Prelude của Chopin và những khoảng trống
Âm nhạc Chopin đến với tôi từ những ngày còn
rất nhỏ và cho đến nay vẫn có một vị trí quan trọng trong cuôc sống của tôi.
Nếu hỏi tôi về danh sách tác phẩm yêu thích của nhà soạn nhạc lỗi lạc này, tôi
sẽ trả lời là tôi yêu tất cả những tác phẩm của ông. Từ Nocturne đến Concerto,
từ Etude đến Prelude, chúng đều rât gắn bó với tôi, theo một cách nào đó. Riêng
với những bản Prelude của Chopin, tôi luôn cảm thấy có sự kết nối đăc biệt với
những khúc nhạc này. Nó gần như là sự trở về với một cảm giác thân thuộc, tự
nhiên vốn có, không giấu diếm, che đậy.
Để cho các bạn hiểu rõ hơn, tôi xin giải thích
thêm về prelude. Theo trang nhaccodien.info: “Prelude (khúc dạo đầu) là
một khúc nhạc ngắn, thường không có hình thức nội tại đặc biệt, có thể đóng vai
trò là một sự giới thiệu cho những chương nhạc tiếp theo của một tác phẩm mà
thường dài và phức tạp hơn.” Chopin đã viết 24 bản prelude op 28, đưa
nó trở thành một tác phẩm độc lập.
Khi viết về âm nhạc
Chopin , đặc biêt là Prelude, suy nghĩ và ngôn ngữ của tôi thường bất lực trong
việc tìm từ ngữ miêu tả những âm thanh và giai điệu tôi nghe được. Tôi chỉ nhận
ra rằng, nó đánh thức tất cả những cảm xúc và cảm giác của tôi. Nhưng tôi không
thể gọi tên chúng. Tôi chỉ biết âm nhạc đang ngấm vào từng hơi thở, mạch máu
của mình.
Trong một khoảnh khắc,
tôi cảm thấy dường như không còn ranh giới giữa tôi và âm nhạc. Tôi chính là âm
thanh đó và âm nhạc cũng chính là tôi. Âm nhạc hiểu tôi đến tận cùng, như cách
người ta đọc đi đọc lại một quyển sách từ đầu đến cuối trong nhiều năm. Và lúc
này, không phải tôi nghe nhạc nữa mà là âm nhạc đang lắng nghe tôi, không một
chút phán xét.
Prelude của Chopin
khiến tôi nhận ra những khoảng trống. Đó không hẳn là “những khoảng trống giữa
những nốt nhạc “ như Debussy đã nói. Mà là những khoảng trống luôn hiện hữu
trong tâm thức, những khoảng trống tôi luôn đối diện hằng ngày. Chúng lớn dần
theo thời gian và song hành với tôi từng giây, từng phút. Tôi coi đó như một
điều thân thuộc, hiển nhiên, không chạy trốn, không chối bỏ, không né tránh. Cứ
để cho nó hiện hữu thôi.
Khi tôi chạm đến những
âm thanh đó – những âm thanh được sáng tạo trước khi tôi có mặt trên đời này cả
mấy trăm năm, tôi vẫn cảm thấy có sự gắn bó kì lạ. Không hẳn là sự gắn bó về
mặt kí ức, mặc dù luôn có một chuỗi hình ảnh được sắp xếp gọn gàng xuất hiện
trong đầu tôi khi tôi nghe nhạc Chopin. Có lẽ, đây là sức mạnh kì diệu của âm
nhạc, khi mỗi cá nhân trong chúng ta vẫn có thể vươn đến những cảm giác, những
thông điệp không lời mà các các nhà soạn nhạc xưa muốn gửi gắm đến.
Prelude của Chopin
phản chiếu những khoảnh khắc bất tử. Mỗi khoảnh khắc đó đều có sức sống riêng,
dáng hình riêng, sắc màu riêng. Thật tuyệt vời khi âm nhạc có thể lưu giữ những
khoảnh khắc đó, trong những âm thanh giàu sức mạnh.
Trong 24 bản Prelude
này, có lẽ tôi thấy có bản Prelude no 15 (Raindrops) và no 24 là quen thuộc hơn
cả. No 15 từng xuất hiện trong nhiều bộ phim và no 24 từng là đoạn nhạc mở đầu
cho tập phim Tom and Jerry – The
Concerto. (đừng nhầm với Hungarian
Rhapsody no 2 mà mèo Tom chơi trong tập phim nhé) Tôi không thể lý giải được
khi nghe no 15 mà không cảm thấy nét u sầu ngày mưa cũng như sự kịch tính trong
no 24. Tôi chỉ nhận ra chuỗi hình ảnh trong tâm tưởng của mình thôi. Bầu trời
sáng rực của mùa hè, những ngày rét căm căm, những bước chân trên cát, biển im
lặng,… Chúng nối tiếp nhau, vừa hòa quyện, vửa tương phản. Và chưa một lúc nào
phai mờ cả.
Thôi luyên thuyên đủ
rồi, bây giờ là lúc thưởng thức âm nhạc nào. Xin trân trọng giới thiệu, 24 khúc
Prelude của Chopin do nghệ sĩ piano người Croatia Ivo Pogorelich thể hiện. Với
tôi, Pogorelich đã đem một sức mạnh mãnh liệt qua tiếng đàn siêu việt và chỉ có
một của ông, để rồi biến mỗi âm thanh trở nên thật đến gai người.
Chúc các bạn vui và
rất mong nhận được những phản hồi về bài viết này!
Ivo Pogorelich Chopin Prelude Op. 28 No. 1
Theo Cánh Đồng Âm Nhạc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét