Thứ Tư, 26 tháng 5, 2021

Tiền bạc, của cải trong tục ngữ của người Việt

Tiền bạc, của cải
trong tục ngữ của người Việt

Tục ngữ là túi khôn của dân gian. Có rất nhiều câu tục ngữ nói về thứ quyền lực xã hội là đồng tiền, đề cập những vấn đề phức tạp liên quan tới tiền, những vấn đề xã hội xung quanh tiền và các cách thức kiếm tiền.
Về phương diện nào đó thì tiền, của, vàng bạc là đồng nghĩa với nhau. Có thể bình luận nhiều điều sâu xa về những điều mà các câu tục ngữ hàm ý, từ những tri thức mà tục ngữ đã đề cập tới những hoàn cảnh và điều kiện tri thức đó được ứng dụng trong thực tiễn. Nhưng ở đây chúng tôi chỉ nêu những điều cảm nhận trực tiếp về tiền mà các câu tục ngữ đem lại.
1. Sức mạnh xã hội phi thường
Người Việt có câu tục ngữ rằng để chỉ ra sức mạnh vô song mang tính phổ quát của đồng tiền. Tiền là một sức mạnh xã hội phi thường. Đồng tiền là thứ đáng được ngợi ca. Đồng tiền có sức mạnh xuyên thời gian, xuyên qua cả các kiếp người, và đối với đồng tiền thì cuộc sống con người thật là phù du: “Đồng tiền là chúa muôn loài, Người ta là khách vãng lai một thời“.
Đống tiền có sức mạnh lấn át các sức mạnh xã hội khác: “Hạt tiêu nó bé nó cay, đồng tiền nó bé nó hay cửa quyền“. Đồng tiền có sức mạnh phi thường đến mức huyền bí: “Của vua có thần, của dân có ma“, “Của nhà giàu có nọc“. Không thể ăn không ăn cướp của người ta dễ dàng: “Có ơn phải sợ, có nợ phải trả“.
Để có thể thâm nhập được vào các cộng đồng khác, trong đó có những phong tục tập quán khác, ngoài việc dùng tình cảm thì người ta cần có những phương tiện hỗ trợ, mà được mọi người vui lòng chấp nhận: “Có của thì có mẹ nàng, có bạc có vàng thì có kẻ ưa“, “Anh em gạo, đạo ngãi tiền“.
Tiền là một thứ đem lại rất nhiều điều tốt đẹp, mang lại sự lịch sự và sự vẻ vang cho người có tiền: “Chẳng gì tươi tốt bằng vàng, chẳng gì lịch sự vẻ vang bằng tiền“.
Tiền có được sự trao đổi vạn năng: “Có tiền mua tiên cũng được“, “Có tiền mua tiên cũng được, không tiền mua lược không xong“. Tiền dùng để mua của cải vật chất, và mua được cả những thứ tinh thần, như để mua danh: “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng“.
Tiền mang lại cho người ta khả năng giải trí phi thường: “Nhất chơi tiên, nhì giỡn tiền“.
Có tiền thì có nhiều người cầu cạnh, sẵn lòng hầu hạ: “Có tiền chán vạn người hầu, có bấc có dầu chán vạn kẻ khêu“. Khi có tiền, người ta có những tư thế và khả năng suy nghĩ mới, vì có tiền thì người ta có khả năng huy động trí tuệ của những người khác. Có tiền làm cho người ta trở nên khôn: “Có tiền thì khôn như rái, không tiền dại như vích“. Tiền cho phép người ta ăn nói thoải mái: “Tay mang túi bạc kè kè, nói quấy nói quá người nghe ầm ầm“, cho phép người ta làm được một số điều vượt khỏi chuẩn mực: “Lấy đồng tiền làm láo“.
Đồng tiền là thứ thiết thân với người ta: “Đồng tiền liền khúc ruột“. Thái độ đối với đồng tiền: “Khó giữ đầu, giàu giữ của“.
Lắm tiền nhiều bạc đem lại sự viên mãn trong cuộc sống: “Lắm tiền nhiều bạc là tiên trên đời“. Nhiều tiền sẽ gặp được thuận lợi trong việc mua bán: “Nhiều tiền đong đầy, ít tiền đong vơi“, làm được những việc có chất lượng cao: “Nhiều tiền thiên niên vạn đại, ít tiền làm lại làm đi“, có được của tốt: ”Nhiều tiền của tốt, ít tiền của xấu“, làm được những điều lâu bền, đặc biệt là trong quan hệ giữa người với người: “Nhiều tiền thì thắm, ít tiền thì phai“, và nhiều tiền sẽ gặp rất nhiều thuận lợi trong việc làm giàu, trong việc thiết tạo nên cơ đồ: “Nhiều ăn lãi, ít bán vốn“.
Khi có tiền có của, người ta làm được rất nhiều việc như dò được người, biết được người “Có của dò được người“, tác động được tới người khác, đưa người khác vào vòng ảnh hưởng: “Có của dỗ được người“.
Người có của thì lấy của để giải quyết các việc lo lắng đến sức khỏe, dùng tiền để đi khám bệnh, dưỡng da, còn người không có của thì sẵn sàng hy sinh bản thân để có được của: “Có của lấy của che thân, không của lấy thân che của“. Người có của thì lấy của để chạy tội, chạy chức, chạy ghế, chạy tuổi, và làm những điều để thân mình có thể được vẻ vang, mình có thể đạt được địa vị, và nếu có chuyện với vòng lao lý thì có thể dùng tiền chạy tội: “Của đi thay người“.
Đồng tiền là công cụ rất thuận tiện, kín đáo, để hối lộ: “Của ngon đưa đến miệng ai từ“.
Tiền phá hoại luật lệ: “Kim ngân phá luật lệ“, có cách thức làm thay đổi sự thật: “Năm tiền có chứng, một quan có cớ“. Đồng tiền làm người ta thay đổi ý kiến, thay đổi suy nghĩ, thay đổi tình cảm, và làm thay đổi hành động.
Đồng tiền có sức mạnh vạn năng trong việc ra quyết định của các loại văn bản có giá trị pháp lý: “Nén bạc đâm toạc tờ giấy“.
Tiền làm cho nhiều vấn đề nảy sinh với người có tiền: Có tiền đem lại cho người có tiền những hiểm họa, làm người ta không còn giữ được những nết tốt: “Của làm hư nết“. Khi giàu tiền tài thì lại có những vấn đề liên quan tới nhân nghĩa: “Giàu tiền tài, nhân nghĩa tận“.
Không những thế, tiền làm hại người, hoặc làm cho người có tiền bị hại, hoặc là vì những lý do nội tại, hoặc là tai họa do người khác đưa đến như cướp giật, kiện tụng. Có đồng tiền trong tay thì cũng là nguyên cớ để rước họa vào thân. “Của làm hại người“
Tiền chia rẽ các cộng đồng, thậm chí tiền phá vỡ các cộng đồng. “Chị em hiền thật là hiền, lâm đến đồng tiền mất cả chị em“.
Tiền là một công cụ có công dụng thúc đẩy nhanh chóng tiến trình công việc. Một khi có việc và có tiền để làm việc đó thì người ta sẽ nhanh chóng tìm được những người có khả năng, có quyền lực tháo gỡ, được các vướng mắc cản trở để làm được việc đó. “Tiền đến đâu mau đến đấy“.
Đồng tiền được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Đồng tiền tạo nên những điều tốt đẹp, xây dựng lên những điều tốt đẹp, nhưng nó cũng tạo nên cái xấu, phá hoại chia rẽ cộng đồng, xã hội. Có những mối quan hệ mà các bên liên quan cùng sử dụng tiền cho những mục đích mâu thuẫn nhau thì điều gì sẽ xảy ra?
Đồng tiền làm thay đổi các chuẩn mực, tạo nên hình thái mới trong quan hệ xã hội, đặc biệt trong những tình huống có mâu thuẫn. Đồng tiền làm cho người ta thay đổi đạo đức, sẵn lòng phục vụ cho những người khác vượt qua lòng biết ơn: “Trăm ơn không bằng hơn tiền“.
Không có tiền thì sao? Khi không có tiền thì không thể đem lại tư cách trong việc nói năng: “Tay không nói chẳng nên điều“.
2. Hạn chế của tiền
Đồng tiền có những công dụng rất tốt để người ta làm được những việc lớn, thiết lập nên những mối quan hệ, nhưng đồng thời tiền bạc cũng ẩn chứa những điều tồi tệ trong xã hội, là nguyên nhân của những bất hòa trong gia đình, của những tội lỗi trong xã hội.
Nhưng trong tục ngữ không thấy nói đến có tiền mua được quyền lực, mua được địa vị, vì thực ra không tiền nào mua được quyền lực, vì dưới chế độ phong kiến, đẳng cấp xã hội là “Nhất sĩ, nhì nông, tam công, tứ cổ (thương)“, mà muốn làm quan thì phải qua con đường khoa bảng, mà chuyện thi cử thường được triều đình quản rất chặt, tổ chức nghiêm túc, chặt chẽ mà lên tới thi Hội, thi Đình thì không thể dối trá được. Hơn thế nữa, đã làm quan mà không thanh liêm thì có thể vơ vét rất nhiều. Lời nói, quyết định của những người có quyền có chức đem lại nhiều tiền bạc cho các đối tượng nhất định: “Lời nói, gói vàng“, “Lời nói quan tiền tấm lụa“.
Một khi có chữ thì người ta sẽ có khả năng đỗ đạt, làm quan và chức vụ đó có nhiều bổng lộc mà không hoạt động kinh tế nào mang lại được: “Một rương vàng không bằng một nang chữ“, “Một kho vàng không bằng một nang chữ“
Do nhà nước phong kiến ngăn cản sự tập trung tư bản, ngăn cản các tổ chức bí mật của giới thương nhân có thể kéo dài tầm hoạt động của nó ra nhiều thế hệ nên: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời“.
Có những thứ quý hơn tiền bạc, đặc biệt là trong những mối quan hệ giữa người với người. Trong đó có những thứ người ta coi trọng hơn là tiền bạc: “Giàu tiền giàu bạc không bằng giàu bạn giàu bè“.
Những thời buổi ly loạn, những cuộc tranh giành quyền lực thì tiền bạc vừa là công cụ để phòng thân. Khi tính mạng bị đe dọa do bệnh tật hay do nguyên nhân khác, thì người ta sẵn sàng bỏ tiền của ra để cứu lấy sinh mạng của mình: “Người sống hơn đống vàng“.
Khi giàu có mà không có nhân thì lúc túng thiếu sẽ không có nghĩa: “Phú bất nhân, bần bất nghĩa“.
3. Tiêu tiền
Trong một xã hội nông nghiệp, dù có tự cung tự cấp, đóng kín với nhau thì luôn luôn có chỗ để đồng tiền xuất hiện. Có việc, có nhu cầu thì phải tiêu tiền. Không mất tiền lúc này thì phải mất tiền vào lúc khác: “Hà tiện cúng bụt thì phải cúng ma“.
Đồng tiền đòi hỏi phải có cách sử dụng đặc thù, tùy việc mà tiêu tiền: “Việc to đừng lo tốn“, “Tùy tiền biện lễ“, “Tiền nào của nấy“. “Chợ có phiên, tiền có ngữ“. Có khi chi tiêu về việc này thì lại phải chi tiền cho những thứ có liên quan: “Một đồng tiền gà, ba đồng tiền thóc“.
Có nhiều vấn đề tế nhị, đáng bàn trong việc tiêu tiền. Nhưng một khi dùng đến tiền để bổ trợ cho mối quan hệ thông cảm, đánh giá được sự khó nhọc giúp đỡ lẫn nhau thì người ta có một chút bồi dưỡng, một chút giúp đỡ nhau qua cơn hoạn nạn, qua lúc bối rối, như vậy người ta cần phải đi theo những thời điểm nhất định, vì thời điểm đưa tiền rất quan trọng. Không phải lúc nào đồng tiền cũng có vai trò như nhau. Những nơi nào đồng tiền phải có mặt, đồng tiền phải đi trước. Người ta thấy rằng “Đồng tiền đi trước đồng tiền khôn, đồng tiền đi sau đồng tiền dại“, như vậy phải để đến lúc muộn rồi thì người ta không còn gặp thuận lợi nữa, không còn để tình hình có thể kiểm soát được nữa. Khi có đồng tiền đi trước, người ta sẽ có những biện pháp can thiệp vào tình hình, bẻ ngoặt tiến trình của sự việc đem lại lợi ích cho người bỏ tiền ra, như làm sai lệch tính chất của sự việc. Tiền là cái đầu tiên, là tiền đề để mọi chuyện có thể đi vào quy củ, để thiết lập lại kỷ cương. Không có chuyện phân minh về tiền bạc thì không thể nói đến việc thiết lập kỷ luật, thiết lập tiến trình phát triển. Không đủ nguồn lực về tiền thì không thể làm nên được những công việc tiến triển có quy củ được đem lại lợi ích nào đó cho người có tiền: “Tiền bạc đi trước, mực thước theo sau” Khi đã thỏa thuận được về tiền bạc thì mới nói đến công việc tiến hành theo đúng các quy tắc, thủ tục đã được thiết lập. Còn nếu không thì người ta sẽ để tiến trình đem đến bất lợi cho người chưa bỏ tiền ra mà có khi phải mất rất nhiều tiền. Công việc sẽ gặp những nhùng nhằng, tiến triển theo hướng bất lợi cho người chưa bỏ tiền.
4. Động thái của đồng tiền
Đồng tiền có sức mạnh rất to lớn và nó là công cụ rất tốt để người ta thực hiện được các mục đích của mình, để được việc cho mình. Vì thế đồng tiền là mục theo đuổi của xã hội, và mỗi người ở vị thế của mình tác động đến động thái của dòng tiền nào đó. Dù sống trong chế độ tự cung tự cấp thì việc phát triển con người như học hành, thi cử, hay các việc kiện tụng, phân chia tài sản đều phải cần đến tiền. Đồng tiền đi từ những nơi có việc đến nơi giải quyết việc, từ nơi có nhu cầu đến nơi cung cấp nhu cầu.
Đồng tiền luôn luôn lưu thông, luôn luôn vận động, và trong tiến trình đó, nó phải đem lại lợi ích cho người có tiền: “Tiền trong nhà tiền chửa, tiền ra cửa tiền đẻ“. Tiền sẽ làm cho có tiền nhiều hơn nữa: “Tiền đẻ ra tiền“
Trong xã hội có người giàu người nghèo. Mối quan hệ tiền bạc giữa những người giàu với nhau và giữa người giàu và người nghèo như thế nào? “Tiền của về nhà giàu“. Người có tiền nhiều sẽ bòn rút tiền từ người ít tiền: “Khố son bòn khố nâu“. Người ta bòn rút nơi này để dâng lại cho nơi khác: “Bòn nơi khố rách đãi nơi quần hồng“.
Trong quan hệ dân sự, có những mối quan hệ có thể bòn rút được: “Của mình thì để, của rể thì bòn“
Có tiền thì cũng cần phải có người tin cẩn để giao phó, mà việc đó phải qua thử thách, qua sự nhạy cảm mới chọn được: “Chọn mặt gửi vàng“, “Chọn người gửi của“.
Người giàu là đối tượng mà nhiều thành phần trong xã hội quan tâm đến, mà thông thường với những dụng ý không tốt, từ nhờ vả, đến vay mượn, xin xỏ nên không phải lúc nào người ta cũng muốn phô trương: “Giấu giàu, không ai giấu được nghèo“.
Thái độ đối với các loại của cải phải là thái độ cầu thị, trân trọng, rất cần thiết phải có thái độ đúng đắn về tiền của: “Hay của nào, chào của ấy“, “Của làm ăn no, của cho ăn thêm“.
Người ta sẵn sàng bỏ tiền ra để đầu tư với hy vọng sẽ thu tiền về nhiều hơn: “Đồng một của người, đồng mười của ta“. Làm cho người ta giàu lên thì mọi điều sẽ dễ dàng thoái mái, nhưng làm cho người ta nghèo đi thì sẽ gặp phản ứng dữ dội: “Giàu thì dễ ngươi, khó thì nói láo“.
5. Kiếm tiền
Do có những sức mạnh phi thường nên đồng tiền có sức cám dỗ rất mãnh liệt. Người ta tìm mọi cách để có tiền. Tiền ở trong túi người khác khiến cho nhiều người sẵn lòng đáp ứng nhiều nhu cầu, thậm chí là những nhu cầu quái đản, của người có nhiều tiền.
Người ta hiểu rằng người đời có trăm phương ngàn kế để kiếm tiền, và rằng nếu mình có tiền thì mình trở thành đối tượng để người khác tranh thủ, lợi dụng, hay là tìm cách dựa vào mình để mưu đồ lợi ích cá nhân.
Đồng tiền quan trọng như vậy thì người ta cần có tiền, có tiền thì mới có được những cách thức thu được nhân tâm trong những cộng đồng hình thành có điều kiện, thu được mối quan hệ với những người có chức có quyền.
Khi người ta làm được sản phẩm nào đó đáp ứng nhu cầu cho người khác thì người ta kiếm được tiền: “Của giữa chợ, ai thích thì mua“. Việc kiếm tiền luôn luôn thay đổi. Phải biết cách kiếm tiền ở nhiều nơi, có như vậy mới kiếm được nhiều tiền: “Khôn ngoan kiếm ăn xứ người, mạt đời thì kiếm ăn quanh“.
Có những điều trong xã hội mà ai cũng hiểu rằng đã dính vào thì phải mất tiền: “Quan thấy kiện như kiến thấy mỡ“.
Khi có những gì có thể đem lại được tiền thì có những kẻ tìm cách xoay xở: “Chợ chưa họp, kẻ cắp đã đến“.
Có những nơi mà dòng tiền tự động chuyển tới, không làm gì mà tiền cũng tự tìm đến, có những chỗ, những địa vị đương nhiên có tiền. Đó là các nơi có quyền thu tiền, có quyền chi tiêu, có quyền tiêu tiền. Đó là những người có chức vụ, liên quan đến những công việc quyền lực của nhà nước, từ hành pháp, tư pháp và luật lệ. Có những chức vụ, địa vị mà người ta phải cống nộp: “Con ơi nhớ lấy câu này, cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan“. Quyền lực có khả năng phi thường thu hút tiền bạc vào túi cá nhân, và người có quyền lực có cách tác động đến người khác để kiếm tiền: “Có tiền nới cùm, không tiền niêm chặt“.
Có những chỗ có thể gây khó dễ cho người khác. Không có tiền thì sẽ có những chuyện không xong, mọi việc đều khó khăn: “Không đấm mõm thì chẳng xong“. Có những chuyện đấm mõm cũng không xong, chỉ có những trường hợp nhất định mới có chuyện đấm mõm thành công.
Những thế lực có sức mạnh ngăn cản sự lưu thông của các hàng hóa, như các cơ quan công quyền, đem lại khả năng thu nhập cho cá nhân có quyền lực hay các loại tội phạm: “Tuần hà là cha kẻ cướp“.
Sự bòn rút có nhiều tầng nhiều mức: “Quan tha nha bắt“. Thày tham nhũng thì chọn tớ cũng biết cách gợi ý, dọa nạt, moi tiền của thiên hạ “Thầy nào, tớ nấy“.
Vì thế trong xã hội có những người có thể “Ngồi mát ăn bát vàng” có nghĩa là ngồi mát ăn được cả số lượng vàng đổ đầy một cái bát, chứ không phải ăn cơm bằng cái bát bằng vàng như người ta vẫn tưởng, đó là những người được cống nạp, và sự cống nạp có nhiều tầng mức.
Trong các mối quan hệ xã hội, không dễ ăn tiền của người khác. Việc ăn tiền phải kín đáo, và có những biện pháp che giấu, đi đêm với nhau, vì khi việc đó bại lộ ra thì sẽ đưa lại tai họa cho cả người đưa lẫn người nhận. Đồng tiền có tác dụng làm người ta gắn bó, ràng buộc với nhau: “Há miệng mắc quai“.
Đồng tiền có thể đưa một loại người nhất định vào vòng ảnh hưởng: “Tham ăn thì mắc bẫy“. Nhưng ăn lắm không dễ nuốt, vì sẽ có rất nhiều vấn đề “Ngủ lắm thì lắm chiêm bao, ăn lắm ỉa lắm cứt cao hơn đầu“. Hơn thế nữa: “Tham thực cực thân“
Có những người có phẩm chất được hưởng các loại của cải của xã hội: “Của thế gian đãi người ngoan thiên hạ“.
Kiếm tiền bằng cách dựa vào địa vị thì không được xếp vào làm giàu, vì: “Của dễ được thì dễ mất“, và “Miệng ăn, núi lở“, “Của đời ông ăn không cũng hết“.
6. Làm giàu
Làm giàu là làm cho trở nên có nhiều tiền bạc, của cải. Để làm giàu được thì cần có phẩm chất tinh thần đặc biệt: “Có chí làm quan, có gan làm giàu“. Chí là ý muốn bền bỉ theo đuổi một việc gì đó tốt đẹp. Gan ở đây là được coi là biểu tượng của tinh thần, ý chí mạnh mẽ, bền bỉ, không lùi bước trước khó khăn, dám đương đầu với nguy hiểm, dám chịu đựng. Làm giàu là công việc phải đương đầu với nhiều rủi ro, với nhiều nguy hiểm, nhưng “Có chí có gan, gian nan vượt tuốt“.
Làm giàu là điều khó khăn nên nhiều khi người ta coi rằng đó là việc phải có một thế lực cao siêu hơn chi phối: “Khó giàu muôn sự tại trời, nhân sinh ai cũng kiếp người mà thôi“.
Buôn là mua bán để lấy lãi nhưng không phải lúc nào cũng đi buôn được. Khi có thiên tai, địch họa, trộm cướp thì không thể đi buôn được: “Đi buôn có số, làm ruộng có mùa“. Việc kiếm tiền không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió: “Đất có tuần, dân có vận“. Người ta phải gặp thời, người ta gặp cơn nên thì mới thành đạt được. Khi gặp thời thì động thái khác với khi hết thời. Khi người ta gặp thời, đồng tiền đến thật dễ dàng: “Cơn nên phung phá cũng nên, cơn suy dẫu khéo giữ gìn cũng suy“. Nhưng khi người ta hết thời thì đồng tiền đến thật khó khăn: “Gặp thời thì nổi hòa huênh, hết thời thì lại nổi lênh như bèo“.
Thấy được người ta làm giàu như thế nào, nhưng bản thân mình thì lại không làm giàu được do những hạn chế của chính mình: “Của trời vạn, ngắn tay không với đến“
Làm giàu là việc khó khăn mà người ta không muốn trao cho ai, chỉ bảo cho ai. Việc cho vàng còn hơn là chỉ ra cách thức làm giàu, vì trong cách thức làm giàu có nhiều bí mật trong quan hệ với nhân viên công lực như việc hối lộ, cần phải thiết lập nên các mối quan hệ kín đáo mà thực chất là làm những việc mà nhà nước nào cũng cấm, hơn thế nữa lại tạo nên những đối thủ cạnh tranh trong một thị trường hạn hẹp mà đem lại nguy cơ cho mình. “Cho nhau vàng không bằng chỉ đàng đi buôn“.
Giàu có hôm nay không hứa hẹn gì sẽ giàu có trong tương lai: “Giàu ba mươi tuổi chớ mừng, khó ba mươi tuổi em đừng vội lo“. Khoảng cách từ sự giàu có đến sự nghèo khó rất gần: “Giàu không hà tiện khó liền tay, khó không hà tiện khó ăn mày“.
Một khi đã giàu thì có điều kiện để giàu thêm: “Đã giàu thì lại giàu thêm, đã khó lại khó cả đêm lẫn ngày“.
Có nhiều cách để làm giàu. Người thì tiết kiệm để làm giàu: “Hà tiện mới giàu, cơ cầu mới có“, người thì thô bạo đến mức tàn nhẫn: “Hà tiện mới có, phũ như chó mới giàu“. Người thì phải hay làm: “Hay làm thì giàu, hay cầu thì nghèo“, người thì có ý dối trá, lừa lọc để thực hiện hoặc che giấu việc làm bất lương: “Khôn nên quan, gian nên giàu“
Công việc để làm giàu phổ biến là: “Muốn giàu thì buôn bè, muốn què tập vật“. Công việc làm giàu không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, mà có những lúc gặp vận hạn, thất cơ lỡ vận và cần được sự giúp đỡ của bạn bè. Công việc kiếm tiền không phải cá nhân làm được mà cần có những cộng đồng, cần có tập thể. “Buôn có bạn, bán có phường“, “Có đắt hàng tôi mới trôi hàng bà“
Làm giàu phải có cộng đồng, nương tựa vào nhau khi có khó khăn, có như vậy mới có thể mới qua được vận hạn. “Giàu về bạn, sang về vợ“, nhưng đã làm bạn với nhau thì phải chấp nhận “Có đi có lại mới toại lòng nhau” và phải chịu thiệt về mình “Làm ơn nên oán, làm bạn thiệt mình“, và khi thân thiết với nhau thì “Có thân thì phải khổ, có khổ mới nên thân“.
Không dễ gì có được cách làm giàu. Điều đó đòi hỏi người ta phải học hỏi nỗ lực: “Muốn lành nghề, chớ nề học hỏi“
Muốn làm giàu thì phải có điều kiện: “Có vốn rồi mới có lãi“. Không phải ai cũng có thể có vốn liếng ngay, mà phải vay mượn để làm giàu: “Hết nợ, làm giàu“
Kiếm đồng tiền thật là vất vả, nhưng sẽ đến lúc sự vất vả đó sẽ được bù đắp: “Người đời ai khỏi gian nan, gian nan có thuở, thanh nhàn có khi“. Khi đã giàu rồi, người ta sẽ có điều kiện sống một cuộc sống sung túc về vật chất: “Giàu tậu, khó bán“.
Những câu tục ngữ không nói đến đồng tiền trong việc phát triển kinh tế xã hội, tạo nên sự phát triển mạnh mẽ của xã hội hướng tới một xã hội dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đó là sự hạn chế của tục ngữ trong việc nói đến tiền.
9/7/2019
Nguồn: PHATTRI.COM
Theo http://redsvn.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...