Thứ Năm, 6 tháng 11, 2014

Đi tìm dân tộc tính trong những chuyện cổ tích Việt Nam

Đi tìm dân tộc tính trong những chuyện cổ tích Việt Nam

Xét qua về đặc tính nội dung chuyện cổ tích - cũng như ca dao tục ngữ, chuyện cổ nước ta là thành phần của văn chương bình dân nghĩa là một trong những hình thức văn nghệ sớm nhất. Trước khi tìm dân tộc tính trong những chuyện cổ tích chúng ta hãy xét qua đặc tính về nội dung chuyện cổ tích.
Thường thì nôi dung của chuyện cổ tích nói chung là kể lại một sự việc với tính cách thần kỳ của nó. Có thể là một sự kỳ lạ dí dỏm như truyện Chum vàng bắt đươc. Có thể là sự kỳ lạ chất phác mà thâm trầm, có mang tính cách xã hội, khiến ta phải mỉm cười giữa hai hàng lệ như truyện Cô Bé Bán Diêm của Andersen. Cũng có thể là sự thần kỳ trong sáng đấy, ngậm ngùi đấy, chất phác đấy, thơ mộng đấy như truyện Mỵ Châu Trọng Thủy. Cũng có thể là sự thần kỳ, quái đản trong các truyện ma quỉ của ta và trong "những chuyện lạ lùng" (Histoires extraordinaires) của Edgar Poe. Cũng có thể là sự thần kỳ bề ngoài quái đản nhưng giúp ta khám phá được một sự kiện tự nhiên nào, (như truyện Ăn quả trả vàng để răn tính gian tham, truyệnBa anh em họ Điền để đề cao tình anh em hòa thuận) hoăc những truyện kỳ dị như truyện Gậy thần sách ước của ta có ẩn một quan niệm triết lý về lẽ sinh tử và thái độ trung hòa.
Rất nhiều khi một câu chuyện gồm đủ hoặc gần đủ những tính chất kỳ lạ kể trên. Có điều ta có thể tóm tắt: chuyện cổ tích thường bao giờ cũng khoác một hình thức thần kỳ đặc biệt của nó.
Gần đây có một dịch giả dịch chữ Contes d'Andersen là Đồng thoại của Andersen. Đồng thoại ý hẳn muốn nói đó là những truyện kể cho nhi đồng. Chắc không phải dịch giả muốn nói chỉ dành riêng cho trẻ em đọc mà chỉ có ý nói khi đọc những truyện đó chúng ta hãy giữ cho lòng như trẻ thơ, đừng đem ngọn đuốc duy lý của một người đã thành niên mà soi vào những việc như ẩn như hiện trong mơ của chuyện cổ.
Tuy nhiên sau khi đã nghe kể dứt câu chuyện ta có thể dùng trí xét đoán để tìm hiểu tác dụng của truyện cổ tích. (Tôi muốn nói tác dụng đây là truyện cổ đã giúp ta tìm hiểu được những gì về con người).
Tác dụng truyện cổ tích thật là mênh mông. Nhờ truyện cổ tích mà ta hiểu được phong tục, lịch sử, xã hội, tâm lý, luân lý, triết lý, tôn giáo, nghệ thuật v. v... của một dân tộc. Ta có thể nói: đọc chính sử chỉ ghi chép một khía cạnh bộc lộ nào của cuộc sống trong một thời gian nào. Có khi mỗi chính thể, mỗi triều đại, lại chép sử theo một quan điểm riêng. Xưa tại nước ta khi vua Gia Long thống nhất được sơn hà về tay mình thì lập tức cho viết lại sử nhà Tây Sơn. Đến như gần đây tại Nga Sô, họ đã viết lại sử có tới sáu bảy lần rồi. Nhưng trong chuyện cổ, ngoài giá trị thật về luân lý, xã hội, phong tục ... còn nói lên được nếp sống tình cảm với những ước vọng muôn đời của con người, bởi truyện cổ, biểu hiện nền văn chương của ấu thời nhân loại, vẫn có căn cứ vào thực tế xã hội và những thần tiên ma quỷ vẫn được tạo theo hình ảnh con người. Người dân thời đó ai nấy thích nghe truyện cổ không những vì xu hướng siêu thoát mà cũng chính vì họ soi thấy trong đó phản ảnh của đời họ. (Điều này chứng minh tại sao truyện của ta không có một bản văn nhất định mà tình tiết vẫn y nguyên qua đời này sang đời khác). Sự thần kỳ chỉ là một cớ để diễn sự thật xã hội và lòng người. Sự trộn lẫn mơ mộng với thực tế, quái đản với tả chân một cách điều hòa nhịp nhàng chính là tất cả nghệ thuật của truyện cổ. Chính phần nghệ thuật này đã giúp một phần lớn vào việc duy trì truyện cổ qua thời gian qua không gian, bởi ngoài tài liệu giá trị chứng ngôn (lịch sử, xã hội, tâm lý ...) vẫn phải có giá trị nghệ phẩm,nghĩa là phải thỏa mãn đươc mỹ cảm và hấp dẫn được người nghe.
Dân Tộc Tính Trong Truyện Cổ Tích Việt Nam
Gần đây có nhiều nhà học giả nghiên cứu thấy rằng nhiều câu tục ngữ của nhiều dân tộc khác nhau cùng nói chung một ý. Lại đến cách bố cục kết cấu câu chuyện cổ thường cũng giống nhau về tình tiết như thế. Điều đó phải chăng chứng tỏ khi còn cùng một tình trạng sinh hoạt sơ khai thường cùng một ước vọng về tâm lý. Ví dụ truyện Tấm Cám của ta cũng giống như truyện Cendrillon của Pháp với hơn 170 câu truyện khác ở khắp Âu Á mà cốt truyện cũng tương tự quanh sự tranh chấp giữa thiện và ác như vậy. Cái ước vọng san bằng giai cấp, thực hiện tự do dân chủ trong truyện Chử Đồng Tử của ta, là cái ước vọng diễn đạt trong bao truyện Tây Phương: anh chăn cừu lấy được công chúa và vị hoàng tử lấy cô gái chăn chiên. Nhưng trong cái đai đồng có cái tiểu dị, và chính cái tiểu dị đó làm nổi sắc thái của cá tính dân tộc. Chúng ta làm thử cái việc đối chiếu một vài truyện cổ ngoại quốc với những truyện cổ Việt Nam thử xem cá tính dân tộc khác nhau ở những điểm nào.
Thần thoại Hy Lạp La Mã có kể sự tích nàng Ariane và chàng Thésée như sau:
"Minos là vua đảo Crête có xây một Mê cung (Labyrinthe), người thường đi vào đó như đi vào bát quái trận đồ không sao tìm được lối ra. Mê cung được canh giữ bởi con vật chuyên ăn thịt người, nửa trên là người nửa dưới là bò rừng, tên là Minotaure. Thésée một vị anh hùng Hy Lạp và là vua thành Athênes, đã từng lạc vào Mê cung của Minos là nàng Ariane có lòng yêu trao cho sợi chỉ khiến chàng Thésée nhờ vậy mà tìm được lối thoát ra khỏi Mê cung sau khi đã chiến đấu cùng con Minotaure và hạ thủ được nó. Thương thay nàng công chúa Ariane sau này bị con người bạc tình Thésée bỏ rơi ở đảo Naxos. Tại đó nàng chết vì sầu muộn điên cuồng trên một bãi biển."
Tương tự truyện đó, bên ta có sự tích Mỵ Châu Trọng Thủy. Vua An Dương Vương của ta cũng xây Loa thành và có nỏ thần để giữ gìn xã tắc như vua Minos có Mê cung và quái vật Minotaure. Khi bị mất cắp nỏ thần vua và công chúa thất thế phải chạy, thì Mỵ Châu lại rắc lông ngỗng đánh dấu đường cho Trọng Thủy biết lối tìm theo. Mỵ Châu Trọng Thủy - mà cũng là cái đẹp của dân tộc Việt Nam - là ở mối tình chung thủy của cả đôi bên: Trọng Thủy chôn xác vợ rồi tự tử ở giếng Loa Thành. Câu truyện càng diễm lệ ở chỗ những con trai ở biển Nam Hải ăn phải những giọt máu của nàng Mỵ Châu mà có ngọc. Ngọc đó mang về rửa ở nước giếng Loa Thành thì sáng đẹp vô ngần.
Chỉ riêng phân tích truyện Mỵ Châu Trọng Thủy ta đã có thể thấy mấy đặc tính sau này của dân tộc:
1. Một tâm hồn vô cùng quảng đại bao dung biết vươn tới mức hòa đồng:
Dân tộc Việt có thừa tinh thần chống đối nhưng bao giờ cũng hết sức tìm cách giải quyết mâu thuẫn bằng hòa đồng có thủy có chung. Những yếu tố mâu thuẫn, chống đối nhau ở đây không có yếu tố nào hằn học tìm cách nắm lấy phần ưu thằng tuyệt đối để tận diệt đối phương. Các yếu tố thường đi đến chỗ cùng tự hy sinh để vươn lên mức hòa đồng trường cửu, cao đẹp, toàn vẹn. Mỵ Châu chết mà Trọng Thủy cũng chết và sự hòa đồng thể hiện ở chỗ hạt châu Nam Hải đem rửa vào nước giếng Cổ Loa.
Trong truyện Trương Chi, chàng Trương chết nhưng "khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan". Phải đợi đến khi đem khối đá màu trong lờ mờ (sự kết tinh của trái tim chàng) tiện gọt thành một chén trà đẹp để mỗi lần rót một chút trà vào thì hình chàng đánh cá hiện lên. Mỵ Nương nhận ra chàng, nhớ lại rồi khóc, sự hòa đồng đã thể hiện ở chỗ: một giọt nước mắt rơi xuống chén tức thì cái chén tan ra thành nước.
Truyện Trầu Cau kể xưa có hai anh em họ Cao giống nhau và thân yêu nhau đến không chịu rời nhau bao giờ. Người anh tên Tân đã có vợ là nàng Lưu Xuân Phù, còn em là Lang tuy đã lớn nhưng chưa muốn lập gia đình để khỏi phải rời xa anh chị. Một hôm hai anh em đi săn, Lang mệt về nhà trước. Nàng Lưu Xuân Phù tưởng lầm là chồng, chạy ra âu yếm chào hỏi. Người em thẹn quá bỏ nhà ra đi, đi mãi cho tới một bờ sông lớn không sao vượt qua được phải nằm soài ra đó, mệt mỏi và đói lả mà chết hóa thành hòn đá thật to.
Tân biết chuyện đuổi theo tìm em cho trọn tình ruột thịt, thì cũng đến nơi đó rồi chết lả hóa thành cây cau cao vút.
Nàng Lưu Xuân Phù ở nhà mong mỏi trông chồng chờ em mỗi ngày một biền biệt cũng bổ đi tìm, rồi cũng đến nơi đó thì chết lả để biến thành cây trầu quấn quanh cây cau. Mọi yếu tố mâu thuẫn đều đi đến chỗ hòa đồng: tình vợ chồng hòa đồng ở hình ảnh cây trầu quấn quanh cây cau, tình anh em, tình vợ chồng, tình chị dâu em chồng hòa đồng ở chổ nung đá thành vôi quệt vào trầu nhai với cau để kết lại thành màu đỏ thắm.
Có lẽ chúng ta quen với truyện cổ của chúng ta quá nhiều, chúng ta bắt đầu nghe những truyện đó từ ngày còn để chỏm, ngồi trong lòng bà, nên ít chú ý đến cái đẹp của nó, chứ người ngoại quốc đọc đến những truyện đó ai cũng phải tấm tắc khen ngợi. Đó là những viên ngọc quý xếp ngang hàng với những viên ngọc quý nhất trong kho tàng văn hóa nhân loại
2. Một dân tộc có trí tưởng tương vô cùng phong phú:
Cũng những truyện trên đã chứng tỏ dân tộc ta có một trí tưởng tượng phong phú biết là chừng nào. Còn gì lãng mạn bằng giọt nước mắt của Mỵ Nương nhỏ vào chén ngọc làm chén ngọc tan rã. Còn gì lãng mạn bằng cái chết của hai anh em Tân Lang và nàng Lương Xuân Phù rồi hóa thành cây trầu quấn lấy thân cau, bên dưới có hòn đá, để sau này kết thành màu thắm trong miếng trầu. Còn lãng mạn nào đẹp bằng cái chết thủy chung của Mỵ Châu Trọng Thủy rồi đưa đến hình ảnh hạt trai Nam Hải rửa vào nước giếng Cổ Loa ...
3. Một quan niệm siêu việt về tình yêu:
Cũng vẫn ba truyện trên (Mỵ Châu Trọng Thủy, Trương Chi, Trầu Cau) còn cho ta thấy một quan niệm siêu đẳng về tình yêu luôn luôn vươn khỏi cái chết để chờ phút hòa đồng (truyện Trương Chi) hoặc để tiếp tục thể hiện ở một hình thức vĩnh cửu khác (Mỵ Châu Trọng Thủy, Trầu Cau). Trí tưởng tượng ta phong phú, tình cảm ta dồi dào nên mới vươn tới tình bạn cao quý như truyện Lưu Bình Dương Lễ, tình ruột thịt vô cùng cảm động như truyện ba anh em họ Điền - (Truyện này tuy nguồn gốc ở "Kim Cổ kỳ quan" nhưng vì quá hợp với tâm tình người Việt, nên qua lời Việt ngày nay câu chuyện đã Việt hóa hoàn toàn đi rồi). Câu truyện tuy tình tiết thật giản dị đơn sơ mà sao có sức gợi cảm mãnh liệt đến thế? Ba anh em đương thân yêu nhau như tay chân vì vợ người em út bủn xỉn nên ép chồng đòi chia của cải của ông cha làm ba phần đều nhau, chỉ còn một cây cổ thụ xanh tươi định đến hôm sau sẽ chia nốt. Hôm sau ba anh em ra tới nơi thấy cây đã chết khô. Người anh ôm cây khóc nức nở khiến người em thứ hai buồn rầu nhìn anh Cả an ủi: "Một cây cổ thụ héo chết có gì mà anh phải tiếc?"
Người anh nức nở mà rằng:
"Đâu phải anh khóc cái cây chết khô. Anh khóc là cảm nghĩ loài thảo mộc mà cũng sợ cảnh chia ly. Hôm qua đây cây còn xanh tươi, chỉ vì nghe anh em mình định chặt xuống chia nhau mà cây xanh cũng phải khô héo."
Hai vợ chồng người em thứ ba òa khóc xin hai anh tha lỗi và từ đó lại ở chung với nhau thân yêu như chân tay.
Bài thơ lâm ly của cụ Nguyễn Khuyến khóc cụ Dương Khuê:
Rượu ngon không có bạn hiền,
Không mua không phải không tiền không mua.
Chuyện không thực nhưng tình thực. Cũng như đây chuyện cây chết khô không thực nhưng tình anh em của người Việt thì đằm thắm hồn nhiên như thế thực.
Hình như Hoffman có viết một truyện "Người mất bóng" đại ý như sau:
Xưa tại ngoại thành Mạc Tư Khoa có một thiếu nữ tuyệt đẹp. Một chàng nông dân từ phương xa đến muốn được kết duyên cùng nàng. Nàng ra điều kiện phải cho nàng lấy bóng. Người nông dân bằng lòng, chàng ra đứng trước gương và thấy bóng mình trong gương tự nhiên mất đi. Ở với nàng được mấy năm chàng sinh lòng nhớ vợ nhớ con ở nhà, xin với nàng cho được về thăm nhà ít bữa rồi trở lai ngay. Nàng hết lời can ngăn mà không được. Tới nhà vợ con chàng vui vẻ đón mừng nhưng khi chàng đến đứng trước gương thì vợ chàng hốt hoảng nhận ra chàng mất bóng và ngờ chàng là ma hiện về. Nghe theo lời vợ, chàng bán hết ruộng nương ra đi chuộc bóng, nhưng khi đến chốn cũ chỉ thấy cảnh hoang phế không tìm thấy lâu đài cũ đâu. Chàng phát điên, đi la cà đây đó, thỉnh thoảng lại thốt lên câu ai oán: "Trả bóng ta đây, trả bóng ta đây!"
Nghệ thuật là chủ quan. Giải thích một tác phẩm nghệ thuật lại qua một lần chủ quan nữa. Vậy xin các bạn lượng thứ cho cách giải thích chủ quan sau này tôi tìm hiểu ngụ ý câu chuyện theo ba quan điểm:
1. Quan điểm nghệ thuật:
Người đàn bà đẹp ở ngoại thành Mạc Tư Khoa kia có thể là tượng trưng cho nàng Nghệ Thuật. Cái việc có người lặn lội từ phương xa đến tìm nàng cũng là một việc thường của thế nhân với tâm hồn hướng thượng lúc nào cũng muốn vươn mình tới cái đẹp. Nhưng có điều đặc biệt là muốn phụng sự Nghệ Thuật phải dốc trọn tâm hồn mình vào. Kẻ không đủ trí kiên nhẫn đức hy sinh mà "bán đồ nhi phế" thì khi trở lại với đời sống thường, chẳng qua chỉ là phần xác mình trở về đó thôi, phần hồn - phần cao quý nhất của mình - đã để lại ở thế giới cao đẹp kia mất rồi.
2. Quan điểm triết lý:
Ta thấy câu truyện này như muốn chứng tỏ: nhiều khi cái ảo xác định cái thực. Vợ chồng bằng xương bằng thịt trở về mà vợ thấy chưa đủ chỉ vì ở người chồng thiếu bóng. Rồi bán hết gia cơ điền sản cũng không từ chỉ cốt sao chuộc được cái bóng về cho con người toàn vẹn.
3. Quan điểm tình nhân loại:
Con người không thể dứt được lòng trần nên dù sung sướng đến đâu cũng vẫn nhớ đến quê hương, vẫn nhớ đến vợ con ở nhà. (Cũng là điều Homère đã nói trong Odyssée. Ulysse khước từ mối tình của nàng Circé, khước từ trường sinh bất tử mà chỉ nghe theo tiếng gọi của quê hương).
Hoffman hoàn toàn gặp chúng ta ở quan điểm thứ ba này. Chàng Từ Thức của chúng ta tuy sống sung sướng nơi động tiên vẫn buồn nhớ cố hương và tha thiết cõi tục.
Nói về điểm triết lý con người phải toàn vẹn, chúng ta không có truyện nào tương tự như"Truyện người mất bóng", bởi một lẽ rất giản dị là chúng ta chưa hề để mất bóng bao giờ, chúng ta bao giờ cũng sống toàn vẹn, dân tộc ta vốn không bao giờ quá nệ hình thức, chúng ta không phủ nhận vật chất, nhưng biết định đúng giá trị của vật chất và nhất là không bao giờ chịu hoàn toàn nô lệ vào vật chất. Chúng ta vẫn nhận xã hội, vẫn nhận thực tế nhưng luôn luôn tìm cách siêu lên thực tế để còn thỏa mãn cho đời sống tâm linh nữa. Khi giáo lý của ông Khổng đủ rồi ta đi vào thế giới siêu thoát của Lão Trang. Với chúng ta không có sự cách biệt lớn lao giữa các thế giới. Tiên giới, trần giới, cõi âm hầu như có sự giao tế bằng nhật không hề khiến ta phải bỡ ngỡ. Tây phương cũng có đi tìm đến những thế giới huyền bí nhưng với sự cố gắng rõ ràng.
Hoffman chúng ta được chứng kiến cảnh kinh hoàng mất bóng. Ở truyện "Người thiếu phụ Nam Xương" của ta cũng có một cảnh kinh hoàng khi người cha thấy bóng của mình hiện lên tường và đứa con khoanh tay lại chào cha. Lúc đó người cha mới tỉnh ngộ biết rằng mình đã nghi oan vợ mình để đến nỗi nàng đành thác oan
Nói về nghệ thuật tả sự đột ngột và nghệ thuật dựng nên những tình tiết ly kỳ thì hai truyện "Người mất bóng", "Thiếu phụ Nam Xương" đều ngang nhau. Cái khác chính ở chổ người mất bóng đau đớn điên cuồng trong cô quạnh, người chồng nàng thiếu phụ Nam Xương đau đớn mà vẫn tiếp tục gây dựng cho con. Người Đông phương nói chung và người Việt nói riêng bao giờ cũng có lối sống tập thể chứ không nặng sắc thái cá nhân như Tây phương.
Điều khác nữa là người mất bóng tha thiết đi tìm chuộc lại bóng mà không được. Còn người chồng kia đã để mất mối tình cao quý chung thủy của người vợ, vẫn có thể tục huyền để có một mối tình chung thủy khác mà không làm. Không làm vì thấy mình không xứng đáng với bất kỳ mối tình chung thủy nào của kẻ khác nữa. Thành thử cái chân lý của ta rõ ràng không có tính cách khách quan tuyệt đối mà là sự hòa hợp giữa chủ quan và khách quan.
Nếu trong âm nhạc có cái im lặng thật hàm xúc:
Nước suối lạnh giây mành ngừng dứt,
Ngừng dứt nên phút bặt tiếng tơ,
Âm thầm, đau giận, ngẩn ngơ,
Tiếng tơ lặng ngắt bây giờ càng hay, (Tỳ Bà Hành)
Hàm xúc đến như khi tiếng tơ vừa dứt, cảnh vật càng nặng u hoài:
Thuyền mấy lá đông tây lặng ngắt,
Một vừng trăng trong vắt lòng sông.
thì ở truyện "Thiếu phụ Nam Xương" chúng ta chứng kiến thêm một mâu thuẫn kỳ diệu khác "sự cách biệt mà hòa đồng". Người thiếu phụ Nam Xương đã gieo mình xuống dòng sông để bày tỏ lòng son sắt của mình. Người chồng ở vậy gà trống nuôi con để tạ lòng người oan thác. Đôi vợ chồng đáng thương đó đã hòa đồng trong bồi hồi thổn thức, hòa đồng chân thật và cảm động hơn bao giờ hết mặc dâu kẻ còn người khuất.
Truyện "Em bé bán diêm" của Anderson kể lại cái chết đáng thương của em bé nghèo giữa đêm Noel trong khi những gia đình khác đương hội họp ăn uống trong những căn phòng ấm cúng. Không một lời khoa trương, không một lời sáo trống rỗng, câu chuyện thật giản dị, thật nhẹ nhàng mà sao thấy thấm thía, thấy hờn giận xã hội bất công.
Trời lạnh buốt, xe ngựa phóng như bay. Vì phải tránh vội, em bé làm văng mất đôi giày quá rộng và đã cũ của mẹ em để lại, em đành phải dẫm chân không trên tuyết. Thiên nhiên đã không ủng hộ (tuyết lạnh) xã hội lại vô tình tàn nhẫn (xe ngựa phóng).
Em lạnh quá nhưng không dám về sợ cha đánh vì từ sáng đến giờ em chưa bán được bao diêm nào mà cũng chẳng ai cho em xu nhỏ. Đêm Noel ánh đèn ấm áp cùng với mùi ngỗng quay ở các nhà tỏa ra, em ngồi co quắp sát trong một xó tường. Em bật que diêm và khum tay lại. Dưới trời lạnh và tuyết rơi lả tả thì một que diêm sưởi ấm và cứu sống sao được một kiếp người? Khi Adam và Eva ăn trái "hiểu biết" thì mất cái thơ ngây trong trắng của tâm hồn. Ở đây em bé còn nguyên vẹn lòng thơ ngây trong trắng đó. Đói, lạnh, nghèo không hủy hoại được lòng tin tưởng hồn nhiên của em. Nhìn ngôi sao lạc em còn nghĩ: chắc có ai đương chết. Em không ngờ đó chính là em.
Que diêm thứ nhất và thứ hai em bật lên để sưởi ấm, em thấy hoa lên trước mắt nào lò sưởi nào cây Noel. Que diêm thứ ba cho em thấy bà. Em sợ diêm tắt thì hình ảnh bà thân yêu cũng mất nên em châm vội lửa vào cả bao diêm. Ánh sáng bùng lên đẹp vô ngần và em chưa bao giờ thấy bà em đẹp bằng lúc đó. Em thấy bà em cúi xuống bế em lên, rồi hai bà cháu bay lên cao, lên cao mãi, lên nơi có Thượng Đế, nơi không có đói không có rét.
Sớm hôm sau mọi người thấy em bé chết dựa lưng vào tường, đôi má xanh nhợt nhạt nhưng miệng xinh phảng phất giữ một nụ cười và mặt trời với ánh nắng đầu xuân như vừa mọc lên từ thi thể em bé.
Lời văn, ý văn giản dị mà cảm động làm sao! Đọc xong ta thấy thương, không phải chỉ riêng em bé, mà cả nhân loại nghèo.
Truyện của ta kể về những cảnh nghèo khổ đó không hiếm, nhưng quả là không có cái chết bi thảm và bất công như em bé bán diêm. Chúng ta bao giờ cũng tin ở lẽ chí công hằng cửu. Tấm qua bao gian truân khổ ải kết cục là hoàng hậu. Thạch Sanh qua bao gian nguy kết cục lấy công chúa và mặc dù chàng không trả thù Lý Thông nhưng kẻ gian ác này, cũng như tất cả những kẻ ác gian trong truyện cổ của ta, đều bị trời trừng trị. Vả lại một dân tộc như dân tộc ta kể từ khi lập quốc luôn luôn phải sát cánh thành một đoàn quân ruột thịt để chống với đối phương khổng lồ phương Bắc, một dân tộc biết yêu thương nhau đến nỗi hát lên thành ca dao:
Khôn ngoan đá đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước thì thương nhau cùng.
