Thứ Tư, 26 tháng 5, 2021

Hành trình đi tìm giá trị thẩm mỹ của văn chương

Hành trình đi tìm giá trị
thẩm mỹ của văn chương

Khó lòng khước từ những giá trị tư tưởng đã được vận hành thuần thục thành những chuẩn mực xã hội, nhưng văn chương vẫn phải kiên định con đường đi tìm giá trị thẩm mỹ của mình.
Bởi vậy, đã từng nổ ra những xung đột gay gắt trong quan niệm của các khuynh hướng như nghệ thuật vị nhân sinh hay tự thân nghệ thuật; nghệ thuật hướng tới những lý tưởng thẩm mỹ hay hành xác con người trong cuộc mưu sinh (bi kịch Cửu trùng đài của Vũ Như Tô), thậm chí là những cuộc xung đột cật vấn nội tâm để giải phóng những góc tối trong tâm hồn, những uẩn ức thầm kín… Tất cả tạo nên sự lúng túng cho những người cầm bút, tạo nên sự ngổn ngang trước mắt người đọc.
Văn chương có một quy luật rất lạ đó là tiếp thu và thanh lọc. Hai xu thế đối lập trong sáng tạo bỗng dưng lại đồng điệu ở mục tiêu cao cả nhất đó là tạo tác ra một nền văn học bền vững thấm thía được hồn cỏ cây, lòng người xứ sở. Khắc ghi được những dấu mốc của lịch sử, lập ra những cương mục văn hóa. Chẳng thế mà từ những bài kệ nặng trĩu giáo lý của hai triều đại trọng Phật pháp Lý Trần đến sự thanh thoát của những vần thơ quốc âm. Từ tượng trưng siêu thoát, ảo hóa của văn chương Pháp đến uyển chuyển, tinh tế của Nguyễn Bính, Anh Thơ. Từ hào sảng quật khởi những ngày chống Pháp của Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu đến Quang Dũng, Hoàng Cầm; từ Lửa đèn rực cháy của Phạm Tiến Duật đến sâu sắc, quyết liệt của Thanh Thảo, Nguyễn Duy. Sự chuyển hóa, va đập của hai xu thế đó đã tạo ra một sự dung hòa, trung dung nhưng không khoan nhượng, hòa hoãn của văn chương để tạo nên những tác phẩm giàu chất triết lý mà vẫn đủ sức làm mê đắm lòng người bằng sức cuốn hút của nghệ thuật - một giá trị nhân học thật sự tinh tế.
Kín đáo và sâu sắc nhất phải kể đến bậc thày về truyện ngắn, nhà văn Nam Cao. Khi Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố còn bận bịu với những thuyết lí phản bác xã hội thực dân phong kiến, trực diện đả phá những lớp váng tầng mặt để lộ rõ bản chất tốt đẹp của luân lý nhân sinh thì thầy giáo Trần Hữu Tri đã lẳng lặng mà tạo tác khu vườn hiện thực với những khuất khúc nhỏ, biểu tượng nhỏ nhưng nhìn vào đó người ta chợt giật mình. Nào là một anh Chí bị đẩy đến bờ vực của sự lưu manh, vượt ra ngoài cõi người để mê muội trong những vùng tăm tối của nhận thức thì bỗng dưng được tắm gội để trở phát lộ một tâm hồn lương thiện. Nhà văn chẳng cần rót vào tai nhân vật (mà thực chất là người đọc) những triết lý, cũng chẳng dại dột mà tạo ra sự phục thiện bằng mô hình tổ ấm mới. Đơn giản chỉ là đêm trăng sáng, là một bát cháo trắng, một buổi sớm tinh khiết với những lo toan thường nhật. Hay ở một trường hợp khác là sự tàn lụi của một ông lão trước bình minh của dân tộc. Lão Hạc, cái tên chẳng thể lẫn vào đâu được trong mớ nhân vật nông dân trước cách mạng vốn đã nhếch nhác, lấm lem, tiều tụy, khổ cực trong trang viết của các nhà văn Việt Nam. Nhưng, nhà văn không nhìn vào tất cả những thứ đó để mà thay ông cất lên lời tố khổ. Ngược lại, nhà văn nói hộ ông một day dứt rất cao siêu của tâm hồn. Nói cách khác, lão đói đấy, khổ đấy nhưng đang day dứt những điều rất trí thức và cao cả. Nam Cao đã học thức hóa những người nông dân, cấp cho họ bộ “trang phục mới”, làm sang cho họ bằng những bi kịch tâm hồn. Họ đều phải chết để bảo vệ tâm hồn trước sự xâm lăng của cái xấu, cái ác. Triết lý như thế, hẳn là khéo và tinh, có mấy ai bằng.
Lặng đi một khoảng thời gian dài, văn chương nhường chỗ cho cuộc chiến bảo vệ đất nước bằng việc giữ lửa hâm nóng những dòng máu trong huyết quản, những hồng cầu trong trái tim mỗi người dân, người lính. Chiến tranh qua đi, tất cả còn đang hào hứng với cờ hoa chiến thắng, với những chuyển giao, nghỉ ngơi thì văn chương không phút ngưng nghỉ lại bắt tay vào một trận chiến mới: Trận chiến giữ lấy sự thanh sạch của lòng người bằng một phép màu nhiệm ấy là sự đánh thức bản năng hướng đến đạo lý của mỗi người. Nguyễn Minh Châu “mở đường” bằng sự lập ngôn tử tế của chính cái tầm cỡ của những anh làm nghệ thuật quèn. Dũng cảm như thế để thắc mắc về chính những lời đã thành khuôn thước của trưởng phòng, của chánh án. Ban đầu, người đọc chắc chỉ toan đọc cho xong nhưng rồi cứ bị ý nghĩ của nhiếp ảnh gia Phùng đào bới mà xới tung những quan niệm cũ kỹ để rồi bất lực không tìm thấy gì thuyết phục. Bản năng hướng thiện nảy sinh từ sự dằn vặt đó, là con người với nhau, sao nỡ “chôn” số phận cá nhân kia bằng sự bằng lòng của số đông. Số đông không thể át được thiểu số trong cuộc bầu chọn về hạnh phúc.
Đúng như người yêu văn đồn đoán, sau cái ngày 23/1/1989 định mệnh, sau lưng nhà văn vừa nằm xuống, là một thế hệ cầm bút mới biết bình thản, tự “trích một giọt máu thường xét nghiệm” (Nguyễn Duy) để làm cuộc đại phẫu tư tưởng. Con người trở nên bé nhỏ trước cái xấu, cái ác? Không, con người chỉ vô ý xô ngã nhau xuống vực thẳm cũng đủ mất đi sự lương thiện. Viên ngọc quý như Giang Minh Sài của Lê Lựu nhưng nhìn góc nào cũng thấy chật khấc, khiếm khuyết mà gộp lại thì đầy ắp những giá trị. Tinh thần ấy còn được nhân lên bằng những huyền sử, dã sử của Nguyễn Huy Thiệp, những trần thuật tỉnh queo của Nguyễn Việt Hà, Hồ Anh Thái, Võ Thị Hảo… dường như đến đây văn chương thật sự không còn dị ứng với triết lý.
Văn chương sẽ còn mải miết đi tìm diện mạo cho riêng mình. Không ngại phải gánh trên vai những nhiệm vụ của thời đại là những giáo lý, tư tưởng, văn chương tiếp tục biến những giá trị nhân học ấy thành những hình tượng, biểu tượng và tình huống buộc con người phải suy nghĩ. Hay nói cách khác, những giá trị nhân học và nhân bản sẽ còn sống mãi chừng nào những giá trị nghệ thuật ấy vẫn con xanh tươi trong cuộc đời này.
28/6/2019
Nguồn: VĂN HỌC QUÊ NHÀ
Theo http://redsvn.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...