Hiện tượng "Bài Thánh Ca buồn"
Lê Hải Đăng
Cùng với Silent Night, Jingle Bells, We wish you a merry
Chrismas…, “Bài thánh ca buồn” cũng là một trong những ca khúc phổ biến vào mùa
Giáng sinh. Dường như đã trở thành thông lệ, hàng năm cứ mỗi dịp gần Noel,
chúng ta lại nghe thấy giai điệu quen thuộc của “Bài thánh ca buồn” vang lên
khắp nơi, từ chiếc đầu đĩa trong những chòm xóm nhỏ đến tụ điểm ca nhạc, hay
chiếc xe bán đĩa dạo – một dạng “thiết chế” văn hóa lưu động - nhan nhản ở
thành phố. “Bài thánh ca buồn” ngẫu nhiên trở thành bản “Thánh ca” thế tục, len
lỏi vào tâm thức người dân đô thị còn quen thuộc hơn cả Thánh ca trên Giáo
đường Nhà thờ. Song, vấn đề nằm ở chỗ “Bài thánh ca buồn” chưa bao giờ là Thánh
ca.
1. Vài nét về xuất xứ ca khúc
“Bài thánh ca buồn” vốn là một sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Vũ. Ông
sáng tác ca khúc này vào năm 1972 và được hãng đĩa Sơn Ca mua độc quyền, ca sĩ
Thái Châu là người đầu tiên thể hiện. Các ca sĩ hát thành công ca khúc này còn
có Khánh Ly, Elvis Phương và Quang Minh... Trong một kỳ game show Trò chơi âm
nhạc phát trên truyền hình, những người làm chương trình từng coi “Bài thánh ca
buồn” là một bản Thánh ca! Song, sự thực “Bài thánh ca buồn” là một bản Tục ca,
nói cho chính xác thì là Tình ca. Cho dù tiêu đề có từ “Thánh ca”, chúng ta
cũng dễ dàng nhận ra, đây chỉ là một hình ảnh ẩn dụ. Tiềm ẩn đằng sau tiêu đề,
lời ca, từ cấu trúc tác phẩm, giai điệu cho tới tính chất âm nhạc… đều toát lên
những đặc trưng xác định thân phận không phải Thánh ca của nó.
2. Tác phẩm và
những mối liên quan
“Bài Thánh ca buồn” viết ở hình thức Ba đoạn đơn (aba’), một cấu
trúc thường gặp trong nhiều bản Tình ca và ca khúc trữ tình. Bản Tình ca
(Romance) của nhạc sĩ kiêm nghệ sĩ đàn Guitar Gomez nổi tiếng cũng viết ở hình
thức này (có nhiều nghiên cứu cho đây là tác phẩm khuyết danh). Những ca khúc
khác cùng thể thức được nhiều người biết đến có thể kể: “Bản tình ca cho
em” của Ngô Thụy Miên, “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ, Dạ Cầm, “Hoài thu” của
Văn Trí”, “Những điều muốn nói” của Lê Hựu Hà, “Rong rêu” của Nhật Ngân, “Cô bé
ngày xưa” của Hoài Linh…
Hình thức ba đoạn đơn có một đặc điểm, trong đa số trường hợp,
đoạn a’ tái hiện không hoàn toàn đoạn a. Sự tái hiện đó có ý nghĩa rất quan
trọng, nó giúp cho tác phẩm đạt tới tính hoàn chỉnh, thống nhất về mặt cấu
trúc. Theo đó, đoạn a’ tái hiện không mang ý nghĩa phục hồi nguyên dạng, mà
đóng vai trò kết cho một ý tưởng âm nhạc. Song, ở đây không cố đi sâu vào phân
tích hình thức, cấu trúc, cùng nhiều yếu tố làm nên phương tiện biểu hiện trong
một tác phẩm âm nhạc, mà muốn đặt nó trong những hệ quy chiếu khác. Vì, một ca
khúc nổi tiếng vào thời điểm mới ra đời, rồi tiếp tục vượt qua sự thử thách của
thời gian một cách thắng lợi để trở thành hiện tượng văn hóa như “Bài thánh ca
buồn” chắc hẳn phải chứa đựng nhiều “nhân tố” mang giá trị nghệ thuật, nhân
văn, thẩm mỹ, lịch sử, văn hóa… điều khiến cho tác phẩm phẩm có khả năng vượt
thời gian, (ít nhất gần 40 năm) và không dừng lại ở một thời vang bóng? Đối với
một tác phẩm nổi tiếng, chúng ta không chỉ xem xét, khẳng định khía cạnh tài
năng của người sáng tác, mà còn phải quan tâm tới những nhân tố làm nên sở
thích ở người nghe.
Trước hết, chúng ta thử xem xét ca khúc “Bài thánh ca buồn” trong
mối quan hệ với Thánh ca. Thánh ca hiểu một cách đơn giản là những bài hát sử
dụng trong Thánh lễ thuộc phạm trù Thánh nhạc. Thánh ca bao gồm tập hợp đa dạng
những bài hát ngợi ca Chúa, Đức mẹ, Chúa ba ngôi… mang nhiều nội dung khác nhau
tương ứng với từng thể tài sắp theo chức năng và phạm vi phản ánh, như: Bộ lễ,
Chúa ba ngôi, Đức mẹ, Các Thánh, Cha mẹ, Gia đình, Thiếu nhi, Nhập lễ, Dâng lễ,
Ca nguyện, Hiệp lễ, Thánh thể - Thánh tâm… Các bài hát thuộc những thể loại
trên dù khác nhau về ngôn ngữ âm nhạc, nội dung phản ánh, hình thái diễn xướng…
nhưng đều có chung một đặc điểm là Tụng ca. Còn “Bài thánh ca buồn” của nhạc sĩ
Nguyễn Vũ lại là một bản Tục ca. Nó chưa bao giờ lọt vào danh mục những bài
Thánh ca cả. Nếu như chúng ta tạm thời tiếp nhận ca khúc ở nội dung lời ca,
ngay từ câu mở đầu “Bài thánh ca đó còn nhớ không em?” đã cho thấy “Bài
thánh ca buồn” này không phải là “Bài thánh ca đó…”. Và theo lời tự bạch của
nhạc sĩ Nguyễn Vũ, Bài thánh ca đó nhằm chỉ ca khúc “Đêm thánh vô cùng”, một
bản Thánh ca đích thực còn có tên là “Silent Nigh” của Franz Gruber. Cái tên
“Bài thánh ca buồn” có chăng chỉ đơn giản là một tiêu đề của bản Tình ca thế
tục. Đây cũng chẳng phải một thuật ngữ chỉ loại hình hay xác định chức năng thể
tài trong âm nhạc. Xuất phát từ sự ngộ nhận về Tiêu đề mà nhiều người đã lầm
tưởng một bản Tình ca thành Thánh ca, cứ ngỡ rằng “Bài thánh ca đó” là bài “Bài
Thánh ca buồn” này.
Như trên đã đề cập, Thánh ca dù có thay đổi về tính chất, nội
dung, hình thức âm nhạc… đến đâu thì đặc trưng cơ bản của nó (xét về mặt nội
dung) vẫn phải là Tụng ca. Với những câu “Lời nguyện cầu Chúa có hay không?
Sao bây giờ mình hoài xa vắng. Bao nhiêu đêm Chúa xuống dương gian, bấy nhiêu
lần con (anh) nhớ người yêu” phảng phất nỗi hờn trách Chúa hơn là ngợi ca.
Và việc chuyển hóa đặc trưng từ mục tiêu ngợi ca sang hờn trách Chúa như ở ca
khúc “Bài thánh ca buồn” là điều tối kỵ, thậm chí không thể xảy ra trong Thánh
ca.
Trong ca khúc nói chung và nhạc có tiêu đề nói riêng, tiêu đề cho
phép người ta có những liên tưởng nhất định, song liên tưởng không có nghĩa
liên hệ tương ứng với thân phận tác phẩm. Ví dụ, ca khúc Ave Maria của nhạc sĩ
thiên tài người Áo Franz Schubert với hình ảnh Đức Mẹ thuần khiết, thánh thiện
ẩn hiện trong trí tưởng tượng người nghe, theo một giai thoại được hóa thân từ
xúc cảm của tác giả về cuộc tình với cô gái điếm! Ở đầu nút “vô phân biệt”
trong sáng tạo nghệ thuật, mọi điều đều có thể xảy ra! Yếu tố lãng mạn có thể
đi từ siêu việt nội tại đến siêu việt ngoại tại. Còn ở ca khúc “Bài thánh ca
buồn”, chừng như không có một sự liên hệ nào với Thánh ca, từ lời ca cho đến
ngôn ngữ âm nhạc. Tính chất âm nhạc của nó thực sự có sự ràng buộc với bối cảnh
âm nhạc của tầng lớp thị dân Sài Gòn trước 1975.
2.2 Dấu ấn của thời đại Slow Rock
Trước năm 1975, đời sống âm nhạc đô thị Sài Gòn diễn ra khá phổ
biến ở những nơi công cộng, như Vũ trường, Phòng trà… Đó là thời đại của những
ca khúc mang âm hưởng Bolero, Tango Argentina, Rumba, Chachacha và Slow Rock...
Mỗi thời đoạn lịch sử đều có những dạng thức âm nhạc nổi lên thành giá trị mang
tính thời thượng, tượng trưng cho thẩm mỹ thời đại. Bolero, Slow Rock… từng ngự
trị trong đời sống âm nhạc đô thị Sài Gòn trước 1975, mà mục đích gắn kết với
nhu cầu phục vụ khiêu vũ, những điệu nhảy được quần chúng yêu thích. Những năm
80 thế kỷ XX người ta vẫn chưa thể quên âm điệu Disco, nó trở thành giá trị
thẩm mỹ mang tính thời thượng của thời đại ấy. Đến thập niên 90 theo xu hướng
lui dần về thời hiện đại, sở thích bắt đầu đa dạng hơn, song trên đỉnh chóp của
thị hiếu phổ biến, người ta khó thể phủ nhận được Hip hop, Rap, R&B…
Và ca khúc “Bài thánh ca buồn” chừng như đã gắn chặt với âm hưởng
của tiết tấu Slow Rock. Dù rằng nhạc sĩ phối khí có thể thử nghiệm trên nhiều
style khác nhau thì âm hưởng Slow Rock vẫn theo đuổi nó như hình với bóng. Sự
sáng tạo biến đổi theo thời gian để phù hợp thị hiệu đại chúng, song âm hưởng
Slow Rock tuồng như đã trở thành “Bản lai diện mục” của “Bài thánh ca buồn” -
nơi hiện tại và quá khứ gặp gỡ nhau! Đương nhiên, chúng ta không thể tuyệt đối
hóa vai trò của điệu (style), một phương diện thuộc về sự lựa chọn của người
phối khí, có điều, như đã đề cập, một ca khúc được yêu thích ở tại thời điểm
mới sáng tác buộc phải xem xét mối quan hệ tương tác giữa nó và người thưởng
thức, nói cách khác là phải tìm hiểu khía cạnh thẩm mỹ đại chúng.
“Bài thánh ca buồn” viết ở giọng la trưởng, giai điệu không thấy
xuất hiện các nốt hoa mỹ, tô điểm, cho dù lời ca có những câu thể hiện nỗi
buồn, như: “Giọng hát em mênh mông buồn”, “Tiếng thánh ca buồn vang trong đêm
tối, nhớ quá đi thôi giọng hát ai buồn. Đêm thánh vô cùng lạnh giá hồn tôi”;
cộng thêm Tiêu đề buồn, thì hầu hết các bản phố khí cho ca khúc này vẫn chuyển
tải qua kiểu đệm “xập xình” của Slow Rock “vang bóng một thời”... Việc chịu ảnh
hưởng âm điệu Slow Rock đã khiến cho ca khúc có một kết cấu cân phương theo chu
kỳ của điệu (style). Chẳng phải ngẫu nhiên mà hàng loạt ca khúc mang âm hưởng
Slow Rock thời kỳ trước 1975 có nhiều điểm tương đồng, như đều bắt đầu bằng
nhịp lấy đà, cuối câu thường sử dụng nốt tròn, không sử dụng các nốt hoa mỹ,
như ca khúc “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ, Dạ Cầm, “Phút cuối” của Lam Phương,
“Nếu một ngày” của Khánh Băng, “Lời cuối cho em” của Nguyễn Vũ, “Lệ đá” của
Trần Trịnh, Hà Huyền Chi…
2.3 Thói quen thưởng thức dựa theo cốt truyện
Người Việt nói chung đều thích nghe hát. Ngay cả đối với những
loại hình nghệ thuật Tổng hợp như Tuồng, Chèo, Cải lương, Hát bài chòi, Hát bả
trạo, Hát đưa linh, Hát bóng rỗi… đều gọi chung là Hát, cho dù trong đó hội tụ
rất nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, như ca, múa, nhạc, nói lối, ngâm thơ,
trò diễn… Người nghe thường tiếp nhận ngôn ngữ biểu hiện của tác phẩm thông qua
giai điệu, lời ca và có thói quen thưởng thức nội dung (lời ca) bằng một kết
cấu dạng truyện. Ở những ca khúc có kết cấu lời hát dạng truyện, tác giả trở
thành người kể chuyện dấu mặt và đặt vào tác phẩm nội dung mang tính chất kịch
bản. Những ca khúc nổi tiếng như “Cô láng giềng” của Hoàng Quý, Hoàng Phú, “Dạ
cổ hoài lang” của Cao Văn Lầu, “Hàn Mặc Tử” của Trần Thiện Thanh, “Chuyện tình
Lan và Điệp”, “Lan và Điệp 3” của Mạc Phong Linh, Mai Thiết Linh… đều có đặc
điểm này. Màu sắc “tiểu thuyết” ở “Bài thánh ca buồn” tuy có phần nhạt nhòa,
nhưng nội dung lời hát vẫn thể hiện rõ tính chất kể chuyện hay “Tự truyện” với
trục thời gian phản ánh mang tính đa chiều, đan xen giữa quá khứ và hiện tại.
Dạng kết cấu này đã tiếp nối tư duy thẩm mỹ của nghệ thuật tổng hợp truyền
thống, thỏa mãn được thói quen thưởng thức của người dân đương đại.
Trong tiến trình đa dạng hóa phương tiện biểu hiện của nghệ thuật
ca khúc, lối thiết kế Video Clip ca nhạc nhiều năm trở lại đây rõ ràng có một
sự trở lại của lối trình bày ý tưởng thông qua kết cấu dạng truyện hoặc “Tự
truyện”. Khoảng trước 1990, ca khúc thường chỉ chú trọng việc chuyển tải nội
dung nghệ thuật qua kênh Nghe, mà ít quan tâm tới kênh “Nhìn”. Cách trình bày
dạng truyện đã bổ khuyết cho những thiếu sót mà ca khúc chưa thể vượt qua khi
đặt trong bối cảnh của thói quen thưởng thức truyền thống. “Bài thánh ca buồn”
cũng không phải là một trường hợp ngoại lệ. Tác giả, nhạc sĩ Nguyễn Vũ ngay từ
đầu đã đặt vào tác phẩm một kịch bản mang tính Tự truyện về cuộc tình đầu đời
của mình và chuyển tải nó thông qua ngôn ngữ âm nhạc.
3. Quá trình bản
địa hóa ngày lễ Noel
Lễ Noel và những hoạt động chào mừng đi kèm xuất phát từ ảnh hưởng
của văn hóa Cơ đốc giáo. Ban đầu chắc hẳn nó chỉ diễn ra trong phạm vi tín đồ
Cơ đốc (cộng đồng giáo dân), sau mới phổ biến ra ngoài chốn dân gian. Thế
nhưng, cộng đồng giáo dân tham gia vào lễ Noel theo những quy phạm của tôn
giáo. Nó thực sự mang tính chất nghi lễ. Còn người dân nói chung chỉ đi chơi
Noel, chứ không theo lễ Noel. Đối với họ, Noel là một ngày Hội (chứ không phải
ngày Lễ). Giữa Lễ và Hội đương nhiên có sự khác biệt nhau. Lễ chú trọng chức
năng nghi thức, còn Hội thiên về tính chất giải trí. Nhạc lễ Noel có Thánh ca
trên Giáo đường nhà Thờ với nội dung ngợi ca Chúa, Đức Mẹ... Còn nhạc Hội Noel
của người dân không theo tín ngưỡng đương nhiên phải là một dạng thức vừa không
thuộc Thánh ca, vừa không thể tách rời khỏi bối cảnh văn hóa ngày lễ nhằm thỏa
mãn nhu cầu thụ hưởng không khí ngày hội. Trong bối cảnh đó, “Bài thánh ca
buồn” đã phản ánh, thỏa mãn được nhu cầu tinh thần này. Trong tín ngưỡng, Chúa
thuộc về Đấng suy tôn của các tín đồ. Còn trong trần thế đa đoan, tình yêu chẳng
khác nào thứ “tôn giáo” trường tồn qua lịch sử. Và hình bóng mơ hồ của “một
nửa” kia trong mỗi chúng ta thực sự cũng mang giá trị biểu trưng, không kém
phần thiêng liêng, cao cả… Hai bản thể trên chẳng hề mâu thuẫn, loại trừ nhau,
mà cộng tồn trong một bản thể văn hóa theo xu hướng ngày càng bao dung hơn.
Quan sát trên thực tế từ nhiều năm nay, người dân nói chung vẫn thường nghe
“Bài thánh ca buồn” vào mỗi dịp Noel. Và tính chất lễ hội đã trở thành tập quán
bất thành văn, thậm chí người ta chỉ nghe “Bài thánh ca buồn” vào dịp Noel và
sau đêm Noel 24/12 chẳng ai còn nghe nữa!
Xét ở khía cạnh khác, lễ Noel là một dạng thức văn hóa du nhập,
song khi đã nhập vào nước ta, đến lượt nó lại chịu quy định bởi những tác nhân
thuộc về đặc trưng truyền thống. Sau khi trải qua quá trình bản địa hóa, những
giá trị văn hóa ngoại lai có khả năng thẩm thấu, thấm sâu hơn vào đời sống tinh
thần. Ngay cả cộng đồng giáo dân, từ lâu đã không còn hát Thánh ca du nhập, mà
đã “bản địa” hóa bằng Thánh ca “nội sinh”, Thánh ca do các linh mục, giáo dân
sáng tác. Trong đời sống thường nhật quá trình bản địa hóa văn hóa ngày lễ du
nhập còn diễn ra một cách đa dạng, tích cực hơn. Cũng giống như vào dịp Tết,
bên cạnh ca khúc “Happy new year” nổi tiếng của nhóm ABBA, người dân vẫn nghe “Xuân
đã về” của Minh Kỳ, “Xuân và tuổi trẻ” của La Hối, Thế Lữ, “Ngày tết quê em”
của Từ Huy, “Lắng nghe mùa xuân về” của Dương Thụ, “Phút giao thừa lặng lẽ” của
Anh Quân, Huy Tuấn… Quá trình bản địa hóa văn hóa ngày lễ du nhập này còn
tiếp tục diễn ra và không ngừng bổ sung thêm nhiều ca khúc mới.
Thay lời kết
Đã 40 năm kể từ khi ca khúc “Bài thánh ca buồn” ra đời, đến nay nó
vẫn tiếp tục được nhiều người nghe, thích và thế hệ người nghe, hát và thích
đang trẻ hóa dần dần. Vấn đề này thực sự nằm ở thói quen văn hóa hay giá trị
văn hóa? Câu trả lời chắc hẳn trên cả hai bình diện. Những tác phẩm trường tồn
qua thời gian không tránh khỏi rơi vào thói quen văn hóa, nhưng trong thói quen
văn hóa ấy hàm chứa những giá trị nhất định. Còn có nhiều giá trị văn hóa chưa
hẳn đã trở thành thói quen văn hóa. Do đó, hiện tượng văn hóa trên trôi nổi
ngoài chốn thế tục, len lỏi và phổ biến trong cộng đồng cư dân đô thị. Bằng
phương thức lưu truyền kiểu Folklore hiện đại, “Bài thánh ca buồn” trở thành
một trong những ca khúc Pop được ưa chuộng. Người Việt Nam vốn thích nghe hát,
một thói quen thưởng thức, hưởng thụ nghệ thuật đã hun đúc từ những làn điệu
dân ca lưu truyền ngàn đời mà chủ yếu là những bản tình ca.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét