Vườn thơ thiền trong xuân
HỒNG
BỐI
Có mùa xuân là có thi ca. Thi
ca là biểu tượng, tia chớp đầu tiên của mọi ý nghĩ, ngôn ngữ, tình cảm, tâm
hồn. Cho nên cứ mỗi dịp xuân đến người ta lại ngồi quây quần bên tách trà để
nói về thơ, viết về thơ và ca tụng thơ. Thơ mùa xuân rất nhiều, lắm bài hay
nhưng khó tránh khỏi sự trùng ý, trùng từ và trùng cảnh. Bàn về thơ đã khó mà
bàn về thơ xuân lại càng khó hơn. Nhân đây chúng ta cũng thử một lần lặn lội đi
vào thâm sơn chọn lọc vài ba áng thi tiêu biểu để đem ra thưởng lãm tăng thêm
hương vị nét đẹp ngày xuân.
Mở đầu cùng thưởng thức
bài Xuân Hiểu tức là Buổi sớm mùa xuân của Mạnh Hạo Nhiên ( 689-740):
Xuân miên bất giác
hiểu
Xứ xứ văn đề điểu
Dạ lai phong vũ thanh
Hoa lạc tri đa thiểu.
“Giấc xuân trời sáng không hay
Chim kêu ríu rít từng bầy
khắp nơi
Đêm qua mưa gió tơi bời
Biết rằng hoa cũng có rơi ít
nhiều”.
Bài thơ thanh thoát thật
đẹp tả lại cảnh buổi sớm mùa xuân trong khi mọi cảnh vật đang tĩnh lặng im lìm
thì bị đánh thức bởi tiếng chim kêu ríu rít. Tiếng chim nghe ra không phải vọng
trên đầu cành cây hay bên hiên nhà mà là vọng khắp nơi, khiến tiết trời
xuân trở nên nhộn nhịp. Tác giả cũng phải ngỡ ngàng trước cái tĩnh và cái
động. Lòng không an tịnh, không yêu thiên nhiên thì khó mà thốt nên ngôn từ nhã
nhặn như thế. Chính cái nhã nhặn, bình dị làm cho lời thơ thêm phong lưu khoáng
đạt. Đặc biệt nhân tố chính ở đây là nhờ tiếng chim xuất hiện. Nếu tiếng chim
xuất hiện ngay từ câu đầu thì tứ thơ sẽ không còn trong trẻo vi tế. Trong câu
một và câu hai ta dễ dàng nhận thấy sự thanh bình sắc thái ngày xuân. Nhưng qua
câu thứ ba nó có vẻ phá đi sự thanh bình của hai câu đầu mà chúng ta vẫn còn
băn khoăn. Có lẽ câu cuối là câu hay nhất, vừa gửi gắm được tấm lòng lại nói
lên được sắc thái mùa xuân. Phải chăng tác giả làm theo trực giác cảm hứng thấy
cảnh sinh tình chớ chưa lập ý, bố cục thì phải. Nên bài Xuân Hiểu vẫn có gì đó
đọc lên chưa sướng tai so với bài Xuân Hiểu của vua Trần Nhân Tông( 1258-1308):
Thụy khởi khai song
phi
Bất tri xuân dĩ
quy
Nhất song bạch hồ điệp
Phách phách xấn hoa
phi.
