Thứ Tư, 26 tháng 5, 2021

Sang sông trong văn hóa và văn học Việt

Sang sông trong văn hóa và văn học Việt

Sang sông mang nhiều ý nghĩa trong đời sống, văn học và văn hóa người Việt. Tùy vào ngữ cảnh mà chúng ta có cách dùng đúng đắn, phù hợp. Đây là một ví dụ khá điển hình để minh chứng đặc trưng văn hóa nước ta linh hoạt như những dòng sông nước xuôi ngược mênh mang trên dải đất hữu tình này.
Những ca từ chân chất, mộc mạc… Ai cũng có một dòng sông vắng xa/ Trong nỗi nhớ trong kỷ niệm thiết tha/ Tôi cũng có riêng tôi dòng sông… Bao mơ ước bên dòng sông nước trong/ Bao cay đắng vui buồn trên bến sông/ Còn lại đây một nỗi nhớ mênh mông… (Dòng sông mùa thu, Trần Tiến) mà chất chứa nỗi niềm ký ức của biết bao cuộc đời, mấy mươi đời nay, sống trên dải lụa hình chữ S cong cong mềm mại như hình dáng một dòng sông này.
Sông nước hiện diện ở khắp mọi nơi trên mảnh đất Việt Nam và ai cũng mang trong mình hình ảnh một con sông quê hương, một dòng sông tuổi thơ, dù có quá nửa đời phiêu dạt vẫn khát khao trở về, trở về để úp mặt vào dòng sông quê (Nguyễn Trọng Tạo), vào lòng mẹ bao dung vô bờ… Sông nước trong tâm thức người Việt không chỉ phản ánh môi trường sống, tiến trình lịch sử của dân tộc mà còn hình thành nên phong tục tập quan, tâm tính, kiểu tư duy, cách ứng xử của từng con người cụ thể. Sang sông vừa là nhu cầu tất yếu, gắn với đời sống tâm lý tình cảm của con người, vừa thể hiện sự đạt đạo ở tầm triết học mang tính ẩn dụ sâu sắc.
Nước ta có hệ thống sông ngòi dày đặc, đặc biệt là vùng đồng bằng Nam bộ. Điều này được phản ánh chân thực qua hệ thống ngôn ngữ và cũng góp phần hình thành nên nét văn hóa đặc trưng của người Nam bộ nói riêng và người Việt nói chung. Sông tưới tắm cho một nền văn hóa nông nghiệp trù phú, tăng thêm nét dịu dàng, nên thơ trữ tình cho phong cảnh làng quê:
Làng ta phong cảnh hữu tình,
Dân cư giang khúc như hình con long.
Nhờ trời hạ kế sang đông,
Làm nghề cày cấy vun trồng tốt tươi.
(Ca dao)
Từ hoạt động sống hằng ngày, bến nước, chuyến đò trở thành nơi gặp gỡ giao lưu văn hóa. Người Việt quan niệm chỗ ở thuận lợi phải là “nhất cận thị, nhị cận giang”. Với người Nam bộ, thị cũng là giang, đó là một nét văn hóa đặc thù: chợ nổi. Lừng danh cả nước như chợ nổi Cái Răng, Phụng Hiệp, cái Bè, Châu Đốc, Phong Điền… Ở đó, khung cảnh mua bán diễn ra với hàng trăm ghe thuyền tấp nập, ngồn ngộn các loại trái cây, rau quả…
Song, dòng sông cũng là sự ngăn cách tự nhiên, nên sang sông là nhu cầu đi lại, giao lưu một cách thiết yếu. Dù sang sông bằng thuyền, ghe, xuồng, hay phà, hoặc làm cầu… đều là những nỗ lực kết nối không gian. Sông nước gần gũi, thân thiết với người Việt nên nó trở thành đối tượng tâm tình như một lẽ tự nhiên:
Qua cầu than thở cùng cầu
Cầu bao nhiêu nhịp dạ em sầu bấy nhiêu.
(Ca dao)
Cầu ván, cầu khỉ đi vào tâm thức của người dân miền sông nước Nam Bộ trong lời ru, điệu hò, trẻ thơ lớn lên cùng với lời hát chất chứa nỗi niềm của đời mẹ gập ghềnh như chiếc cầu quê hương:
Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi…
(Ca dao)
Cách trở đò ngang không chỉ là khoảng cách không gian mà nó còn hiện hữu trong nỗi nhớ nhung và khát vọng gặp gỡ của lứa đôi yêu nhau và họ đã “sang sông” bằng những hình ảnh cây cầu thật nên thơ như sợi chỉ, cành hồng, dải yếm:
– Sông cách sông, thủy cách thủy
Em se sợi chỉ em bắc cây cầu.
– Đôi ta cách một con đầm
Muốn sang anh bẻ cành trầm cho sang.
– Hai ta cách một con sông
Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang.
– Ước gì sông rộng một gang
Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi.
(Ca dao)
Sang sông rất quan trọng nên người đưa đò được đề cao, “sang sông thì phải lụy đò”. Người thầy giáo trong xã hội được xem như người lái đò, theo tháng năm họ miệt mài bền bỉ đưa biết bao thế hệ đến bến bờ tri thức. Và mỗi người dân cũng ý thức rất rõ điều đó, để tương lai con em mình tươi sáng, họ cũng phải “xây cầu, bắc cầu”:
Muốn sang phải bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.
(Ca dao)
Sông nước ăn sâu vào máu thịt người dân Việt, và điều này được phát tiết trong ngôn ngữ như một bằng chứng xác quyết nhất. Để mong muốn điều thuận lợi, bình an người Việt nói thuận buồm xuôi gió, để chỉ sự hòa hợp, đồng tâm hiệp lực của vợ chồng không hình ảnh nào đẹp đẽ và lớn lao như thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn…; chở đạo đâm gian được dùng với ý nghĩa truyền bá đạo lý, phê phán tố cáo tội ác; hay để chỉ người vong ân bội nghĩa người Việt có thành ngữ qua cầu rút ván…
Văn hóa làng của Người Việt rất đặc biệt mang tính tự trị rất cao: phép vua thua lệ làng, mỗi làng có những quy ước (hương ước) riêng, và mang tính bất biến như vậy, là bởi làng quê Việt được bao bọc bởi lũy tre xanh kiên cố và một dòng sông ngăn cách. Nên tâm lý người Việt ngại xa làng, ngại sang sông: Ra đi mẹ có dặn dò/ Sông sâu chớ lội, đầy đò chớ qua. Hay: Lấy chồng khó giữa làng hơn lấy chồng sang thiên hạ; Người con gái trong thơ Nguyễn Bính Lỡ bước sang ngang là mang tâm lý của con chim xa tổ, lìa đàn: Chị thương chị khiếp con chim lìa đàn.
Chàng trai lúc Tương tư (Nguyễn Bính), giận dỗi, trách cô gái hờ hững với mình đã phủ định hoàn toàn sự xa cách không gian: Bảo rằng cách trở đò giang/ Không sang là chẳng đường sang đã đành/ Nhưng đây cách một đầu đình/ Có xa xôi mấy mà tình xa xôi? nói như vậy là để khẳng định rằng, hễ mà nói xa cách là là người Việt thường dùng dòng sông, con suối, quả đồi… nên sang sông còn gắn với sự chia cắt, với niềm ly biệt. Trong ý nghĩa đó, biết bao bản ly biệt ra đời bên cạnh tên của những dòng sông ngăn cách, như Biệt ly của Dzoãn Mẫn: Biệt ly sóng trên dòng sông/ Ôi còi tàu như xé đôi lòng/ Và mây trôi nước trôi/ Ngày tháng trôi cùng lướt trôi.
Trong nỗi buồn Tràng giang, mang mang thiên cổ sầu, nhà thơ Huy Cận ngậm ngùi tê tái trước dòng sông vô định, không một chiếc cầu giao cảm: Không cầu gửi chút niềm thân mật/ Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng. Đó cũng là không gian chia cách trong Tống biệt hành của Thâm Tâm, dòng sông còn gợi nhớ đến nỗi niềm ly biệt của chàng Kinh Kha và Thái tử Yên Đan bên bờ sông Dịch u ám khói sương như chính sự nghiệp trước mắt chàng.
Gắn với những thay đổi lớn lao, sang sông thường chỉ sự đổi thay số phận của người phụ nữ. Phải chăng, cuộc đời con gái mười hai bến nước, nên lấy chồng như là một sự cập bến, bến đục hay bến trong, bên lở hay bên bồi… là tùy thuộc vào duyên phận? Chỉ biết người Việt có nhiều lối nói như vậy để chỉ người con gái đi lấy chồng, như: Tôi đưa em sang sông, Con sáo sang sông, Sang sông mà lỡ chuyến đò, Lỡ bước sang ngang… Cũng trong ý nghĩa đó, ca dao có câu: Chòng chành như nón không quai/ Như thuyền không lái như ai không chồng; ngược lại, để chỉ sự yên phận của người phụ nữ theo chồng thì tục ngữ có câu: Thuyền theo lái, gái theo chồng.
Cô gái bất hạnh trong ca dao than thở một lần sang sông mà không cập bến bờ hạnh phúc nên đời cô chòng chành buông neo giữa bão tố cuộc đời, hay trở về lầm lũi trong sự tủi thân oán phận:
Ba mẹ cho em sang một chuyến đò nghiêng
Thuyền chòng chành đôi mạn em ôm duyên trở về
(Ca dao)
Đau đớn hơn, người phụ nữ trong thơ Nguyễn Bính sang sông mà gặp cánh ngộ éo le, âm thầm chấp nhận đau khổ và nàng tự nhủ Coi như chị đã sang sông đắm đò:
Chuyến này chị bước sang ngang
Là tan vỡ giấc mộng vàng từ đây
…Rồi đây sóng gió ngang sông
Đầy thuyền hận, chị lo không tới bờ
(Lỡ bước sang ngang - Nguyễn Bính)
Sang sông còn được hiểu theo nghĩa ẩn dụ triết học của hành động này, gắn liền với triết lý “đáo bỉ ngạn” của Phật giáo. Sang sông là biểu tượng cho sự vượt qua chướng ngại, ngăn cách, hành trình đó được xem như đã đến được bờ giác ngộ. Kết thúc truyện ngắn Sang sông của Nguyễn Huy Thiệp, em bé được giải cứu, mọi người lên bờ hết, duy chỉ còn nhà sư ngồi lại trên đò, rồi giục cô lái đò quay về bên kia sông. Phải chăng nhà sư chưa đạt đạo nên không sang sông? Song, bản thân hành động quay về bờ bên kia cũng đã chứng minh được một điều: sự quay về của nhà sư là sự quay về của giác ngộ. Ngộ ra điều mình chưa ngộ thì cũng đã đạt đạo nhưng theo một lẽ khác.
Nếu như sang sông gắn với sự thay đổi lớn lao số phận của người phụ nữ phần lớn theo chiều hướng không suôn sẻ, không thuận buồm xuôi gió, mà gặp bất hạnh, trớ trêu: người sang sông hoặc mang sóng gió trong lòng, hoặc sang sông mà không cập bến, hoặc gây nên một nỗi thảm sầu trong lòng người ở lại,…; thì sang sông theo quan niệm của nhà Phật lại mang ý nghĩa cho một sự đắc đạo, thoát khỏi bờ mê.
Như vậy, sang sông mang nhiều ý nghĩa trong đời sống, văn học và văn hóa người Việt. Tùy vào ngữ cảnh mà chúng ta có cách dùng đúng đắn, phù hợp. Đây là một ví dụ khá điển hình để minh chứng đặc trưng văn hóa nước ta linh hoạt như những dòng sông nước xuôi ngược mênh mang trên dải đất hữu tình này.
11/6/2019
Nguyễn Thị Tuyết
Nguồn: VĂN HỌC QUÊ NHÀ
Theo http://redsvn.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Khơi lên ngọn khói chiều no ấm Đường đê cong, dáng mẹ hao gầy/ Chân bám bùn trong chiều mưa gió/ Lại có ngày nắng như đổ lửa/ Mẹ trở về ...