Thứ Tư, 12 tháng 5, 2021

Có một dòng sông chảy trong tôi

Có một dòng sông chảy trong tôi

Tôi rất mê giọng hát của ca sĩ Kiều Hưng. Mỗi khi nghe Kiều Hưng hát “Anh ở đầu sông em cuối sông”, và nhất là “Vàm Cỏ Đông” với lời ca tha thiết:
“Ở tận sông Hồng em có biết
Quê hương anh cũng có dòng sông
Anh mãi gọi với lòng tha thiết
Vàm Cỏ Đông ơi Vàm Cỏ Đông”
(Nhạc: Trương Quang Lục, thơ: Hoài Vũ)
Tôi lại cứ nghĩ như mình đang ở sông Vàm Cỏ Đông. Vậy mà đã có chuyện ấy.
Những năm đầu chiến tranh chống Mỹ, nghe bài hát “Vàm Cỏ Đông” là lúc tôi đang ở… sông Hồng. Với sông Hồng, tôi có rất nhiều kỷ niệm. Hà Nội những năm sơ tán, thầy má tôi chuyển sang sống ở Trại tằm tơ Trung ương thuộc thôn Gia Thượng, xã Ngọc Thụy, huyện Gia Lâm (Hà Nội), nơi má tôi làm công nhân nuôi tằm. Từ khi tôi ra trường và công tác tại Cục Địch vận Hà Nội, thì cầu Long Biên là nơi tôi thường xuyên qua lại, lúc đi xe đạp, lúc đi bộ.
Vào những giờ khác nhau trong một ngày, tôi nghêu ngao đi qua cầu Long Biên, nhìn ngắm sông Hồng cuộn chảy. Nhưng khi nghe Kiều Hưng hát về sông Vàm Cỏ Đông, tôi lại cảm thấy cái mát rượi của dòng nước tận miền Nam Bộ xa xôi vỗ về mình. Bỗng ước ao có một ngày mình được tới và bơi lội trên dòng sông xanh biếc ấy.
Cầu được, ước thấy, sau một năm đi qua đi lại bên trên dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, tôi lên đường vào chiến trường Nam Bộ.
Nhưng cũng mãi mấy năm sau, tôi mới được gặp sông Vàm Cỏ Đông.
Có điều lạ, tôi lại gặp sông Vàm Cỏ… Tây trước khi gặp sông Vàm Cỏ Đông. Số là năm 1973 khi từ chiến trường Nam lộ Bốn Mỹ Tho trở lên chiến khu R, tôi đã có dịp vượt qua sông Vàm Cỏ Tây. Đó là một dòng sông khá lớn, nhưng ít được người ở xa biết tới, có lẽ do chưa có bài hát nào về dòng sông này. Trong khi Vàm Cỏ Đông thì có nhiều hơn một bài hát, mà toàn bài hát hay, nổi tiếng. Chính những tác phẩm văn nghệ hay đã tạo nên “thương hiệu” một dòng sông.
Ở ngoài Bắc hồi ấy biết sông Vàm Cỏ Đông chính nhờ bài hát của Trương Quang Lục, phổ thơ Hoài Vũ. Hai ông này đều là dân… Quảng Ngãi, ông Hoài Vũ vào chiến trường Nam Bộ từ khá sớm, và lăn lộn nhiều từ miền Thượng tới miền Hạ sông Vàm Cỏ Đông. Hai dòng sông cùng mang tên Vàm Cỏ này có thể là hai anh em sinh đôi, nhưng khác… trứng. Mỗi dòng sông bắt nguồn từ mỗi nơi, tuy đều có gốc Campuchia, nhưng phải chảy tới huyện Tân Trụ (Long An) thì hai sông này mới gặp nhau, hợp lưu cùng đổ ra cửa Xoài Rạp. Nếu gọi đúng, thì sông Xoài Rạp phải được kêu là sông Vàm Cỏ Đông Tây.
Nhớ hồi gặp sông Vàm Cỏ Tây, buổi chiều, lúc sắp vượt sông thì phát hiện hai chiếc tàu tuần duyên của địch đang chạy trên sông. Chúng tôi núp kín trong đám đế, lát sau tàu giặc đã qua. Nhìn sang bờ bên kia, trên ngọn cây trâm cao ngất, một lá cờ nửa đỏ nửa xanh sao vàng của Mặt Trận Giải Phóng đang bay phần phật. Những tràng đại liên từ hai chiếc tàu giặc bắn xối xả lên ngọn trâm, nhưng ngọn cờ vẫn đứng vững. Nhìn lá cờ của mình đĩnh đạc tung bay trên ngọn cây trâm, chúng tôi thấy tự tin hẳn.
Nhưng thú vị hơn, là khi về lại chiến khu, thì cơ quan tôi đã chuyển căn cứ, về đóng ngay sát sông Vàm Cỏ Đông, đoạn giáp giới Campuchia. Qua sông Vàm Cỏ Tây chỉ mất khoảng nửa giờ, nhưng sống ở sông Vàm Cỏ Đông tới gần hai năm. Suốt thời gian đó, trừ những khi đi công tác, còn ở “cứ” thì hầu như ngày nào tôi và bạn bè cũng bơi lội trên sông. Bơi để bứt lục bình trôi sông về làm rau sống, chấm mắm kho. Những năm ở chiến trường B2, tôi đã học được cách sống của người nông dân Nam Bộ, một cách sống không chỉ hồn nhiên mà còn rất gần gũi thiên nhiên. Với chúng tôi, bất cứ loài rau dại nào ăn được đều là thực phẩm. Ăn như thế, bây giờ người ta kêu là “ăn vì sức khỏe”, còn hồi đó, chúng tôi chỉ ăn vì… đói.
Sông Vàm Cỏ Đông cung cấp cơ man nào là các loại rau dại, mọc hai bên bờ sông, mọc cả… giữa dòng sông như lục bình, ăn hoài không hết. Bây giờ, dọc sông Vàm Cỏ miệt Trảng Bàng, người dân đã khai thác rau dại bán thành đặc sản, dùng cuốn bánh tráng phơi sương và thịt heo luộc Trảng Bàng nổi tiếng. Xin mách các bạn, ở phố Văn Cao ngay thủ đô Hà Nội, hiện đang có những nhà hàng, quán ăn Nam Bộ bán món đặc sản… rau dại này. Ăn ngon đáo để, lại tốt cho sức khỏe.
Sông Vàm Cỏ Đông, đúng là “nước xanh biêng biếc chẳng đổi thay dòng”, nhưng có nước lớn nước ròng tùy theo thủy triều lên xuống. Ngày đó, sông có rất nhiều tôm cá, nổi tiếng nhất là tôm càng xanh. Chúng tôi cũng thường ngồi câu bên bờ sông, dĩ nhiên là chỉ câu cá nhỏ. Người nhỏ nên câu cá nhỏ, cho nó lành, dù nghe nói hồi xưa sông này có cả cá… sấu. Được bơi lội trên một dòng sông rất nổi tiếng trong thơ ca và âm nhạc như sông Vàm Cỏ cũng là một niềm tự hào của tôi, nhất là vừa bơi vừa hát “Vàm Cỏ Đông ơi Vàm Cỏ Đông”, tuy hơi điên điên, nhưng nhớ mãi.
Nếu không lang thang vào chiến trường, đến bao giờ tôi mới biết sông Vàm Cỏ. Mà lại biết tới hai sông Vàm Cỏ luôn, nó hợp lưu trong tâm hồn mình luôn. Bao năm trôi qua, nhưng ký ức về dòng sông vẫn là dòng ký ức mát lành nhất, dễ chịu nhất. Nhớ những sớm mai, trên vạt ruộng bờ sông, đôi bò của chú Tám cần mẫn kéo những đường cày đẫm sương. Những buổi chiều, mặt sông vang tiếng bìm bịp kêu như gõ nhịp một ngày đang tắt. Trong chiến tranh, những khoảnh khắc thanh bình tạm thời như thế trở nên quý giá vô cùng.
Những khi đó, dòng sông Vàm Cỏ Đông tha thướt và dịu lành như một người con gái. Còn mùa nước lũ, vẻ cường tráng của dòng sông lại mang dáng dấp một chàng trai. Qua hai mùa mưa nắng, nhìn dòng sông thay đổi gương mặt trong những thời điểm khác nhau có cảm giác như đang lật từng trang sách, với những lạ lùng quen thuộc. Một dòng sông như thế, có thể chảy mãi trong lòng những con người từng gắn bó với nó. Vàm Cỏ Đông ơi Vàm Cỏ Đông!.
19/2/2018
Thanh Thảo
Theo https://nongnghiep.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mẹ ơi

Mẹ ơi... XUÂN VỀ NHỚ MẸ TÔI XA… Câu ca dao: “Ngồi buồn nhớ Mẹ ta xưa Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương”… Còn tôi, mỗi lần Tết đến Xuân ...