“Tỉnh dậy ngó song mây
Xuân về lòng chửa hay
Chập chờn đôi bướm trắng
Thông thường trong thi ca sau
tả cảnh là tới tả tình, để lồng tình chan hòa với cảnh. Nhưng bài thơ ngũ ngôn
tứ tuyệt của vua Trần Nhân Tông đã vượt ra khỏi phạm trù níu kéo của khuôn phép
làm nên nét đặc trưng riêng “ vô tình mới thật hữu tình”. Cái nhìn của thi nhân
không khác chi “ sắc tức thị không, không tức thị sắc” cái nhìn thấu cảnh thấu
tâm mà lâng lâng thơ mộng lãng đãng trời mây, nhả hương đượm hương. Phải nói
Xuân Hiểu là một trong số bài tiêu biểu của vua Trần Nhân Tông hội đủ ba yếu tố
làm nên bài thơ toàn hảo đó là: đạt ý, truyền cảm và trì hứng. Chỉ 20 chữ đã
làm ta rung động thích thú, càng đọc lại càng muốn đọc. Xuân Hiểu của Mạnh Hao
Nhiên so với Xuân Hiểu của vua Trần khác ý thơ chỗ động và không động. Một bên
khi căn tiếp xúc trần liền bị trần chi phối ; còn một bên khi căn tiếp xúc trần
thì không mảy may để trần chi phối. Căn chỉ nhận diện trần đơn thuần. Nếu không
phải là người thoát tục, thoát khỏi sự ràng buộc của trần tâm, trần cảnh thì
khó lòng xuất khẩu thơ như vậy. Tác giả đã hòa mình với mùa xuân khiến
cho người thưởng lãm không biết ở đâu là cảnh, đâu là tình nhưng khi nhìn vào ngữ
vận ta sẽ thấy toát lên sự an nhiên, tự tại của người thấu lẽ cõi đời và sống
vui với cái vui hiện tại. Như bài Xuân Cảnh tác giả đã nói được ý muốn “ sống
đời vui đạo”.
Dương liễu hoa thâm
điểu ngữ trì
Họa đường thiềm ảnh mộ
vân phu
Khách lai bất vấn nhân
gian sự
Chỉ bạng lang cang
kháng thúy vi
“Chim kêu dương liễu nở hoa đầy
Bên mái tranh vàng mây chiều
bay
Khách vào chẳng hỏi việc
nhân thế
Đứng trước cảnh thái bình mùa
xuân, sống an nhàn với phút hiện tại thì đâu cần bàn chi nữa việc đời, việc hơn
thua thời thế. Ta hãy cùng thong dong tự tại đứng ngắm sông, ngắm núi, ngắm
cảnh vật để thấy lòng tĩnh lặng. “ Nhìn mây mắt thấy trời xanh, cho nên mắt
cũng long lanh ánh hồng”. Sự thanh nhàn, ý khoáng đạt trong bài thơ xuyên suốt
miên viễn mùa xuân âm hưởng thi vị lẫn đạo vị. Tâm là tâm Phật, Cảnh là cảnh
đạo mà đối cảnh vô tâm mới là thiền. Quả là tuyệt diệu, bất khả tư nghì. Đời Lý
và đời Trần mang đậm tư tưởng thấm nhuần đạo Phật nên thơ văn luôn có mùi vị
giải thoát nơi đạo. Vua Trần Nhân Tông tức Trúc Lâm đại sĩ đã thổi một luồn gió
mới về thi ca văn học thông qua đạo Phật. Nếu có dịp chúng ta thử tìm đọc cuốn
“ Trái tim của Trúc Lâm đại sĩ” ta sẽ thấy thiền ngữ người xưa tuyệt diệu siêu
việt cỡ nào, nói chi tiết về cách sống thanh nhàn nhưng luôn vui ở với đạo.
Thơ xuân hay, phần nhiều
là của các bậc thiền sư giác ngộ, đã thấu tỏ chân lý việc đời. Hay ở chỗ dung
dị mà cao sang, gần gũi lại thoát tục, khách chơi thơ đọc lên sẽ cảm nhận có uy
linh gì đó vượt cả nghệ thuật. Nghệ thuật, không phải nghệ thuật mà chính là
nghệ thuật. Đây chính là diệu dụng ngôn ngữ cửa thiền. Chúng ta muốn hiểu
thiền, trước phải biết tu tâm dưỡng tánh. Nếu không thì suốt đời ta không bao
giờ hiểu được ngôn ngữ thiền. Hai câu thơ của Mãn Giác thiền sư ( 1052-1096):
Mạc vị xuân tàn hoa
lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất
chi mai
“Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua, sân trước một
cành mai”.
đủ cho chúng ta thấy ánh sáng
bản thể chân như của chúa xuân là bất diệt, không bao giờ mất hẳn. Khi hồn xuân
đủ nhân duyên thì nó hiển thị ra bên ngoài, còn khi thiếu nhân duyên thì lùi về
tiềm tàng bên trong. Hai câu của thiền sư là hai câu xứng tầm khó ai sánh bì,
nó đặc biệt vì “ý tại ngôn ngoại” bắt chúng ta phải liễu ngộ theo trực giác
linh tính của mình. Trong thơ đã hàm ý chân lý và chân lý ta phải tự suy
nghiệm. Từ cổ chí kim, biết bao nhà thơ đã ngồi suy nghiệm, suy nghiệm bản thể
“ Mạc vị xuân tàn” để rồi đột nhiên thốt lên giữa hư vô nơi trường mộng của đêm
dài hoang vu “ Mùa xuân hiện giữa ngàn mai/ Nguyên hình nữ chúa trên ngày phù
du” hay “ Xin chào nhau giữa con đường/ Mùa xuân phía trước miên trường phía
sau” (Bùi Giáng). Đứng trước cảnh xuân thi nhân không những cảm nhận bằng mắt,
bắt bằng tâm mà cả bằng lý trí nữa, và mỗi thi nhân có mỗi vẻ cảm nhận tự thể
mùa xuân riêng.
Những nhà thơ chân chính thường
lấy thi ca để tịnh dưỡng tâm hồn, làm cho tánh tình mình ngày mỗi sắc bén linh
động hễ thấy cảnh là thấy tình. Cảnh là cảnh xuân và tình là tình thơ, mà xuân
với thơ thường có mối duyên nợ tự ngàn xưa. Cho nên thơ xuân nhiều hơn thơ gió,
thơ trăng, thơ thu, thơ đông… Lạc Nam vì chút tức tưởi cái duyên nghiệp nợ cầm
mang “xuân và thơ như hình với bóng” nên vội đề:
Xuân tự ngàn xưa bạn với thơ
Tình xuân là cả vạn lời thơ
Đẹp duyên hoa bút, xuân
ngời sắc
Rộn khúc xuân thiều, nhạc
ánh thơ.
Xuân vắng, oanh hờn, dầu dáng
liễu
Xuân về hương tỏa ngát lời thơ
Xuân nương, thi sĩ, đôi
ngời ngọc,
Dệt mộng ngày xuân lấy ý
thơ".
Thơ xuân mà làm được nội dung
như vậy quả là tài. Không sắc nhưng khó chê khó bắt bẻ. Chỉ dùng một vận “ơ”
gây thành một âm điệu mới mẻ, xưa nay tìm hiếm gặp. Nhịp tiếp bài thơ thả từ
đúng chổ, đúng điệu mà khách chơi thơ thường gọi là “ thất ngôn bát cú song điệp
vận”. Bài thơ của Lạc Nam tiếp ý, tiếp từ nhẹ nhàng du dương uyển chuyển. Đặc
biệt bao tâm huyết được dồn về đặt nơi câu kết nên ý và lời nhã nhặn.
Thơ xuân là chút tình của người
nghệ sỹ, gởi chút lòng mong đem tình cảm phơi bày với thế nhân. Thơ của Mạnh
Hao Nhiên, của Trúc Lâm đại sĩ, của Mãn Giác thiền sư, của Lạc Nam đều là
những áng thơ hay, công phu tuyệt đỉnh. Cho nên trong cảnh xuân mới về mỗi nhà
thơ là mỗi con mắt thiền, thấy rõ thực tại chân lý cuộc đời, xuân là miên viễn,
cảnh là vô thường. Dẫu đời có thăng trầm, có vui khổ nhưng bản chất tinh thể
xuân muôn đời vẫn là xuân. Xuân là tánh, cảnh là tướng, mà vốn dĩ tánh bất biến
còn tướng tùy duyên. Nói như vậy là để mở ra một lối thoát cho thi nhân, để thi
nhân có quyền nắn tạo nên một thế giới thanh sắc thi ca ngôn ngữ chân lý mới.
Vì tất cả nghệ thuật của thi ca là lối bày tỏ hiểu biết trực giác tâm linh của
mình qua ngôn ngữ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét