Ký ức về mùa hè của
một thời hoa niên: Tuổi học trò qua một số bài thơ hay, tiêu biểu…
Nguyễn Hiếu Học
Với hầu hết chúng ta, ký ức
khó quên về tuổi học trò hồn nhiên, thơ mộng thường được nhắc nhở, gợi nhớ từ
những mùa hè đã xa nhưng vẫn như còn râm ran trong tiếng ve gọi mùa và khoảng
trời bàng bạc màu hoa phượng đỏ nơi góc sân trường cũ. Đó có thể là những mùa
hè tươi vui rộn rã của những cô cậu học trò trọ học xa nhà, đang háo hức sắp
được trở về sống với gia đình, với làng quê trong mấy tháng hè, sau một năm học
dài xa cách. Ở lứa tuổi hồn nhiên vô tư ấy, mùa hè chỉ là quãng thời gian ngắn
tạm xa trường, xa thầy, xa bạn, để rồi sang năm học mới, họ sẽ lại gặp nhau…
Với họ, những ngày sắp tới là thời gian được vui sống, nghỉ ngơi, gần gũi với
người thân. Họ sung sướng đắm chìm trong khung cảnh thiên nhiên thân thuộc,
thoáng đạt, khác hẳn khoảng không gian hạn hẹp nơi lớp học, nơi gian phòng trọ.
Bởi vậy, những lần chia tay như thế không có nỗi buồn ly biệt mà chỉ có những
cái bắt tay tạm biệt cùng nhiều niềm vui và lời hứa hẹn cho một ngày mai tươi
đẹp...
Tất cả
tâm trạng, xúc cảm ấy đã được biểu đạt, thể hiện một cách sinh động và khá
thành công trong một bài thơ hiếm hoi viết về mùa hè. Đặc biệt đây là
một “mùa hè vui tươi”, khác xa với nhiều bài thơ thường viết về những mùa
hè trĩu nặng nỗi buồn, chia lìa, xa cách… Đó là những mùa hè sau cùng ở vào
những lớp học cuối cấp (trung học) khi họ đã đi qua tuổi thiếu niên hồn nhiên
để bắt đầu tuổi thanh xuân mơ mộng. Chính cái thời thanh xuân non trẻ ấy đã để
lại trong ký ức của nhiều người dấu ấn về những mùa hè khó quên và không dễ
phôi pha theo năm tháng.
Nhà thơ
Huy Cận đã diễn đạt khá hay về sự chuyển biến dường như bất chợt ấy:
(…) “Họ
sống bình yên bước lặng thinh
Không
nghe hoa bướm gọi tên mình
Hững hờ
đi giữa hương yêu mến
Chân bước
chưa khi rộn ái tình”
“Vậy đó,
bỗng nhiên mà họ lớn
Tuổi hai
mươi đến có ai ngờ
Một hôm
trận gió tình yêu lại:
Đứng ngẩn
trông vời áo tiểu thơ”
(Học
sinh – Huy Cận)
*
Về một bài thơ hay, khá tiêu biểu của thi sĩ Xuân Tâm: (1916-2012)
Trước khi
nói đến những bài thơ viết về mùa hè về lứa tuổi thanh
xuân đầy ấn tượng và với nhiều cảm xúc phong phú của các nhà thơ đương đại,
chúng tôi muốn được giới thiệu bài thơ “Nghỉ hè”của một nhà thơ
tiền chiến, được xem như là bài thơ hiếm hoi viết về đề tài “mùa hè” của lứa
tuổi thiếu niên, hồn nhiên, trong sáng… như vừa đề cập ở trên.
Bài thơ “Nghỉ
hè” cùng tác giả Xuân Tâm, đã vinh dự được tuyển chọn và giới thiệu trong
một tác phẩm phê bình thơ nổi tiếng trước thời tiền chiến: cuốn “Thi
nhân Việt Nam (1932 – 1941)” của hai tác giả Hoài Thanh – Hoài Chân,
xuất bản vào đầu 1942.
Có khá
nhiều điều đáng nói về tác giả và bài thơ được chọn này. Thi sĩ Xuân Tâm tên
thật là Phan Hợp, sinh ngày 01 tháng 01 năm 1916 tại làng Bảo An huyện Điện Bàn
tỉnh Quảng Nam. Lúc nhỏ ông học ở trường Chaigneau, rồi trường Quốc học Huế và
đã đỗ bằng Thành Chung. Vì nhà nghèo, ông sớm phải nghỉ học để đi làm công chức
kho bạc tại Tourane (Đà Nẵng). Tháng Tám năm 1945, ông tham gia Cách mạng, sau
một năm đi bộ đội, ông được mời về công tác ở ngành Ngân khố tỉnh Quảng Nam,
Liên khu V. Cuối năm 1954, ông tập kết ra Bắc, công tác ở Ban kinh tế Chính phủ
rồi Ủy ban Kế hoạch Nhà nước cho đến khi về hưu. Như vậy, từ năm 1945 ông
rất bận rộn với công tác chuyên trách trong ngành Tài chính Kế hoạch. Vì thế,
tuy là nhà thơ thuộc thế hệ đầu tiên của các nhà thơ mới Việt Nam có tên trong
sách “Thi nhân Việt Nam”, và ngay tập thơ đầu “LỜI TIM
NON” xb 1941, đã có bài thơ “Nghỉ hè”đoạt giải nhất cuộc
thi thơ của báo Bạn Đường, nhưng ông lại không có tên trong Hội Nhà
Văn Việt Nam. Lý do vì ông quá bận công tác chuyên môn và không làm đơn gia
nhập Hội nhà văn Việt Nam dù ông vẫn còn làm thơ. Nhất là sau khi về hưu,
vào thời kỳ đổi mới, ông vẫn tiếp tục sáng tác và dịch thơ tiếng Pháp… Trong
những người thuộc thế hệ đầu các nhà thơ mới của nền thơ ca Việt Nam, ông còn
lớn tuổi hơn nhiều nhà thơ khác, như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tế Hanh…
Ông mới mất ngày 04/02/2012, ở tuổi 97, là nhà thơ có tuổi thọ cao nhất và được
kể là nhà thơ tiền chiến còn lại sau cùngtrong số các nhà thơ có
tên trong “Thi nhân Việt Nam”.
Trở lại
bài thơ “Nghỉ hè”, sau khi đoạt giải nhất thi thơ của tờ báo “Bạn
Đường” và được tuyển in vào tập sách “Thi nhân Việt Nam – 1932
– 1941”, xb năm 1942, bài thơ này còn được chọn đưa vào sách giáo khoa bậc
tiểu học. Người viết bài này cũng như nhiều học sinh cùng thế hệ, đã được học
thuộc lòng bài thơ trên vào những năm cuối thập niên 40 của thế kỷ trước.
Nhận xét
về bài thơ “Nghỉ hè” cũng như phần lớn những bài thơ trong tập “LỜI
TIM NON” cua Xuân Tâm, bộ sách “Việt Nam Thi nhân tiền chiến” đã
viết: Lời thơ thật hồn nhiên, trong như thủy tinh. Đọc thơ ông (Xuân Tâm-NHH)
tôi cứ ngỡ chính mình phát thanh lên tiếng nói của lòng mình và có lẽ của đa số
các bạn… khi hồi tưởng lại tuổi học sinh…” Và “Đây không phải là những lời dại
khờ trong tình ái, mà là những ý thơ hướng về thế giới tuổi thơ” (Nguyễn Tấn
Long – Nguyễn Hữu Trọng, Nxb Sống Mới Sài Gòn, Q. Thượng, trang 342)
Sau khi giới thiệu sơ lược về tác phẩm, tác giả Xuân Tâm, chúng
tôi xin được chép nguyên văn bài thơ trên được in lại trong sách “Thi
nhân Việt Nam” NXB Văn Học tái bản 1988, (trang 166) và sách tuyển tập“Thơ
thầy giáo và nhà trường”, NXB Giáo Dục 1999 (trang 36).
NGHỈ HÈ
Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã hết,
Ðoàn trai non hớn hở rủ nhau về.
Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê,
Ôi tất cả mùa Xuân trong mùa Hạ!
Một nét mặt trăm tiếng cười rộn rã
Lời trên môi chen chúc nối nghìn câu
Chờ đêm nay sáng sớm bước lên tàu
Ăn chẳng được lòng nôn nao khó ngủ.
Trong khoảnh khắc sách bài là giấy cũ.
Nhớ làm chi, thầy mẹ đợi, em trông.
Trên đường làng huyết phượng nở thành bông,
Và vườn rộng nhiều trái cây ngon ngọt.
Kiểm soát kỹ có khi còn thiếu sót,
Rương chật rồi khó nhốt cả niềm vui.
Tay bắt tay hồn không chút bùi ngùi,
Các bạn hỡi, trời mai đầy ánh sáng.
(Nghỉ hè trong tập “Lời tim non” của Xuân Tâm)
*Một số
bài thơ hay, gợi nhớ về ký ức mùa hè của tuổi học trò thời thanh xuân thơ mộng:
Phần lớn
thơ viết về tuổi học trò đều nói đến tình bạn, đến hình ảnh thầy cô và thường
nhắc về mùa hè, về màu hoa đặc trưng: phượng vĩ, nở trong sân trường trên đường
làng, nơi góc phố và cái màu đỏ chói chang ấy có thể còn mãi lung linh đâu đó
trong ký ức tuổi thơ của mỗi người chúng ta. Cũng có những mùa hè vui như
đã được miêu tả, cảm nhận trong bài “ Nghỉ hè” của Xuân Tâm
vừa dẫn. Nhưng hầu hết bài thơ hay viết về những mùa hè bắt đầu bước vào tuổi
thanh xuân dù mang đến cảm xúc vui hay buồn đều để lại những dấu ấn khó quên.
Đôi khi còn có cả sự nuối tiếc về những mối tình thơ dại không toan tính, để
rồi phải chia lìa, tan vỡ… Chính những tình cảm yêu thương đầu đời ấy thường
được lưu giữ lâu dài trong tâm khảm của người trẻ tuổi chưa có nhiều trải
nghiệm…
Đó cũng
là nguồn cảm hứng để họ có thể làm nên những lời thơ, dòng nhạc viết về tuổi
học trò, tuổi thanh xuân tràn đầy mơ mộng ấy với bao nhiêu xúc cảm thương yêu,
mà chúng ta sắp được cảm nhận, chia sẻ dưới đây:
Có nhà
thơ gọi khung cảnh mái trường của thời cấp sách là “bóng mát của ngày thơ dại”,
khi tác giả là cậu học trò non nớt ngày xưa nay phải bước vào cuộc đời khe khắt
đầy nắng gắt chói chang:
“…Ơi bóng
mát của ngày thơ dại
Có còn
không khi nắng dội trên đầu
…Ơi
trường lớp tuổi học trò xa lắc
Mùa hè
thơm như sóng nhạc ngân nga
“…Bao kỷ
niệm lòng ta xanh mãi
Trên cánh
chuồn chở nắng sớm thu kia”
(Ơi bóng mát ngày thơ dại – Hải Kỳ, Quảng Bỉnh)
Hoài niệm
về tuổi thơ, về mùa hoa phượng cũ, một nhà thơ lại thấy thấp thoáng đâu đó hình
ảnh người con gái ngày xưa, cùng với những nuối tiếc về sự vụng về của chính
tác giả, cậu học trò “khờ khạo” thuở nào:
“Em gởi nơi đâu cái tuổi học trò
Khi hoa phượng nở trên đầu rực lửa
“… Ở đằng sau hai chữ: ngày xưa
Anh chợt thấy bóng em vừa thấp thoáng”
“Hoài niệm nào cũng đầy ắp nhớ thương
(Nghĩ trong mùa hạ - Đỗ Quang Vinh, Bình Thuận)
Ở tuổi
30, một nhà thơ khác bỗng dưng “quay quắt” nhớ về tuổi học trò 15, 16 và tự hỏi
mình rằng không biết cô bạn gái ngày xưa còn lưu lại chút gì về những kỷ niệm
thoáng hiện rồi thoáng qua của một thời thơ dại:
“…Ba mươi tuổi bỗng lòng quay quắt nhớ
Về sân trường thuở mười sáu mười
lăm
“…Hoa phượng nở bất ngờ hoa phượng rụng
Tiếng ve gần bất chợt hóa xa xôi…
“…Người bạn gái năm nào giờ có nhớ
Như lòng mình khi về lại trường
xưa”
(Sân
trường thuở mười sáu- Nguyễn Thái Dương, TP. Hồ Chí Minh)
Nhà thơ
Hoàng Nhuận Cầm trong bài thơ “Chiếc lá đầu tiên” cũng đã tha
thiết nhớ về ngôi trường cũ, nơi đã từng chứng kiến sự nảy nở và cả sự tàn phai
về mối tình mong manh đầu đời của tác giả với người yêu, bởi vì đó chỉ là cái
thời mơ mộng, vô tâm và vụng về của chính nhà thơ:
“Em thấy không tất cả đã xa rồi
Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ
“…Muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bao nhiêu!
Bài hát đầu xin hát về trường cũ
Một lớp học bâng khuâng màu xanh
cũ
Sân trường đêm rụng xuống trái
bàng đêm…”
“…Anh nhớ quá! Mà chỉ lo ngoảnh lại
Không thấy trên sân trường –
chiếc lá buổi đầu tiên”
Để tạm
khép lại mấy dòng cảm nhận về một chủ đề vốn phong phú, muôn thuở, chúng tôi
xin được giới thiệu thêm bài thơ “Mùa hạ xanh” của tác giả Phú
Xuân, một nhà thơ quen thuộc đang sinh hoạt trong Hội Văn học Nghệ thuật Bình
Dương. Đây cũng là bài thơ nhớ về trường, lớp, về những người bạn học thân
thiết ngày xưa, nhưng với một thái độ, phong cách tự tin, lạc quan và biết chấp
nhận sự đổi thay, mất mát, khắc nghiệt của thời gian. Phải luôn giữ được
ngọn lửa nhiệt tình trong trái tim tuổi trẻ để tiếp tục vững bước với niềm tin
yêu vui sống ở ngày mai... Có lẽ vì thế mà bài thơ ở trên có tên là “Mùa
hạ xanh”…
1.“Mùa hạ xanh, xanh một
thời áo trắng
Đi bên em cùng nhặt cánh phượng hồng
Tiếng ve rơi giữa sân trường vắng lặng
Ta cùng em như đi giữa mênh mông
2. Mùa hạ ấy đi qua
không trở lại
Ta đi vào trăm nẻo mùa hạ xanh
Không có em, không có màu hoa phượng
Chỉ có màu lửa đỏ trái tim”
3. “…Ơi mùa hạ
những bình minh thắp sáng
Trái tim ta như cháy bỏng thuở hai mươi
Thầy, bạn đâu khi phượng hồng vẫy gọi
Đưa ta về nơi mái ấm hương xưa”
(Trong tập “Tiếng chiều ngân xa” – Phú Xuân)
Sơ hạ, 2014
Và những
cảm xúc bất tận về mùa hè một thời hoa niên - tuổi học trò đó hẳn mãi còn thấp
thoáng... lung linh trong ký ức của mỗi chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét