Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

Ngôi nhà và tiếng đàn dương cầm

Ngôi nhà và tiếng đàn dương cầm
Lê Thiết Cương
Tôi bảo hoạ sĩ Trịnh Tú, hồi nhỏ tôi hay đi qua phố nhà anh. Ấy là bởi đường tàu điện tuyến Bưởi từ Bờ Hồ đi dọc theo phố Quán Thánh. Tôi hay đi tuyến này đến cơ quan của bố mẹ.
Bữa đó, chúng tôi ngồi uống khuya hơn mọi bận, giáp noel, trời lạnh, càng khuya càng lạnh. Ngồi dài thế chả phải là để uống nhiều, chúng tôi không ai bảo ai, đều nhấp chầm chậm, đợi nghe hồi chuông nguyện nửa đêm bên nhà thờ Cửa Bắc vọng sang.
Thấm thoát đã gần nửa thế kỷ. Năm 1968, ngôi nhà 108 Quán Thánh bị trúng bom B52, sập hết. Chả hiểu sao chỉ bộ bàn ghế này, cái be rượu sành và cây đàn dương cầm là gần như còn nguyên vẹn. Bộ bàn ghế, thiết kế kiểu art-décor, Á Âu kết hợp nay đã là đồ gia bảo. Một tác phẩm đặc trưng của Memo, hãng Furniture từ thời thuộc Pháp của hoạ sĩ Trịnh Hữu Ngọc (phụ thân anh Trịnh Tú).
Hà Nội đã mất đẹp đi quá nhiều vì cái sự ồn ào đông đúc của nó, hoạ hoằn có những đêm lạnh như đêm nay may ra mới còn yên tĩnh đôi chút. Có ai dám ngờ rằng yên tĩnh lại có lúc trở nên xa xỉ với thành phố yêu dấu này. Tôi nghe rõ tiếng thở của con mèo lười nằm co ro trên nóc chiếc đàn dương cầm kê nép trong góc phòng. Chiếc đàn có lớp áo màu nâu hạt dẻ bị bong tróc nhiều chỗ. Đã lâu rồi nó không còn cất tiếng nữa. Tuy mọi người trong nhà chẳng ai quên nó. Anh Tú bảo: Cây đàn cũng như một người trong gia đình. Nó cũng có thăng trầm, duyên phận của nó. Nó cũng là chứng nhân của những dâu bể trong ngôi nhà này. Nó đã từng vui buồn, hạnh phúc, bất hạnh cùng với người chơi nó. Nó cũng đã đi qua những tháng năm chiến tranh bom đạn, đi qua thời hậu chiến đói nghèo, đi qua nước mắt, đi qua tủi hận.
Tôi chợt thấy những phím đàn rung lên, rất nhẹ, những hợp âm quen thuộc từ xa xôi, hình như vậy, vọng về. Một chút Nocturne, một chút Valse hay Impromptu của Chopin chăng? Hình như những giai điệu không vang lên từ cây đàn mà từ đâu đó, có thể từ bức tường gạch cũ, từ đôi cánh gỗ của cái quạt trần Marelli, từ trong bóng tối, từ trong giá lạnh, từ trong quầng sáng của ngọn nến sắp tắt. Từ mái ngói nặng trĩu rêu phong, từ cột đèn ở trước cửa, từ cây bàng trụi lá bên kia đường, từ cái cánh cửa chớp bong mất bản lề đang run rẩy trong gió.
Hoạ sĩ Trịnh Tú nhớ lại, lần cuối cùng cây đàn cất tiếng cũng là đêm cuối tháng chạp năm 1968, cả gia đình ở nơi sơ tán trở về, trở về với hoang tàn và đổ nát nhưng đầy ắp kỷ niệm đau thương. Ở giữa đống gạch ngói vụn nát, trong mùi khét của lửa, của khói bom còn chưa tan hết, kỳ lạ thay, cây đàn màu hạt dẻ, hai chân trước cong cong vẫn còn nguyên. Chị Nh. (chị của anh Tú) chạy đến bên cây đàn, anh Tú giúp chị đẩy cây đàn ra khỏi đống vôi vữa, kê vội mấy viên gạch làm ghế. Chị Nh. ngồi xuống... rất có thể âm nhạc của Chopin qua tiếng đàn của chị Nh. mà tôi đang nghe thấy vọng về từ cái đêm hôm ấy. Nghệ thuật bao giờ cũng là một điều kỳ diệu và luôn có con đường đi rất riêng của nó.
Anh Tú nghiêng be, rót thêm tuần nữa. Chúng tôi nâng chén. Tôi nhìn cây đàn già, tôi lắng nghe, không chỉ là những giai điệu của Chopin. Tôi nghe thấy từ trong cây đàn vang lên tiếng còi báo động, tiếng bom rơi, tiếng của những cành cây gãy, tiếng những căn nhà đổ, tiếng tàu điện, tiếng khóc.
Chưa chắc qua cây đàn dương cầm của mình, Chopin đã định tụng ca điều gì cao siêu, ông chỉ muốn nói về vẻ đẹp giản dị của cuộc sống mà trong đó có cả những điều bất hạnh. Chẳng ai muốn bất hạnh nhưng nó là một phần của đời sống, ở đâu và thời nào cũng vậy.
Một góc phố hiếm hoi (Bát Đàn - Hàng Điếu - Hà Nội) mang dáng dấp kiến trúc Pháp nằm trong khu vực phố Hàng chứ không phải khu vực phố Tây còn tương đối nguyên vẹn. Bức ảnh này gợi không khí về Hà Nội thời chiến tranh cũng như thời hậu chiến.
Trong cái đêm buốt giá của mùa đông 1968 ấy, trong căn nhà đổ nát ấy, sau những tháng ngày xa cách, chị Nh. và chiếc đàn dương cầm ngỡ là không bao giờ gặp lại đã cùng trò chuyện với nhau, với âm nhạc, với Chopin trong những giờ phút hoà bình đầu tiên khi mà chiến tranh vừa đi qua cửa.
Rất có thể, một vài phím đã kẹt, dây đã trùng, pêđan đã hỏng nhưng thử hỏi những điều đó có quan trọng gì bởi vì lửa trong lòng người chơi đã cháy lên rồi. Không ai biết có một người đàn ông, (một nghệ sĩ) người đàn ông duy nhất còn đi lang thang trong phố Hà Nội đêm mùa đông ấy, người đàn ông duy nhất thấy được ánh lửa đó và nghe được tiếng dương cầm vọng ra từ căn nhà đổ... Nhưng đó là một câu chuyện khác. Vả lại cuộc sống và nghệ thuật đâu cần phải trùng khít.
Suy cho đến tận cùng, chẳng ai chơi đàn bằng... đàn cả, chẳng ai chơi đàn bằng tay cả. Tiếng đàn là tiếng nói số phận của họ hay nói cách khác họ chơi bằng chính đời sống của mình, bằng căng trùng của mình, được mất của mình, sai đúng của mình, vơi đầy và trầm bổng của mình. Mấy ai đã có số phận? Mấy ai đã lướt được số phận của mình trên những phím đàn trắng đen, đen trắng đó?
Tiễn tôi ra cửa, Trịnh Tú bảo: Mấy năm sau, chị tôi đi nước ngoài tu nghiệp rồi không về nữa. Tôi chợt nghĩ, không phải là chị không muốn về mà bởi vì chị hy vọng ở đó, biết đâu, chị sẽ gặp những phím đàn khác. Giờ thì chị vẫn sống một mình trong một ngôi nhà. Ngôi nhà rộng và đẹp ở ngoại ô Paris. Trong ngôi nhà đó vẫn có gió, vẫn có đêm, vẫn có mùa đông và vẫn có tiếng đàn dương cầm...
Nguồn: vn.news.yahoo.com


1 nhận xét:

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...