Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2021

Quê mẹ 1

Quê mẹ 1

Tựa
Thanh Tịnh có lẽ là nhà văn đầu tiên ở miền Trung đã trình bày các mối dây liên lạc nơi ông với đồng nội quê hương, những dây liên lạc nhẹ nhàng như tơ đồng ngày thu, nhưng không vì thế mà kém phần vương vít và quyến luyến. Gió mùa của cả một vùng làng mạc và đồng ruộng ấy, chúng ta thấy lướt qua trong tác phẩm của ông, trong những truyện ngắn mà hầu hết khung cảnh là lũy tre của một xóm nhỏ, hoặc dòng sông con chảy qua ruộng lúa xanh tươi. Cốt truyện chỉ là những việc xảy ra trong đời thường ngày của các nhân vật vẫn sống trong các làng, bến rải rác theo dọc sông, hoặc đã rời bỏ các nơi ấy đi làm ăn phương xa, nhưng mà trong lòng lúc nào cũng tưởng nhớ cái Tình Quê hương đằm thắm.
Làng Mỹ-lý (một dặm đẹp) có lẽ không phải là một làng có thật trên bản đồ. Nhưng mà lại thật hơn, nếu tôi có thể nói thế, - đầy đủ và hoạt động hơn bất cứ một làng nào. Làng Mỹ-lý có lẽ chỉ là biểu hiệu cho tất cả các làng mạc trong một miền, nhưng cái tài của tác giả đã khiến cho gần gụi và thân mật; chúng ta tưởng đâu như sống đã lâu năm ở trong đó, cùng với người làng tham dự vào các công việc hàng ngày và cùng chia xẻ những nỗi buồn, vui.
Và chúng ta được chứng kiến những công việc rất thôn quê và mộc mạc. Một ngày gặt lúa, một buổi ra làng, hay một chuyến đò dọc từ chợ làng Thiện đến đầu làng Viễn-trình. Những cảm tình cũng giản dị như cuộc đời sống ấy, và chỉ đầy đủ hương vị trong lũy tre hay trên đồng ruộng ấy mà thôi. Có lẽ, linh hồn người ở đấy còn nhiều màu sắc khác, trong cuộc sống còn nhiều bi kịch khác, nhưng mà tác giả chỉ tả có cái vẻ êm ả và nên thơ. Tâm hồn ưa thích cái gì vừa đẹp đẽ, vừa nhè nhẹ, tác giả không lách đi sâu, nhưng dừng lại ở một làn gió, ở một cái thoảng hương thơm của hoa cỏ bốn mùa. Chiều trong Quê Mẹ thật dịu dàng, và bóng trăng trong Quê Bạn cũng hiền lành êm ả. Tình quê hương của cô Thảo là một cái tình man mác và An-nam lắm. Cũng như cái tình yêu trung thành và kín đáo của cô Sương, an phận và nhẫn nại ngay từ trước khi yêu. Và trong những tình đó, có cái gì nho nhỏ xinh xinh, một cái gì đáng yêu thương khiến chúng ta cảm động; và chúng ta chú ý lắng nghe cái giọng hò mái đẩy (trong câu truyện hay Tình trong câu hát) ngân dài trên phá Tam-giang giữa cánh đồng bát ngát và dưới «trời một vùng đêm dài không hạn». Đó là tiếng nói của những tâm hồn quê mùa kia, bài ca hát của đất nước một miền đồng ruộng, nhờ tác giả mà nhịp điệu và giọng buồn đến thắm thía chúng ta.
Thanh Tịnh đã muốn làm người mục đồng ngồi dưới bóng tre thổi sáo để ca hát những đám mây và làn gió lướt bay trên cánh đồng, ca hát những vẻ đẹp của đời thôn quê. Ông có đạt được chăng cái ý muốn ấy, và tiếng sáo kia có uyển chuyển du dương không, tôi xin để các bạn đọc phán đoán lấy. Tôi chỉ muốn nói rằng trong lúc các nhà văn ta bắt đầu trở về đất nước để gìn giữ các hương hoa, Thanh Tịnh đã cho chúng ta nghe cái tiếng sáo nhỏ và thanh của ông, khẽ nổi lên lẫn với tiếng hò của bạn gặt trên sông để ca ngợi cái tình và cái thi vị của một vùng.
THẠCH LAM
QUÊ MẸ
Chiều chiều ra đứng cửa sau
Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều.
(CA DAO)
Cô Thảo ra lấy chồng đã ba năm. Anh Vận chồng cô hiện làm Hương-thơ ở làng Mỹ-lý. Anh Vận trước kia có theo học chữ quốc ngữ, nhưng đã hai năm thi Yếu-lược không đậu nên anh ta lại thôi. Qua năm sau dân trong xóm bầu anh ta lên làm Hương-thơ trong làng. Ngày nào anh cũng đi nhà này qua nhà khác phát thư, rồi chiều đến lại phải ra tận đình để lấy hòm thư đem lên huyện.
Công việc của anh tuy vất vả, nhưng lương tháng - hay nói cho đúng lương năm - của anh trông ít quá. Làng chỉ trích cho anh ta ba mẫu ruộng và năm đồng bạc để làm tiền lộ phí. Nhưng năm đồng ấy thì không bao giờ anh nhận được. Vì các viên chức việc đã khéo léo trừ với món tiền phải đóng sưu này thuế khác gần hết.
Nhưng ở vùng quê, được một chức nghiệp như thế, anh Vận cũng cho là danh giá lắm. Và bà Lại, mẹ anh Vận, lúc nói chuyện với những người quen, cũng không quên tự hào được một người con ra đảm đương việc làng việc nước.
Cô Thảo ra lấy chồng vốn liếng không có nên không đi buôn bán gì hết. Cả nhà chỉ trông vào sáu mẫu ruộng tranh và ba mẫu ruộng làng để sống năm này tháng khác.
Chiều hôm ấy lúc thoáng thấy bóng chồng đi về đến cổng, cô Thảo liền vội vàng ẵm con ra sân để đón. Thấy anh Vận ra dáng mệt nhọc nên cô ta chưa dám hỏi gì hết. Vào tới sân, anh Vận liền đến ngồi trên cái chõng. Cô Thảo để con ngồi một bên chồng rồi đột ngột chỉ cây thanh-trà bên bờ hè nói khẽ:
- Cây thanh-trà mới đấy mà đã có trái rồi cậu ạ.
Anh Vận để con ngồi trên chân, rồi cúi đầu xuống nhìn mặt con dịu lời đáp:
- Thế à. Cây thanh-trà ấy trông dáng khô khan không ngờ lại giống tốt
Cô Thảo ghé một bên chồng nói tiếp:
- Cây thanh-trà ấy tôi đem từ bên nhà qua đây. Mới hai năm đã có trái ăn được kể cũng nhanh thật.
Anh Vận như sực nhớ một việc gì, nhìn vợ hỏi vội:
- Tôi nhớ ra rồi. Hôm ấy là ngày giỗ ông bên mợ. Mợ về làng ăn giỗ rồi đem cây thanh-trà ấy qua cho tôi. Tôi cũng quên lúc ấy mợ đã có thằng Lụn chưa?
- Rồi, nhưng nó mới được ba tháng.
- Mà tôi quên giỗ ông nhằm ngày mấy?
Cô Thảo nhìn chồng mỉm cười:
- Được vài ông rể quí như cậu thì ngày giỗ của nhà tôi cũng không khỏi hương tàn bàn lạnh. Giỗ ông nhằm một ngày dễ nhớ nhất mà cậu cũng quên.
Anh Vận như nhớ lại được, gật đầu lia lịa:
- Thôi tôi nhớ được rồi. Giỗ ông vào tiết Trung-thu phải không mợ?
- Không phải, ngày rằm tháng tám.
Anh Vận lớn tiếng cười vang làm cho thằng Lụn cũng phải ngẩng mặt lên nhìn ngơ ngác.
– Rõ ngớ ngẩn như đàn bà. Tiết Trung-thu hay rằm tháng tám có khác gì nhau. Có khác là người hay chữ họ thường gọi tiết Trung-thu, còn người... ít hay chữ thì gọi rằm tháng tám....
Cô Thảo nhìn chồng cười mỉm:
- Người hay chữ với lại người ít hay chữ! Thì cậu cứ nói người dốt với người thông có được không.
Thật ra thì anh Vận cũng có ý nói người hay chữ với người dốt, nhưng lai sợ làm mếch lòng vợ.
Anh Vận nhìn ra trước cổng yên lặng. Thằng Lụn cũng muốn tụt xuống đất đùa với đàn gà con đang đi qua gần đấy. Cô Thảo vào nhà thắp đèn rồi lại trở ra ngồi chỗ cũ. Mảnh trăng trong lúc ấy đã bắt đầu giọi ánh sáng dịu dàng qua hàng tre trước cổng.
Trông thấy ánh trăng, anh Vận quay lại hỏi vợ:
- Hôm nay là mấy rồi mà trăng sáng quá?
- Ngày mười ba.
Anh Vận thả hai chân xuống chõng nhìn vợ ngơ ngác:
- Thế ngày mốt là ngày giỗ ông rồi à? Và ngày mai là ngày mợ phải về làng.
Cô Thảo cúi đầu nhìn xuống đất đáp khẽ:
- Phải.
Anh Vận đưa tay lên gãi đầu:
- Thật tôi vô tình quá. Ngày kỵ đã gần đến mà cũng quên.
Cô Thảo ngồi yên lặng không đáp. Thật ra tối hôm ấy cô muốn xin chồng về làng giỗ ông, nhưng cô không muốn nói thẳng. Cô tự nghĩ nhắc chồng ngày giỗ ở nhà mình là một việc chướng lắm. Thật tự nhiên để cho chồng nhớ lại thì hơn. Nhưng mãi đến chiều cũng không nghe chồng nói gì, nên cô phải mượn đến chuyện cây thanh-trà để nhắc xa xuôi cho chồng nhớ.
Tối hôm ấy, cơm nước xong xuôi, anh Vận liền đến xin mẹ cho vợ về làng ăn giỗ.
Bà Lại nhìn cô Thảo đang ẵm con đứng tựa bên cột bảo khẽ:
- Ừ về thì về. Nhưng bên nhà ngày mai giỗ ai mà tôi cũng quên phắt đi rồi.
- Thưa mẹ, giỗ ông con.
- Thế à.
Nghĩ một lát bà ta nói tiếp:
- Mai mợ chắc phải về làng sớm. Lúc ấy có lẽ tôi cũng chưa dậy. Vậy tối nay mợ ra ngoài vườn cắt một buồng chuối mật - buồng chuối gần bên cái giếng ấy - để về giỗ ông. Năm nay tôi bận việc nhà quá, chắc qua không được. Thôi nhờ trời năm khác.
Nói xong bà Lại lách bàn tay vào túi yếm lấy ra một hào xu rồi đưa cho cô Thảo.
- Thôi cho mợ một hào để đi đò. Và nhớ chớ để em ngồi nhìn xuống mặt nước.
Cô Thảo vội vàng đỡ con xuống, đưa hai tay nhận tiền tỏ ra vẻ sung sướng lắm.
Trước khi đi ngủ anh Vận cũng chạy quanh xóm mượn chỗ này chỗ khác cho cô Thảo thêm bốn hào nữa.
Tối hôm ấy cô Thảo không đi ngủ sớm. Cô đặt con ngủ yên bên chồng xong lại lật đật xách dao ra sau vườn chuối. Loay hoay một lúc lâu cô mới đem được buồng chuối mật vào nhà. Cô đem để vào một góc thật kín vì cô sự nửa đêm chuột đến khới. Xong rồi cô mới qua bên nhà cô Thị mượn đôi hoa tai vàng và cái nón lá mới. Sắp đặt đâu đó xong xuôi cô mới lên giường nằm ngủ.
Trời tờ mờ sáng cô Thảo đã trở dậy sắm sửa đi về làng. Làng cô ở cách xa làng Mỹ-lý hơn mười lăm cây số. Vì vậy nên mỗi năm cô chỉ được về làng chừng hai ba lượt là nhiều. Xưa kia cô từng qua lại làng Mỹ-lý ngày một để bán gạo, nhưng sau lúc cô ra lấy chồng thì quê nhà đối với cô đã là nơi xa lạ.
Qua những con đường mòn chạy nắp theo bờ ruộng, cô lại nhớ đến quãng đời bán gạo của cô ngày trước. Trong trí cô hiện ra lần lần hình ảnh của cô Thu, cô Nguyệt, cô Hương, những cô bạn mà trước kia cô cho là thân nhất.
Nhưng đời các cô ấy cũng như cô, nghĩa là cũng có chồng, có con và quãng đời làm dâu cũng vất vả, cũng phẳng bằng như nhau hết.
Đi chưa được bốn cây số cô Thảo đã thấy mỏi. Cô tự nhận thấy sức cô yếu hơn trước nhiều lắm. Cô muốn đi đò cho đỡ chân, nhưng sực nhớ đến những món quà cần phải cho em, cô lại gắng gượng đi nhanh hơn trước.
Qua khỏi đầu làng Duyên-hải thì cô Thảo gặp cô Đài, người bạn cùng làng thường chơi với cô ngày trước. Cô Thảo nhờ cô bạn gánh hộ buồng chuối mật và mấy gói bánh mua bên chợ Kỳ-lam. Cô Đài vui vẻ nhận lời ngay. Vào quán nước ở gần đấy nghỉ một chốc, hai cô lại cùng nhau lên đường chuyện trò không ngớt.
Về đến làng cô Thảo gặp ai cũng đón chào niềm nở. Lòng cô lúc ấy nhẹ nhàng và vui sướng lắm. Còn họ gặp cô đi đằng xa đã kêu réo lên om sòm như gặp được người sống lại. Họ hỏi thăm cô chuyện này chuyên khác, mục đích là để xem cô ăn mặc độ này có khá hơn trước không. Cô Thảo thấy người làng chào hỏi mình vồn vã nên đáp lại rất vui vẻ. Cô ta không quên lấy cái nón xuống, giả vờ quạt vào mình để mấy người đứng chung quanh được thấy đôi hoa tai vàng của cô.
Đến trưa hôm ấy thì cô về đến nhà. Mấy cậu em đua nhau ra níu áo chị. Cô Thảo xoa đầu đứa này đỡ cằm đứa khác, nụ cười trên môi cô không khi nào tắt. Trông thấy mẹ trong nhà đi ra cô mừng quá. Cô chạy lại đứng bên mẹ cảm động quá đến rưng rưng nước mắt. Một lúc sau cô đưa thằng Lụn cho mẹ ẵm rồi đi thẳng vào nhà để chào những người quen biết.
Bà Vạn cứ quấn quít bên cháu, bên con quên cả ngày giờ. Bà giới thiệu cô Thảo với người này người khác, bà nhắc đến chuyện cô Thảo lúc cô còn năm sáu tuổi. Bà kể đến đoạn nào bà cũng cỏ ý khoe cô Thảo đức hạnh và khôn ngoan đủ thứ. Bà nói mãi mà không biết chung quanh bà không ai nghe bà hết.
Sung sướng nhất là cô gái có chồng về nhà mẹ. Cô Thảo tuy về giỗ ông nhưng không làm gì hết. Cô vào phòng mẹ nằm ngủ cả buổi chiều, mãi đến lúc gần cúng cô mới chịu đi ra ngoài.
Lúc cô đứng lễ thì ông Vạn, thân sinh cô, vuốt râu cười nói:
- Con phải lễ thế phần chồng con nữa. Nó làm gì bên ấy mà không qua.
Cô Thảo sau khi thụt lùi ra khỏi chiếu mới khẽ đáp:
– Dạ, nhà con mắc việc quan.
Cô Khuê, chị em chú bác với cô Thảo, đứng gần đấy trề môi nói tiếp:
- Thứ đồ làm Hương-thơ mỗi năm ăn ba mẫu ruộng mà cũng gọi là việc quan.
Ai nấy đều nghe thấy nhưng không ai cãi lại. Ông Vạn đứng cúi đầu xuống hơi ngượng. Còn cô Thảo gương mặt đỏ bừng, quay đầu nhìn xuống bếp. Nhưng ngay lúc ấy cô lại gặp cặp mắt của mẹ đang nhìn cô chòng chọc. Cô đau lòng quá đến để hai dòng lệ chảy dài trên má.
Sáng hôm sau, cúng cơm sáng xong xuôi, cô Thảo lại sắm sửa đi qua làng Mỹ-lý. Cô gọi mấy đứa em đến gần rồi cho mỗi đứa năm xu. Trong nhà ai cũng khen cô rộng rãi và biết thương em, nên cô vui sướng lắm. Đang lúc cao hứng cô còn hứa sẽ gửi cho mẹ hai cặp áo quần mới để mặc Tết nữa. Nhưng chính cô cũng không biết sẽ lấy đâu ra hai cặp áo quần ấy. Chỉ trong nháy mắt cô Thảo đã phân phát tất cả số tiền cô đã dành dụm trong một năm.
Lúc sắp sửa lên đường, bà Vạn cho cô nửa con gà và một gói xôi để về nhà chồng. Lúc ra đi cô cảm động quá, đứng bên mẹ và mấy em khóc nức nở.
Về nhà chồng, cô Thảo lại làm việc từ mai đến chiều, tối tăm cả mày mặt. Lúc nào cô cũng nhớ đến mẹ nghèo, đến em thơ, nhưng nhớ thì lòng cô lại bùi ngùi, trí cô lại bận rộn.
Rồi chiều chiều gặp những lúc nhàn rỗi, cô lại ra đứng cửa sau vơ vẩn nhìn về làng Quận-lão. Nhưng làng Quận-lão ẩn sau đám tre xanh đã kéo một gạch đen dài trên ven đồi xa thẳm.
BẾN NỨA
Xem chợ lá làng Thiên. Trời mưa tầm tã. Trước khi cho thuyền rời khỏi bến, cô Phương còn nhìn lên bờ hỏi lớn:
- Ai về Viễn-trình thì xuống mà về.
Tiếng cô lạc mất trọng tiếng mưa rì rào của buổi chiều tàn buồn bã. Hôm ấy thuyền cô vắng khách. Cô đã cho thuyền đậu thêm một giờ nữa, nhưng người về vẫn không thấy một ai.
Cô lái đò liền nhổ sào gác trên mui rồi từ từ cho thuyền quay lại. Ngay lúc ấy một cụ già hấp tấp chạy xuống bờ sông đưa chiếc dù lên cao gọi lớn:
- Cô Phương ghé thuyền cho tôi về với.
Phương kéo nghiêng chiếc nón lá, nhìn lên bờ qua những dòng mưa chi chít:
- Cụ Uẩn đấy à ? Cháu tưởng cụ chiều mai mới về.
Vừa nói Phương vừa cho thuyền, quay mũi vào bờ. Cụ Uẩn xách đôi giầy hạ trên tay, lội ra khỏi bờ chừng năm bước. Lúc thấy mũi thuyền gần cụng vào bờ, cụ Uẩn liền đưa một tay giữ lại. Đoạn cụ bước lên thuyền rồi vội vàng chui vào trong mui.
Tiếng Cô Phương đằng sau lái nói:
- Cụ cởi áo ướt vắt trên dây. Để nước mưa thấm vào người độc lắm.
Tiếng nước mưa xối mạnh trên mui làm át cả tiếng cô Phương. Cụ Uẩn không nghe rõ nên nhìn ra sau lái hỏi:
- Cô Phương hỏi gì?
Phương nhìn vào mui thấy cụ Uẩn cởi áo ra rồi nên nói tiếp:
- Cụ xem giùm thằng Nghển của cháu nó đã ngủ chưa.
Tiếng cụ Uẩn trong mui đáp ra
- Rồi.
Phương lẳng lặng đưa mái chèo đẩy đều đều trên mặt nước. Thỉnh thoảng cô lại đưa tay vuốt mấy dòng nước mưa chảy tràn trên mặt. Phương vừa chèo vừa nhìn lên hai bên bờ để hy vọng vài người khách chậm chạp còn đuổi theo thuyền cô. Nhưng sau lũy tre cao ngọn, cô ta chỉ nom thấy vài ngọn đèn xanh đang rung rinh trong bóng nhạt.
Trước đây hơn một năm, Phương cùng chồng làm nghề chở khách từ chợ làng Thiên đến làng Viễn-trình. Hai làng cách xa nhau trên bốn mươi cây số. Lệ thường cứ đến chiều nhổ sào, thì sáng mai vào khoảng tám giờ, thuyền đã đến làng Viễn-trình. Làng Viễn- trình ở gần biển, nên dân trong làng thường đem cá tôm lên chợ Thiên bán.
Tất cả gia tài của hai vợ chồng Phương là một chiếc thuyền rộng ba mui, và đâu được ba bốn chục bạc. Lấy nhau được một năm thì Phương sinh thằng Nghển. Mỗi lần ẵm Nghển trên tay, chồng Phương thường tươi cười nói với vợ:
- Thằng Nghển là cục vàng biết nói của tôi đấy, mợ ạ.
Phương nhìn con, nhìn chồng, rồi một giọng ngây thơ nói sẽ:
- Câu nói làm tôi nhớ hồi còn đi học, thầy giáo có bắt tôi học bài Gà đẻ trứng vàng.
Chồng Phương âu yếm nhìn vợ rồi tự nhiên cười sung sướng.
Qua mùa đông năm sau, chồng Phương mang bệnh thương hàn rồi từ trần. Nghển lúc ấy mới hơn hai tuổi.
Theo nghề của chồng xưa, Phương lại một mình đưa thuyền qua ngày tháng.
Trời sẫm tối. Thuyền của Phương đến đầu làng Mỹ-lý thì trời tạnh mưa. Xa xa bên chân đồng làng Duyên-hải, đám mây đen dày đặc đã nứt ra dần, để lọt một thứ ánh sáng xanh dờn của mảnh trăng cuối thu.
Phương vừa chèo vừa cất giọng hò lanh lảnh:
Đi đâu cho thiếp theo cùng.
Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp theo.
Phương tự nhiên cảm thấy lòng lạnh lẽo và buồn man mác. Cụ Uẩn ngồi trong mui, với một giọng ngái ngủ hỏi sẽ:
- Cô Phương ơi! Thuyền đã đến đâu rồi cô nhỉ?
Phương nhìn lên đám lách um tùm hai bên bờ sông rồi đáp:
- Đến làng Đồng-yên rồi cụ ạ.
- Thật cô chèo mau quá.
Nghển nghe có tiếng động, tự nhiên lồm còm ngồi dậy khóc. Cụ Uẩn dỗ ngon dỗ ngọt một hồi lâu cũng không được. Cụ liền mặc thêm áo rồi bước ra sau lái nói với Phương:
- Thôi cô vào ẵm cháu ngủ đi. Để tôi chèo cho.
Cô Phương còn dùng dằng chưa chịu nghe:
- Ai lại để cụ chèo.
Trong mui, tiếng Nghển lại khóc thét lên. Cụ Uẩn giục:
- Cô đưa tay chèo cho tôi. Tôi tuy già nhưng trai tráng chưa chắc đã chèo kịp tôi.
Phương biết từ chối cũng không được nên đưa chèo cho cụ Uẩn.
Nghển thấy bóng mẹ đi vào thì khóc già hơn trước. Phương ẵm con trong lòng nói sẽ:
- Thôi con ngủ đi. Về đến làng Viễn-trình mợ sẽ mua kẹo cho con.
Nghển được thể quay đầu vào ngực mẹ khóc lớn:
- Con không ăn kẹo.
Phương đưa tay vỗ nhẹ vào lưng con:
- Thế con muốn gì ?
Nghển mếu máo:
- Thầy con đâu?
Rồi như mọi ngày, lúc nghe con hỏi đến cha, Phương lại nói dối:
- Thầy qua chợ Sình mua áo tốt cho con.
Nghển lại vùng vằng đầu nũng nịu:
- Con không cần áo tốt. Thầy con đâu?
Lệ thường đến lúc này, túng lắm, Phương mượn một người khách trong thuyền vờ làm «thầy» để dối con. Lúc ấy Nghển mới chịu ngủ yên bên người cha giả. Nhưng hôm ấy thuyền vắng khách, quanh quẩn chỉ một mình cụ Uẩn và Phương. Phương đang lúng túng chua biết tìm kế gì, thì Nghển đã khóc lớn:
- Thầy con đâu?
Phương kiên nhẫn dỗ con:
- Con nín đi. Mợ gọi thầy về đây.
Đưa đầu ra ngoài mui, Phương gọi lớn:
- Thầy nó đã về chưa. Mau xuống thuyền chẳng thằng Nghển không chịu ngủ.
Trong bóng tối của lũy tre xanh chạy dài theo bến Nứa, tự nhiên có tiếng người đáp:
- Tôi về đây. Ghé thuyền cho tôi về với.
Phương đang phân vân chưa biết người ta nói đùa hay nói thật, thì cụ Uẩn đã từ từ cho quay mũi vào bến.
Một người vận âu phục, nhanh nhẹn xách va-li bước xuống thuyền:
- Đâu, Nghển của tôi đâu? Sao nó lại không chịu ngủ.
Phương thấy người khách thì giật mình bẽn lẻn:
- Cậu Thảo đi đâu mà về khuya thế?
Thảo cũng vừa thấy Phương, nên cúi đầu ấp úng:
- Đò của cô mà tôi tưởng của ai.
Nghĩ một lát. Thảo nói tiếp:
- Tôi vừa xuống ga Mỹ-lâm về đây. Tôi về thăm thầy mẹ tôi.
Cụ Uẩn thong thả cho thuyền ra khỏi bờ rồi chèo xuôi theo dòng nước. Mảnh trăng hạ tuần rây bụi vàng trên quãng đồng lúa rộng. Phương ẵm con ra ngồi trước mui, gương mặt tự nhiên ửng hồng và đẹp một cách lộng lẫy. Tiếng nước reo hai bên mạn thuyền nghe nhẹ và êm. Nghển ngước mắt nhìn Thảo một hồi khá lâu rồi thỏ thẻ:
- Đây là thầy phải không mợ?
Phương nhìn ra sông đáp sẽ, giọng ngượng ngập:
- Vâng.
Nghển đưa mắt trân tráo nhìn Thảo, nói tiếp:
- Thế sao thầy không ẵm con?
Không để Nghển nói hết câu, Thảo đưa hai tay cất Nghển lên rồi vụng về ẵm vào lòng.
Nghển sung sướng reo lớn:
- Thầy mua kẹo cho con đâu?
Thảo cúi xuống mở va-li rồi đưa cho Nghển một gói kẹo tây.
- Kẹo cho con đây.
Lúc nói đến chữ con, lòng Thảo tự nhiên nghe êm êm một cách lạ. Phương nói lảng qua chuyện khác:
- Độ này thầy làm ở đâu?
Thảo quay lại đáp:
- Tôi làm ở sở Hỏa xa. Hôm nay được mấy ngày nghỉ nên định về thăm nhà.
Nghển vừa ăn kẹo vừa nhìn đàn đom đóm lập lòe hai bên bờ sông.
Phương đứng dậy quay đầu nhìn phía lái hỏi:
- Cụ Uẩn đã nhọc chưa. Để cháu ra chèo thay cụ.
Nghển đưa tay nắm chéo áo mẹ nặn nỉ:
-Mẹ đừng ra chèo. Mẹ ngồi đây với thầy với con.
Phương cúi đầu nhìn xuống sàn thuyền, hai má đỏ như gấc. Dưới ánh trăng gương mặt của Phương trông hồng hồng tươi xinh như bằng sáp. Lòng Thảo hồi hộp sẽ như cánh bướm.
Đằng lái, tiếng cụ Uẩn đáp lớn:
- Nước chảy xuôi nên chèo không mỏi. Lúc nào cháu Nghển ngủ sẽ hay.
Nghển nhìn về phía sau lái hý hửng:
- Tiếng ai đấy mợ?
Phương xoa đầu con:
- Tiếng cụ Uẩn.
Nghển ngước mắt đăm đăm nhìn Thảo:
- Con sợ cụ Uẩn lắm.
Thảo tươi cười:
- Tại sao... con sợ?
Nghển nói nhanh không suy nghĩ:
-Vì cụ ấy có râu.
Thảo nhìn Phương mỉm cười.
Tuy người giả vờ làm thầy Nghển mỗi ngày mỗi khác, nhưng Nghển chỉ hơi ngạc nhiên một chút rồi quen ngay. Vì những người này, người nào cũng biết vuốt ve Nghển và nhất là biết cho Nghển quà bánh. Trước kia Nghển hỏi đến thầy là vì nhớ. Chứ lâu nay Nghển hỏi thầy là cốt để hỏi quà bánh thôi. Nghển thấy Thảo ăn mặc sang lại vui vẻ nên thích lắm.
Con thuyền từ từ lướt nhẹ trên mặt nước, êm đềm như cái bóng. Thấy thuyền đến, vài con cò ngàng đang lội trên sông bỗng đập cánh bay thẳng vào trong mấy hàng cây đen tối. Nước rây xuống như mưa.
Thảo cầm bàn tay xinh xắn của Nghển trong tay mình rồi mỉm cười nhìn Nghển đang cố gắng rút tay ra.
Phương chống cằm vơ vẩn nhìn mấy thửa ruộng chạy dài hai bên bờ sông, lòng hơi thổn thức. Phương cũng không hiểu tại sao tối hôm nay lòng Phương lại rạo rực, tê mê như đống tro tàn men hơi lửa.
Mặt trăng lúc ấy đã lẩn hình trong đám mây đen.
Màu xanh lam của màn sương bụi tỏa hai bên bờ sông đã biến ra màu xanh bạc. Bầu trời có vẻ nặng nề hơn trước.
Nghển tự nhiên nắm tay mẹ rồi từ từ kéo mạnh. Một lát sau, Phương cảm thấy Nghển đang đặt tay mình trên da tay một người khác. Phương rùng mình, toàn người run sẽ, hơi thở mạnh và không đều.
Phương không dám quay mình lại. Nghển nói lớn:
- Đây, mợ mở giùm mấy ngón tay của thầy để con kéo tay con ra.
Thảo cảm phải hơi lạnh ở da tay Phương truyền qua tay mình, nên toàn người nóng bừng, tay chân run nhẹ. Thảo như người bị thôi miên. Thảo thả bàn tay Nghển ra rồi nắm bàn tay dịu mát của Phương. Phương cúi đầu nhìn xuống mặt nước, hai má đỏ bừng. Nghển trùm hai bàn tay nhỏ xíu của mình ngoài bàn tay Thảo rồi nói lớn:
- Thầy giữ chặt lấy. Đừng thả ra.
Thảo sợ cụ Uẩn nghe được nên quay lại hỏi:
- Tiếng chuông chùa nào đấy cụ Uẩn?
Thảo vừa nói dứt lời, một tiếng chuông chùa đã dìu dặt thả giữa không trung một tiếng ngân dài não nuột.
Cụ Uẩn che tay ngang trán nhìn mông ra xa rồi đáp:
- Tiếng chuông chùa Đồng Tâm.
Phương quay lại nhìn Thảo, hai người nhìn nhau mỉm cười rồi cùng đưa mắt nhìn dòng sông sắp uốn mình trước mặt.
Năm qua, ngày tháng qua. Nghển đã khôn lớn và không hỏi thầy như trước nữa. Nhưng giữa đêm khuya, mỗi lần chèo thuyền qua bến Nứa, Phương lại cất tiếng gọi:
- Ai về Viễn-trình thì xuống mà về.
Nhưng đêm nào cũng như đêm nào, đáp lời Phương, chỉ có tiếng chuông chùa Đồng Tâm ngân dài trên mặt nước.
CHÚ TÔI
Tôi còn nhớ rõ ràng, tối hôm ấy là một đêm trăng về cuối hạ. Chúng tôi đang ngồi học trong nhà, thì chú tôi nhân đi tỉnh về, ghé lại thăm.
Thấy em gái tôi ngồi nghê nga học chữ Hán, chú tôi đến đứng gần bên bàn, mỉm cười, nhìn nó chòng chọc. Nghe nó học, cha tôi đưa mấy ngón tay thon thon mỏng dài, thong thả vuốt chải chòm râu xuống, ra vẻ đắc ý lắm.
Nhưng em tôi thì hẳn không đắc ý chút nào, vì chữ nho là thứ chữ xưa nay nó vẫn sợ. Theo ý nó cũng như theo ý tôi về thời bây giờ, thì người ta bắt chúng tôi học chữ nho là làm một việc hoàn toàn vô ích. Chữ nho khó học cũng như khó hiểu, và chỉ đem lại những sự rắc rối thêm cho đời học sinh chúng tôi.
Nhưng mỗi lần nghe thầy dạy học bàn giải những nghĩa thâm thúy của nó thì chúng tôi lại đâm ra ngờ vực. Dầu sao, chúng tôi vẫn đồng lòng khinh và sợ những buổi học ác nghiệt nặng nề kia. Không mấy khi trong giờ chữ nho anh em tôi đọc thuộc bài. Tôi thì nhanh trí, lõm bõm còn đọc được vài ba chữ, chứ em tôi thì đứng ngậm câm ra đó như pho tượng.
Những ngọn thước quá thẳng tay của thầy Thiện đã bắt em tôi ghét luôn cả thầy lẫn chữ của thầy dạy nữa.
Nó thường gọi thầy Thiện là một ông ác thần râu quặp. Và một hôm trước mặt học trò nó còn dám cả gan gọi thầy ta là ông đồ gàn. Tôi còn nhớ một hôm tan buổi học chiều, nó hớn hở tìm đến tôi và nhí nhảnh bảo tôi rằng:
«Anh Thanh ạ, thầy dạy chữ Hán tên Thiện nhưng kỳ thật thì ác lắm. Mà ác hơn thầy Thiện thì không phải một thầy tên là ác mà chính là ông thanh tra tên Le Bon. Anh có biết không, sau khi đến viếng lớp anh thì ông ta lại vào lớp em với ông đốc trường Mỹ-lý. Gặp thầy Thiện, ông ta liền ân cần hỏi ngay bằng một câu tiếng Pháp: Monsieur, comment vous appelez-vous ? [1]
Không ngần ngại, thầy Thiện liền chắp tay cung kính trả lời:
- J’ai Thiện. [2]
Thế là muốn tránh cơn tức cười, ông thanh tra phải vội vàng đi thật nhanh qua lớp khác.
Em tôi và tôi ghét chữ Hán bao nhiêu thì chú tôi lại thờ chữ ấy bấy nhiêu. Dùng đến chữ «thờ» để tỏ lòng chú tôi yêu quý nó, tưởng cũng không quá đáng. Vì chú tôi đã lắm lần tỏ ra vẻ thờ nó thật. Chẳng vậy mà chú tôi lại đi rửa mặt, mặc áo đen dài trước khi đọc đến chữ Hán. Hay mỗi lần vô ý làm rơi quyển sổ chữ Hán xuống đất, chú tôi lại lật đật cúi lượm lên, rồi kính cẩn đội lên trên đầu gần vài phút.
Những cử chỉ ấy tưởng cũng không lạ mắt lắm. Vì chú tôi là một nhà thâm nho lỡ vận. Cũng như các nhà hủ nho khác, chú tôi ghét bọn Tây học vô cùng. Chú tôi bảo bọn trai theo Tây học sau này chỉ tổ bất hiếu. Chú tôi còn mỉa mai bảo vần chữ Tây như b (bê), q (cu), k (ca), h (hát), hay n (anh), m (em) là một thứ văn khi đọc lên thì không cao thượng chút nào cả. Ý hẳn chú tôi lại muốn nói văn chương Pháp chỉ quanh quẩn trong nghề ca hát (k.h), trong đạo anh, em (n.m) chứ không có gì cao siêu hơn nữa. Về vấn đề này chú tôi đã lắm lần cãi lý với cha tôi rất kịch liệt.
Chú tôi bảo:
«Anh cho thằng Thanh đi học chữ Tây thì sau này không khéo nó lại xách lư hương nhà ta đi bán mất. Thì nhà Tây có bàn thờ đâu mà bảo nó để lư hương ông bà nó lại,
«Nếu ông nghe lời tôi cho nó đi học chữ Hán thì sau này tệ đi nữa nó cũng ra làm hương, làm lý với nước với làng. Mà tên ông bà trong gia phả lại khỏi phải nhờ ai đọc hộ nữa. Còn gì bất biếu bằng lúc đem gia phả nhà ta nhờ người khác đọc. Anh nghĩ lại xem, ngòi bút lông mềm mại dịu dàng thì họ lại thay vào ngòi bút sắt. Mà bút sắt chỉ tạo được quân làm giặc, chứ tạo ra người quân tử hiền lương thể nào được? Ừ, nghĩ cho kỹ tóc trên đầu là máu mủ của cha mẹ, họ còn giang tay cúp phăng đi được nữa là.
«Tôi không hiểu dân trong làng nghĩ thế nào mà cho con đi theo Tây học được? Vì cái gương bất hiếu đã lộ ra trước mắt mà họ không chịu nhìn cho rõ. Không bất hiếu mà bọn Tây học dám kêu ông bà chúng nó là «ai ơi!» (aieux) in như lúc chúng kêu một người không bao giờ quen biết».
Trước bao nhiêu lý luận nghiêm nghị và ương gàn ấy, cha tôi vẫn lẳng lặng mỉm cười, chứ không bao giờ đáp lại.
Lần này có lẽ là lần đầu chú tôi mới ghé lại bên bàn để nghe chúng tôi học. Nghe em tôi đọc lớn mấy chữ Hán, chú tôi ra dáng mừng rỡ lắm.
Chú tôi lần tay trong chiếc bao con đeo trước ngực, lấy cặp kính ra rồi nâng hai cái cóng để trên mép tai rất cẩn thận. Đoạn chú tôi chống tay lên bàn nhìn quyển vở chữ Hán của em tôi đang học.
-Thầy dạy cháu học chữ Hán tên gì?
- J’ai Thiện.
Em tôi nói xong liền kề má lên trên quyển sách cười ngặt nghẹo.
-Thế nào? Thầy cháu họ Ro à?
Câu hỏi bất ngờ ấy lại làm cho em tôi cười lớn hơn nữa. Không hiểu chuyện gì, chú tôi cũng cất tiếng cười theo, nhưng với một giọng cười đạo mạo nghiêm trang của phần đông người theo nho học.
Một lúc sau, em tôi ngồi khoanh tay trên bàn, giả vờ làm nghiêm rồi nói sẽ:
- Chú ạ, thầy cháu tên Thiện nhưng ác lắm.
- Ừ, thầy thương mới cho roi cho vọt cháu ạ.
- Nếu thầy thương bằng cách ấy thì thà cháu chịu thầy ghét còn hơn.
Muốn nói lảng qua chuyện khác, chú tôi liền thấm nước miếng trên đầu hai ngón tay rồi vừa lật từng tờ giấy quyển vở chữ Hán vừa khẽ hỏi em tôi :
- Chữ Hán cháu viết hay cháu đồ?
- Cháu viết đấy.
- Nếu vậy thì cháu viết tốt hơn trước nhiều lắm!
- Chú bảo thế, chứ thầy Thiện thì cứ bảo chữ cháu viết như gà cào.
- Thì ai cũng vậy, đầu có gà cào thì sau mới...
- Mới gì chú?
- ... Mới phụng múa được.
- Thế người bạn cháu tên Phụng, sao chữ chị ta viết cũng như gà cào?
- Lý sự như cháu thì ương gàn lắm. Biết nói đến lúc nào mới hết được! Thôi, này lặng để nghe chú hỏi: Khổng Tử viết là nghĩa gì cháu có biết không?
- Là xừ Khổng-Tử nói rằng.
- Ấy chết! Đùng nói dại. Phải gọi ngài là Đức Thánh mới được.
- Vâng, thì Đức Thánh Khổng Tử nói rằng.
- Không được kêu tên của ngài, chỉ nói Đức Thánh là đủ rồi. Mà đã Thánh thì phải dùng chữ «dạy» mới nghe được chứ!
- Rõ khổ, thế sao người làm sách lại không nói: «Đức Thánh viết»?
- Nếu nói Đức Thánh viết thì ai biết là đức Thánh nào. Thôi cháu chớ cãi nữa. Dạy sao thì học vậy, con nít mà đòi ngang tài với Thánh-hiền xưa thì chẳng những không phải đạo với «người trên đầu trên cổ» lại còn không nên nữa cháu ạ.
- Thôi được, thì không nên. Nhưng không biết Đức Khổng-Tử có họ hàng gì với ông Khổng-Minh không?
- Không, đức Thánh là người nước Lỗ...
Không để chú tôi nói hết câu, em tôi liền láu lỉnh ngắt lời, hỏi :
- Lỗ... là lỗ vốn ấy à, phải không chú?
Lần này không nén được cơn tức giận đã tràn trề trong lòng, chú tôi liền hậm hực vào nhà lấy dù, rồi trở ra đi thẳng.
Đã hơn ba tuần chú tôi không qua nhà tôi nữa. Ngày nào chú tôi cũng xách dù đi quanh các nhà hàng xóm để khuyên những người lân cận nên cho con đi học chữ Hán. Nhưng đạo Khổng, cũng như chú tôi, đã già rồi, đã khàn hơi rồi, không ai còn chịu mất thì giờ nghe chú tôi giảng giải nữa.
Nói không ai nghe, chú tôi liền mở trường dạy chữ Hán, để quyến rủ con dân trong làng đến học. Nhưng trường mở cửa đã mấy hôm mà số học sinh vẫn không quá hai người. Mà hai người ấy không phải ai lạ, chính là hai đứa con của chú tôi lên mười tuổi. Thấy bọn con nít trong làng đua nhau đi xin học ở trường Mỹ-lý, chú tôi lại đâm ra ghen ghét. Có một lần, một bọn học trò trường Mỹ-lý đi ngang qua nhà chú tôi, rồi cất tiếng nhại giọng học của mấy cậu con. Qua mấy ngày sau chú tôi liền đi qua mấy làng Diệp-hải, Từ-sơn để quyến rủ thêm học trò đến học. Nhưng số học trò của chú tôi vẫn như cũ dẫu lời hứa sẽ dạy không lấy tiền đã tràn ra khắp huyện. Trái lại trường Mỹ-lý cuối năm ấy, phải mở rộng thêm hai lớp mới đủ chỗ cho con dân trong làng đến xin học.
Một hôm tôi đến thăm thì thấy nhà chú tôi chật ních cả học trò. Tôi đương còn ngạc nhiên thì chú tôi kêu tôi lại gần rồi mỉm cười sung sướng sẽ bảo: «Đạo Thánh-hiền thì không bao giờ suy đồi được cháu ạ!» Tôi hiểu biết chú tôi đang tranh cạnh một cách âm thầm với trường Mỹ-lý. Tiếng học lớn của bọn học trò chữ Hán đã làm chú tôi vui vẻ, vì trường Mỹ-lý vẫn còn thua trường chú tôi về sự ồn ào náo nhiệt. Có một điều rất lạ là học trò trường chú tôi chẳng những khỏi trả tiền thầy, lại được thầy cấp giấy mực để học và luôn cả bữa cơm trưa tại nhà thầy nữa.
Qua tháng sau tôi lại đến thăm, nhưng lần này thì nhà chú tôi hiu quạnh yên tĩnh, không huyên náo như xưa nữa. Văng vẳng chỉ nghe được mấy tiếng lè nhè của hai dứa con chú tôi ngồi học. Hỏi đến học trò thì chú tôi ngồi ôm đầu gối, thở dài rồi sẽ bảo:
- Chúng nó cũng theo học a, b, rồi cháu ạ.
Nói xong chú tôi liền gục đầu ôm mặt.
Thì ra hôm nay tôi mới biết, bọn học trò đông đảo của chú tôi ngày trước là bọn chăn trâu mà chú tôi đã quyến rủ được ở ngoài đồng làng Quận-mỹ.
CHUYẾN XE CUỐI NĂM
Chuyến xe lửa đêm ra Bắc hôm nay có vẻ hấp tấp vội vàng như người đi trốn nợ. Thỉnh thoảng đầu xe lại thét vội giữa quãng đồng không, xa nghe như hơi thở dài của đêm vắng.
Gió ngoài trời thổi vi vút tỏa hơi lạnh khắp mấy toa vắng vẻ. Tâm ngồi dựa mình vào lưng chiếc ghế dài, gác chân lên rương, hai mắt lim dim muốn ngủ. Rải rác trong toa có thêm năm hành khách khác nữa, nhưng họ đã ngủ từ lâu. Tâm thấy giấc ngủ của họ dễ dàng quá mà thèm. Nhưng Tâm cũng không biết làm thế nào để ngủ được.
Tâm đã lấy kính đen ra đeo để ánh sáng trong toa đỡ chói, nhưng càng không thấy được cảnh vật chung quanh Tâm càng nghĩ vơ vẩn. Tâm buồn vì giữa lúc thiên hạ đang nô nức trong gia đình để đón xuân sang, Tâm lại ngồi trong một toa xe lửa lạnh lẽo với chung quanh những gương mặt hững hờ.
Buồn và tủi, Tâm muốn khóc để bao nhiêu nỗi khổ được tuôn ra. Nhưng Tâm vẫn không thể khóc được.
Sau bao nhiêu năm lăn lộn trong cảnh làm ăn chật vật, Tâm đã cảm thấy lòng mình rắn rỏi và nước mắt Tâm không chảy được dễ dàng như xưa. Hôm nay nghe hơi lạnh chạy lồng trong áo và ngoài trời tiếng gió thòi vi vu, Tâm miên man nhớ lại những mảnh đời xa cũ.
Chuyến xe vẫn chạy siết trên con đường sắt và in những tám vuông sáng mập mờ trên quãng đồng hoang vắng. Cỏ hai bên đường cúi rạp mình như khiếp sợ trước một sức mạnh oai nghiêm.
Mấy người vùng quê mới vẳng nghe liếng còi là chạy ra giữa sân nhà đứng ngóng. Lúc thấy xa xa cặp mắt đèn đang khoét bóng đêm dày đặc, họ liền lẩm bẩm:
- Tàu hỏa đã đến. Thế là mười hai giờ; thế là đã qua năm khác.
Khắp trong thôn mấy tràng pháo chuột lách tách nổ lên một hồi. Hơi pháo đi gần, tiếng pháo đi xa và quyến luyến đuổi theo con tàu đêm Tết.
Hành khách trong toa đều giụi mắt ngồi dậy. Sự thật họ không ngủ như Tâm đã tưởng. Họ thức và lòng họ cũng thao thức như Tâm.
Hành khách trong chuyến tàu này toàn là những người đã xa lạc gia đình. Suốt năm họ ăn cơm quán ngủ nhà thuê rồi gần Tết họ lại tìm về quê hương của họ. Họ đến ở tạm ít hôm trong nhà người quen để lại đi và tự hứa thầm sang năm về nữa. Tâm cũng ở trong cảnh ngộ ấy.
Một cụ già tay vẫn giấu trong hai túi áo, nhìn ra cửa sổ xe một lát rồi nói:
- Tiếng pháo giao thừa đã nổ ran rồi đấy.
Tiếng cụ như gieo rơi vào cõi không người. Không ai lên tiếng hưởng ứng. Nhưng lời cụ đã lạc vào tâm hồn những người ngồi chung quanh và bắt họ buồn rầu nghĩ ngợi. Gương mặt người nào cũng thoáng hiện một nét buồn ngắn lạnh lùng.
Tâm đưa tay kéo vành mũ xuống. Lúc đặt tay lại chỗ cũ Tâm thấy lạnh. Târn loay hoay tìm lại dáng ngồi ấm áp trước, nhưng không thể được.
Con tàu vẫn thản nhiên chạy giữa cánh đồng hoang.
Năm giờ sớm hôm sau, ánh sáng như đến chùi nhạt tất cả vẻ buồn đã sống lại trong lòng Tâm giữa đêm tối. Nắng gieo ngoài nội cỏ, nắng lướt trên dòng sông. Nhìn nắng Tâm thấy lòng vui tươi hơn trước.
Cụ già ngồi bên cạnh Tâm lấy áo điều ra mặc. Mấy hành khách kia cũng tìm nước rửa mặt và choàng thêm áo mới đủ màu. Tâm thấy họ thay đồ mới cũng bắt chước làm theo. Tâm mở rương lấy chiếc «cravate» màu vàng đeo vào cổ và thay cái áo dạ đen đã bạc màu. Tâm vừa thay áo xong thì người soát vé mở cửa bước vào. Lúc thấy ai nấy đều thò tay vào túi chực tìm vé thì người ấy tươi cười nói vội:
- Xin các ông cứ ngồi vên. Đầu năm tôi đến xin chúc các ông được vạn sự như ý.
Tâm và mấy người trong toa đứng dậy chúc lại.
Nhưng mỗi người nói mỗi câu nên lộn xộn không nghe được câu nào. Người soát vé cúi chào mọi người rồi đi sang toa khác.
Tâm đưa mắt nhìn theo và cảm thấy tâm hồn tự dưng nao nức.
Cụ già hết chúc người này đến người khác. Họ chúc lẫn nhau và đem mứt bánh trong rương mời nhau ăn một cách vui vẻ. Tâm cũng dự vào bữa tiệc con con ấy và Tâm so sánh sự vui trong lòng mình với ánh nắng mùa xuân lạc trên đồng cỏ mới.
Từ toa cuối một thiếu phụ trẻ tuổi dắt đưa con trai lững thững đi lên. Mọi người quay lại nhìn thiếu phụ yên lặng. Thiếu phụ cúi đầu chào rồi mỉm cười nói:
- Chết! có lẽ cháu là người đầu tiên đến xông rồi.
Cụ già vuốt râu nói tiếp:
- Nhưng nếu cô đến xông trước cũng không hại gì. Vì cô có dẫn theo đứa con trai. Theo tục lệ xưa chúng tôi tin nhà ai được hai mẹ con đến xông lần thứ nhì thì hay lắm.
Thiếu phụ tươi cười:
- Nghĩa là như cháu đến xông nhà các bác hiện giờ. Nhưng hay thế nào cụ?
- Là nhà người ấy được đoàn tụ và nhà người đến xông được vợ chồng hòa hiệp.
Thiếu phụ cúi đầu xuống như để giấu một chút lệ buồn thoáng mở trong mi. Vô tình cụ đã tự mỉa mai người khác. Trên trán cụ nét nhăn khổ bấm mạnh lên trên nét nhăn già.
Một lát sau thiếu phụ tươi tỉnh:
- Các bác cho cháu đến ăn Tết ở đây cho vui. Ở toa cuối không có ai hết.
Cụ già vui vẻ:
- Vâng cứ tự nhiên, nhà chúng tôi cũng như nhà cô.
Cụ già nói giọng thành thật đến như quên mình đang ở trong toa.
Qua ga Mỹ-lý, chuyến xe lửa ra Bắc lại từ ánh sáng mờ mịt của buổi chiều tàn như dấn mình trong bóng tối mênh mông của cánh đồng bát ngát.
Một gia đình gồm có những người khòng gia đình đang vui vẻ ăn Tết và đang quay bánh lăn dài trên con đường sắt.

Trời lại sáng. Tâm giật mình tỉnh dậy. Tâm lấy làm lạ là cụ già, thiếu phụ và mấy hành khách kia không còn trong toa nữa. Tâm ngồi nhớ lại cảnh êm ấm của một gia đình tạm chiều bôm qua. Bên lòng Tâm như còn vương lại ít nhiều hương vị của ngày Tết. Tâm say sưa và lòng Tâm bát ngát. Nhưng Tâm còn muốn níu lại trong lòng, hương vị ấy lại dần dần tan mất. Tâm thất vọng. Lòng Tâm lại lạnh như gió ngoài trời đã lạnh.
Tâm bàng hoàng đứng dậy... Cảnh gia đình êm ấm chiều hôm qua đối với Tâm đã như một cảnh đoàn viên trong mộng, Tâm không tin có thật. Cũng như Tâm đã sợ không dám tin Tâm có gia đình.
Tâm xuống ga Vinh.
RA LÀNG
Năm ấy tôi học lớp nhất trường Mỹ-lý. Tôi tuy còn ít tuổi, nhưng người tôi độ ấy trông đã cao xõng và bệ vệ lắm. Làng Mỹ-lý dân cư ít nên mỗi năm vào kỳ tế thần thì dân trong làng phải ra đình cho đủ. Đó là cái lệ thường năm, nên đến kỳ tế không sức mà ai cũng biết. Có năm muốn đám rước thần đựợc trọng thể, ông Lý lại còn cho đòi cả con dân trên mười lăm tuổi ra làng nữa.
Ra làng đối với tôi hồi ấy là một sự vui thích hiếm có, vì nếu ông Lý không cho đòi, thì chưa chắc tôi đã được tự do ra xem họ tế lễ. Nhưng có ra làng một lần mới biết lắm cái khổ nhục đáng sợ, mà dẫu mình giàu tưởng tượng đến đâu cũng không ngờ trước được.
Trước hôm tế thần một ngày, ông Lý có ghé lại nhà tôi và ân cần cho gọi tôi ra nói:
- Bác thấy năm nay cháu cũng đã lớn rồi, vậy mai là ngày tế thần, cháu phải ra đình một hôm cho biết, có ra đình mới biết làng biết nước, biết dại biết khôn, chứ lục đục luôn trong nhà thì không bao giờ biết khôn được cháu ạ. Vả cháu lại là học trò thì công việc cháu cũng chỉ thắp hương hầu Thánh hầu Thần là đủ rồi, chứ không ai bắt cháu làm gì nặng đâu mà cháu sợ.
Nghe ông Lý nói tôi tưởng như lên tiên được, nhưng không dám để lộ nét vui tươi ra ngoài mặt, vì còn sợ cha tôi bảo tôi nhác học định kiếm cớ để ở nhà.
Tôi chỉ đứng lặng ngước mắt nhìn cha tôi, còn ông Lý thì đưa mắt nhìn tôi như muốn dò ý tứ.
Sau lúc uống một hớp nước trà nóng, cha tôi thong thả để chén xuống bàn, dịu dàng bảo tôi:
- Ừ thì năm nay con đã lớn, rồi cũng phải ra làng cho biết.. Bác Lý đã có lời dạy thế, thì tối nay con phải tắm rửa cho tinh khiết mới được.
Thấy công việc mình sắp đặt được ổn thỏa, ông Lý liền đứng dậy cáo từ cha tôi rồi xách dù đi qua mấy nhà khác.
Thấy tôi còn đứng bên cạnh bàn chưa chịu đi, cha tôi tưởng tôi không bằng lòng nên quay lại hỏi:
- Thế nào, con không muốn ra làng à? Có ra làng mới biết người trên kẻ dưới, biết thượng hạ tôn ti được con ạ. Ngoài cái ích được học khôn lại có cái vinh hạnh ngồi trên dân nữa.
- Ngồi trên dân thế nào được, thật tình con không hiểu.
-Thì thật tình con ngu lắm. Ngồi trên dân nghĩa là được ăn trên ngồi trước dân, có khó gì đâu mà không hiểu. Ngu đến thế mà cũng đòi sang năm đi thi với cử.
Tối hôm ấy tôi phải chạy quanh xóm để mượn một cái khăn. Nhưng không nơi nào có hay có thì rộng không vừa với đầu tôi. Sau cùng tôi phải lấy liều cái khăn của bác xã Thuyền, một người thường đến nhờ tôi đọc thư hay viết yết thị.
Khăn của bác ta hơi rộng thật, nhưng tôi định chêm vào phía sau một cái vỏ diêm không, thì chắc cũng vừa được. Nhưng cái khăn lại đầy những chấm trắng tròn chuột khới, trông không khác gì một cái hộp tròn bằng mun khảm cẩn. Tôi phải bỏ ngót nửa giờ để lấy mực bôi vào những chấm trắng ấy. Thế là khăn đã đen rồi, chỉ còn áo dài nữa là đủ. Nhưng áo đen dài thì không lo, tôi chỉ mượn chị tôi kết lại mấy cái nút ảo vải dù - tôi thường mặc đi học - là được.
Sắp đặt đâu đấy xong xuôi tôi lên giường định đi ngủ thật sớm. Nhưng tiếng mõ đầu làng đưa lại làm tôi giật nẩy mình luôn. Tôi muốn ngủ nhưng không tài nào nhắm mắt được. Tôi trằn qua trở lại mãi. Bao nhiêu cảnh rực rỡ ngoài đình mà tôi thấy được lúc đi học về đã làm cho tôi rối trí. Tôi tưởng tượng đến vẻ oai nghiêm của thần thánh, vẻ đạo mạo của mấy viên chức sắc trong làng, rồi tôi đâm ra lo sợ. Tôi lại tự nhận mình là một người quan trọng trong làng, một người đã biết tham dự đến việc tế thần tế thánh, không khác gì - theo ý tôi - một ông quan được dự vào việc triều đình để bàn việc cai trị cả muôn dân Những ý nghĩ viễn vông ấy làm cho tôi sung sướng quá đến ngủ quên lúc nào không biết.
Sáng hôm sau tôi đã nghe tiếng trống ở đầu làng đưa đến rất kêu và rất chậm. Tôi vươn vai đứng dậy định đến bên bàn sắp sách vở lại để sửa soạn đi học, thi cái khăn nằm gần đấy nhắc tôi nhớ tới câu chuyện ra làng.
Tôi nhìn lại cái khăn để trên bàn rùng mình như bị điện giựt. Vì trên mặt khăn mấy con gián ác nghiệt đã khới thêm mấy lỗ khá lớn nữa. Còn những chấm trắng tôi đã bôi mực cũng không chịu đen toàn vẹn cho, chỉ rải ra trên mặt khăn những chấm lốm đốm màu đen ợt. Có lẽ vì tôi bôi mực trên mấy chấm trắng ấy lúc ban đêm nên mới trông qua thì tưởng đã đen nháy nhưng kỳ thật thì còn nhạt lắm. Thế là tôi phải mất thêm mười phút để hàn lại mấy chỗ trắng, và phết thêm một lớp mực nữa.
Công chuyện chữa lại cái khăn vừa xong, đồng hồ trên tường đã gõ tám giờ. Chị tôi vào gọi tôi ra ăn cháo và mỉm cười nói chế tôi một câu rất khó chịu:
- Gọi em lấy lệ thôi, chứ hôm nay thì em thiếu gì xôi thịt ở làng lại phải ăn cháo ở nhà. Chị được như em thì chị nhịn đói đến hai hôm trước khi ra đình, vì có vậy mới sẵn bụng nạp xôi thịt được.
Nói xong chị tôi lấy vạt áo trước che miệng cười như nắc nẻ.
Tôi cũng chữa thẹn liều bằng một câu khôi hài rất nhạt nhưng hiệu nghiệm vô cùng. Câu ấy tuy không dính dáng gì với câu của chị tôi nhưng lại làm cho chị tôi sượng sùng không dám đứng nói kháy với tôi nữa.
- Em được ra làng là chuyện dĩ nhiên. Chứ chị muôn năm cũng không làm gì ra làng được. Nhưng điều ấy không đáng lo lắm. Vì năm nay đã có anh Huân, rể mới của thầy, ra làng thế cho phần chị rồi.
Chị tôi cúi đầu thẹn đỏ cả mặt, đi thật nhanh xuống bếp không dám quay đầu ngó lại nữa.
Ăn cháo xong, tôi gói cái khăn vào một tờ giấy nhật trình rồi theo một dường rất hẻo lánh để đi đến đình.
Đường hẻm dẫn ra đình thì dài lắm và còn nhớp là khác, nhưng đi đường y tôi được yên lòng hơn. Dọc đường tôi khỏi sợ gặp thầy giáo hay chúng bạn cùng học một trường. Đi với tôi có những ông già lụ khụ cong mình trên gậy trúc, và những anh chàng trai trẻ, mặt mày đen xám, quần ống thấp ống cao, như quanh năm họ chỉ ở ngoài cảnh bùn lầy nước đọng. Mấy anh này vừa đi vừa nói đến chuyện làm ăn, cãi nhau om sòm và hằm hè nhau như quân thù địch.
Tiếng thanh la đầu làng đưa lại, như thúc hối, như nạt la làm cho tôi cứ băn khoăn mãi. Đi gần đến đình chừng nào thì lòng tôi lại thấy lo sợ hồi hộp chừng nấy. Một mối lo sợ vẩn vơ không nghĩa lý cứ ám ảnh tôi hoài ngay từ lúc tôi nhận thấy mái đình xa xa sau rặng liễu.
Trước khi đi đến đình tôi phải đứng lại sau cái miếu Thần Đá để đội cái khăn lên đầu cho tề chỉnh. Trước kia tôi dã định thêm phía sau khăn một cái vỏ diêm không cho vừa với đầu tôi, nhưng rủi tôi lại quên không đem theo. Tôi phải đành ngồi xếp lại tờ nhật trình. Đoạn lót vòng giấy cong ấy ra phía sau đầu tôi trước khi đội khăn lên. Rồi lấy hết dáng điệu rất tự nhiên - nghĩa là chỉ tự nhiên trong trí tưởng tượng - để đi thẳng vào đình.
Tôi thấy ai cũng đứng lại trông tôi nên tự hổ thẹn và ngượng nghịu quá. Nhưng sau thấy người đi qua đi lại càng lúc càng đông nên dần dần tôi không lo sợ như trước nữa. Tiếng ồn từ trong đình đưa ra, tiếng thanh la từ ngoài sân đưa vào làm huyên náo cả một góc làng tịch mịch. Vì nghe nhiều thứ tiếng quá nên tôi hóa ra can đảm và nhất là bặt thiệp với mấy người quen biết.
Nhưng chỉ phiền cái khăn cứ theo nhịp bước của tôi mà tụt dần xuống mãi. Lắm lúc tôi muốn dãn cái đầu của tôi ra để ngăn cái khăn lại, nhưng không hiệu nghiệm gì. Từ lúc ấy tôi thấy ai đầu to, đội khăn vừa vặn, tôi cũng đâm ra thèm muốn. Tôi loay hoay chưa biết nên tìm một việc gì để làm hay lại đi ra ngoài bờ ao để xem họ mổ trâu bò như mấy năm còn nhỏ.
Nhưng tôi nghiệm lại công việc của tôi năm nay chắc không như mấy năm trước được. Nghĩ vậy nhưng tôi cũng không biết phải đi làm việc gì. Tôi cũng ra làng như ai nhưng lại không được mấy người đàn anh để ý một cách quá sốt sắng như mấy tên dân khác. Nhưng được họ để ý thì thêm khổ vì họ la và sai không hở miệng.
Trong đình làng lúc ấy là một nơi các viên chức sắc đấu khẩu rất kịch liệt. Không ai chịu nhường tiếng lớn cho ai. Họ nói oang oang và la hét như những người điên tiết. Rồi rốt cuộc ai lớn tiếng mạnh hơi là người ấy có lý, người ấy được dân làng coi là người biết chuyện.
Nghe họ cãi nhau chán quá. tôi lững thững toan đi ra sau đình thì một hồi trống vang lên làm tôi giật mình lật đật chạy ra phía trước. Lúc ấy là lúc dân làng đang sắp sửa rước thần ra miếu Thần-hoàng cách xa đình gần nửa cây số. Tôi lại gần bên hương án chực đi theo sau như những hồi tôi còn nhỏ, thì một người lạ mặt đến đặt tay lên vai tôi rồi nhìn tôi nói sẽ:
- Thiếu một người cầm lọng che hương án, vậy mày phải cầm lọng để hầu thần.
Tôi chưa biết phải xử trí thế nào cho họ biết tôi là một người học trò thì người lạ mặt đã đặt vào hai tay một cái lọng vàng chống sẵn.
Tôi tức uất cả người vì còn gì nhục bằng ra làng cầm lọng hay cầm cờ nữa. Tôi tự trách tôi đã quá tin lời ông Lý nên để dân làng mới khinh miệt cái bằng Sơ-học Yếu- lược của tôi như thế.
Tôi muốn đứng khóc rõ to để cho dân làng biết tôi đang bị người ta làm nhục, nhưng chung quanh tôi toàn là những người mặt rạm da chai nên tôi cũng không buồn nức lên khóc nữa. Tôi định đưa mắt tìm cha tôi để yêu cầu sự che chở thì may quá, tôi lại thấy ông Lý từ đằng xa vác dù đi lại. Tôi lật dật chạy ra cản đường ông ta. Tôi chỉ đưa mắt nhìn ông ta và cầm thẳng cái lọng để tỏ ý bất bình của mình chứ không nói năng gì hết . Chừng ông ta cũng hiểu nên bước lại gần tôi rồi cúi đầu bảo khẽ tôi rằng :
- Cháu còn nhỏ yếu sức, và cái lọng này nặng lắm cháu cầm không nổi đâu. Để bác đổi người cho cháu cầm cái gươm nhẹ và đẹp hơn.
Thế là tôi phải buộc lòng cầm cái gươm gỗ trông không khác gì một vị tướng con bát hộ.
Cầm cái gươm thì thích hơn cầm cái lọng, nhưng cũng không thong thả và sung sướng bằng đi tay không. Tôi liếc thấy thằng Đồng mặc áo thụng xanh đứng sau hương án, mà tôi thèm thầm cái phần của nó. Thằng Đồng học thua tôi một lớp nhưng nó giỏi chữ Hán, lại con ông bộ trong làng nên được cử làm văn lễ, sung sướng và thanh nhàn hơn tôi nhiều lắm.
Bắt đầu tôi ghen với nó, sau thấy nó mỉm cười trông tôi một cách kiêu ngạo, nên tôi lại đâm ra thù ghét nó.
Đám rước thần bắt đầu cử hành. Mấy lá cờ ngũ hành đi trước tung theo chiều gió và phe phẩy rộn rã như những lá cờ trên mặt trận. Mùi hương trầm toả ra êm dịu đã xoá nhạt lòng ganh ghét của tôi và cho tôi thấy công việc cầm gươm trong đám rước cũng thích thú vô cùng. Tôi bước đều đều theo tiếng trống kèn và không còn thấy ngượng nghịu như trước nữa. Sau đám rước là một lũ con nít hớn hở đi theo. Trông mặt đứa nào cũng vui vẻ như nhà chúng nó có kỵ. Còn hai bên đường thì người đứng xem đông đếm không xiết.
Qua khỏi cống Quan thì tôi bỗng giật mình, vì đám rước sẽ rẽ về xóm Thiện và đi ngang qua trước trường Mỹ-lý... Tôi lo sợ quá nên điều đình với người cầm gươm đi ngang hông tôi để đổi chỗ.
Đổi được chỗ tôi cũng hơi yên lòng một chút, thầy và học trò ở trong trường chắc không thể nào thấy tôi được. Nhưng khổ quá, lúc đám rước đi qua trường thì nhằm lúc học trò ra chơi. Trông thấy tôi, học trò liền la lên như sấm dậy:
- Lý-Tịnh, Na-Tra, Na-Tra, Lý-Tịnh,... Chừng chúng muốn bảo tôi là Lý-Toét, nên gọi tôi là Lý-Tịnh, Na-Tra, tên hai vị tiên trong truyện Phong-thần.
Tôi muốn cắm đầu đi thật nhanh, nhưng đám rước lại chậm quá, mãi đến năm phút sau tôi mới hết nghe tiếng «Na-Tra, Lý-Tịnh» theo đuổi sau tôi.
Qua khỏi trường lòng tôi lại được yên tĩnh như trước. Tôi bỏ từng bước một đều đầu theo tiếng trống và luôn luôn liếc qua người bên cạnh để đi cho thẳng hàng. Đến xóm Bàu đám rước phải đi qua những cánh đồng ruộng đường trơn như mỡ.
Xa xa bên kia đồng, dưới bóng một cây bàng cao lớn, cái miếu Thần-hoàng không còn vẻ hoang vu như trước nữa. Bên những cây cờ cắm chung quanh miếu, thấp thoáng hơn vài chục bóng người đang đứng chờ đám rước đến.
Xong chuyện cáo Thần, dân làng lục tục kéo nhau đi về đình. Lúc về vắng tiếng trống kèn, không có trật tự, tôi lại thấy ngượng ngùng như trước.
Tôi muốn nhờ người quen cầm hộ cái gươm cho đỡ thẹn, nhưng trông ai cũng không rảnh tay hết. Muốn tránh đi qua trước trường học, tôi phải đi vòng quanh ra phía sau, đường đá nhớp lại dài gấp hai.
Ra đến đường cái tôi lại gặp mấy chị con gái trong làng đi chợ. Tôi thẹn đỏ cả mặt và nóng bừng cả hai tai. Muốn khỏi trơ trẽn, tôi liền quay cái gươm gỗ mấy vòng trên tay, nhưng vô ý thế nào lại để cán gươm đánh nhằm cái rổ của chị Cẩm bắn ra thật xa. Tôi muốn đến xin lỗi nhưng ấp úng nói không ra lời, còn chị Cẩm thì e thẹn đứng cúi đầu. Một chị lên giọng khôi hài bảo tôi:
- Ông tướng hát bộ hôm nay múa gươm vụng về quá. May chị Cẩm đưa khiên ra đỡ kịp không thì đã bỏ mạng rồi.
Nói xong mấy chị khác cười rộ lên làm cho tôi ngượng tưởng đến hoá điên được. Mặc để chị Cẩm tự đi lượm rổ lấy, tôi cắm đầu rảo chân đi một mạch không dám ngó lui, cũng không dám trông ai đứng hai bên vệ đường nữa.
Về đến đình thì trời đã đứng trưa. Trong đình lúc ấy không huyên náo như khi mai nữa. Một bầu không khí yên lặng từ tốn đã rải khắp mấy gian đình. Thì ra lúc ấy là lúc các quan viên chức sắc và dân làng đang đánh chén. Họ khề khà nói rất sẽ và rất ít, vì họ chỉ sợ mất thì giờ ngồi nói chuyện gẫu, và sợ nhất là mất những thức ngon nóng hổi sắp trên bàn.
Lắm lúc có người nói rất vô lý nhưng cũng không thấy ai lớn tiếng cãi lại. Bao nhiêu tâm lực họ đều thâu vào đôi mắt tìm thức ăn và để biết gắp đồ ăn ngon trước mọi người.
Những cái thìa gặp nhau trong bát canh, những đôi đũa chạm nhau trên đĩa thịt bò tái, những cái húp ừng ực, những cái nghiến dẻo dang hợp lại làm thành một điệu âm nhạc không tên nhưng lại có tuổi. Thì có khó khăn gì đâu, cái đình làng làm được bao nhiêu năm thì bản âm nhạc kỳ quái ấy lại có bấy nhiêu tuổi.
Khít bên bàn có lắm đứa trẻ đứng sau lưng bố nó, và thỉnh thoảng được bố nó quay lưng lại giúi trong tay nó một oẳn xôi vắt nhỏ hay vài lát bò thui.
Từ mai đến trưa có lẽ chỉ lúc này là dân làng mới làm việc một cách chăm chỉ và... yên lặng hơn hết. Nhưng lệ thường «tửu nhập ngôn xuất» nên không bao lâu những tiếng cãi cọ lại nhao nhao nổi lên như cũ.
Lúc tôi đi vào đình dân làng đã ăn hơn nửa bữa rồi. Nghe ông Lý bảo đến ăn tôi cũng đi tìm một chỗ chót bẹt để ngồi. Nhưng vừa mới ngồi xong ông Lý đã đến bảo tôi đứng đậy rồi kéo tôi đến một chỗ khác cao quý hơn. Tôi muốn nói cao quý là vì cái phản tôi đến ngồi họ kê cao lắm. Còn quý thì không hẳn quý lắm, vì chung quanh tôi chỉ cụ già với cụ già. Tôi cũng tưởng được ngồi đấy là yên phận, không ngờ một cụ già ngồi dưới tôi đứng dậy phì phào nói lớn:
- Thưa với thầy Lý, trò ấy tuy có học nhưng cũng còn nhỏ tuổi. Tôi tuy dân ngu nhưng đã già. Nói cho đúng tôi cũng sánh được vai chú vai bác của trò ấy được, đó là chưa nói đến vai ôn mệ. Thầy cho nó ngồi trên tôi thì thật thầy đã muốn cho nó khinh tôi và khinh luôn cả tuổi già sức yếu của dân làng nữa.
Thế là tôi lại phải trở về chỗ cũ. Trong lúc đi qua đi về, những đĩa thịt bò tái đã sạch như chùi rồi. Tôi dùng chữ «chùi» thật không quá lắm, vì họ ăn uống thế nào lại trông những chén tương, những bát canh sạch tinh như hồi mới rửa.
Qua năm sau vào kỳ tế thần tôi nhất định không chịu ra làng nữa, mặc dầu cha tôi đã hết lời khuyên: «Năm nay con đậu bằng Tiểu-học Yếu-lược thì không ai dám để con ngồi với dân đâu. Được thấy con lấn hơn thiên hạ thì cha cũng không khỏi mừng thầm và vui sướng được».
Không biết lời khuyên của cha tôi có thành thật không, chứ lòng tôi lo sợ lắm. Vì năm ấy tôi đã mạnh, đã cao hơn năm trước, tôi chỉ sợ ra đình họ lại - biết chừng đâu được - bắt tôi đi cầm lọng, thì cái lợi thật không bù cái hại. Và cái hại đáng sợ nhất lại không phải cái hại mất thể diện, mà thật ra cái hại mất... ăn.
TÌNH THƯ
Đêm ấy trăng sáng lắm. Mẹ tôi bảo chúng tôi đem ghế bàn ra sân để học cho mát. Một cơn gió thoảng qua, ngọn đèn lại được dịp phun vài lớp khói lên không và hắt ra những hơi nồng khó thở. Mẹ tôi yên lặng ngồi khâu áo bên em tôi. Thỉnh thoảng mẹ tôi lại đưa tay nâng cặp kính để ngay ngắn trên sống mũi. Em tôi ngồi nghê nga học, mình chồm tới ngả lui, làm lung chuyển cả cái ghế đang ngồi. Tôi thì đang hí hoáy vẽ lại cái bình mực đã mấy hôm bỏ dở.
Ánh trăng êm dịu xuyên qua mặt tàu lá chuối rồi nhẹ tỏa trên chiếc bàn chúng tôi mấy bóng đen lớn luôn luôn xao động. Mùi hương bên giàn hoa lý bay ra thơm ngào ngạt.
- Rắn là một loài bò... i... a... Rắn là một loài... Rắn là một loài bò...
Nghe câu học của em tôi hơi lạ tai, mẹ tôi từ từ lấy cặp kính xuống rồi mỉm cười nhìn em tôi chòng chọc. Dưới nhà bếp lại đưa lên một nhịp cười khúc khích của vú Bảo và thằng Lê.
- Ai dạy con rắn là một loài bò?
Tiếng học của em tôi át cả lời mẹ tôi, nên nó vẫn điềm nhiên ngồi học:
- Rắn là một loài bò... ê ... a... Rắn là một loài bò... sát không chân... ê... sát không chân ...
Cả nhà phá lên cười. Ngay lúc ấy ở ngoài cổng cũng hưởng lên một nhịp cười của ai nghe rất trong trẻo. Hai con vện vồ ra sủa. Mẹ tôi cất tiếng hỏi:
- Chị Sương đấy phải không?
- Vâng!
- Đi đâu mà khuya thế?
- Bác chưa ngủ à ? Em Thanh có ở nhà không?
- Chị nó bảo đi đâu mà không ở nhà.
Rồi mẹ tôi hối thằng Lê ra mở cồng.
Sương vào.
Hai con vện nhận được người quen liền không sủa nữa
Chị Sương là con gái bác lý Hoàng, năm ấy mới mười bảy tuổi, người tính nết dịu dàng đáng yêu và ăn nói có duyên lắm. Chị ấy ở cách nhà tôi một xóm nên thường đến chơi luôn. Lần nào qua nhà, chị cũng nhớ đem quà đến cho chúng tôi. Vì vậy mà thành thói quen. Mỗi lẫn chị quên là thằng Thuyên, em tôi, giữ chị lại không để cho chị về.
Năm ấy tôi học lớp ba trường Mỹ-lý, còn em tôi thì học lớp năm. Mỗi ngày tan buổi học chiều, chúng tôi thường rủ nhau lên tận ga Hòa-an để xem xe lửa chạy. Ga này nằm ở giữa đồng bát ngát, xa xa mới thấy một ngôi nhà nên trông buồn tẻ lắm. Sở dĩ «Nhà Nước» dựng lên cái ga ấy vì làng tôi có con đường cái đi xuyên qua huyện Sơn-hải cách ga gần tám cây số. Lần nào đi học về chúng tôi cũng gặp chị Sương gánh gạo lên đó bán.
Chị Sương tối hôm ấy ăn mặc như các cô gái quê làm dáng ở miền Trung: áo vải trắng dài, quần lĩnh đen, đi chân không; nhưng trông người chị xinh xắn và nhanh nhẹn.
Chị Sương đến tựa bên bàn chúng tôi rồi nhìn em Thuyên tôi cười bảo:
- Rắn cũng là loài bò nữa ư em Thuyên? Thế mà chị cứ tưởng nó là loài trâu.
Nói xong chị Sương lại cười. Một nhịp cười thẳng thắn tự nhiên của lắm cô gái quê lúc được nghe một câu chuyện gì hơi ngộ nghĩnh.
Em Thuyên tôi ngước mắt nhìn chị Sương cười rồi bỗng nhiên cũng ôm bụng cười theo. Một lúc sau em tôi tươi tỉnh hỏi:
- Chị Sương đem quà gì cho em đấy?
Chị Sương lại nói đùa thêm một câu và lại lấy thân áo trước bịt miệng cười khúc khích. Một mớ tóc đen mướt tỏa xuống che khuất nửa trán của chị. Mẹ tôi tươi cười bảo:
– Chị Sương chắc hôm nay có ai đi hỏi nên mới vui vẻ thế. Thằng Thuyên xin chị mía đi, chẳng sau chị ấy đi lấy chồng thì khó xin lắm đấy !
Thôi cười, chị Sương nhẹ cúi đầu xuống đáp:
- Bác thương thì dạy thế, chứ ai thèm gì những con gái quê!
- Những gái quê nhà làng mình thì hiếm lắm chị Sương ạ. Thì từ ngày nhà nước bắt con đường sắt đi qua làng mình, con trai trong làng ế vợ là thường chứ con gái thì toàn đi lấy chồng thầy thông thầy ký ở các tỉnh lớn.
- Thật vậy không bác!
- Sao không thật! Năm ngoái chị Hồ chẳng lấy ông đốc trường Mỹ-lý đó ư. Còn chị Viêm con bác cả Lai thì đã có thầy dạy thằng Thuyên sắp đến hỏi.
- Làm sao bác biết được?
- Làm mối dong cho người ta mà không biết thì chị bảo còn ai biết hơn nữa.
Câu chuyện sắp kéo dài ra nữa thì bỗng mẹ tôi sực nhớ chị Sương nãy giờ vào đứng nên vội nói lớn:
- Ấy chết, vô tình lại để khách đến chơi đứng mỏi chân. Thuyên con vào nhà rinh chiếc ghế ra mau.
- Được, bác để mặc cháu.
Em Thuyên tôi vào nhà một lúc lâu mới hì hục rinh ra một chiếc ghế đẩu. Chị Sương thấy vậy đến đón ngay lấy ghế rồi nhanh nhẹn đến đặt ngồi gần một bên tôi. Đoạn chị cất tiếng hỏi:
- Em Thanh không đi nghe hát giã gạo bên xóm bàu à?
- Đi qua miễu Thánh em sợ lắm, vả lại chắc tối hôm nay thế nào thầy dạy học em cũng có đi xem...
Ngẫm nghĩ một lát tôi lại cười nói tiếp:
- À, chị Sương này, bắt đầu từ hôm nay chị hãy gọi em bằng cậu cho oai, vì sang năm em đã đi thi bằng Yếu-lược rồi đấy!
Chị Sương tuy không biết đi thi bằng Yếu-lược là gì nhưng cũng muốn làm vui lòng tôi:
- Ừ, thì cậu Thanh. Chị muốn nhờ em một việc này.
- Lại còn em!
- À quên, nhờ cậu một việc này.
Chị Sương đưa mắt nhìn mẹ tôi, lưỡng lự.
Sau thấy mẹ tôi vẫn ngồi yên khâu áo, chị mới kề miệng sát tai tôi bảo khẽ:
- Cậu có biết thầy xếp ga không?
Tôi vô tình nói lớn:
- Lạ lùng gì thầy Xuân mà tôi không biết, chị cũng quen với thầy Xuân à ?
Lần này chị Sương đỏ bừng mặt lên rồi ấp úng nói như người hoảng sợ:
- Rõ cậu Thanh khéo nghiễn chuyện quá!
Mẹ tôi cúi đầu, nhìn chị Sương trên đôi vòng kính, đoạn mỉm cười:
- Ừ, thì thằng Thanh nghiễn chuyện làm gì để cho chị Sương thẹn!
Nói xong, mẹ tôi bảo em Thuyên đi ngủ, và cũng đứng dậy lững thững đi theo sau nó vào nhà. Chị Sương ngượng nghịu:
- Bác cũng đi vào ngủ à... Sao bác không cho em Thanh đi ngủ luôn thể...
Mẹ tôi quay lại cười:
- Tôi vào uống nước, còn thằng Thanh thì để nó học thuộc xong bài trường đã!
Nói vậy chứ mẹ tôi ở nín thẳng luôn trong nhà không chịu ra. Chị Sương ngồi im lặng một hồi lâu mới dịu lời bảo tôi:
– Em Thanh ạ, lúc chiều thầy Xuân có nhờ anh lon ton đưa cho chị một phong thư, chị không biết quốc ngữ nên mới qua nhờ em đọc hộ.
Chị Sương kéo trong túi áo ra một cái bì màu vàng, đoạn lách hai ngón tay ghép trong bì lấy một mảnh giấy gấp tư đưa cho tôi. Tôi cẩn thận mở tờ giấy trải lên bàn rồi chăm chú đọc.
Em Sương,
Trông em tôi yêu lắm, không đêm nào tôi không mộng thấy em. Nếu em cũng đồng bệnh tương tư như tôi thì em nói thật, để tôi mượn người đến tận nhà thầy mẹ hỏi xin em.
Người yêu em: Nguyễn Xuân
Chị Sương chống cằm ngồi yên lặng, hai mắt đăm đăm nhìn lên đọt cau gió khuya đưa qua lại. Ngoài đường lúc ấy vắng lặng, chỉ thỉnh thoảng xa xa đưa lại vài tiếng chó sủa lên trời hay những nhịp đều đều của mấy chiếc chày vồ giã gạo.
Chị Sương bỗng giật mình nhìn tôi.
- Em Thanh đọc xong rồi à? Còn nữa hết?
- Hết rồi.
- Hai trang giấy mà chỉ có thế thôi à? Thôi em chịu khó đọc lại cho chị nghe một lần nữa.
Lần này nghe tôi đọc, chị Sương mặt mày nở ra dần rồi lấy phong bì đang cầm trên tay che miệng cười chúm chím. Tôi đọc xong, chị Sương lấy lại phong thư lật qua lật lại trên tay một hồi lâu mới nghiêng đầu về bên tôi nói sẽ:
- Em Thanh ạ, em viết hộ cho chị một phong thư trả lời, sáng mai chị sẽ cho em năm xu.
Tôi thấy kiếm được tiền một cách dễ dàng quá nên tự nhiên cảm thấy lòng tưng bừng sung sướng. Nhưng tôi còn giả vờ nài thêm:
- Thế thì thích quá nhỉ, em có tiền em sẽ mua con sáo của thằng Lê, nhưng năm xu thì không đủ; chị cho em một hào, em sẽ gắng viết thư cho chị bằng chữ thật tốt. Nào chị đọc cho em viết đi...
Tôi xé trong quyển vở học một tờ giấy rồi yên lặng cầm bút chờ chị Sương đọc. Nhưng chị Sương thì mãi đăm đăm nhìn tờ giấy như muốn tự hỏi phải giải bày những câu gì, ý gì trên mặt giấy mới mong thầy Xuân thấu rõ nỗi lòng.
Tôi tưởng chị không nghe tiếng nên nhắc lại một lần nữa:
- Kìa chị đọc cho em viết!
Chị dịu giong bảo tôi:
- Nói se sẽ chứ lị... Bắt đầu em hãy viết: Thưa thầy Xuân... à, hay em viết là... thưa anh Xuân, cho thân mật hơn...
Tôi cặm cụi nắn nót viết ba chữ ấy cho thật tốt, đoạn ngước mắt lêu nhìn chị Sương hỏi nữa:
- Gì nữa chị?
Chị Sương đưa lưỡi liếm môi trên một lát đoạn băn khoăn trả lời:
- Thế em đặt hộ cho chị có được không?
- Được lắm, nhưng chị muốn nói gì với thầy Xuân?
Nói xong tôi ngồi thẳng người lên, chống hai khuỷu tay lên bàn miệng ngậm đầu cán bút, nhìn chị Sương ra dáng một người thạo nghề lắm. Còn chị Sương thì như sợ cặp mắt tôi nhìn chị, đoán biết ý muốn của chị, nên e lệ cúi đầu xuống đáp:
- Em sẽ nói chị gửi lời lên thăm thầy mạnh giỏi, chị mừng. Nếu thầy không kể gì chị quê mùa thì chị hứa sẽ trọn đời theo thầy hầu hạ.
- Chị muốn tự xưng chị bằng tôi hay bằng em?
- Bằng gì cũng được.
- Bằng em thì nghe tình tứ hơn chứ. Phải không chị Sương?
- Ừ, thế cũng được.
Chị Sương lẳng lặng ngồi xem ngòi viết tôi đi qua lại từng nét một trên mặt giấy: trông người chị hồi ấy ngây thơ như một đứa trẻ. Chị chòng chọc nhìn tôi viết ra vẻ kính cẩn lắm. Có lẽ chị đã cho mấy dòng chữ nguệch ngoạc của tôi là những lời nói thầm kín của tâm hồn chị, của bao nhiêu điều ước muốn mơ màng của chị.
Mọi vật ở trong cảnh yên lặng. Bỗng xa xa đưa lại tiếng còi thét dài của chuyến xe lửa đêm ra Bắc. Chị Sương nghe tiếng ấy ra chiều sung sướng trầm ngâm như người được nghe khúc đàn hay. Chị cầm tay tôi bảo ngưng viết rồi ngọt ngào:
- Này em Thanh ạ, giá nói thêm câu này như ý chị nghĩ thì hay nhỉ... Nhưng nói như thế có được không? Chị muốn nói rằng mỗi khi nghe tiếng còi tàu đằng xa... Nhất là trong những đêm vắng vẻ thì thế nào chị cũng nhớ đến thầy Xuân... Em liệu viết hộ chị thế.
Thế là bắt đầu từ đó tôi đã trở nên một viên thư ký bé con của chị Sương rồi. Một viên thư ký đọc thư tình và thay chị trả lời lại.
Theo trí non nớt nhưng... sớm khôn của tôi hồi ấy, thì cuộc tình duyên bằng thư cửa thầy ký ga với cô gái quê càng ngày càng đằm thắm, mặn mà. Những lời tha thiết chân thật của thầy Xuân bao giờ cũng khiến cho chị Sương cảm động và nói ra những câu mộc mạc nhưng không thiếu gì những tình tứ đẹp đẽ của một tấm lòng sung sướng vì yêu đương.
Chị Sương một đôi lần tiếp được lời năn nỉ của người tình và cũng một đôi lần hẹn hò cùng thầy Xuân gặp mặt. Nhưng cuộc gặp gỡ vẫn không ra ngoài «khuôn phép» vì thầy Xuân là người đứng đắn cũng như chị Sương là người chín chắn; hai bên rắp định chờ đợi hạnh phúc chăn gối cho đến ngày cưới xin hẳn hoi.
Cứ vậy trong gần hai tháng trời những câu nhớ thương, những tiếng tình tứ, với bao nhiêu nỗi vơ vẩn đối với người khác nhưng rất ý vị đối với chị Sương, tôi đều đọc qua và tôi là người chép lại. Tôi vô tình đã làm cái việc của ông tơ chắp nối cho hai người yêu nhau.
Nhưng chỉ có một điều làm tôi vui thích hồi bấy giờ... là mỗi lần chị Sương nhờ tôi viết thư là một lần chị để vào tay tôi năm xu:
– Cho em tiền để mua sáo.
Tôi mua một con sáo mà tôi vẫn thích và nói với bác xã Lận ở cùng xóm bán chịu cho tôi một cái lồng sơn son rất đẹp, tôi sẽ góp trả dần.
Bác Xã thuận cho mua, tôi tính trước chừng một tháng nữa, nếu chị Sương nhờ viết thư luôn, tôi sẽ đủ tiền góp hết.
Vì thế mà trông chừng chị Sương lâu không đến là tôi lại nóng lòng mong. Rồi đến mấy tuần cuối tháng sau thấy trong thư thầy Xuân nói đến việc song thân ở Bắc gọi về để cưới con một cụ Tuần, chị Sương dáng mặt âu sầu, bảo tôi viết thư cho thầy những câu nghe rất đau thương và áo não.
Chị Sương không hớn hở như trước nữa. Mỗi lần chị cầm thư đến lại băn khoăn lo ngại như đứng trước một tai nạn sắp xảy đến cho mình.
Tôi tuy ái ngại giùm, nhưng khi tôi viết thư trả lời xong, chị cho tiền là tôi vui vẻ ngay.
Con sáo ngàn của tôi cũng như có ý mong chị đến và mỗi lần thấy bóng chị là kêu mừng và nhảy nhót rối rít trong lồng. Con vật cũng biết rằng sau mỗi lần chị Sương qua nhà tôi là nó lại được tôi mua cho nhiều thức ăn và chăm chút nó hơn những ngày khác.
Nhưng qua tháng sau, đã hai tuần, chị Sương không đến nhà tôi nữa. Bác xã Lận thấy tôi không đóng tiền đã hai kỳ nên nhất định đưa tiền lại và đem cái lồng chim về. Từ đấy con sáo ngàn của tôi phải chịu ngủ ngoài trời sương lạnh. Đêm nào trời mưa nó lại rít lên kêu như than oán căm hờn.
Con chim sáo của tôi ngày một rạc đi mà tôi không biết làm sao được.
Rồi một đêm trăng, chị Sương lại qua nhà tôi giữa lúc chúng tôi đang ngồi học ngoài sân như mấy tháng trước.
Lần này tôi trông người chị Sương bơ phờ lạnh lẽo lắm. Chị lần đến bên tôi, rời rạc nói từng tiếng một:
– Thầy Xuân đi ra Hà Nội rồi em Thanh ạ.
Tôi nghe câu ấy như thấm đầy nước mắt, trong lòng thương cảm một cách thiết tha.
Ngay lúc ấy tiếng còi chuyến xe lửa đêm ra Bắc lại rúc lên lanh lảnh ngoài quãng đồng xa mơ hồ vắng lặng. Chị Sương động lòng nức nở khóc theo.
Chị Sương chặm nước mắt nhìn tôi thương hại:
- Em cũng buồn cho duyên số chị à?
- Con sáo ngàn của em chết rồi chị Sương ạ.
Nói xong tôi lại khóc lớn hơn nữa.
Năm 1975 
Thanh Tịnh
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...