Phác thảo chân dung tôi
Trịnh Công Sơn
Thuở ấy, tôi là một đứa bé thích
ca hát. Mười tuổi biết solfège (*), chép lại những bài hát yêu
thích đóng thành tập, chơi đàn mandolin và sáo trúc. Mười hai tuổi có cây đàn
guitar đầu tiên trong đời và từ đó sử dụng guitar như một phương tiện quen
thuộc để đệm cho chính mình hát.
Tôi không đến với âm nhạc như một
kẻ chọn nghề. Tôi nhớ mình đã viết những ca khúc đầu tiên từ những đòi hỏi tự
nhiên của tình cảm thôi thúc bên trong... Ðó là những năm 56-57, thời của những
giấc mộng ngổn ngang, của những viễn tưởng phù phiếm non dại. Cái thời tuổi trẻ
xanh mướt như trái quả đầu mùa ấy, tôi rất yêu âm nhạc nhưng tuyệt nhiên trong
tôi không hề gợi lên cái ham muốn trở thành nhạc sĩ...
Dạo ấy ba tôi đã mất, mẹ tôi ở
xa, tôi một mình giữa Sài Gòn này phải tự quyết định mọi chuyện về đời mình.
Cái gánh đời tuổi tác còn quá nhẹ. Có lúc tôi đã bỏ dở cái trò lãng mạn viết
lách này với nỗi ám ảnh ngu ngốc “xướng ca vô loại”. Tôi trằn trọc đêm này qua
đêm khác, ray rứt ngày này qua tháng nọ. Nhưng càng cố lãng quên thì tiếng hát
trong tôi càng vang lên rõ rệt, tràn ngập cả lúc đứng ngồi, cả trong giấc ngủ.
Dần dà những năm về sau, mới bắt
đầu hình thành trong tôi một quan niệm rõ rệt: Sống là sống với người khác và
muốn có cảm thông chúng ta phải luôn luôn diễn đạt mình. Trong những cách diễn
đạt bằng tiếng nói, bằng chữ viết và nhiều phương tiện khác, tôi thấy tâm hồn
mình có khuynh hướng nghiêng về phía ca khúc. Trên mảnh đất nghệ thuật nhỏ nhắn
này, tôi tìm thấy tự do và tôi nghĩ rằng ở đây tôi có thể bày tỏ được với người
khác về những niềm vui nỗi buồn của cuộc sống.
Chân dung Trịnh Công Sơn dưới nét cọ của Bửu Chỉ.
Nhìn lại quãng đường mình đã đi,
tôi cảm thấy không có gì phải ân hận. Tôi vẫn là đứa trẻ thơ trong nghệ thuật,
lòng còn tràn đầy cảm hứng. Tôi vẫn còn ham mê học hỏi quanh mình và còn đủ hào
hứng mở ra những cuộc đối thoại, độc thoại với cây cỏ thiên nhiên, với con
người qua ca khúc dưới ánh sáng hiền hòa nhân hậu của những ngày tôi đang sống.
Phải chờ đến lúc soi gương nhìn
thấy tóc không còn mang màu xanh cũ nữa, mới nhận ra được hết nỗi khát khao
được yêu thương mãi mãi con người và cuộc sống. Yêu thương con người cũng là
yêu thương tiếng hát bởi vì tiếng hát mang trong nó tâm hồn của con người.
Tiếng hát sẽ mọc lên xanh tươi trên cuộc đời này như những cây tử đinh hương
mọc tràn thơm tho trên những cánh đồng vô tận.
Với ca khúc, tôi là người tình
của thiên nhiên, là người bạn của những em bé. Qua ca khúc, tôi đã đến gần và
đã đi xa những chuyện tình, đã tham dự những nỗi hân hoan của đời người và cũng
đã gánh nhẹ giùm những phiền muộn.
Ca khúc là đời sống thứ hai sau
cái thân thể mà cha mẹ đã sinh thành...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét