Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2021

Quê mẹ 2

Quê mẹ 2

CON ÔNG HOÀNG
Ở chính giữa làng Mỹ-lý và đối diện với đình làng Mây bên kia sông, là cái Phủ nguy nga của ông Hoàng Thiên-Ý. Ông Hoàng này oai quyền hống hách một thời xưa. Ông Hoàng qua đời đã lâu, con cháu ông ta không có mấy, nên cảnh Phủ càng ngày càng tiêu điều.
Lúc còn nhỏ tôi biết được ông Hậu là con ông Hoàng và anh Vân là con ông Hậu. Anh Vân học với tôi một lớp, người xanh xao và yểu điệu như con gái. Anh ta thường dẫn tôi về Phủ chơi luôn. Ông Hậu năm ấy đã trên năm mươi tuổi, người lùn, trán hói, và đầu tóc bạc phơ. Ông tử tế lắm. Mỗi lần thấy tôi đến chơi ông niềm nở hỏi han như con cháu trong nhà. Trước sân Phủ có mấy cây ổi lớn nên tôi nhớ lại thăm anh Vân luôn.
Phủ tuy cao rộng thênh thang nhưng lúc nào cũng tối tăm và ảm đạm. Những cảnh cửa trước tiền đường không mấy khi thấy mở. Bầu không khí ở trong vì vậy trở nên nặng nề khó thở.
Trước kia tôi thấy trong Phủ có lắm vật cổ quý giá và đẹp mắt lắm. Nhất là những chiếc lư hương bằng ngọc hay là những cành hoa bằng bạc chạm. Nhưng bao nhiêu vật báu ấy dần dần biến đi đâu mất. Tôi hỏi anh Vân thì anh lúng túng đỏ cả mặt. Tôi hiểu ý nên không hỏi nữa. Tuy vậy trước sân nhà ông Hậu lúc nào cũng thấy đầy hoa tươi cỏ đẹp. Ông ta phong lưu lắm. Có lúc tôi gặp ông ngồi uống rượu dưới giàn hoa lý hay chép vần thơ trên một ngọn lá đào.
Cả ngày ông ta không làm gì hết. Ông ta chỉ đi tỉa hoa hay vác cần ra ngồi câu bên bờ sông Hà Nội. Tôi nghe ông ta có ăn lương tháng nhưng không biết bao nhiêu.
Thỉnh thoảng tôi có gặp ông ta đi chơi trong các lối xóm. Ông đi đứng ra chiều nhàn hạ lắm. Đi ra ngoài thì ông ta thường mặc áo gấm, bịt khăn điều, và cầm gậy tre bịt bạc. Nhưng ở nhà thì ông ta mặc giản dị hơn. Một hôm tôi đã thấy trên áo ông ta có chữ thêu. Tôi tưỏng là áo gấm nhưng nhìn kỹ tôi mới biết đó là bức trướng thêu thường treo giữa nhà.
Anh Vân thì lúc nào cũng thấy mặc cái áo đen dài bạc màu. Một hôm tôi đến gọi anh đi học thì thấy anh ta đang ngồi vá áo. Ông Hậu thấy tôi vào thì giả vờ mắng anh Vân :
- Thật tánh thằng con lạ quá. Áo quần để đầy rương mà không đem ra mặc cứ bo bo giữ lấy cái áo đen đã cũ nát.
Anh Vân đứng dậy rũ áo không vá nữa. Anh nhìn tôi mỉm cười nhưng tôi thấy hai má anh đỏ gắt.
Lúc sắp đi học, ông Hậu liền gọi anh Vân đến gần nói lớn:
- Chiều đi học về con nhớ ghé lại nhà ông Huyện Phong mời ông ta đến đánh cờ với chú nhé.
Anh Vân cúi đầu dạ rồi cùng tôi đi đến trường.
Nhưng lúc bãi học tôi cũng không thấy anh Vân ghé lại nhà ông Huyện. Và lúc tôi với anh về Phủ, tôi cũng không nghe ông Hậu nói gì hết.
Cảnh Phủ càng ngày càng tiêu điều, còn phía trong thì càng thấy rộng thêm mãi. Bát lư hương sành đến thế bát lư hương ngọc, và cách vài tháng sau tôi chỉ còn thấy bát lư hương gỗ. Bao nhiêu cột trong Phủ đã thấy trống trơn và cũ nát, vì chung quanh thân cột không có vật gì bám váo để bận mắt nữa.
Qua năm sau lên lớp nhất, Vân thường vắng mặt lắm giờ sử ký. Thầy trách anh Vân biếng học nhưng tôi thì hiểu anh ta lắm. Anh ta không có tiền mua quyển sách sử ký.
Một buổi trưa chủ nhật đến nhà anh Vân chơi, tôi thấy ông Hậu đang sai đứa ở đi bắt gà. Tôi cũng cởi áo đi theo anh Vân chận bắt mấy con gà ấy. Sau hai giờ chạy quanh vườn, chui qua bụi chúng tôi mời nhốt được bốn con gà trống tía vào trong lồng. Hôm ấy tôi ở lại chơi với anh Vân gần tối mới về.
Tôi ngạc nhiên hết sức lúc thấy bốn con gà trống tía của ông Hậu lại ở trong chuồng gà nhà tôi. Tôi hỏi thì mẹ tôi bảo gà của ông Hậu đem lại biếu. Tôi đang phân vân chưa hiểu thì mẹ tôi mỉm cười nói tiếp:
- Rồi nhà mình biếu lại ông ta một thúng gạo.
Tôi thấy cảnh nhà anh Vân túng thiếu nên thương hại vô cùng. Nhưng ông Hậu lúc nào cũng thấy nhàn hạ và say sưa trọn ngày. Ông thường cười nói vang nhà hay hát những câu «Tẩu Mã» đã quên lửng đi nhiều đoạn.
Dầu ông Hậu đã hết lòng giấu kín, nhưng sự túng bấn ở nhà ông đã dần dần lộ ra ngoài. Người ta biết ông Hậu sở dĩ muốn tươi tỉnh là để giữ thể diện.
Có lúc ông Hậu đã hào hiệp đến quên cả mình.
Người lính hầu cận của ông Hoàng ngày xưa một hôm đến thăm ông Hậu và đem đến biếu một cân mứt và hai lượng trà. Ông Hậu nhất định từ chối, không chịu lấy, người lính không nản chí kêu nài mãi:
- Nhờ ơn đức ông xưa con mới lên làm được phó quản, ơn ấy con xem như trời như biển. Nếu ngài không nhận chút lễ mọn này thì con không bao giờ dám đến thăm ngài nữa.
Để người ta ép nài quá nghe cũng chướng, ông Hậu dịu lời đáp:
- Hay tính thế này thì hơn. Anh đã có lòng cho tôi xin nhận và xin hết lòng cám ơn anh. Nhưng anh phải nhận lại vật này để cho mấy cháu nhà anh mới được.
Nói xong ông Hậu móc túi lấy ra hai đồng đưa cho người lính. Biết từ chối cũng không được, viên phó quản đành cúi đầu đưa hai tay nhận lấy.
Bắt đầu từ hôm ấy mỗi lần đến Phủ chơi, tôi đều thấy ông Hậu ngồi nhắm mứt với nước trà. Theo anh Vân thì đó là buổi cơm hàng ngày của nhà anh, vì số tiền cuối cùng ông Hậu đã đưa cho viên phó quản hết.
Nhưng ông Hậu vẫn không thôi cho người ngoài biết nhà ông vẫn còn sung túc.
Lệ hàng năm cứ đến gần Tết là ông Hậu bỏ nhà đi đâu hơn vài tuần.
Chính anh Vân cũng không biết ông đi đâu. Có người nói ông ta đi thăm rể và con gái ở Quy Nhơn Người khác lại nói ông ta lên tỉnh để sắm đồ Tết.
Mấy ngày trước Tết năm ấy tôi được đi với mẹ tôi lên tỉnh. Tỉnh thành xa làng Mỹ-lý hơn ba mươi cây số và phải đi qua năm sáu chuyến đò. Ba bốn năm tôi mới được đi một lần.
Ngày ấy cảnh tỉnh thành đối với tôi tươi sáng quá. Tôi đi xem ngót nửa ngày mà không thấy mỏi chân.
Trước thềm một căn phố bán giấy hoa, tôi bỗng chú ý đến một cụ già đang ngồi viết chữ thuê. Một bọn trẻ đứng vây chung quanh nhìn ông ta viết một cách lơ đãng. Chữ ông ta viết đẹp lắm tuy lúc viết bàn tay hơi run run. Viết xong ông ta lại ngồi nhìn mấy câu liễn hay lấy ít viên sạn chận lên trên.
Tôi bỗng giật mình lúc thấy ông ta đứng dậy uốn lưng cho đỡ mỏi. Tôi vội vàng đi thật nhanh vì sợ ông ta lại nhận thấy được lôi. Vì ông ta là ông Hậu...
QUÊ BẠN
Hết mùa tót rã rơm khô
Bạn về quê bạn biết mô mà tìm.
(CA DAO)
Ở vùng quê, một đêm trăng. Gió thổi đều đều qua ngọn cây và lay nhẹ những tàu lá xám. Trăng sáng, và trời không mây.
Hương ngồi nấu chè trong bếp, lắng tai nghe những câu hò tình tứ của Mẫn ở ngoài sân. Hương lùa một nắm rơm khô vào bếp rồi đưa chiếc que gạt tro tàn ra, làm đều đặn như cái máy.
Hơn ba hôm nay giọng hò của Mẫn đã quyến luyến Hương và làm lòng Hương xao xuyến. Hương tự nhiên thấy buồn buồn khó tả.
Mỗi lần giọng hò của Mẫn ngân lên không, như tiếng chuông rền bay tản mác ra xa như dòng hương cuộn, Hương lại thổn thức và có cái cảm giác hơi lạ là chừng đã sống với Mẫn đâu từ kiếp xa xưa.
Ban đầu Hương mê giọng hò của Mẫn nhưng sau Hương cũng không biết Hương đã mê chính người con trai ấy hay chỉ mê riêng giọng hò. Hương cố phân biệt để xem nhưng mỗi lần nghĩ đến Mẫn, Hương lại thèn thẹn và không dám nghĩ lâu.
Hương là con gái đầu của ông cả Lai, một điền chủ giàu nhất ở làng Mỹ-lý. Lúc còn nhỏ Hương học đến lớp ba nhưng qua năm sau mẹ mất, Hương phải xin thôi học. Từ đó Hương lại giúp cha trong nghề làm ruộng. Ông Cả càng ngày càng già, nên bao nhiêu việc ruộng nương đều do tay Hương cai quản.
Hương người đều đặn nở nang, khuôn mặt tròn và cặp mắt lúc nào cũng mở lớn như ngạc nhiên. Hương lại còn có cái đặc điểm là vui tính và hiền lành. Hương ít giận ai và cũng không làm ai mất lòng. Cũng nhờ tính vô tâm, nên đã ngoài hai mươi tuổi mà Hương vẫn giữ được sự mềm mỏng và nét dịu dàng của tuổi ngây thơ.
Năm ấy ông cả Lai xem lịch thấy thời tiết khá nên mời trai bạn ở các làng đến làm hơn ba mươi mẫu ruộng.
Trai bạn là bọn trai tráng ở các làng chung quanh vùng, có khi xa, xa lắm. Họ ở những nơi đất kém, ruộng khô, hay những vùng năng lụt lội. Họ kéo nhau đi từng đoàn trên hai mươi người, đó là những nơi nào cần đến công việc của họ.
Họ là người bốn phương, nhưng họ gặp và hiểu nhau trong một cảnh ngộ. Họ sống với nhau trong những ngày cầy cấy, gặt hái, rồi lại tản mác ra như những mảnh mây ngàn.
Xa nhau họ còn nuôi hy vọng sang năm gặp nữa Nhưng sang năm gặp nhau là một chuyện khó. Vì quê hương của họ cách nhau xa lắm. Vả trước kia họ gặp nhau trong cảnh đồng hoang hay trong quán vắng, chứ có ai biết nhà ai đâu. Vì thế mỗi lần hẹn sang năm gặp nhau thì lòng họ đã đón trước những nỗi buồn vĩnh biệt.
Nhưng không gặp đoàn này thì họ gặp bọn người khác. Vì hàng năm cảnh làm ăn đã kéo họ ra khỏi nhà và bắt họ đi tha phương. Đời họ mỗi năm mỗi khác như rừng cây mỗi năm có một lần lá mới.
Mẫn ở làng Lộc-giang, huyện Bình-hải cách làng Mỹ-lý hơn bốn ngày đường. Mẫn xưa kia có theo học chữ nho nhưng lỡ thời. Ban đầu Mẫn định mở trường dạy học trong làng nhưng thấy chữ nho không ai dùng nữa nên nhập với bọn trai bạn đi làm ăn. Mẫn đi xa làng lần đầu và cũng lần đầu Mẫn nếm qua cái đời trai bạn.
Mấy hôm theo chúng bạn ra đồng gặt lúa hay về nhà xây độn rơm, Mẫn thấy lòng vui vẻ và ăn cơm ngon miệng. Cũng có khi giữa buổi làm việc Mẫn tự nhiên thấy nhọc lả người và hai hên thái dương lùng bùng như bị cảm gió. Mẫn lại ngồi trên bờ ruộng để tìm nước uống.
Mùi lúa chín và hơi gió nhẹ dần dần làm Mẫn khoan khoái và tỉnh tảo như trước. Mẫn lại cất giọng hò lanh lảnh hay vui miệng nói đùa để chọc cho người chung quanh bật cười. Mẫn đi đến đâu là trận cười đi theo đến đó.
Hương lắm lúc muốn làm mặt nghiêm nhưng cũng khó nhịn cười trước lắm câu khôi hài ý vị của Mẫn. Nhờ tài khéo pha trò, Mẫn đã dần dần quen thân với cô con gái nhà chủ. Những lối hài hước của Mẫn làm Hương cười thì giọng hò của Mẫn lại làm Hương buồn thắm thía.
Một thứ cảm tình đằm thắm gây nên từ đó. Hương mỗi ngày mỗi quý mến Mẫn hơn lên.
Đêm ấy trời có trăng. Mẫn cho trâu đạp lúa ngoài sân với trai bạn. Giờ càng khuya giọng hò của Mẫn nghe càng thâm trầm bi thiết. Hương nấu chè xong sai đứa ở múc vào chén rồi đem ra sân. Giũa sân đã có ba chiếc chõng tre trải chiếu sạch sẽ. Hương đứng nhìn mấy mâm chè đã để hẳn hoi trên chiếu giữa sân nói lớn:
- Thôi mời anh em nghỉ tay vào ăn chè.
Mẫn tự nhiên ngừng bặt giọng hát, hỏi:
- Cô Hương nấu chè gì đấy?
Hương mỉm cười khôi hài:
- Chè để ăn.
Mẫn nói liếp:
- Chẳng lẽ nấu chè lại để uống à?
Hương đưa cánh tay che miệng cười:
- Ô hay! anh Mẫn quên rồi à! Nấu nước chè tàu chẳng để uống thì để làm gì?
Một người bạn đứng đằng xa tinh nghịch:
– Để uống trong tiệc cưới đấy!
Hương bẽn lẻn nhìn xuống đất, Mẫn nói chữa ngượng:
– Thôi ăn với uống cũng như nhau, miễn no bụng là được.
Nhưng Hương vẫn chưa chịu thua:
- Uống thì no bụng thế nào được. Ăn mới no thôi chứ.
Nói xong thi Hương cười nức nở. Mẫn cũng cười theo. Mấy người khác biếng cười nên lẳng lặng đến bên mấy mâm chè khói bay lên thơm phức. Họ đua nhau ăn ồ ạt và vui vẻ.
Trời càng khuya trăng càng tỏ. Tiếng nói qua lại dịu dần cho đến lúc câu chuyện thành nhạt nhẽo vô duyên thì ai nấy đều im tiếng. Cảnh vật của trời đêm lặng lẽ bao vây giấc ngủ say sưa của mọi người.
Hôm sau trên dòng sông Viêm hơn mười chiếc thuyền chở đầy lúa trôi nhanh về làng Mỹ-lý. Trên mỗi thuyền có năm người chèo. Họ đặt ra cuộc đua tài, thách nhau thuyền nào về trước thì được giải. Giải đơn sơ lắm : chỉ có một chai rượu trắng và hai con mực khô. Những trai bạn cũng vui lòng đua; họ cốt lấy tiếng. Nhất là hôm ấy cô Hương đi theo nên họ không muốn mất giá trị trước một cô chủ trẻ tuổi.
Người cố gắng sức hơn hết là Mẫn. Mẫn đứng cầm lái và không dám để lơi một mái chèo. Dòng sông hẹp, mười chiếc thuyền cứ đuổi nhau, chạm vào nhau thành nhũng tiếng mạnh và ngắn.
Họ vừa chèo vừa hát làm vang động cả một dòng sông. Hai hên bờ sông người làng ra đứng xem đông nghịt và trong số đó một bọn người lớn tiếng hát theo để phấn khởi bọn trai tráng dưới thuyền.
Thuyền của Mẫn chiều hôm ấy giật giải nhất. Hương vui vẻ đến đứng bên Mẫn rồi ấp úng nói sẽ:
-Anh được giải, thật em bằng lòng anh lắm.
Mẫn tươi cười:
-Cô bằng lòng tôi thật à?
Hương biết mình nói hớ nên hai má đỏ bừng. Một lát sau Hương cúi đầu thì thầm:
– Thôi anh vào ăn cơm chẳng đói.
Mẫn có ý khoe khoang. Anh chàng kiêu hãnh một cách ngây thơ và nói một câu rất mộc mạc:
-Tôi còn đi ăn giải đã chứ.
Hương nhìn Mẫn có vẻ không hiểu. Mẫn nói tiếp:
-Nghĩa là tôi ăn con mực và uống chai rượu người ta thưởng cho ấy mà.
Hương làm bộ nũng niu :
– Em không bằng lòng anh uống rượu đâu.
Mẫn híp mắt lại cười:
– Thế sao hồi nãy cô bảo cô bằng lòng tôi!
Những lời trao qua đổi lại toàn là những câu khôi hài nhạt nhẽo nhưng lòng Hương thì tưng bừng như ánh trời buổi sáng. Hương sung sướng được Mẫn để ý đến mình và xem mình như bạn thiết. Hương không e lệ nữa, cô đã can đảm nói một câu mà tưởng không bao giờ cô dám nói ra.
- Em bằng lòng anh thật, nhưng anh uống rượu thì không,
Mẫn làm ra vẻ bung hăng một cách khôi hài
- Không bằng lòng mà được à, tôi thì cứ...
Hương ngước mắt nhìn Mẩn:
Tôi làm gì?
- Tôi không uống rượu nữa.
Hai người nhìn nhau cười chúm chim, trong lòng nao nức vui.
Qua tháng sau rơm đã thành độn, lúa đã nằm yên trong vựa, và trai bạn sau một bữa cơm ngon lành do ông Cả thết đãi, đã từ giã làng Mỹ-lý ra đi.
Ban đầu họ nối chân nhau đi thành một đoàn dài, nhưng qua mỗi làng, lại có một đôi người rẽ đường đi về quê hương của họ.
Hôm thấy trai bạn cất hái lên vai sắp đi, Hương chạy ra sau bụi chuối đứng khóc. Mẫn đứng sau đống rơm thấy Hương khóc cũng tấm tức khóc theo.
... Và từ đấy dòng sông Viêm phẳng lặng, đồng làng Mỹ-lý vắng teo, trai bạn đi, lòng Hương bơ phờ như cảnh vườn hoang chờ gió lạ.
MỘT LÀNG CHẾT
Tâm đi giữa hai hàng tre cao vút và dẫm chân lên bóng mình đang in dài trước mặt. Tâm thấy hay hay và vui chân dẫm lên mãi. Tâm thấy đi cách ấy thì quên đường xa và ngỡ mình đang nện gót nhịp nhàng theo tiếng kèn binh tưởng tượng. Thỉnh thoảng Tâm lại đổi chiếc va-li sang tay cho đỡ mỏi.
Thấy đường đi bằng bùn khô mặt láng và trơn, Tâm muốn tuột đôi giầy để đi chân trần cho mát. Nhưng tưởng cử chỉ ấy sẽ làm người qua đường bật cười, nên Tâm không nghĩ đến nữa. Nhưng mỗi lần thấy vài người vùng quê đi chân không trên mặt đường mát rượi, Tâm lại thèm thèm như được trông ai ăn quả chua.
Được mấy ngày nghỉ, Tâm định về quê thăm thầy mẹ. Nhưng chuyến xe hơi Tâm đi lại chết máy ngay giữa quãng đồng Hoa-lai. Tâm cho xe còn vượt thêm mười cây số nữa mới đến làng Mỹ-lý. Các hành khách khác đều tìm bóng cây để núp nắng và chờ họ chữa máy xe. Nhưng Tâm không hy vọng gì về sự chữa chạy ấy. Tâm nhận thấy máy xe hỏng nặng lắm và chữa nhanh nhất cũng đến chiều tối mới xong.
Tâm trả tiền xe lấy cớ đi thăm người bà con ở gần đấy. Kỳ thật Tâm muốn qua thăm làng Đồng-yên, một làng vừa rộng lớn vừa phồn thịnh nhất ở vùng ấy.
Năm lên tám tuổi, Tâm đã đến ở trong làng này hai năm lúc bà ngoại của Tâm còn sống và có mấy sở nhà ngói cho thuê ngay trước chợ. Cách tám năm tiếp, Tâm chưa tìm ra được dịp nào để trở về thăm quê ngoại. Một phần tại bà của Tâm đã qua đời, phần khác nhà cửa của bà Tâm ở Đồng-yên đều bán cho người ta hết.
Nhưng lòng Tâm thì ao ước trở về quê ngoại mãi. Vì ở đấy Tâm được một bà ngoại hiền từ nâng niu và đã thấy những cảnh náo nhiệt tưng hừng mà chính làng Tâm không có. Tâm còn nhớ rõ ràng cái rạp hát bộ thênh thang dựng trên bờ sông và mấy cái quán ngói huênh hoang che hai mặt chợ. Cứ đến tối, tiếng trống chầu lại nổi lên tản mác vọng ra xa nghe như sóng dội. Một vài tiệm khách đã chưng đèn măng-xông, ánh sáng toả ra tươi và dịu. Đèn ấy đã quyến được nhiều con thiêu thân cũng như đã kéo lại lắm người vùng quê tò mò hay ngơ ngác. Tối nào Tâm cũng đến xem có khi khuya quá bà ngoại Tâm đến kêu mới chịu về.
Mỗi lần nhớ đến quãng đời thơ ấu ấy, Tâm lại cúi đầu mỉm cười, hai má đỏ lên và thèn thẹn.
Hôm nay tình cờ Tâm lại nắm được dịp về làng Đồng-yên mà Tâm chắc là sầm uất hơn trước nhiều. Tâm định ở lại trong làng vài giờ để thăm vài nhà quen và luôn đường lên ga gần đấy đợi chuyến tàu về Mỹ-lý.
Trời sắp đứng trưa, bóng của Tâm in trên đường đi đã ngắn dần. Qua khỏi miếu Thần Đá làng Triêu, Tâm liền rẽ về con đường mòn tăm tắp chạy dọc theo bờ sống Vực.
Từ đó Tâm không dẫm chân lên bóng mình nữa. Vì chính cái bóng của Tâm cũng đã bổ chênh về một bên. Tâm vừa đi vừa nhìn vơ vẩn mấy túp lều tranh bên kia sông hay dõi theo dáng điệu uyển chuyển của mấy cô gánh gạo ở chợ xa về.
Vừa tầm tay, Tâm ngắt một đoá hoa lài vươn ra ngoài bụi hóp. Nhưng đi một quãng xa, Tâm lại vui tay gắm trên đầu một chiếc gai tre.
Quá một giờ trưa. Tâm mới về đến làng Đồng-yên. Qua khỏi cổng làng, Tâm giật mình đứng dừng lại. Tâm hơi ngạc nhiên và không tin ở cặp mắt mình. Mấy hàng tre bao quanh đình không còn vẻ tươi tốt của thời xưa nữa. Chính cái đình cũng bị hư nát và sập đi một mái. Tâm chắc lưỡi thở dài băn khoăn như người thấy chính nhà mình hư hại. Đường đi hê hủng nhiều đoạn và không rộng rãi như trước. Cỏ đã lan ra chiếm cả mặt đường. Và xa xa Tâm thấy mấy cụm nhà đen ngòm in dưới mấy hàng cây rậm lá. Phía ấy trước kia là chợ, nơi ấy tấp nập nhất ở làng. Tâm lẳng lặng cất bước về phía ấy lòng hồi hộp như sợ những cảnh điêu tàn sắp phơi ra trước mắt. Tâm mong gặp một người qua đường để hỏi chuyện. Nhưng Tâm đã lạc vào cảnh không người và chính người Tâm lại như người ma hiện về trong gió chết. Thỉnh thoảng sau đình lại đưa vội ra vài tiếng cú như cắt đứt bầu trời yên lặng ra nhiều quãng. Tâm cảm thấy lòng mình như nặng trĩu. Trời đất có vẻ u ám và nắng vàng như đọng lại trên tàn cây.
Tâm đi chậm rãi ngửa mặt đón gió mát cho lòng đỡ nặng. Nhưng không may, Tâm chỉ đón thêm những nỗi buồn. Càng về phía chợ, Tâm càng thấy lòng u uất. Phố sá hai bên đường đều hư sập, đen đũi và đầy bụi bặm. Không khí ở đây nặng nề quá gần như không thở nổi. Cái đình chợ đã biến thành một đống vôi gạch đầy rêu cao ụ sụ. Cái rạp hát bằng tranh sập khum khum giữa vườn chuối héo, xa trông như một cụ già gắng bò ra bờ sông uống nước, nhưng không bao giờ dậy nổi. Gió như đứng lại, nước không trôi và vẻ sống chung quanh đã từ lâu ngừng trệ. Nỗi buồn cứ nhè nhẹ đi sâu vào lòng Tâm.
Trước cảnh hoang phế, Tâm muôn quên hẳn những cảnh tươi xưa và không dám đem ra so sánh. Nhưng trí Tâm cứ vẩn vơ nghĩ đến mãi
Mặt trời đã cạn dần ánh sáng. Tiếng động bắt đầu rì rầm trên quãng mây xa. Vòm trời hạ thấp xuống và không khí dày đặc thêm lên.
Cảnh chung quanh đã đen tối sẵn lại nặng nề u uất hơn. Tâm lững thững đi lên phía ga để đợi chuyến tàu chiều. Mới rẽ qua con đường cái, Tâm liền gặp ngay một cụ già từ xóm nứa chống gậy đi ra. Tâm mừng rỡ tiến lại đứng bên cạnh chào hỏi:
– Thưa cụ, có biết tại sao làng Đồng-yên lại tiêu điều đến thế không?
Cụ già ngẩng mặt nhìn Tâm có vẻ kinh ngạc rồi dịu giọng đáp:
– Vì phần nhiều người làng Đồng-yên là dân đến ở ngụ. Cách đây hai năm, đậu trời tràn ra khắp làng và giết hại không biết bao nhiêu nhân mạng. Họ lần lượt kéo nhau đi ở nơi khác nhất là về mạn Thường-sơn.
Cụ già nhìn lên trời rồi với giọng ái ngại nói tiếp:
– Trời sắp mưa rồi đấy, ông đi nhanh chẳng ướt.
Tâm chào cụ già rồi gấp bước đi lên ga Đồng-yên. Tuy bước nhanh, Tâm vẫn cảm thấy nặng cả lòng và như có sức mạnh gì cản lại. Đã biết không có mồ hôi trên trán, Tâm vẫn đưa chiếc khăn tay lên lau. Những ý nghĩ lờ mờ không đâu cứ lần lượt hiện lên rồi tự xóa nhòa trong trí Tâm. Một luồng gió mát từ phía ruộng đưa lên sực nức cả mùi hoa dại. Tâm ưỡn ngực hít dài và thấy tâm hồn như bớt nặng.
Trên con đường dốc lên ga, Tâm đạp đùa trên những ngọn lá bàng khô nghe rôm rốp. Tâm nghi ngờ như tiếng vỡ của chính lòng Tâm.
Mới đến trước sân ga, Tâm đã rùng mình dừng lại. Nhà ga chừng đã bỏ phế từ lâu và mấy buồng giấy cỏ mọc lên um tùm như bụi rậm. Chung quanh ga, mấy nền nhà cũ lộ hẳn lên như bàn cờ giữa vùng cỏ may thấp ngọn. Trời bắt đầu mưa, giọt rơi đều và nhẹ. Tâm díu mày lại và cảm thấy ươn ướt trên hàng mi.
Như bắt được hơi mưa, một bầy kiến cánh tự trong nhà ga là đà bay ra sân. Nhưng chỉ được một quãng, nước mưa đã thấm ướt cánh và đàn kiến thất vọng rơi nhào xuống đất.
Dưới hiên ga hoang vắng, Tâm ngao ngán nhìn về làng Đồng-yên qua màn mưa chiều rỉ rả.
TÌNH QUÊ HƯƠNG
Thuyên, Đông là hai người bạn thân cùng ở một làng: làng Mỹ-lý. Sau ba tháng vào tìm việc ở Nam-kỳ, hai người mới tìm được hai việc làm tạm ở ga Gò-đen. Ga này ở giữa con đường Sàigòn - Mỹ-tho, một nơi được tiếng giàu nhất về ruộng lúa. Khách qua lại toàn là những dân quê ở hai vùng Thanh-trưu và Bá-chẩn. Công việc của Thuyên, Đồng cũng không đến nỗi vất vả lắm. Lúc còn là hai tên thất nghiệp lang thang đi tìm việc khắp Sài-gòn thì hai người ít khi nhớ đến quê hương. Nhưng lúc tìm ra việc thì tình quê hương lại dạt dào luôn trong tâm trí.
Những buổi nghỉ việc, hai người lại lững thững nắm tay nhau, đi trên con đường về làng Vạn-thọ. Vì con đường này giống với con đường chính của làng Mỹ-lý quá. Cũng hai hàng cây sầu-đông chạy thẳng giữa quãng đồng lúa chín, cũng cái miễu thánh xa xa và mấy đống rơm cao chót vót sau bụi tre già cuối xóm.
Đi trên quãng đường này, Thuyên, Đồng có cái cảm giác là sắp về nhà mình. Nhưng mỗi lúc qua khỏi cái cầu dài, hai người lại đứng nhìn nhau ngơ ngẩn. Vì trước mặt hai người, quang cảnh chung quanh đã đổi hẳn. Những cây dừa vươn mình trên dòng nước đục, hay vài cô gái miền Nam bơi thuyền giữa đám rau già, không cho hai người tưởng tượng đến làng Mỹ-lý nữa.
Thuyên vòng tay nhìn mông ra xa rồi lẩm bẩm;
- Ừ uổng thật, giá đến đây không gặp con sông này thì chúng mình đã tưởng về xóm Thạch-lũy rồi.
Đồng đưa tay chỉ một nếp nhà ngói bên vệ đường rồi nói tiếp:
- Còn cái nhà xinh xắn kia là biệt thự của cô Ái-Thu làng mình.
Thuyên nhìn Đồng mỉm cười:
- Nhớ rõ ràng nhỉ, nhưng đất Nam-kỳ bốn mùa nắng gắt, có mùa thu đâu mà bảo có cô Ái-Thu.
Trên phiến đá trắng bên vệ đường, hai người lại lẳng lặng quàng vai nhau ngồi xuống. Trời càng về chiều, gió càng lạnh. Hai người dần dần ngồi khít gần lại để truyền hơi ấm cho nhau.
Bóng tối từ từ lan rộng ra trên quãng đồng lúa chín, ở về phía ga vài ngọn đèn dầu đã bắt đầu lấp lánh sau mấy hàng cây đen sẫm.
Như muốn tự dối, Thuyền vui vẻ bảo Đồng:
- Đồng ơi. Chúng ta hãy đi về ga Mỹ-lý nhanh đi chẳng tối rồi.
Không hề lộ vẻ ngạc nhiên, Đồng cất tiếng đáp:
- Ừ chúng ta về ga Mỹ-lý.
Rồi như mọi chiều, Thuyên, Đồng lại vừa đi vừa hát huyên thuyên, đầu bài bát này nối đuôi bài khác..
Một hôm Thuyên, Đồng rủ nhau đi chơi thật xa, nhưng đến giữa trưa thì lạc mất đường về. Hai người phải ghé vào cái quán gần đấy để hỏi đường, luôn tiện để ăn cho đỡ đói. Cùng ăn trong quán ấy, có ba người nhà quê trẻ tuổi đùa bỡn với nhau luôn miệng. Nụ cười từ môi này lan qua môi khác, bầu không khí trong quán không bao lâu trở nên vui vẻ lạ thường. Lúc sắp trả tiền, Thuyên mới nhớ mình để quên ví ở nhà, Thuyên bấm nhẹ Đồng hỏi sẽ:
- Đồng có đem tiền theo đấy không?
- Không. Thế Thuyên cũng không có à?
Thuyên lắc đầu ra vẻ lo ngại:
- Thuyên bỏ nhầm quyển số con vào túi, còn cái ví thì để quên ở trong ngăn bàn.
Hai người đang nhìn xuống mặt bàn để tìm kế «tháo thân» thì bên kia bàn, người nhà quê trẻ tuổi nhất, đứng dậy nói với chủ quán:
- Hai thầy ngồi bên kia bàn là hai bạn thân của chúng tôi; vậy ông cứ tính chung để tôi trả tiền luôn thể.
Thuyên nghe nói cảm động quá, đứng dậy nhìn người trẻ tuổi một lát rồi ấp úng nói:
- Thật chúng tôi không biết nói gì đây để cám ơn mấy ngài...
Không để cho Thuyên nói dứt lời, người trẻ tuổi nói tiếp:
- Đáng lẽ tôi phải cám ơn hai thầy trước mới phải. Vì hai thầy đã cho tôi nghe giọng nói của mẹ tôi xưa...
Rồi hạ giọng, người ấy thì thầm như hơi thở:
- ... Vì mẹ tôi là người Trung-kỳ, và đã qua đời hơn tám năm rồi.
Nói đến đây, người trẻ tuổi lẳng lặng nhìn xuống bàn, hai môi mím chặt ra vẻ đau thương lắm. Còn Thuyên, Đồng thì bùi ngùi nhớ đến quê hương, yên lặng nhìn nhau với hai cặp mắt rớm lệ.
Ngày ba mươi Tết năm ấy, Thuyên, Đồng nhất định không đi ăn cơm quán như mọi ngày. Hai người định mời bà Hai, người ở gần đấy, đến nấu cơm trong ga, để cúng luôn thể. Hai người cũng không biết cúng ai, nhưng thấy người ta đua nhau cúng, cũng muốn cúng cho vui.
Bàn bạc xong xuôi, Đồng đáp tàu lên Chợ-lớn mua các thức ăn trong tiệm khách. Còn Thuyên ở nhà sắp đặt lại ghế bàn để khuya cúng lễ giao thừa.
Lúc Đồng về thì trời đã gần tối. Thuyên tự thân hành qua bên nhà bà Hai để mời bà ấy qua, nhưng rủi bà ấy đã về ăn Tết ở Biên Hòa từ sáng sớm. Thuyên lủi thủi đi về kể lại cho Đồng nghe. Hai người chỉ nhìn nhau cười, nhưng trông có vẻ băn khoăn lắm. Ngay lúc ấy, bên kia căn ga có mấy người hành khách đang ngồi nói chuyện với nhau rất vui vẻ.
Thuyên mở cửa sổ bán vé tàu, chui đầu sang bên kia rồi nói lớn:
- Hôm nay không có chuyến tàu bảy giờ. Đến hai giờ sáng mới có chuyến tàu bất thường ra Bắc.
Vài ba người nghe nói thất vọng quẩy gánh ra về. Thấy trong bóng tối lờ mờ còn vài người ngồi, Thuyên dịu lời nối tiếp:
- Các ngài không ở nhà ăn Tết à? Đi đâu mà sớm thế?
Một tràng tiếng trong trẻo đáp lại:
- Chúng tôi về ăn Tết.
Nhận được tiếng nói Trung-kỳ hai người mừng rỡ lắm. Đồng đứng sau Thuyên lên tiếng hỏi với:
- Về ăn Tết sao mà chậm thế?
Sau một dịp cười thẳng thắn, tiếng nói ấy lại ngọt ngào reo lên như trước:
- Chậm còn hơn không, hai thầy ạ.
Thuyên thụt đầu vào nhìn Đồng mỉm cười.
Đồng kề miệng bên tai Thuyên nói khẽ:
- Chắc cô này biết chúng mình.
Thuyên láy Đồng xách cây đèn treo rồi hai người cùng qua bên kia căn ga.
Trên chiếc ghế dài kê khít tường, một thiếu nữ mặc theo kiểu Huế, đang ngồi giữa một giỏ cam, và hai chai rượu.
Thấy Thuyên, Đồng đi qua, thiếu nữ nhoẻn miệng cười hỏi sẽ:
- Thế hai thầy định ăn Tết ở đây à?
Thuyên xoa tay, đáp:
- Có lẽ ở đâu chúng tôi cũng không ăn Tết được.
Thiếu nữ trố mắt nhìn Thuyên ra ý hỏi.
Thuyên mỉm cười nói tiếp;
- Vì một lẽ rất giản dị là đồ ăn mua về không có ai nấu.
Thiếu nữ đưa tay che miệng cười ngặt nghẽo.
Mấy chai rượu đế trên ghế được dịp chạm với nhau nghe rất vui tai.
Cười xong thiếu nữ vuốt lại mấy sợi tóc bay lòa xòa trước trán hỏi tiếp:
- Thế người nấu ăn của hai thầy đi đâu?
Đồng bấm Thuyên đi lui rồi chen tới trước đáp:
- Người ấy không đi đâu hết. Nhưng chúng tôi cũng không ăn Tết được.
Không để cho thiếu nữ ngạc nhiên, Đồng nói tiếp:
- Vì sự thật chúng tôi không có người ấy.
Nghĩ một lát, Đồng ngập ngừng nói sẽ:
-Vì vậy, nếu không làm phiền cô, vì chúng tôi biết làm thế này là phiền cô lắm, nhưng...
Thuyên ngắt lời nói thật nhanh:
- Chúng tôi muốn nhờ cô...
Nhưng nói đến đây, Thuyên đã ú ớ tìm không ra chữ. Thiếu nữ Huế tươi cười nói tiếp:
- Nhờ em nấu hộ cho hai thầy phải không. Nhưng tiếc em chỉ biết nấu thức ăn theo cách ở Trung-kỳ thôi.
Thuyên mừng rỡ:
- Có thức ăn Trung-kỳ để ăn... Tết, thật chúng tôi không muốn gì hơn nữa.
Nói là cúng chơi, nhưng lúc khói trầm tỏa lên khắp nhà và mấy ngọn đèn nến chập chờn trong bóng tối, Thuyên, Đồng cũng cảm thấy sự đầm ấm thiêng liêng của những ngày cúng kỵ. Thuyên kính cẩn rót thêm một tuần rượu vào ly rồi nói:
- Không biết lễ vật này mình cúng cho ai nhỉ?
Thiếu nữ Huế vòng tay nhìn Thuyên đáp:
- Cho những linh hồn tha hương chứ gì.
Thuyên cười nói:
- Ô hay, nếu vậy chúng mình lại tự cúng cho chúng mình rồi à?
Thiếu nữ ra vẻ sợ sệt nói sẽ :
- Chỉ nói dại.
Sực nhớ đến những nén hương không có trên bàn thờ, Thuyên hỏi Đồng:
- Đồng có mua hương đến không?
Đồng nhìn lên bàn thờ nói.
- Ừ nhỉ! Đồng vô tình quên mua mà không nhớ!
Thiếu nữ vội vàng đến mở va-li, lấy thẻ hương ra rồi hỏi:
- Đã vô tình quên thì nhớ thế nào được. Nhưng em có sẵn đây, hai thầy lấy mà thắp.
Thuyên đem cái máy đóng vé tàu để giữa bàn thờ bỏ hương vào trong một cái lạch con rồi tươi cười nói:
- Cái lư hương trông thế mà đẹp.
Ba người nhìn nhau cố che miệng để khỏi bật tiếng cười.
Một lát sau, Thuyên quay lại nhìn thiếu nữ rồi dịu lời hỏi:
- Chút nữa tôi quên không hỏi tên cô.
Thiếu nữ vuốt mái tóc rồi hỏi:
- Tên em?
Đồng gật đầu:
- Vâng, tên cô, vì đã hơn hai năm, lần này chúng tôi mới được gặp một cô gái Trung-kỳ bước chân đến ga này.
Thiếu nữ vẫn giữ nụ cười trên môi nói tiếp:
- Tên em là Bá Xuân.
Thuyên quên mình đang đứng trước một cô con gái lạ, vỗ tay reo lên:
- Vậy qua năm mới, anh em chúng tôi đã rước được một trăm mùa Xuân vào nhà .. ga.
Như hưởng ứng với lời Thuyên, một tràng pháo nổ vang lêu gần đấy.
Thiếu nữ ngây thơ nói tiếp:
- Hai anh chớ tưởng một trăm mùa Xuân mà thôi đâu. Nhiều lắm cơ, không đếm được! Vì em là Lê... «les » Bá Xuân.
Thuyên thấy thiếu nữ nói chuyện ngây thơ, lại xưng hô thân mật thì sung sướng vô cùng.
- Nếu vậy thì hôm nay nhà chúng ta đầy nức cả mùa xuân.
Ngay lúc ấy bên quãng đồng xa, làng Tân-hiệp, một tiếng còi tàu thét lên vang trong đêm tối. Rồi tiếp đến tiếng máy đều đều của con tàu ra Bắc.
Thuyên buồn rầu cúi mặt nhìn xuống đất, rồi với một giọng đầy nước mắt, nói sẽ :
- Nhanh thật, đón được mùa xuân chưa đầy hai phút thì đã phải tiễn mùa xuân đi rồi.
Cô Xuân đến ngồi trên chiếc ghế dài, hai tay ôm đầu ra dáng cảm động lắm. Một lát sau, cô ngửng mặt nhìn Thuyên, Đồng rồi với giọng run run, nói thật sẽ:
- Xuân đi chỉ một, còn xuân ở bên hai anh thì nhiều hai anh ạ!
Rồi gượng cười, nhưng hai mắt đã nhòa cả lệ, cô Xuân nói tiếp:
- Vì em có những Lê... «les» Bá Xuân.
TÌNH TRONG CÂU HÁT
Một buổi chiều vàng rộng mông mênh. Trên dòng sông hẹp hai chiếc thuyền như cố theo nhau ráo riết. Chiếc trước nhỏ, dáng mảnh khảnh mình thon chỉ được một cánh buồm nâu hình tam giác. Chiếc sau trông mạnh mẽ, gỗ láng và mui cao. Phía trước hai cánh buồm uốn phồng thật cong như nuốt gió. Hai chiếc thuyền cứ thong thả lướt nhẹ trên dòng sông cách nhau chừng vài trăm thước.
Nhưng trước kia hai chiếc ấy đã cùng đi từ một bến.
Chiều hôm ấy nghe nắng đã bớt màu vàng khe khắt, và gió đông nam bắt đầu nổi sau độn cát chùa Quang, anh Đạt từ từ cho lui thuyền ra khỏi bến. Anh đã lãnh được một chuyến khoai khô chở về huyện Quảng. Giữa cảnh hỗn độn ở bến Bao-vinh, thuyền sắp ngổn ngang và lái xây đủ hướng, anh Đạt chịu khó lắm mới lần được thuyền ra giữa dòng sông. Ngay lúc ấy anh nhận thấy ở phía xa, gần bến Đá, một chiếc thuyền buồm nâu cũng từ từ quay lại. Đạt mừng thầm, vì được một chiếc thuyền đi cùng sông không khác gặp một người bạn đi cùng đường. Giữa cảnh đêm hôm họ sẽ đem câu hát ra hỏi chuyện nhau cho sông đỡ dài, đêm đỡ vắng. Đó gần như một cái lệ chung của khách thuyền bè sống trên mặt nước.
Câu hát của họ thường do sự biện bạch thật nhanh và thật sáng, tả được chuyện nhà rõ ràng và mạch lạc không kém gì chuyện bông lông. Nhưng đẹp và tươi nhất là câu chuyên tình. Vì về mặt này họ rất thạo. Họ tả một cảnh hồn nhiên, nỗi cô đơn của lòng họ. Lắm lúc họ còn mượn cảnh nước mây để câu chuyện tình thêm thanh thú. Từng ấy chuyện họ thu gọn trong câu hò mái đẩy, văng vẳng kéo dài như tiếng chuông ngàn quyến gió hay rỉ rền như tiếng nức nở của vọng phu.
Câu hát trên dòng sông đã là lối giới thiệu thầm của hai tâm hồn xa lạ, hay mẩu chuyện đời góp nhặt đổi cho nhau nghe. Lệ thường hễ nhiều con thuyền trôi trên sông vắng hay giữa phá dài, là câu hò trao qua đáp lại đã vọng vang ra theo chiều gió. Cũng có khi một chiếc thuyền cô độc lướt nhẹ theo bờ sông, khách thuyền chỉ biết vu vơ thả câu hò ra giữa bầu trời cao rộng. Rồi trên bờ vắng hay giữa sông sương, vài tiếng hò như tiếng lòng xa vội vàng đáp lại. Người ta cứ thả tiếng hò ra như để làm quen với tiếng hò khác. Và thỉnh thoảng trong bóng tối của đêm dày người ta lại được nghe tiếng hò năm trước. Tiếng hát từ đó lại đổ dồn để kể cho nhau nghe sự đổi thay của mấy năm xa cách. Và lắm lần người ta đã khóc thầm vì hy vọng của xa xưa đã tắt hẳn, hay câu hẹn hò năm trước đã bị quên lãng ở giữa cảnh chồng con. Gặp nhau trên dòng sông có khi vài ba canh tiếp, nhưng bỗng đột ngột người ta rẽ bến xa nhau. Nhưng họ cũng hy vọng chờ và mong gặp nhau trên một phương sông vô định. Ví dầu không biết mặt nhau nhưng giọng hò và điệu tứ họ đã quen nhau rất chặt. Rồi đời này qua kiếp khác, khách của mặt nước cũng chỉ biết tìm tình đời trong câu hát giữa dòng sông.

Đạt góa vợ đã lâu, ngày tháng chỉ biết đưa thuyền để nuôi con dại. Vợ Đạt ngày xưa là một cô lái thuyền ở làng Vịnh-trị. Hôm ấy trời gió lớn và sắp nổi cơn giông, thuyền Đạt và thuyền Liên - tên vợ Đạt - phải ghé vào bờ để núp sóng. Đã quen nhau từ trước trong câu hát vẳng trên sông nên lúc gặp nhau Đạt và Liên không biết ngượng ngùng gì nữa. Câu chuyện tình liền bắt đầu thủ thỉ, trên hai con thuyền tình cờ sóng đã thúc lại gần.
Đạt mê man đưa tay qua thuyền bắt tay Liên và chực vuốt mái tóc tơ đang vờn trong gió lạnh. Liên say sưa cúi đầu nhìn mặt nước, đành câm lặng mà không nói được nên lời. Cách hai tháng sau Đạt lấy Liên và lễ cưới đã cử hành trên một nhóm thuyền kết lại. Vì thuyền đã là gia đình của họ, dòng sông là nơi họ qua về, và muôn bến chỉ là nơi ở tạm. Lễ cưới của Đạt và Liên, cũng như tất cả người người sống trên thuyền không ngờ đã đượm một tình thơ tươi sáng.
Liên với một nhóm thuyền của bạn bè và thân thích đến đậu trước ở bến nứa làng Vân. Vì chính nơi ấy xưa kia hai người đã gặp gỡ. Ba giờ sau một toán thuyền trên mười lăm chiếc về, họ hàng Đạt đến vây đậu chung quanh. Toàn thuyền buôn bán hay làm ăn cả, nhưng hôm ấy họ cũng gắng trang hoàng và dọn dẹp thật sạch sẽ. Giữa đêm họ đem đèn ra thắp chung quanh boong và treo một ngọn đèn khá lớn trên cột buồm, xa trông như một cụm chiến thuyền của thời xa cũ. Họ bày ra ăn uống rất vui vẻ và có lệ hay hay là đổi thuyền nhau để ngồi. Thường họ thắp đèn thật nhiều chứ không đốt pháo. Vì họ cho tốn tiền và cũng không thêm gì được cuộc vui. Nói chuyện đến nửa đêm thì họ nhổ sào giải tán, chỉ để lại hai chiếc thuyền của Đạt và Liên.
Trong lúc thấy đám thuyền đèn từ từ xa bến, Đạt tự nhiên vui vẻ cất tiếng hát vọng lên như tiễn biệt, Liên đứng nép bên cạnh chồng nhìn đám thuyền trôi buồn rầu tiếp theo mấy tiếng «hò» dài nghe não nuột [1]. Bên đám thuyền kia, người của hai họ đồng cất tiếng hát vang lên một lần như đáp lại. Tiếng hát của hai bên cứ nhỏ dần, sau chỉ để nghe mơ màng như tiếng thoảng. Đám đèn xa rồi mờ mãi để lẩn dần trong cụm sao đỏ phía chân sông. Không biết nghĩ gì Liên tựa đầu trên vai chồng, nhìn dòng nước mênh mang thổn thức.
Từ đó trên dải phá Tam-giang, hai chiếc thuyền của Đat và Liên cứ kèm nhau theo mãi. Ở với nhau gần ba năm, Liên sinh được một đứa con gái. Nhưng trong kỳ thai sản ấy, Liên bỏ mạng ở nhà thương. Đạt chôn cất vợ xong liền bồng con về sống lại cuộc đời cô quạnh. Giọng hát của Đạt từ đó lẻ bầy, nghe não nùng như oán khóc. Rồi trong khoảng mấy tháng đầu hễ có dịp chèo thuyền đi xa Đạt lại nối dây kéo thuyền của Liên đi theo. Trong thuyền ấy chỉ để độc một bát hương khói toả ra nghi ngút. Thuyền của Đạt đi đến đâu, người ta liền đổ dồn ra bờ đứng xem. Đạt vẫn thản nhiên cất giọng hò lanh lảnh, gương mặt quá đau khổ đến lạnh lùng như người chờ đám ma. Nhưng sau nghe mẹ phân phải trái, Đạt liền bán chiếc thuyền của Liên đi và giao con gái cho mẹ nuôi.
Đạt đã bớt sầu muộn và nghề làm ăn xuôi ngược đã bắt Đạt quên dần Liên. Nhưng chiều hôm ấy, lúc cho thuyền rời khỏi bến, Đạt tình cờ sống lại một cảnh của thời xưa. Trước mặt Đạt một chiếc thuyền ai đang rẽ nước giống hệt với thuyền Liên. Lòng Đạt bồi hồi một cách lạ. Đạt kéo thêm một buồm nữa để đuổi theo và chính Đạt cũng không biết để làm gì. Nhưng thuyền Đạt, mũi lún và đầy khoai nên không thể nào lướt nhanh hơn được. Trái lại chiếc thuyền trước chạy như bay, thấp thoáng trong chiều sương trông như bóng mộng.
Đạt liệu bề không theo kịp liền cất tiếng hát hỏi thăm:
Thuyền ai trôi trước
Cho tôi lướt đến cùng
Chiều đã về trời đất mung lung,
Phải duyên thì xích lại
cho đỡ não nùng tiếng sương.
Giọng hát cất lên thật cao rồi hạ xuống từ từ như than vãn như kể lể. Trên lái thuyền đi trước bỗng nổi bật bóng một thiếu nữ mặc áo nối dài quay đầu nhìn phía sau một lát rồi đáp:
Trời một vùng đêm dài không hạn,
Mượn gió chiều hỏi bạn ngàn sông,
Thân em là gái chưa chồng,
Tơ duyên có chắc như dòng nước không?
Đạt giật mình tưởng như tiếng hò của Liên ngày trước. Vì cũng một giọng hò trong trẻo và hơi dài, câu dứt gọn và đưa xinh như sương tỏa. Đạt nghĩ ngay đến mấy cô lái thuyền làng Vịnh-trị, người cùng làng với Liên. Vì tuy khác tiếng khác câu nhưng mỗi làng có một cách hò riêng không sao lẫn lầm được. Và cũng riêng câu hò ở mặt phá là rộng và lan dài, chứ lối hát ở dòng sông là câu điệu nghe mùi chớ không thanh thoát. Đạt đã sống nhiều năm ở mặt phá nên phân biệt giọng hò thạo lắm. Đạt còn biết làng nào ở khúc phá hẹp là giọng hò làng ấy ngắn và trong. Còn những khoảng phá rộng lại un đúc được giọng hò nghe trầm và mạnh.
Chiều này Đạt thao thức trước giọng hò Vịnh-trị vì lòng Đạt bàng hoàng nhớ đến Liên. Đồng áng chung quanh tuy đổi màu hay thay nét, nhưng cũng vẫn cảnh cũ đã làm chứng cho cuộc tình xưa. Chiều đã phai bớt màu lam và dần dần tối sẫm. Nhưng giữa mặt sông trời còn sáng hơn làng mạc. Vài ba ngọn đèn dầu thấp thoáng trong hàng cây đen. Thấy bóng thuyền lướt trên sông, một con chó đứng trên bờ nhìn theo sủa lớn.
Hai giờ sau, hai con thuyền đã ra đến phá. Trăng đã lên cao sau đồi cát trắng. Hơi nước tỏa ra mằn mặn bốc trong gió mát thổi vi vu. Mặt phá rộng mênh mông lấp loáng ánh trăng vàng trông rất đẹp.
Hai con thuyền vẫn đuổi nhau như cũ, xa trông như cặp nhạn lướt trên hồ. Đạt có vẻ thất vọng nên giọng hát thoang thoảng đưa ra như tiếng thở. Tiếng đáp của cô lái thuyền phía trước có vẻ quyến luyến và ý vị hơn. Đạt kéo dây lèo cho buồm thật căng để lướt nhanh hơn trước.
Qua làng Thế-chi, gà xa xa đã eo óc gáy canh tư. Giữa vùng trời bảng lảng, lòng Đạt và cô lái không quen đã bắt đầu gặp gỡ. Câu hát đã đổi ra tình tứ, điệu trầm và cảm nghe như tiếng suối vẳng rừng khuya.
Dòng phá đến làng Kế-môn dần dần thu hẹp lại để sau cùng chia hẳn khúc ba sông. Đạt đang hồi hộp lo sợ thì chiếc thuyền trước đã quay mũi về phía Kim-long. Đạt buồn rầu nhìn cánh buồm nâu nghiêng mình theo chiều sông như cánh én. Đạt lưỡng lự một chút nhưng bỗng đưa tay đẩy mạnh đòn bánh lái cho thuyền xuôi về Đại-lược. Từ thuyền trước một câu hò chia biệt vẳng lên không:
Tình về Đại-lược,
Duyên ngược Kim-long,
Đến đây là chỗ rẽ của lòng,
Gặp nhau còn biết trên sông bến nào.
Đạt muốn hò đáp lại, nhưng tự nhiên thấy nghẹn ngào trước cảnh biệt ly. Nhớ đến Liên, đến người bạn mới trong đêm, Đạt gục đầu ôm mặt khóc rưng rức.
Trong đám sương mờ óng ả trăng, hai chiếc thuyền lẳng lặng cách và xa gần như rẽ quạt.
[1] Lệ trong câu hò mái đẩy thì một người hát, còn mấy người khác chỉ đưa tiếng «hò».
TÔI ĐI HỌC
Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.
Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.
Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đi đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.
Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và đầy gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tôi tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn : hôm nay tôi đi học.
Tôi không lội qua sông thả diều như thằng Quý và không đi ra đồng nô hò như thằng Sơn nữa.
Trong chiếc áo vải dù đen dài tôi cảm thấy mình trang trọng và đứng đắn.
Dọc đường thấy mấy cậu nhỏ trạc bằng tôi áo quần tươm tất, nhí nhảnh gọi tên nhau hay trao sách vở cho nhau xem mà tôi thèm. Hai quyển vở mới đang ở trên tay tôi đã bắt đầu thấy nặng. Tôi bặm tay ghì thật chặt, nhưng một quyển vở cũng xệch ra và chênh đầu chúi xuống đất. Tôi xốc lên và nắm lại cẩn thận. Mấy cậu đi trước ôm sách vở thiệt nhiều lại kèm cả bút thước nữa. Nhưng mấy cậu không để lộ vẻ khó khăn gì hết.
Tôi muốn thử sức mình nên nhìn mẹ tôi:
- Mẹ đưa bút thước cho con cầm.
Mẹ tôi cúi đầu nhìn tôi với cặp mắt thật âu yếm:
- Thôi để mẹ nắm cũng được.
Tôi có ngay cái ý kiến vừa non nớt vừa ngây thơ này: chắc chỉ người thạo mới cầm nổi bút thước.
Ý nghĩ ấy thoáng qua trong trí tôi nhẹ nhàng như một làn mây lướt ngang trên ngọn núi.
Trước sân trường làng Mỹ-lý dày đặc cả người. Người nào áo quần cũng sạch sẽ, gương mặt cũng vui tươi và sáng sủa.
Trước đó mấy hôm, lúc đi qua làng Hòa An bẫy chim quyên với thằng Minh, tôi có ghé lại trường một lần.
Lần ấy trường đối với tôi là một nơi xa lạ. Tôi đi chung quanh các lớp để nhìn qua cửa kính mấy bản đồ treo trên tường. Tôi không có cảm tưởng gì khác là nhà trường cao ráo và sạch sẽ hơn các nhà trong làng.
Nhưng lần này lại khác. Trước mặt tôi, trường Mỹ-lý trông vừa xinh xắn vừa oai nghiêm như cái đình làng Hòa Ấp. Sân nó rộng, mình nó cao hơn những buổi trưa hè đầy vắng lặng. Lòng tôi đâm ra lo sợ vẩn vơ.
Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám nhìn một nửa hay dám đi từng bước nhẹ. Họ như con chim con đứng trên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ. Họ thèm vụng và ước ao thầm được như những người học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ.
Sau một hồi trống thúc vang dội cả lòng tôi, mấy người học trò cũ đến sắp hàng dưới hiên rồi đi vào lớp. Cảm thấy mình trơ vơ là lúc này. Vì chung quanh là những cậu bé vụng về lúng túng như tôi cả. Các cậu không đi. Các cậu chỉ theo sức mạnh kéo dìu các cậu tới trước. Nói các cậu không đứng lại càng đúng hơn nữa. Vì hai chân các cậu cứ dềnh dàng mãi. Hết co lên một chân, các cậu lại duỗi mạnh như đá một quả banh tưởng tượng. Chính lúc này toàn thân các cậu cũng đang run run theo nhịp bước rộn ràng trong các lớp.
Ông đốc trường Mỹ-lý cho gọi mấy cậu học trò mới đến đứng trước lớp ba. Trường làng nhỏ nên không có phòng riêng của ông đốc. Trong lúc ông ta đọc tên từng người tôi cảm thấy như quả tim tôi ngừng đập. Tôi quên cả mẹ tôi đang đứng sau tôi. Nghe gọi đến lên, tôi tự nhiên giật mình và lúng túng. Sau khi đọc xong mấy mươi tên đã viết sẵn trên mảnh giấy lớn, ông đốc nhìn chúng tôi nói sẽ:
- Thế là các em được vào lớp năm. Các em phải gắng học để thầy mẹ được vui lòng, và để thầy dạy các em được sung sướng. Các em đã nghe chưa.
(Các em đều nghe nhưng không em nào dám trả lời. Cũng may đã có một tiếng dạ ran của phụ huynh đáp lại).
Ông đốc nhìn chúng tôi với cặp mắt hiền từ và cảm động. Mấy cậu học trò trong lớp ba cũng đua nhau quay đầu nhìn ra. Và ngoài đường cũng có mấy người đứng dừng lại để nhìn vào. Trong những phút này chúng tôi được người ta ngắm nhìn nhiều hơn hết. Vì vậy đã lúng túng chúng tôi càng lúng túng hơn.
Ông đốc lấy cặp kính trắng xuống rồi nói:
- Thôi, các em lên đứng đây sắp hàng để vào lớp học.
Tôi cảm thấy sau lưng tôi có một bàn tay dịu dàng đẩy tôi tới trước. Nhưng người tôi lúc ấy tự nhiên thấy nặng nề một cách lạ. Không giữ được chéo áo hay cánh tay của người thân, vài ba cậu đã từ từ bước lên đứng dưới hiên lớp. Các cậu lủng lẻo nhìn ra sân, nơi mà những người thân đang nhìn các cậu với cặp mắt lưu luyến. Một cậu đứng đầu ôm mặt khóc. Tôi bất giác quay lưng lại rồi dúi đầu vào lòng mẹ tôi nức nở khóc theo. Tôi nghe sau lưng tôi, trong đám học trò mới, vài tiếng thút thít đang ngập ngừng trong cổ. Một bàn tay quen nhẹ vuốt mái tóc tôi.
Ông đốc tươi cười nhẫn nại chờ chúng tôi.
- Các em đừng khóc. Trưa này các em được về nhà cơ mà. Và ngày mai lại được nghỉ cả ngày nữa,
Sau khi thấy hai mươi tám cậu học trò sắp hàng đều dặn dưới hiên trường, ông đốc liền ra dấu cho chúng tôi đi vào lớp năm. Một thầy trẻ tuổi, gương mặt hiền từ đang đón chúng tôi trước cửa lớp. Trong thời thơ ấu tôi chưa lần nào thấy xa mẹ tôi như lần này. Tôi cũng lấy làm lạ.
Vì có những hôm đi chơi suốt cả ngày với chúng bạn ở đông làng Lệ-xã, lòng tôi vẫn không cảm thấy xa nhà hay xa mẹ tôi chút nào hết.
Một mùi hương lạ xông lên trong lớp. Trông hình gì treo trên tường tôi cũng thấy lạ và hay hay. Tôi nhìn bàn ghế chỗ tôi ngồi rất cẩn thận rồi tự nhiên lạm nhận là vật riêng của mình. Tôi nhìn người bạn tí hon ngồi bên tôi, một người bạn tôi chưa hề biết, nhưng lòng tôi vẫn không cảm thấy sự xa lạ chút nào. Sự quyến luyến ấy tự nhiên và bất ngờ quá đến tôi cũng không dám tin có thật.
Một con chim con liệng đến đứng trên bờ cửa sổ, hót mấy tiếng rụt rè rồi vỗ cánh bay cao.
Tôi đưa mắt thèm thuồng nhìn theo cánh chim. Một kỷ niệm cũ đi bẫy chim giữa cánh đồng lúa hay bên bờ sông Viêm sống lại đầy dẫy trong trí tôi.
Nhưng tiếng phấn của thầy tôi gạch mạnh trên bảng đen đã đưa tôi về cảnh thật.
Tôi vòng tay lên bàn chăm chỉ nhìn thầy viết và lẩm bẩm đánh vần đọc:
Bài viết tập: Tôi đi học.
BÊN CON ĐƯỜNG SẮT
Đường từ huyện Sơn-hải về làng Mỹ-lý có hai ba ngả. Ngả tiện và gần nhất là con đường mòn đi băng qua làng Thanh-ý. Con đường này đi qua một cánh đồng ruộng mênh mông rồi lẩn lút trong đám tre xanh chừng nửa dặm trước khi vươn mình qua sông Phù-mỹ. Qua khỏi sông thì gặp ngay con đường sắt chắn ngang nên con đường mòn lại nhập với con đường lớn đi thẳng về làng Mỹ-lý.
Bên con đường mòn, dưới bóng một cây bàng cao lớn, một cái quán tranh đã điểm một chấm đen bên lưng đồi sỏi trắng. Cái quán ấy trở mặt nhìn con đường sắt cách xa đấy không đầy một trăm thước.
Ba năm về trước, người ta có dựng lên ở vùng này một cái ga tạm. Nhưng sau nhận thấy khách lên xuống ở ga ấy ít quá nên lại bỏ đi. Thật ra lúc mới dựng ga thì quang cảnh chung quanh không đến nổi lạnh lùng quá.
Lúc nào khách bộ hành cũng qua lại tấp nập, và bao nhiêu đường ở làng Mỹ-lý đều quay đầu về ga ấy hết.
Dân trong làng thấy ở địa phận mình có cái ga ấy thì vui thích lắm. Họ thường lên xuống để xem tàu chạy và để nhìn những dân mấy làng bên cạnh qua lại ở làng mình. Được thấy những người lạ mặt ấy họ vui mừng và sung sướng vì họ cho là điềm thịnh vượng của dân cư và sự vẻ vang của làng nước.
Hồi ấy trong làng có một cô gái bán gạo trông xinh tươi và thùy mị. Cô ta ở một mình với người em trai vì cha mẹ cô qua đời lúc cô mới mười bốn tuổi, cô ta bán gạo để nuôi em đi học và để trả những món nợ của cha mẹ để lại. Thấy cách bán gao kiếm tiền không được mấy, nên cô ta dọn một cái quán gần bên ga.
Nghỉ bán gạo ba hôm, cô Duyên - cô ấy tên Duyên - đã dời được cái nhà của cô đem ở khít bên đồi sỏi trắng. Mấy tháng đầu, cô ta buôn bán thịnh vượng lắm. Cô chỉ chuyên bán cơm quán cho những khách lên xuống tàu nên quán cô ta lúc nào cũng tấp nập người ra kẻ vào.
Tiếng mõ đầu làng mới trở canh ba, cô Duyên đã phải dậy nấu cơm để cho những người đi chuyến tàu bốn giờ sáng. Ngày đêm cô ta chỉ lấy những chuyến tàu qua lại để làm chừng.
Cô ta tiếp đón khách qua đường vui vẻ và chân thật nên ai cũng bằng lòng. Riêng các cô gái trong làng thì không ai ưa tính tình thẳng thắn của cô Duyên. Họ quen ra vào trong những nếp nhà nghi lễ gắt gao nên họ cho lối tiếp khách của cô Duyên trông không được đứng đắn lắm. Gặp nhau trên con đường đi xuống chợ hay giữa quãng đồng lúa chín, họ thường khúc khích cười rồi bảo thầm với nhau những câu rất khó chịu:
- Được duyên số như cô Duyên thì thà chịu phận hẫm duyên hờn còn hơn.
Một cô khác lấy nón che miệng cười, nói tiếp:
- Các chị em chớ nói đùa! Trong chị em mình chị nào ế chồng thì lên quán cô Duyên cô sẽ chia bớt chồng cho. Vì quán cô Duyên thì đa nhân duyên lắm đấy!
Mỗi lần những tiếng ấy đến tai cô Duyên thì cô chỉ mỉm cười rồi lật đật đi tìm việc để làm chứ không bao giờ cô chịu bận lòng để ý đến.
Một hôm trời chưa tảng sáng, ở trước quán cô có người gọi cửa. Cô lật đật ngồi nhỏm dậy rồi đưa hai chân xuống giường sờ soạng tìm đôi guốc. Tiếng gõ cửa càng nghe càng manh hơn trước. Cô Duyên vừa lấy diêm thắp đèn vừa tươi cười hỏi bỡn:
– Quý khách nào đấy?
Ở bên ngoài có tiếng đáp:
- Quý khách đến mở hàng cho cô đây.
- Vâng cháu sắp mở cửa. Ngài cần dùng gì?
Tiếng ở ngoài nghe the thé và có vẻ gắt gỏng khó chịu :
– Cần dùng ngủ lại với chủ quán một đêm.
Nhận được tiếng cô Lân, một người bạn gái xưa kia cùng ở một xóm, cô Duyên mừng lắm:
- Cô Lân đấy phải không? Đi đâu mà khuya thế?
Tiếng bên ngoài lần này đổi ra giọng mỉa mai:
-Vâng, con Lân đây, nhưng làm trò gì ở trong lại để tôi phải gọi rát cả cổ. Hay chị bảo tôi là khách đàn bà... nên chị không tiếp.
Dứt tiếng nói thì tiếp đến tiếng guốc kéo thiệt nhanh đi về phía ga rồi im bặt sau hàng thông cao vút.
Cô Duyên biết cô Lân nói mỉa mình nhưng cô cũng không buồn cãi lại. Vì cô chán biết không ai muốn tin đến tấm lòng nhi nữ đã ẩn được thanh bạch trong túp lều tranh mục nát. Nhưng lúc cô vừa đặt mình xuống giường thì tự nhiên hai mắt cô lại chan hòa cả nước mắt. Lần này cô tủi vì đời cô không có người che chở...
Người thường đi lại quán cô ta nhiều bận nhất là thầy xếp ga. Thầy này cứ ngày hai buổi đến ăn cơm ở quán cô Duyên, còn đêm thì ngủ lại trong ga tạm. Thầy ta tên Trưu, tính tình lúc nào cũng vui vẻ và hiền từ. Đến mấy bận ở quán cô Duyên, thầy đã đem lại cho cô quản trẻ tuổi lắm ý kiến hay và sáng suốt. Thày Trưu khuyên cô Duyên nên cho người em trai đi học chữ Pháp vì Hán-văn đã mất hết vẻ thông dụng của thời xưa rồi. Cô Duyên lúc nào cũng sẵn sàng nghe lời thầy Trưu vì những ý kiến tươi sáng của thầy ta lúc nào cũng kèm theo những ý kiến xa xuôi về cuộc nhân duyên tình ái.
Lửa ái ân của hai ngựời mới bắt đầu nhóm thì một chuyện không hay bất ngờ xảy ra.
Cách ga tạm ở làng Mỹ-lý ba cây số, có một cái ga lớn ở chính giữa làng Kỳ-lâm. Dân vùng quê thường tính lợi hại từng li từng tí nên họ không chịu lên tàu ở ga Mỹ-lý nữa. Vì chịu khó đi đến ga Kỳ-Lâm thì họ được lợi bốn xu. Vì vậy mà ga tạm ở làng Mỹ-lý trở nên hẻo lánh và quang cảnh chung quanh cũng mất vẻ sầm uất. Một vài cái quán nước gần ga đã bắt dầu dời đi nơi khác.
Qua mùa đông năm ấy, thầy Trưu được giấy bổ vào Nha Trang. Nhà ga tạm Mỹ-lý từ đấy trở nên chỗ trú ngụ của bọn dân nghèo khổ. Quán cơm cô Duyên cũng vì thế mà trở nên buồn tẻ.
Nhưng cô Duyên nhứt định không chịu giỡ quán đem về làng. Cô ta đoán biết trước những vẻ mặt khinh khỉnh, những lời nói mỉa mai của lắm người không ưa cô ta ngày trước.
Khách bộ hành càng ngày càng thưa thớt dần, nhưng cũng may những người làm ruộng thường ghé lại quán mua nước hay khoai nên nghề buôn bán của cô Duyên cũng tạm gọi là sống được. Rồi ngày hai buổi, lúc nghe tiếng còi tàu văng vẳng bên đồng xa, cô Duyên lại lững thững đi lên trước sân ga tạm cũ để nhìn tàu chạy. Tiếng máy chạy đều đều của con tàu từ phương xa đi lại đã hòa nhịp với tiếng đập mạnh của quả tim cô. Lần nào cô ta cũng hy vọng thầy Trưu sẽ trở về với cô, với cái quán tranh tựa bên đồi sỏi trắng. Nhưng lúc không nhận thấy một mặt nào quen trên chiếc tàu đang vùn vụt chay, cô ta lại buồn rầu nhìn xuống đất để âm thầm tự hứa sẽ lên ga đón chiếc tàu sắp đến. Trong lúc ấy thì sau lũy tre già, con tàu ngạo nghễ phụt vài lớp khói lên không và thét lên một chuỗi tiếng dài để ra oai với quãng đường muôn dặm.
Qua mùa đông năm sau, giữa một đêm mưa gió dầm dề, cô Duyên chợt tỉnh nghe bên ngoài có tiếng gọi. Cô ta đưa hai tay dụi mắt rồi sờ soạng trong bóng tối để tìm lối đi.
- Cô Duyên ơi! Cô còn thức hay ngủ?
Nhận được tiếng thầy Trưu, cô Duyên mừng quá run cả người. Cô ta phải vịn vào cột để giữ hơi thở mạnh và để lấy giọng điềm nhiên trả lời:
- Thày Trưu đấy phải không?
Bên ngoài tiếng thầy Trưu đáp lại hơi run run:
- Phải tôi đây, cô mở cửa nhanh cho tôi vào với.
Tấm cửa tranh vừa mới hé mở thì thầy Trưu nhanh nhẹn bước chân vào. Một luồng gió tràn vào mạnh đã làm tắt cây đèn để trên ngựa. Cô Duyên loay loay đi tìm diêm để thắp lại. Cây diêm đã kề ngọn lửa bên bấc, nhưng vì tay cô Dayên run quá nên cây đèn vẫn chưa chịu đỏ.
Lúc ánh sáng lù mù đã toả ra khắp nhà, thầy Trưu mới đến vắt cái áo tơi trên lưng ghế, rồi đăm đăm đứng nhìn cô Duyên không chớp mắt. Gương mặt cô Duyên tuy không tươi bằng trước, nhưng cái duyên xưa, cái duyên mộc mạc trên đôi môi hồng thắm, trên cặp má núng đồng liền vẫn còn mơn mởn như đoá hoa hồng buổi sáng. Thấy đồ đạc trong nhà ngổn ngang và đầy bụi bặm, thầy Trưu cũng đủ biết cảnh nhà cô Duyên ra thế nào rồi. Biết cô Duyên ngượng vì mình đứng nhìn quá lâu, thầy Trưu đưa tay phủi bụi mưa trên cái mũ dạ để tìm vài câu hỏi.
Sau một lúc đứng yên, thầy Trưu ngập ngừng lên tiếng trước:
- Độ này cô làm ăn có khá không?
Được nhịp ngẫng đầu lên, cô Duyên đưa cặp mắt nhung nhìn thầy Trưu từ đầu xuống chân, rồi e dè sẽ đáp:
- Làm gì mà khá bằng trước được.
Thầy Trưu cũng biết mình đã hỏi một câu thừa nên đứng yên không hỏi nữa. Thấy bút nghiên chữ Hán để bên cây đèn, thầy Trưu sực nhớ đến người em trai của cô Duyên nên vội hỏi:
- Em Nhàn năm nay lên lớp mấy rồi?
- Em Nhàn đã trở lại học chữ Hán mấy tháng nay.
Ngạc nhiên thầy Trưu hỏi dằn từng tiếng:
- Học chữ Hán?
- Vâng, vì sách học chữ Pháp bán đắt tiền quá, nhà nghèo em mua không nổi.
Nhận thấy cảnh túng bấn của cô Duyên, thầy Trưu ngậm ngùi thở dài, yên lặng.
Biết mình vô tình để thầy Trưu đứng lâu quá, cô Duyên xoa tay tươi cười nói:
- Mời thầy ghé ngồi tạm đã.
Như người tỉnh mộng, thầy Trưu giật mình đưa trái cánh tay nhìn đồng hồ rồi nhìn cô Duyên nói khẽ:
- Cô Duyên ạ, tôi cũng không ngờ đêm hôm nay lại gặp được cô. Vì hôm qua được giấy đổi ra Vinh, tôi phải đáp chuyến tàu suốt đi liền. Nhưng gần đến trước ga tạm Mỹ-lý, con tàu lại bị chết máy. Thừa dịp ấy tôi vội vàng xuống thăm cô. Thật tôi không ngờ quán của cô lại còn ở đây.
Cô Duyên nghẹn ngào nhìn thầy Trưu. Cô đang thầm cảm ơn Trời Đất đã bắt con tàu chết máy, thì văng vẳng ở bên đồng xa, tiếng còi tàu lại thét lên trong đêm vắng.
Thầy Trưu giật mình cúi xuống vớ cái áo tơi rồi tiến đến nắm tay cô Duyên cúi đầu sẽ nói:
- Máy tàu họ đã chữa được rồi. Thôi xin chào cô, ngày gặp gỡ trăm năm xin chờ hôm khác.
Nói xong thầy Trưu quay lưng đi ra cửa thật nhanh để dấu hai hàng lệ đã tràn trề trên má, trong lúc cô Duyên đứng chơi vơi nhìn theo với cặp mắt đẫm lệ và với tấm lòng tan nát.
Ngoài trời hạt mưa đêm vẫn còn rì rào trong bụi tre gần bên quán.
Từ đấy về sau, mỗi lần chuyến tàu đêm đi qua trước sân ga Mỹ-lý, cô Duyên lại tưởng trái tim cô ngừng đập. Vì lúc nào cô ta cũng tưởng tượng đến ở máy tàu ngừng kêu, và bên ngoài có tiếng người gọi cửa.
Nhưng sự thật thì con tàu vẫn vùn vụt đi qua giữa những cảnh đồng hoang vắng, giữa những đêm mưa gió dầm dề, lạnh lùng và mãnh liệt.
Năm 1975 
Thanh Tịnh
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...