Thứ Năm, 6 tháng 11, 2014

Mùa thu và lá vàng

Mùa thu và lá vàng 

     Xuân, Hạ, Thu, Đông bốn mùa  là chuyển biến và tuần hoàn tự nhiên của thời tiết và khí hậu trên trái đất. Tại Việt Nam, ngoài Nam bộ khái quát chỉ có hai mùa mưa nắng, phần còn lại của dải đất chữ S này có bốn mùa rõ rệt với đặc điểm khí hậu có thể diễn tả vắn tắt bằng một tính từ đi kèm như:  Xuân ấm áp, Hạ nóng nực, Thu mát mẻ và Đông lạnh lẽo. Nghĩa là thời tiết chuyển biến  từ cái lạnh của mùa Đông năm trước  sang cái ấm mùa Xuân, đến cái nóng mùa Hè, chuyển qua cái mát mùa Thu, rồi trở về với cái lạnh mùa Đông và lại tiếp tục tuần hoàn như vậy hết năm này sang năm khác.
          Mỗi “mùa” đi qua đều chi phối, hấp dẫn  con người và vạn vật theo một đặc điểm riêng, nhưng tại sao trong cả bốn mùa chỉ có mùa Thu – mà không phải là mùa Xuân, mùa Hạ, hay Đông – đã khiến cho biết bao thế hệ văn nhân, thi, nhạc sĩ phải hao tốn quá nhiều tâm sức và giấy mực mà vẫn chưa thỏa mãn? Tại sao mùa Thu lại có sức cuốn hút mãnh liệt như thế? Mời các bạn hãy cùng tôi, chúng ta thử cùng đi tìm một lời giải – nếu không trọn vẹn thì ít ra cũng thỏa mãn được phần nào tính tò mò…
            *Ngoại cảnh  

                “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
                        Mộtchiếc thuyền câu bé tẻo teo

                                               Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
                                               Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo
                                               Từng mây lơ lửng trời xanh ngắt
                                               Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
                                               Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
                                               Cá đâu đớp động dưới chân bèo”
          Đây là bài thơ Đường nổi tiếng của Tam Nguyên Yên Đỗ tiên sinh tả về cảnh thu đi câu (Thu điếu). Có lẽ đây chính là khung cảnh mùa thu ở làng quê Bắc, Trung bộ tiêu biểu nhất. Ở đó có ao thu nước trong lạnh lẽo, mặt hồ phẳng lặng có sóng gợn lăn tăn theo làn gió thu, có mây trắng bay thấp dưới trời xanh cao, có ngõ vắng quanh co và đặc biệt là lá vàng rơi nhẹ. Một khung cảnh êm ả, tĩnh mịch như vậy dễ khiến lòng người bâng khuâng, không khỏi dâng trào cảm xúc. Còn biết bao nhiêu lời thơ khác nữa diễn tả cảnh thu, như Lưu Trọng Lư với “Tiếng thu”:
                                                  “Em không nghe mùa thu
 
                                                   
 Dưới trăng mờ thổn thức?
                                                     .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .

                                                  “Em không nghe rừng thu  
                                                   
 Lá thu kêu xào xạc
                                                   
 
Con nai vàng ngơ ngác
                                                    Đạp trên lá vàng khô?"    
                                             
Quả thật với “Tiếng thu”, cái “tĩnh lặng” mùa thu đã được lột tả một cách  trọn vẹn, bởi chỉ với cái yên lặng tuyệt đối mới có thể nghe được tiếng xào xạc của lá rừng khô dưới đôi chân của con nai vàng ngơ ngác. Trăng thu, gió thu, sương thu, hơi thu, hay chiều thu, đêm thu,…tất cả những cái “tĩnh” của không gian ấy dễ khơi gợi tâm sự riêng của lòng người hơn bao giờ hết. Đó cũng là  khung cảnh lý tưởng cho những cuộc gặp gỡ, hẹn hò, của những cuộc tình lãng mạn, để rồi mai sau có lúc lại trở thành những hoài niệm của tan vỡ, chia ly…
          Nhưng trên tất cả cái không gian tĩnh lặng quyến rũ ấy, hình ảnh chiếc lá vàng rơi rụng nổi lên như một biểu tượng của mùa thu. Bởi vậy mà có “mùa thu lá vàng” hay gọi tắt là“thu vàng”. Nó như một hình ảnh nhắc nhở về sự úa tàn, rơi rụng, chia lìa của thiên nhiên cây cỏ - sau một mùa xuân tươi thắm trổ lộc đơm hoa, một mùa hè  ngọt ngào trái chín  đã qua đi trong tiếc nuối – và phía trước là một mùa đông ảm đạm, lụi tàn, khô héo và chết chóc. 
          *Nội tâm
          Đó là mùa thu của năm, hay khung cảnh xế chiều của một ngày, là những nuối tiếc về thời gian và không gian đã qua đi. Phải chăng đời người cũng vậy, cũng phải qua cái tuổi niên thiếu, thanh xuân rồi mới đến chín muồi, đến “đỉnh dốc” trước khi đành phải ngậm ngùi “trượt xuống” phía bên kia sườn dốc cuộc đời. Phải chăng ở cái tuổi  bắt đầu “đi xuống” ấy chính là buổi xế chiều của một ngày, là mùa thu của năm, là buổi xế chiều của đời người với tất cả tiếc nuối, có khi còn ngậm ngùi ân hận… Đây là mùa thu đến từ nội tâm con người chứ không thấy đâu là cảnh thu thiên nhiên trước mắt. Hàn Mặc Tử đã viết  “Buồn thu” cũng từ cái mùa thu và gió heo may nội tâm ấy chăng
                                            “Ấp úng không ra được nửa lời
                                              Tình thu bi thiết lắm thu ơi
                                              Vội vàng cánh nhạn bay đi trớt
                                              Hiu hắt hơi may thoảng lại rồi”
          Nữ sĩ TTKH cũng đã luyến tiếc một mùa thu cũ vô tư năm nào, khi hôm nay  lại phải lo sợ cho một chiều thu gặp gỡ  “người ấy” bất chợt:
                                          “Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn
                                  Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn…”
                                            “Tôi sợ chiều thu nắng phớt mờ
                                            Chiều thu hoa đỏ rụng. Chiều thu
                                            Gió về lạnh lẽo chân mây vắng
                                 Người ấy sang sông đứng ngóng đò…”
          Huy Cận thì với “thu rừng”, nội tâm của ông còn sâu lắng hơn cả Lưu Trọng Lư:
                                                   “Nai cao gót lẫn trong mù  
                                  Xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về.
                                                    Sắc trời trôi nhạt dưới khe;
                                   Chim đi, lá rụng, cành nghe lạnh lùng.
                                                   Sầu thu lên vút, song song
                              Với cây hiu quạnh, với lòng quạnh hiu…”
          Còn với  nữ sĩ Xuân Quỳnh, thì còn bài “thơ tình cuối mùa thu” nào xao xuyến, ngọt ngào hơn ?:
                   “Cuối trời mây trắng bay – Lá vàng thưa thớt quá
                     Phải chăng lá về rừng – Mùa thu đi cùng lá
                Mùa thu ra biển cả -  Theo dòng nước mênh mang
                    Mùa thu và hoa cúc – Chỉ còn anh và em
                           Chỉ còn anh và em – Là của mùa thu cũ…”

Chuyển sang âm nhạc, từ Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, cho đến các tác giả nổi tiếng khác,… đều có những cảm nhận mùa thu riêng. Nhưng hầu như tất cả đều là mùa thu của nội tâm. Nói khác là các tác giả chỉ “mượn” mùa thu thiên nhiên để nói lên “mùa thu nỗi lòng” của mình. Với Phạm Duy thì mùa thu có lúc đã là chết chóc, là vĩnh biệt, có lúc chỉ toàn là nước mắt
                                   “Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo
                                     Em nhớ cho: mùa thu đã chết rồi!”
                                 “Nước mắt mùa thu khóc ai trong chiều
                                     Hàng cây trút lá nghĩa trang đìu hiu
                             Từng chiếc từng chiếc lệ khô vàng héo…                                   “Nước mắt mùa thu khóc trong đêm dài”
                          “Nước mắt mùa thu khóc than triền miên…     
Với Trịnh Công Sơn thì mùa thu đi qua vẫn để lại nuối tiếc tuy có phần nhẹ nhàng, mông lung, hư ảo hơn:
                                     “Nhìn những mùa thu đi
                                                Em nghe sầu lên trong nắng
                                                Và lá rụng ngoài song…
                                               
 Nghe tên mình vào quên lãng
                                Nghe tháng ngày chết trong thu vàng…”
*Tương tác
Quả thật, với một áng văn  thi ca hay âm nhạc, việc phân tích hay chứng minh tác động của ngoại cảnh hay nội tâm thật không hề đơn giản. Bởi chúng có khi tương tác, có khi nội tại lẫn nhau: nội tâm chi phối ngoại cảnh hoặc ngược lại, hoặc cả hai cùng tác động theo hướng “cộng hưởng”: 
                               “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
                               
 
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ…”
Trong Truyện Kiều, Tố Như tiên sinh đã từng dùng bút pháp tả cảnh nhưng ngụ tình,nghĩa là qua thiên nhiên mà gởi gắm cái tình của nhân vật. Và bút pháp ấy đã đạt đến mức tài tình khi  ông diễn tả tâm sự của nàng Kiều ở lầu Ngưng Bích qua tám câu thơ với mở đầu bằng những “buồn trông”, tức nhìn cảnh vật qua con mắt sầu muộn của nội tâm:
                                   Buồn trông cửa bể chiều hôm
                               Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
                                              Buồn trông
 ngọn nước mới sa
                                        Hoa trôi man mác biết là về đâu
                                              Buồn trông
 nội cỏ rầu rầu
                                 Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
                                              Buồn trông
 gió cuốn mặt duềnh
                            Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi…”
 
Tóm lại,  đến đây hẵn bạn và tôi cũng đã “mường tượng” ra một lời đáp  cho câu hỏi: tại sao mùa Thu lại có sức hút mãnh liệt trong thi ca và âm nhạc đến thế. Bởi khung cảnh thiên nhiên mùa thu vốn đã ẩn chứa dồi dào cái chất thơ lãng mạn. Mùa thu lá vàng là hình ảnh quyến rũ không chỉ ở Việt Nam mà còn hấp dẫn du khách  trên khắp thế giới qua những “con đường vàng” rực rỡ ở Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Canada  và  Mỹ.  Thế nhưng trên hết, sự thu hút của mùa Thu trong thi ca và  âm nhạc Việt Nam lại không đến từ gam màu “rực rỡ” tươi vui ấy mà là đến từ  những “úa tàn” – sự  tàn úa không thể khước từ của thiên nhiên và của chính đời người: một sự gặp gỡ và cộng hưởng tuy tình cờ mà lại có “tiền duyên”. Chính nó đã thăng hoa cao độ cảm xúc của người trong cuộc.Nói cách khác, nếu không có lá vàng thì không thể gọi là mùa Thu.
 LỘC NGUYỄN
                



1 nhận xét:

  1. Chính nó đã thăng hoa cao độ cảm xúc của người trong cuộc. Nói cách khác , nếu không có lá vàng thì không thể goi là mùa thu .
    ............................
    thép hòa phát | thép hộp mạ kẽm

    Trả lờiXóa

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...