Thứ Ba, 4 tháng 11, 2014

Dòng sông tuổi thơ

Dòng sông tuổi thơ 

 Đặng Thanh Lương
Tôi sinh ra và lớn lên trên vùng quê Kinh Bắc giữa những con sông nhuộm đỏ đất phù sa. Sông hiền là vậy nhưng cũng hung dữ là vậy. Vào mùa nước lên, nước sông đỏ quạch, dòng sông cuộn sóng. Những năm mùa nhãn trĩu quả là những năm nước sông lên to, thậm chí rất to. Tôi nhớ hồi sơ tán, nhìn cây nhãn đầy hoa, ong bướm tới tấp bay đến, là lòng đầy âu lo. Có năm, nước sông mấp mé mặt đê, đứng trên đê có thể khoả chân xuống nước, thậm chí chỉ một ngọn gió thổi lướt qua là nước có thể tràn qua mặt đê để với sang bên kia là những ngôi nhà sau luỹ tre làng. Trẻ con thấy thế mặt mày rạng rỡ, thích thú đùa nghịch với dòng sông đang nổi giận. Còn người lớn thì lo lắng trăm bề. Nước sông mênh mông trắng xoá cả một vùng. Dòng sông chảy xiết cuốn theo nhiều thân cây, củi khô, thậm chí cả những ngôi nhà mái lá…Những hôm như vậy, chiều tan trường, tôi leo lên đê, đứng nhìn con nước lên mà lòng lo lắng, bồn chồn, mắt dõi về trời Hà Nội đang đổ những ánh nắng vàng cuối ngày xuống thành phố. Xa xa, tiếng sấm dội về kèm theo những tia chớp sáng loé một góc trời. Một thoáng nghĩ chợt qua “nếu nước về Hà Nội, nhà tôi chắc ngập đến mái vì ga Hàng Cỏ là nơi trũng nhất của Thủ đô”. Thế mà Trời thương, Trời cho. Từ khi tôi sinh ra đến nay, nước sông chưa một lần chạm ngõ, chỉ có nước mưa dư và vài con cá vượt ao hồ ghé qua thăm.
Hung dữ là thế. Nhưng khi đã hiền thì sao lại hiền đến vậy. Dòng sông uốn lượn chảy, mềm mại, êm đềm và mát dịu như dải lụa. Con sông, bến đò, bãi tắm đã hút hồn bao người, là điểm hẹn giữa trời và đất, là nơi hẹn hò của bao lứa đôi, từ tuổi học trò đến những chàng trai cô gái thậm chí là của các cụ ông cụ bà. Mỗi thế hệ có những cách ứng xử riêng: trẻ con nô đùa trên các bến sông, có những đứa rất hồn nhiên, chạy tồng ngồng trên bờ rồi thỉnh thoảng lao mình xuống nước, ngụm lặn thoả thích trong dòng sông quê mẹ mát rượi, dịu êm. Được sông nước vỗ về nên chúng  phổng phao rắn chắc lạ thường; đám thanh niên dập dìu trong chiều hôm. Có đôi, tay trong tay ngắm nhìn bầu trời chạng vạng phủ đậm ánh hoàng hôn; có đôi đi bên nhau cười rúc rích; có đôi ngồi trên bờ đê nhìn bến sông con đò, hái những ngọn cỏ may thầm lặng tặng nhau…Thỉnh thoảng có cụ ông cụ bà khoác tay nhau thong thả dạo bước hoặc đứng bên nhau ngắm nhìn dòng sông lững lờ trôi…Hồi còn bé, tôi chưa cảm nhận được hết những vẻ đẹp như vậy trên dòng sông quê hương.
Khi đã trút hết những giận dữ, dòng sông như hối hận về việc mình đã gây ra liền bù đắp cho Người những bãi bồi đầy ắp phù sa. Đến mùa gieo hạt, người nông dân lại hối hả làm ruộng, làm vườn. Những luống rau, ruộng ngô lại được vun trồng. Những hạt ngô vàng được gieo xuống những ruộng ngô dài tưởng như bất tận; những hạt cải xanh được trở về với lòng đất. Những hạt phù sa nặng tình, nặng nghĩa lại có dịp tiếp thêm nhựa sống cho những mầm non mới hé nở. Cuộc sống lại bắt đầu một chu kỳ mới: nảy mầm, trưởng thành, đơm hoa kết trái…Cùng với trời đất và muôn loài, tình yêu của cỏ cây, hoa lá cũng trải qua những buồn vui, thử thách và sóng gió để đem lại hạnh phúc cho Người: thóc đầy bồ, ngô sắn đầy sân, rau quả tốt tươi.
 Cùng với những đứa trẻ đồng quê, tôi hoà mình vào trong những ruộng ngô cao ngút đầu, luồn lách trong đó, chơi những trò chơi dân gian: trốn tìm, đuổi bắt, đánh trận giả…Trên bờ, những cô bé mắt long lanh đen, tóc hoe vàng mừng đón những chàng trai thắng trận trở về. Nhưng cũng có những lần, chúng tôi tần ngần đứng trước những ruộng ngô, vườn rau bị sâu bệnh, mưa bão tàn phá. Thật đau lòng  khi thấy chỉ qua một đêm, thành quả lao động của ông bà, bố mẹ, anh chị…đã bị sâu bệnh, thiên tai huỷ hoại.
Vào thời khắc ngô lúa trổ hoa, mùi sữa ngô non thoảng bay trong gió được chắt chiu từ nhựa sống của trời và đất, vườn cải trổ hoa vàng cả một góc trời, những luống rau xanh lá tươi mơn mởn trải dài trên các triền sông, gió thổi vào bờ mang  theo mùi của sông nước, tiếng sáo diều gọi bạn, con người như lạc vào thế giới thần tiên để quên đi những nỗi nhọc nhằn thường ngày, những gian khổ, khó khăn, những bất hạnh mà con người phải trải qua.
Khi tóc đã điểm bạc, tôi có dịp ghé thăm nhiều con sông khác trên các nẻo đường của Tổ quốc, cũng như nhiều con sông khác trên thế giới. Mỗi con sông đều có vẻ đẹp riêng và ít nhiều đã gắn với tôi bao kỷ niệm. Nhưng dù có đi đâu về đâu, tôi vẫn nhớ tới dòng sông tuổi thơ, nơi đã cho tôi những cảm nhận đầu đời về quê hương, đất nước và con người.
Hà Nội, mùa gió bấc 2011


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tập truyện ngắn Thạch Tâm

Tập truyện ngắn Thạch Tâm CÁI BÈ - QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU Nằm cách Sài Gòn khoảng hơn 100Km có một làng quê yên tĩnh suốt bốn mù...