng nó ra đây!
- Chém!
- Á!
Một tiếng la lớn làm chị giật mình, tỉnh giấc bật ngồi dậy.
- Chuyện gì?
Hớt hải nhìn quanh chị hỏi.
Thì ra tiếng la phát ra từ chồng chị nằm bên cạnh, anh cũng bật dậy.
- Bà làm gì vậy. Đánh tôi một cái đau thấy ông bà, ông vải luôn hà.
Tiếng chồng chị bực mình hỏi tiếp
- Hả, bà chém ai?
- Dạ không, em chỉ mơ. Đánh trúng mình hả?
Chị không nhịn được cười, thấy chồng dở giấc ngủ, đang cáu nên cố nén.
- Mình với đầu gì ở đây, bà xáng một cái, tôi tỉnh ngủ luôn rồi.
- Trúng đâu đưa em coi.
Chị còn chưa hoàn hồn, một tay ôm ngực, một tay xoa xoa bên má chồng bị đánh trúng.
- Bà bợ cái gì đó, bà làm như nó sắp rơi ra ngoài.
- Dạ đúng rồi, mình la làm tim em muốn rớt ra ngoài.
- Đàn bà lo chuyện bếp núc, con cái, lo ở đó mà hóng chuyện đàn ông rồi nằm mơ.
 Chị nghĩ thầm mà tức trong bụng: “Lại đàn bà’’.
- Em xin lỗi, mình ngủ tiếp đi.
Nói rồi chị nằm xuống, quay lưng, trùm mền qua đầu cười một mình, bụng nghĩ: Phải mà chồng chị la chậm chút nữa đã chém được vài ba kẻ cướp.
Chị nén tiếng thở dài, cơn buồng ngủ không còn, đầu óc lan man với bao nhiêu suy nghĩ không cần phải ngủ mới mơ… Cuộc sống đời thường với ước mơ dung dị, bình yên. Quê chị ngày xưa yên ã biết mấy, những ruộng lúa xanh mút tầm mắt, có thể thấy con sông hiền hòa nghịch ngợm với lũ trẻ trâu trong làng mỗi khi chiều xuống. Hồi cái tuổi thanh xuân của chị, vào những đêm trăng thanh gió mát, nam nữ hẹn hò nhau tản bộ trên những con đường đất ngai ngái mùi cỏ dại quyện lẫn mùi rong rêu sông nước, bóng trăng tò mò dõi theo, vậy mà họ vẫn lén hôn nhau khi ngang qua cây đa rợp bóng đầu làng, con trăng chịu thua trốn trong mây hờn dỗi… Chị mơ màng, hình ảnh đó như mới hôm qua, bày ra trước mắt… Bây giờ “Đô thị hóa…” chị cảm giác như bức tranh không có gam màu chủ đạo… Một sự tùy tiện! Đúng, sai, phải, trái lẫn lộn… “Quay đầu là bờ”, câu này chị đã nghe người lớn nói từ hồi còn rất nhỏ. Con người ai cũng có lúc làm sai, mức độ nặng nhẹ tùy sự việc, nhưng biết quay đầu lại sửa vẫn không muộn. Sự việc dẫu có lớn cũng bớt đi tổn thất.
Quê hương như mẹ hiền. Đàn bà cũng lớn lên trên mảnh đất quê. Từ lũy tre làng, từ dòng suối ngọt chảy ra từ lòng đất, đàn bà cũng đau nỗi đau quê hương. Được sống trong lòng quê, như trẻ thơ ngủ ấm trong lòng mẹ hiền, làm sao không trăn trở.
Những người mẹ liệt sĩ, vì yêu quê hương, đã hy sinh chồng, con. Để rồi tuổi già cô quạnh trong căn nhà tình nghĩa mà giá trị duy nhất là những tấm bằng liệt sĩ treo trên vách tường lặng lẽ cùng nhang khói… Những khi đêm về, mẹ hiu hắt nhớ chồng, nhớ con. Nỗi nhớ ăn mòn, bóng dáng mẹ liêu xiêu như bụi chuối sau hè qua cơn giông bão.
Nếu ta làm nghèo quê hương, làm xấu đi hình ảnh văn hóa dân tộc, có công bằng với những người mẹ này không!?
Cái xấu giống như những vết loang, hãy làm trắng hơn phần còn lại đễ vết loang đó không nhân rộng ra. Hãy nhìn lại bản thân, hãy suy nghĩ tích cực, tự hoàn thiện chính mình, không ngừng học hỏi để vươn lên. Sự cố gắng như một sức đề kháng với những cái xấu chung quanh ta.
Đâu cần ông Bụt hiện ra giữa đời thường, trong mỗi người đều có một ông Bụt, hãy mở lòng ra và suy nghĩ đến mọi người chung quanh khi ta quyết định làm một điều gì đó… Ông Bụt là những bữa ăn của nhà giàu không phung phí, biết ý thức tiết kiệm để chia sớt cho những nơi còn đói nghèo. Ông Bụt là những vị bác sĩ có tâm với bệnh nhân v.v… Chúng ta hãy mở lòng để cảm nhận chung quanh và yêu thương. Không cần mơ cảnh thấy thiên đường.
Quê hương như người mẹ hiền luôn dang rộng vòng tay, sẽ tự hào cười rạng rỡ khi ta nên người, sống tốt và cũng đau khổ hết nước mắt khi bị dày vò bao lụy phiền, mẹ có bỏ con bao giờ. Hãy là niềm tự hào cho quê hương, cho đất mẹ.
Trời cuối năm se lạnh! Ngày Đông làm xao lòng những kẻ xa quê… Dù xa đến mấy quê hương vẫn là nỗi nhớ thiết tha, họ luôn đau đáu dõi về. Nhớ con đường đến lớp. Nhớ cô bạn học ngày xưa hai tà áo dài bị một cậu trai nghịch ngợm cột chung. Nhớ con sông miền Nam đầy tôm cá. Nhớ củ khoai nướng mùa mưa lũ miền Trung. Nhớ cái rét căm căm miền Bắc với mùa hoa sữa trắng… Những con đường họ qua vẫn mong đem lại thành quả đầu tiên, vinh dự đầu tiên cho quê hương mình. Mong quê hương được bình yên, được giàu mạnh…
Miên man với những suy nghĩ, tiếng bà hai Bưng làm chị giật mình, chạnh lòng cay đầu sóng mũi…
Từ đầu ngõ tiếng bà hai Bưng đã rổn rảng:
- ÚT ơi, có ông hai Bưng bên bây không?
Chị khẽ cười. Là vậy đó! Bà Hai Bưng lúc nào cũng nghe tiếng trước khi thấy người.
- Dạ có chị.
- Tới giờ cơm rồi còn chưa chịu về, sắp nhỏ đói bụng ngồi chờ ổng.
Bà Hai vừa đi, vừa đánh đàng xa ngoe ngoảy cái nón lá.
- Vô nhà uống nước đã chị.
Không đợi mời tới tiếng thứ hai, bà Hai Bưng đã sà xuống ngồi cạnh, miệng không ngớt, chuyện nọ, chuyện kia, lại bức xúc trong lòng. Bà Hai nổi tiếng tám chuyện nhất xóm, nhưng cũng có tình, nhà ai hữu sự bà đều xắn tay áo lên giúp. Nghe đâu có chuyện gì bà đi vô, đi ra nhấp nhổm không yên. Phải bây giờ mà có “Bà Trưng, Bà Triệu” chắc bà đã đầu quân…
Đàn bà là một nửa của thế gian… Trái tim đàn bà vẫn bơm máu lên não để đau nỗi đau chung. “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm.” Câu thành ngữ nói lên tầm quan trọng cũng như tâm huyết một người đàn bà luôn dặt trái tim mình trong ngôi nhà yêu thương. Ngôi nhà chung, ngôi nhà lớn đó là quê hương.
Tiếng ông Bưng nhà trên vọng xuống
- Đi về bà ơi!
- Lại nhiều chuyện gì đó?
Bà Hai Bưng đứng dậy.
- Về nghe Út.
- Dạ chị về.
Sực nhớ nồi cá kho trong bếp.
- Chết rồi! - Chị chạy vội vào, may mà chưa khét.
Nhớ đến giấc mơ hôm qua, chị tủm tỉm cười. Tiếng chồng chị vói theo…
- Má thằng Tý hôm nay sao vậy?
Ừ, chị là đàn bà, làm gì cũng phải lo cho cái bao tử chồng, con trước. Chồng thôi cái ngữ điệu: “Đàn bà” nhé! Tối nay em về mơ làm đàn ông bàn chuyện thế nước cho biết tay!!!
Saigon, tháng 5/18
Hãy Cho Đi
Ánh nắng cuối chiều đã tắt. Đêm Sài Gòn ngập tràn ánh sáng. Một năm dài, thời gian như không đủ, ngày cuối năm vội hơn. Những tờ lịch mỏng dần. Họ vội vã kết thúc tạm thời cuộc làm ăn cuối năm... Vậy mà ở một góc cuộc đời, có những con người chuẩn bị cuộc hành trình mùa xuân yêu thương, đến một nơi thật xa phố thị để sẻ chia chút tình. Họ nghĩ: cho là nhận...!
Gấp vội mấy bộ quần, áo. Cho vào túi xách, nhanh kịp giờ hẹn. Lấy nón kết và mắt kính. Tôi chào con trai "Mẹ đi nhé!" Đến điểm tập trung. Một hành trình yêu thương đã được tổ chức, chuẩn bị đóng gói hoàn tất, chỉ chờ lên xe. Để có được một chuyến đi, sự chung tay của các mạnh thường quân là không thể thiếu. Những tấm lòng nhân ái.
Xe bắt đầu chuyển bánh đón các tình nguyện viên ở nhiều trạm. Tôi thấy mình thật nhỏ bé... Yên vị chỗ ngồi, mọi người rôm rả cười nói. Họ đi với tâm tình yêu thương, những nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt mỗi người (Hình như họ không phải đi cho mà đi nhận...) Không phải người nhận mới cảm thấy hạnh phúc. Người cho hạnh phúc nhân đôi. Những con người ngồi chung nhau trên một chuyến xe. Có người là doanh nhân, có người trí thức, buôn bán, về hưu và nhất là những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi. Có chung một tâm niệm cho đi tình yêu thương.
Ra khỏi thành phố xe bắt đầu lướt nhanh, cảnh vật hai bên đường lùi về phía sau và ánh sáng chỉ còn thưa thớt, cho đến những đoạn đường chìm hẳn vào bóng đêm. Thấp thoáng đèn pha của những chiếc xe ngược chiều, tín hiệu sự giao nhau cho đến khi lướt qua. Trả lại cho đêm sự tĩnh mịch vốn có. Tôi thích lặng yên với miên man suy nghĩ... Con người ngang qua nhau mỗi ngày giữa cuộc đời, hãy gởi cho nhau những tín hiệu mà lòng yêu thương dẫn lối. Một nụ cười, một ánh nhìn thân thiện đó cũng là sự trao tặng. Trao tặng là biết sẻ chia, điều đó vô cùng quan trọng. Sự cho đi vô điều kiện.
Mỗi người chúng ta, ai cũng có cái để cho đi. Không phải chỉ có tiền bạc. Tài năng, thời gian và sự quan tâm. Tất cả những thứ đó ta đều có thể trao tặng. Thật đáng buồn nếu không biết cho đi một trong những thứ mà ta có. Lòng sẻ chia đôi lúc với người nhận mang ý nghĩa sống còn và với người cho có yếu tố làm thay đổi cách nhìn nhận với cuộc đời.
Xe chạy chậm lại. Trưởng đoàn Thông báo nghỉ qua đêm. Đã 1 giờ khuya. Mọi người nhẹ nhàng xuống xe, nhận phòng theo sự sắp xếp. Đêm miền cao lạnh co ro, cái lạnh như miết vào da thịt để nhớ.
Tiếng động của mấy chị chung phòng đánh thức tôi bật dậy, nhìn đồng hồ đã năm giờ sáng, lật đật làm vệ sinh chuẩn bị lên đường. Ngủ được mấy giờ đồng hồ nhìn ai cũng tỉnh táo. Trời đã mờ sáng, không như thành phố, sự trở mình thức giấc của miền cao còn ủ trong chăn. Đường phố thưa thớt xe cộ, qua một khúc cua vào con hẻm, xe dừng lại ăn sáng. Nhìn nồi bún bò bốc khói thơm lừng, được chủ nhà chưng ra mặt tiền đang sôi sùng sục, ai cũng thấy đói. Đoàn thiện nguyện đã ngồi chật quán. Tô bún được bưng ra hấp dẫn, dĩa rau còn hấp dẫn hơn. Chanh, ớt đủ vị, nhưng lúc này không phải thời gian để thưởng thức ẩm thực. Mọi người ăn thật nhanh để còn lên đường.
Xe đoàn tiếp tục hành trình của mình, điểm đến là một vùng sâu với đồng bào dân tộc thiểu số. Từ ô cửa nhìn ra bên ngoài, xe đi dọc quốc lộ, qua thị trấn, rẽ vào con đường nhỏ đi sâu vào bên trong thăm thẳm. Con đường ngoằn nghèo hai bên là cây rừng, những mảnh đất trống được khai phá thoáng tầm nhìn. Núi đồi nhấp nhô phơi mình với chiếc áo mỏng mờ sương chờ mặt trời lên.
Xe tiếp tục đi sâu hơn cho đến khi mặt trời với ánh sáng trong vắt trên đỉnh núi. Thật đẹp! Công trình của thượng đế tuyệt vời... Trưởng đoàn phân công việc cho từng nhóm và thông báo xe sắp đến điểm dừng. Từ trên đỉnh dốc nhìn xuống, một khoảng trống đất đỏ đã thấy các em nhỏ trong trang phục đủ màu sặc sỡ tập trung. Các em đến từ đâu? Đi bao nhiêu cây số đường rừng?... Những đôi mắt to tròn lặng yên chờ đợi. Tôi nghe tim mình thắt lại... Quà là những bộ quần áo mới, đôi dép mới cho trẻ em và người lớn trong dịp xuân về. Quà là những tấm mền để cái lạnh vơi bớt giữa đất trời hoang sơ. Bánh kẹo các loại, những thùng sữa gợi cho các em nhớ, rời bầu sữa mẹ các em không còn cơ hội, sữa chỉ có trong tâm tưởng. Tôi nghĩ đến những chiếc đùi gà được nhúng bột, chiên giòn bên ngoài, bên trong mềm được tẩm ướp vừa ăn mà các em sắp được thưởng thức… Trẻ em thành phố có khi cha mẹ dỗ dành mới ăn. Với các em như một giấc mơ. Thật xót...
Xe ngừng hẳn.
Điểm tổ chức thiện nguyện là nhà sinh hoạt của giáo xứ, trên một ngọn đồi lồng lộng, làm tạm thời không kín vách, đất đỏ, bụi mù mịt khi con gió cố tình ngang qua. Các gian hàng được bày ra vội vã... Hàng đã được các tình nguyện viên dỡ xuống. Mọi người cố gắng làm nhanh nhất có thể, dưới sự phân công của anh chị trưởng đoàn. Với hơn một ngàn phần quà! Một nhà bếp được bày ra, đỏ lửa phục vụ thức ăn. Các em đến mỗi lúc một đông hơn, dưới sự hướng dẫn của Cha phó và các Sơ. Một trật tự đến bất ngờ... Buổi phát quà diễn ra thật cảm động. Một cánh tay đưa ra, một cánh tay đón nhận. Một ánh nhìn yêu thương, một niềm vui loé sáng trong đôi mắt thơ trẻ.
Đến quá trưa buổi phát quà mới kết thúc. Phần quà cuối cùng cũng không thiếu. Mọi người đã thấm mệt. Bây giờ mới biết đói. Buổi ăn trưa với những gì còn lại (không thiếu mì gói...) Ai cũng vui.
Đời người vô thường. Khi ta biết nhận sự ban phát từ thượng đế. Mỗi một mảnh đời là một thông điệp mà ngài muốn chúng ta thực hiện. Hãy biết tạ ơn. Một trái tim biết ơn đó là một trái tim biết chia sẻ. Dù cuộc đời ta có khuyết đi một góc... Người ích kỷ luôn đặt câu hỏi "Tại sao điều này lại xảy ra với tôi?" Với cảm giác mình là nạn nhân thì sự rộng lượng trong họ không có. Họ không thể cho đi mà chỉ muốn nhận... Có bao giờ bạn ngồi đếm lại hạnh phúc của mình chưa? Ngoài những của cải vật chất, bạn có gạch đầu dòng những gì mà thượng đế ban tặng để rồi tạ ơn và chia sẻ với người khác và bạn trở thành niềm hạnh phúc của một ai đó... Ý nghĩa hạnh phúc của bạn thật giá trị. Hạnh phúc là quà tặng. Cách cho tuyệt vời nhất đó là cho trong vui vẻ, cho trong tự nguyện. Ai cũng cần được quan tâm, chia sẻ. Thế nên tất cả chúng ta ai cũng có thể cho đi cái mình có.
Cuộc hành trình đã kết thúc. Để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc. Cám ơn hành trình yêu thương. Cám ơn những con người đã đem tâm yêu thương chia sẻ với nhiều mảnh đời không tròn. Họ cho đi trong thinh lặng...
Chúng tôi chia tay nhau lưu luyến. Hẹn gặp lại trong hành trình sắp tới... Hãy biết cho đi khi mình đã nhận rất nhiều từ thượng đế...!
Saigon - 1/19
Ngày Giỗ
Chị đứng trước di ảnh của anh. Đốt nén nhang như mọi ngày... Nén tiếng thở dài, chị nghĩ thầm "Mới đó đã giỗ lần 4." Thời gian qua nhanh như chớp mắt. Cuộc sống vô thường. Còn, mất là chuyện không ai tránh khỏi. Đứng trước sự ra đi của một con người, cho dù không phải là người thân thương mình vẫn cảm thấy xót xa... Vì lần ra đi này là mãi mãi. Anh là chồng của chị. Là một phần đời chị. Rồi đến một ngày tâm thái chị không động... Ngày đó nắng sẽ hanh vàng óng ánh. Chị gói mưa gió cuộc đời cất kĩ. Chị nhìn thấy mây xanh trên bầu trời nhẹ nhàng bay. Có những ký ức đã trở thành một phần đời mỗi con người... Ta phải biết để lại phía sau, tiến về phía trước cho hành trang nhẹ hơn.
Trời chợt đổ mưa! Cơn mưa trượt dài theo gió hất ngược như nước mắt tủi hờn, ấm ức mà người đàn bà nén vào bên trong, chốc lát đã tạnh hẳn. Chị làm mâm cơm với những món thường ngày anh thích lúc còn sống. Con người nghĩ cũng lạ. Thiếu gì món cao lương mỹ vị đã nếm qua... Vậy mà những món bình dân, đơn giản lại khiến người ta thèm. Trên mâm cơm chị dọn lên. Một dĩa cải chua xào phèo non. Một dĩa khô cá hú chiên dòn. Một tô canh khoai mỡ nấu với tôm khô, nêm chút hành lá, cắt nhỏ với rau ngò ôm. Một bữa cơm ngày thường của gia đình. Có phải cái không khí ấm cúng được cùng người thân bên mâm cơm gia đình đã khiến ta thèm.
Nhà chỉ còn ba mẹ con. Chị nhắc cho con nhớ ngày giỗ của ba. Chị muốn các con nhớ cội nguồn, sống phải biết tri ân và rồi mẹ con ăn cơm. Nhóc lớn trầm ngâm. Nhóc nhỏ hỏi đủ thứ về ba, tía lia... Riêng chị, nhớ tháng ngày cũ, cũng tiết trời đông se lạnh. Mùa Noel về. Đó là những ngày cuối của anh. Ngày anh cứ tiến về phía cuối con đường trong sự tỉnh táo, đau đớn. Anh mòn mỏi, hao gầy như cây xanh vàng võ. Từng chiếc lá rụng dần, cây gục đầu xót xa với lụi tàn. Ánh mắt hun hút từ hốc mắt sâu thẳm như chút nắng cuối cùng sẫm màu trốn sau vách núi hắt lên mờ nhạt để rồi lọt thỏm trong đêm. Anh nằm yên bất động, tấm thân teo quắp ươm mầm sự chết mỗi ngày chị cảm được. Chị giành giựt, giữ lại được gì từ tay thần chết, ngoài những hình ảnh ăn sâu vào ký ức bất lực, yếu đuối của con người trước cái chết. Cảm giác trả về không, thật đáng sợ...
Mọi người đều biết rằng mình sẽ chết, nhưng ai hầu như cũng quên nó. Vì nếu chúng ta nhớ về nó... Có thể là hôm nay... Ngày mai... Để có thái độ thích đáng đón nhận nó bất cứ lúc nào. Chắc chắn rằng ta sẽ sống mãnh liệt hơn, tốt đẹp hơn. 
Ai cũng từng nhìn thấy người khác chết. Sự chết thật khó lý giải. Đôi khi ta sống mộng du giữa thế giới thực - ảo. Ta không cảm nhận trọn vẹn cuộc sống chung quanh, chỉ khi đối diện với sự chết. Phải! Ta sẽ nhìn sự việc một cách khác.
Noel năm đó anh làm một hang đá nhỏ đặt trên bàn bên cạnh giường bệnh. Cười buồn anh nói: "Noel cuối cùng của anh." Chị nắm tay anh xót xa, nhói buốt... Như một phán quyết của thượng đế. Sự chờ đợi này thật kinh khủng. Anh quý từng chút thời khắc của trần gian. Ngày, đêm anh không ngủ, như cố chống trả một thế lực vô hình đang chực chờ ngoài cửa. Anh sợ nhắm mắt rồi sẽ mãi mãi không tỉnh dậy nữa. Chị cảm được anh đang nhìn như giữ lại từng hình ảnh của cuộc sống, từng người thân cất vào bên trong cái phần hồn tồn tại không chết. Trong đôi mắt sóng nước, sự sợ hãi cô đơn khi phải đi một mình. Còn bao nhiêu tiếc nuối vì không có cơ hội quay lại để sống những ngày mà chỉ khi đối diên với cái chết ta mới cảm nhận nó đúng đắn nhất.
Đêm chị nằm co trong chiếc ghế xếp bên cạnh giường anh. Mắt nhắm lại mà bên trong rỗng như một nấm mồ chưa chôn. Mệt mỏi chị thiếp đi và mơ thấy những con người mang bản năng ác thú xé nát gia đình chị. Chúng rượt đuổi chị đến tận cùng. Chị hụt hơi choàng tỉnh. Bật dậy, chị sợ mình trể một tiễn đưa...
Anh ngồi tựa lưng vào tường bất động, chỉ đưa mắt qua nhìn chị hỏi nhỏ: "Em gặp ác mộng?" Chị trả lời anh: "Dạ không." Bên ngoài những tia nắng đầu tiên nhảy múa. Sự sống trêu ngươi kẻ đứng bên bờ hai thế giới.
Xóm đạo tưng bừng đèn sao. Mọi người háo hức với niềm vui chung đón mừng đại lễ. Giáng sinh. Mới sáng sớm anh đã nhắc chị: "Nấu món gì ngon ngon cho con ăn." Trong chị cồn cào bất thường... Chị trả lời cho anh vui: "Dạ. Em sẽ nấu một món ngon."
Đêm hôm đó khi chuông nhà thờ tan lễ. Anh ra đi nhẹ nhàng. Từng hồi chuông giục giã tiễn đưa. Thể xác anh lạnh dần. Những nhịp đập cuối cùng đã tắt sau khi nói với chị những lời nhẹ như gió thoảng "Ước gì anh có cơ hội lần hai." Chị hoá đá...!
Chúng ta có một cuộc đời dài để ước. Ước mơ mỗi ngày. Niềm mơ ngày mai sẽ đẹp hơn hôm nay. Vì chúng ta luôn mơ ước những điều tốt đẹp. Đừng để phải tiếc nuối vì niềm mơ không thực hiện được.
 
Chị nói thầm với anh "Anh về ăn cơm cũng mẹ con em. Em kể cho anh nghe một kỷ niệm xưa." Đôi khi ta cũng phải biết khơi gợi vùng ký ức tươi đẹp đã bị những âm u, mây xám che lấp. Duyên nợ giữa đời đều bằng sự vô hình đưa đẩy... Tuổi thanh xuân thật đẹp. Hồi con gái em thích để tóc dài thả bồng tự do. Anh theo sau như một tình cờ, sự tình cờ cố ý lặp lại... Anh được vợ chỉ với một đôi vớ trắng mang cho ấm chân trong những ngày đông, đã làm em động lòng. Trời cao nguyên, sáng chiều sương mù giăng phủ. Anh được vợ chỉ với trái tim một chàng trai mới lớn. Để rồi có những buổi chiều tối, hoàng hôn khuất sau núi đồi chỉ còn lại khoảng sáng nhàn nhạt mờ sương. Lất phất dưới mưa sau giờ làm việc. Chiếc dù đen che nghiêng hướng gió, mình đi qua một triền dốc dài ngút ngàn hoa dã quỳ hoang dại vàng suốt một mùa. Thật đẹp! Mỗi lần ngang qua, em đều thích thú vuốt nhẹ cái thảm vàng tươi ngậm nước. Cảm giác từng giọt... Từng giọt... Lạnh buốt bàn tay. Chỉ để được cùng nhau tản bộ dưới mưa, cùng nhau ghé quán chọn một chỗ ngồi, tầm mắt có thể nhìn suốt con đường dốc, thưa thớt cột đèn tỏa ánh sáng vàng co lại dưới sương mù. Chén chè nóng nhâm nhi để có nhiều thời gian nghe Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn.
Có phải sự khởi đầu nào cũng tốt đẹp? Trời đất có hai miền sáng tối. Cuộc sống muôn mặt. Đôi lúc không biết tự lúc nào hạnh phúc lạc vào miền bóng tối không tìm được lối ra...
Chị gắp thức ăn cho nhóc nhỏ, món khô chiên giòn ngon miệng nhóc thích. Nói chuyện với con mà trong đầu vẫn chưa dứt những suy nghĩ. Khi đứng trước cái chết, mọi phù phiếm trên thế gian không còn quan trọng nữa. Chúng ta dành thời gian cho những thiết yếu có ý nghĩa tâm linh ngày thường rất thiếu. Sự bám dính vào những thứ vật chất không làm con người thỏa mãn. Ta xem thường những điều tốt đẹp trong trời đất đang hưởng dùng, được thượng đế ban tặng và một điều tiếc nuối là đã xem thường những mối quan hệ yêu thương đang có.
Một người bệnh đã lâu nằm trên giường. Nhìn ra bên ngoài thấy nắng ấm, thấy gió đong đưa những cụm mây xanh đùa giỡn, quấn quýt trên bầu trời. Nằm lắng nghe những âm thanh của sự sống bên ngoài… Chắc chắn một điều sẽ trân trọng khung cửa biết bao.
Gia đình là tất cả. Đó là điểm tựa vững chắc cho con người trong mọi hoàn cảnh. Nền tảng của gia đình là yêu thương. Một khi gia đình không còn là điểm tựa thật bất hạnh. Chị buông đũa nén tiếng thở dài, gạt những suy nghĩ mông lung ra khỏi đầu. Nhóc lớn nhìn mẹ lên tiếng " Mẹ ăn thêm." Chị mỉm cười trả lời con "Hai anh em ăn đi. Mẹ no rồi." Cuộc sống vợ chồng giống như một sự khởi hành ra biển cả. Tình yêu thôi chưa đủ...
Ở nơi xa đó anh thấy con ngày một lớn. Anh đi. Bên đời trống một chỗ/Lấp đầy. Ngôi mộ xác thân đau/ Ngoài kia. Gió hú mưa gào thét/ Phận người. Xa xót một lần đưa…
Ba nén nhang mẹ con chị thắp cho anh cong tròn trân trọng. Một phận người...!.
Saigon - 12/18
SG 4/4/2018
 Yên
Theo https://vnthuquan.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...