Một dân tộc mà thái độ xử thế bao dung đến nỗi diễn đạt thành một phương trình toán học siêu hình: "chín bỏ làm mười" thì hỏi làm sao mà có thể có sự bất công đến nỗi để một em bé ngây thơ vô tội chết đói chết rét giữa cái no ấm của xã hội? Chúng ta há chẳng có câu: "Chết một đống còn hơn chết một thằng"?
Trên đây tôi vừa kể những điểm người có mà ta không có, giờ đây tôi lại nói đến chúng ta có mà người không có hoặc có rất ít. Đó là những truyện cổ với một tinh thần quốc gia mãnh liệt. Tây phương cũng có những truyện tương tự như truyện J. D'Arc. Guillaume Tell nhưng số lượng không đáng là bao. Vì ham tự do dân chủ mà dân tộc Việt không bao giờ chịu khuất phục nến thống trị ngoại lai. Cha ông ta bại trận vì dân số ít, đất đai nhỏ, chứ không thua vì kém tài, kém đức, kém anh hùng. Đứng trước một kẻ thù mạnh gấp trăm lần hơn, tiền nhân ta cần giáo dục cho con cháu một tinh thần quốc gia mãnh liệt. Nền tảng tinh thần đó được gieo vào lòng ta từ thời niên thiếu với cái tin tưởng: Nước Việt tồn tại là do ý trời, do mệnh trời, và ai xâm phạm đến chủ quyền của dân ta đều là quân nghịch tặc làm sai mệnh trời. Cha ông ta không ngớt ca tụng nguyên lai thần tiên của dân tộc hoặc ca tụng những bậc anh hùng cứu quốc như bậc thần thánh.
Truyện Phù Đổng Thiên Vương chứng tỏ sự trưởng thành bộc phát của dân tộc Việt khi cần phải dẹp quân xâm lăng. Các truyện bà Trưng, bà Triệu, truyện Trần Bình Trọng đều được cổ tích hóa để ca tụng gương hy sinh của các vị anh hùng dân tộc.
Để kết luận bài này tôi chỉ biết nói lớn: "Hãy trở về nguồn dân tộc!"
Hấp thụ cái hay của người trong khi chính mình không còn giữ được cái gì là căn bản của mình ấy là mình bị mất gốc, ấy là mình bị đồng hóa, ấy là mình nô lệ cho người.
Hấp thụ được cái hay của người mà vẫn giữ được cá tính của mình khả dĩ mới đứng ngang hàng với người.
Đến như dùng cá tính dân tộc mình làm chiếc đũa thần để đồng hóa mọi cái hay cái đẹp ngoại lai, ấy mới có thể làm người thán phục ta được.
Cách hấp thụ thứ ba này chính là cách hấp thụ cổ truyền của dân tộc ta vậy. Xưa kia chúng ta vẫn hấp thụ tư tưởng Khổng Phật Lão nhưng cũng đồng thời chúng ta Việt hóa ngay những tư tưởng đó. Ngày nay chúng ta còn đương tiếp tục đồng hóa thêm một yếu tố văn hóa mới: ấy là tinh thần duy lý Tây phương.
Cách hấp thụ khôn ngoan ấy đã luyện cho dân tộc ta một quan niệm nhận thức rất mực uyển chuyển, linh động và tế nhị, nhiễm tính chất toàn diện, do đó mà tránh được mọi thái độ xô bồ, ngụy biện và nhất là xa lánh thái độ biệt phái chấp nê xưa nay thường thúc đẩy loài người chém giết nhau vì những lý lẽ - được coi là lý tưởng - nhiễm đậm màu sắc tương đối lệch lạc.
Hãy trở về với nguồn gốc dân tộc, với lòng hiếu hạnh vô bờ, tình anh em thắm thiết, tình bạn cao quý, tình dân tộc mãnh liệt, thì trong cơn phong ba của cuộc đời có như phong ba của đại dương kia, sóng nhô lên thành núi, nhào xuống thành vực, chúng ta có nhỏ như cái chai nhưng là cái chai được giữ cho kín đáo nên mặc cho phong ba gầm thét uy hiếp, cái chai đó vẫn nổi mà không chìm.
Hãy trở về với nguồn dân tộc!
Doãn Quốc Sỹ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...