Thứ Ba, 4 tháng 11, 2014

Hoa tầm xuân nở muộn

Hoa tầm xuân nở muộn

 Chu Thị Thu Hằng     
Hoàng hôn loang lổ cánh đồng làng. Dải lúa đang thời con gái thơm nồng. Thi thoảng, một đôi cò trắng rập rờn rồi bỗng mất hút vào cái xanh thẳm vô tận. Bóng người đàn bà chênh vênh trong ráng chiều. Chị khỏa nước rửa chân ở con mương nhỏ, đưa tay khẽ khàng quệt những giọt mồ hôi lấm tấm trên vầng trán. Những sợi tóc mỏng manh đã tuột khỏi cái khăn vấn, lòa xòa dính vào khuôn mặt. Chị vén lại tóc rồi cắp cái mủng, bước lên bờ. Chị đi về phía đê.
Dưới chân đê, trâu bò thảnh thơi gặm cỏ. Còn lũ trẻ chăn trâu mặt đen nhẻm đen nhèm đang túm tụm bên đống than hồng nướng khoai vừa mót được. Những làn khói tinh nghịch bay lên rồi theo cơn gió cuối xuân ùa vào khắp cánh đồng. Tiếng cãi nhau chí chóe, tiếng cười nói râm ran, xao động. Người đàn bà lên đê, đứng tần ngần nhìn dòng sông lững lờ trôi. Dòng sông bầm đỏ trong hoàng hôn. Xa xa, một chiếc thuyền câu đang dập dềnh trên sóng nước. Chị khẽ nhắm mắt lại, hít một hơi thật sâu để cho cái không khí thanh sạch của buổi chiều quê tràn đầy vào lồng ngực chị. Thoang thoảng trong gió là hương tầm xuân cuối mùa. Chị mở mắt ra, lặng lẽ tìm những đóa tầm xuân muộn màng còn sót lại ven đê. Cứ nhìn thấy bụi tầm xuân nào còn hoa là chị lại như thầm reo lên, khuôn mặt rạng rỡ và đôi mắt lấp lánh như hai mươi năm về trước. Chị bỏ tất cả hoa ngắt được vào trong cái mủng rồi trở ra về. Lũ trẻ không để ý bởi từ lâu chúng đã quen với một người đàn bà như thế. Chị bước xa dần, xa dần dòng sông và con đê. Bóng chị lẫn vào bóng chiều.

Chị mở cái cổng tre, bước vào. Căn nhà nằm ủ dột trong thứ ánh sáng nhá nhem. Trống huơ trống hoác. Con chó vàng từ đâu chạy xổ ra mừng quýnh. Chị đặt hoa tầm xuân vào cái chậu ở trên mặt bể rồi rảy những hạt nước nhỏ li ti lên cánh hoa phớt hồng mỏng manh. Chị cắp cái mủng hoa, đẩy cánh cửa, vào nhà. Chính giữa là bàn thờ để ảnh cha mẹ chị và anh. Anh cười mỉm, điệu cười bẽn lẽn của người trai mới lớn. Còn gian bên cạnh kê một bộ bàn ghế gỗ đã bạc. Chị nhẹ nhàng mang những bông tầm xuân cắm vào một chiếc bình sứ thấp rồi đặt lên bàn. Căn nhà đang trống trải, giờ vương vít hương tầm xuân bỗng ấm áp lạ kỳ. Chị chong đèn lên, mặc dầu trời chưa tối hẳn. Cái quầng sáng nhỏ nhoi yếu ớt nhưng lại rực rỡ đến nhường nào. Bóng chị chờn vờn trên vách. Chị đi lại gian giữa, đến ngăn dưới của bàn thờ, đưa tay mở một chiếc hộp nhỏ bằng gỗ rồi run run lấy ra từ đó một phong thư có hình đôi chim bồ câu lồng trong một trái tim màu đỏ đã hoen đi vì thời gian. Lặng lẽ đi về phía ngọn đèn, chị đặt phong thư lên bàn, chậm rãi và nhẫn nại. Tuy lá thư đã xám xịt và ố vàng, chị vẫn nhận ra rất rõ những nét chữ của anh. Tươi nguyên như những tháng ngày tuổi thơ đọng lại trong tâm hồn chị.
…Cánh đồng chiều mùa hạ vàng rực. Tầm Xuân để trâu ăn cỏ thong thả ở chân đê. Cô bé ngồi ngắm nhìn cánh đồng làng rồi chợt ao ước giá nó là một tấm thảm biết bay. Cô bé sẽ ngồi lên đó và bay về phía bên kia sông, rồi lại theo dòng sông ra biển lớn… Bỗng gió mạnh từ đâu thổi tới, tung cát bụi lên mù mịt. Xuân hốt hoảng nhìn xung quanh. Một cơn giông ập đến. Những đám mây đen nặng trĩu tụ lại ở chân trời rồi từ từ bò lan ra khắp bầu trời mênh mông. Sấm vỡ ra từng chùm giòn tan. Chớp lao qua mây đen phóng xuống sáng rực. Xuân cuống cuồng kéo con trâu lao nhanh đến phía cây đa, cột con trâu vào một cái rễ đa to nhất xong thì những hạt mưa bắt đầu rơi. Lá đa rụng rào rào. Trong đầu cô bé chợt vang lên lời nói của bà nội: “Thần cây đa, ma cây duối”. Bất ngờ, một bóng đen lao về phía Xuân. Xuân hét lên kinh hãi. Thì ra, một cậu bé từ đâu chạy đến, hớt hơ hớt hải:
- Đi, ở đây thì ướt hết! Nhỡ có sét, nó đánh cho thì chết!
Nói rồi, cậu bé cởi tấm áo mưa lá khoác lên người Xuân và nắm tay cô lao nhanh về phía cánh đồng. Cậu kéo Xuân đến một túp lều trông cá để trú mưa. Vừa chạy vào trong thì ngoài trời, mưa ào ào đổ xuống. Hơi mưa lạnh phả vào mặt chúng, Xuân run rẩy ngồi nép góc lều. Tiếng cậu bé vang lên ấm áp: “Đừng sợ!”. Bên ngoài, mưa gió vẫn gào thét. Mái lều gianh quẫy lên phần phật. Mặt ao sủi bong bóng đục ngầu. Hai đứa trẻ lặng lẽ nhìn mưa. Tất cả như mờ dần…
Một vùng ký ức ùa vào lòng chị mát lành như cơn gió mùa hạ tràn vào cánh đồng.
Con chó vàng rên ư ử ngoài sân, cái đầu ghếch lên thềm chờ đợi. Bỗng nó nhổm dậy, vểnh cái tai lên nghe ngóng. Nó hướng vào trong nhà, thủng thẳng sủa vài tiếng. Vẫn không thấy chủ có phản ứng gì, nó sủa mau hơn và rối rít hơn. Người đàn bà nghe tiếng chó sủa, giật mình, quay ra mắng yêu:
- Gớm, gì mà sủa nhặng lên vậy hả cu cậu?
Nói rồi chị lặng lẽ cất phong thư vào cái hộp gỗ nhỏ ở ngăn dưới bàn thờ.
Đó là hành động thường ngày của chị.
Bước ra sân, những con gió ào tới xổ tung mái tóc chị. Trên nền trời thăm thẳm ánh lên những tia chớp ngoằn ngoèo. Những ngọn tre ở bụi tre ngoài cổng gù xuống rồi lại bật lên cót két. Chết, chả có nhẽ lại mưa! Mấy con gà ở đầu bếp cứ lục đục. Chị vội vã đi tới, đậy đụm lại cái chuồng gà thật cẩn thận. Con vàng cứ quấn vào chân chị mãi. Xong xuôi, chị vào bếp, quờ quạng tìm cái quẹt lửa rồi thắp ngọn đèn đặt lên chõng. Trước khi ra đồng, chị đã kịp tràm nồi cơm. Giờ sờ trên vung nồi vẫn còn ấm lắm. Chị mau chóng bưng nồi cơm vào cái rế rách, đặt lên chõng tre, sau đó ngả mâm và bày ra đĩa cá kho ở trong chạn. Chị xới hai bát cơm và lấy hai đôi đũa. Bên ngọn đèn, thấp thoáng bóng thành hai. 
Bỗng con vàng kêu lên ăng ẳng, co cẳng chạy vào hiên bếp, rùng mình để những giọt mưa rớt khỏi bộ lông. Chị ngừng ăn, đậy mâm cơm lại, thổi tắt đèn, cài cửa bếp và vơ cái nón chạy vội lên nhà. Bên trong, ngọn đèn phả một quầng sáng hắt hiu. Chị đóng cửa rồi ngồi lặng lẽ thở. Tiếng mưa gió xối xả trên mái ngói lạo xạo. Chốc chốc ánh chớp lại nhằng lên xanh lét qua ô cửa sổ. Bóng những bông tầm xuân dài ngoằng trên vách.
Chợt có những giọt tí tách rơi. Gần lắm, gần ngay bên chị. Chị khẽ rướn đôi tai lên lắng nghe chăm chú. Vẫn những giọt tí tách đều đều. Trong lòng bất an, chị cầm đèn đi đến gian giữa. Dưới ánh sáng chập chờn của ngọn đèn, chị hoảng hốt khi thấy những giọt mưa đang rơi xuống, vỡ òa trên bàn thờ. Thôi chết, nhà dột! Mấy hôm nay chị cứ thấy đàn bồ câu nhà cả Lý sà xuống mái ngói. Đích thị lũ chim làm hỏng mái rồi! Run run đặt ngọn đèn xuống, chị vội vã vái ba vái rồi dịch chuyển bát nhang và ảnh thờ sang một bên. Con lạy trời, lạy phật, con lạy mẹ lạy cha, em lạy anh độ trì mà đại xá! Bất ngờ, có tiếng đập cửa rầm rầm. Lẫn trong tiếng mưa và tiếng con vàng, chị nghe thấy bên ngoài kêu tên chị: “Chị Xuân ơi, mở cửa, tôi đây!”. Lòng chị đầy hoài nghi. Chị nhẹ nhàng đi đến bên cửa, cảnh giác hỏi vọng ra: “Ai?”. Tức thì bên ngoài có tiếng đáp lại: “Tôi! Nghĩa đây! Chị mở cửa cho tôi!”. Nhận ra người quen, người đàn bà vội vã mở then cửa. Người đàn ông luốt thuốt trong tấm áo tơi lá. Đầu đội chiếc mũ cối đã ngấm nước mưa nặng trĩu.
- Trời, mưa gió thế này anh sang đây làm gì cho khổ? - Chị cuống quýt.
- Tôi sang xem nhà chị có sao không. Gớm, cơn mưa to quá! Nhà tôi cũng bị dột hết cả, vừa phải đảo lại ngói rồi. Mà dạo này thấy lũ bồ câu nhà cả Lý hay đậu ở mái nhà chị, tôi đoán thể nào cũng có viên ngói vỡ hoặc xô - Người đàn ông ân cần đáp.
Chỉ chờ có vậy, người đàn bà tiếp lời ngay. Giọng đầy xót xa.
- Ối giời ơi, chúng nó làm hỏng hết ngói nhà tôi rồi anh ạ. Dột rồi! Mà lại dột ngay ở bàn thờ có chết không cơ chứ!
- Chết, lại thế cơ à? Nhưng thôi, chị không phải lo đâu. Để tôi xem sao! Chị cứ ở yên đó.
Nói rồi, người đàn ông lầm lũi đi về phía đầu hồi. Con chó vàng vẫn nằm ở hiên bếp, nhìn theo lặng thinh. Người đàn ông đỡ cái thang xuống rồi nhanh nhẹn mang ra đặt lên mái nhà. Dưới trời mưa xối xả, anh thoăn thoắt trèo lên từng bậc thang. Mưa tràn khắp người anh, thấm qua những kẽ áo tơi lá. Anh lên đến mái, cạy cục sắp lại viên ngói bị xô. Người đàn bà đứng ở dưới thấp thỏm chờ đợi. “Cẩn thận anh nhé” - Chị nói mà trong lòng đầy lo lắng.
- Chị xem đã hết dột chưa?
Giọng người đàn ông từ trên cao dội xuống.
Chị hồ hởi đáp lại:
- Hết rồi! Anh mau xuống đi. Cẩn thận!
Người đàn ông lại thoăn thoắt xuống thang và lầm lũi đi về phía đầu hồi cất thang. Người đàn bà lặng lẽ đặt lại bát nhang và ảnh thờ vào chỗ cũ. Chị vuốt ve khuôn mặt anh trên tấm ảnh. Mơ hồ cảm nhận hơi thở anh phả vào mặt chị như đêm cuối xuân nồng nàn ngày trước...
… Ánh trăng giãi trên mặt sông lấp lánh. Hương tầm xuân da diết nương theo cơn gió muộn thổi tràn bờ đê miên man. Xuân ngồi tựa đầu vào vai anh. Mái tóc chờn vờn trong gió. Thỉnh thoảng những sợi tóc mỏng manh lại phất vào mặt anh nhè nhẹ. Bàn tay nhỏ nhắn của cô nằm gọn trong tay anh nóng hổi. Cả hai cùng im lặng. Khuôn mặt cô được bao bọc trong hơi thở anh ấm áp. Anh xoay người lại, hai tay đỡ lấy bờ vai mảnh dẻ rồi nhìn sâu vào đôi mắt thăm thẳm và ngập tràn yêu thương. Cả hai vẫn lặng im, chỉ nhìn nhau như cố gắng thu vào trái tim và ý nghĩ tất cả những gì là của nhau. Đôi môi cô cháy bỏng trong nụ hôn mê đắm của anh. Hương tầm xuân ngập tràn và ánh trăng chếnh choáng. Ngoài xa kia, dòng sông dâng lên trong ánh sáng mơ hồ.
Xuân đưa bàn tay run rẩy lần cúc áo ngực mình. Hơi thở hối hả và gấp gáp phập phồng trong bầu ngực căng đầy. Rạng ngời dưới ánh trăng giàn giụa. Anh sững lại, ngỡ ngàng rồi say đi, vùi mặt vào ngực cô. Một mùi hương ấm sực lan tỏa trong anh. Như chết giấc. Nhưng, đúng trong khoảnh khắc ấy, anh đã kịp dừng lại, khép vạt áo của Xuân rồi ôm siết cô vào lòng. “Không! Xuân ơi… hãy đợi anh về!”. Cô gái òa khóc, nói trong nức nở: “Anh ra đi, chẳng biết… thế nào. Mũi tên, hòn đạn đâu có mắt… Ngộ nhỡ… anh chẳng trở về…”. Rồi Xuân nghẹn lại: “Thì em còn có chút gì là của anh… để mà bấu víu...”.
Anh lặng đi như hóa đá, càng ôm siết cô hơn. “Không! Xuân ơi, đừng nói vậy! Nhất định anh sẽ trở về”. Rồi anh buông tay ra, lau khô nước mắt trên khuôn mặt chị. Anh lần tìm trong túi áo ngực, lấy ra một bức thư đưa cho cô.                                                         
...Người đàn ông đứng ngoài cửa, nhìn vào, lòng cảm thấy thanh thản. Khuôn mặt tái đi vì mưa lạnh ánh lên niềm hạnh phúc. Bỗng tiếng con vàng kéo người đàn bà về thực tại, chị quay ra cửa, hốt hoảng:
- Thôi chết, anh ướt cả rồi! Cảm lạnh mất!
Vừa nói chị vừa chạy ra, tay với vội cái nón rồi giục anh xuống bếp.
Con chó vàng ngoe nguẩy cái đuôi và rên lên ư ử. Chị mở cửa, tìm cái quẹt lửa, châm đèn rồi đốt một ít lá, quay ra gọi người đàn ông:
- Anh cởi bỏ áo mưa ra! Ướt hết rồi còn gì? Vào đây tôi đốt đống lửa mà hong cho khô đi!
Người đàn ông lặng lẽ làm theo lời chị. Anh tháo bỏ tấm áo tơi và cái mũ cối cài lên then cửa rồi vào bếp. Dưới ánh sáng bập bùng của ngọn lửa, anh đứng đó, một thân hình vạm vỡ lộ ra sau manh áo ướt dính vào người. Chị vội quay đi, không dám nhìn thêm nữa. Anh kéo cái ghế con ra ngồi bên cạnh chị, khẽ rũ rũ chiếc áo đã sờn làm cho những giọt nước bay vào lửa xèo xèo. Đống lửa tỏa một vùng sáng ấm áp và rạng rỡ. Chị đặt những cành củi vào đống lá đang cháy. Người đàn bà ngồi bó gối, một tay cầm que củi cời cời những hòn than đỏ rực. Họ im lặng. Ngọn lửa liếm láp trong khoảng không. Những sợi khói xám mỏng manh ngoằn ngoèo quấn quýt quanh họ một hồi lâu rồi mới chậm chạp bay lên, dắt vào mái gianh đang tầm tã trong màn mưa. Bóng họ dập dềnh trên vách, thỉnh thoảng lại dạt vào nhau. Bên ngoài vẫn mưa xối xả.
…Từ nhỏ, Nghĩa đã là một cậu bé thông minh, hiếu động. Nghĩa ở sát nhà Xuân. Hai nhà cách nhau một cái bờ dậu đầy hoa tầm xuân. Nghĩa hơn Xuân hai tuổi. Mới năm, sáu tuổi, Nghĩa đã biết cùng bố đi bắt rắn. Nhìn thấy rắn, bọn con gái, đứa nào đứa nấy đều sợ. Xuân cũng vậy. Thế mà con Thắm không sợ rắn. Quái lạ! Nó thích đi xem thằng Nghĩa bắt rắn. Mỗi khi cu cậu kéo được con rắn nào đang ngủ kỹ trong hang ra, đút vào cái giỏ là nó lại vỗ tay reo ầm lên. Chính vì thế mà bọn trẻ con hay gán ghép hai đứa với nhau. Cứ gọi chúng là “chông vợ hài”. Thằng Nghĩa tức nổ đom đóm mắt. Có lúc tức quá, nó còn văng bậy: “Vợ chồng cái cứt gì!”. Được thể, bọn trẻ con lại càng trêu. Riêng con Thắm, mỗi lần chơi trò cô dâu chú rể, nó đều nằng nặc đòi phải được đóng chung với thằng Nghĩa. Thằng Nghĩa ghét nó lắm. Cu cậu hay nhìn trộm cô bé Tầm Xuân hàng xóm.
Rồi một hôm, được tin Tầm Xuân hay gặp một thằng tên Đức ở xóm dưới, Nghĩa tức lắm. Nó muốn sang ngay nhà Tầm Xuân hỏi xem cái thằng Đức đó là thằng nào mà cô bé lại hay gặp vậy. Nhưng vừa chạy tới cổng, nó bỗng dừng lại. Nó thấy mình thật vô lý. Năm đó, nó lên mười. Cũng năm đó, trong một lần đi bắt rắn, Nghĩa bị một con rắn độc cắn vào chân. Vì mau chóng được cấp cứu nên không nguy hiểm đến tính mạng, chỉ có điều, một chân nó đã bị thọt vĩnh viễn. Nó lớn lên với đôi cân cà nhắc ấy. Nỗi ám ảnh về một kẻ tật nguyền làm Nghĩa trở nên lầm lỳ ít nói hơn. Khuôn mặt lúc nào cũng lạnh. Dù vậy, Thắm vẫn một lòng thương Nghĩa. Một đêm trăng sáng, Thắm hẹn Nghĩa ra bờ đê rồi khóc:
- Anh ghét em vậy sao? Em một lòng với anh mà anh vẫn chối từ? Thầy u em đang bắt em lấy thằng Lý nhà Kiến đấy!
Nghĩa không đáp. Để mặc cho Thắm cứ nức nở. Một hồi lâu sau, Nghĩa chậm rãi nói:
- Tôi xin lỗi Thắm! Ép dầu ép mỡ chứ ai nỡ ép duyên! Hơn nữa, tôi lại chỉ là một kẻ tật nguyền!
Rồi sau đó, Thắm lấy Lý, con trưởng nhà lão Kiến. Hôm đón dâu, Thắm khóc như mưa. Nghĩa thoáng chút xót xa. Nhưng cuộc hôn nhân của Thắm lại hạnh phúc, đầm ấm lắm. Chỉ có mình Nghĩa là sống với những nỗi dằn vặt và đau khổ. Nhìn thấy Xuân và Đức ríu rít bên nhau, Nghĩa tủi thân lắm. Nghĩa cũng chẳng mong gì Xuân đoái hoài tới mình nữa. Anh lặng lẽ đi bên lề cuộc đời Xuân. Rồi Đức vào mặt trận, Nghĩa tật nguyền nên ở lại hậu phương tăng gia sản xuất. Anh vẫn lặng thầm săn sóc Xuân như cô bé hàng xóm thuở nào nhưng chưa một lần anh dám thổ lộ tình cảm của mình cho Xuân hiểu. Đến lúc có giấy báo tử của Đức. Một năm, hai năm, rồi mười năm trôi qua, Nghĩa vẫn không dám thổ lộ lòng mình. Để đến một chiều, khi dây tầm xuân bên bờ dậu bừng nở những bông hoa cuối, Nghĩa mới giật mình nhìn lại. Cả anh và Xuân đều đã không còn trẻ nữa. Anh quyết định cầu hôn cô cho dù đã muộn màng.
- Không, anh Nghĩa ạ! Em đã hứa với anh Đức rồi. Em sẽ đợi anh ấy trở về dù cho anh ấy chỉ còn là tro bụi. Hãy tha thứ cho em!
Sau những giây phút run lên vì tuyệt vọng, anh nắm chặt bàn tay Xuân và nói:
- Anh cũng đã hứa với lòng mình rồi. Anh sẽ đợi em cho dù mãi mãi em không bên anh.
Tầm Xuân lặng thinh. Cô cố nuốt giọt nước mắt vào lòng.
Cũng từ đấy, dây tầm xuân bên bờ dậu nhà cô không ra hoa nữa.
…Lửa đã dần tàn. Những hòn than nhỏ nổ lép bép. Tầm Xuân giật mình, quay sang hỏi Nghĩa:
- Chết chửa, anh đã ăn gì chưa? Tôi lấy cơm anh ăn nhé!
- Không, tôi ăn rồi!
Người đàn ông chậm rãi đáp.
Bên ngoài, mưa đã ngớt. Mấy con gà ở đầu bếp cứ lục tục mãi, không chịu ngủ yên. Người đàn ông quay ra phía ngoài nghe ngóng rồi quay lại bảo người đàn bà:
- Tạnh mưa rồi, chị lên nhà mà nghỉ. Tôi về đây.
Người đàn bà khẽ đáp lại. Chị vẫn không nhúc nhích. Đôi mắt chị ngập tràn ánh hồng rực rỡ. Người đàn ông với tấm áo tơi lá khoác lên người, đội mũ lên đầu rồi ra về. Con chó vàng chạy theo tiễn chân. Cái đuôi nó vẫy vẫy như một điệu chào thân mật.
Lửa đã tàn. Chỉ còn than hồng nhấp nháy. Chị thấy đôi má mình ửng đỏ. Bất chợt chị thở dài. Một tiếng sấm vương vãi rớt rơi ở cuối trời. Con vàng nghe tiếng sấm bỗng chạy ngay vào bếp, cuộn tròn bên chân chị.
*
*      *
Hai mươi năm rồi, kể từ ngày anh đi, chị vẫn lặng lẽ như cái bóng. Chỉ có giấy báo tử về mà không có hài cốt anh. Cô gái Tầm Xuân đôi mươi ngày nào, giờ đã thành một người đàn bà luống tuổi. Ngày ngày, trong bóng chiều ủ dột, người ta vẫn thấy chị âm thầm đọc bức thư của anh: “Tầm Xuân ơi, đợi ngày anh trở lại/ Dù hoa có tàn phai bởi năm tháng vô tình/ Thì em ơi, vì nguyện ước chúng mình/ Hãy tin chắc rằng: anh trở lại…”
Một hôm, Nghĩa sang bảo Xuân:
- Chị trông nhà giùm tôi ít bữa, tôi có việc phải lên mạn ngược.
- Có việc gì mà quan trọng thế?
- À… có người họ hàng trên đó cần phải lên thăm!
Tầm Xuân chợt nghĩ: “Từ hồi còn mồ ma ông cụ có thấy nói có họ hàng trên miền ngược đâu nhỉ?”. Nhưng rồi, chị khẽ đáp:
- Thôi anh cứ đi, nhà cửa để tôi trông nom…
 Nghĩa quay lưng đi, bóng người đàn ông tật nguyền xiêu vẹo trên con đường xa mờ tít tắp. Một mùa xuân mới chớm làm bung nở những cánh tầm xuân dịu ngọt khắp chân đê.
Cả tháng sau người đàn ông vẫn chưa về. Mỗi sáng, khi thức dậy, chị lại ngóng qua dậu tầm xuân - đã từ lâu chẳng nở hoa - để xem Nghĩa đã về chưa. Căn nhà vẫn im ỉm khiến lòng chị cứ thấp thỏm, bồn chồn. Những lúc ấy, chị lại vội vã quay trở vào nhà, ngước nhìn di ảnh của anh. Lời hứa ngày nào lại vang lên trong chị.
Ngày kia, Nghĩa đột ngột trở về. Người gầy rộc, bơ phờ, râu ria xổ ra, đôi mắt trũng sâu hoắm. Người đàn bà nhìn Nghĩa ái ngại…
Chiều cuối xuân, như bao buổi chiều êm đềm khác, bên những cánh tầm xuân mỏng manh phả mùi hương dìu dịu và thanh sạch, chị lặng lẽ khêu to ngọn đèn đọc lại bức thư của anh. Bỗng nhiên, chị thấy đầu óc mình quay cuồng, chao đảo. Chị nhắm mắt lại, hai tay ôm chặt đầu và hét lên rồi gục xuống bàn bất tỉnh. Ngọn đèn bị xô rơi xuống nền nhà vỡ tan. Những mảnh thủy tinh sắc ngọt lấp lánh trong bóng tối nhập nhoạng.
Nghe tiếng hét của chị, linh tính báo cho Nghĩa biết sự chẳng lành. Anh tất tả chạy sang, sững lại, rồi vội bế xốc chị lên, đưa đến trạm y tế. Những giọt máu đỏ tươi rỉ ra dưới đôi chân tật nguyền của Nghĩa vì những mảnh thủy tinh vương vãi khắp nền nhà.
Ở trạm xá, chị hôn mê suốt hai ngày, thỉnh thoảng lại khẽ thốt lên đứt quãng: “Đức ơi.. sao mãi anh không về với em…”. Nghĩa đưa tay lau khô dòng nước tuôn rơi từ khóe mắt chị. Bỗng Nghĩa thấy đôi môi chị mỉm cười thanh thản đến lạ lùng. Anh giật mình, không biết mình có hoa mắt hay không. Mà sao, chị lại như đang bị nhập đồng thế kia?
Đó cũng là lúc chính quyền địa phương bất ngờ đưa hài cốt Đức về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ. Chính Nghĩa đã đưa chị ra nghĩa trang để dự buổi đón nhận hài cốt xúc động mà không ai tin là có thật đó.
*
*      *
Đêm ấy, trong nghĩa trang, thấp thoáng một bóng trắng. Trong thứ ánh sáng nhờ nhờ của một vài vì sao nhợt nhạt ở cuối trời, người đàn bà mặc áo xô gai đang cúi rạp trước ngôi mộ mới xây với những tiếng khóc không bật ra thành tiếng. Chị ôm lá thư vào ngực rồi cười trong nước mắt:
- Em biết anh sẽ trở về!
Nói rồi, chị rút cái quẹt lửa ra đốt bỏ lá thư. Ngọn lửa cháy bùng lên rồi tắt lịm. Những tàn tro theo gió bay tứ tung, vương cả lên người chị. Chị lặng lẽ đi về phía sông. Dòng sông dâng hơi mát lạnh phả vào mặt chị. Chị đứng trước dòng sông đêm, cởi bỏ lớp áo xô gai quẳng xuống sông. Nó dập dềnh, dập dềnh trên sóng nước trôi về phía cuối nguồn. Rồi mất hút trong khoảng không. Nó sẽ trôi ra bể… Chị lần từng chiếc cúc áo của mình. Chiếc áo tuột khỏi bờ vai gầy và lặng yên nằm trên cỏ. Sương đêm trùm phủ lên áo chị. Chị nằm gọn trong lòng sông. Hương tầm xuân nở muộn ven đê lan tỏa thấm vào da thịt chị.
Một ban mai ấm áp, dây tầm xuân bên bờ dậu bỗng bừng nở những bông hoa muộn. Người đàn bà đứng trên đê và nhìn ra xa. Trong cái chòi canh ao cá, Nghĩa vẫn ngồi đó, suốt cả một đêm để trông đàn cá đang mùa vật đẻ. Con chó vàng cuộn tròn dưới chân anh. Chị hồi hộp bước về phía ấy thấy Nghĩa ngồi mơ màng nhìn những vòng sóng lan trên mặt ao. Anh quay lại, chào bằng cái nhìn vẫn dịu dàng và khắc khổ. Chị lặng lẽ ngồi xuống bên anh. Cái nhìn xuyên qua vùng hừng đông mênh mông ngập tràn sắc nắng.
- Anh Nghĩa, em đến đây để cám ơn anh vì đã đưa anh ấy trở về!
Người đàn ông ngập ngừng:
- Xuân… đừng cám ơn tôi… Đó là việc tôi nên làm, phải làm, thế thôi.
Chị quay về phía anh, nhẹ nhàng cầm bàn tay chai sạn của người đàn ông rồi nhìn thẳng vào mắt anh, khẽ nói:
- Mười năm trước, anh đã nói gì với em?
- Tôi…
Người đàn ông đột nhiên bối rối, nét mặt méo xệch đi đầy đau khổ.
- Chẳng có điều gì khiến anh phải đau khổ như vậy nữa. Em đã đợi được anh ấy trở về… Bây giờ, anh có còn muốn cưới em nữa không?
Người đàn ông lặng đi giây lát rồi nhìn lên, nói như rút ruột:
- Tất cả chỉ vì tôi không thể cầm lòng khi nhìn thấy em suốt mấy chục năm qua vò võ đợi chờ…
Người đàn bà cúi mặt. Nước mắt rơm rớm, chị nắm chặt tay anh... Phải rồi, cái gì cần đến sẽ đến!
Và ngoài kia, nương theo bóng đêm, hương tầm xuân dường như lại lặng lẽ thổi về, vương vấn…


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tập truyện ngắn Thạch Tâm

Tập truyện ngắn Thạch Tâm CÁI BÈ - QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU Nằm cách Sài Gòn khoảng hơn 100Km có một làng quê yên tĩnh suốt bốn mù...