Ký sự sông Cầu
Đi vào lịch sử, đi vào thơ ca, âm nhạc và đi vào nỗi nhớ của
những người con xa quê hương. Đối Bắc Kạn, sông Cầu là sự gắn kết bao đời nay,
nuôi sống hàng vạn con người. Hành trình khám phá dòng sông trên địa phận Bắc Kạn
chưa được nhiều, nhưng thực sự đã đem lại cho tôi những điều mới mẻ.
1. Về nơi đầu nguồn
Sông Cầu, miền xuôi còn gọi sông Như Nguyệt, là con sông quan
trọng nhất trong hệ thống sông Thái Bình, có ý nghĩa to lớn với đồng bằng sông
Hồng và lưu vực của nó. Khởi nguồn từ Bắc Kạn con sông hiền hòa uốn mình chảy về
miền xuôi qua 6 tỉnh... Đường về Chợ Đồn theo tuyến tỉnh lộ 257 giờ đã thuận tiện, dễ
dàng. Con đường đang sắp hoàn thành cải tạo, bon bon xe chạy. Nơi thượng nguồn
sông Cầu, núi non hùng vĩ, sông chẻ núi mà đi, uốn khúc quanh co, có đoạn chảy
qua thác ghềnh dữ dội.Phương Viên, một trong những xã luôn dẫn đầu về tổng sản lượng
lương thực bình quân của cả Chợ Đồn hiện ra óng ả với những vạt lúa xanh mượt
dưới cái nắng đầu thu. Đây là nơi khởi nguồn của dòng sông Cầu với đầu nguồn bắt
đầu từ dãy núi cao chót vót.Ông Hà Văn Tồn, thôn Tổng Chiêu, đã hơn 70 tuổi, nét cười
nhăn da đồi mồi. ông bảo khi sinh ra biết chạy rồi biết tắm sông thì sông Cầu
đã trở thành một phần cuộc sống trong đời mình. Nhiều sách vở ghi rằng sông Cầu
có đầu nguồn từ dãy Phja Boóc nhưng người dân tại Tổng Chiêu, Khuổi Đải đều nói
rằng dãy núi nơi sông bắt đầu chảy xuống từ hàng trăm năm nay vẫn gọi là Tam
Tao (tiếng Tày gọi là Tham Thẩu).Dẫn tôi dọc tuyến đường liên thôn đã được đổ bê tông phẳng
phiu, ông Hà Văn Tồn chỉ lên đỉnh Tam Tao mù sương giới thiệu: Vượt sang bên
kia là tới Bằng Phúc rồi Đồng Phúc, Tân Lập. Quay một chút sang bên phải là nơi
Bác Hồ xuôi xuống để qua sông Cầu sang thôn Khuổi Đải vào năm 1945. Cánh đồng
nơi đầu nguồn sông Cầu luôn tươi tốt. Chỉ cần đắp phai tạm không cao lắm là nước
nguồn đã ôm trọn những chân ruộng mỡ màu. Thế nhưng giờ đây nước sông đã cạn
nhiều lắm so ới trước...Theo lời ông Hà Văn Tồn, những tảng đá thế này không thể nhìn thấy vào những năm trước đây do nước sâu có thể đi được bè, mảng.Để minh chứng cho điều đó, ông Tồn lội xuống sông chỉ cho tôi
thấy những phiến đá lổn nhổn mà theo lời ông vào những năm 1950- 1960 thì không
thể nhìn thấy nếu như không lặn xuống sông. Theo ông “đáo sông tùy khúc”, có
nghĩa qua sông phải chon từng chỗ, vì vào thời điểm đó nước sông đầy, sâu, muốn
qua phải chọn chỗ nông, thậm chí phải có bè mảng để sang. Cũng vào thời ấy, dân
ở Chợ Đồn vẫn đóng bè mảng để chở hàng hóa xuôi theo sông ra thị xã Bắc Kạn
bán. Chừng hơn 01 ngày là bè có thể tới bến Cầu Phà.Trong khi kể cho tôi nghe về dòng sông Cầu, nét mặt
ông Tồn chợt chuyển sang buồn và nói rằng, tại Tổng Chiêu có 11 điểm sinh thủy
(phát sinh nước); thôn Khuổi Đải có 9 điểm nhưng chưa được quan tâm, bảo vệ thì
sao nước sông chẳng cạn. Ngoài ra, nước ít cũng bắt nguồn từ hệ quả việc phá rừng
tràn lan trước đây trên dãy Tam Tao. Xuôi theo dòng, chúng tôi tới Rã Bản, xã thứ hai mà con sông
Cầu chảy qua trên hành trình vạn dặm về xuôi. Chủ tịch UBND xã Triệu Văn Nguyên
sau cái bắt tay nồng nhiệt nói luôn, xã chúng tôi có 110ha lúa thì tất cả đều sử
dụng nước sông Cầu để sản xuất. Xã có 01 đập lớn là đập Tổng Chói và 01 trạm
bơm ở thôn Nà Moòng để đưa nước sông tới ruộng. Có 4 thôn nằm dọc theo sông là
Nà Tải, Bản Chói, Pác Giả và Cốc Quang. Không có sông Cầu thì không biết đời sống
bà con sẽ đi về đâu. Nước sông Cầu đã giúp năng suất lúa bình quân của Rã Bản đạt
khoảng 46 tạ/ha. Toàn xã cũng đã trồng được hơn 690ha rừng góp phần bảo vệ đầu
nguồn sông Cầu.Sông Cầu len mình giữa những cánh đồng lúa của xã Phương Viên (Chợ Đồn)Xuôi dòng sông nóng, chúng tôi về thị xã rồi lại ngược vào
Đôn Phong (Bạch Thông) theo nhánh sông Nặm Cắt (tiếng Tày nghĩa là sông Lạnh).
Nhánh sông này dày đặc những tảng đá gan gà giữa lòng, độ dốc lớn, lưu tốc mạnh
nên dòng nước ầm ì không nghỉ.Chủ tịch UBND xã Trịnh Văn Thành cho biết, tiếng nước reo đã
trở thành thân thuộc với người dân nhiều thôn ở Đôn Phong. Hiện tại, xã có 3
thôn là Vằng Bó, Nà Lồm và Lủng Lầu nằm dọc ven sông Nặm Cắt. Ngoài sông Nặm Cắt
, ở Đôn Phong còn có nhiều nhánh suối nhỏ hợp lại thành con suối lớn chảy
ra sông Cầu đoạn Nà Pết, xã Dương Quang, thị xã Bắc Kạn. Đây là nguồn nước tưới
tiêu cho 91ha lúa của xã góp phần đưa năng suất lúa đạt bình quân 50 tạ/ha. Để
bảo vệ đầu nguồn, phong trào trồng rừng được xã tập trung chỉ đạo thực hiện.
Năm 2013, toàn xã trồng được 225ha rừng trong đó có hơn 25ha rừng phòng hộ. Một nhánh suối hợp lưu vào nhánh sông Lạnh tại xã Đôn Phong (Bạch Thông)
Từ Đôn Phong, dòng nước xanh len lỏi qua kẽ đá, núi rừng xuôi
về thị xã hợp lưu với nhánh sông nóng.Xin nhắc lại rằng, từ Phương Viên, sông Cầu uốn mình chảy giữa
hai dãy núi theo hướng tây bắc- đông nam, tới địa phận xã Dương Phong, huyện Bạch
Thông rồi đổi hướng để chảy theo hướng tây tây nam-đông đông bắc qua thị xã Bắc
Kạn tới xã Mỹ Thanh huyện Bạch Thông. Tại đây nó đổi hướng để chảy theo hướng
đông bắc-tây nam. Tại xã Nông Hạ huyện Chợ Mới nó nhận một chi lưu phía hữu ngạn,
chảy về từ xã Mai Lạp. Tới địa phận thị trấn Chợ Mới, nó nhận một chi lưu nữa
phía hữu ngạn rồi đổi hướng sang tây bắc-đông nam. Tới địa phận xã Vân Lăng, xã
Cao Ngạn (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên), nhận một chi lưu phía tả ngạn rồi đổi
hướng sang bắc đông bắc-nam tây nam. Tới xã Sơn Cẩm huyện Phú Lương nhận tiếp một
chi lưu phía hữu ngạn là sông Đu rồi chảy qua phía đông thành phố Thái Nguyên.
Chảy tới xã Nga My huyện Phú Bình thì đổi sang hướng đông bắc-tây nam tới xã
Thuận Thành, huyện Phổ Yên nhận tiếp một chi lưu là sông Công. Tới ranh giới xã
Mai Đình huyện Hiệp Hòa và xã Việt Long huyện Sóc Sơn (Hà Nội) nó nhận một chi
lưu nhỏ phía hữu ngạn là sông Cà Lồ rồi chảy tiếp về phía đông qua ranh giới của
hai huyện Việt Yên - Bắc Giang và Yên Phong - Bắc Ninh rồi hợp lưu với sông Thương
tại ngã ba Lác ở ranh giới của xã Đồng Phúc (huyện Yên Dũng) với thị trấn Phả Lại
(huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) để tạo thành sông Thái Bình.Trên địa phận tỉnh Bắc Kạn, sông Cầu dài 103 km lưu lượng nước
bình quân trong năm 73 m3/s, mùa lũ là 123 m3/s, mùa khô là 8,05 m3/s. Dòng
sông uốn khúc quanh co, hệ số uốn khúc lớn (>2,0); độ dốc đáy sông đạt trên
10 phần nghìn. Theo báo cáo của Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu, lưu
vực sông có diện tích 6.030km2, có tổng chiều dài các nhánh sông khoảng 1.600km
bao gồm gần như toàn bộ các tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên và một phần các tỉnh Bắc
Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương và Hà Nội. Để bảo vệ dòng sông, năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt
“Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan
lưu vực sông Cầu”. Mục tiêu là từng bước xử lý ô nhiễm, cải thiện, nâng cao chất
lượng nước; xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống cơ chế,
chính sách; thiết lập mô hình quản lý môi trường lưu vực phù hợp với điều kiện
tự nhiên. Từ đây, dòng sông đi vào lịch sử, thơ ca, âm nhạc đã có một dự án cấp
quốc gia bảo vệ một cách đồng bộ hơn... 2. Cuộc sống bên dòng sông
Cũng như những dòng sông khác, những bản làng, cánh đồng bên
bờ sông Cầu đoạn qua Bắc Kạn thật êm đềm, trù phú. Nhưng bên trong của nó cũng
đã phải trải qua những biến cố dữ dội. Dòng sông mang phù sa bồi đắp cho những
cánh đồng màu mỡ và cũng có lúc nó ồn ào, hung dữ tàn phá đôi bờ. Có người bảo
đấy là dòng sông trả hận việc con người tàn phá rừng thượng nguồn.Lưu vực sông Cầu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có diện tích là
1.372,78 km2, bao gồm 44 xã, phường, thị trấn. Dân số trong lưu vực là 153.096
người (bằng một nửa dân số toàn tỉnh), tỷ lệ gia tăng dân số khoảng 0,63%, dân
số khu vực đô thị có xu hướng tăng lên hàng năm. Cơ cấu lao động chủ yếu trong
lĩnh vực nông, lâm, thủy sản và dịch vụ; trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng
chỉ chiếm 6,3%. Lao động ở khu vực nông thôn chủ yếu là làm ruộng gắn với chăn
nuôi, làm vườn và dịch vụ.Sông Cầu là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho tưới tiêu sản xuất
nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, với tổng lượng nước hàng năm ước tính khoảng
20 triệu m3, một số dòng chảy được sử dụng cho mục đích sinh hoạt, sản xuất điện
(hồ Thủy điện Nặm Cắt có diện tích mặt nước trên 200ha). Những con số khô khan
ấy đủ cho thấy dòng sông Cầu có ý nghĩa lớn như thế nào đối với sản xuất và đời
sống của nhân dân tỉnh Bắc Kạn.Tôi không chắc mình có thể đi hết hàng trăm thôn, bản ven bờ
sông Cầu từ Chợ Đồn cho tới Chợ Mới. Những ngôi làng, nếp nhà, con người hưởng
lợi từ con sông hiền hòa đang ngày càng trù phú, khang trang, tươi vui. Kể
về những thôn bản trù phú ven sông Cầu chúng ta không thể bỏ qua được Phiêng An
II, một thôn nhỏ nằm nép mình bên sông cách thị xã Bắc Kạn không đầy 5 cây số.
Phiêng An II là thôn mới thành lập thuộc xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông. Cả
thôn có 13 gia đình là người Dao Tiền và Dao Đỏ. Năm ngoái, bà con cả bản đã
vinh dự được đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về thăm. Nhưng đó là chuyện
bây giờ, còn hơn 10 năm trước thì lại hoàn toàn khác.Trưởng thôn Phiêng An II bên những sải chè trồng trên bãi bồi ven sông Cầu.
Trưởng thôn Đặng Tiến Lợi vui vẻ kể lại, khi mới về định
cư tại đây ai cũng lo, không biết có sống được lâu dài hay không. Đồng
bào quen sống vùng núi cao nay hạ sơn xuống ven sông thật khó mà biết trước.
Nhưng nhờ đất đai cả khu vực định cư của thôn đã được sông Cầu bồi đắp phù sa
biết bao đời nay nên rất màu mỡ. Nhờ đó, dù không có ruộng nhưng cây ăn quả,
chè trồng xuống đều cho năng suất cao. Giờ thì có điện để chạy máy bơm nên nước
tưới không thiếu, sông Cầu luôn cung ứng đủ. Vậy là từ chỗ lo lắng, giờ Phiêng
An II đã trở thành một thôn hội tụ đủ niềm tin cũng như cách làm để vươn lên
giàu có trong nay mai.Phiêng An II giờ đây thật bình yên, mát mẻ với bạt ngàn chè, ổi,
vải, mận, quýt, nhãn… với con đường đổ bê tông rộng thoáng, sạch sẽ dẫn đến từng
nhà. Một điểm mừng nữa là các gia đình ở đây đều tự làm được nhà vệ sinh hai
ngăn, xây theo đúng thiết kế của nông thôn miền núi. Bộ mặt của một nông thôn mới
đang hiện rõ...Nước sông Cầu không chỉ đơn thuần phục vụ cho sản xuất nông
nghiệp mà còn được lọc trở thành nước sinh hoạt cung cấp cho hàng ngàn hộ dân tại
thị xã Bắc Kạn. Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Cấp thoát nước Bắc Kạn
Nguyễn Thị Thỏa chia sẻ, hiện tại công suất của nhà máy cấp nước công nghệ cao
là 10.000m3/ngày đêm. Tất cả nước đầu vào được thu bằng các cửa thu đặt tại
nhánh sông Lạnh. Nước sinh hoạt này đang phục vụ cho trên 5.000 hộ dân tại thị
xã Bắc Kạn. Tương lai khi lên thành phố, mật độ dân cư tăng lên thì nhu cầu sử
dụng nước cũng sẽ tăng cao. Sông Cầu vì thế trở thành một phần không thể thiếu
trong cuộc sống của hàng vạn người dân. Từ thị xã Bắc Kạn, sông Cầu uốn mình bên những cánh rừng tự
nhiên, sải rừng trồng với những cây keo bạt ngàn soi bóng xuống mặt nước. Từ đặc
điểm về lưu lượng và tốc độ dòng chảy, chế độ thủy văn ảnh hưởng lớn tới sự xâm
thực bề mặt nên sông Cầu có lượng ngậm cát bùn khá cao. Tại Thác Bưởi (Chợ Mới)
tỷ lệ ngậm cát trung bình là 233g/m3, mức chuyển cát 12,1kg/s và tổng lượng phù
sa 380 triệu m3/năm. Lượng phù sa tuy không quá lớn nhưng lại rất tốt khi chứa
khoảng 3,0% Ca và P2O5, tỷ lệ ni tơ khoảng 0,77- 0,88%. Có tới trên 30 nhánh suối
nhỏ đổ vào sông trên địa phận Bắc Kạn bổ sung thường xuyên lượng phù sa như Khuổi
Bún, Nà Cú, Khuổi Lung, Tát Mèo, Cửa Khe, Khe Thuồng, Pe Pầu, Nhị Ca… Một công trình thủy lợi thu nước trên sông Cầu đoạn qua xã Rã Bản (Chợ Đồn).
Quốc lộ 3 chạy dọc ven sông, rộng thênh thênh hướng về Chợ Mới.
Chúng tôi chọn Cao Kỳ làm điểm đến tiếp theo trong hành trình khám phá sông Cầu.
Chủ tịch UBND xã Hoàng Đức Hoan cho biết, toàn xã có 8 thôn gồm Kông Tum, Nà Cà
2, Nà Cà 1, Tổng Sâu, Tổng Tàng, Bản Phố, Hua Phai và Chộc Toòng nằm dọc ven bờ
sông Cầu. Phù sa sông lớp lớp bồi đắp qua hàng trăm năm đã hình thành nên diện
tích canh tác lúa, hoa màu và mía của xã hơn 80ha. Phù san màu mỡ được cây mía
hấp thụ tạo nên một thương hiệu mía bầu Cao Kỳ nổi tiếng gần xa. Hiện tại, người
trồng mía có thu nhập 01ha đạt hơn 200 triệu đồng. Vai trò của sông Cầu đối với
người dân xã Cao Kỳ là vô cùng to lớn. Hiện tại trên lưu vực sông Cầu ở Bắc Kạn, tỉnh ta đã xây dựng
khoảng 500 công trình thủy lợi thu nước sông phục vụ sản xuất nông nghiệp và một
số công trình thu nước phục vụ khu công nghiệp Thanh Bình. Trong đó, có 18 trạm
bơm; 12 hồ chứa và 277 đập dâng, phai, kênh. Sông Cầu phục vụ tưới tiêu cho rất
nhiều cánh đồng lớn ở những địa bàn nó đi qua.Dòng sông bồi đắp phù sa tạo nên những cánh đồng trồng mía, lúa màu mỡ tại xã Cao Kỳ (Chợ Mới)Hiền hòa vào mùa xuân, mùa đông là vậy nhưng bước vào mùa hạ
và mùa thu khi những cơn mưa xối xả bắt đầu thì cũng là lúc sông Cầu trở mình
giận dữ. Vào mùa mưa, sông chuyển tải lượng nước tới 70- 80% hay gây lũ lụt, đặc
biệt đột xuất có lũ ống, lũ quét hủy hoại lớn tới mùa màng, tài sản.Xin kể ra một vài trận lũ quét trên sông Cầu mà hẳn trong ký ức
nhiều người dân vẫn chưa thể quên. Ngày 22/9/1990, lũ quét trên thượng nguồn
sông Cầu tại nhánh sông lạnh với biên độ lũ 4- 6m làm 11 người chết. Ngày
17/6/2002, lũ quét tại thượng nguồn sông làm chết 1 người, mất trắng hoa màu
cánh đồng thấp ven sông. Ngày 31/7/2002, lũ quét trên sông tiếp tục diễn ra làm
thiệt hại hàng chục tỷ đồng của người dân sinh sống ven bờ sông… Hầu như năm
nào, sông Cầu cũng có vài trận lũ ảnh hưởng tới mùa màng, tài sản của người
dân.Nước sông vào mùa lũ gây sạt lở nhiều diện tích ruộng của người dân.
Theo một nghiên cứu của Khoa Địa chất, Đại học Khoa học tự
nhiên- Đại học Quốc gia Hà Nội, mực nước sông Cầu trong lũ có thể dâng cao hơn
6-8 m; dòng chảy đạt tốc độ lớn, có khả năng cuốn trôi cả những tảng đá góc cạnh
kích thước 20-30 cm làm kè bờ. Sạt lở bờ sông chủ yếu do sự đổi dòng của sông,
tạo ra các khúc cong uốn khúc. Các đoạn bờ sạt lở mạnh chủ yếu cấu tạo bởi các
trầm tích sông, chỉ có 2 đoạn sông cấu tạo bởi đất tàn tích. Rất nhiều đoạn sạt
lở làm mất quỹ đất nông nghiệp, như ở Chợ Mới, Cao Kỳ, Sáu Hai, Khau Chủ,... Sạt
lở cũng đe dọa ổn định của cầu qua sông Cầu. Vùng cầu Sáu Hai do bờ hoàn toàn cấu
tạo bởi các trầm tích sông dễ bị sạt lở, nên tốc độ sạt lở hàng năm cũng rất
cao, từ 2,9 đến 6,6 m. Ở vùng cầu Khuổi Lót và Khuổi Cườm, do sông uốn cong mạnh,
lưu lượng dòng chảy lớn, tốc độ sạt lở đạt 6,4 m/năm. Đứng bên đền Thắm (thị trấn Chợ Mới) lặng nhìn đoạn cuối của
sông Cầu trên đất Bắc Kạn, lòng bỗng bình yên hơn trong không khí tâm linh.
Không phải vô cớ các vị tiền nhân lại chọn nơi đây làm nơi đặt ngôi đền. Lưng tựa
sơn, chân đạp thủy là tính phong thủy đã được tính đến ở đây. Nhưng cũng chợt
thấy âu lo khi cụ Kiều Thị Thìn, Chủ nhanh đền man mác buồn nói: Tôi lo lắm,
sông Cầu ngày càng cạn nước, tôm cá ngày càng ít đi và ngày càng ô nhiễm…3. Dòng sông kêu cứu
Lời kể của các cụ cao niên về độ cạn kiệt của dòng sông Cầu
đang gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh. Dòng sông qua thi ca, đoạn chảy qua vùng đất
Bắc Kạn đang đứng trước sự xâm hại từ nhiều phía. Sông đang lên tiếng cầu cứu
con người phải biết trân trọng, bảo vệ...Ông Đặng Văn Oanh, thôn Nà Cà 1, xã Cao Kỳ (Chợ Mới) là một
tay đánh cá lão làng trên sông Cầu. Cuộc mưu sinh bằng nghề chài, lưới trên
sông đã giúp ông và gia đình vượt qua những ngày gian khó nhất của thời kinh tế
khó khăn. Cho tới tận bây giờ tôm, cá đánh bắt được trên sông trở thành đặc sản
thì giá lại càng đắt đỏ. Thế nhưng, đánh bắt tôm, cá bây giờ chẳng còn dễ như
xưa.Ông Oanh buồn nói: Những năm trước đi quăng đánh cá một lúc
là đầy giỏ, còn giờ trắng đêm có khi chỉ đủ bữa ăn cho gia đình. Có nhiều loài
cá đã biến mất, chẳng còn thấy bao giờ. Đang vá lại cái chài đánh cá bỏ
lâu rồi bị chuột cắn rách ông bảo: Cứ thế này thì gay!Hầu hết những người chài lưới giỏi trên sông Cầu đều có đủ bộ
chài, lưới gồm: chài lưới 1 để đánh cá từ 01kg trở lên; lưới 2 để đánh cá to cỡ
bàn tay; lưới 3 đánh cá cỡ 3 ngón tay và lưới 4 đánh cá nhỏ hơn như cá mương.
Thế nhưng giờ hầu như chài, lưới bỏ không vì chẳng còn mấy tôm cá. Tình trạng
đánh cá bằng xung điện đã tận diệt vô số loài cá quý trên sông.Theo kết quả giám sát của Thường trực HĐND huyện Chợ Mới
trong 6 tháng đầu năm 2013 thì tình trạng đánh cá bằng kích điện đang ngày càng
gia tăng. Ngày trước muốn qua sông không dùng thuyền thì bè mảng nếu không cũng
phải là tay bơi lão luyện mới dám nhảy xuống dòng nước sâu xanh màu rêu ấy. Ấy
vậy mà giờ nhiều đoạn, trẻ con xắn quần lội qua như không. Nước cạn quá rồi, việc
xung điện bắt cá có một thời bị thả nổi.Nhiều vùng chúng tôi đi qua như Rã Bản (Chợ Đồn), người dân
nói rằng có những loài cá đã lâu lắm rồi không còn nhìn thấy nữa. Đáng nói là
tình trạng đánh cá bằng xung điện vẫn diễn ra. Những người đánh cá bằng xung điện
thường chỉ đi dí điện vào tầm sau 12h đêm khi mà dân bản đã ngủ hết. Phương thức
đánh cá này tiêu diệt toàn bộ cá lớn, cá bé trong phạm vi ảnh hưởng của dòng điện.
Vì thế không có gì lạ khi thủy sản trên sông Cầu đã gần như cạn kiệt.Ông Đặng Văn Oanh bên những lưới đánh cá giờ chẳng mấy khi dùng đến vì sông ngày càng ít cáPhó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên cấp thoát nước Bắc Kạn
Nguyễn Thị Thỏa trong cuộc nói chuyện với chúng tôi đã phải nêu lên nỗi lo về
việc sông Cầu ngày càng cạn nước. Trước đây, công ty chỉ cần thu nước ngay trên
sông chính. Nhưng đến năm 2007, nước cạn thì đã phải chuyển vào đặt các cửa thu
trên nhánh sông lạnh từ Đôn Phong chảy xuống. Trước mắt, lượng nước đáp ứng đủ
nhu cầu khách hàng trên địa bàn thị xã. Tuy nhiên, nếu tốc độ cạn của sông tiếp
tục nhanh như thế thì không lâu nữa nguồn nước sinh hoạt cho thành phố Bắc Kạn
tương lai sẽ gặp khó khăn. Việc thu nước sẽ phải lấy thêm bên nhánh sông nóng từ
Chợ Đồn sang nhưng do nước ngày càng ô nhiễm, việc lọc sẽ tốn thời gian hơn,
giá cả nước thương phẩm vì thế cũng sẽ đắt đỏ hơn. Thiếu nước sạch bên một dòng
sông là điều tưởng vô lý nhưng nguy cơ đó hoàn toàn có thể xảy ra.Quan điểm của Công ty TNHH Một thành viên cấp thoát nước Bắc
Kạn cũng là điều mà Chủ tịch UBND xã Cao Kỳ Hoàng Đức Hoan đồng tình. Ông cho rằng,
nước sông đã cạn đi quá nhiều trong khi ý thức bảo vệ môi trường tại khu vực
nông thôn còn rất kém. Tất cả dồn xuống sông hoặc gián tiếp ảnh hưởng tới dòng
nước đang khiến sông ngày càng ô nhiễm.Sông Cầu đoạn qua Bắc Kạn đang phải chịu nhiều áp lực về môi
trường. Theo báo cáo đánh giá của Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu thì
thời gian qua có 4 vấn đề môi trường bức xúc trực tiếp ảnh hưởng tới sông Cầu tại
Bắc Kạn. Đó là chưa xây dựng được khu xử lý nước thải sinh hoạt tập trung do vậy
nước thải sinh hoạt thải trực tiếp ra sông Cầu. Tỉnh chưa có nhà máy xử lý rác
thải nên nguy cơ ảnh hưởng lớn tới nước mặt, nước ngầm. Tình trạng ô nhiễm nguồn
nước do khai thác khoáng sản, sử dụng hóa chất thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh
đó ý thức bảo vệ của một số đơn vị, doanh nghiệp còn thấp. Rác thải đổ xuống ven sông Cầu.Hầu hết các xã chúng tôi đi qua trong hành trình đều nhận thấy
ý thức bảo vệ môi trường sông Cầu còn thấp. Tình trạng khai thác cát sỏi tự
phát diễn ra thường xuyên. Rác thải sinh hoạt thậm chí cả gia súc, gia cầm chết
cũng được vứt xuống sông. Vấn đề lớn nhất là hầu hết các bệnh viện và bãi
rác ở các địa bàn sông Cầu đi qua đều chưa được xây dựng đạt chuẩn. Đây là mối
đe dọa lớn đối với môi trường nước sông.Thời gian trước đây, Xí nghiệp Gạch Pá Danh; dây chuyền sản
xuất giấy đế - Công ty cổ phần Lâm sản Bắc Kạn; Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn;
bãi rác thị xã Bắc Kạn là những điểm gây ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh.Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn, các điểm
tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật, trong đó có hai điểm nằm trên lưu vực sông Cầu,
đến nay địa phương đang lập dự án khắc phục các điểm ô nhiễm môi trường do tồn
lưu hóa chất bảo vệ thực vật. Tuy nhiên do nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường
hạn chế, nên chỉ lập dự án xử lý đối với điểm ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật tại một địa điểm là huyện Chợ Mới. Bên cạnh đó ý thức chấp hành công tác bảo vệ môi
trường của một số đơn vị, doanh nghiệp chưa cao. Một số doanh nghiệp vì lợi ích
kinh tế, chưa chú tâm nhiều đến công tác bảo vệ môi trường.Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Hoàng Thanh Oai- Chi Cục trưởng
Chi Cục Bảo vệ môi trường Bắc Kạn cho rằng, kiểm soát quy trình bảo vệ môi trường
tại các cơ sở, nhà máy là điều khả thi nhưng xử lý nước thải sinh hoạt mới là vấn
đề mang tính cốt yếu, dài lâu nhưng lại rất khó thực hiện. Lượng nước thải sinh
hoạt từ các đô thị, nông thôn đổ ra sông Cầu lớn nhưng lại chưa được xử lý.
Trong nước thải sinh hoạt lẫn vô số tạp chất hóa học từ bột giặt, nước rửa bát,
dầu, mỡ… là những tác động tiêu cực đến môi trường nước sông, đang là tồn tại
lâu nay. Quá trình tích tụ sẽ khiến môi trường ô nhiễm. Bảo vệ môi trường sông
Cầu đang cần sự vào cuộc của các cấp các ngành chức năng và cả cộng đồng.4. Chung tay bảo vệ dòng sông
Việc bảo vệ dòng sông Cầu không đơn thuần chỉ là nhiệm vụ của
các ngành chức năng. Cần lắm sự vào cuộc của mỗi người dân để dòng sông giữ mãi
vẻ trong xanh, phục vụ bền vững cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của một nửa
dân số tỉnh Bắc Kạn.Trong hành trình tới xã Rã Bản (Chợ Đồn) chúng tôi đã rất đồng
tình với việc làm của UBND xã. Theo đồng chí Triệu Văn Nguyên - Chủ tịch UBND
xã, xã thường xuyên phổ biến, đôn đốc người dân các thôn tập trung thu gom,
phân loại rác tại từng hộ gia đình. Rác hữu cơ để phân hủy làm phân bón, rác vô
cơ thì đốt tập trung tránh tình trạng vứt bừa bãi xuống sông Cầu. Một việc làm
nhỏ ấy lại mang ý nghĩa to lớn trong bảo vệ dòng sông cần được các xã trong lưu
vực sông Cầu học tập. Nói về bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu, Phó Chủ tịch UBND
huyện Chợ Mới Bế Ngọc Hùng cho rằng, cần tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức
bảo vệ môi trường trong nhân dân; đẩy mạnh trồng rừng và tập trung xử lý rác thải,
nước thải đô thị. Trong năm 2013, Chợ Mới đã trồng được khoảng 1.600ha rừng; tiến
hành xử lý bãi rác thị trấn và sắp tới sẽ lắp đặt lò đốt rác thải. Đề án tổng thể bảo vệ sông Cầu đã triển khai một loạt các giải
pháp đồng bộ mà trong đó sự đóng góp của Bắc Kạn bằng những hành động cụ thể là
rất lớn. Tỉnh đã ban hành Kế hoạch 128/KH - UBND ngày 3/6/2011 về việc triển
khai đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn
2011- 2015. Mục tiêu là nâng tỷ lệ rừng được che phủ; khôi phục rừng đầu nguồn
đảm bảo đa dạng sinh học; xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung ở
thị xã Bắc Kạn; các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch hoặc
được trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải; phục hồi cải tạo môi
trường các khu vực khai thác khoáng sản theo đúng các dự án được duyệt.Đi vào thực hiện, Bắc Kạn đã điều tra, thống kê, đánh giá chất
thải rắn, chất thải nguy hại, chất thải y tế để xây dựng phương án xử lý; quan
trắc môi trường hàng năm với 6 điểm phân tích nước sông Cầu và 4 điểm phân tích
nước suối đổ vào sông Cầu. Tỉnh đã kiểm tra 23 đơn vị và xử phạt hành chính 01
đơn vị; năm 2011 xử phạt 2 đơn vị thi công đường 257 đổ đất đá xuống sông Cầu;
lập biên bản vi phạm hành chính, chuyển cơ quan thẩm quyền xử lý 4 cơ sở gây ô
nhiễm sông Cầu. Bắc Kạn đạt 100% tỷ lệ khu công nghiệp có
Nhà máy xử lý nước thải (ảnh: Nhà máy xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Thanh Bình, Chợ Mới)Bắc Kạn đã đầu tư 4 dự án gồm cải tạo bãi rác Khuổi Mật (thị
xã Bắc Kạn); xử lý ô nhiễm bãi rác Chợ Mới; xây dựng công trình cấp nước và vệ
sinh thị xã Bắc Kạn; xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung tại Khu công
nghiệp Thanh Bình (Chợ Mới). Bên cạnh đó là xây dựng mô hình bãi chôn lấp, xử
lý rác quy mô cấp xã (thực hiện được tại 02 xã thuộc lưu vực sông Cầu: Phương
Viên, huyện Chợ Đồn và Cẩm Giàng của huyện Bạch Thông). Theo báo cáo của Ủy ban
bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu thì trong 5 năm qua, Bắc Kạn đã thực hiện
khá tốt 7/10 mục tiêu mà đề án tổng thể bảo vệ sông Cầu đã đề ra. Đối với trồng
rừng, tỉnh triển khai các nhiệm vụ điều tra, lập và phê duyệt dự án Đầu tư trồng,
khoanh nuôi, bảo vệ rừng lưu vực sông Cầu tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2010-2015 với
nội dung bảo vệ 91.533 ha rừng hiện có (rừng tự nhiên 71.240 ha, rừng trồng
20.293 ha), trồng rừng 16.173ha; bình quân khoảng 3.234ha/ năm (thực hiện trong
5 năm: 2011-2015). Cho đến hết năm 2012, tỷ lệ xử lý triệt để các cơ sở gây ô
nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2012 đạt 100%; tỷ lệ nâng độ che phủ của
rừng toàn lưu vực, khôi phục cơ bản rừng đầu nguồn đã bị suy thoái đã đạt 70%;
tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị, chất thải rắn công nghiệp đạt
80%; tỷ lệ thu gom xử lý chất thải nguy hại đạt 60%; tỷ lệ thu gom xử lý chất
thải bệnh viện đạt 80%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao
có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 100%. Tuy nhiên, còn có 3 mục tiêu gồm
tỷ lệ khắc phục khai thác cát sỏi trong sông không theo quy hoạch, bảo vệ mặt cắt
ổn định tự nhiên của sông; tỷ lệ cơ sở sản xuất mới xây dựng sử dụng công nghệ
sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải và tỷ lệ khu
đô thị có hệ thống xử lý nước thải thì chưa có hoặc gặp khó khăn trong triển
khai. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn, nguồn vốn cho việc
triển khai các chương trình dự án theo kế hoạch thực hiện đề án Sông Cầu của tỉnh
Bắc Kạn còn nhiều hạn chế, vì vậy việc triển khai các dự án bảo vệ môi trường
lưu vực sông rất khó khăn, trong đó có việc các danh mục dự án các tỉnh đã đăng
ký nhưng chưa được phê duyệt để thực hiện, đặc biệt là đối với công tác xử lý
chất thải, dự án xử lý nước thải tập trung. Công tác thống kê, xác định các nguồn
thải trong lưu vực sông Cầu trên địa bàn chưa được điều tra, cập nhật thường
xuyên. Hệ thống trang thiết bị kỹ thuật để tiến hành kiểm soát chất lượng môi
trường của Trung tâm quan trắc môi trường còn thiếu, chưa đồng bộ nên một số chỉ
tiêu phân tích phụ thuộc rất nhiều vào các trung tâm quan trắc và phân tích môi
trường của Trung ương.Từ nay cho tới 2015 mục tiêu của Bắc Kạn là từng bước hạn chế
các nguồn thải chưa qua xử lý vào lưu vực sông; bảo vệ diện tích rừng tự nhiên
hiện có trên cả 3 loại rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên, trồng rừng mới
tập trung và cây phân tán; 70% các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc các huyện nằm
trên lưu vực sông Cầu được cấp chứng chỉ ISO 14001; thu gom 90% chất thải rắn
công nghiệp, chất thải rắn sinh hoạt; xử lý 60% chất thải nguy hại, trong đó
riêng chất thải bệnh viện đạt 100%; hỗ trợ sản xuất sạch hơn cho các cơ sở sản
xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh; nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác
bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của các cơ sở
sản xuất công nghiệpTừ năm 2016- 2020 mục tiêu là 100% các cơ sở sản xuất kinh
doanh được cấp giấy chứng nhận ISO 14001; 95% chất thải rắn và 100% chất thải y
tế được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường; khôi phục rừng đầu nguồn đảm
bảo đa dạng sinh học; xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung ở thị
xã Bắc Kạn; 100% các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch hoặc
được trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải; phục hồi cải tạo môi
trường các khu vực khai thác khoáng sản theo đúng các dự án được duyệt.Những mục tiêu ấy đang đặt ra nhiều nhiệm vụ cho mỗi người
dân và các cơ quan chức năng trên địa bàn. Đó là nâng cao ý thức bảo vệ môi trường,
sinh thái, cảnh quan lưu vực sông; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước
về bảo vệ môi trường lưu vực sông; đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh công
tác xã hội hóa bảo vệ môi trường; ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ. Có
như vậy sông Cầu nơi thượng nguồn mới mãi mãi xanh trong.14/9/2013Tuấn Sơn
Nhà máy xử lý nước thải (ảnh: Nhà máy xử lý
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét