Thứ Năm, 6 tháng 11, 2014

Viễn Du - tình yêu, thi ca, lý tưởng

 Viễn Du - tình yêu, thi ca, lý tưởng

HỒNG BỐI

Mỗi con người sinh ra ai cũng có một khối óc và một trái tim. Nói theo cách khác ai cũng có suy nghĩ và có tình cảm. Theo quan niệm thông thường sự suy nghĩ thì nằm ở trong đầu hay trong khối óc còn tình cảm thì nằm ở trong lòng hay trong trái tim. Mỗi chúng ta nên tập sống làm sao để đừng bao giờ làm cho trái tim mình bị khô héo, giá băng, đừng bắt con tim phải rướm máu. 
Khi nói đến trái tim, người ta hay nhắc đến đóa hoa hồng. Vì đóa hoa hồng là biểu tượng của tình thương yêu. “ Tình ta là đóa hoa hồng, ý  ta là cả cánh đồng tâm linh”[1]. Đang còn con người là đang còn thương yêu. Nhờ trái tim mà ta biết vui, biết buồn, biết yêu, biết thương, biết ghét, biết giận hờn; Cũng nhờ trái tim và trí óc ta mới hiểu chân lý cuộc đời. Mỗi con người đều mang một trái tim nóng bỏng, một bộ óc sáng tạo cũng để thấy rằng, mình khác với các loài khác là chưa bao giờ biết quay lưng đi ngược lại cuộc đời, chưa bao giờ sống thờ ơ với mọi người. Trong cuốn Đập vỡ vỏ hồ đào thầy Nhất Hạnh có nói “ Bộ óc là để thấy và để hiểu, trái tim cũng là để thấy và để hiểu. Không phải chỉ có bộ óc mới biết lý luận. Trái tim cũng biết lý luận, và có khi trái tim có thể đi xa hơn bộ óc, bởi vì trong trái tim có nhiều trực giác hơn”.
Trong con người khối óc là một thực thể vật chất, nó là trung tâm chỉ huy điều  khiển tối cao mọi hoạt động cũng như mọi tư duy của cơ thể. Khối óc có khả năng ra lệnh cho hơi thở, thở sâu, thở chậm nhưng có một điều lạ là khối óc không thể bắt con tim ngừng đập hay theo ý của mình.
Ngạn ngữ Pháp có câu: “Trái tim có những lý do của nó mà lý trí không thể biết được”. Nó là một đồng thời cũng là hai và ta sẽ thấy rằng trong cuộc sống có nhiều trường hợp khối óc phải phục tùng trái tim. Nghĩa là có nhiều chuyện mà lý trí và trái tim không cùng hợp tác với nhau. Trí nghĩ một đường, tim làm một nẻo. Gặp người lần đầu mà đã thương người, thương người không biết vì sao ta lại thương người thế mà cứ thương. Cho nên Khổng Tử nói “ Người biết rằng mình không biết là bắt đầu biết. Còn người nói mình đã biết tức là người đó chưa biết" . Ta cũng thường nghe “ trái tim thắng lý trí” nghĩa là vậy.
Không biết chương mấy cuốn bút ký Ta đã làm gì đời ta của Vũ Hoàng Chương. Họ Vũ có nhắc đến câu thơ cổ rất hay.
Bán sinh phong cốt lăng tằng thậm
Nhất phiến nhu hoài chỉ vị khanh
Tạm dịch.
Nửa đời sương gió ngang tàn 
Trái tim mềm cũng vì nàng đấy thôi.
 Thông thường hễ nhắc đến trái tim người ta liên tưởng đến tình yêu, và nói đến tình yêu người ta nghĩ ngay đến tình yêu nam nữ. Khi chúng ta vượt qua khỏi tình yêu nam nữ thì chúng ta có một tình yêu không so đo tính toán, chính là tình yêu thương bao la độ lượng con người.
Đời là một dòng chảy vô biên. Mỗi con người sinh ra đã mang trong mình một dòng chảy vô biên. Dòng chảy đó có khi đưa con người đến chốn bình an, có khi đưa con người đến chỗ đọa lạc. Trong cơ thể con người gồm có Bảy luân xa và luân xa thứ Tư là luân xa tình cảm hay luân xa tim nó nằm ở phần ngực cũng gọi là nhân tính. Khi chúng ta có nhiều tình thương, giàu lòng từ bi thì luân xa tim phát triển càng ngày ta càng thấy mình vị tha hơn và có nhiều hạnh hơn phúc trong cuộc sống. Thi nhân là người sống đậm với luân xa thứ tư và tiến lên nữa là luân xa thứ Năm , thứ Sáu[2].
Trước hết thi nhân là con người, tất nhiên thi nhân cũng mong có tình yêu đôi lứa. Nhưng chỉ khác ở chỗ thi nhân thường đa tình hơn người bình thường. Ngoài tình yêu nam nữ thi nhân còn yêu sự sáng tạo, yêu cái đẹp của muôn màu sắc trong cuộc sống. Bởi vậy suốt đời thi nhân chỉ là kẻ đi tìm chân lý không biết mệt, là đóa hoa hồng sắc thắm giữa vòm trời xanh.
Hơn ai hết Viễn Du, người một thời bắt bóng hoàng hôn với bao mộng ước hão huyền địa đàng nửa đời tình phiêu lãng. Người đã từng sống trọn vẹn với một thứ tình mộng ban đầu, thứ tình dẫu biết giả tạo nhưng vẫn gắng gượng, là cái cớ để trút tâm sự, nỗi lòng khát khao về một tình yêu, tình yêu không chiếm hữu, không biên giới đòi hỏi, yêu chỉ vì biết đó là yêu. Yêu trong mộng hải hồ, yêu trong cõi nguyên sơ ban đầu.
Em đi qua đời ta thật khẽ
Như gió chiều hôn nhẹ hàng cây
Tình yêu đến ta nào đâu có biết
Để dư âm rụng trắng cả đôi bờ.
Dư âm mà rụng trắng cả đôi bờ là người có đôi mắt nghệ thuật, rất mơ, rất mộng, rất ảo huyền. Nhìn thực tế thì thực thế hóa thành chiêm bao, mà ảo tưởng chiêm bao thì chiêm bao trở thành huyền nhiệm. Ta không hiểu và thi nhân Viễn Du cũng không hiểu, Chỉ có con tim thi nhân mới hiểu, để rồi mùa thu “ Ai đến đó lần đầu tiên tôi hỏi, bước chân về lạc lối giữa yêu thương”. Con đường, lá vàng rơi chút duyên thì thầm đã len lõi vào cõi lòng thi nhân khi nào không hay, một cõi lòng tinh sương trong trắng, chưa hề dính bụi trần bỗng nhiên từ đâu thốt lên những câu thơ đúng chất, thật bỡ ngỡ của cái tuổi mười tám. Bỡ ngỡ vì nhiều câu thơ từ ngữ rất giản đơn mà lại hay đến không tưởng. Có nhiều người làm thơ cả cuộc đời nhồi nặn ngôn ngữ rất tỷ mỷ lại không làm được câu thơ đúng gọi là thơ. Thơ là phải chết trong lòng một chút. Thơ là nguồn tâm nối cõi thực và cõi mộng. Thơ là sống, là cảm nhận, là thổn thức, là rung động… Thế thì Viễn Du đi vào cõi thơ là đi vào một vùng trời đầy hương hoa trái ngọt và cũng đầy mật sầu đắng cay. Hãy lắng nghe thi nhân thổ lộ: “ Trong cô đơn thầm lặng khẽ nghe ‘ tiếng chiều’ thở dài khi hoàng hôn khuất bóng, buông xuống tâm hồn kẻ lữ khách quê mùa những bản tình ca định mệnh  như lớp sương mưa mờ ảo, vang vọng từ cổ mộ xa xăm mang nỗi buồn không tên giữa đôi bờ viễn mộng, trong cõi phù sinh hiện hữu bao ảo ảnh hải hồ đi về nơi xa xăm vô định, để rồi lạc lối nơi những vùng trời bình yên”.
Huế ngày ấy, bình yên và thơ mộng một cách kỳ lạ. “ Sáng xanh, trưa vàng, chiều tím, xế quan san” nắng xế mong manh dệt bằng sương khói, quan san phảng phất tương phùng có dấu chia ly. Huế dễ thương song khó cảm nhận, hiền dịu lại rất kính đáo. Viễn Du thấu được sự kín đáo cho nên yêu cũng kín đáo và rồi, bắt đầu cuộc hành trình vô định nơi trường giang hải hồ của đọa đày cuộc lữ.
Chiều tan học nắng tàn trên khung cửa
Rớt sợi buồn tơ nhện níu hồn tôi
Phút vô tư em bỗng thành du thủ
Thoáng qua đời như vết cắt không nguôi.
Đang yên đang lành thì em đến làm chi để thừa lại nỗi buồn như vết cắt không nguôi. Muốn hồn nhiên vô tư sao gai trần vô cớ đâm ứa đôi bàn chân để cho ta có nỗi đau tình cờ, tình cờ ta chợt gặp nhau. Là hữu mệnh hay định mệnh, thi nhân không nhất thiết trả lời, nếu có trả lời đi chăng nữa thì:
Cám ơn người vì cho tôi biết
Mối tình đầu đẹp đẽ như mơ
Em có nhớ lần đầu tiên gặp gỡ
Ánh mắt nào trao buổi chia tay
Chiếc giỏ xe chở đầy thương nhớ
Lặng lẽ đi về giữa cõi mơ.
Nhờ có yêu, có buổi tình đầu thi nhân mới xúc cảm tạo ra những nghệ phẩm văn nghệ khiến người đọc bắt gặp lại hình ảnh của mình mà từ lâu tưởng chừng đã dần vào dĩ vãng. Viễn Du kể lại những câu chuyện rất thật trong đời mình, đôi lúc lồng vào cuộc phiêu lưu rất mộng. Dầu chuyện mộng nhưng tình bao giờ cũng thực, cái thực luôn khiến ta phải bồi hồi thương nhớ. Cái mộng mơ chỉ là công trình nghệ thuật. Hai câu thơ đọc lại nghe rất hay:
Em có nhớ lần đầu tiên gặp gỡ
Ánh mắt nào trao buổi chia tay.
Nếu thi nhân sống không thực sẽ không làm được câu thơ hay đến vậy. Thơ của Viễn Du có nhiều bài vương vấn tâm hồn tôi, lúc nào cũng nghe văng vẳng bên tai. Đơn giản theo tôi, thi nhân Viễn Du dùng ngôn ngữ bình dị nhưng rất gần đọc lên khiến lòng luôn thổn thức, luôn cảm động mà nhớ một thời đã đi qua. Cho nên cũng có thể gọi là đồng cảm.
Thân phận, tình yêu, lý tưởng tuổi trẻ ai mà chẳng có. Dù lý tưởng viễn vông hay tình yêu ảo vọng đều đưa đến những nổ lực cá nhân tâm hồn. Chúng ta thấy khi yêu cuộc sống thường rất đẹp, mỗi giây, mỗi phút mầu nhiệm và đáng trân quý. Đó là vì khi thương yêu một ai đó thật sự con người quên mình, quên cái tôi nhỏ bé của mình và chỉ nghĩ đến làm điều tốt cho nhau. Thấy người mình thương được hạnh phúc thì lòng mình cũng hạnh phúc.  Đôi khi mình phải hy sinh cái riêng của mình để người mình thương được ấm lòng trong khoảnh khắc. Cái kỷ niệm thường làm nên nỗi nhớ, thường gắn kết con người.
Ôi! Có gì đâu cái áo mưa
Em về tan học với mưa ngâu
Ta đi đôi ngã tình ly biệt
Nhưng vẫn ấm lòng giữa nắng mưa.
Ta về dưới nắng mưa, mặc cho bao lớp phong sương bám đầy, áo dù nhầu nhưng vẫn thấy ấm bàn tay bởi ta đã tặng cái áo mưa của ta cho em.  Đủ “Chỉ cần được thấy em bình an, em cười vui là mọi lo toan cuộc sống như dần tan biến”. Viễn Du đã từng thương, từng yêu và hy sinh đúng nghĩa. Cái đa tình bao giờ cùng dừng lại trước cái vô tình, tình thơ và cuộc tình trong thơ lả tả buông lơi theo chiều gió mù khơi.
Có một buổi sớm mùa đông, mà mùa đông ở Huế lại rất buồn. Trời mưa thì kéo dài dai dẳng lê thê, lạnh thì lạnh buốt xương, não nề gợi thêm não nề. Thi nhân Viễn Du đến trường và người thương không còn đó.
Thế là ta đã biết
Người ấy đã xa ta
Vì nỗi buồn chiều qua
Không mong mà lại đến
Ta ngồi đây thổ lộ
Giữa gió nội trăng ngàn
Làm sao em thấu hiểu
Được nỗi lòng của ta
Ngoài kia mưa bụi bay
Người hỡi em có hay
Sáng nay ta ngơ ngác
Vắng người ta buồn thay
Chiều về gửi nỗi nhớ
Hoàng hôn rớt bên đường
Ta đi về không nói
Bóng hình em vấn vương.
Tình hoang mang gợi ý hoang mang. Tình nợ cho nên thơ cũng nợ.
Dép ướt trời ơi em biết không?
Ta về lạnh lẽo suốt mùa đông
Nỗi niềm giăng kín trên gối chiếc
Vụt tắt bình minh em sang sông
Yêu là vui rồi lại buồn, buồn để ngồi yên thẩm thấu cõi lòng chính mình trong cái cô đơn tuyệt mệnh mỗi ngày chiều buông xuống.
Cô đơn lắm chiều hoàng hôn buông xuống
Mái tóc thề ai xõa ngang vai
Bước vội vã người về trong cõi mộng
Ta say xưa ngập ngịu trong men tình.
Tình và mộng đâu có gì ngoài nỗi nhớ! Duyên phận chỉ là phút thoáng qua tíc tắc đến đi phù du. Cõi thơ giao cõi mộng hãy xem như cánh chim hồng hạc giẫm nước bay ngang. Ngẫu nhiên bay ngang chim hồng vẫn nguyên vẹn, rồi trả hết ân tình ngày tháng qua nhanh. “Trả hết, trả hết cho người, trả luôn mắt môi và nụi cười, trả xong đời còn hư không”. 
Tiếc nối ư! Người qua vội vã
Thời gian đi không trở lại bao giờ
Đời học sinh tôi yêu mầu nắng xế
Chút hồn nhiên lưu ảnh đến ngàn sau.
Viễn Du từng hỏi: đâu là huyễn mộng? Đâu là thật tướng, thật tâm?  Tình nào là tình thật? Em là ai? Em có phải là nguồn suối cảm hứng? Em là phượng đỏ mùa hạ hay nắng nhạt mùa thu? Em đã thề ước gì đời ta, sao hình bóng vở toang lưu ảnh đến nghìn sau? Ta thương em và quyết tìm chân lý ngay nơi em, giống như Rabindranath Tagore đã tìm thiên đường nơi cô gái hái củi. Thuyết bất nhị đưa thi nhân đi tìm bản thể ngay trong hiện tại. Niết bàn không nằm ngoài sinh tử, sanh tử cũng là niết bàn. Khi ta yêu thương một người đúng nghĩa là ta đang học yêu thương tất cả. “Tình thương là hữu ngã chẳng là vô ngã. Tình thương là tình thương, dễ dàng thế thôi, không thể dùng trí óc mà mô tả nó như là một trạng thái bao hàm hoặc riêng lẽ. Tình thương tự nó đủ cho nó, không thỉ không chung. Đó là cái thật, cái tột cùng, cái không đo lường được” [3]. Có thể thương, nhưng không vướng mắc vào một người, vào bất cứ gì, đó là mức chí thiện của cuộc sống tình cảm, phải lìa tất cả nhưng cũng phải thương yêu tất cả, vì tình thương yêu là sự bừng nở của cuộc sống [4]. “Chúng ta không yêu bởi vì chúng ta không hiểu biết, hay đúng hơn chúng ta không hiểu biết vì chúng ta không yêu. Tình yêu là ý nghĩa cuối cùng của tất cả cái chi bao quanh chúng ta. Đó không phải là một tình cảm thôi, đó là chân lý, đó là nguồn vui vốn là nguyên uyên của mọi sự sinh hóa” [5].
Mọi người thường cho rằng “ Đời là bể khổ” thế mà không ai dám nhận diện và đối diện với cái khổ. Thi nhân chấp nhận cái khổ, lặng nhìn cái khổ như một thể thực tại của cuộc sống. Thi nhân không chạy trốn trước khổ đau cuộc đời, có kêu than mà không van xin. Kêu than như một lời khẳng định, tiếng nói của con người là tiếng nói đi về hướng tâm linh. Thi nhân tập thương người nhưng không đòi hỏi gì ở người. Tình thương chiếm hữu là tình thương khổ lụy, ràng buộc, luyến ái, luân hồi. Con người chỉ ham muốn những đòi hỏi cá nhân mang tính thỏa mãn và kéo đời sống vào vùng trời u tối. U tối cho những ngày sắp tới, u tối bởi chỉ luôn nhìn xuống chứ không chịu nhìn lên. Con người là phải nhìn lên, cấu tạo đốt sống con người là đốt sống hướng lên kia mà! “Chúng ta đã lầm lẫn giữa thương yêu ( love)  và ái luyến ( attachment). Ái luyến xuất phát từ lòng vị kỷ, muốn chiếm làm của mình, không muốn rời mất. Tình yêu nam nữ đượm mùi ái luyến, yêu nhau chỉ muốn quấn quít bên nhau, yêu người vì thích sắc đẹp và tình dục. Khi chiếm hữu không được thì ghét, không thỏa mãn tình dục được thì chán, tình yêu ban đầu biến đi đâu mất, nhường chỗ lại cho tình hận, tình sầu, tình lụy. Tình yêu thực sự là mong muốn người kia được sung sướng hạnh phúc, không đòi hỏi mong chờ, không muốn họ trở thành như ý ta muốn” [6]. Nhà thơ chân tu áo nâu trong một giây phút tọa thiền nhập thần giữa  cõi mộng nối cõi thực đã ngộ ra chân lý diện mục  tình yêu.
Tình yêu nào như trăng ngàn lồng lộng
Em cứ yêu như ngày ấy anh yêu
Em cứ yêu nhưng em đừng bắt đuổi
Vì bắt đuổi như gió đuổi mây chiều
Em cứ yêu nhưng em đừng chiếm hữu
Vì tình yêu mầu nhiệm lắm em ơi. [7]
Có lẽ chỉ có người tu chân chính mới ngộ ra được bản thể đích thực của tình yêu. Tình yêu không còn là tình yêu bình thường nữa mà đã nhập vào cuộc sống hiện tại để đi vào huyền thoại vĩnh cữu.
Đạo không bao giờ tách rời đời, ngược lại đời cũng không bao giờ tách rời đạo. Hình bóng của tình đạo thấp thoáng trong tình đời. Ở đây thơ đã gặp đạo. Thi nhân Viễn Du cứ nói, cứ viết, cứ lang bạt kỳ hồ, cứ tấm thân khách viễn mà cuộc lữ đang dần làm cho Viễn Du mỗi ngày mỗi thấy mình rõ hơn.
Đời cô lữ đi về trên viễn xứ
Qua lối mòn xé rách đôi chân
Trong khoảnh khắc thấy mình bừng tỉnh
Uổng một đời phiêu bạt rong chơi. 
Tôi hay nói với thi nhân Viễn Du “ làm gì thì làm nhưng đừng bao giờ để cho cõi thơ của lòng mình tuyệt mệnh” cõi thơ chết là thi nhân chết, mặc dầu thân xác còn đó mà hồn đã chết từ lâu. Thi nhân phải làm thơ để có người đứng ngoài luận thơ thi nhân, có người hát và có người nghe hát như Nguyễn Công Trứ:
Ngã kim nhật tại tọa chỉ địa
Cổ chi nhân tăng tiên ngã tọa chi
“ Ngàn muôn năm âu cũng thế ni
Ai hay hát? Mà ai hay nghe hát.
Ở đâu có vật là ở đó có tâm. Ở đâu có thi nhân là ở đó có người hiểu thi nhân. Mới hôm nào thi nhân Viễn Du xuất bản tập thơ “Tiếng chiều” nay đã trải nhiều năm. Mới hôm nào thi nhân mười tám nay đã sắp ba mươi. Ba mươi cái tuổi tam thập nhi lập. Tất cả đều là mới, mới tưởng chừng như hôm qua.  Có lần trong bóng tối cuả đêm, trăng mờ qua khe cửa của cái lạnh đông tàn, thi nhân bên chiếc bàn học cũ kỹ ọp ẹp với chút đèn mờ leo lét, trầm tư độc thoại.
Đá cội buồn không nói
Rêu phủ mấy đông rồi
Sầu vương mùi thế kỷ
Đợi trăng vàng lên ngôi.
Say mộng hay tỉnh mộng
Thì cũng thế mà thôi!
Say hay tỉnh chẳng qua cũng là kiếp người. Thi nhân lầm đường, song vẫn cứ đi, có đi mới tự mình ý thức được mọi con đường dẫn mình vào đạo.
Say mộng hay tỉnh mộng của Viễn Du như cái thực và cái mộng trong một bài thơ sau, đẩy lùi giới hạn của tri thức.
Trăng đêm trước là mộng
Trăng đêm nay là thực
Trăng đêm trước tức là trăng đêm nay
Thực nở trong mộng
Mộng nở trong thực
Thực và mộng dung thông nhau trong siêu thực
Vậy đâu là thực?
Và đâu là mộng?
Hay thực tức là mộng?
Mộng tức là thực?
Không biết.[8]
Không biết tức là thế mà thôi. “ Thì ra những gì siêu việt nhất con người có thể thành tựu đều là trò chơi. Sống là chơi, làm văn nghệ là chơi, yêu là chơi, làm thiện là chơi”[9]. Huyền lực của thơ bước qua của sắc âm. Thơ động mà sắc âm không động, lúc thực lúc siêu thực. Cuộc tình quyện hòa cuộc mộng trên bụi đường hoài niệm buồn vui.
 Thi nhân sống lãng mạn rồi nhìn tình yêu cũng lãng mạn. Tình yêu đưa thi nhân đạt đến đạo lý cao siêu thậm thâm cũng có thể đưa thi nhân xuống vực sâu thú dục đê hèn. “ Tình yêu có khả năng thực hiện những phép lạ, những thần thông biến hóa vượt ngoài ước lượng và hiểu biết của một tâm hồn khô héo. Làm sao người ta có thể nghe được những lời ru ngọt ngào của suối rừng, của gió núi, khi mà mà tâm tư không gợi chút xao xuyến của tình yêu”[10]. Với nụ cười trên miệng chút xao xuyến tình yêu là chút xao xuyến vương vấn nhớ nhung biến tướng nên tình từ bi, tình hỷ xả, vị tha làm cho tình yêu không có kích thước đo lường, không còn giới hạn ước lượng. Niềm tương ngộ cái ta, cái chung và cuộc trùng phùng phiêu du, phiêu lãng mở ra tấm lòng thủy chung bao dung. Cuộc hội thoại, cuộc giao thoại, cuộc tình thoại là lập ngữ điệu hằng thể mà thi nhân đã ghi nhận. Sự mơ tưởng, viễn tưởng, mộng tưởng là bóng đèn soi tỏ lối đi của diện mục. Thế thì lý tưởng  nằm nơi đâu?
Một ánh trăng khuya thủy tạ nhìn
Đi tìm chân lý giữa triền miên
Vô biên bất chợt lòng say tỉnh
Ý đạo thênh thang chốn cửa thiền.
Đến đây cái lý chân diện mục khơi bày, Ý đạo thênh thang, cửa thiền rộng mở. Thi nhân tìm lại dấu chân xưa, Không còn say, không còn triền miên giữa những đoạn trường phong ba bão tố. Tình đời đã đi vào tình đạo.
Trăng có sáng khung trời hội cũ
Cho tình thương gửi đủ muôn phương
Bên nhau ta có tình huynh đệ
Đi mãi trên đường hiểu và thương.
Hiểu và thương là con đường mà đức Phật đã dạy, là chân lý gần gũi  thiết thực nhất. “ Có hiểu mới có thương”. Không hiểu nhau đừng bao giờ nói “ ta thương nhau”. Giây phút ta hiểu nhau, thương nhau là vĩnh cữu của thời gian.
Tôi cho rằng nguồn thơ thực nghiệm của thi nhân viễn Du kết được hoa thơm quả đẹp như thế do trải qua sự nung nấu tâm hồn nơi cửa thiền. Tôi chỉ thấy người tu đẹp khi người tu đó có lý tưởng, có tình thương yêu thật sự. Viễn Du là một người tu đẹp ít nhất đối với cái nhìn của tôi. Tình bạn đẹp khi tình bạn đó có chung lý tưởng.
Viễn Du đến hôm nay đã đủ chững chạc để đi về con đường mình đang đi. Dòng đời có động mà trái tim thi nhân bất động. Mọi chuyện thế gian trở nên bình thường dưới con mắt thi nhân. Càng lớn tuổi Viễn Du càng thấy đời rõ hơn, Thổn thức suy tư cũng nhiều hơn.
Hoa nở hoa tàn việc thế gian
Đường tu tự tại cảnh thanh nhàn
Việc gì cần đến thì ta đến
Như vậy trần gian tức niết bàn.
 Đã từ lâu không còn nghe những câu chuyện “ Xa một chút để rồi thương một chút”. Đã từ lâu không còn nghe:
Ta sẽ làm bài thơ xin lỗi
Tiễn em về nơi cõi bình yên
Thầm trách rằng vì ta lầm lỗi
Mối tình đầu hẹn lại kiếp sau.
Tất cả đã qua, xa rồi một thời để nhớ để vương. Viễn Du không còn nhắc lại những ký ức đã qua, đơn giản, thi nhân đã sống hết mình với cái thuở đã qua. Cuộc sống của Viễn Du hôm nay ngoài nguồn đạo ra còn chăng là niềm vui sống tinh thần ở bạn bè hay tình thương yêu người mẹ bao la !
Tôi đã nghĩ, bạn bè đến với nhau phải hiểu nhau, học nhau, chiêm nghiệm cho nhau được gì nơi tự thân. Cuộc sống bây giờ tiện nghi quá đầy đủ, mấy ai suy nghĩ về hướng đi của mình. Gặp nhau thì cứ cười cười nói nói bình thường nhưng sau đó là cả một nguồn minh triết của thi nhân.
Tuệ đăng thắp sáng nẻo thiền
Còn tôi về với nỗi niềm tịch liêu
Sớm mai ngẫm lúc ban chiều
Tà dương khuất bóng mọi điều hóa không.
Thời gian sẽ trả lời tất cả. Niềm đơn độc của kẻ đi tìm chân lý sẽ được đón chào bằng tia nắng sớm ban mai. Mọi vật trở nên im lặng, chỉ còn lại con đường, không quán trọ, không kẻ rong chơi. Trong cánh rừng tĩnh mịch thi nhân như đóa hoa mọc lên giữa đời bất tuyệt.
Không biết thi nhân viễn Du giờ này còn nhớ những bài thơ của mình nữa không? Hay là mọi thứ điều tuyệt mù xuôi theo mộng, theo huyễn và sớm hôm chỉ nhiếp tâm trong lời kinh tiếng mõ dưới ánh từ quang đức Phật. Trong cái cõi quen quen gần gũi hương đạo tôi biết; Viễn Du vẫn lặng lẽ như nhiều đêm lặng lẽ âm thầm trầm tư đời mình nghe kiếp cô phương lọt khoảng mù sương tịch mịch.  Đời thế cứ trôi không diễn tả hết tâm tình sao ngày tháng qua nhanh.
 [1]   Thơ Huyền không
 [2]  Theo sự nhận biết của người viết. Xin nói sơ lược qua bằng ngôn ngữ dễ hiểu.. Cơ thể chúng ta có 7 vùng luân xa. Luân xa hiểu là luân hồi. Khi chúng ta nghĩ nhiều về cái gì thì nguồn luân xa trong cơ thể chúng ta trở thành cái đó. Luân xa  được chia thành ba phần tính từ thấp đến cao. Cho dễ hiểu sẽ là: Dục, Tình, Lý hay Thú tánh đến Nhân tánh rồi Phật tánh mà Phật tánh là nơi tâm linh cao nhất của con người. Luân xa Thú tánh gồm luân xa số 1, 2, 3. Số1 là người nghiêng nặng về ăn ngủ nó nằm ở cơ quan sinh dục. Số 2 là người chỉ thích sắc dục, thích cái đẹp trong đó có tình cảm và tình dục. Nó nằm ở bụng ( tuyến tụy) . Số 3 là người chỉ thích danh vọng, thích quyền hành, sự nghiệp. Nằm ở vùng bụng trên thận. Nhân tánh là luân xa số 4. Số 4 thường nặng đến tình thương, thứ tình thương không tính toán đòi hỏi như là tình thường của người mẹ đối với người con. Thích phóng sinh, cứu khổ, giúp người gặp hoạn nạn khó khăn, bố thí. Nó nằm ở phần ngực hay trái tim. Phật tính gồm luân xa số 5, 6,7. Số 5 là người giỏi ăn nói tryền thông, thể hiện bản thân. Nằm ở cổ họng. Số 6 là người hay suy nghĩ, thích sáng tạo nghệ thuật, có cái nhìn trực giác. Nằm ở hai chân mày. Số 7 là luân xa tâm linh. Có liên hệ với các cõi linh thiêng.  Nếu chúng ta muốn có được nguồn sống tươi đẹp cho hiện tại, tương lai thì nên sống, nghĩ nhiều đến  số 4,5,6,7 còn muốn khổ đau chỉ chỉ thích hưởng thụ thì cứ chọn số 1, 2, 3. chúng ta sống nặng con số nào thì con số đó đáp kết quả lại cho chúng ta. 
 [3, 4]   Hiện tượng KRISHNAMURTI, Trúc Thiên, An Tiêm xuất bản.
 [5 ]  Rabindra Nath Tagore THỰC HIỆN TOÀN MÃN, Nguyễn Ngọc Thơ dịch, An Tiêm 1973
 [6 ]  Ý tình thân, Thích Trí Siêu, nhà xuất bản Phương Đông 2007
 [7]   Thơ Tuệ Nguyên- Thích Thái Hòa
[8, 9]   Huyền Giác CHỨNG ĐẠO CA, Trúc Thiên giới thiệu, Lá Bối 1970
 [10 ] Thắng Man Giảng Luận, Tuệ Sỹ, nhà xuất bản Phương Đông 2012.
TIẾNG CHIỀU ( chữ nghiêng), thơ Viễn Du, Huế 2006












Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...