Cát đợi |
Sóng về đâu - TCS
1.
Trong ký ức của Lũy vẫn còn một ngăn dành cho biển. Vẹn nguyên. Như mới hôm
qua anh còn nghe tiếng ầm vang của những con sóng bạc đầu xô nhau vào bãi
không. Thực ra Luỹ không còn là của biển từ khi anh theo gia đình vào sống ở
Cao Nguyên thời đang học trung học nhưng biển đã kịp trở thành một phần đời
trong cuộc đời còn rất dài của Luỹ. Và anh luôn nhớ biển. Ám ảnh thì đúng
hơn. Ngày chia tay chị Hân nói : "Lũy đi rồi bỏ biển cho ai ?" Lũy
biết chị Hân sẽ rất buồn vì không còn ai cùng ra ngắm sóng. Anh hứa sẽ trở
về. Những cơn mơ biển miên man cứ đi về trong từng đêm mưa thảng thốt khi Lũy
đang còn đâu đó trên đồi dốc hoặc cả những ngày nắng rực rỡ Lũy phóng chiếc
Honda 67 cà tàng qua mấy con đường nhựa rừng rực hoa quỳ vàng rập rờn muôn
nghìn bướm bay mùa tháng tư đẹp như cổ tích. Nỗi ám ảnh cứ chập chờn, lâu dần
thành căn bệnh trầm kha, kỳ cùng bám theo anh với những mộng tưởng vừa tươi
đẹp vừa đớn đau, có lúc hiển hiện, có lúc mơ hồ không thật. Anh về lại thành
phố này vào một ngày mưa. Nơi bến xe mưa tiễn anh. Vài năm Lũy về một lần. Dù
chẳng để làm gì. Suốt một ngày mơ màng gà gật với gần hết một đêm thức trắng
trên chuyến xe tốc hành vẫn còn đủ tỉnh táo cho anh nhận ra những cơn mưa đã
kịp ở lại bên kia đèo Phượng Hoàng và trong đêm gần sáng cái vị tanh mặn,
nồng nàn của hơi thở biển đã rất gần như hơi thở gấp gáp của một người tình.
Lũy mĩm cười một mình.
Anh rít hơi thuốc cuối cùng. Xung quanh anh ẩn hiện những khuôn mặt xa lạ trong bóng sáng tối, hang hốc và nỗi niềm. Anh búng mẫu tàn thuốc ra ngoài cửa xe. Đốm đỏ bay lên như đường đạn lửa cầu vồng trông thật ngoạn mục. Lũy đẩy tấm kính lùa còn một khe nhỏ vừa đủ để lạnh và kéo cao cổ áo khoác. Trong miền sáng của đêm, Lũy bắt đầu thấy xuất hiện những bụi cây thấp lùm lùm, những vùng năng, lác đặc trưng mọc rải rác trên những đầm nước lợ trắng mênh mông gần ra biển. Những thị tứ, thị trấn rồi đồng không hai bên đường trôi qua rồi lặp lại như một đoạn phim. Những phố phường còn im ngủ, lũng đồi chia cắt chợt gần chợt xa gợi những ngậm ngùi. Lũy ngủ rồi chợt thức. Rồi lại ngủ. Một lần nữa anh còn kịp nhận ra những quảng mơ hồ quen quen trên đường trước khi xe vào và dừng lại ở bến ngoại vi thành phố. Anh thấy bơ vơ trong đêm gần sáng. Ngay trên quê xứ mình. Lũy thả bộ. Cái xóm nhỏ ngày xưa đã thay đổi nhiều. Như phố. Chỉ còn tiếng chó sủa đón anh và những cây bạch đàn thân trắng đứng thảnh thơi trong đêm là quen thuộc. Lũy nhận ra ngôi nhà của chị Hân lờ mờ sau hai cánh cổng gỗ sơn xanh dưới giàn hoa giấy nở đỏ, thẫm buồn trong đêm. Lũy cảm giác thật lạ khi trở về lúc tàn đêm. Vừa cô đơn vừa thích thú. Giống như con thú đi lạc nhiều năm trở về rừng cũ. Bất chợt Lũy nghe biển vọng. Anh hồn nhiên tin rằng biển vẫn đợi anh và chỉ còn hai mươi phút đi bộ nữa là anh sẽ thấy biển dù Lũy biết tí nữa đây vào nhà chị Hân anh sẽ lăn ra ngủ vùi.
2.
Lũy nói với chị Hân là ra biển cả ngày, hôm nay anh định xuống phố mua sắm
một số thứ nhưng lại hẹn mai. Anh ra khỏi nhà trước khi con hẻm nhỏ trở nên
ồn ào. Đường xuống biển vẫn không thay đổi. Nhỏ và đầy cát mịn, lạnh lòng
chân. Nhiều cửa sổ còn đóng. Anh đi dưới những tàng cây trứng cá chi chít quả
đỏ, dưới vòm lá sẫm của vài cây ô ma, cảm tưởng ban mai tinh khôi vẫn còn ngủ
yên dưới những ngôi nhà có ban công màu xanh lá khi anh cùng lũ bạn đi tắm
biển sớm trên con đường này và mọi chuyện giống như đang bắt đầu. Lũy mua một
ít thức ăn nguội và mấy lon bia. Biển đã trước mặt. Nồng nàn. Lũy thấy mọi
thứ vẫn không thay đổi mấy trừ việc có thêm nhiều hàng quán bán sớm. Các món
ăn nóng bốc khói. Bãi không còn sạch như hồi Lũy ở đây. Người tắm quá đông. Ồn
ào và phô diễn những gì có thể trên thân mình như ở một bãi tắm hiện đại của
Châu Âu. Anh nhìn quanh tìm một khuôn mặt quen nhưng không thấy. Không ai hay
kẻ về. Lũy hít một hơi dài và cẩn trọng bước xuống. Nước vừa lạnh vừa ấm. Cảm
giác nhiều năm trước ùa về. Anh nhún chân xuống lòng cát lấy trờn và bắt đầu
bơi sải. Nước ấm. Anh thích thú nhận thấy đường bơi của mình còn uyển chuyển
lắm và bắt đầu vượt qua hàng phao tiêu màu đỏ báo vùng nguy hiểm rồi bơi mãi.
Ngoài xa biển êm xanh ngắt màu cô-ban. Anh nằm ngữa giữ thăng bằng và nhìn
trời. Nghe mình phiêu lãng như mây. Thật lâu.
Anh đi dọc bờ ngược
lên phía ngọn hải đăng, người ít dần. Dưới xa, người tắm biển trở nên nhỏ li
ti, dập duềnh trên sóng như những sinh vật kì dị, không liên hệ gì tới anh.
Dưới chân, vô số những san hô chết và vỏ ốc trôi dạt vào bờ. Lũy nhặt
một nhánh san hô hồng và mấy thứ lấp lánh như châu ngọc cho vào túi quần
soóc. Một mảnh cắt vào chân nghe nhói lên rát buốt vì nước biển. Anh nhớ đến
trò chơi nuôi cá vàng hồi nhỏ. Bầy cá đủ màu bơi quanh hòn non bộ giữa đám
rong đuôi chồn xanh biếc. Anh thích các loài cá biển hơn vì màu sắc sặc sỡ
của chúng. Những buổi dang nắng nhặt chọn san hô về hì hục xây đắp rồi rủ
nhau lên đồng rừng vớt bèo. Ngày hè tuyệt vời trôi qua vùn vụt và Lũy ngạc
nhiên thấy mình chán dần từng trò chơi trẻ con. Lũy đi mãi mặc mặt trời lên
thu ngắn dần bóng anh trên cát ướt. Sóng cứ vỗ bờ xoá sạch những dấu chân
phía sau lưng. Tay xách tòn ten túi thức ăn và anh trở thành kẻ độc hành trên
biển. Anh rẽ lên đồi dương thoai thoải. Bước tụt dài theo những đụn cát mềm.
những vú cát nhấp nhô như vú ngư nữ. Lũy chợt mơ hồ nhận ra vụng cát cũ -
"cõi riêng" của Lũy và chị Hân cùng lũ bạn ngày xưa, giờ đầy dấu
chân còng gió. Chiếc thuyền vỡ, "nơi trú ẩn" của tụi anh đã chìm
sâu trong cát, chỉ còn nhô lên một phần be và mũi thuyền bạc thếch với con
mắt vẽ trên gỗ chưa bong hết sơn đang nhìn anh buồn rầu. Lũy mĩm cười. Anh
ném mạnh nhánh san hô vào vỏ thuyền. Tiếng cạch khô giòn vang lên. Lập tức lũ
còng gió từ các hang hốc túa ra giương những cặp mắt đen ngơ ngác nhìn kẻ phá
rối cảnh giác. Anh chỉ kịp thốt lên "Xin chào !" là chúng chạy biến
vào trong be thuyền bằng những cặp chân lênh khênh. Để lại trên cát những dấu
chân như những kí tự bí hiểm trên một lăng mộ cổ xưa. Anh đứng im một lúc,
chua chát thấy mình như những con còng gió, nửa đời lông bông và xê dịch mãi
mà chẳng đâu vào đâu. Lũy chọn một tán dương thấp loà xoà và "đóng
trại" một mình. Anh bó gối nhìn ra biển với mắt nhìn của cá. Đăm đăm,
không chớp. Buổi sáng hôm mới về chị Hân trêu Lũy khi anh đòi ra biển ngay :
"Nhớ ghê rứa à !" Bây giờ một mình với biển, Lũy không biết mình có
hiểu biển không khi anh đã từng đối diện những ngày nắng, ngày mưa, những đêm
im, những lần biển điên cuồng giông bão ? Lũy lấy chiếc vỏ ốc từ trong túi
che tay áp vào miệng lấy hơi và thổi. Âm thanh u u u… nghe buồn buồn như
tiếng tù và của một ngày xưa nào đó. Buổi chiều biển từ màu xanh cô-ban
chuyển dần sang màu thiên lý, sóng chồm lên trắng xoá, dữ tợn. Cát sạch bong,
rủ rê. Anh uống hết mấy lon bia và nằm xuống. Muốn ngủ mà không thể. Biển cứ
ầm ì phiên khúc. Lũy mơ hồ nghe tiếng bọn trẻ con reo hò xa xôi giữa chiều
làm anh nhớ lại. Đó là những chiều lộng gió cát đồi bay rào rào trên miền cỏ
gai tua tủa như lông nhím, cuốn đi những bông cỏ khô vàng lông chông trong ký
ức làm vang dậy tiếng cười và rất nhiều đôi chân trần không biết mõi chạy
theo suốt một thời thơ dại như những sải chân của loài ngựa biển rong về miền
vô định. Hay buổi sáng xám lạnh mùa đông Lũy cùng chị Hân xuống chơi xóm chài
phía dưới, mê mải nhìn lũ trẻ con hồn nhiên nô đùa trên cát quanh những người
già ngồi trầm ngâm vá lưới trước hiên nhà, bên cạnh mấy chiếc thuyền lật úp
chờ tu sửa để sẵn sàng cho một chuyến hải trình mới hoặc có khi say mê đứng
coi những người biển, đàn ông lẫn đàn bà da nâu bóng đang kéo thuyền từ bãi
xuống mép nước với một sự nhẫn nại phi thường giống như một trích đoạn trong
bức Những người kéo thuyền trên sông Vônga của Rê-pin1.
Chị Hân nói xóm chài đã thay đổi. Điều ấy làm Lũy buồn dù là một thay đổi đẹp. Ngày đó và cả bây giờ Lũy rất thích cái cảm giác bình yên khi một mình lang thang qua những bãi lưới giăng phơi trong nắng, nghe vị mặn thở ra từ những bó dây thừng xơ xác, từ những trụ gỗ săn cứng lại vì nước biển được chôn trên cát hoặc gác ngang làm cây phơi. Đôi khi anh thấy mình như chiếc phao nhựa màu xanh đỏ, đánh đu cuộc đời trên những mắt lưới, đến một ngày rơi ra trôi dạt về bến bờ lạ. Lũy thích ngắm mấy cô gái làng chài da ngăm, dáng đậm đà, mông nở và tròn khiêng lưới ngang qua anh hồn nhiên cười nói cũng như anh vẫn chưa quên cái cảm giác kéo lưới đêm với những người dân chài. Kéo chỉ vì thích. Cũng gồng mình, dạng chân, trì níu rồi hò dô như một ngư phủ thực thụ tuổi mười lăm và nhất là để được sờ tay vào những chú cá trắng phau giãy đành đạch trên lưới như chạm tay vào linh hồn của biển. Lũy đã cảm nhận được cái hồn hậu, thuần phác và rất vô tư của một cuộc sống mà sự cầu toàn chưa từng tồn tại trong ý niệm của những con người bốn mùa sống giữa trời cao biển rộng này. "Lũy ơi! về đi !" Tiếng chị Hân gọi từ dưới xa. Tự dưng anh muốn được một mình trên đồi, giữa không người, như nỗi cô đơn tự thân vốn thường có trong anh, chợt trỗi dậy giữa chiều hôm nay. Buổi chiều thức dậy, sóng vỡ oà dưới chân tôi, hoa muống xưa tím quanh chỗ tôi nằm, nồng nàn cát ấm. Chị Hân vừa đi lên vừa hát. Lời ca bay trong chiều tối, tha thiết buồn. "Không đói à ?" "Em ngủ quên. Mấy giờ rồi chị ?" Lũy hỏi. "Đèn thắp ngoài kia rồi kìa !" Lũy nhìn ra phía biển thấy ngọn đèn đầu tiên trên những giàn lưới rớ giăng ngoài khơi đã được thắp lên. "Sao chị biết em ở đây mà tìm ?" Lũy nhìn dáng mảnh mai của chị Hân và hỏi. "Bộ Lũy nghĩ chị quên những lối đi của Lũy rồi sao?" Chị Hân nói khi hai chị em xuống đồi. Lũy nghe rất khẽ đằng sau tiếng nhành dương liễu khô rụng gãy trong một ngày sắp hết.
3. "Lũy có thấy ngọn
hải đăng cũ không ?" Theo tay chị Hân chỉ, một trụ đá đứng cô độc bên
kia núi, chênh vênh trong chiều. Thủa bé, nửa đêm Lũy thường trốn ra biển
ngồi nhìn ánh sáng của ngọn đèn biển rực rỡ trên cao giữa muôn vàn ánh đèn
lấp lánh của những con tàu đánh cá neo đậu ngoài xa và mơ ước một ngày nào đó
sẽ được đặt chân lên chót vót của cây trụ đèn mà nhìn ra đại dương. Mãi đến
nhiều năm sau chiến tranh hai chị em mới leo lên được ngọn hải đăng lúc ấy đã
bỏ hoang. Ngọn đèn đã bị tháo dỡ. Trên sàn và gờ tường la liệt những tổ chim
biển. Phân chim bám đầy trên tay vịn cầu thang bằng sắt đã hoen rỉ. Bức tường
đá mốc trắng. Lũ chim biển kêu inh ỏi. Và đầy gió. "Chị còn nhớ những
con chim biển không ?" "Chim biển nào ?" Chị Hân ngơ ngác.
"Thế mà ngày xưa chị đã khóc sưng mắt vì những chú chim con !" Chị
Hân bật cười giòn tan : "Từng ấy năm rồi còn gì !" Lũy nhớ buổi
chiều hôm ấy chị Hân bị ba đánh cho một trận đòn nên thân vì dám rủ Lũy lấy
thúng chai bơi qua vụng biển ra ngọn hải đăng. Ba sợ vụng biển sâu dưới chân
núi. Hai hôm sau mấy chú chim lấy về từ ngọn đèn biển đã chết. Lũy thấy buồn
cười khi chị Hân đem chúng ra chôn trên gò cát. Thật lạ. Hôm ấy trời mưa. Bây
giờ chị Hân đã quên còn Lũy thì nhớ mãi dáng ngồi lặng câm của chị trước hai
ngôi mộ bé được trang trí bằng những bông hoa muống biển tím và lời chị nói :
"Những con chim sẽ không bao gìơ còn lớn để bay ra khơi". Thời gian
đã làm cho con người thay đổi. Cuộc sống áo cơm khiến kỷ niệm trở nên xa vời.
Tự dưng Lũy thấy ngọn hải đăng xám xịt buồn tẻ và cứ tiếc mãi thủa hai chị em
chơi thân nhau như hai người bạn. "Lũy kể một cái gì về Cao Nguyên, về
Lũy đi !" Tiếng chị Hân mơ hồ trong gió biển. Biết kể gì. Lũy xoá những
hình vẽ cây rừng nguệch ngoạc trên cát và trả lời theo một cách khác :
"Một nửa em để ở Cao Nguyên, một nửa chưa bao giờ rời xa nơi
đây". Chị Hân cười khúc khích vì cách nói văn vẻ của cậu em. Lũy không
muốn nói anh yêu Cao Nguyên như yêu vùng duyên hải này. Và chị Hân cũng không
biết Lũy từng nhớ biển những ngày anh sống trên núi cũng như bây giờ anh đang
hình dung ra tiếng mưa trên thảo nguyên lao xao hoa vàng, những bãi bờ lau
lách dạt, con đường mịt mù bụi đỏ và đêm huyền hoặc trăng. Lũy thấy mình tham
lam và đa cảm. Anh nheo mắt cố tìm bóng một cánh buồm trắng nhưng không thấy
gì ngoài đường trời và biển giáp nhau phẳng lỳ. "Về đi !" Chị Hân
nói vá kéo tay Lũy đứng dậy.
Như ngày xưa mỗi khi ở biển chuẩn bị về, chị Hân hô to một, hai, ba là hai chị em cùng chạy xem ai về đến nhà trước. Lần này thì không ai chạy nhưng Lũy vẫn nhớ như in cái cảm giác cát lầm dưới chân, níu bước chạy cho đến lúc mỏi nhừ ngã lăn ra cười vang rồi vùng dậy chạy tiếp. Hai chị em đi chậm trong rực rỡ hoàng hôn biển. Lũy vục chân xuống cát. Cát ấm. Và Lũy như còn nghe tiếng cười của chị Hân vỡ ra, tan chìm vào sâu trong những con sóng.
4.
Anh ngồi nơi quán Diễm. Một cái tên rất gợi. Từ ngã tư này có thể nhìn
suốt con đường có hai hàng cây long não cổ thụ xanh ngắt lá già thân dán đầy
những tờ quảng cáo. Lũy ngồi đây vì ngày xưa anh và tụi bạn thường ngồi. Hình
như người ta ngồi quán cà phê vì một lý do nào đó. Không nhất thiết phải là
cà phê ngon. Một kỷ niệm. Có khi đơn giản là một chỗ ngồi. Bạn bè của Lũy hầu
như chẳng còn ai. Phiêu dạt hết. Còn anh bây giờ về ngồi đúng chỗ ngày xưa,
nơi thành phố biển này. Lũy cảm tưởng như đang chạy trên một đường tròn khép
kín, không có điểm dừng rồi chợt thấy mình bắt đầu từ điểm khởi. Mới hơn ba
mươi mà sống hoài với quá khứ là điều không thể. Có vẻ già cỗi quá. Nhưng với
Lũy, anh thực sự trở vể bằng những hồi ức đầy ắp. Lũy hoài nhớ vì tương lai
của anh là chuổi dài phía trước có cả một quá khứ để đi tìm. Như nuôi một
khát vọng. Lũy nhận ra những chiếc ghế mây cũ được thay bằng ghế tựa cọng
Inox sáng loáng. Không còn những tình khúc anh thích. Những bài hát đã đi qua
một thời cùng anh. Một giọng ca nào đó hét lên trong máy, những đoạn giả
thanh, quá nhiều luyến láy và kỹ thuật. Lũy thấy không còn lý do gì để ngồi
lại đây. Anh để tiền lên bàn và rời khỏi quán. Giờ này chị Hân đang chờ
cơm. Lũy nhớ lời chị dặn nhưng không muốn về. Anh ghé vào ki-ốt điện thoại về
nhà và đi tiếp. Anh hình dung ra quán cà phê anh thường ngồi cùng bạn bè trên
phố núi, dưới một dốc sâu, khuất phố. Nơi có những bức tranh không tên vẽ
biển. Những hình cá quấn lượn nhau trên những dải mơ mộng lãng đãng màu sắc u
trầm, những miền mong manh sáng như hồi ức và lớp lớp rong rêu quyến luyến
như trói buộc phận người. Bạn anh gọi là Mùa yêu , là Cõi
và bầycòn anh gọi những bức thông điệp ấy với một cái tên dài Ám
ảnh biển của một người ở núi. Ở đấy anh có thể nghe Phúc âm buồn, Ru
đời đi nhé hoặc Chiếc lá thu phai2 qua
giọng ca Khánh Ly và ngồi lặng với một chút chán chường phố thị mà không bị
quấy rầy. Lũy đi hết con đường. Hốt nhiên anh nghe bầy ve tấu lên trên hàng
cây giữa phố. Giọng kim cao gắt. Anh đã quen nghe cung bậc trầm buồn của lũ
ve núi ồ ề. Bất chợt lảnh lót, bất chợt im. Một giọng rồi cả dàn hợp xướng.
Anh gọi đó là khúc biến tấu buổi chiều.
5. Chị Hân muốn làm một bữa ăn ngon
đãi Lũy trước khi anh về lại Cao Nguyên. Buổi chiều Lũy chở chị Hân đi chợ và
nghe chị dặn dò đủ thứ giống hồi anh còn nhỏ. Đi chợ bao giờ Lũy cũng thấy
mình nhỏ dại. Anh ngắm nhìn những dãy hàng hoá vui mắt rồi chọn mua một vỏ ốc
gai to tướng và bỏ ngay vào túi. Anh muốn một kỷ niệm. Chị Hân cười :
"Lũy định mang biển lên núi à ?" Lũy cũng cười : "Định mà
không mang hết được" Lũy chở chị Hân chạy lòng vòng trên phố, tìm lại
ngôi trường Thái Phiên trên đường Trần Cao Vân hồi hai chị em cùng học. Mùa
hè trường vắng, từng vòm phượng đỏ rực lên trời làm anh nhớ: Lần đầu
ta ghé môi hôn/ Mấy con ve nhỏ hoảng hồn kêu vang/ Vườn xanh cỏ biếc trưa
vàng/ Nghìn cây phượng vỹ huy hoàng trổ bông3.Những câu thơ
bay ngang qua trỉ tưởng như bóng mây. Anh đứng nhìn một lát rồi bỏ đi. Ngang
qua khu cổ viện Chàm nghe gió reo trên lá, tưởng mưa đang rơi trên một huyền
sử buồn. Tìm mãi mà không thấy "Thư quán", nơi ngày xưa anh thường
thuê truyện kiếm hiệp lén mang vào lớp đọc say mê. "Đường bây giờ khác
quá, rộng và đẹp đến cả chị mà cũng không nhận ra" Chị Hân nói một mình.
Lũy thấy hàng dãy cao ốc mọc lên và hai bên đường trồng rất nhiều cây non
xanh mướt ngang đầu. Anh chạy chậm, dõi tìm những mùa hoa cũ trên phố nhưng
không thấy. Không còn hoa điệp vàng, hoa me tây, khuynh diệp và hàng cây nhạc
ngựa của ngày nhỏ anh đi học qua đây. Rồi hai chị em ra bờ sông ngồi hàng giờ
nhìn những con tàu trắng vào cảng và trông nắng lấp loá trên bến sông gió
mặn.
Khuya Lũy
lại ra biển. Anh muốn ngồi với một trăng khuya trên bãi nhưng trời chỉ đầy
sao. Mọi thứ nhờ nhờ tối như phim âm bản. Chỉ cát là trắng chói chang trong
đêm là chờ đợi. Anh nằm trên một chiếc thuyền úp không xa mép nước, bất động
nhìn ra. Mùi nhựa chai của con thuyền mới sửa bốc lên thơm nức.
Ngoài xa muôn nghìn ánh đèn lung linh đẹp tuyệt vời. Lũy căng mắt nhìn nhưng phía ngọn hải đăng chỉ là một vùng tối. Khi không còn ánh sáng, nó đã thực sự chết. Có ai đó đi trong đêm, tiếng chân dịu dàng trên cát, rồi im lặng. Những người tắm biển khuya đã về hết. Ngày mai, anh không thể mang biển theo, dẫu ngông cuồng và lãng mạn. Biển có đời biển. Chỗ của anh bây giờ ở một nơi rất xa nơi đây. Công việc bận rộn ở cơ quan, các bản vẽ và hàng giờ bên máy tính. Những chuyện tình đi qua. Một thời mê say đã nguội lạnh dần. Chỉ còn biển. Lũy cứ nghe sóng tràn bãi, dỗ anh. Lũy thấy mình như mắc nợ mà không thể trả. Đêm này chị Hân sẽ không ra tìm gọi anh về. Anh nói dối là sẽ về muộn và dặn đừng khoá cửa. Chị sẽ không đồng ý khi biết anh thức suốt để chờ mặt trời. Đêm biển lạnh, chị sợ căn bệnh phổi ngày xưa của Lũy tái phát. Chắc chị chưa quên thủa áo Lũy còn xanh, dáng Lũy gầy gò, mùa đông và những cơn ho xé phổi. Lạy trời, sáng mai chị Hân đừng có cằn nhằn. Với chị, anh mãi chỉ là một cậu bé.
Lũy im như bãi
nhưng lòng anh muôn nghìn con sóng xô như một ngày biển động.
Krông Bông, tháng 4 năm 2004
1. Rêpin- Họa sĩ Nga nổi tiếng
2. Những tình khúc của Trịnh công sơn
3. Thơ Trần Dạ Từ
|
Thứ Năm, 6 tháng 11, 2014
Cát đợi
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh
Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...
-
Vài nét về văn học Đông Nam Á Đặc điểm của văn học Đông Nam Á (ĐNA) Nói đến văn học Đông Nam Á là phải nói đến sức m...
-
Cảm nhận về bài thơ một chút Kon Tum của nhà thơ Tạ Văn Sỹ “Mai tạm biệt – em về phố lớn Mang theo về một chút Kon Tụm”… Vâng...
-
Mùa thu nguồn cảm hứng lớn của thơ ca Việt Nam 1. Mùa thu Việt Nam nguồn cảm hứng trong nghệ thuật Mùa thu mùa của thi ca là m...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét