Thứ Năm, 6 tháng 11, 2014

Ta vẫn nhớ thương hương ngày cũ

Ta vẫn nhớ thương hương ngày cũ

  HỒNG BỐI
Mỗi phút qua con người mất đi một chút sức tuổi trẻ.
Những con đường đông đúc một thời nay trở thành hoang vu khô cằn không bóng người qua lại. Cánh chim hồng học bay vạn dặm xa, bay ngang khung trời kỉ niệm lững thững đi vào xứ mộng ngỡ  rằng quên tất cả.
        Nhưng không! Còn đường ấy, con đường huyền hoặc thuở nào vẫn còn đây. Nó vùi mình trong một lớp tiềm thức đang chéo thân phận xiết chặt nhau bằng thứ văn tự ngôn ngữ con người. Ta cứ tưởng trong cuộc chơi này chỉ ta với ta mà không còn bất kỳ kẻ nào khác. Thật lạ, thứ văn tự đang chéo đưa ta đến gần nhau, hiểu quý, nuôi dưỡng để cùng dìu nhau đi tới nẽo mặt trời… mà một trăm năm vẫn còn gọi tên nhau dẫu đã hóa thân thành giọt nước phù hư, nơi vết tích hoang đường trĩu nặng mối tự tình "ta còn gì cho nhau trong vùng trời yêu thương".
Sương lạnh chưa tan, nến hồng chưa tàn đời cứ bắt ôm hoài niệm mà ngẫm nghĩ, xao xuyến “ tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay, tuổi nào ngồi hát mây bay ngang trời ”.
Không hiểu sao, mỗi lần đọc thư là mỗi lần thấy nhớ nhung hình dáng một con người. Nhớ con người như nhớ câu chuyện đã qua về một thời tuổi trẻ và một quãng trăng sao của gió mây kỳ vọng. Thư từ như thể kết nối chút giao tình với nhau giữa mảnh đường hoang lạc ta vô tình đánh mất nhau .
Khi bạn ngồi xuống bên cạnh chiếc bàn đối diện đời mình viết tờ thư là bạn đang muốn gửi đi thông điệp yêu thương với lời tự sự của riêng mình. Viết thư để nuôi dưỡng, để gìn giữ nét đẹp cho nhau, để đôi lúc thấy mình còn yêu đời. Yêu cuộc đời là đang yêu sự sống, mà sự sống có mặt ngay lúc bạn biết nhận yêu cuộc đời. Cuộc đời cho đi là gửi gắm nửa hồn thương đau hay nửa tinh thần đẹp thoảng qua thuở nào khiến lòng cố quên lại không quên được. Như thế, cuộc đời có ý với thời gian, và thư từ là mảnh ghép hão huyền sống động làm nhớ nhung những ngày vui, những ngày buồn, những ngày tóc xanh, tay gầy gặm nhấm hư vô khiến thiên thần phải kinh ngạc, giật mình bở ngỡ!
Mây không bay về hướng Tây cũng không trôi về hướng Đông, nó mặc nhiên tịnh thính chuyển vần thành nét chữ cho bước chân lữ hành xuôi quán trọ kết nhuộm tơ trời mang đến cuộc hẹn yêu thương.Thì ra, nét chữ là nét yêu thương. Yêu thương làm khơi dần khung trời thơ ấu, soi rọi ta thăm lại con đường ký ức trong vũng miền thôn quê ngày ấy chúng mình quen biết nhau. 
Trong những khoảng lặng riêng tư nhất, luôn hy vọng ở trái tim mình, lúc nào cũng mở ra nhiều cánh cửa của lòng tha thứ từ bi lẫn sự hiểu biết cảm thông mỹ mãn. Cho nên tự dặn lòng phải tập yêu cuộc sống như yêu hơi thở phím luạ đàn mà ngày xưa đã từng hát bài ca giữa rừng khuya bếp lửa, gửi tặng riêng em trông cõi mộng bình yên.
Đã bao ngày đi qua và đã bao ngày trở lại, thời gian không níu kéo chờ đợi ai bao giờ. Những tờ thư với bút pháp chậm rãi cẩn tính phơi trên bối diệp không hẹn mà đến, cũng không hẹn mà đi, làm cho ta nhớ thương một tuổi nồng nàn phớt mất. 
 Bây giờ, có những ngày thấy mình vô cảm, trơ trọi bèn lục lọi tìm đọc lại vài ba bức thư của khoảng nhiều năm trước. Thư mang lại sự an ủi, hay chút niềm vui băng quơ chốc lát. Trong thoáng tư lự xem thư đôi hồi tự hỏi, nét chữ còn đây người xưa đâu!?
Những bức thư cũ của một năm, năm năm, mười năm và nhiều hơn thế, nó đánh dấu cho cái gì đã đi qua và cái gì còn ở lại. Khuôn mặt ấy, con người ấy hiện lên rõ trên đường cong nét chữ, rải kín kỉ niệm yêu dấu vốn chôn sâu trong lòng. Nó soi tỏ niềm vui kì lạ lắm thay mang đến hiểm họa nhớ thương.
Sẽ vẫn cám ơn cuộc đời đã cho ta có những bức thư tên tuổi. Dẫu thư ngắn hay thư dài, có nội dung hoặc không nội dung đều là những tâm tình chân thành chia sẻ quý báu nuôi lớn đời ta. Berolt Brecht đã nói đúng: “con người thuộc về những ai làm cho mình khá hơn”.  Tất cả sẽ qua đi, sẽ biến mất ở cõi đời này nhưng nét chữ, tình thư một khi đã thành hình luân chuyển trần gian thì sẽ ở lại đây mãi mãi. Ta vẫn nhớ thương hương ngày cũ như nụ cười năm tháng của người xưa.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...