Thứ Tư, 26 tháng 5, 2021

Về sự hồn nhiên của sáng tạo thơ ca

Về sự hồn nhiên của sáng tạo thơ ca

Không phải sự vô tư buông lời nào cũng đạt được thành công, cũng như không thể đánh đồng sự vô tư ấy với “giả vờ” giản dị hay lười nhác trong sáng tạo để tạo ra những câu thơ vô hồn, mòn sáo. Bởi thế sự vô tư ấy chỉ có thể được cảm nhận đầy đủ nhất khi những câu thơ gây được sự chú ý của người đọc, được lắng đọng quan thời gian và giành được chỗ đứng xứng đáng trong tâm hồn mỗi con người.
Nói gì chăng nữa, con người vẫn luôn có nhu cầu và bản năng cắt nghĩa những biểu tượng; hóa giải các mã văn hóa dù chỉ là những kiến giải đơn giản nhất. Lưu Hiệp - nhà lý luận kiệt xuất của Trung Hoa cổ đại - cho rằng: “Tác phẩm văn chương sở dĩ phức tạp là vì nội dung và hình thức đều đa dạng”. Tính đa dạng kéo theo sự đa nghĩa (ambiguity) đã khiến nhiều người lầm hiểu nhà văn là nhà kiến tạo cầu kì, nhưng thật sự, đó chỉ là một sự hồn nhiên trong sáng tạo. Khi nhớ lại kỷ niệm về Lá diêu bông, Hoàng Cầm viết: “Bỗng tôi nghe văng vẳng bên tai một giọng nữ rất trong trẻo, nhưng không phân biệt được là giọng của ai. Cái giọng nữ trong trẻo ấy cứ đọc lên rành rọt từng lời một, và tôi nghiêng người về phía ngọn đèn ngủ 6 oát chép tốc ký toàn bộ bài thơ này. Khi giọng đọc ngừng hẳn, không còn gì để ghi nữa, tôi cầm nguyên giấy bút như vậy ngủ thiếp đi. Sáng dậy, tôi phải sắp xếp lại những chữ xiêu vẹo đã may mắn ghi được trong đêm.” Những chuyện nửa thực, nửa hư, nửa thành thật thú nhận của nghệ thuật, nửa mơ hồ của khoa học khiến nhiều khi người đọc hoang mang nhưng tựu chung lại vẫn chỉ là sự hồn nhiên của sáng tạo để đẩy sức tưởng tượng lên đến cùng cực.
Hẳn thế, nên tưởng tượng và sự hồn nhiên từ lâu đã có sự liên hệ khăng khít. Bởi nhà thơ “hồn nhiên” thế nên mới có thể đem gắn các sự kiện rời rạc, xa xăm với nhau mà chẳng ngại phá vớ lôgic thực dụng thông thường. Nhà văn Pháp George Sand từng nói: “Trong văn học, cho dù một sự hư cấu đơn giản nhất cũng phải nhờ đến tưởng tượng, đó là đem các sự vật rời rạc, nối liền lại với nhau, bổ sung, thêm thắt, làm cho đẹp”. Chẳng thế mà những cuộc ghép đôi, phối ảnh thật lạ lẫm như: “tiếng đàn bọt nước” (Thanh Thảo); “mùa em” (Quang Dũng); “mắt lò xo” (Nguyễn Hùng Vỹ); “hơi bị đẹp” (Nguyễn Duy)… cứ hồn nhiên xác tín một quy luật sáng tạo.
Sự hồn nhiên trước hết là một khác biệt so với những dụng công, “rắp tâm” sáng tạo cầu kỳ. Chẳng thế mà khi nói về thơ Đồng Đức Bốn, Nguyễn Huy Thiệp nhân thể khái quát về sự khác biệt đó: “Căn bệnh mà nhiều người làm thơ lục bát thường mắc là nhiều chữ quá, khôn chữ quá. Càng dụng công bao nhiêu thì thơ họ làm càng thiếu tự nhiên, càng dở bấy nhiêu. Tác giả giống như một người đang chơi trò chơi trí uẩn: anh ta nặn óc tìm cách sắp xếp các con chữ, các âm vận, âm điệu, cố khuôn nó vào ở trong niêm luật. Tôi đã từng gọi kiểu làm thơ này là thuộc môn phái trí năng, làm thơ bằng trí.” (Giới thiệu thơ Đồng Đức Bốn). Lối thơ “trí uẩn” như kẻ dựng cảnh, phục trang kỳ thực cũng để lại những thành tựu đáng nể như khi “thơ là sự hội tụ của trí tuệ”, là khi nhà thơ tiên liệu được sức vóc của biểu tượng:
Làm thơ chứ không để thơ làm
Càng không để rượu làm, chữ làm, vần làm
Cuồng tín
Thơ là chưa bay mà đã đến
Là đang yêu bỗng giã từ
Là ba chữ thôi mà là bể, là giếng, là kho vàng hiển hiện
Là hoa sen cười nửa miệng mà Chân Như
(Prométhée 86)
Hiển nhiên là rất hàm xúc, trí tuệ, hiển nhiên là trường phái thơ mà Chế Lan Viên đã lựa chọn có vẻ đẹp riêng khi đằng sau mỗi câu chữ là một triết luận quán thông mọi suy cảm. Nhưng, có lẽ, thơ ngoài sức biểu niệm thì vẫn cần nặng về biểu cảm, nghĩa là cần được nhớ trước khi được suy tôn, cần được suy cảm trước khi buộc người khác phải suy cảm… Có lẽ vì thế, đằng sau những ồn ào cách tân thơ ca, lặng sóng sau những phong ba ấy, thơ vẫn nghiêng hẳn về những cụ thể, cảm tính trong tâm hồn người đọc chăng? Đó là thuộc tính của thơ chăng?
Sự hồn nhiên trong thơ thể hiện đầy đủ, dày dặn nhất ở sự phá cách và hình thức hóa ra thành sự đột biến trong mạch cảm xúc, lạ hóa trong thi ca. Hẳn những người kỹ tính với thơ nhất, hẳn những ai không hay mặn mà với thơ văn kháng chiến cũng phải thán phục sự hồn nhiên trong câu chữ khi Hoàng Cầm viết:
Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ
(Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm)
Thực sự, từ ý tưởng “dòng lấp lánh” chẳng đã thành mòn sáo như một phản xạ trong sáng tạo, thành một “cơ chế tự động hóa” trong tiếp nhận, bỗng dưng nảy ra một “dáng nằm” trong cái không - thời gian tưởng như là bất khả xâm phạm. “kháng chiến trường kỳ” dẫu có bị không gian hóa theo địa giới của chiến khu đi chăng nữa thì vẫn là thứ “chân không tuyệt đối” với mọi sắc thái đời thường, với những ẩn ngữ gợi nhục dục. Nhưng, cứ hồn nhiên như thế, câu thơ tạo ra một ngoại lệ chưa từng có bằng sự hồn nhiên trong cấu tứ của mình.
Lại một lần nữa, sự hồn nhiên của những câu thơ như Nguyễn Khoa Điềm viết:
Mùa xuân, là mùa xuân đấy
Thả chim, cỏ nội, hương đồng
Đàn trâu bụng tròn qua ngõ
Gõ sừng lên mảnh trăng cong.
(Miền quê - Nguyễn Khoa Điềm)
Ai cũng từng biết “đàn trâu bụng tròn”, thừa hiểu “mảnh trăng cong” nhưng đến lúc những chiếc sừng gõ vào miền trăng ấy thì làng quê đã trở nên huyền ảo, thanh bình và sáng trong. Chắc hẳn, nhà văn đã không thể ngờ được sức lan tỏa của hình tượng thơ bình dị, không cầu kỳ tạo chữ nhưng tạo nên sức gợi mở như thế.
Nhà thơ đã có nhiều thành công trong thi ca bằng sự hồn nhiên phải kể đến Đồng Đức Bốn. Nào là những cảnh nhà quê:
Nhà quê có cái giếng đình
Trúc xinh cứ đứng một mình lẳng lơ
Nhà quê có mấy trai tơ
Quần bò mũ cối giả vờ sang chơi.
(Nhà quê)
Và lắm khi là cả phố xá:
Tôi là một gã nhà quê
Yêu em nên phố bốn bề đều hoa
Nói gì thì kệ người ta
Không em phố chẳng còn là phố đâu.
(Phố hoa)
Nếu đã nệ những cầu kỳ chữ nghĩa sẽ chẳng bao giờ viết “giả vờ sang chơi” hay “kệ người ta”. Những lời ấy không hề nôm na khẩu ngữ mà mang giọng cao ngạo, ngang tàng nhưng thành thật. Thế mới biết chính sự vô tư, phóng túng trong cảm xúc, phóng bút trong đặt câu, làm chữ đã làm nên tên tuổi của Đồng Đức Bốn giữa “rừng lục bát” đã đầy ắp những tài năng và ghi dấu nhiều đỉnh cao khó vượt.
Sự vô tư trong thơ có lẽ sẽ còn rất nhiều khía cạnh và vấn đề phải bàn tới trong những chuyên luận văn chương. Sự vô tư ấy có thể bắt nguồn từ đặc trưng về tính phi lợi nhuận của bản thân mục đích sáng tạo văn học. Nhưng, bên cạnh đó còn thể hiện một tâm lý sáng tạo rất riêng của những thi nhân luôn hướng đến việc thể hiện cảm xúc, việc hữu hình các ý tưởng thay vì gọt rũa câu chữ cho vừa mắt người đọc, cho hợp thói thường. Đương nhiên, không phải sự vô tư buông lời nào cũng đạt được thành công, cũng như không thể đánh đồng sự vô tư ấy với “giả vờ” giản dị hay lười nhác trong sáng tạo để tạo ra những câu thơ vô hồn, mòn sáo. Bởi thế sự vô tư ấy chỉ có thể được cảm nhận đầy đủ nhất khi những câu thơ gây được sự chú ý của người đọc, được lắng đọng quan thời gian và giành được chỗ đứng xứng đáng trong tâm hồn mỗi con người. Chỉ có như thế, chúng ta mới nhận ra một điều tuy không mới mẻ nhưng đầy thú vị ấy.
22/5/2019
Nguồn: VĂN HỌC QUÊ NHÀ 
Theo http://redsvn.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...